Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là gì? Cách khắc phục
Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là một dạng rối loạn tâm lý khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trẻ mắc chứng bệnh này thường có hành vi tiêu cực, thách thức với người lớn, tâm trạng nóng nảy và dễ tức giận.
Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là gì?
Rối loạn thách thức chống đối còn được gọi là rối loạn bướng bỉnh chống đối (Tiếng Anh: Oppositional Defiant Disorder/ ODD). Chứng bệnh này được xác định có mối liên hệ mật thiết với rối loạn hành vi và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Rối loạn thách thức chống đối là một dạng rối loạn tâm lý – hành vi xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên với đặc điểm là các hành vi thách thức, tiêu cực và thậm chí là thù địch có tính chất thường xuyên và dai dẳng. Các hành vi thường nhắm đến những người lớn hơn trẻ như thầy cô giáo, bố mẹ và anh chị em.
Tỷ lệ người mắc chứng bệnh này rơi vào khoảng 15%. Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn nữ nhưng sau giai đoạn này, tỷ lệ mắc bệnh là ngang nhau. Các triệu chứng của rối loạn thách thức chống đối có thể bị nhầm lẫn với rối loạn hành vi. Tuy nhiên, về cơ bản hai bệnh này có đặc điểm khác nhau và ODD được đánh giá có mức độ nhẹ hơn.
Rối loạn thách thức chống đối không ảnh hưởng quá nhiều đến việc học và khả năng kết bạn của trẻ. Dù vậy, gia đình vẫn cần quan tâm đến con cái để có biện pháp xử trí kịp thời. Bởi nếu không được điều trị, bệnh lý này có thể gây ra một loạt những biến chứng và hậu quả lâu dài.
Nhận biết trẻ bị rối loạn thách thức chống đối
Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường có hành vi quấy rầy, phá phách nhắm đến những đối tượng lớn tuổi của trẻ như bố mẹ, thầy cô và anh chị em. Thậm chí, một số trẻ còn giữ thái độ thù địch với những người thân trong gia đình.
Trên thực tế, biểu hiện của ODD dễ bị nhầm lẫn với tính cách hiếu động, phá phách ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Nếu không chú ý, gia đình có thể bỏ lỡ các triệu chứng bất thường dẫn đến việc chậm trễ trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn thách thức chống đối:
– Tâm trạng cáu kỉnh, nóng nảy và tức giận:
- Hay bực bội, tức giận – kể cả với những sự việc không có tính chất nghiêm trọng
- Thường xuyên mất bình tĩnh và dễ kích động
- Tâm trạng dễ bị ảnh hưởng bởi người khác (thường cảm thấy khó chịu, bực bội trước hành vi của những người xung quanh)
– Hành vi và lập luận có tính thách thức, chống đối:
- Thường xuyên tranh luận với người lớn hoặc những người có quyền lực hơn trẻ như thầy cô giáo, anh chị,…
- Từ chối tuân thủ các yêu cầu, quy tắc do người lớn đặt ra.
- Đổ lỗi cho người khác về tội lỗi và hành vi sai trái của chính mình
- Cố ý làm phiền mọi người và thường xuyên lặp đi lặp lại các hành vi này khiến những người xung quanh khó chịu
– Xu hướng thù hằn:
- Có tính thù dai và ác cảm với lời nói, hành vi của người khác
- Hành vi thể hiện rõ sự thù hằn với những người xung quanh và xảy ra ít nhất 2 lần/ 6 tháng. Các hành vi trả thù thường là hành vi làm phiền người khác, không phải là hành vi bạo lực và lừa dối như trẻ bị rối loạn hành vi.
Ngoài ra, trẻ bị rối loạn thách thức chống đối (ODD) còn những triệu chứng khác như:
- Không nhận thức được sự phiền toái của bản thân đối với những người xung quanh và trẻ gần như không thấy bản thân có điểm gì bất thường so với những người khác khác.
- Lời nói thiếu cảm xúc
- Thiếu sự đồng cảm, cứng nhắc
- Suy nghĩ đơn chiều, bảo thủ và khó thay đổi
- Có suy nghĩ bản thân bị đối xử bất công và hà khắc hơn so với bạn bè hoặc anh chị em
Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, rối loạn bướng bỉnh chống đối cũng được chia thành nhiều mức độ:
- Mức độ nhẹ: Triệu chứng chỉ xuất hiện trong một môi trường cụ thể (thường là ở nhà nhưng cũng có khi xảy ra ở trường học).
- Mức độ trung bình: Các dấu hiệu ODD xuất hiện ở ít nhất 2 môi trường khác nhau.
- Mức độ nghiêm trọng: Xảy ra ở hầu hết các tình huống, môi trường có mặt trẻ.
Các triệu chứng của ODD thường xuất hiện rất sớm khoảng từ 3 – 5 năm tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp xuất hiện muộn hơn trong giai đoạn thiếu niên và kéo dài dai dẳng trong ít nhất 6 tháng.
Nguyên nhân gây rối loạn thách thức chống đối (ODD)
Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây rối loạn thách thức chống đối (ODD). Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu, có thể khẳng định được vai trò của di truyền và yếu tố môi trường trong cơ chế bệnh sinh. Bên cạnh đó, đặc điểm tính cách, cách giáo dục,… cũng là yếu tố có liên quan đến bệnh lý này.
Một số nguyên nhân, yếu tố được xác định có liên quan đến bệnh rối loạn bướng bỉnh chống đối (ODD):
1. Di truyền
Hầu hết các rối loạn tâm lý, tâm thần đều có liên quan đến di truyền. Các chuyên gia nhận thấy, trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường có bố, mẹ hoặc anh chị em ruột mắc chứng bệnh này. Bên cạnh đó, một số trường hợp có tiền sử gia đình bị rối loạn hành vi và rối loạn tăng động giảm chú ý.
2. Môi trường sống
Môi trường sống cũng là yếu tố có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn thách thức chống đối. Các chuyên gia nhận thấy, trẻ mắc chứng bệnh này thường phải đối mặt với các vấn đề sau:
- Bị ngược đãi từ thời thơ ấu
- Bố mẹ hay xảy ra bất hòa, tranh cãi và mâu thuẫn
- Môi trường sống xung quanh thường xuyên có bạo lực, ẩu đả và có những thói quen không lành mạnh
- Gia đình giáo dục quá khắc nghiệt hoặc cách giáo dục không nhất quán
- Trẻ sống trong gia đình thiếu sự quan tâm hoặc bị lạm dụng cũng có nguy cơ cao bị rối loạn thách thức chống đối
Có thể thấy, môi trường sống và cách giáo dục không lành mạnh ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của con trẻ. Một số trẻ sẽ có vấn đề tâm lý khi lớn lên nhưng cũng có những trẻ khởi phát sớm các vấn đề tâm lý mà thường gặp nhất là rối loạn thách thức chống đối.
3. Một số yếu tố khác
Ngoài di truyền và ảnh hưởng từ môi trường, rối loạn bướng bỉnh chống đối cũng có liên quan đến những yếu tố sau:
- Đặc điểm tính cách: Các nghiên cứu cho thấy, trẻ nhỏ có tính cách nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc và hành vi sẽ có nguy cơ bị rối loạn thách thức chống đối cao hơn bình thường. Trong khi đó, những trẻ có tính cách nhút nhát, e ngại, thiếu tự tin và sống hướng nội gần như không có nguy cơ mắc chứng bệnh này.
- Ảnh hưởng từ gia đình: Ngoài vấn đề di truyền, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thái độ, cách ứng xử và hành vi của các thành viên trong gia đình. Một số trẻ có thể nảy sinh hành vi chống đối do học theo anh chị em hoặc chính bố mẹ. Đây là lý do vì sao gia đình cần tạo môi trường lành mạnh để con trẻ có thể phát triển các phẩm chất tốt và hướng đến những giá trị bền vững trong cuộc sống. Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường có bố mẹ sử dụng chất kích thích, nghiện rượu bia, mắc bệnh tâm thần hoặc nhân cách không tốt.
- Ảnh hưởng từ nhà trường: Ngoài gia đình, môi trường học đường cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, những hành vi chống đối của trẻ có thể bắt nguồn từ việc giáo viên phân xử không công bằng hoặc thiếu nhất quán trong việc kỷ luật. Mặc dù còn nhỏ nhưng trẻ đã nhận thức được sự bất công và có phản ứng bằng cách chống đối, vi phạm các quy tắc được đặt ra.
- Ảnh hưởng từ bạn bè: Trẻ cũng có thể bị rối loạn thách thức chống đối do học theo thái độ và hành vi chống đối, quậy phá từ bạn bè. Chính vì vậy, gia đình cần phải đặc biệt quan tâm đến bạn bè của trẻ trong suốt thời gian đi học.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường có khả năng ngôn ngữ kém nên không thể lập luận một cách sắc sảo và khó khăn khi bày tỏ ý nghĩ của bản thân. Vì vậy, trẻ sẽ dùng hành vi chống đối và thách thức thay vì giải quyết mọi việc bằng lời nói. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở trẻ bị rối loạn hành vi.
Biến chứng của rối loạn thách thức chống đối
Nhìn chung, rối loạn thách thức chống đối có biểu hiện nhẹ hơn so với rối loạn hành vi. Trẻ mắc chứng bệnh này vẫn có thể học tập và kết bạn. Nếu triệu chứng chỉ xảy ra trong phạm vi gia đình, ảnh hưởng của bệnh thường khá hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ có phản ứng chống đối ở nhiều môi trường, mức độ ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn. Đồng thời quá trình điều trị đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và bác sĩ chuyên khoa.
Mặc dù mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn so với rối loạn hành vi nhưng rối loạn thách thức chống đối vẫn gây ra các hậu quả, biến chứng nghiêm trọng – nhất là khi trẻ không được thăm khám và điều trị kịp thời. Những ảnh hưởng của chứng ODD đối với sức khỏe và cuộc sống của trẻ:
- Giảm hiệu suất học tập
- Có xu hướng sử dụng rượu bia, chất kích thích
- Có các hành vi chống đối ở phạm vi rộng hơn (chẳng hạn như xã hội)
- Khó khăn khi kết bạn và hiếm khi duy trì các mối quan hệ lâu dài
- Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối chỉ có thể kết bạn với những trẻ có tính cách tương tự. Tuy nhiên, điều này khiến cho mức độ chống đối trong hành vi của trẻ tăng lên theo thời gian.
- ODD cũng làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần khác như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn học tập,…
- Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường không vâng lời bố mẹ, thầy cô nên kết quả học tập kém và không được trang bị các kỹ năng xã hội. Điều này khiến cho trẻ gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm công việc trong tương lai.
Đa phần các trường hợp trẻ bị rối loạn thách thức chống đối đều có xu hướng thuyên giảm dần theo thời gian. Theo số liệu thống kê, khoảng gần 70% trường hợp bệnh ổn định khi bước vào tuổi trường thành.
Nếu được giáo dục tốt và sống trong môi trường lành mạnh, các triệu chứng có thể thuyên giảm hoàn toàn. Tuy nhiên để phòng tránh những hậu quả và biến chứng nặng nề, gia đình nên chủ động cho trẻ thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Chẩn đoán rối loạn bướng bỉnh chống đối
Tương tự các rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ em, rối loạn thách thức chống đối được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Hiện tại, các bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10 để chẩn đoán bện lý này và phân biệt ODD với các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Ngoài việc khai thác triệu chứng mà trẻ gặp phải, bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu tiền sử gia đình, khám sức khỏe tổng quát và đưa ra các tình huống để đánh giá hành vi của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ có thể phải thực hiện trắc nghiệm tâm lý để phân biệt với một số rối loạn tâm lý, tâm thần khác.
Các phương pháp điều trị bệnh rối loạn thách thức chống đối
Mặc dù nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng hiện nay, các phương pháp điều trị rối loạn thách thức chống đối đều mang lại kết quả tốt. Phương pháp chính được áp dụng trong điều trị bệnh lý này là trị liệu tâm lý và một số trường hợp sẽ được kết hợp với dùng thuốc để nâng đỡ tinh thần.
Rối loạn bướng bỉnh chống đối có liên quan mật thiết đến cách giáo dục của gia đình và nhà trường. Do đó, ngoài các biện pháp chuyên sâu, gia đình cần phải thay đổi phương pháp giáo dục và kết nối với nhà trường để tạo cho trẻ môi trường sống, học tập lành mạnh.
Các phương pháp điều trị rối loạn thách thức chống đối được áp dụng phổ biến:
1. Liệu pháp tâm lý
Hầu hết trẻ bị rối loạn thách thức chống đối đều chưa ý thức được hành vi của bản thân. Do đó, không nhất thiết phải sử dụng thuốc trong điều trị bệnh lý này. Hiện nay, phương pháp được ưu tiên là liệu pháp tâm lý (tâm lý trị liệu).
Mục tiêu của phương pháp này là điều chỉnh hành vi của trẻ và giúp trẻ học cách kiềm chế cảm xúc. Bên cạnh đó, tâm lý trị liệu còn giúp trẻ xây dựng lối sống lành mạnh và hình thành các phẩm chất tốt. Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường thiếu có các kỹ năng sống nên song song với kiểm soát các hành vi chống đối, chuyên gia cũng sẽ trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để dễ dàng học tập, kết bạn và xử lý tình huống.
Bên cạnh việc trị liệu cho trẻ, chuyên gia cũng sẽ trị liệu cho gia đình để đảm bảo trẻ được sống trong môi trường lành mạnh. Ngoài ra, khi bố mẹ có thái độ sống tích cực và thói quen tốt, trẻ cũng sẽ giảm dần hành vi chống đối và thái độ thù địch.
Các phương pháp tâm lý được áp dụng trong quá trình điều trị rối loạn thách thức chống đối:
- Hướng dẫn gia đình cách giáo dục phù hợp: Chuyên gia sẽ hướng dẫn gia đình cách giáo dục phù hợp để giúp trẻ cải thiện triệu chứng của rối loạn thách thức chống đối. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bố mẹ nhất quán trong các hình thức kỷ luật, biết thấu hiểu, chia sẻ với con cái và học cách kiềm chế sự tức giận, nóng nảy trước mặt trẻ. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ giúp bố mẹ thay đổi những thói quen xấu và hướng đến những phẩm chất tốt đẹp.
- Liệu pháp tương tác cha mẹ – con cái (PCIT): PCIT là liệu pháp quan trọng trong điều trị rối loạn thách thức chống đối. Trong liệu pháp này, bố mẹ và con sẽ ở trong phòng riêng, nhà trị liệu sẽ quan sát bằng camera và hướng dẫn bố mẹ cách củng cố hành vi tích cực của con thông qua tai nghe. Với liệu pháp PCIT, bố mẹ sẽ biết cách nuôi dạy con hiệu quả và củng cố được mối quan hệ với trẻ.
- Liệu pháp cá nhân và gia đình: Liệu pháp cá nhân tập trung dạy cho trẻ cách kiềm chế sự nóng nảy, tức giận và học cách bày tỏ cảm xúc lành mạnh hơn. Trong khi đó, liệu pháp gia đình giúp các thành viên giao tiếp với nhau một cách thiện chí, từ đó xây dựng mối quan hệ tin tưởng và thân thiết. Đây là một trong những bước quan trọng giúp trẻ dừng các hành vi chống đối và thái độ thù địch với bố mẹ.
- Hướng dẫn kỹ năng giải quyết vấn đề: Trẻ bị rối loạn thách thức chống đối không có kỹ năng giải quyết vấn đề và thường tức giận, nóng nảy khi phải đối mặt với các tình huống khó khăn trong cuộc sống. Do đó, liệu pháp tâm lý còn bao gồm việc trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ. Liệu pháp này giúp trẻ thay đổi suy nghĩ và điều chỉnh các hành vi không phù hợp. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ giúp trẻ tìm ra các giải pháp tối ưu hơn để xử lý những tình huống trong cuộc sống.
- Đào tạo các kỹ năng xã hội: Cuối cùng, chuyên gia sẽ đào tạo cho trẻ các kỹ năng xã hội để trẻ chủ động hơn trong cuộc sống và có thể học tập, kết bạn một cách lành mạnh. Ngoài ra, việc trang bị kỹ năng xã hội cũng giúp trẻ giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột và thành công hơn trong tương lai.
Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia không yêu cầu quá nhiều trong quá trình trị liệu. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự nỗ lực và quan tâm từ gia đình. Ngoài việc tham gia trị liệu đầy đủ, bố mẹ cần quan sát để hiểu rõ hơn tính cách và thói quen của trẻ để có cách giáo dục, ứng xử phù hợp.
Để con duy trì những hành vi tích cực và tính cách tốt, bố mẹ nên ghi nhận và khen ngợi. Bên cạnh đó, nên học cách lờ đi khi con có những hành vi chống đối. Bởi việc phản đối gay gắt có thể gia tăng mức độ thách thức trong hành vi và hình thành tâm lý thù hằn ở trẻ. Quá trình trị liệu tâm lý cho trẻ bị rối loạn thách thức chống đối thường mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi bố mẹ phải có sự kiên trì, nhẫn nại.
2. Sử dụng thuốc
Thuốc thường không được chỉ định trong điều trị rối loạn thách thức chống đối. Tuy nhiên, nếu trẻ quá kích động và không hợp tác trong quá trình trị liệu, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc. Ngoài ra, thuốc sẽ được dùng dài hạn nếu ODD đi kèm với trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các rối loạn tâm lý thường gặp khác.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn thách thức chống đối (ODD):
- Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
- Thuốc không kích thần
- Thuốc kích hoạt thần kinh
- Thuốc chống loạn thần không điển hình
Sử dụng thuốc cho trẻ em và thanh thiếu niên tiềm ẩn không rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, gia đình cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt và hạn chế tối đa tác dụng ngoại ý.
Cách chăm sóc và cải thiện tại nhà
Rối loạn bướng bỉnh chống đối có tiên lượng khá tốt – đặc biệt là với những trường hợp thăm khám sớm và tích cực điều trị. Bên cạnh các phương pháp y tế, bố mẹ cũng có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà để giảm các hành vi chống đối và giúp trẻ hình thành các thói quen, phẩm chất tốt.
Các biện pháp chăm sóc, cải thiện rối loạn thách thức chống đối tại nhà bố mẹ nên áp dụng:
- Học cách khen ngợi, ghi nhận khi trẻ có biểu hiện tốt. Ngoài ra, có thể tặng cho trẻ một số món quà, phần thưởng để khích lệ con duy trì các hành vi tích cực.
- Bố mẹ nên thay đổi các thói quen xấu và hình thành thói quen, phẩm chất tốt để con cái noi theo. Hơn ai hết, gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách và tâm lý của con cái. Những thay đổi của bố mẹ cũng sẽ giúp con có cải thiện rõ rệt về hành vi và thái độ.
- Khi tình trạng bệnh đã tương đối ổn định, gia đình nên lập thời gian biểu để trẻ học tập và sinh hoạt có kế hoạch. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ tuân thủ thời gian biểu sẽ ít có hành vi chống đối và vi phạm các quy tắc trong trường học.
- Giao công việc nhà cho trẻ và không thực hiện thay cho con ngay cả khi trẻ không hoàn thành trong nhiều ngày. Bố mẹ nên lựa chọn những việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ như treo, phơi quần áo hoặc dọn dẹp phòng. Nếu nhiệm vụ không được hoàn thành, người bị ảnh hưởng là trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được trách nhiệm của bản thân và dần nghe lời khi bố mẹ yêu cầu.
Điều trị rối loạn thách thức chống đối thường mất một thời gian khá dài và đòi hỏi sự kiên trì từ gia đình. Để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, nên trang bị kiến thức về bệnh và thay đổi cách giáo dục để góp phần giúp trẻ điều chỉnh các hành vi chống đối.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ bị rối loạn hỗn hợp hành vi cảm xúc và cách chữa trị an toàn
- Rối loạn cảm xúc ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Cha mẹ cần làm gì khi con trẻ có dấu hiệu bị trầm cảm?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!