Nhận biết và vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn

Sang chấn tâm lý sau tai nạn là phản ứng khi não bộ phải chịu sự đả kích lớn. Tình trạng này có biểu hiện và mức độ đa dạng, phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của sự kiện. Nếu không tìm cách vượt qua, sang chấn sẽ kéo dài dai dẳng gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

sang chấn tâm lý sau tai nạn
Sang chấn tâm lý là tình trạng khó tránh khỏi sau khi trải qua các tai nạn nghiêm trọng

Sang chấn tâm lý sau tai nạn là gì?

Sau khi trải qua tai nạn, nhiều người phải đối mặt với sang chấn tâm lý bên cạnh các chấn thương trên cơ thể. Sang chấn tâm lý được hiểu là tổn thương tâm lý nghiêm trọng do bị đả kích quá lớn. Yếu tố gây sang chấn thường là những sự kiện bất ngờ có tính chất nghiêm trọng, đau buồn mà trong đó là tai nạn là nguyên nhân phổ biến nhất.

Ám ảnh sau tai nạn khiến nhiều người không thể trở lại nhịp sống như bình thường. Tổn thương tâm lý sau khi trải qua tai nạn chính là tiền đề cho các vấn đề tâm lý, tâm thần phát triển. Chính vì vậy, bản thân người bị sang chấn và những người xung quanh cần có sự quan tâm để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của người bị sang chấn tâm lý rất đa dạng. Không ít người che giấu cảm xúc đau buồn và bi quan bằng thái độ sống mạnh mẽ, vui vẻ với mục đích trấn an những người xung quanh. Nếu không chú ý, sang chấn tâm lý có thể phát triển thành các vấn đề tâm thần nghiêm trọng và hậu quả tồi tệ nhất là hành vi tự sát.

Những tai nạn có nguy cơ gây sang chấn tâm lý

Khả năng chịu đựng stress ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, khi đối mặt với tai nạn có tính chất nghiêm trọng, bản thân mỗi người đều phải chịu những tổn thương về mặt tâm lý dù ít hay nhiều.

sang chấn tâm lý sau tai nạn
Những người bị thương tật nặng do tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ có nguy cơ cao bị sang chấn tâm lý

Dưới đây là những tai nạn có thể để lại sang chấn và ám ảnh về mặt tâm lý:

  • Tai nạn giao thông để lại thương tật nặng, mất nhiều thời gian điều trị và phục hồi. Ngoài ra, sang chấn cũng có thể gặp ở người không bị chấn thương nặng nhưng những người xung quanh đều tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn.
  • Tai nạn lao động dẫn đến mất khả năng làm việc, thất nghiệp
  • Các tai nạn khác như hỏa hoạn, điện giật,…

Người bị sang chấn sau tai nạn không nhất thiết là người trực tiếp trải qua sự kiện. Nhiều người có thể bị ám ảnh sau khi chứng kiến hoặc lắng nghe tai nạn khủng khiếp mà những người thân yêu phải đối mặt. Trong một số trường hợp, những cán bộ tham gia xử lý tai nạn như công an, thợ cứu hỏa, bác sĩ,… có thể bị sang chấn trước những sự kiện có tính chất quá nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý sau tai nạn

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tổn thương tâm lý là những tai nạn có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng phải đối mặt với nỗi ám ảnh, sợ hãi và hoảng loạn. Theo các chuyên gia tâm lý, đáp ứng của mỗi cá thể với những tác nhân gây stress là hoàn toàn khác nhau. Cùng một sự kiện nhưng có người bị tổn thương tâm lý nặng nề nhưng cũng có người vượt qua chỉ sau một thời gian ngắn.

Những yếu tố được xác định có thể dẫn đến sang chấn tâm lý sau tai nạn:

  • Tính cách yếu đuối, phụ thuộc, thiếu quyết đoán và mạnh mẽ
  • Bản thân hoặc những người quan trọng phải chịu thiệt hại nặng nề do tai nạn
  • Từng phải trải qua những tai nạn nghiêm trọng trong quá khứ
  • Bản thân bị stress trường diễn khiến cho tinh thần nhạy cảm và bất ổn. Đây chính là điều kiện để phát triển sang chấn tâm lý cùng với nhiều rối loạn tâm lý, tâm thần khác.
  • Người có đời sống thiếu lành mạnh, thường xuyên dùng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích

Ngoài những yếu tố trên, tỷ lje bị sang chấn tâm lý sau tai nạn được xác định gặp nhiều hơn ở nữ giới. Về bản chất, nữ giới có tâm lý nhạy cảm và tinh thần không ổn định. Chính vì vậy khi trải qua những sự kiện không mong muốn, tâm lý của phụ nữ sẽ bị tổn thương nặng nề hơn.

Nhận biết sang chấn tâm lý sau tai nạn

Như đã đề cập, sang chấn tâm lý sau tai nạn có biểu hiện khá đa dạng. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả các trường hợp bị ám ảnh và tổn thương tâm lý đều có tinh thần bất ổn, cảm xúc hoảng loạn, khó kiềm chế,…

sang chấn tâm lý sau tai nạn
Người bị sang chấn tâm lý sau tai nạn thường có cảm xúc bất ổn, xen kẽ giữa buồn bã, bi quan với tức giận và cáu kỉnh

Các dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý sau tai nạn:

  • Dễ bực dọc, cáu bẳn – nhất là khi bản thân bị chấn thương và gặp nhiều phiền toái khi sinh hoạt.
  • Nhạy cảm, hay khóc lóc, buồn bã và tự oán trách bản thân.
  • Một số người liên tục kể về tai nạn đã trải qua, than vãn và tự mắng nhiếc bản thân. Tuy nhiên, cũng có người oán trách những người xung quanh và chửi rủa kẻ đã gây ra tai nạn.
  • Có nhiều trường hợp né tránh lời nói nhắc đến tai nạn vừa trải qua. Thậm chí, họ trở nên cáu kính, tức giận hoặc sợ hãi quá mức khi người khác nhắc lại sự việc đau buồn.
  • Cảm xúc không ổn định, khi thì giận dữ, cáu kỉnh khi thì buồn bã và bi quan. Thỉnh thoảng có thể xuất hiện các cơn hoảng loạn do bị kích động.
  • Không ít người bị sang chấn tâm lý sau tai nạn đòi tự tử và liên tục có các hành vi tự gây tổn thương cho bản thân.
  • Một số người trở nên tê liệt, không có cảm xúc, ít giao tiếp với những người xung quanh.
  • Dành nhiều thời gian ngồi hoặc nằm im lìm để suy nghĩ về nguyên nhân, hậu quả của tai nạn. Tình trạng này kéo dài dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, mất hứng thú với mọi thứ,…
  • Trong thời gian đầu sau tai nạn, một số người liên tục gặp phải ác mộng và giấc mơ có nội dung là tai nạn vừa xảy ra. Sau khi tỉnh giấc, tâm lý trở nên hoảng loạn, sợ hãi, nhiều người bộc lộ rõ sự tuyệt vọng và đau khổ trên khuôn mặt.

Sau các tai nạn có tính chất nghiêm trọng, bản thân mỗi người phải trải qua 5 giai đoạn là không chấp nhận, tự phân tích biện hộ để né tránh thực tại, rơi vào trạng thái trầm cảm, sau đó chuyển sang giai đoạn ổn định và cuối cùng là chấp nhận. Tuy nhiên, thời gian và mức độ của mỗi giai đoạn sẽ phụ thuộc vào từng người. Với những người bị sang chấn tâm lý, 3 giai đoạn đầu thường kéo dài và có mức độ nghiêm trọng.

Sang chấn tâm lý sau tai nạn có nguy hiểm không?

Sau khi trải qua tai nạn, tâm lý bi quan, buồn bã và lo lắng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên với những người có sức khỏe tinh thần ổn định, họ sẽ biết cách cân bằng cảm xúc và chấp nhận thực tại. Ngược lại, một số người sẽ bị ám ảnh dai dẳng về tai nạn dẫn đến việc bản thân rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, tinh thần không ổn định và khó kiểm soát cảm xúc.

Sang chấn tâm lý là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần và các bệnh lý tâm căn. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng như sau:

  • Phát triển thành các rối loạn liên quan đến stress như rối loạn stress cấp tính, rối loạn điều chỉnh, rối loạn stress sau sang chấn,…
  • Sang chấn tâm lý có thể gây ức chế cảm xúc dẫn đến chứng trầm cảm. Chứng bệnh này đặc trưng bởi khí sắc trầm buồn, khuôn mặt thể hiện rõ sự đau khổ, tuyệt vọng, bi quan, luôn chán nản và mất đi niềm vui trong cuộc sống.
  • Sang chấn tâm lý sau tai nạn cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý, tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoang tưởng, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi,…
  • Ngoài việc gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tổn thương tâm lý nghiêm trọng có thể làm tái phát các rối loạn tâm thần mãn tính như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt,…
  • Sang chấn tâm lý sau tai nạn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như mất ngủ, cao huyết áp, rối loạn tiền đình, suy nhược cơ thể, kích thích các bệnh cơ địa bùng phát,…

Có thể thấy, sang chấn tâm lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong trường hợp xấu nhất, một số người có thể nảy sinh ý nghĩ tự sát và nỗ lực tự tử để giải thoát bản thân.

Cách vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn

Sang chấn tâm lý là điều khó tránh khỏi sau khi trải qua các tai nạn có tính chất nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần phải vượt qua ám ảnh tâm lý để ổn định tinh thần và quay trở lại nhịp sống bình thường.

Những tổn thương tâm lý sau sang chấn có thể được cải thiện nếu học cách chia sẻ với những người xung quanh, tự nâng đỡ thể chất và tinh thần bằng lối sống khoa học. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phải can thiệp liệu pháp tâm lý để giải tỏa cảm xúc và đưa tinh thần về trạng thái cân bằng.

Dưới đây là các biện pháp giúp bạn vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn:

1. Chia sẻ với những người xung quanh

Những người bị sang chấn tâm lý sau tai nạn thường không chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh. Họ thường khóc lóc, buồn bã trước những người lạ (thường là nhân viên y tế). Để trấn an gia đình, không ít người che giấu cảm xúc bi quan bằng tinh thần lạc quan và vui vẻ.

Kiềm chế cảm xúc trong thời gian dài sẽ khiến cho tinh thần bị ức chế và những ám ảnh sau tai nạn kéo dài dai dẳng. Đến một mức độ nào đó, cảm xúc bị dồn nén sẽ bộc phát với những biểu hiện như cảm xúc hỗn loạn, khó kiểm soát tâm trạng và hành vi.

sang chấn tâm lý sau tai nạn
Học cách chia sẻ với những người xung quanh sẽ giúp bạn vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn

Để có thể vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn, bản thân người bị sang chấn nên chia sẻ với những người xung quanh. Việc chia sẻ sẽ giúp bạn được quan tâm, đồng cảm và thấu hiểu. Hơn nữa, những người xung quanh cũng sẽ giúp bạn nhìn nhận khách quan sự việc đã xảy ra thay vì tự oán trách bản thân.

Về phía gia đình, người nhà cần quan tâm đến người vừa trải qua tai nạn. Những ám ảnh về mặt tinh thần và đau đớn về thể chất sẽ khiến cho người bệnh bị tổn thương tâm lý, dễ phát triển thành chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Sự hỗ trợ và quan tâm từ gia đình sẽ giúp họ trở nên lạc quan và có động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

2. Viết nhật ký

Nếu ngại chia sẻ với những người xung quanh, bạn có thể viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ dồn nén. Viết nhật ký cũng giúp bạn nhìn nhận lại tâm lý, cảm xúc của bản thân để kịp thời có phương án điều chỉnh.

Thay vì suy nghĩ quẩn quanh, việc viết ra cảm xúc và suy nghĩ của bản thân sẽ giúp bạn có cái nhìn sáng suốt hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thói quen viết nhật ký giúp ích rất nhiều trong việc giải tỏa cảm xúc, ổn định tinh thần và giảm sự méo mó trong cách nhìn nhận.

3. Duy trì lối sống khoa học

Sức khỏe thể chất và tinh thần có mối liên hệ vô cùng mật thiết. Khi bị sang chấn tâm lý sau tai nạn, tinh thần sẽ phải đối mặt với những tổn thương nặng nề. Ngoài ra, tai nạn cũng có thể gây ra chấn thương cơ thể khiến bạn phải đối mặt với cơn đau và nhiều phiền toái trong quá trình sinh hoạt, làm việc.

Nâng đỡ thể trạng là điều cần thiết trong giai đoạn này. Thể trạng khỏe mạnh giúp tinh thần ổn định, giảm tình trạng hoảng loạn và nhạy cảm quá mức. Do đó sau khi trải qua tai nạn, bạn cần nỗ lực duy trì lối sống khoa học để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Tránh tình trạng lựa chọn giải tỏa cảm xúc theo những cách tiêu cực nhất như hút thuốc, sử dụng rượu bia, chất kích thích,…

sang chấn tâm lý sau tai nạn
Lối sống khoa học giúp nâng đỡ thể chất và tinh thần, qua đó hỗ trợ chữa lành tổn thương tâm lý

Lối sống khoa học bắt đầu từ việc ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi điều độ, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên. Sau khi tai nạn, bạn nên trao đổi với cấp trên để được giảm khối lượng công việc nhằm hạn chế căng thẳng, lo âu.

Bản thân người bị sang chấn tâm lý sẽ thiếu động lực để duy trì lối sống khoa học trong thời gian này. Chính vì vậy, gia đình cần hỗ trợ để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và trở lại nhịp sống bình thường.

4. Thực hiện một số liệu pháp thư giãn

Sang chấn thực chất là một dạng stress nặng do bị kích động quá mức. Tình trạng này khiến cho não bộ không kịp điều chỉnh dẫn đến những rối loạn về mặt cảm xúc, tư duy và hành vi. Chính vì vậy, bạn có thể vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn bằng cách thực hiện một số biện pháp thư giãn.

Các biện pháp thư giãn giúp bạn vượt qua sang chấn tâm lý sau tai nạn:

  • Ngồi thiền, tập yoga
  • Uống trà thảo mộc
  • Massage
  • Sử dụng tinh dầu thư giãn, giải tỏa căng thẳng
  • Đi bộ, chạy bộ giảm stress và đẩy lùi cảm xúc tiêu cực
  • Bổ sung các loại thực phẩm có tác dụng cải thiện tâm trạng như socola, các loại trái cây, rau xanh, sữa chua, thịt gà,…
  • Dành thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động mà bản thân yêu thích như đọc sách, nghe nhạc, leo núi, vẽ tranh,…

Các biện pháp thư giãn này phần nào có thể đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực và giúp bạn ổn định tinh thần sau tai nạn. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện những liệu pháp thư giãn trên thường xuyên để phòng ngừa stress và bảo vệ sức khỏe tinh thần.

5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý

Trong trường hợp không thể tự mình vượt qua, bạn có thể tìm gặp chuyên gia tâm lý. Trên thực tế, nhiều người bị tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần sau khi trải qua tai nạn – nhất là khi bản thân phải đối mặt với các di chứng nghiêm trọng. Do đó, can thiệp tâm lý là biện pháp vô cùng cần thiết giúp người bị sang chấn ổn định tinh thần và bình thường hóa cuộc sống.

sang chấn tâm lý sau tai nạn
Nếu không thể vượt qua sang chấn sau tai nạn, nên can thiệp biện pháp tâm lý trong thời gian sớm nhất

Liệu pháp tâm lý được thực hiện qua hình thức trò chuyện, trao đổi. Trước tiên, chuyên gia sẽ xây dựng không gian thoải mái, tin tưởng để khách hàng có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và những vấn đề bản thân đang phải đối mặt. Tùy vào tiến triển tâm lý và đặc điểm tính cách của từng khách hàng, chuyên gia sẽ tìm ra hướng can thiệp phù hợp.

Nhìn chung, áp dụng các biện pháp tâm lý – tâm thần sớm là cách ngăn chặn những hậu quả của sang chấn tâm lý hiệu quả nhất. Thông qua liệu pháp này, khách hàng sẽ học được cách chấp nhận thực tại, xây dựng tinh thần lạc quan, vui vẻ thay vì buồn bã và bi quan như trước. Chuyên gia cũng sẽ giúp khách hàng có động lực vượt qua khó khăn để đón nhận những điều tốt đẹp hơn đang chờ ở phía trước.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Sang chấn tâm lý là điều khó tránh khỏi sau các tai nạn nghiêm trọng. Phát hiện và điều trị sớm tình trạng này sẽ giúp ngăn chặn những hậu quả dai dẳng, nặng nề. Ngoài ra, vượt qua sang chấn cũng giúp mỗi người rèn luyện tính cách mạnh mẽ, kiên cường và có thêm động lực trong cuộc sống.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *