Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Điều cần biết
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội – ASPD là một dạng rối loạn nhân cách nguy hiểm với những sự không thích ứng với các nguyên tắc, quy định liên quan đến đạo đức và pháp luật. Đặc trưng của ASPD là sẽ khởi phát ở thời thơ ấu hoặc những năm đầu thiếu niên và tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành.
Thế nào là rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)?
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội được viết tắt là ASPD – Antisocial Personality Disorder hoặc Psychopath là một dạng rối loạn nhân cách bất thường được đặc trưng bởi sự chống đối, coi thường, không tuân thủ các quy định của pháp luật, làm trái với quy tắc đạo đức xã hội dẫn đến các hành vi liều lĩnh, lừa gạt. Tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn gây ra hàng loạt các hậu quả liên quan đến quyền lợi, nhân phẩm của con người.
Thông thường, các đặc tính của bệnh sẽ phát triển sớm trong giai đoạn cuối của thời thơ ấu hoặc bước đầu vào độ tuổi thiếu niên. Trước 18 tuổi thì tình trạng này sẽ được chẩn đoán là chứng rối loạn hành vi. Những trẻ bị rối loạn ứng xử có thể gặp phải các triệu chứng như ăn cắp, nói dối, thờ ơ, phớt lờ các quy định hoặc có hành động bắt nạt, uy hiếp bạn bè.
Nếu trẻ được phát hiện và điều trị sớm thì tình trạng bệnh có thể mau chóng thuyên giảm và không tiếp tục kéo dài cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu cha mẹ lơ là không tiến hành thăm khám và can thiệp kịp thời khiến cho các hành vi sai lệch vẫn tiếp tục thì dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán có thể tiến triển thành rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở độ tuổi 18.
Theo khảo sát nhận thấy, tỉ lệ nam giới mắc phải chứng ASPD sẽ cao hơn so với nữ giới. Các chuyên gia cũng đã ước tính được rằng, có khoảng từ 1 đến 3,6% tổng dân số thế giới mắc bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội và trong đó có đến 3% là nam giới và 1% là nữ giới.
Qua các cuộc nghiên cứu chuyên khoa, các nhà khoa học cũng đã phân loại rối loạn nhân cách chống đối xã hội thành 3 dạng cụ thể như sau:
- Dạn bất hòa – disaffiliated type: Đây được xem là dạng ASPD phổ biến nhất khiến cho người bệnh mất dần sự kết nối với thế giới thực tại. Từ đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ xung quanh, thậm chí có nhiều trường hợp người bệnh dần tách biệt, cô lập bản thân.
- Dạng thù hận – hostile type: Một số biểu hiện điển hình như bốc đồng, hiếu chiến, sử dụng bạo lực, kích động, giận dữ, cáu gắt và luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu.
- Dạng lừa gạt và nói dối – cheated or aggressive type: Những người mắc phải dạng bệnh này luôn có cảm giác bản thân bị phản bội, lừa dối, đối xử bất công. Từ đó họ sinh ra lòng hận thù, muốn chống đối với tất cả, họ luôn nghĩ rằng thế giới này không phù hợp, không đứng về phía họ.
- Dạng thiếu cảm thông – disempathetic type: Đây là tình trạng mà người bệnh dành sự quan tâm hết mực đối với những người thân thiết, yêu thương nhưng lại vô cùng thờ ơ, vô cảm hoặc thậm chí là nhẫn tâm với những người xung quanh, xem họ như một công cụ để phục vụ cho những nhu cầu, lợi ích cá nhân.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách chống đối xã hội
(ASPD)
Thông thường, một người được chẩn đoán mắc phải chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ phải khởi phát bệnh trước tuổi trưởng thành, sau đó kéo dài các triệu chứng cho đến năm 18 tuổi. Những đối tượng này luôn có hành vi, cách cư xử chống đối và làm sai lệch các chuẩn mực, quy tắc của xã hội. Bệnh nhân sẽ có nhiều xu hướng thực hiện các hành động làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người xung quanh và bất chấp đúng sai, không lường trước mọi hậu quả.
Một số dấu hiệu giúp bạn có thể nhận biết về tình trạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội như:
- Có thái độ coi thường và xâm phạm đến các quyền lợi hợp pháp của người khác.
- Liên tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chẳng hạn như lừa đảo, trộm cắp, buôn bán ma túy, phóng hỏa, cố ý gây thương tích, đối xử tàn độc với động vật.
- Không tôn trọng và tuân thủ đúng các chuẩn mực đạo đức xã hội, quy định pháp luật, thậm chí còn có những hành vi, lời nói thách thức, kinh khi.
- Bất chấp mọi hành vi để đạt được những điều mà mình mong muốn, hành động không suy tính, không phân biệt đúng sai.
- Dễ nóng giận, bốc đồng, háo thắng, thích gây hấn, khiêu chiến, đả kích, nóng nảy.
- Không có trách nhiệm với bản thân và những người bên cạnh, chẳng hạn như không chăm lo cho con cái, không thanh toán các hóa đơn hàng tháng, không trả nợ,…
- Thờ ơ, không quan tâm hoặc thậm chí là có thái độ khinh thường, miệt thị cảm xúc, suy nghĩ của người khác.
- Có xu hướng phá hoại, xâm chiếm, chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Không thể duy trì tốt một mối quan hệ lâu dài bởi tính chiếm hữu, lợi dụng, thiếu trách nhiệm, hay đổ lỗi thậm chí có xu hướng ngoại tình. Phần lớn những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ không thể tạo dựng được một gia đình hạnh phúc và thường chỉ chung sống với nhau trong một thời gian ngắn, sau đó dễ dẫn đến tình trạng ly thân hoặc ly hôn.
- Người bệnh hoàn toàn không có ý thức và biết nhận lỗi. Họ không hề hối hận hay cảm thấy có lỗi về những hành vi tồi tệ mà mình đã làm. Không có bất kì sự thấu hiểu hay đồng cảm nào với nỗi đau, sự mất mát của người khác.
- Liên tục biện minh, đưa ra những lời giải thích về các hành vi sai trái, lệch lạc của mình. Họ cho rằng bản thân bị đối xử không công bằng, những người khác đáng bị trừng phạt, bản thân cần phải nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn,…
- Luôn kiêu ngạo, tự tin thái quá về bản thân, cho rằng mình có tài năng, ngoại hình, các yếu tố nội bật hơn người và thường không nghe lời khuyên từ bất kì ai.
- Những người rối loạn nhân cách chống đối xã hội lại có kỹ năng giao tiếp tốt, họ khá nhanh nhẹn, nắm bắt rất nhanh. Một số người chăm chút rất nhiều cho vẻ bề ngoài, họ muốn biến mình thành người quyến rũ để có thể đạt được những mục tiêu tiền bạc, tình dục của bản thân.
Những biểu hiện của ASPD rất đa dạng, tùy vào độ tuổi, giới tính, môi trường sống của mỗi người mà họ sẽ xuất hiện các triệu chứng với những hành vi riêng biệt. Tuy nhiên, dù tồn tại dưới hình thức nào thì chứng bệnh này cũng gây nên hàng loạt các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, đời sống hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng, quyền lợi của người khác. Thông thường những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ có nhiều khả năng biến thành tội phạm do liên tục thực hiện các hành vi phạm pháp, trái quy luật xã hội.
Phân biệt ASPD ở trẻ em và người trưởng thành
Trên thực tế, bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có biểu hiện tương đối rõ ràng. Tuy nhiên căn bệnh này lại có phần dễ bị nhầm lẫn với chứng tự kỷ, đặc biệt là ở trẻ em.
Biểu hiện ASPD ở trẻ em và người trưởng thành cũng sẽ có một số điểm khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở người trưởng thành
Ở người trưởng thành, ASPD cũng sẽ có biểu hiện khác nhau ở từng người. Bên cạnh đó, các triệu chứng còn có khả năng sẽ thay đổi tùy theo từng giai đoạn. Các dấu hiệu cơ bản có thể bao gồm:
- Thiếu sự đồng cảm
- Xem thường các quy chuẩn về cả đạo đức và luật pháp
- Tỏ ra quyến rũ hoặc dí dỏm
- Kiêu ngạo
- Bốc đồng
- Cố tình gây ra các hành vi xâm phạm
2. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở trẻ em
Trẻ em thường đang trong quá trình tìm hiểu cũng như dần thích nghi với các ranh giới xã hội. Trẻ thường xuyên có các hành vi chống đối xã hội thường sẽ được xếp vào tình trạng rối loạn hành vi.
ASPD ở trẻ em có thể đi kèm với một số hành vi thường thấy sau đây:
- Vi phạm và phá vỡ các quy tắc
- Phá hoại liên tục với các mức độ tăng dần
- Thích các hoạt động bạo lực
- Thường xuyên nói dối
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Các nhà khoa học cho biết rằng, không có bất kì nguyên nhân đơn lẻ nào có thể gây ra chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Cũng bởi nhân cách của mỗi người sẽ được hình thành từ trong cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của họ. Nói một cách dễ hiểu đó chính là nhân cách sẽ được hình thành ngay từ nhỏ. Qua thời gian phát triển và trưởng thành sẽ bị tác động nhiều bởi yếu tố di truyền và môi trường khiến cho nhân cách phát triển cao hơn.
Hiện nay, vẫn chưa có bất kì công bố chính thức nào về nguyên nhân gây ra chứng ASPD. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố nguy cơ như sau:
- Di truyền: Cũng giống như các chứng rối loạn tâm thần, nhân cách khác, ASPD cũng có thể khởi phát do một số yếu tố di truyền. Tuy nhiên, không có bất kì một yếu tố riêng lẻ nào được cho là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
- Yếu tố môi trường: Như đã chia sẻ ở trên, môi trường là yếu tố tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Nếu trong quá trình lớn lên trẻ gặp phải các tổn thương hoặc sang chấn tâm lý như bị lạm dụng khi còn thơ ấu, cha mẹ bạo hành, hà khắc, bị bỏ rơi thì nguy cơ phát triển ASPD sẽ cao hơn so với những trẻ có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ.
- Do lối sống: Theo số liệu thống kê nhận thấy, có đến hơn 50% các trường hợp bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có vấn đề về lạm dụng các chất gây nghiện, chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc lá,…
- Giới tính: Đây cũng là một trong các yếu tố có ảnh hưởng đến chứng ASPD. Bởi tỉ lệ nam giới mắc bệnh sẽ có hơn so với nữ giới.
- Đặc điểm tính cách: ASPD cũng là chứng rối loạn nhân cách có sự liên quan đến tính cách của mỗi người. Thông thường những đối tượng có tính bạo dâm, ái kỷ sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với bình thường.
- Sự bất thường ở não bộ: Trong một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, rối loạn nhân cách chống đối xã hội chủ yếu sẽ gặp nhiều ở những người bị chấn thương sọ, viêm não, tổn thương não. Những tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến vùng não ở phần thái dương, trán làm rối loạn chức năng vận chuyển serotonin.
- Ảnh hưởng của các bệnh tâm thần: Những người bị rối loạn thách thức chống đối, rối loạn hành vi, rối loạn tăng động giảm chú ý khởi phát trước tuổi 15 và không được can thiệp phù hợp sẽ có nhiều khả năng phát triển thành ASPD.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội có nguy hiểm không?
Theo nhận định của các chuyên gia thì rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một chứng bệnh nguy hiểm với tiên lượng xấu nhất trong các loại rối loạn nhân cách. Bởi những người mắc phải ASPD sẽ có xu hướng chống đối, làm trái lại với những quy định, chuẩn mực, khuôn khổ của xã hội. Họ sẽ liên tục thực hiện các hành vi nhằm đạt được mục đích của bản thân, bất chấp đúng sai, không quan tâm đến quyền lợi, cảm xúc, tín mạng của người khác.
Nguy hiểm hơn là bản thân người bệnh không hề cảm thấy có lỗi, họ không nhận thức được những điều sai trái mà bản thân đã làm và có nhận thức méo mó, lệch lạc về cuộc sống. Người bệnh luôn có những lý lẽ để biện minh và bảo vệ cho những hành động mà mình đã làm, họ cho rằng xã hội bất công và họ đã phải chịu rất nhiều sự thiệt thòi.
Trong thực tế đã có không ít các trường hợp bệnh nhân rối loạn nhân cách chống đối xã hội liên tục vướng vào những cuộc xung đột, gây hấn, nghiện ngập hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp, chống đối lại toàn xã hội. Người bệnh có nhiều xu hướng lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất cấm, quan hệ tình dục không an toàn gây ra hàng loạt các hậu quả nghiêm trọng.
Do mức độ nguy hiểm của bệnh không thể kiểm soát được nên các chuyên gia thường khuyến khích người bệnh tiến hành điều trị nội trú để thuận tiện cho việc theo dõi và ngăn chặn tốt các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê nhận thấy có đến hơn 70% các trường hợp người bệnh không chấp nhận điều trị hoặc bỏ dở vì cho rằng bản thân không hề mắc phải chứng bệnh tâm thần nào, họ coi thường các chẩn đoán và lời nói của bác sĩ.
Bên cạnh đó, quá trình điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội hiện cũng gặp phải rất nhiều thách thức và cản trở. Vì thế, nếu không thể phát hiện ở giai đoạn sớm và tiến hành điều trị đúng phương pháp thì khó có thể cải thiện được hoàn toàn nhận thức, suy nghĩ của người bệnh. Bệnh nhân sẽ dần bị lệch lạc và méo mó về nhận thức, trở thành gánh nặng và mối đe dọa của gia đình cùng toàn xã hội.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)
Hiện nay, các chuyên gia, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán các biểu hiện sàng lọc của rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Các bác sĩ sẽ xem xét và đánh giá về tiền sử sức khỏe của người bệnh, thực hiện thăm khám tổng quát để có được nhận định cụ thể về các triệu chứng của người bệnh.
Hiện nay, vẫn chưa có bất kì xét nghiệm hình ảnh hay xét nghiệm máu nào có khả năng chẩn đoán chính xác về rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Nếu nghi ngờ một người mắc bệnh ASPD thì các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân đến gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được đánh giá về các hành vi bất thường.
Một số chẩn đoán thường gặp như:
- Có hành động bốc đồng, lỗ mãng, không quan tâm đến hậu quả có thể xảy ra.
- Không để tâm, thờ ơ, lạnh nhạt và bất cần về các quyền lợi, sự riêng tư của người khác.
- Không có tính trách nhiệm, hành động một cách liều lĩnh.
Bên cạnh đó, để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ chuyên khoa còn tiến hành chẩn đoán phân biệt để loại bỏ các yếu tố, bệnh lý tương tự. Cũng bởi một số vấn đề rối loạn tâm thần khác cũng sẽ có các triệu chứng giống với ASPD. Một số rối loạn dễ bị nhầm lẫn như:
- Rối loạn nhân cách tự ái
- Rối loạn nhân cách ranh giới
- Rối loạn lạm dụng dụng chất
Phương pháp điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Hiện nay, rối loạn nhân cách chống đối xã hội vẫn chưa có bất kì phác đồ điều trị cụ thể. Tuy nhiên, liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc có khả năng giúp người bệnh kiểm soát các hành vi, suy nghĩ sai lệch và hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của bệnh. Trong kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, tuy ASPD khởi phát từ sớm nhưng sẽ biểu hiện nghiêm trọng và tồi tệ nhất ở độ tuổi từ 24 đến 44, sau đó sẽ có xu hướng thuyên giảm và cải thiện tốt sau tuổi 45.
Việc có thể sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp điều chỉnh hành vi đúng cách sẽ giúp giảm bớt các tác hại đối với người bệnh và những người xung quanh. Việc duy trì tốt các mối quan hệ lành mạnh, đồng thời có một hệ thống y tế hỗ trợ tốt chính là các yếu tố quan trọng đối với quá trình kiểm soát và quản lý rối loạn nhân cách chống đối xã hội lâu dài.
1. Sử dụng thuốc điều trị ASPD
Trong thực tế vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được nghiên cứu và công nhận cụ thể về công dụng điều trị chứng ASPD. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể hỗ trợ kiểm soát tốt cảm xúc, các triệu chứng quá khích, bất thường của bệnh nhân, giảm bớt tính hung hăng, bốc đồng và cân bằng tâm trạng tốt hơn.
Một số loại thuốc có thể được cân nhắc sử dụng cho người bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội như:
- Thuốc chống trầm cảm giúp điều chỉnh tốt mức serotonin bên trong não bộ. Chẳng hạn như sertraline và fluoxetine.
- Thuốc ổn định tâm trạng sẽ giúp người bệnh kiểm soát và cân bằng tốt các thay đổi tồi tệ trong hành vi và tâm trạng. Chẳng hạn như lithium và carbamazepine.
- Thuốc chống loạn thần có khả năng kiểm soát tốt các hình vi gây hấn, bạo lực, nổi loạn của người bệnh. Có thể sử dụng một số loại thuốc như risperidone và quetiapine.
Tuy nhiên, các loại thuốc hỗ trợ điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì thế khi được chỉ định sử dụng thuốc để phục hồi sức khỏe thì người bệnh ASPD cần lưu ý một số điều sau:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của chuyên gia. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về tự sử dụng để tránh gây ra các hậu quả đáng tiếc.
- Tuân thủ đúng theo các yêu cầu dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa, uống đúng thuốc, đúng giờ, đúng liều lượng.
- Tuyệt đối không được tự ý ngừng sử dụng thuốc đột ngột khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Trong thời gian điều trị không nên uống rượu bia, sử dụng chất kích thích để tránh làm giảm công dụng của thuốc.
- Người bệnh cần phải khai báo trung thực về các loại thuốc đã và đang sử dụng để tránh tình trạng tương tác thuốc.
- Trong quá trình uống thuốc nếu có xuất hiện bất kì triệu chứng bất thường nào thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
2. Liệu pháp tâm lý điều trị ASPD
Áp dụng các liệu pháp tâm lý trong quá trình cải thiện rối loạn nhân cách chống đối xã hội luôn đạt được hiệu quả cao và an toàn cho hầu hết các đối tượng bệnh. Tâm lý trị liệu được xem là phương pháp chủ yếu có thể giúp bệnh nhân kiểm soát và điều chỉnh tốt hành vi, nhận thức của mình.
Thông qua các buổi trò chuyện và trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia, người bệnh sẽ nhìn nhận được các hành vi, suy nghĩ sai lệch của bản thân để có biện pháp điều chỉnh và khắc phục thật hiệu quả. Nhờ đó mà họ có thể khống chế và ngăn chặn các hành vi chống đối, vi phạm pháp luật và các chuẩn mực xã hội của bản thân.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho quá trình trị liệu, đồng thời hạn chế tối đa các nguy cơ gây hại của người bệnh thì cách duy nhất là cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội. Với một vài trường hợp sẽ được áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi. Tuy nhiên, quá trình trị liệu cần phải có thời gian để người bệnh có thể xây dựng và điều chỉnh lại các hành vi, nhận thức nguy hiểm và sai trái của họ.
Sau một thời gian trị liệu, nhận thấy người bệnh đã dần phục hồi các chức năng và tư duy ổn định hơn thì các chuyên gia sẽ bắt đầu hướng dẫn cho họ về cách kiểm soát và điều chỉnh các cơn giận dữ của bản thân. Bệnh nhân sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc, hạn chế nóng giận để không hành động một cách bồng bột, thiếu suy nghĩ.
Bên cạnh đó, tâm lý trị liệu còn có thể giúp cho người bệnh nâng cao các kỹ năng cần thiết, phục vụ tốt cho các sinh hoạt đời sống hàng ngày. Tuy rằng, liệu pháp này được giới chuyên môn đánh giá khá cao về hiệu quả trị liệu bệnh tâm thần nhưng đối với rối loạn nhân cách chống đối xã hội không phải lúc nào cũng thành công, đặc biệt là khi người bệnh không hợp tác trị liệu, thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình.
Bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc biết thêm một số thông tin hữu ích về chứng bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Tuy rằng đây là một bệnh lý nguy hiểm với tiên lượng xấu nhưng nó nếu có thể sớm phát hiện và kiên trì điều trị thì vẫn có nhiều khả năng phục hồi, người bệnh hoàn toàn có thể hòa nhập với cuộc sống hiện tại.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý (ADHD) Là Gì? Điều Trị Thế Nào?
- Dấu Hiệu Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Ở Trẻ Và Cách Chữa Trị
- Hội Chứng ADHD Ở Người Lớn: Biểu Hiện Và Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!