Trẻ bị sang chấn tâm lý ám ảnh suốt đời vì xâm hại tình dục

Sang chấn tâm lý vì bị xâm hại tình dục là điều khó tránh khỏi. Quan trọng nhất là gia đình cần phải nâng đỡ tinh thần để trẻ có thể chấm dứt nỗi ám ảnh và học cách đối mặt, vượt qua tổn thương.

tâm lý khi trẻ bị xâm hại tình dục
Tâm lý chung của trẻ bị xâm hại tình dục là tổn thương, hoảng loạn, ám ảnh và đau khổ tột cùng

Nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục

Xâm hại tình dục đã và đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Nạn nhân của những vụ xâm hại đa phần là trẻ em và trẻ vị thành niên. Đây là nhóm tuổi nhạy cảm khi con trẻ chưa có đủ nhận thức và khả năng để chống lại với các hành vi đồi bại. Hơn nữa, trẻ cũng chưa có tiếng nói nên hầu như không tố giác kẻ đã xâm hại chính mình.

Một thực trạng đáng buồn là các bậc phụ huynh rất ít khi giáo dục giới tính cho con hay dạy con cách bảo vệ bản thân. Người lớn gần như không tin lời nói của trẻ nhỏ – đặc biệt là hành vi tố giác xâm hại tình dục . Sự vô tâm và hời hợt của bố mẹ chính là nguyên nhân lớn nhất khiến con trẻ phải gánh chịu nỗi đau thể xác và tinh thần dai dẳng.

Nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục tiết lộ, người họ ghét không chỉ là kẻ xâm hại mà còn chính là người thân trong gia đình. Bởi khi yếu đuối và đau khổ nhất, gia đình đã không tin tưởng và trao cho họ sự quan tâm đúng lúc. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bố mẹ cần phải quan tâm hơn đến tâm lý của con trẻ để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường.

Đối với trường hợp hành vi xâm hại bị tố giác, con trẻ cũng sẽ đối mặt với sự dị nghị và soi mói của những người xung quanh. Lúc này, gia đình cần nâng đỡ trẻ vượt qua cú sốc để có thể ổn định tinh thần và phát triển một cách lành mạnh.

tâm lý khi trẻ bị xâm hại tình dục
Trẻ bị xâm hại luôn có cảm giác xấu hổ vì lo sợ bạn bè và những người xung quanh cười chê

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý, ám ảnh vì bị xâm hại tình dục:

  • Quan sát khuôn mặt sẽ nhận thấy biểu cảm thất thần, kinh sợ.
  • Xuất hiện các biểu hiện rối loạn lo âu cấp với những triệu chứng thoái lùi như tiểu dầm, mút ngón tay,…
  • Sau khi bị xâm hại, trẻ trở nên nhút nhát, né tránh trò chuyện, vui chơi với bạn bè và ít tương tác với những người xung quanh.
  • Một số trẻ có biểu hiện sợ đi học vì kẻ xâm hại đang công tác trong trường hoặc thực hiện hành vi đồi bại ở chính môi trường học đường. Ngoài ra, tâm lý này cũng bắt nguồn từ suy nghĩ sợ bạn bè cười chê và cảm thấy bản thân không xứng đáng được đến trường.
  • Xâm hại tình dục có thể dẫn đến sự lệch lạc trong tư duy và hành vi. Trẻ vị thành niên có thể ham mê tình dục một cách lệch lạc, thái quá sau khi bị xâm hại.
  • các biểu hiện rối loạn hành vi như khó tập trung, hành vi hung hăng, độc ác với vật nuôi hoặc bạn bè yếu thế hơn. Một số trẻ có hành vi tự gây hại cho bản thân, hành vi này là cách để giải tỏa sự phẫn uất hoặc là cách để trẻ tự trừng phạt chính mình.
  • Xuất hiện các cơn đau ở nhiều bộ phận trên cơ thể nhưng không tìm thấy nguyên nhân thực thể.
  • Gợi nhớ về ký ức bị xâm hại một cách không thể kiểm soát. Hình ảnh, lời nói liên tục hiện ra khiến trẻ trở nên hoảng loạn, sợ hãi, đau khổ và khóc lóc. Ký ức cũng có thể thâm nhập vào giấc ngủ khiến trẻ thường xuyên thức giấc, la hét, quấy khóc,…
  • Trẻ bị xâm hại tình dục thường trực nỗi sợ bản thân sẽ bị ghét bỏ. Dù không thể hiện ra bằng lời nói nhưng bố mẹ có thể nhận biết điều này thông qua biểu cảm của con.
  • Nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục cho biết, họ bắt đầu hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Thay vì cho rằng bản thân là nạn nhân, họ nghĩ rằng bản thân đã có hành động không đúng mực nên mới trở thành đối tượng của những kẻ biến thái.
  • Sau cảm giác đau khổ và tuyệt vọng, trẻ bị xâm hại tình dục sẽ phải trải qua vô số cảm xúc tiêu cực như xấu hổ, dằn vặt, tội lỗi, bi quan,…
  • Trẻ trong độ tuổi vị thành niên đã ý thức được sự đồi bại trong hành vi xâm hại nên thường có hành động tắm đi tắm lại nhiều lần và không dám chạm vào những người xung quanh. Bởi trẻ cho rằng bản thân đã bị nhuốm bẩn bởi hành vi đồi bại, vô đạo đức.

Bên cạnh những ám ảnh về mặt tinh thần, trẻ bị xâm hại tình dục có thể phải đối mặt với tổn thương nặng nề về thể chất. Trong trường hợp này, đa phần gia đình đều có thể phát hiện trẻ chính là nạn nhân bị xâm hại. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, trẻ không có bất cứ dấu vết nào về mặt thể chất hoặc rất lâu sau đó mới khởi phát triệu chứng của các bệnh lây qua đường tình dục.

Ám ảnh vì xâm hại tình dục và những ảnh hưởng nặng nề

So với những sự kiện sang chấn khác, xâm hại tình dục để lại tổn thương sâu sắc hơn. Bởi tình dục là vấn đề nhạy cảm và do định kiến xã hội nên trẻ khó có thể tố giác kẻ dâm ô. Một lý do khác là vì bản thân trẻ chưa phát triển toàn diện về nhận thức, tư duy nên lời nói thường thiếu sự tin cậy.

Xâm hại tình dục để lại tổn thương sâu sắc cả về thể chất và tinh thần. So với người lớn, trẻ nhỏ còn rất non nớt, chưa có kinh nghiệm sống và kỹ năng giải tỏa cảm xúc. Chính vì vậy, phần lớn trẻ bị xâm hại đều gặp phải các vấn đề tâm lý như rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn chuyển dạng, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống,…

Các hành vi đồi bại còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Không ít trẻ sau khi bị xâm hại trở nên hung hăng, tàn bạo, một số trẻ sống thu mình, khép kín, nhút nhát và ngại tiếp xúc với tất cả mọi người. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng học tập và cuộc sống tương lai của con trẻ.

sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục
Trẻ bị sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục có thể phải đối mặt với nỗi ám ảnh dai dẳng nếu không được chữa trị

Đánh giá bao quát hơn, xâm hại tình dục còn để lại những hậu quả về mặt xã hội. Cụ thể, trẻ bị dâm ô có tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện cao hơn so với trẻ được sinh sống và phát triển trong môi trường lành mạnh. Trong đó, một số ít có các hành vi phạm tội như tàng trữ chất cấm, trộm cắp, phá hoại,…

Ám ảnh vì bị xâm hại tình dục không được chữa lành sẽ kéo dài dai dẳng trong suốt cuộc đời. Nhiều trẻ lớn lên hình thành nỗi sợ tình yêu, bạn khác giới và không muốn kết hôn vì ám ảnh về hành vi tình dục. Quan trọng nhất, sang chấn tâm lý sau khi bị xâm hại đã cướp đi tuổi thơ trong sáng và khiến trẻ phải sống trong sự lo lắng, sợ hãi, đau khổ tột cùng.

Chữa lành sang chấn tâm lý cho trẻ vì xâm hại tình dục

Sang chấn tâm lý không thể tự chữa lành – nhất là với những đối tượng thiếu kinh nghiệm sống như trẻ em. Nỗi đau tinh thần bao giờ cũng lớn hơn và dai dẳng hơn nỗi đau thể chất. Nếu không được nâng đỡ, nỗi ám ảnh và đau khổ sẽ đeo bám theo suốt cả cuộc đời.

Sau khi xác định con trẻ đã bị xâm hại tình dục, gia đình nên thông báo với cơ quan chức năng và cho trẻ tham khảo sức khỏe tổng thể. Gia đình không nên vì định kiến xã hội mà im lặng trước những hành vi đồi bại, vô đạo đức. Khi vấn đề pháp lý đã được giải quyết, cần nâng đỡ tinh thần cho trẻ để tránh những hậu quả lâu dài.

Dưới đây là một số cách giúp trẻ vượt qua sang chấn tâm lý vì bị xâm hại tình dục:

1. Thể hiện sự quan tâm và yêu thương

Trẻ bị xâm hại tình dục rất dễ hình thành những suy nghĩ lệch lạc và bi quan như bản thân đáng ghét và đáng bị trừng phạt. Thậm chí, nhiều trẻ có hành vi tự hại để giải tỏa phẫn uất và đau khổ. Vì vậy, điều bố mẹ cần làm đầu tiên là thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với con.

Khi nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường, nên trò chuyện nhẹ nhàng và khuyến khích trẻ nói ra sự thật bằng cách trấn an. Nên nói với trẻ rằng dù có chuyện gì xảy ra, bố mẹ vẫn luôn ở bên cạnh và bảo vệ con. Nếu trẻ chưa thực sự sẵn sàng, gia đình nên kiên nhẫn đến khi trẻ cảm thấy thoải mái hoàn toàn.

sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục
Gia đình cần thể hiện sự quan tâm và yêu thương để trẻ có điểm tựa tinh thần vững chắc

Sau khi bị xâm hại, tâm lý chung của trẻ là hoảng loạn, kinh hãi và đau khổ. Do đó, bố mẹ không nên hỏi trẻ quá nhiều mà nên để trẻ được tự do chia sẻ. Phản ứng của gia đình có vai trò rất quan trọng. Bố mẹ thấu hiểu và quan tâm sẽ giúp trẻ biết rằng bản thân hoàn toàn không có lỗi. Ngược lại, hành vi chì chiết và trách móc sẽ khiến con bắt đầu hình thành suy nghĩ lệch lạc về hành vi xâm hại.

Hơn bất cứ điều gì, thứ mà trẻ cần nhất ở thời điểm này chính là vòng tay yêu thương của gia đình. Hãy cho trẻ thấy rằng bản thân là người quan trọng và xứng đáng được yêu thương. Khi có gia đình đồng hành, con trẻ sẽ có thêm sức mạnh để lên tiếng và bắt kẻ đồi bại phải chịu hình phạt thích đáng.

2. Cho trẻ can thiệp liệu pháp tâm lý

Không giống với những sự kiện sang chấn khác, tất cả các trường hợp bị xâm hại tình dục nên được can thiệp liệu pháp tâm lý. Tình dục vốn dĩ là vấn đề rất nhạy cảm và dễ trở nên méo mó nên không có định hướng rõ ràng.

Tâm lý của trẻ – đặc biệt là trẻ trong giai đoạn dậy thì rất phức tạp nên gần như không thể phán đoán. Để tránh những ảnh hưởng lâu dài, việc can thiệp liệu pháp tâm lý là cần thiết. Liệu pháp tâm lý giúp trẻ vượt qua nỗi ám ảnh về hành vi dâm ô, học cách cân bằng cảm xúc và giảm thiểu các rối loạn tâm lý sau sang chấn.

sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục
Gia đình nên cho trẻ tham gia trị liệu để vượt qua sang chấn tâm lý vì bị xâm hại tình dục

Đôi khi liệu pháp tâm lý sẽ được thực hiện để hỗ trợ cho quá trình điều tra. Khi can thiệp liệu pháp này, trẻ có thể gỡ bỏ vướng mắc về mặt tâm lý, học cách đối mặt và vượt qua những sự kiện không mong muốn trong cuộc sống. Can thiệp liệu pháp tâm lý cũng giúp trẻ xây dựng những phẩm chất cần thiết như mạnh mẽ, kiên cường, độc lập,…

3. Khuyến khích con tham gia các hội nhóm hữu ích

Sau khi bị xâm hại tình dục, trẻ sẽ mất một thời gian dài để có thể hòa nhập. Trong thời gian này, gia đình nên khuyến khích con tham gia các hội nhóm lành mạnh để có cơ hội tham gia hoạt động xã hội, thiện nguyện,… Các hành động ý nghĩa sẽ giúp trẻ xây dựng niềm tin, nâng cao lòng tự trọng, nuôi dưỡng ý chí và tình yêu thương.

Sự tích cực từ những hành động này cũng sẽ giúp trẻ nhận ra giá trị của chính mình và học cách vượt qua đau buồn trong quá khứ. Hơn nữa khi tham gia các hoạt động xã hội, trẻ cũng sẽ có cơ hội gặp gỡ những hoàn cảnh khó khăn, éo le hơn. Đối mặt với thực tế khốc liệt sẽ giúp trẻ biết trân trọng những giá trị bản thân đang sở hữu, từ đó học cách vươn lên trong cuộc sống thay vì dằn vặt và trách móc bản thân.

Nếu có cơ hội, gia đình nên khuyến khích trẻ tham gia các hội nhóm liên quan đến xâm hại tình dục. Những hội nhóm này có không ít người từng là nạn nhân. Kinh nghiệm từ các nạn nhân khác sẽ giúp trẻ biết cách đón nhận và vượt qua. Hơn nữa, khi chứng kiến những nạn nhân bị xâm hại vẫn có thể sống vui vẻ và lạc quan, bản thân con cũng sẽ hình thành thái độ sống tích cực hơn.

4. Chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ

Bên cạnh việc nâng đỡ tinh thần, gia đình cũng cần chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ trong giai đoạn này. Nỗi đau tinh thần khiến trẻ chán ăn, ăn uống kém và thường xuyên mất ngủ. Tình trạng kéo dài trong nhiều ngày khiến thể trạng suy nhược, xanh xao, trẻ sụt cân, giảm khả năng tập trung và trí nhớ.

sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục
Nên quan tâm đến sức khỏe thể chất của trẻ để hỗ trợ nâng đỡ tinh thần

Chăm sóc sức khỏe thể chất chính là nền tảng để chữa lành tổn thương tinh thần. Hơn nữa, sức khỏe tốt cũng sẽ giúp trẻ có thể nhanh chóng quay trở lại nhịp sống bình thường. Trong thời gian này, trẻ sẽ có dấu hiệu chán ăn, mất ngủ, ủ rũ và ít vận động. Bố mẹ nên chế biến những món ăn thơm ngon, đúng sở thích để giúp kích thích vị giác và đảm bảo trẻ có đủ năng lượng, dinh dưỡng thiết yếu.

Bên cạnh đó, gia đình cũng nên khuyến khích trẻ vui chơi, gặp gỡ bạn bè thay vì giam mình trong phòng. Nếu trẻ chưa sẵn sàng, bố mẹ có thể tổ chức chuyến đi ngắn ngày để trẻ nhanh chóng quên đi phiền muộn và nỗi ám ảnh từ hành vi xâm hại.

5. Hướng dẫn trẻ cách bảo vệ bản thân

Liên tục những sự việc xâm hại tình dục bị phát giác cho thấy công tác giáo dục giới tính chưa thật sự mang lại hiệu quả. Do đó, nhà trường cần tổ chức lớp giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại một cách bài bản. Yêu cầu học sinh phải làm bài tập, thảo luận và làm việc nhóm để các em nắm vững kiến thức và có kỹ năng bảo vệ chính mình.

Cung cấp kiến thức một cách hời hợt, phong trào khiến các em không thực sự hiểu rõ về xâm hại tình dục và chưa biết cách tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh vai trò của nhà trường, gia đình cũng cần giáo dục trẻ về vấn đề này. Tuyệt đối không đặt hết trách nhiệm lên nhà trường và thầy cô giáo.

sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục
Dạy trẻ cách bảo vệ bản thân để tránh sự việc đáng tiếc có cơ hội tiếp diễn

Bố mẹ nên biết rằng, kẻ xâm hại đôi khi là những người thân quen trong gia đình và nhà trường. Do đó, gia đình nên học cách lắng nghe và tin tưởng con cái. Đồng thời giáo dục sớm cho trẻ cách chăm sóc, vệ sinh cá nhân, học cách tự vệ và nhận biết các hành vi dâm ô. Nên dặn dò trẻ luôn phải nói với bố mẹ nếu nghi ngờ bản thân là nạn nhân của quấy rối và xâm hại tình dục.

Hướng dẫn trẻ cách bảo vệ bản thân chính là biện pháp giúp con thoát khỏi sự dòm ngó của những kẻ đồi bại và tránh trường hợp sự việc đáng tiếc lại tiếp diễn. Nếu không có nhiều thời gian, gia đình nên đăng ký các khóa học về giáo dục giới tính ngay khi trẻ bắt đầu đi học.

Sang chấn tâm lý vì xâm hại tình dục sẽ để lại nỗi ám ảnh dai dẳng, sâu sắc đối với trẻ nhỏ. Vai trò của gia đình và nhà trường là giúp con trẻ vượt qua nỗi đau tinh thần để có thể phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, lên án hành vi đồi bại cũng là trách nhiệm của mỗi người để những sự việc đau buồn không có cơ hội tiếp diễn.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *