Biểu hiện sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai
Phá thai, sảy thai không chỉ gây nên các biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn để lại nhiều tác động tiêu cực đối với tâm lý của phụ nữ. Sang chấn tâm lý sau khi phá thai là một trong các trường hợp phổ biến khiến cho nhiều chị em trở nên buồn chán, đau khổ, tự dằn vặt bản thân trong suốt thời gian dài.
Biểu hiện của sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai
Phá thai là một hình thức chấm dứt thai kì ở giai đoạn sớm bằng cách sử dụng các loại thuốc chuyên biệt hoặc áp dụng một vài thủ thuật chuyên khoa. Trong thực tế không có bất cứ người phụ nữ nào muốn phá bỏ đứa con của mình, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau nên họ mới bắt buộc đưa ra quyết định đau buồn này. Thậm chí còn có một số trường hợp phụ nữ bị sảy thai ngoài mong muốn nên đành phải chấp nhận việc loại bỏ thai nhi ra khỏi tử cung.
Phá thai là một trong những hình thức khá nguy hiểm và để lại rất nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tâm lý của phụ nữ, nó có thể tạo thành những tổn thương kéo dài mãi mãi. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp nạo phá thai khiến chị em vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ. Mặt khác một số phụ nữ phải đối mặt với những tổn thương tâm lý vô cùng nghiêm trọng, họ trở nên hoang mang, lo sợ và tự trách bản thân mình.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì dù phá thai, sảy thai bởi bất kì lý do nào cũng có thể khiến cho phụ nữ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý, cảm thấy lo lắng, sợ hãi, ám ảnh kéo dài. Có người phá thai vì chưa sẵn sàng có con, có người vì có thai từ khi còn ở độ tuổi vị thành viên hoặc do bị ép buộc phá thai. Tuy rằng, trước khi phá thai, các bác sĩ đều dựa trên sự tự nguyện của người phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi đánh mất đứa con của mình, không ít người cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân và dễ rơi vào trạng thái sang chấn.
Sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng có không ít các trường hợp kéo dài liên tục nếu như không được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp. Để có thể nhận biết các trường hợp bị sang chấn tâm lý sau khi phá thai, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu nhận biết sau đây:
- Cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng.
- Có cảm giác lo lắng, bất an, sợ hãi, dễ bị kích động, tức giận, nóng nảy bất chợt.
- Có xu hướng tự trách bản thân, cảm thấy tội lỗi, cho rằng bản thân bất tài, vô dụng nên không giữ được đứa con của mình, thậm chí trong lúc kích động có thể liên tục nhận lỗi, nói lời xin lỗi với con.
- Bị rối loạn giấc ngủ, cảm thấy khó ngủ, mất ngủ liên tục hoặc trằn trọc không ngủ được, không dám ngủ. Nhiều người chia sẻ rằng, chỉ cần họ nhắm mắt lại thì những hình ảnh của bản thân hoặc của thai nhi lại hiện ra khiến họ cảm thấy sợ hãi, hoang mang.
- Thường xuyên nghe thấy những âm thanh lạ hoặc nghe thấy tiếng khóc, tiếng gọi của trẻ nhỏ đang oán trách hoặc tìm mẹ.
- Có xu hướng tự thu mình, không muốn gặp gỡ hoặc tiếp xúc với bất kì ai, kể cả chồng và người thân. Họ thường muốn ở một mình và ở trong những không gian kín, tắt hết đèn.
- Tâm trạng thay đổi bất thường, có thể khóc lóc, kích động hoặc trở nên nóng giận, cáu gắt không rõ lý do.
- Dễ mất tập trung, giảm sự chú ý, hay ngồi mơ hồ, nhìn xa xăm, lơ đễnh.
- Trí nhớ bị suy giảm, hay quên trước quên sau, không thể để tâm hay ghi nhớ một việc gì đó quá lâu.
- Thay đổi khẩu vị ăn uống, cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa hoặc có trường hợp ăn uống vô độ, mất kiểm soát.
- Có cảm giác dè chừng, xấu hổ, lo sợ bị người khác phát hiện và chế giễu.
- Có xu hướng lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện nhằm mục đích giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
- Có thể thực hiện các hành vi tự hành hạ, giày vò bản thân hoặc thậm chí có trường hợp tự sát.
- Sang chấn tâm lý sau khi phá thai còn có thể kèm theo một vài triệu chứng thể chất như đau nhức cơ thể, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Các dấu hiệu này có thể là hệ lụy từ việc sảy thai, phá thai hoặc do bản thân họ tự tưởng tượng ra.
Thông thường, các dấu hiệu của sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai biểu hiện rất rõ rà ng. Tuy nhiên, nó cũng rất dễ nhầm lẫn với những trường hợp rối loạn tâm thần khác. Đặc biệt, những trường hợp bị sang chấn lại có nhiều xu hướng muốn sống tách biệt, che giấu các triệu chứng và không dám chia sẻ với bất kì ai. Chính vì thế việc phát hiện và tiến hành thăm khám để áp dụng các biện pháp can thiệp cũng gặp không ít khó khăn. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp nhận biết muộn và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Tại sao bị sang chấn tâm lý sau khi phá thai?
Sang chấn tâm lý được hiểu một cách đơn giản là trạng thái bất ổn về mặt tâm lý với những triệu chứng đặc trưng như tâm trạng buồn chán, mệt mỏi, suy nhược, dễ kích động. Tình trạng này thường có sự liên quan đến những sự kiện bất ngờ ngoài ý muốn làm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tâm lý của con người và trong đó, phá thai hay sảy thai là một trong các yếu tố có sự tác động lớn đối với tâm lý của người mẹ.
Phá thai do các nguyên nhân bất đắc dĩ như quái thai, con bị dị tật và đặc biệt là trường hợp sảy thai ngoài ý muốn sẽ dễ khiến cho phụ nữ rơi vào trạng thái suy sụp, bế tắc, sang chấn tâm lý nặng nề. Tuy rằng trước khi đưa ra quyết định phá thai, chị em đã được thông báo và chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần nhưng rất khó tránh khỏi những sự ám ảnh, đau đớn, tổn thương khi mất đi đứa con của mình.
Vậy tại sao nhiều người lại dễ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý sau khi phá thai?
- Phá hoặc sảy thai khi thai nhi đã quá lớn (thường là trên 3 tháng) sẽ dễ làm ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ bởi lúc này người mẹ đã có sự liên kết rõ ràng hơn với đứa con của mình.
- Những trường hợp hiếm muộn, khó khăn mới có thể mang thai thì việc sảy thai sẽ dễ khiến cho người phụ nữ cảm thấy tuyệt vọng, sang chấn tâm lý.
- Do quá trình phẫu thuật diễn ra quá lâu và gặp nhiều khó khăn làm cho người phụ nữ cảm thấy bị đau đớn hoặc đã để lại các di chứng trên cơ thể. Đặc biệt là những bạn trẻ, mang thai ngoài ý muốn nên có xu hướng che giấu, tìm đến các cơ sở kém chất lượng, uy tín khiến cho quá trình phá thai gặp nhiều trở ngại, thậm chí là gây ra tính trạng nhiễm trùng, chảy máu liên tục, đau nhức kéo dài và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung, khả năng mang thai về sau.
- Những trường hợp bị bắt buộc phá thai hoặc sảy thai quá bất ngờ sẽ dễ cảm thấy sốc, tâm lý dễ trở nên bất ổn.
- Những người có tâm lý yếu, sức khỏe thể chất không được đảm bảo cũng dễ rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý sau khi phá thai.
- Không nhận được sự hỗ trợ của người thân, đặc biệt là người chồng trong quá trình phá thai hoặc sau khi sảy thai, phá thai bị người thân lạnh nhạt, người thương phụ bạc, chia tay cũng khiến cho tâm lý của phụ nữ trở nên hoang mang, lo lắng tột đột.
- Những trường hợp đã phá thai hoặc sảy thai nhiều lần.
- Do sự thờ ơ, lên án, trách móc của người thân, gia đình.
- Sau khi phá thai, nội tiết tố bên trong cơ thể bị thay đổi làm ảnh hưởng đến tâm trạng của phụ nữ.
Như vậy có thể thấy rằng, sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai có khả năng liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, có cả chủ quan và khách quan. Việc tìm ra nguyên nhân khiến tâm lý phụ nữ trở nên bất ổn cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và giúp họ dần cân bằng lại cuộc sống.
Sang chấn tâm lý sau khi phá thai có ảnh hưởng như thế nào?
Đối với một số trường hợp đặc biệt, phá thai là một trong các giải pháp hiệu quả và cần thiết, chẳng hạn như thai nhi bị dị tật, mẹ bầu mắc phải các chứng bệnh nguy hiểm,…Tuy nhiên, dù là bất kì nguyên nhân nào thì việc mất đi đứa con của mình cũng khiến cho nhiều chị em cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân và rơi vào trạng thái tiêu cực, bất ổn về mặt tâm lý.
Sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn tác động đến thể chất và đôi khi làm đảo lộn cả cuộc sống của các chị em. Một số người do sự mất cân bằng về tâm trạng nên dễ gây ra những triệu chứng liên quan đến thể chất, làm cho cơ thể bị suy kiệt. Tình trạng này nếu cứ kéo dài dai dẳng sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, một vài trường hợp phải tạm dừng công việc để cân bằng lại sức khỏe.
Do cú sốc tinh thần quá lớn khiến cho nhiều chị em dần thu mình lại, có xu hướng sống tách biệt với mọi người xung quanh, không muốn thực hiện hoặc tham gia vào bất cứ công việc gì. Hơn thế, một số người mẹ còn liên tục gặp phải ảo thanh, họ thường xuyên nghe thấy tiếng con mình đang khóc lóc, réo gọi, oán trách. Điều này khiến cho họ luôn ở trong trạng thái lo sợ, hoang mang, tội lỗi, đôi lúc trở nên hoảng loạn, mất kiểm soát.
Đồng thời, các di chứng sau khi bị sảy thai hoặc phá thai kết hợp cùng với những sang chấn tâm lý còn khiến cho người mẹ bị rối loạn giấc ngủ. Hầu hết đều bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên trằn trọc không ngủ được, hay mơ gặp ác mộng, suy nghĩ về đứa con của mình nên không có được giấc ngủ trọn vẹn.
Ngoài ra, nếu tình trạng sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai không sớm được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp thì cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển thành chứng bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu. Lúc này mức độ nguy hiểm sẽ càng gia tăng, phụ nữ sẽ thường xuyên nghĩ về những điều tiêu cực, nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tồi tệ và có xu hướng thực hiện các hành vi tự sát, tự làm tổn thương chính mình.
Cách vượt qua sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai
Như đã chia sẻ ở trên, sang chấn tâm lý sau khi phá thai hay sảy thai có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và cả đời sống của phụ nữ. Chính vì thế, bản thân mỗi người cần phải tìm hiểu và trang bị cho mình những biện pháp hữu ích để có thể mau chóng vượt qua được cú sốc to lớn này. Trong thực tế, có những người đủ mạnh mẽ để có thể vượt qua được những tổn thương, mất mát nhưng cũng có những người mãi chìm đắm trong những sự đau khổ, buồn tủi sau khi phá thai, sảy thai.
Nếu tình trạng sang chấn tâm lý sau khi phá thai khiến bạn trở nên mệt mỏi và làm đảo lộn cuộc sống hiện tại thì bạn nên nhanh chóng áp dụng các biện pháp sau đây để khắc phục.
1. Chấp nhận và đối diện với sự thật
Dù muốn hay không thì việc đứa con của bạn đã không còn tồn tại là sự thật và bạn nên đối diện để chấp nhận sự thật này. Nếu bạn cứ cố gắng lừa dối bản thân hoặc tìm cách tránh né, không dám chấp nhận việc bạn đã phá thai thì những nỗi ám ảnh, đau buồn sẽ mãi xâm chiếm lấy tâm trí của bạn. Chính vì thế, điều mà bạn cần làm ngay lúc này là đối mặt với sự thật và nên bằng lòng với những cảm xúc hiện tại của mình.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tâm lý thì việc phụ nữ có thể nhìn nhận việc bản thân đã bị sảy hay phá thai là một trong những cách hiệu quả để giúp bạn phòng tránh, cải thiện tốt các triệu chứng sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, để không làm cho tâm trạng càng trở nên tồi tệ thì bạn có thể dần bắt đầu với những chi tiết nhỏ. Bạn có thể sắp xếp lại đồ đạc đã chuẩn bị cho bé, xem lại thông tin khám thai,…Hãy cất nó vào một góc nhỏ, xem đó là những vật kỷ niệm và chấp nhận rằng, con bạn sẽ không thể chào đời trong tương lai.
2. Hiểu rõ về tình trạng của chính mình
Sang chấn tâm lý sau khi phá thai có khởi phát bởi rất nhiều lý do khác nhau. Để có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng sang chấn thì việc bạn cần làm lúc này đó chính là tìm ra nguyên nhân gốc rễ khiến tâm trạng trở nên bất ổn. Đồng thời, bạn cũng cần phải hiểu rõ về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình. Cách tốt nhất là nên tìm gặp bác sĩ, chuyên gia để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn cụ thể.
Khi nhận thấy những sự bất thường về tâm trí của phụ nữ sau khi phá thai, sảy thai thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát để đánh giá sơ lược về tình trạng bệnh. Nếu nghi ngờ họ có vấn đề về tâm thần thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện bài test đánh giá hoặc tiến hành làm một vài xét nghiệm có liên quan để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Ngoài ra, việc hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân cũng phần nào giúp họ dễ dàng chấp nhận các phương pháp điều trị và có sự kiên trì theo đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Cũng chính nhờ thế mà quá trình phục hồi sức khỏe sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, người bệnh sẽ dần ổn định về mặt tâm lý và cân bằng được cuộc sống sau khi sảy thai, phá thai.
3. Ngừng việc tự trách móc, đổ lỗi cho bản thân
Trong thực tế, hầu hết những chị em phụ nữ sau khi phá thai hoặc bị sảy thai đều có tâm lý tội lỗi, tự trách móc bản thân và luôn cho rằng mình là một kẻ vô dụng, nhiều trường hợp còn tự thực hiện các hành vi hành hạ chính mình nhằm trừng phạt vì những tội lỗi đã gây ra. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, những việc đã xảy ra thì hoàn toàn không thể nào thay đổi được. Việc của bạn lúc này là ổn định tinh thần, đảm bảo sức khỏe để có thể đón chào một tương lai tương đẹp hơn.
Để mau chóng thoát khỏi trạng thái sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai thì các chị em phụ nữ nên cố gắng điều chỉnh bản thân, cân bằng cảm xúc, thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tốt đẹp và tích cực hơn. Thay vì cứ mãi dằn vặt chính mình thì bạn hãy cố gắng sửa chữa những sai lầm của bản thân bằng cách chăm lo cho cuộc sống hiện tại và xây dựng tương lai tốt đẹp, bởi cơ hội để chào đón thiên thần nhỏ vẫn sẽ chờ bạn trong tương lai.
4. Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn
Cơ thể của phụ nữ sau khi bị sảy thai hoặc phá thai cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, sức khỏe lúc này sẽ bị suy yếu và dễ cảm thấy mệt mỏi. Do đó, bạn cần phải dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục thể trạng và ổn định tâm trạng tốt hơn. Nếu cảm thấy quá lo lắng, buồn phiền, tổn thương thì cách tốt nhất là bạn nên áp dụng ngay các phương pháp thư giãn ngay tại nhà để tâm trạng trở nên tốt hơn, giải phóng tốt các suy nghĩ tiêu cực.
Một số biện pháp giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn như nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh, chăm sóc cây cảnh, nấu những món ăn ngon, tập yoga, sáng tác,…Hoặc nếu cảm thấy sức khỏe đã dần ổn định, bạn có thể dành thời gian để đi du lịch ở đâu đó, ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên để cảm thấy thoải mái hơn. Hoặc bạn cũng có thể tìm đến những nơi yên tĩnh như chùa, nhà thờ để tâm trí được thảnh thơi, giải tỏa các căng thẳng, áp lực.
5. Chia sẻ, tâm sự với bạn bè, người thân
Việc cứ mãi che giấu cảm xúc, tránh né những người xung quanh chỉ làm cho trạng thái sang chấn tâm lý càng trở nên tồi tệ sau khi bạn phá thai, sảy thai. Thay vì chịu đựng nỗi đau đó một cách cô đơn thì bạn hãy san sẻ và tâm sự với những người thân bên cạnh. Việc có thể nói ra những cảm xúc tồi tệ, những lo lắng trong lòng sẽ phần nào giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên chia sẻ điều này với những người thực sự đáng tin tưởng, chẳng hạn như chồng, bạn trai, người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Bạn cần nói chuyện với những người có tư duy tích cực, luôn suy nghĩ đến những điều lạc quan trong cuộc sống để họ có thể động viên, tiếp thêm cho bạn những năng lượng tốt.
Hoặc nếu cảm thấy khó trải lòng với những người bên cạnh thì bạn có thể thử viết nhật ký. Theo nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc viết ra những cảm xúc, suy nghĩ tồi tệ lên trên giấy sẽ giúp bạn xua tan những ưu phiền, cải thiện tâm trạng hiệu quả. Đồng thời, sau khi bình tĩnh lại, đọc lại những điều bản thân đã viết, bạn cũng hiểu rõ hơn những sự bất ổn trong suy nghĩ và dần điều chỉnh nó theo hướng đúng đắn hơn.
6. Chú ý đến dinh dưỡng hàng ngày
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày của phụ nữ sau sảy thai hoặc phá thai cũng rất quan trọng, đặc biệt là các trường hợp rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý. Lúc này bạn cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống của mình, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có lợi cho não bộ.
Theo chia sẻ của chuyên gia thì việc cân bằng tốt thực đơn ăn uống hàng ngày cũng góp phần giúp cho sức khỏe tinh thần được ổn định hơn. Phụ nữ sau phá thai nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, các thực phẩm tươi sống giàu dưỡng chất. Đồng thời cần hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Không được sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá gây hại cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.
7. Nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ
Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, dù đã cố gắng áp dụng tốt các biện pháp nêu trên nhưng tình trạng sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai vẫn không được cải thiện tốt thì bạn cần nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ và các biện pháp can thiệp y khoa. Hiện nay, đối với các trường hợp bị sang chấn tâm lý do sảy thai hoặc sau khi phá thai sẽ được ưu tiên để áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý.
Sau khi trò chuyện trực tiếp với chuyên gia tâm lý thì bệnh nhân cũng sẽ nhìn nhận rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân và những sự bất ổn trong tâm trí. Từ đó họ cũng sẽ biết cách điều chỉnh hành vi, cảm xúc của mình theo chiều hướng đúng đắn hơn. Sau đó, các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn cho người bệnh những kỹ năng cần thiết để có thể dễ dàng đối phó và vượt qua được những khó khăn, cản trở trong cuộc sống, hạn chế tình trạng tái phát và làm phát triển bệnh ở mức độ cao hơn.
Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt cũng sẽ được cân nhắc để sử dụng kết hợp cùng một vài loại thuốc. Việc dùng thuốc nhằm mục đích kiểm soát và khống chế tốt các triệu chứng nguy hiểm, tránh làm gia tăng nguy cơ khởi phát các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu. Tuy nhiên, quá trình dùng thuốc cần phải có sự hướng dẫn, chỉ định và theo dõi cụ thể của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, tránh gây ra những ảnh hưởng ngoài ý muốn.
Sang chấn tâm lý sau khi phá thai, sảy thai là một trong những tình trạng thường gặp. Hi vọng qua thông tin của bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng này và có cách phòng ngừa, khắc phục hiệu quả để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Có thể bạn quan tâm:
- Phòng ngừa sốc tâm lý sau khi sinh con đầu lòng
- Cách vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn
- 10 Lời Khuyên Giúp Bạn Vượt Qua Áp Lực Từ Gia Đình
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!