Trầm Cảm Không Điển Hình Là Gì? Làm Sao Nhận Diện?

Trầm cảm không điển hình là một dạng khá phổ biến của bệnh trầm cảm có phần đặc biệt hơn so với các dạng khác. Sớm nhận biết và can thiệp điều trị đúng cách sẽ giúp hạn chế những ảnh hưởng xấu của chứng bệnh này.

Trầm cảm không điển hình
Trầm cảm không điển hình là một dạng khá phổ biến của bệnh trầm cảm với các đặc điểm khác biệt

Trầm cảm không điển hình là gì?

Trầm cảm không điển hình (Atypical Depression) là một dạng trầm cảm không tuân theo những đặc điểm được cho là biểu hiện “điển hình” của rối loạn trầm cảm. Nhìn chung, căn bệnh này có triệu chứng tương tự như rối loạn trầm cảm nặng nhưng sẽ có một điểm khác biệt quan trọng, đó là phản ứng tâm trạng. Tức là tâm trạng của người bệnh có thể được cải thiện nếu có những sự kiện tích cực xảy ra.

Chứng trầm cảm này hiện được gọi là rối loạn trầm cảm nặng với các đặc điểm không điển hình. Số liệu thống kê cho thấy, dạng rối loạn trầm cảm này xảy ra khá phổ biến. Bệnh có xu hướng khởi phát sớm và thường được chẩn đoán ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Người bị trầm cảm không điển hình thường phản ứng tốt hơn với một loại thuốc chống trầm cảm. Cụ thể là chất ức chế monoamine oxidase (MAOI). Trong khi đó các dạng trầm cảm khác lại thường đáp ứng tốt với các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hay một số thuốc thế hệ mới khác.

Dấu hiệu nhận biết chứng trầm cảm không điển hình

Ngoài các triệu chứng chính của bệnh trầm cảm nói chung thì những người mắc bệnh trầm cảm không điển hình có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sau:

  • Tâm trạng tạm thời tươi sáng hơn sau một tin vui hoặc một sự kiện tích cực
  • Tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân
  • Cảm giác nặng nề ở tay hoặc chân
  • Nhức mỏi khắp cơ thể
  • Ngủ trong thời gian dài vào ban đêm hoặc ban ngày (chứng ngủ quá mức)
  • Cực kỳ nhạy cảm với những lời từ chối hay những lời chỉ trích được nhận thức
nhận biết trầm cảm không điển hình
Người bệnh thường bị tăng cân do tăng cảm giác thèm ăn và ngủ quá mức

Các triệu chứng ít phổ biến hơn có thể bao gồm:

  • Mất ngủ, khó ngủ
  • Nhức đầu
  • Rối loạn ăn uống
  • Cơ thể gầy ốm nhưng lại rất sợ tăng cân
  • Cảm giác đau nhức mắt cá nhân

Nguyên nhân gây trầm cảm không điển hình

Cho đến nay, lý do tại sao một số người phát triển chứng trầm cảm không điển hình vẫn chưa được biết đến. Nguyên nhân tiềm ẩn của căn bệnh này được xác định có liên quan đến sự mất cân bằng của một số chất dẫn truyền thần kinh. Bao gồm serotonin, dopamine và norepinephrine, tất cả đều gây ảnh hưởng tới tâm trạng.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm không điển hình. Chẳng hạn như:

  • Lịch sử gia đình: Một người có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng của bệnh nếu có người thân trong gia đình cũng mắc chứng trầm cảm hay một dạng rối loạn tâm thần khác.
  • Một số điều kiện y tế: Bạn sẽ có nhiều khả năng bị trầm cảm không điển hình nếu có tiền sử mắc một số vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, ám ảnh sợ xã hội hay rối loạn biến đổi cơ thể.
  • Lạm dụng chất kích thích: Các chuyên gia cho biết, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần. Các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ phát triển triệu chứng của bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh còn có nhiều nguy cơ xảy ra do sự ảnh hưởng từ các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống. Chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu, gia đình xảy ra mâu thuẫn, mất việc làm, thất nghiệp kéo dài,…

Trầm cảm không điển hình có đáng quan ngại?

Tương tự như các loại trầm cảm khác, trầm cảm không điển hình là một căn bệnh đáng quan ngại. Nếu không sớm phát hiện và can thiệp điều trị thì nó hoàn toàn có thể hây ra các vấn đề nghiêm trọng. Bao gồm cả các vấn đề về cảm xúc, hành vi và sức khỏe. Điều này gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

trầm cảm không điển hình có nguy hiểm không
Người bệnh thường có xu hướng tìm đến rượu bia để giải tỏa cảm xúc nên rất dễ dẫn tới nghiện rượu

Trầm cảm không điển hình có thể liên quan đến các vấn đề sau:

  • Tăng nguy cơ bị thừa cân – béo phì do thèm ăn quá mức
  • Gặp phải các vấn đề trong mối quan hệ cá nhân và công việc do quá nhạy cảm trước sự từ chối
  • Có xu hướng sử dụng rượu bia và ma túy để đối phó với các triệu chứng
  • Làm tăng nguy cơ phát triển các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác
  • Tăng suy nghĩ về cái chết và tìm đến hành vi tự tử

Chẩn đoán bệnh trầm cảm không điển hình

Chẩn đoán chính xác là một yếu tố quan trọng để nhận được phương pháp điều trị mà người bệnh đang cần. Thật không may khi không có xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, chụp X-quang hay khám sức khỏe nào có thể giúp đưa ra chẩn đoán xác định.

Thay vào đó, bác sĩ sẽ cần chẩn đoán lâm sàng dựa vào việc khai thác triệu chứng, tiền sử gia đình, các yếu tố nguy cơ và bất kỳ mối quan tâm sức khỏe tiềm ẩn nào của người bệnh.

Để loại trừ các tình trạng sức khỏe khác có thể gây ra triệu chứng trầm cảm hoặc là nguyên nhân cơ bản thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng. Chẳng hạn như xét nghiệm máu, sàng lọc thuốc hay các xét nghiệm hình ảnh (chẳng hạn như CT hoặc MRI não).

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn trải qua một bài kiểm tra trầm cảm được thực hiện bằng miệng, qua giấy hoặc thiết bị kỹ thuật số. Bác sĩ sẽ tiến hành so sánh câu trả lời và các triệu chứng của bạn với các tiêu chuẩn chẩn đoán được liệt kê trong DSM-5.

Theo DSM-5, để chẩn đoán mắc chứng trầm cảm không điển hình thì một người phải biểu hiện khả năng cảm thấy tốt hơn tạm thời để phản ứng với 1 sự kiện tích cực trong cuộc sống. Đây còn được gọi là phản ứng tâm trạng. Thêm vào đó, cần có bất kỳ 2 tiêu chí trong số các tiêu chí dưới đây xuất hiện trong một khoảng thời gian 2 tuần trở lên:

  • Ăn quá nhiều hoặc tăng cân
  • Ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi, suy nhược và luôn có cảm giác bị “đè nặng”
  • Nhạy cảm mãnh liệt trước sự từ chối
  • Tâm trạng phản ứng mạnh

Cách điều trị trầm cảm không điển hình

Trên thực tế, tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc có hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp bị trầm cảm. Bao gồm cả những người mắc chứng trầm cảm không điển hình. Ngoài ra, cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ thêm.

Dưới đây là các phương pháp được sử dụng phổ biến nhất:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu (liệu pháp trò chuyện) được đánh giá là một phần đặc biệt quan trọng của kế hoạch điều trị bệnh trầm cảm không điển hình. Trong đó, liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả giúp điều trị các triệu chứng trầm cảm.

Trên thực tế, CBT có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng để kiểm soát căng thẳng tốt hơn và đối phó với các suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực cũng như quản lý nỗi sợ hãi. Những kỹ năng này có thể đặc biệt hữu ích khi bạn đang chờ thuốc chống trầm cảm bắt đầu phát huy tác dụng.

điều trị trầm cảm không điển hình
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị an toàn, mang lại hiệu quả tốt với chứng trầm cảm không điển hình

Ngoài CBT, một số liệu pháp tâm lý khác cũng có thể được sử dụng. Bao gồm:

  • Liệu pháp hành vi biện chứng
  • Liệu pháp giữa các cá nhân
  • Liệu pháp nhóm và gia đình
  • Liệu pháp tâm động học

2. Sử dụng thuốc

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và một số loại thuốc mới hơn khác thường là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh trầm cảm. Do chúng ít gây ra các tác dụng phụ cho người bệnh.

Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm không điển hình lại có xu hướng đáp ứng tốt hơn với các chất ức chế monoamine oxidase (MAOI). Bác sĩ có thể kê toa một số thuốc bao gồm:

  • Nardil (phenelzine)
  • Parnate (tranylcypromine)
  • Emsam (selegiline)
  • Marplan (isocarboxazid)

Đối với một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể kê đơn SSRI. Đơn giản vì chúng không có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hay các hạn chế về chế độ ăn uống như MAOI. Khi sử dụng MAOI cần tránh các thực phẩm và đồ uống có nhiều tyramine để ngăn ngừa đột biến huyết áp cao có thể gây tử vong.

Wellbutrin ((bupropion) là một loại thuốc khác có thể được bác sĩ chỉ định trong điều trị trầm cảm không điển hình. Nó thường được kê toa cùng với các loại thuốc chống trầm cảm khác để chống lại các tác dụng phụ tiềm ẩn.

3. Các biện pháp tại nhà

Nếu chứng trầm cảm điển hình đang cản trở các hoạt động thường ngày của bạn thì việc thăm khám bác sĩ để được phát triển một kế hoạch điều trị là rất cần thiết. Thêm vào đó, bạn nên điều chỉnh lối sống để giúp giảm bớt các triệu chứng và đối phó với bệnh tốt hơn.

cách chữa trầm cảm không điển hình
Thiền chánh niệm đem lại nhiều lợi ích cho người mắc chứng trầm cảm không điển hình

Có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Ưu tiên chế độ dinh dưỡng và tập luyện: Hãy cố gắng tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và chương trình hoạt động thể chất thường xuyên. Đây là liều thuốc tự nhiên giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và làm giảm các triệu chứng trầm cảm không điển hình. Cố gắng tập thể dục 5 ngày/ tuần với khoảng 30 – 60 phút/ ngày.
  • Thực hành chánh niệm và hít thở sâu: Các bài tập hít thở sâu kết hợp với thiền chánh niệm có thể dạy cho bạn nhận thức được cảm xúc và suy nghĩ của mình mà không phải ứng lại với chúng. Hơn nữa, đây là những bài tập đơn giản, có thể thực hành bất cứ khi nào rảnh rỗi.
  • Đơn giản hóa cuộc sống của bạn: Nên cắt giảm các nghĩa vụ khi có thể. Đồng thời đặt ra các mục tiêu hợp lý cho bản thân. Có thể cho phép bản thân làm ít hơn những lúc bạn cảm thấy chán nản.
  • Kiểm soát căng thẳng: Giữ căng thẳng luôn trong tầm kiểm soát thực sự có thể giúp bạn hạn chế suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Có thể áp dụng các biện pháp quản lý căng thẳng như tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, tập yoga, thư giãn cơ bắp và tập thái cực quyền.
  • Viết nhật ký: Viết nhật ký hay viết văn biểu cảm được xem là một công cụ được khuyến khích để đối phó với chứng trầm cảm không điển hình. Cho dù bạn viết nhật ký hằng ngày hay hằng tuần thì thói quen này đều sẽ giúp bạn khám phá cảm xúc của mình. Đồng thời chống lại nhiều tác động tiêu cực của căng thẳng.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ: Điều quan trọng mà bạn nên làm để đối phó với chứng trầm cảm không điển hình và ngăn ngừa sự cô lập chính là phát triển sự hỗ trợ xã hội mạnh mẽ. Có thể bao gồm gia đình, bạn bè đáng tin cậy hay một nhóm hỗ trợ trầm cảm trực tiếp hoặc trực tuyến mà bạn có thể kết nối để chia sẻ cảm xúc cũng như kinh nghiệm của mình.

Không phải tất cả các loại trầm cảm đều giống nhau và chúng cũng không đáp ứng với các phương pháp điều trị giống nhau. Tốt nhất khi nhận thấy các triệu chứng trầm cảm không điển hình bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý. Việc can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp hạn chế các vấn đề rủi ro phát sinh.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *