Nhận biết và vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn có thể xảy ra từ một hoặc hai phía. Dù kết thúc mối quan hệ do bất cứ lý do gì, việc vượt qua sang chấn là điều cần thiết để cả hai có thể đón nhận cuộc sống mới và trưởng thành sau những đổ vỡ.
Hiểu về sang chấn tâm lý hậu ly hôn
Khi kết hôn, ai cũng mong muốn bản thân có thể xây dựng gia đình hạnh phúc và êm ấm. Thế nhưng, cuộc sống vốn dĩ không diễn ra theo ý muốn của bất cứ ai. Những mâu thuẫn, cãi vã và khác biệt về quan điểm sống đã khiến không ít cặp vợ chồng phải đi đến quyết định ly hôn.
Trước đây, ly hôn được xem là dấu chấm hết cho cả hai. Tuy nhiên, quan điểm sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, mọi người không còn quá khắt khe và dị nghị khi các cặp đôi đi đến quyết định chia tay. Dù vậy, ly hôn không phải là điều dễ dàng và ngay cả khi đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, cả hai vẫn sẽ phải đối mặt với những tổn thương tâm lý.
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn đề cập đến những rối loạn tâm lý gặp ở các cặp đôi sau khi ly hôn. Mức độ tổn thương sẽ phụ thuộc vào tính chất của cuộc ly hôn, tình cảm, tính cách và nhiều yếu tố khác. Trong đó, những cuộc ly hôn có tính chất ép buộc sẽ để lại tổn thương sâu sắc hơn so với những cuộc ly hôn có sự đồng tình từ cả hai phía.
Dù vậy, phục hồi tâm lý sau ly hôn là điều không dễ dàng. Tùy vào trường hợp cụ thể, tổn thương tâm lý có thể diễn ra trong vài tháng hoặc vài năm. Các nghiên cứu cho thấy, bản thân nữ giới sẽ phải đối mặt với tổn thương sâu sắc hơn do tính cách nhạy cảm và dễ bi quan.
Nhận biết sang chấn tâm lý sau khi ly hôn
Sang chấn tâm lý có biểu hiện rất đa dạng, điều này phụ thuộc nhiều vào tính chất sự kiện và tính cách của mỗi người. Tuy nhiên, đặc điểm chung của tất cả những người bị tổn thương tâm lý hậu ly hôn là tinh thần không ổn định, khó kiểm soát cảm xúc và luôn có cảm giác trống rỗng.
Các dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý sau ly hôn:
1. Có cảm giác trống rỗng, vụn vỡ
Cảm giác vụn vỡ, trống rỗng là phản ứng thường thấy ở những cặp đôi sau ly hôn. Dù là người đề nghị ly hôn hay là người bị động, cảm xúc này vẫn sẽ xảy ra. Theo các chuyên gia, việc kết thúc một mối quan hệ với người mình đã từng yêu thương sẽ tạo ra cảm giác trống rỗng.
Biết rằng ly hôn đôi khi là lựa chọn tốt nhất cho cả hai nhưng khi đối mặt, rất khó để giữ cho chính mình sự bình tĩnh tuyệt đối. Cảm giác vụn vỡ sẽ xuất hiện sau khi ly hôn và kéo dài trong một thời gian.
Cảm giác trống rỗng sẽ trở nên sâu sắc khi cuộc sống thiếu vắng sự hiện diện của đối phương. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ nhanh chóng được bù lấp khi bản thân mỗi người cân bằng được cuộc sống.
2. Mất cảm xúc trong một thời gian dài
Ngoài cảm giác vụn vỡ và trống rỗng, không ít người trở nên tê liệt và mất cảm xúc trong một thời gian dài. Phản ứng này xuất phát từ sự tuyệt vọng khi cuộc hôn nhân được bản thân vun đắp lại có kết cục đáng buồn. Sự kỳ vọng quá lớn vào hôn nhân cũng là lý do dẫn đến tình trạng mất cảm xúc hậu ly hôn.
Mất cảm xúc đột ngột đôi khi là phản ứng chống trả của cơ thể trước nỗi đau quá lớn. Sau khi trải qua cảm xúc này, một số người sẽ phải đối mặt với sự đau khổ tột cùng và dai dẳng. Tuy nhiên, cũng có những người nhanh chóng phục hồi tâm lý chỉ sau một thời gian ngắn.
3. Khó thích nghi với cuộc sống mới
Trong cuộc sống hôn nhân, cả hai sẽ đồng hành và kề cạnh cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên sau khi ly hôn, bạn sẽ phải đối mặt mọi thứ một mình. Dù mạnh mẽ đến đâu nhưng ở trong hoàn cảnh này, tâm lý sẽ không tránh khỏi sự nhạy cảm.
Hơn nữa, sự thiếu vắng đột ngột của đối phương sẽ khiến cho bạn cảm thấy khó chịu và khó thích nghi. Trong trường hợp đã có con cái, việc thích nghi sau khi ly hôn sẽ trở nên khó khăn hơn. Phụ nữ là đối tượng có khả năng thích nghi tốt hơn so với nam giới. Đa phần nam giới sau khi ly hôn đều mất một thời gian rất dài để có thể ổn định cuộc sống – nhất là khi nhận trách nhiệm nuôi dạy con cái.
4. Đau đáu về mối quan hệ cũ
Hậu ly hôn, một trong hai người vẫn sẽ nghĩ về mối quan hệ cũ. Tình trạng này gặp nhiều hơn ở người thụ động trong việc ly hôn và thường là người bị bỏ rơi. Chứng kiến đối phương thay lòng đổi dạ khiến người còn lại không khỏi đau khổ. Kết thúc hôn nhân vì bị lừa dối, bỏ rơi sẽ khiến bạn nghĩ về khoảng thời gian trước đây khi cả hai còn hạnh phúc.
Ngoài ra, những cặp đôi ly hôn văn minh vẫn không tránh khỏi việc nhớ về mối quan hệ cũ. Khi đã trải qua những ngày tháng hạnh phúc, rất khó để có thể không nghĩ về. Thậm chí, nhiều người luôn so sánh những đối tượng mới với vợ/ chồng cũ của mình. Đây là tâm lý thường thấy của nhiều người sau ly hôn. Vì vậy, hãy chắc chắn bạn đã gạt bỏ được hình ảnh của người cũ trước khi tìm hiểu và bắt đầu mối quan hệ với người mới.
5. Tinh thần bất ổn, bi quan
Tinh thần bất ổn, bi quan là dấu hiệu thường thấy của sang chấn tâm lý hậu ly hôn. Không chỉ tâm lý phụ nữ mà tâm lý đàn ông sau ly hôn cũng sẽ trải qua khoảng thời gian bất ổn và bi quan.
Dù chia tay trong hòa bình, cả hai vẫn không thể tránh khỏi những tổn thương tâm lý. Tâm lý của những cặp đôi sau ly hôn thường khá phức tạp. Ban đầu là sự buồn bã, đau khổ, trống rỗng và vụn vỡ, xen lẫn là cảm giác khó chịu, dễ cáu kỉnh và tức giận.
Bất cứ sự việc nào xảy ra trong giai đoạn này đều khiến bạn nổi nóng và luôn có cảm giác không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Thực tế, việc một người đã từng rất quan trọng bước ra khỏi cuộc sống là điều khó chấp nhận – dù đó là mong muốn của cả hai. Vì vậy, tinh thần bất ổn và bi quan là phản ứng thường thấy sau khi ly hôn.
Nhiều người không hề có bất cứ sự buồn bã hay đau khổ nào trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên trải qua một thời gian dài phải sống cô đơn, họ cảm nhận rõ nỗi đau, sự mất mát và tuyệt vọng của ly hôn. Không ít người thú nhận, tinh thần của họ bị giày vò đến kiệt quệ hậu ly hôn. Cảm xúc tan vỡ ngày một sâu sắc khiến nỗi đau hiện lên rõ rệt và ăn mòn tâm trí.
6. Bị ám ảnh về những kỷ niệm đẹp
Đối mặt với cuộc sống cô độc, bạn sẽ nhớ về những kỷ niệm đẹp cả hai từng trải qua. Ban đầu, những ký ức này xuất hiện một cách chủ động và có thể kiểm soát. Tuy nhiên về lâu dài, ký ức có thể xuất hiện một cách vô thức trong suy nghĩ và giấc mơ. Những hình ảnh này gợi nhắc liên tục về sự tan vỡ dẫn đến nỗi đau tinh thần sâu sắc và dai dẳng.
Nhiều người bị ám ảnh về những kỷ niệm đẹp với vợ/ chồng cũ khi liên tục thất bại trong tình yêu. Thực tế cuộc sống khiến cho họ nhận ra đã đánh mất người thực sự yêu thương và quan tâm đến bản thân. Trong trường hợp này, sự ám ảnh sẽ trở nên dai dẳng hơn. Đây cũng là lý do không ít cặp đôi quyết định hàn gắn sau một thời gian ly hôn.
7. Hình thành nỗi sợ về tình yêu
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn có thể khiến một số người hình thành nỗi sợ về tình yêu và hôn nhân. Những người này thường kỳ vọng quá lớn khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Họ thường lựa chọn hy sinh và đánh đổi nhiều thứ để xây dựng gia đình hạnh phúc với người mà mình yêu thương. Tuy nhiên, đổi lại những hy sinh thầm lặng là bạn đời không chung thủy, các vấn đề tài chính, mâu thuẫn và khác biệt trong quan điểm sống.
Hôn nhân tan vỡ một cách đột ngột dẫn đến tâm lý sợ yêu, sợ kết hôn. Nhiều người đã trải qua cuộc hôn nhân hạnh phúc và lâu dài nhưng bất ngờ phát hiện bạn đời lừa dối từ lâu sẽ đau khổ nhiều hơn. Bởi ly hôn không chỉ khiến họ mất đi người mà mình yêu thương mà còn đánh mất cả lòng tin. Lòng tin mất đi khiến họ không dám bắt đầu một mối quan hệ mới, từ đó khép lòng mình và chọn cách sống cô độc.
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn và những ảnh hưởng nặng nề
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn khiến cuộc sống của cả hai bị nhiễu loạn. Nếu biết cách cân bằng, cả hai có thể ổn định cuộc sống và lấy lại tinh thần chỉ sau một thời gian ngắn. Ngược lại, sang chấn tâm lý kéo dài có thể dẫn đến những ảnh hưởng vô cùng nặng nề như:
- Trầm cảm sau ly hôn
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn giấc ngủ
- Các vấn đề sức khỏe thể chất như suy nhược, mệt mỏi,
Trong trường hợp đã có con cái, trẻ có thể bị tổn thương tâm lý dai dẳng nếu bản thân bố mẹ không vực dậy sau khi ly hôn. Ngoài ra, tâm lý bất ổn cũng khiến bố mẹ gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn để lại những ảnh hưởng nặng nề nếu không được chữa lành. Ly hôn là kết thúc không ai mong muốn nhưng đôi khi là lựa chọn tốt nhất. Kết thúc một mối quan hệ sẽ để lại sự mất mát và tiếc nuối. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội đã cả hai xây dựng cuộc sống hạnh phúc và tìm được đối tượng lý tưởng hơn.
Để ổn định tinh thần, bạn có thể áp dụng một số cách vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn sau:
1. Chia sẻ với người thân, bạn bè
Chia sẻ với người thân, bạn bè là điều cần thiết sau khi ly hôn. Nhiều người cho rằng, bản thân đủ mạnh mẽ để vượt qua tổn thương tâm lý sau khi kết thúc một mối quan hệ. Tuy nhiên, đằng sau là một loạt những cảm xúc mãnh liệt bị dồn nén.
Nếu không học cách chia sẻ, những cảm xúc này sẽ lớn dần theo thời gian gây ra sự đau khổ sâu sắc và dần ăn mòn tâm trí của chính bạn. Trong khi đó, học cách chia sẻ với những người xung quanh sẽ giúp bạn cơ hội giải tỏa cảm xúc, thành thật với chính mình và biết rằng luôn có những người yêu thương ở bên cạnh.
Thông thường, nam giới hiếm khi chia sẻ cảm xúc hậu ly hôn. Cảm xúc của họ không thể hiện một cách thái quá nhưng âm ỉ và dai dẳng. Họ cũng khó có thể thích nghi khi thiếu vắng đối phương và phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Ngược lại, nữ giới thường có cảm xúc đau khổ tột độ, bi quan, vụn vỡ và trống rỗng hậu ly hôn. Tuy nhiên, vì được giải tỏa kịp thời nên bản thân phụ nữ sẽ vượt qua nhanh hơn và học cách thích nghi với cuộc sống không còn sự hiện diện của đối phương.
2. Học cách buông bỏ mối quan hệ cũ
Trước khi đi đến quyết định ly hôn, cả hai đã phải trải qua nhiều giằng xé nội tâm. Nếu như không thể hàn gắn, ly hôn là giải pháp tốt nhất. Sau khi vượt qua những xung đột trong cuộc sống hôn nhân, nhiều người lại rơi vào cảm giác tiếc nuối về mối quan hệ cũ. Nếu cứ mãi giữ sự đau khổ và bi quan, chính bạn là người đã biến bản thân thành kẻ bất hạnh.
Ly hôn không phải là sự kiện đáng mừng nhưng đây là cơ hội tốt nhất cho cả hai. Học cách buông bỏ và chấp nhận sẽ giúp bạn vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn. Khi thực sự buông bỏ, bạn sẽ giải thoát chính mình khỏi sự đau khổ, dằn vặt, tuyệt vọng và bi quan. Đồng thời có tâm thế thoải mái hơn để đón nhận cuộc sống mới và bắt đầu một mối quan hệ khác.
3. Giữ cho bản thân bận rộn
Không dễ dàng gì để ngăn những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân sau khi ly hôn. Vì vậy, bạn nên giữ cho bản thân bận rộn trong thời gian đầu. Nếu có nhiều thời gian, việc nghĩ ngợi về mối quan hệ cũ và những điều đã qua là khó tránh khỏi. Tuy nhiên khi bận rộn với công việc, bạn sẽ tạm quên đi sự vụn vỡ, đau khổ đang thường trực.
Hậu ly hôn là thời điểm thích hợp để bạn toàn tâm toàn ý vào công việc. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ, kết bạn với những người thú vị. Nếu công việc không quá bận rộn, bạn có thể tham gia các khóa học hoặc gặp gỡ bạn bè để tránh nghĩ ngợi quá nhiều sau ly hôn.
Niềm vui từ những điều mới mẻ sẽ giúp bạn nhận ra bản thân đã bỏ qua nhiều trải nghiệm để chăm sóc cho gia đình. Và đây chính là thời gian để bạn có cơ hội phát triển bản thân và tự chủ về tài chính.
4. Tập trung chăm sóc bản thân và con cái
Để thoát khỏi những tổn thương tâm lý hậu ly hôn, nhiều người tìm đến bia rượu và những sở thích không lành mạnh. Tuy nhiên, những thói quen này không khiến bạn quên đi nỗi đau mà ngược lại khiến bạn chìm đắm trong đau khổ và bất hạnh.
Thay vì chọn cách buông thả bản thân, nên dành thời gian chăm sóc con cái và nâng cao sức khỏe cho chính mình. Biết rằng vượt qua nỗi đau sau ly hôn là không dễ dàng. Tuy nhiên, những nỗ lực ngày hôm nay sẽ giúp bạn phục hồi tâm lý và thật sự buông bỏ được mối quan hệ cũ. Hơn nữa, khi xây dựng được cuộc sống mới hạnh phúc và êm ấm hơn, bạn cũng sẽ nhận ra ly hôn không phải là điều quá tồi tệ.
5. Không giữ sự thù hằn
Sự thù hằn đối với vợ/ chồng cũ sẽ khiến cho bạn không thể thoát khỏi sang chấn tâm lý hậu ly hôn. Thực tế, nhiều cặp đôi đã phải ly hôn sau tranh chấp và mâu thuẫn dai dẳng.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đối phương đã từng là người mà mình từng yêu thương. Giữ sự thù hằn, căm hận sẽ khiến tinh thần của bạn bị ăn mòn và đục khoét. Cuối cùng, chỉ duy nhất bạn sống trong bóng ma quá khứ và không thể vượt qua để đón nhận cuộc sống tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Bạn có thể không tha thứ cho đối phương vì những sai lầm trong quá khứ nhưng đừng trừng phạt bản thân bằng cách giữ sự thù hằn. Hãy buông bỏ để có được tinh thần thoải mái, lạc quan và tạo cho bản thân cơ hội trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
6. Cải thiện bản thân mỗi ngày
Cải thiện bản thân mỗi người là cách giúp bạn vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn. Khi bản thân được nâng cấp, bạn sẽ tự tin hơn và tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Cuộc sống mới với nhiều niềm vui và cơ hội sẽ giúp bạn quên đi cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Ngoài ra, nâng cấp bản thân cũng sẽ giúp bạn có cơ hội tìm kiếm những đối tượng lý tưởng và phù hợp. Khi có cuộc sống mới như ý, bạn sẽ bình thản khi nghĩ về quá khứ. Vì vậy, thay vì chìm đắm trong đau khổ hãy biến những mất mát sau ly hôn thành động lực để cải thiện bản thân và hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
7. Can thiệp liệu pháp tâm lý
Sang chấn tâm lý hậu ly hôn có thể phát triển thành trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề khác. Nếu không thể vượt qua nỗi đau và sự mất mát, bạn nên tìm gặp chuyên gia để được hỗ trợ. Ngày nay, liệu pháp tâm lý đã trở thành một phần không thể thiếu trong công tác nâng cao sức khỏe tinh thần. Do đó, hầu hết các bệnh viện lớn đều tiếp nhận tham vấn và trị liệu tâm lý.
Ly hôn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều gây ra những tổn thương tâm lý cho cả cặp đôi và con cái. Nếu cần thiết, bạn có thể cho con tham gia trị liệu cùng. Chăm sóc sức khỏe tinh thần hậu ly hôn giúp bạn vực dậy sau tổn thương, có cơ hội giải tỏa cảm xúc và bộc lộ suy nghĩ của chính mình.
Ly hôn là biến cố lớn đối với cuộc đời của mỗi người. Tuy nhiên, nếu can thiệp liệu pháp tâm lý kịp thời, bạn có thể vượt qua tổn thương, học cách cân bằng cảm xúc và ổn định cuộc sống. Trong trường hợp bản thân người bị sang chấn không chủ động thăm khám, gia đình nên khuyến khích để họ có cơ hội được chăm sóc. Tránh trường hợp để tình trạng kéo dài dẫn đến nhiều hậu quả và ảnh hưởng nặng nề.
Vượt qua sang chấn tâm lý hậu ly hôn là điều không dễ dàng. Do đó, bản thân mỗi người cần chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý để biết cách đón nhận và vượt qua. Nếu nỗi đau kéo dài dai dẳng, việc tìm kiếm chuyên gia là điều cần thiết để có thể ổn định tinh thần và đón nhận cuộc sống mới với tâm thế sẵn sàng.
Có thể bạn quan tâm:
- Hậu quả của áp lực gia đình nguy hiểm hơn bạn tưởng
- Gia đình không toàn vẹn gây tổn thương tâm lý trẻ
- 10 Cách giải quyết mâu thuẫn xung đột trong gia đình hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!