Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh do đâu? Cách vượt qua

Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, không có thời gian cho bản thân, lúc nào cũng xoay quanh tiếng con khóc, tã, bỉm là nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ, họ luôn cảm thấy đau khổ, mệt mỏi, mất hứng thú với mọi thứ. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu nên cần thận trọng.

Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh

Sang chấn tâm lý (Psychological trauma) là thuật ngữ mô tả về trạng thái tâm lý khi mà cá nhân đó phải đối mặt với tình huống, sự việc vượt qua khỏi những suy tưởng ban đầu, dẫn đến sự quá tải về tinh thần và thể chất; khiến cá nhân đó đau khổ, sợ hãi hoặc gây ra mối đe dọa lâu dài về các khía cạnh khác, chẳng hạn như công việc, các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần hay thể chất.

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh là tình trạng không hề hiếm gặp, đặc biệt với người sinh con lần đầu

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh chính là một dạng chấn thương tâm lý cấp tính, là hệ quả từ việc chịu căng thẳng, áp lực kéo dài, vượt quá ngưỡng chịu đựng, kiểm soát của người đó. Đây không phải là một tình trạng quá phổ biến tuy nhiên có thể gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực không mong muốn trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của “mẹ bỉm”.

Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh:

1. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn

Tất nhiên bất cứ người phụ nữ nào cũng mường tượng, cũng tìm hiểu về việc sau sinh sẽ như thế nào, sẽ gặp những khó khăn gì hay thậm chí là tìm sẵn các cách để vượt qua. Thế nhưng, cuộc sống luôn là những điều bí ẩn mà chúng ta không thể nào tiên đoán trước. Dù bạn đã chuẩn bị kỹ càng mọi thứ nhưng khi bước vào thực tế vẫn có thể bị “vỡ mộng” hoàn toàn.

Em bé không chịu ăn, em bé quấy khóc quá nhiều, em bé hay ốm vặt, em bé quá bám mẹ không chịu nằm xuống một mình khiến người phụ nữ không còn chút thời gian nào dành cho mình, kể cả ăn uống hay vệ sinh. Cuộc sống lúc nào cũng xoay quanh tã bỉm, thậm chí trong mơ vẫn còn nghe tiếng con khóc chính là nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở rất nhiều phụ nữ sau sinh.

Cuộc sống của mẹ bỉm đảo lộn hoàn toàn, không hề giống như trong tưởng tượng khiến họ cảm thấy vô cùng bối rối, đặc biệt với những người mang thai lần đầu hay không có sự hỗ trợ của cha mẹ, những người có kinh nghiệp. Thực tế vượt quá sức so với sự tính toán ban đầu khiến mẹ bỉm không tìm được cách khống chế nên luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, không còn chút sức lực nào.

2. Thay đổi về ngoại hình, sức khỏe

Cơ thể thon gọn ngày nào trở nên sồ sề sau sinh, lúc nào cũng trong trạng thái luộm thuộm, quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù, da dẻ toàn mụn, đen sạm, người có mùi khó chịu, nhiều vết rạn ở bụng, đùi cũng là nguyên nhân dẫn tới sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Hình ảnh mỹ miều, thướt tha ngày nào không còn khiến nhiều người không dám nhìn vào gương, không dám tin đó là chính mình.

nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh
Những đau đớn về thể chất quá sức tưởng tượng sau khi sinh khiến nhiều chị em bị ám ảnh, sợ hãi

Người xưa thường có câu nói rằng “cửa sinh là cửa tử” bởi quá trình sinh nở luôn tồn tại rất nhiều nguy hiểm. Cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi rất lớn về sức khỏe sau giai đoạn sinh nở, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn là tương lai, khi về già. Những vấn đề về sức khỏe cũng là nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh trong rất nhiều trường hợp.

Chẳng hạn mẹ bỉm cảm thấy đau nhức, đi lại khó khăn, đau đớn ở các vết mổ khiến người mẹ cảm thấy rất khó chịu, mệt mỏi. Kết hợp với việc liên tục phải bế con, cho em bé bú khiến nhiều người cảm thấy vượt quá ngưỡng chịu đựng tâm lý hay sức khỏe của bản thân, năng lượng tụt dốc từng ngày và rơi vào trạng thái chấn thương tâm lý.

3. Các vấn đề khi sinh

Theo nghiên cứu được công bố bởi Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Dawn Bailham, những phụ nữ thực hiện sinh mổ khẩn cấp có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng chấn thương tâm lý hơn người sinh thường hay người đã có dự định sinh trước đó. Quá trình tiêm dục sinh hay gây mê tủy sống gây đau đớn vượt ngoài sức tưởng tượng khiến nhiều người cảm thấy vô cùng ám ảnh.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra, sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh còn xuất hiện do cảm giác bất an khi bước vào phòng sinh, hay cảm giác xấu hổ, không thoải mái khi cơ thể họ bị phơi bày trước nhiều người.

4. Các vấn đề phát sinh

Tài chính thiếu thốn, không có người hỗ trợ, bị bạo hành cũng khiến nhiều người cảm thấy chán nản, buồn bã, u uất. Đặc biệt, giai đoạn sau sinh việc chồng ngoại tình cũng khiến rất nhiều người chị em bị sốc, suy sụp và sang chấn tâm lý bởi họ không ngờ trong khi bản thân phải đau đớn, người đầu ấp tay gối hằng ngày lại phản bội mình.

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh là gì?
Chồng ngoại tình khi sợ sinh nở là một cú sốc tâm lý lớn với tất cả chị em

Những tác động quanh môi trường sống hằng ngày luôn ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của mẹ bỉm. Chẳng hạn thường xuyên bị mọi người chê trách không biết nuôi con, em bé quá còi, chê bai ngoại hình

Tâm lý người phụ nữ sau sinh vốn vô cùng nhạy cảm, họ dễ xúc động hơn, dễ bị kích động hơn nên bất cứ tình huống nào phát sinh bất thường, đột ngột cũng khiến tâm trí họ rối loạn. Chẳng hạn như bị cho nghỉ việc đột ngột, bị bạo hành, ly hôn, phá sản đều có thể gây ra sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh.

5. Có tiền sử rối loạn tâm lý, tâm thần

Người từng mắc trầm cảm khi mang thai, căng thẳng lo âu nặng khi có bầu hay từng có tiền sử mắc các rối loạn tâm thần trước đó cũng có nguy cơ sang chấn tâm lý sau sinh rất cao. Kể cả người đã từng điều trị thành công các rối loạn này trước đó vẫn có nguy cơ cao tái phát trở lại do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể hay do những yếu tố tiêu cực ngoài dự định kích hoạt.

6. Một số yếu tố nguy cơ khác

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh cũng có thể dễ xảy ra với các đối tượng sau đây

  • Có thai đột ngột không trong dự tính
  • Thiếu kiến thức và các kỹ năng mềm
  • Người trẻ tuổi
  • Mang thai lần đầu
  • Hôn nhân không hạnh phúc, gặp các vấn đề với chồng và gia đình nhà chồng
  • Sinh nở không có người giúp đỡ, hỗ trợ
  • Người sống trong cuộc sống quá bảo bọc trước đó và khi có con phải tự làm mọi thứ một mình
  • Bị bạo hành về thể chất hay tinh thần
  • Phát hiện bệnh tật bất ngờ
  • Không sẵn sàng hay không mong muốn có con

Biểu hiện của sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh

Các biểu hiện của sang chấn tâm lý ở phụ nữ được thể hiện rõ ràng cả về mặt tinh thần và thể chất. Người mẹ có sự thay đổi về hành vi, cảm xúc về mọi vấn đề do não bộ bị đình trệ, bị chi phối bởi tư duy tiêu cực. Tuy nhiên những người xung quanh có thể cho rằng những bất thường này là do sự thay đổi hormone, do mệt mỏi, thậm chí là mẹ bỉm là quá khứ ít ai cho rằng đó là vấn đề tâm lý.

biểu hiện sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh
Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh khiến họ luôn tìm cách tách mình với mọi người xung quanh vì cảm thấy không an toàn

Một số triệu chứng điển hình của tình trạng sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh như

  • Luôn cảm thấy bối rối, bất an, lo lắng, bồn chồn nhưng không biết nguyên nhân vì đâu
  • Đôi khi có thể choáng váng, rối loạn tri giác, mất nhận thức về thực tại
  • Rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ, lúc nào cũng có cảm giác thèm ngủ nhưng khi ngủ hay bị giật mình giữa chừng hoặc gặp ác mộng
  • Tính khí thở nên nóng nảy, hay cáu gắt, bốc đồng nhưng cũng có thể trở nên thơ ơ, không muốn quan tâm đến bất cứ vấn đề nào xung quanh
  • Khó khăn trong việc chăm sóc con cái, có thể khóc lóc bất cứ lúc nào
  • Mất khẩu vị, không muốn ăn uống hoặc thèm ăn quá mức
  • Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh có thể khiến nhiều giảm chất lượng nguồn sữa, giảm lượng sữa tiết ra do ảnh hưởng bởi cortisol, tuy nhiên sẽ không làm mất sữa mẹ
  • Ôm ấp con quá mức hoặc trở nên sợ hãi, muốn tránh xa con
  • Trở nên xa cách mọi người, không muốn giao tiếp, có thể chỉ chơi cùng con hoặc chồng, sợ hãi khi có người khác
  • Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh thường gây ra suy giảm trí nhớ, hay quên, hay nhầm lẫn
  • Luôn trong trạng thái mệt mỏi, không có năng lượng, không muốn làm bất cứ việc gì khác
  • Tê liệt cảm xúc, tư duy chậm chạp, kém phản ứng với mọi thứ
  • Cảm thấy tội lỗi hoặc tức giận về mọi thứ, đánh giá các vấn đề theo chiều hướng tiêu cực
  • Trở nên tức giận, khủng hoảng hay suy sụp nếu nhìn tiếp xúc với những hình ảnh/ tình huống gợi nhớ lại những ký ức, kỷ niệm không vui
  • Luôn có cảm giác không an toàn, cảm thấy tồn tại nhiều mối nguy hiểm xung quanh và luôn cảm giác. Trạng thái này nhằm mục đích bảo vệ cho chính họ và con cái
  • Xa lánh xã hội, có xu hướng cô lập bản  thân, tách rời với mọi người
  • Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh cũng gây ra các vấn đề về thể chất kèm theo như đau nhức người, đau dạ dày, mệt mỏi, chóng mặt choáng váng, mất vị giác..

Một số trường hợp sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh có thể có các biểu hiện âm ỉ, chỉ bùng phát khi người đó phải đối diện với các tình huống tương tự sự kiện gây sang chấn trước đó.

Ảnh hưởng của sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh

Hầu hết không có ai là có khả năng miễn dịch với sang chấn, kể cả một người mạnh mẽ. Sang chấn tâm lý là một trải nghiệm cá nhân và mức độ ảnh hưởng của nó không phụ thuộc vào chính chất tình huống, mà phụ thuộc vào sức khỏe tinh thần, cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người. Không phải ai cũng có các trải nghiệm, cảm xúc giống nhau dù đứng trước cùng 1 tình huống.

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh
Chấn thương tinh thần kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình và sự phát triển của đứa trẻ

Chẳng hạn với người có tinh thần nhạy cảm, yếu đuối việc bị người khác chê trách không biết nuôi con khiến họ cực kỳ đau khổ, tức giận, thù ghét những người đó, trong khi người mẹ khác có tinh thần tích cực, thoải mái hơn có thể hỏi chính những người về chê trách làm như thế nào để nuôi con cho tốt, hoặc có thể tranh luận lại một cách văn minh, thoải mái hơn.

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh xảy ra trên mẹ bỉm – người vốn đang vô cùng mệt mỏi và cực kỳ nhạy cảm nên những cảm xúc tiêu cực, khó chịu là những điều cực kỳ dễ hiểu. Tuy nhiên tình trạng này kéo dài có thể gây ra vô vàn các hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và em bé không chỉ ở hiện tại mà còn về lâu về dài.

Những ảnh hưởng từ sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh kéo dài bao gồm

  • Cơ thể mẹ bỉm mệt mỏi, dinh dưỡng bổ sung không đủ hoặc sai cách khiến sức khỏe em bé cũng ảnh hưởng. Con thường xuyên quấy khóc không ngừng, có thể gặp vấn đề tiêu hóa ( do chất lượng sữa mẹ bị ảnh hưởng), sụt cân và điều này cũng làm mẹ càng stress, căng thẳng nhiều hơn
  • Tinh thần rối loạn khiến người mẹ không thể tập trung chăm sóc con và có thể gây ra nguy hiểm cho trẻ trong một vài trường hợp
  • Lời nói, hành vi tiêu cực, bốc đồng có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, thường xuyên tranh cãi với chồng dù chỉ là những nguyên do nhỏ nhặt
  • Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh là vấn đề tinh thần của người mẹ nhưng hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tính cách của trẻ sau này. Mẹ có tâm lý bất ổn khiến trẻ dễ hình thành nhân cách tiêu cực, cáu kỉnh, bốc đồng, khó kiểm soát cảm xúc, có xu hướng bạo lực, không nghe lời cha mẹ..
  • Người mẹ có thể tìm đến bia rượu, chất kích thích để giải tỏa cảm xúc, tinh thần. Các chất này hoàn toàn không tốt cho thể chất phụ nữ sau sinh, dễ gây đau nhức cơ thể khi về già đồng thời cũng không tốt cho sữa mẹ khiến trẻ cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe
  • Có thể bỏ bê chăm sóc con cái hoặc trở nên bảo vệ con cái quá mức, không cho phép ai được tiếp cận gần

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh hoàn toàn có thể tiến triển thành các rối loạn tâm lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trầm cảm hay rối loạn lo âu. Rất nhiều trường hợp mẹ bị trầm cảm sau sinh dẫn tới các hành vi đặc biệt nguy hiểm, chẳng hạn như tìm cách sát hại con ( bởi họ có thể cho rằng, đứa con chính là nguồn cơn của đau khổ; hoặc lo lắng rằng nếu mình mất đi đứa con sẽ hứng chịu đau khổ đó).

Nói chung, sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh có thể chỉ diễn ra trong một giai đoạn ngắn nhưng cũng có thể tiến triển thành mãn tính và gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực, bao trùm mọi khía cạnh đời sống nên cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Hướng điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh

Tùy tính chất sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh mà hướng điều trị được xây dựng theo lộ trình khác nhau. Người bệnh có thể được yêu cầu làm các xét nghiệm thể chất, kiểm tra hình ảnh não bộ hay thực hiện các bài test tâm lý chuyên môn để có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất, tránh nhầm lẫn với những bệnh lý có các triệu chứng tương đồng.

Trị liệu tâm lý kết hợp với thuốc là hai liệu pháp đang được ứng dụng chính trong điều trị các trường hợp sang chấn tâm lý. Tuy nhiên theo bác sĩ và chuyên gia, sự kiên cường và quyết tâm của người bệnh mới đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc, trị liệu.

1. Trị liệu tâm lý

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh hầu hết đều bắt nguồn từ những trải nghiệm vượt ngoài tầm kiểm soát của bản thân họ theo hướng tiêu cực, đó có thể là không còn là chính mình từ khi có con; chăm sóc em bé quá khó, cơ thể trông quá tàn tạ… Những cảm xúc hoang mang, rối bời, đau khổ này hoàn toàn có thể thay đổi được nhờ trị liệu tâm lý.

điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh
Trị liệu tâm lý giúp lấy lại hạnh phúc, niềm tin vào tương lai cho người phụ nữ sau sinh

Mục tiêu chính của trị liệu tâm lý là tìm được ra gốc rễ gây chấn thương tinh thần và tìm cách loại bỏ hoàn toàn. Thông qua việc trò chuyện, yêu cầu thân chủ chia sẻ về trải nghiệm cá nhân, cảm xúc của bản thân, nhà trị liệu sẽ dần tìm cách thay thế, điều chỉnh lại tư duy, suy nghĩ lệch lạc đang chi phối hành vi, cảm xúc của mẹ bỉm.

Liệu pháp nhận thức hành vi CBT sẽ giúp người phụ nữ tự nhìn nhận hành vi, cảm xúc của bản thân, chấp nhận chính mình thay vì chỉ luôn mặc cảm và tội lỗi. Nhà trị liệu chính là người dẫn dắt để thân chủ có thể kết nối và xoa dịu đứa trẻ bên trong, từ đó tự điều chỉnh lại nhận thức của bản thân theo hướng tích cực, đúng đắn với thực tế.

Liệu pháp phơi nhiễm cũng có thể được chỉ định cho một số trường hợp sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Cơ chế của liệu pháp này là để thân chủ tiếp xúc liên tục với nỗi sợ hãi, ám ảnh của bản thân theo nhiều cấp độ, từ đó hình thành các phản ứng thích nghi thay vì chỉ luôn trốn chạy. Các liệu pháp thư giãn sẽ được phối hợp song song để kiểm soát hành vi, cảm xúc ổn định, tránh các phản ứng kích thích quá mức.

Các liệu pháp nhóm, liệu pháp gia đình để kết nối người phụ nữ với người thân, đặc biệt là người chồng và người con cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình điều chỉnh nhận thức cho thân chủ. Liệu pháp thôi miên cũng có thể được chỉ định khi trị liệu sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh nếu các liệu pháp khác không đạt kỳ vọng mong muốn.

2. Điều trị bằng thuốc

Sử dụng hóa dược trong điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh là biện pháp được cân nhắc rất nhiều bởi có thể gây ảnh hưởng đến em bé nếu người mẹ đang trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên nếu tình trạng chấn thương tâm lý quá nghiêm trọng hoặc người mẹ có các phản ứng tâm lý quá mức, có thể gây nguy hiểm hay có nguy cơ tự sát bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để ngăn chặn nguy cơ này.

Một số nhóm thuốc an thần, Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), nhóm thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định trong điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Để tránh các tác dụng trên thai nhi, bác sĩ có thể yêu cầu người mẹ cho bé bú trước khi uống thuốc hoặc trữ sữa trước khi uống thuốc để bé sử dụng dần sau đó.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số nhóm thuốc bổ phù hợp cho cả mẹ và bé, thường là các nhóm thuốc bổ não. Hệ thần kinh cần hoạt động khỏe mạnh mới bù đắp được các hóa chất đang thiếu hụt và mang lại hiệu quả điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh tốt hơn.

Nếu trong thời gian mẹ dùng thuốc và cho con bú, trẻ có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe, chẳng hạn tiêu chảy hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ điều trị để được hỗ trợ. Việc uống thuốc cũng khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi hơn ở thời gian đầu nên cũng cần sự hỗ trợ từ gia đình trong quá trình chăm sóc con.

3. Chăm sóc và điều trị tại nhà

Với các trường hợp sang chấn tâm lý cấp tính hoàn toàn có thể cải thiện thông qua các biện pháp can thiệp điều trị tại nhà. Gia đình cần đồng hành trong giai đoạn này, không chỉ trong việc hỗ trợ người mẹ chăm sóc em bé mà còn tạo ra động lực để họ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sự quyết tâm, kiên cường của người mẹ chính là liều thuốc có hiệu quả nhất để loại bỏ hoàn toàn tình trạng này.

chăm sóc phụ nữ bị sang chấn tâm lý sau sinh
Gia đình cần tạo điều kiện để mẹ bỉm nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần nhiều hơn

Theo các chuyên gia, gia đình nên tạo cơ hội để gắn kết người mẹ với đứa trẻ nhiều hơn. Bất cứ người phụ nữ nào cũng có bản năng làm mẹ, có tình yêu với con cái vô cùng mãnh liệt. Đứa trẻ sẽ trở thành tia sáng chói lóa, là ánh nắng rực rỡ xua tan đi mây mù trong tâm trí đang nhiễu loạn của người mẹ. Khi tình yêu với con cái được kích hoạt, người mẹ sẽ biết làm gì để tốt nhất cho đứa trẻ.

Một số biện pháp chăm sóc tại nhà hữu ích được khuyến khích trong điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh như

  • Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, mẹ bỉm nên tranh thủ ngủ ngay khi có cơ hội để phục hồi năng lượng cho cả thể chất và não bộ. Gia đình, đặc biệt là người chồng cần hỗ trợ người mẹ nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày
  • Chấp nhận hiện thực chính là bước đầu để bạn sẵn sàng với những thử thách thay vì cứ chối bỏ và tìm cách trốn tránh đau khổ. Buông bỏ những gì không xứng đáng chính là cách giúp bạn hạnh phúc
  • Dành thời gian sắp xếp kế hoạch, lịch trình sinh hoạt hợp lý. Tất nhiên khi có em bé, việc thực hiện theo đúng lộ trình sắp xếp là việc rất khó khăn nhưng không phải là không thể. Chủ động sắp xếp thời gian sẽ giúp mẹ cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và có thêm nhiều thời gian làm việc khác
  • Tham khảo các phương pháp nuôi con khoa học có thể giúp mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn, khỏe hơn, trẻ chủ động hơn, kích thích phát triển thể chất và não bộ ngay từ những giai đoạn đầu
  • Thiền định được các chuyên gia khuyến khích trong điều trị sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh tại nhà. Phương pháp này giúp mẹ bỉm kiểm soát cảm xúc, trở nên bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn, thả lỏng tâm trí, cải thiện chất lượng giấc ngủ và toàn bộ thể chất
  • Sử dụng các loại thảo mộc để làm trà, dùng máy khuếch tán tinh dầu hay dùng để tắm có thể giúp mẹ bỉm thư giãn cơ thể, thả lỏng tinh thần, ngủ ngon hơn mà không cần dùng thuốc
  • Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các nhóm thực phẩm lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Trong đó các nhóm cá béo, đạm từ thịt nạc hay các loại hạt, các loại rau củ, trái cây được các bác sĩ khuyến khích rất nhiều
  • Hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, đặc biệt là đường hóa học, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, đồ ăn sử dụng hóa nhiều dầu mỡ vì vừa không tốt cho hệ thần kinh, vừa ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ thông qua quá trình bú mẹ
  • Tìm kiếm lời khuyên và sự hỗ trợ từ những người đi trước, chẳng hạn như cha mẹ, các bà, các dì xung quanh trong cách chăm sóc trẻ, cách kiêng cữ để cơ thể khỏe mạnh hơn
  • Tham gia các lớp, các buổi học về kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học. Mẹ cũng có thể tìm các thông tin này trên internet nhưng nên chắt lọc các kiến thức khoa học từ các đơn vị uy tín, tránh thông tin nào cũng áp dụng

Sang chấn tâm lý ở phụ nữ sau sinh hoàn toàn có thể tự cải thiện nếu bản thân người mẹ và gia đình sớm nhận ra và chăm sóc tinh thần đúng cách kịp thời. Chăm sóc tâm lý, thể chất cho phụ nữ mang thai và sau sinh là một đề tài đòi hỏi cần quan tâm nhiều hơn hiện nay để tránh nguy cơ các rối loạn tâm lý cùng các hệ lụy nguy hiểm khác xuất hiện.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *