Tổng quan về chứng rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
Rối loạn nhân cách phân liệt là một dạng bệnh mãn tính với đặc trưng là sự cô lập xã hội và thái độ thờ ơ, không quan tâm đến mọi người xung quanh. Tình trạng này gây nên nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống, các mối quan hệ xã hội nếu không được kịp thời phát hiện và khắc phục tốt.
Rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid là gì?
Rối loạn nhân cách phân liệt có tên tiếng anh là Schizoid Personality Disorder/ ScPD, đây là một dạng của rối loạn nhân cách được đặc trưng bởi trạng thái tách rời, thờ ơ, sống tách biệt với cuộc sống xung quanh. Người bệnh cũng sẽ bị hạn chế về mặt cảm xúc, không biết cách bộc lộ, biểu cảm tâm trạng của mình ra bên ngoài.
Trên thực tế, loại rối loạn nhân cách này khá hiếm gặp, chỉ có khoảng từ 1 đến 3% trong tổng dân số trên toàn thế giới mắc phải chứng bệnh này và đặc biệt có xu hướng xuất hiện ở nam giới nhiều hơn. Các chuyên gia chia sẻ rằng, mỗi người mắc phải chứng bệnh ScPD sẽ có những biểu hiện lập dị khác nhau, mức độ nguy hiểm của từng người cũng sẽ riêng biệt.
Những người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường có xu hướng muốn ở một mình, họ có lối sống khép kín và những cử chỉ, hành động, lời nói lập dị, xa lánh xã hội. Chính bản thân người bệnh cũng không có nhu cầu muốn được người khác quan tâm hoặc tạo dựng, duy trì bất kì một mối quan hệ thân thiết nào.
Các triệu chứng của bệnh thường sẽ khởi phát từ thời niên thiếu và kéo dài dai dẳng cho đến khi trưởng thành, nhiều trường hợp còn tồn tại đến cuối đời mà không có dấu hiệu giảm bớt. Cũng chính vì thế mà người bệnh thường có xu hướng sống tách biệt, cô độc, ít khi lập gia đình và các biểu hiện của bệnh càng phát triển nghiêm trọng hơn theo thời gian dài.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng không phải bất kì ai có tính cách này cũng được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn nhân cách phân liệt. Do đó, bạn cần phải dựa vào nhiều yếu tố, những triệu chứng liên quan để có được đánh giá và nhận xét toàn diện về tình trạng sức khỏe. Cũng bởi có hơn 50% các bệnh nhân bị ScPD xuất hiện đồng thời các triệu chứng của trầm cảm, rối loạn khí sắc phối hợp nên nếu việc chẩn đoán đôi khi có sự nhầm lẫn.
Rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid – Nguyên nhân do đâu?
Các nhà khoa học đã xác định rằng tình trạng rối loạn nhân cách phân liệt có sự liên quan đến những yếu tố di truyền và chịu ảnh hưởng to lớn bởi yếu tố gia đình. Cũng bởi các đặc điểm nhân cách của người bệnh sẽ được khởi phát và hình thành từ lúc nhỏ và phát triển rõ rệt theo từng giai đoạn trưởng thành.
Các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ScPD như sau:
- Do di truyền: Đây được xem là một trong các nguyên nhân chủ yếu có khả năng làm khởi phát và hình thành nên chứng rối loạn nhân cách phân liệt. Qua khảo sát nhận thấy rằng phần lớn những người mắc bệnh ScPD đều có gia đình từng mắc phải các dạng rối loạn nhân cách hoặc chứng tâm thần phân liệt. Tình trạng này cũng chứng minh cho việc gen di truyền là yếu tố chính trong cơ chế của bệnh. Một vài vấn đề xuất hiện bên trong não bộ có thể khiến cho con người hình thành xu hướng tự cô lập bản thân, thích sống một mình và không còn để tâm đến người khác, khả năng bộc lộ cảm xúc cũng bị hạn chế.
- Tác động từ phía gia đình: Theo chia sẻ từ các chuyên gia thì những đứa trẻ được nuôi dạy bởi những người bệnh rối loạn nhân cách dù không có cùng huyết thống cũng có khả năng gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Cũng bởi trẻ nhỏ bị ảnh hưởng rất nhiều từ những người nuôi dạy mình. Đặc biệt là khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ trở nên nhạy cảm và dễ bị tá động bởi những người xung quanh. Vì thế, việc sống chung và được nuôi dạt bởi những người bị ScPD sẽ dễ khiến trẻ hình thành dạng nhân cách giống họ.
- Ảnh hưởng từ các trải nghiệm thời thơ ấu: Một số trải nghiệm từ bé như từng bị bỏ rơi, bị bạo hành, bị cha mẹ lạnh nhạt, không quan tâm, thiếu tình thương cũng dễ khiến cho trẻ hình thành nên các triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt. Cũng bởi từ nhỏ trẻ đã bị thiếu thốn về tình yêu thương từ người thân nên khi lớn lên trẻ cũng sẽ không biết cách để quan tâm, chia sẻ với người khác, từ đó mất dần các nhu cầu được chia sẻ, khả năng bộc lộ cảm xúc của bị giảm.
Rất nhiều các chuyên gia đã đồng tình và ủng hộ về quan điểm rối loạn nhân cách phân liệt có đặc tính bẩm sinh, các triệu chứng bệnh đã tồn tại từ thuở bé và dần biểu hiện rõ rệt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng căn bệnh này là trạng thái phản kháng, phòng thủ khi trẻ liên tục phải trải qua các xung đột trong tâm lý, chứng kiến các biến cố, sang chấn nghiêm trọng từ bé.
Triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
Những người mắc phải chứng rối loạn nhân cách phân liệt thường sẽ được mọi người xung quanh là người có tính cách lạnh lùng, xã cách và tách rời với mọi người. Các đối tượng này sẽ thích và cảm thấy thoải mái khi được ở một mình, thậm chí có một số trường còn có xu hướng trải nghiệm sự cô đơn và tự cô lập xã hội, tách biệt với thế giới bên ngoài.
Các chuyên gia nhận định rằng, rối loạn nhân cách phân liệt giống như “mô hình phổ biến của thâm hụt ngân sách xã hội và cá nhân được đánh dấu bằng cấp tính khó chịu với, và giảm hình thức năng lực, quan hệ gần gũi cũng như biến dạng và sự lập dị của hành vi nhận thức hay nhận thức, bắt đầu bằng tuổi trưởng thành sớm và hiện tại trong nhiều bối cảnh khác nhau.”
Người bệnh thường sẽ có các biểu hiện đặc trưng như sau:
- Có xu hướng muốn tách rời khỏi mọi người xung quanh
- Hạn chế hoặc thậm chí là không muốn xây dựng, duy trì bất kì mối quan hệ thân thiết nào với bất kì ai.
- Không thường xuyên tham gia và cũng không hứng thú với các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài.
- Không quan tâm đến những nhận xét của người khác về mình, tỏ thái độ thờ ơ, lạnh lùng với những lời khen ngợi, chỉ trích, từ chối.
- Không cảm thấy hứng thú và không thích các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội.
- Luôn có sự thờ ơ với những kỳ vọng, chuẩn mực của xã hội.
- Người bệnh thường ít hoặc không có ham muốn về tình dục.
- Có xu hướng thích làm mọi thứ một mình, luôn ưu tiên lựa chọn các công việc có tính độc lập cao.
- Bị hạn chế về khả năng bộc lộ cảm xúc, dường như ít hoặc thậm chí là không bao giờ thể hiện cảm xúc một cách thái quá, chẳng hạn như không buồn bã, chán nản, khóc lóc, hạnh phúc, vui sướng quá mức.
- Người bệnh sẽ cảm thấy thích thú hơn với những thứ vô tri vô giác như sách, truyền, đồ vật trang trí,…Mặt khác cũng có một số trường hợp người bệnh dành nhiều sự quan tâm, tình cảm cho một vài loại động vật nhất định, phổ biến nhất là mèo.
Nếu so sánh với các dạng rối loạn nhân cách khác thì rối loạn nhân cách phân liệt có sự ổn định hơn về các triệu chứng. Đồng thời, người bệnh cũng thường có kèm theo các biểu hiện của những chứng rối loạn tâm thần liên quan, đặc biệt là trầm cảm. Theo tỉ lệ thống kê nhận thấy có đến hơn một nửa số người bệnh ScPD xuất hiện các triệu chứng của rối loạn trầm cảm.
Các triệu chứng của rối loạn nhân cách phân liệt thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành. Một vài trường hợp, các đặc tính của bệnh cũng có thể biểu hiện một cách rõ ràng vào thời thơ ấu. Điều này gây nên nhiều cản trở và khó khăn đối với các hoạt động sinh hoạt đời thường, quá trình học tập, làm việc cũng bị ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, những người bệnh vẫn có khả năng hoàn thành tốt công việc của mình nếu họ làm một mình.
Rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid có nguy hiểm không?
Như đã chia sẻ ở trên, người mắc bệnh rối loạn nhân cách phân liệt có đặc trưng bởi trạng thái lập dị, tự tách rời khỏi xã hội và không có bất kì nhu cầu tạo dựng một mối quan hệ lâu dài, bền vững. Người bệnh thường ít nói, tỏ vẻ thờ ơ, lạnh lùng và không quan tâm đến những người xung quanh. Họ có xu hướng sống khép kín, bị giới hạn về khả năng bày tỏ và bộc lộ cảm xúc cá nhân.
Cũng do tính cách khá khác biệt với mọi người xung quanh, không theo chuẩn mực xã hội nên những người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm việc làm. Họ thường ưu tiên lựa chọn các công việc có tính độc lập, chẳng hạn như viết lách, nghiên cứu,…để hạn chế việc phải tương tác với những người xung quanh.
Bên cạnh đó, những người bị ScPD thường chỉ quan tâm đến bản thân mình và không để ý, thậm chí là thờ ơ, vô tâm với những lời góp ý, chỉ trích, khen ngợi từ những người xung quanh. Vì thế, họ dễ gặp phải khó khăn trong quá trình làm việc, học tập, rất khó thăng tiến và đạt được những thành tích vượt bậc. Tuy nhiên, khi làm việc một mình họ vẫn có đủ năng lực và khả năng để hoàn thành tốt các công việc của bản thân, thậm chí là gặt hái được những thành tựu to lớn, đáng ngưỡng mộ.
Trong thực tế những người bị rối loạn nhân cách phân biệt vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường, họ vẫn có thể đi làm và tự lo cho cuộc sống của bản thân. Chỉ đơn thuần là họ có xu hướng tách biệt, ngại tiếp xúc hoặc có thể trong các cuộc trò chuyện họ là người thường xuyên đưa ra những ý kiến, lời nói gây khó hiểu. Cho dù vậy, những người bị ScPD không có xu hướng gây hại có xã hội, họ không lạm dụng các hành vi bạo lực, không đe dọa đến đời sống của người khác.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì những người bị rối loạn nhân cách phân liệt sẽ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều triệu chứng đi kèm của bệnh trầm cảm. Do đó, người bệnh sẽ có xu hướng ít bộc lộ cảm xúc, khả năng giao tiếp kém. Điều này khiến họ họ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc giằng xé bên trong tâm trí, gây nên nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Mặc khác, một vài trường hợp ý thức được sự khác biệt của bản thân và luôn có tâm lý tội lỗi, tự trách và cho rằng mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Vì thế, những người bị rối loạn nhân cách phân liệt thường có xu hướng không muốn hẹn hò, không kết hợp và không kế nghiệp gia đình.
Hơn thế, người bệnh còn có nhiều xu hướng lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như rượu bia, thuốc lá, caffeine, ma túy giống với các chứng rối loạn nhân cách khác. Đặc biệt với tính cách hướng nội nên người bệnh sẽ thường thực hiện các hành vi một cách đơn độc, khó nhận biết. Họ còn có nhiều khả năng phát triển các bệnh tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Cách chẩn đoán rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
Nếu bạn nhận thấy bản thân đang tồn tại các triệu chứng nêu trên và nghi ngờ về những biểu hiện khác lạ của mình thì cách tốt nhất đó chính là bạn hãy tiến hành tìm gặp chuyên gia để được hỗ trợ thăm khám và chẩn đoán cụ thể. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành khai thác và đánh giá khác quan về những biểu hiện của bạn, đồng thời yêu cầu bạn thực hiện một số bài kiểm tra cần thiết.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra bất kì các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào để xác định được chính xác nguyên nhân cụ thể gây nên những triệu chứng bất thường ở bạn. Trong đa số các trường hợp thì người bệnh sẽ được gợi ý và tư vấn để chuyển đến gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Để có thể đưa ra chẩn đoán một người đang mắc bệnh rối loạn nhân cách phân liệt thì họ phải có tối thiểu 4 trong các triệu chứng nêu sau đây:
- Luôn ưu tiên và lựa chọn các hoạt động mang tính đơn lẻ, riêng biệt.
- Ít hoặc không có mối quan hệ thân thiết nào ngoài gia đình, thậm chí nhiều trường hợp còn không thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với người thân trong nhà.
- Không có nhiều sự thích thú, ham muốn đối với các mối quan hệ cá nhân gần gũi, thân thiết.
- Ít hoặc thậm chí không quan tâm đến tình dục, không có ham muốn quan hệ tình dục với người khác.
- Thờ ơ, phớt lờ trước những đánh giá, lời khen hoặc các chỉ trích của mọi người xung quanh.
- Dường như không cảm thấy hứng thú, hấp dẫn bởi hầu hết các hoạt động vui chơi, giải trí, thư giãn bên ngoài.
- Tách rời cảm xúc và bị hạn chế về mặt biểu đạt, bộc lộ cảm xúc của bản thân.
Một điều đặc biệt là những người mắc bệnh rối loạn nhân cách phân liệt rất hiếm khi chủ động trong việc thăm khám và điều trị bệnh. Thông thường, khi các triệu chứng của bệnh bắt đầu phát triển và làm cản trở nghiêm trọng đối với cuộc sống và nhiều lĩnh vực khác nhau của cá nhân họ thì họ mới bắt đầu tìm kiếm đến các phương pháp khắc phục.
Điều trị rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid thế nào?
So với các chứng rối loạn nhân cách khác, chẳng hạn như rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách chống đối thì tình trạng bệnh rối loạn nhân cách phân liệt sẽ có tiên lượng tốt hơn. Tuy rằng bệnh tiến triển khá đa dạng nhưng nếu có thể phát hiện sớm và áp dụng đúng các biện pháp can thiệp phù hợp thì người bệnh vẫn có thể cải thiện tốt sức khỏe, đời sống tinh thần được phục hồi, các mối quan hệ cũng sẽ được xây dựng và gắn kết hơn.
Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh mà các chuyên gia sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp thường được ưu tiên áp dụng cho người bệnh rối loạn nhân cách phân liệt:
1. Tâm lý trị liệu
Hiện nay, tâm lý trị liệu chính là một trong các phương pháp điều trị hàng đầu đối với hầu hết các chứng bệnh tâm thần, trong đó có rối loạn nhân cách phân liệt. Khi áp dụng liệu pháp này sẽ giúp cho người bệnh cân bằng được trạng thái tâm lý, giúp khơi gợi những sự hứng thú đối với các hoạt động xảy ra xung quanh đời sống. Đồng thời kích hoạt nhu cầu xây dựng các mối quan hệ xã hội, cải thiện khả năng bộc lộ cảm xúc và giúp cho người bệnh thoải mái giao tiếp, sinh hoạt trong cộng đồng.
Tâm lý trị liệu là biện pháp được đánh giá cao về mức độ an toàn bởi nó hoàn toàn không sử dụng thuốc điều trị và không can thiệp đến cơ thể của người bệnh. Tuy nhiên, khi áp dụng cho người bệnh ScPD thì không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả cao như mong đợi. Cũng bởi đặc tính nổi bậc của người bệnh là biệt lập, không quan tâm đến những người xung quanh nên thường khó đáp ứng tốt với các liệu pháp tâm lý. Hơn thế, bản thân bệnh nhân cũng không có nhiều động lực và cố gắng để thay đổi bản thân.
Ngoài ra, hầu hết các trường hợp bị rối loạn nhân cách phân liệt thường có kèm theo một vài triệu chứng của trầm cảm, rối loạn cảm xúc, đôi lúc là hoang tưởng. Do đó, quá trình trị liệu tâm lý sẽ giúp cho họ nhìn nhận được các hành vi, suy nghĩ, xu hướng bất thường của bản thân và điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, đúng đắn hơn.
Nhờ vào các liệu pháp trị liệu mà người bệnh ScPD cũng sẽ biết cách kiểm soát và cân bằng cảm xúc của bản thân. Họ sẽ dần học được kỹ năng bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của chính mình, hạn chế tối đa tình trạng dồn nén cảm xúc. Nhờ đó, mà người bệnh bắt đầu trở nên cởi mở, thoải mái hơn trong việc biểu đạt những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình đối với mọi người xung quanh.
Bên cạnh việc trị liệu theo từng cá nhân thì người bệnh ScPD còn có thể được khuyến khích áp dụng liệu pháp trị liệu nhóm, gia đình để cải thiện tốt các mối quan hệ xã hội, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Sau quá trình trị liệu tâm lý, bệnh nhân sẽ tái hòa nhập tốt với xã hội, giảm thiểu các triệu chứng cô lập và dần có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
2. Điều trị bằng thuốc
Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được công nhận cụ thể về công dụng điều trị dứt điểm tình trạng rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp bệnh biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng bệnh làm ảnh hưởng đến đời sống và cả sức khỏe thì cần được cân nhắc áp dụng một số loại thuốc.
Đặc biệt là với những đối tượng bệnh có kèm thêm triệu chứng trầm cảm thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần liều thấp hoặc một vài loại thuốc có tác dụng tốt đến hệ thần kinh trung ương để cải thiện. Những loại thuốc này sẽ giúp kiểm soát và làm thuyên giảm tốt các triệu chứng của người bệnh, hạn chế tối đa việc phát triển thành những bệnh tâm lý nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, người bệnh rối loạn nhân cách phân liệt lại khá thờ ơ và không quan tâm đến những việc xảy ra xung quanh. Do đó, để đảm bảo an toàn thì việc dùng thuốc cần phải có người hỗ trợ và theo dõi cẩn thận. Người bệnh chỉ được sử dụng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng để tránh các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về tình trạng bệnh rối loạn nhân cách phân liệt. Để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, người bệnh cần phải tiến hành thăm khám và điều trị sớm tại các cơ sở chuyên khoa uy tín và chất lượng ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường của bản thân.
Tham khảo thêm:
- Rối Loạn Nhân Cách Chống Đối Xã Hội (ASPD): Dấu Hiệu Và Điều Trị
- 10 Bài tập dành cho trẻ bị tăng động giảm chú ý nên áp dụng
- Trầm Cảm Không Điển Hình Là Gì? Làm Sao Nhận Diện?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!