Rối Loạn Stress Sau Sang Chấn Tâm Lý (PTSD): Biểu Hiện Và Điều Trị

Rối loạn stress sau sang chấn tâm lý (PTSD) là một phản ứng muộn xảy ra sau ít nhất 1 tháng kể từ khi đối mặt với sự kiện sang chấn. Các triệu chứng của bệnh có mức độ nặng gây nhiễu loạn cuộc sống và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

rối loạn stress sau sang chấn
Rối loạn stress sau sang chấn là một trong những rối loạn liên quan đến stress với tỷ lệ mắc bệnh là 0.8 – 1% dân số

Rối loạn Stress sau sang chấn tâm lý (PTSD) là gì?

Rối loạn stress sau sang chấn tâm lý (tiếng Anh: Post Traumatic Stress Disorder/ PTSD) còn được gọi là rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Thuật ngữ này đề cập đến một phản ứng muộn có tính chất dai dẳng xảy ra ở người phải đối mặt với sự kiện gây stress nghiêm trọng. Triệu chứng điển hình của bệnh là những hồi tưởng có tính chất tái hiện, thâm nhập xuất hiện một cách không tự chủ gây ra những nhiễu loạn trầm trọng đối với sức khỏe và cuộc sống.

Rối loạn stress sau sang chấn được xếp vào nhóm rối loạn lo âu hoặc các rối loạn liên quan đến stress. Mặc dù PTSD cũng gây ra sự lo âu đáng kể nhưng hiện nay, các chuyên gia cho rằng bệnh lý này nên được xếp vào nhóm các rối loạn liên quan đến căng thẳng. Như các bệnh tâm thần khác, tỷ lệ nữ giới bị PTSD cao gấp 2 lần so với nam giới nhưng không có sự khác biệt về chủng tộc, quốc tịch, điều kiện kinh tế,…

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Một công trình nghiên cứu của Bác sĩ Lâm Xuân Điền được thực hiện trong phạm vi TPHCM cho thấy, khoảng 6% bệnh nhân có biểu hiện PTSD liên quan đến chiến tranh trước năm 1975. Trong đó, 60% các ca xuất hiện sau sự kiện khoảng 1 tháng, 27% trường hợp khởi phát muộn sau 6 tháng và 100% bệnh nhân đều có triệu chứng tiến triển trên 3 tháng. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân gặp phải các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn trong vòng 40 năm chiếm đến 60%. Trong khi đó, tỷ lệ của rối loạn stress sau sang chấn trong dân số chung là 0.8 – 1%.

Nghiên cứu này cùng với các nghiên cứu lớn từ các trường đại học của Mỹ cho thấy, rối loạn stress sau sang chấn là một bệnh mãn tính gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu tích cực điều trị, bệnh nhân có thể ổn định cuộc sống nhưng vẫn có khoảng 9% trường hợp phải sống chung với bệnh suốt đời.

Các biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) đặc trưng bởi 3 nhóm triệu chứng chính là cảm nhận lại (hay còn gọi là hồi tưởng có tính chất thâm nhập, tái hiện), né tránh và tăng nhạy cảm quá độ. Các triệu chứng của bệnh thường rất dễ nhận biết và đa phần đều khởi phát sau sự kiện có tính chất sang chấn từ 1 – 6 tháng.

rối loạn stress sau sang chấn
Người bị rối loạn stress sau sang chấn luôn có những hồi tưởng không chủ đích với tính chất tái hiện, thâm nhập

Nhóm triệu chứng cảm nhận lại (hồi tưởng không chủ đích có tính chất thâm nhập, tái hiện):

  • Có những giấc mơ hãi hùng về sự kiện và biến cố đã trải qua. Giấc mơ mang đến cảm giác rất chân thật khiến người bệnh đau khổ, sợ hãi và hoảng loạn như khi chứng kiến sự kiện xảy ra trước mắt mình.
  • Bị ám ảnh với những ý nghĩ lặp đi lặp lại về sự kiện đã xảy ra. Những luồng suy nghĩ này xuất hiện một cách không tự chủ khiến người bệnh đau khổ và có những cảm xúc dữ dội.
  • Sưu tầm và đọc nhiều tài liệu liên quan đến các sự kiện sang chấn.
  • Xuất hiện các phản ứng tâm lý, sinh lý tương tự như khi chứng kiến sự việc nếu có các tình huống, sự việc gợi nhắc đến biến cố đã xảy ra.
  • Trường hợp nặng có thể xuất hiện ảo thanh, ảo thị.

Nhóm triệu chứng tránh né:

  • Người bệnh cố gắng không suy nghĩ đến và không nhắc lại sự kiện gây sang chấn (bao gồm cả những thứ có liên quan)
  • Tránh xa các tình huống, sự việc gợi nhắc đến sự kiện đã xảy ra.
  • Cố gắng né tránh những câu hỏi của mọi người về sự kiện gây sang chấn. Thậm chí, người bệnh có thể phản ứng quá khích nếu có ai đó yêu cầu diễn tả lại sự kiện và cảm nhận của bản thân.
  • Sống cô lập, tách biệt với mọi người và đôi khi có các dấu hiệu trầm cảm (chán nản, buồn bã, chán ăn, mất ngủ, giảm tương tác với gia đình, bạn bè, giam mình trong phòng,…).

Các nhóm triệu chứng tăng nhạy cảm quá độ:

  • Mất ngủ, dễ thức giấc, ngủ chập chờn do các cơn ác mộng xuất hiện liên tục
  • Luôn đề phòng xung quanh vì lo sợ có mối nguy hiểm rình rập dù thực tế đang ở nhà và những nơi rất an toàn. Triệu chứng này dễ dàng nhận thấy thông qua ánh mắt nghi ngờ, dò xét và dáng đứng, ngồi thu mình với tư thế phòng bị.
  • Dễ giật mình – ngay cả với những tiếng động nhỏ.
  • Khó kiểm soát cảm xúc, hay gây gổ, nóng giận và gần như không có bất cứ cảm xúc tích cực nào.
  • Giảm tập trung và trí nhớ kém, một số bệnh nhân có hiện tượng quên phân ly – tức là quên đi một phần của sự kiện nhưng vẫn nhớ rất rõ những phần còn lại. Phần ký ức bị quên đi thường là ký ức kinh khủng nhất về sự kiện đã xảy ra.
  • Do hệ thần kinh bị căng thẳng và quá nhạy cảm nên đôi khi bệnh nhân có cảm giác đau nhức ở nhiều vị trí nhưng khi chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng đều không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào khác thường.
  • Tê liệt về mặt cảm xúc và có cảm giác tách rời với mọi thứ xung quanh – nhất là khi các hồi tưởng xuất hiện.
  • Suy nghĩ tiêu cực về bản thân, gia đình, bạn bè, vô vọng trước cuộc sống hiện tại và tương lai. Một số bệnh nhân hình thành những suy nghĩ sai lệch về nguyên nhân – hậu của của sự kiện sang chấn (đa phần đều tự đổ lỗi cho bản thân hoặc những người xung quanh).
  • Mất đi mối liên hệ với những người thân thiết, cảm giác cô đơn, lạc lõng.
  • Một số bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn có những hành vi thiếu thận trọng với mục đích hủy hoại bản thân như uống nhiều rượu, lái xe quá nhanh,…
  • Trẻ nhỏ bị rối loạn stress sau sang chấn thường có phản ứng la hét, quấy khóc khi có ai đó đề cập đến sự kiện và đôi khi tái hiện lại sự kiện qua trò chơi.

Các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn có thể xuất hiện sau vài tuần đến vài tháng nhưng thường không quá 6 tháng kể từ khi sự kiện xảy ra. Các triệu chứng này chỉ được xác định là PTSD nếu xảy ra sau sự kiện ít nhất 1 tháng và gây nhiễu loạn nghiêm trọng đến cuộc sống. Ở những trường hợp phục hồi kém, bệnh có xu hướng tiến triển mãn tính làm biến đổi nhân cách và gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm thần khác.

Nguyên nhân gây rối loạn stress sau chấn thương

Stress được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rối loạn stress sau sang chấn và đa phần là stress rất mạnh. Với các yếu tố gây stress có mức độ vừa phải, bệnh nhân thường chỉ bị rối loạn điều chỉnh thay vì PTSD.

Tuy nhiên, cùng đối mặt và trải qua 1 sự kiện nhưng không phải ai cũng phát triển chứng rối loạn stress sau sang chấn. Vì vậy ngoài stress, những yếu tố như đặc điểm tính cách, người bị căng thẳng mãn tính, cuộc sống có quá nhiều áp lực,… cũng được xác định làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

1. Cơ chế bệnh sinh

Khi đối mặt với stress, cơ thể sẽ tăng sản xuất cortisol và norepinephrine. Norepinephrine làm hưng phấn các hệ thống dẫn đến những triệu chứng tê, lạnh chân tay, tăng nhịp thở, huyết áp tăng, tăng nhịp tim,… Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khiến cho quá trình tuần hoàn máu bị ảnh hưởng và gây ra tình trạng không cung cấp đủ máu cho các cơ quan khác (ngoại trừ tim và phổi), hậu quả là gây đau nhức cơ thể, chán ăn, mất ngủ,…

Ngoài ra, norepinephrine tăng lên còn làm giảm nồng độ serotonin – chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng thư giãn và làm dịu tâm trạng. Hiện tượng này khiến cho các cảm xúc tiêu cực trở nên nghiêm trọng hơn về mức độ. Đây cũng là lý do vì sao phần lớn bệnh nhân bị rối loạn tâm thần đều mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh.

Bên cạnh norepinephrine, căng thẳng cũng làm tăng hormone cortisol. Về cơ bản, hormone này cần thiết đối với cơ thể nhưng việc gia tăng quá độ sẽ làm tổn thương các tế bào não. Cụ thể, tăng hormone cortisol gây thoái hóa tế bào ở vùng dưới đồi dẫn đến tình trạng giảm tập trung và suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, tăng cortisol đã được xác định có liên quan đến các ảo thanh, ảo thị và một số triệu chứng khác của PTSD.

2. Yếu tố gây bệnh

Stress mạnh là nguyên nhân trực tiếp gây rối loạn stress sau căng thẳng. Tuy nhiên, PTSD chỉ phát triển sau các sự kiện sang chấn nếu có những yếu tố như sau:

cách điều trị rối loạn stress sau sang chấn
Người có tính cách hay lo lắng, yếu đuối và sống phụ thuộc có nguy cơ cao bị rối loạn stress sau chấn thương
  • Yếu tố di truyền
  • Bản thân người bệnh bị stress mãn tính và liên tục với đối mặt với áp lực
  • Cuộc sống phải trải qua nhiều sự kiện đau buồn dẫn đến căng thẳng tích tụ. Đây chính là điều kiện gia tăng nguy cơ bị rối loạn stress sau sang chấn và các rối loạn khác liên quan đến stress.
  • Đặc điểm nhân cách có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của PTSD. Người có cảm xúc không ổn định, tính tình hay lo lắng, căng thẳng, dễ xúc động và tự ti về bản thân dễ bị tổn thương hơn khi đối mặt với các sự kiện gây sang chấn. Ngược lại, những người có tinh thần trách nhiệm, mạnh mẽ, bản lĩnh và khả năng thích nghi tốt cho sức chống đỡ với stress, từ đó ít có nguy cơ bị PTSD và các rối loạn liên quan với stress khác.
  • Sức khỏe thể chất kém, suy nhược cũng là điều kiện thuận lợi gây rối loạn stress sau sang chấn.
  • Người từng phải đối mặt với các sự kiện gây sang chấn từ thời thơ ấu sẽ có nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn cao hơn do đã có sẵn sự nhạy cảm và tổn thương về tâm lý.
  • Người làm những công việc phải liên tục chứng kiến những sự kiện gây sang chấn như công an giao thông, lính cứu hỏa, bác sĩ,… cũng có khả năng cao bị rối loạn stress sau sang chấn.
  • Có sẵn các vấn đề tâm thần, lạm dụng chất kích thích và rượu bia, sống cô lập và ít bạn bè cũng là những yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Có rất nhiều sự kiện gây stress trong cuộc sống. Tuy nhiên, rối loạn stress sau chấn thương chỉ xảy ra sau khi chứng kiến hoặc trải qua những sự việc có tính chất kinh khủng như:

  • Bị cưỡng bức và lạm dụng tình dục
  • Chứng kiến những mất mát về con người trong các cuộc chiến tranh
  • Bị tấn công hoặc lạm dụng thể chất
  • Đối mặt với các tình huống đe dọa đến tính mạng (bị bắt cóc, ám sát, bị tra tấn,…)
  • Tai nạn giao thông và thảm họa thiên nhiên có tính chất nghiêm trọng
  • Gặp phải các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu, trẻ tử vong ngay sau khi được sinh ra,…
  • Chứng kiến các hành vi tàn nhẫn và tội ác tày trời của người khác cũng là sự kiện gây tổn thương tâm lý.

3. Đối tượng nguy cơ

Trong trường hợp xảy ra thảm họa và những sự kiện có tính chất khủng khiếp, 6 đối tượng sau sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn:

cách điều trị rối loạn stress sau sang chấn
Những người trực tiếp cứu hộ, cứu nạn là nhóm đối tượng có khả năng bị rối loạn stress sau chấn thương
  • Nạn nhân loại I – Tức là người trực tiếp bị hại và chịu những tổn thất nặng nề từ sự việc.
  • Nạn nhân loại II – Là người thân, bạn bè của người bị hại. Rất nhiều bậc làm cha làm mẹ không tránh khỏi PTSD khi biết con cái bị bạo hành và cưỡng dâm.
  • Nạn nhân loại III – Người tham gia cứu nạn, cứu hộ như linh cứu hỏa, người qua đường hỗ trợ người bị tai nạn giao thông, các bác sĩ và nhân viên y tế tham gia phẫu thuật,…
  • Nạn nhân loại IV – Các thành viên khác trong cộng đồng.
  • Nạn nhân loại V – Người bị rối loạn khi nghĩ đến sự kiện có tính chất kinh khủng.
  • Nạn nhân loại VI – Người tình cờ liên quan đến thảm họa.

Trong đó, nhóm nạn nhân loại I và II có khả năng cao phát triển các rối loạn liên quan đến stress, bao gồm cả rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

Rối loạn stress sau sang chấn và những ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống

Có thể nói, rối loạn stress sau sang chấn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với các rối loạn liên quan đến stress khác như phản ứng stress cấp và rối loạn điều chỉnh. Những triệu chứng của PTSD gây nhiễu loạn cuộc sống khiến bệnh nhân khó có thể học tập, làm việc như trước. Ngoài ra, tình trạng tăng nhạy cảm quá mức cũng khiến người bệnh sống cô lập, tách biệt và mất đi mối liên hệ với những người xung quanh.

Người bị rối loạn stress sau sang chấn sẽ phải đối mặt với xung đột trong các mối quan hệ nếu không nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ từ mọi người. Dần dần, bệnh nhân lựa chọn sống cô độc, sử dụng rượu bia, chất kích thích để quên đi sự kiện gây sang chấn. Đa phần những người bị PTSD không được điều trị đều phải đối mặt với trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống.

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, rối loạn stress sau sang chấn cũng làm gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề thể chất như cao huyết áp, tiểu đường, đau mỏi vai gáy, mất ngủ,… Nếu không can thiệp điều trị, các bệnh lý này sẽ khiến cho thể chất suy giảm và hậu quả là làm giảm tuổi thọ. Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể tự sát với mong muốn giải thoát bản thân khỏi đau khổ và những ám ảnh về biến cố đã xảy ra.

Chẩn đoán bệnh rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) sẽ được chẩn đoán dựa trên biểu hiện lâm sàng qua tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10. Các tiêu chuẩn này giúp chẩn đoán xác định bệnh và phân biệt với các rối loạn tâm thần có thể gây ra những triệu chứng tương tự.

rối loạn stress sau chấn thương
Chẩn đoán rối loạn stress sau chấn thương chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn có mức độ nghiêm trọng hơn so với các rối loạn liên quan đến stress khác. Ngoài ra, các triệu chứng ảo giác, ảo thị và rối loạn tri giác ở bệnh nhân PTSD sẽ được chẩn đoán phân biệt với rối loạn phân ly, tâm thần phân liệt và các bệnh tâm thần khác.

Các phương pháp điều trị rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) cần phải được điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng. Một số trường hợp không điều trị nhưng các triệu chứng vẫn có xu hướng thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu không can thiệp, các triệu chứng vẫn sẽ tái phát gây nhiễu loạn cuộc sống và làm biến đổi nhân cách về lâu dài.

PTSD xảy ra do những thay đổi sinh lý bên trong não bộ và tổn thương tâm lý đến từ các yếu tố gia đình, xã hội. Chính vì vậy, điều trị bệnh bắt buộc phải can thiệp nhiều phương pháp bao gồm liệu pháp hóa dược và trị liệu tâm lý. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng cũng có vai trò rất lớn trong việc hồi phục.

1. Liệu pháp hóa dược

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn cũng có hiện tượng mất cân bằng sinh hóa não. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc để giảm nhẹ triệu chứng. Như đã đề cập, stress nặng khiến nồng độ serotonin giảm đi đáng kể dẫn đến các triệu chứng PTSD. Vì vậy, loại thuốc được ưu tiên sử dụng là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.

rối loạn stress sau chấn thương
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc để khôi phục sự cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn stress sau sang chấn:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): Nhóm thuốc này giúp làm tăng nồng độ serotonin trong não bộ, qua đó giảm nhẹ các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn. Ngoài SSRIs, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng SNRIs – chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cho hiệu quả ngang bằng với SSRIs nhưng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn nên ít được sử dụng hơn.
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Những trường hợp không có hiệu quả khi sử dụng SSRIs sẽ được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nhóm thuốc này tác động đến nhiều chất dẫn truyền thần kinh nên mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Trong đó, Amitriptyline là loại thuốc cho hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ nhất.
  • Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần cũng được sử dụng để cải thiện triệu chứng của PTSD – đặc biệt là các hoang tưởng, ảo giác, ảo thị. Ngoài ra, thuốc cũng giúp làm giảm các triệu chứng quên phân ly và tê liệt cảm xúc với thực tại. Hiện nay, Risperidone là loại thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến nhất.
  • Thuốc chống co giật: Trường hợp tâm lý bất ổn, giận dữ quá mức khi chứng kiến những đối tượng và tình huống gợi nhắc lại sự việc đã xảy ra sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc chống co giật như Carbamazepine, Lithium,…
  • Thuốc an thần nhóm benzodiazepin: Thuốc an thần nhóm benzodiazepin được sử dụng khi bệnh nhân gặp ác mộng dẫn đến rối loạn giấc ngủ và tâm lý kích động quá mức. Nhóm thuốc này có khả năng gây nghiện nên chỉ được dùng với liều thấp trong một thời gian ngắn.
  • Các loại thuốc khác: Ngoài những loại thuốc trên, bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn cũng sẽ được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc như thuốc chẹn beta (Propranolol) và các loại thuốc chống trầm cảm không điển hình khác.

Sử dụng thuốc giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát các triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn. Tuy nhiên, phải kết hợp liệu pháp hóa dược với trị liệu tâm lý mới mang lại kết quả tốt. Sau khi bệnh ổn định trong một thời gian dài, bác sĩ sẽ giảm từ từ liều lượng để tránh hội chứng cai.

2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là phương pháp quan trọng trong điều trị rối loạn stress sau sang chấn. Mất cân bằng sinh hóa não sẽ nhanh chóng được cải thiện thông qua liệu pháp hóa dược nhưng không thể chữa lành tổn thương tâm lý. Đây là lý do bệnh nhân phải trị liệu tâm lý song song với sử dụng thuốc.

Liệu pháp tâm lý giúp người bệnh giải tỏa cảm xúc và xóa bỏ ám ảnh về biến cố đã xảy ra. Thông qua liệu pháp này, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân bình ổn tâm lý và củng cố nhân cách để bản lĩnh, mạnh mẽ đương đầu với stress. Bên cạnh đó, liệu pháp tâm lý còn hướng người bệnh đến lối sống lành mạnh và kiểm soát những vấn đề tâm lý đi kèm.

rối loạn stress sau chấn thương
Liệu pháp tâm lý có vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn stress sau chấn thương

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn:

Đa phần bệnh nhân bị rối loạn stress sau sang chấn đều có tâm lý nhạy cảm, tính cách hay lo lắng, phiền muộn,… nên sau khi trị liệu, chuyên gia cũng sẽ trang bị cho người bệnh một số biện pháp thư giãn để giải tỏa stress và những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống. Ngoài trị liệu cá nhân, bệnh nhân sẽ được xem xét trị liệu nhóm để tìm được sự đồng cảm và có thêm kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.

Các biện pháp chăm sóc cho bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) gây nhiễu loạn nghiêm trọng đến cuộc sống và về lâu dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên thực hiện thêm một số biện pháp chăm sóc để quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi hơn.

rối loạn stress sau chấn thương
Người bệnh rối loạn stress sau chấn thương nên xây dựng lối sống lành mạnh để nâng đỡ thể trạng và tinh thần

Các biện pháp chăm sóc dành cho người bị rối loạn stress sau sang chấn:

  • Tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên nâng cao hiểu biết về rối loạn stress sau sang chấn để chủ động hơn trong việc quản lý bệnh và ngăn ngừa tái phát.
  • Lối sống lành mạnh giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất. Người bị rối loạn stress sau chấn thương nên ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ điều độ và tăng cường tập thể dục. Đồng thời hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống chứa caffeine, thuốc lá và chất kích thích.
  • Khi cảm thấy lo lắng và bất ổn, nên tập thể dục để tránh bị ám ảnh quá mức về những sự kiện đã xảy ra. Theo các chuyên gia, bệnh nhân nên hạn chế ngồi thiền, thay vào đó nên thực hiện các hoạt động như chạy bộ, đánh cầu lông,… để chi phối suy nghĩ của bản thân.
  • Chia sẻ với những người xung quanh vấn đề đang gặp phải. Việc chia sẻ và nhận được sự thấu hiểu sẽ giúp người bệnh giải tỏa cảm xúc, tìm lại sự cân bằng và thoải mái hơn trong cuộc sống.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn stress sau sang chấn là một trong những rối loạn liên quan đến stress. Bệnh lý này gây nhiễu loạn cuộc sống khiến người bệnh khó có thể học tập và làm việc như bình thường. Do đó, gia đình nên khuyến khích người bệnh thăm khám và tiếp nhận điều trị.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *