Stress sau sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách khắc phục
Stress sau sinh là tình trạng rất phổ biến ở các mẹ bỉm, thường có liên quan đến thể trạng suy nhược, sụt giảm nội tiết tố và áp lực khi chăm con. Cần sớm có biện pháp khắc phục để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Stress sau sinh là gì?
Sau khi sinh nở, cơ thể mẹ bỉm có một số thay đổi lớn về mặt tâm sinh lý. Đây chính là điều kiện thuận lợi gây ra tình trạng stress sau sinh cùng nhiều vấn đề tâm lý khác. Chẳng hạn như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm,…
Trên thực tế, stress là phản ứng thường gặp khi cơ thể cố gắng thích nghi với những áp lực và khó khăn trong cuộc sống. Tình trạng này không thực sự đáng quan ngại khi nó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở phụ nữ sau sinh stress thường có xu hướng kéo dài do nhiều nguyên nhân.
Stress không chỉ ảnh hưởng tới cảm xúc của mẹ bỉm mà còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như rụng tóc, mất ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể, đau mỏi vai gáy và mất sữa. Ngoài ra, các mẹ còn gặp phải rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Tình trạng stress sau sinh có thể xảy ra ở cả các mẹ sinh thường và sinh mổ. Trường hợp không có biện pháp khắc phục kịp thời thì căng thẳng thần kinh sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đặc biệt là làm tăng nguy cơ gặp phải các rối loạn tâm lý – tâm thần.
Dấu hiệu nhận biết stress sau sinh
Nhiều mẹ bỉm thường có xu hướng bị stress trong thời gian ngắn. Sau đó khi nội tiết tố đã ổn định trở lại thì tình trạng này cũng sẽ thuyên giảm dần đi. Tuy nhiên không ít mẹ bỉm lại bị stress kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng stress sau sinh:
1. Lo lắng quá mức
Phụ nữ sau sinh thường hay suy nghĩ và lo lắng hơn những người khác. Lo lắng có thể xuất phát từ những triệu chứng bất thường của bản thân sau lần vượt cạn hoặc về sức khỏe và cách chăm sóc bé yêu.
Ngoài ra, các mẹ bỉm còn thường xuyên lo lắng về ngoại hình cũng như cái nhìn của người khác. Bản thân trở nên xồ xề, xấu xí khiến cho họ suy nghĩ nhiều hơn. Đây chính là biểu hiện thường thấy nhất của chứng stress sau sinh.
2. Mệt mỏi kéo dài
Căng thẳng thần kinh có thể khiến cơ thể sản sinh nhiều hormone cortisol, norepinephrine, adrenaline,… Các hormone này thường gây ra cảm giác mệt mỏi, chán nản, uể oải, tim đập nhanh và hồi hộp.
Trong khi đó, sau khi trải qua quá trình sinh nở, mẹ bỉm cần thời gian để cơ thể phục hồi hoàn toàn. Nếu bị stress thì quá trình hồi phục sẽ bị ảnh hưởng khiến mẹ bỉm rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài.
3. Stress sau sinh gây rối loạn giấc ngủ
Các mẹ bỉm có thể rất muốn ngủ nhưng lại không thể ngủ được ngay cả khi bé yêu ngủ ngon. Đây là một trong những dấu hiệu giúp nhận biết chứng stress sau sinh.
Đa số các mẹ bỉm bị stress đều chia sẻ rằng họ luôn cảm thấy thao thức, khó đi vào giấc ngủ và có xu hướng thức để xem con ngủ có ngon không. Ngoài ra, một số mẹ cũng không ngủ được ngay cả khi họ không quan tâm đến giấc ngủ của con.
4. Mất tập trung và khó thư giãn
Mất tập trung và khó thư giãn cũng là những biểu hiện thường thấy ở những mẹ bỉm bị căng thẳng thần kinh. Ví dụ, một bản nhạc có thể giúp thư giãn và tăng mức độ tập trung đối với những người bình thường nhưng lại hoàn toàn vô dụng với các mẹ bỉm.
Đặc biệt, khi mẹ bỉm bị stress thì tình trạng mất tập trung và giảm trí nhớ thường có xu hướng kéo dài ở mức độ nghiêm trọng. Nếu không sớm khắc phục thì sẽ gặp phải rất nhiều phiền toái trong công việc cũng như cuộc sống.
5. Đau nhức cơ thể
Các hormone gây stress thường sản sinh nhiều hơn khi mẹ bỉm bị căng thẳng thần kinh. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến các mẹ bị căng cơ, đau lưng, đau vai gáy và nhức mỏi toàn bộ cơ thể.
Trường hợp stress kéo dài thì mẹ bỉm còn bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt do giảm lưu lượng máu lên não khi cơ vùng cổ vai gáy bị căng cứng. Nếu bị đau nhức cơ thể kéo dài thì mẹ bầu cần chú ý đến tình trạng stress.
6. Các biểu hiện khác của stress sau sinh
Ngoài các biểu hiện nêu trên thì khi bị căng thẳng mẹ bỉm cũng có thể gặp phải các dấu hiệu khác. Bao gồm:
- Buồn bã, bi quan
- Chán ăn, rối loạn tiêu hóa,…
- Dạ sạm nám
- Tóc rụng
- Tâm trạng bất ổn
- Sụt cân hoặc tăng cân không kiểm soát
- Giảm tính linh hoạt
- Cơ thể luôn thiếu năng lượng
Nguyên nhân gây stress sau sinh
Sinh nở là quá trình rất nhạy cảm trong cuộc đời người phụ nữ. Sau khi sinh, có rất nhiều yếu tố khiến cho nguy cơ bị stress tăng lên gấp nhiều lần so với người tình thường.
Các nguyên nhân thường gặp gây ra chứng stress sau sinh bao gồm:
1. Ảnh hưởng của quá trình chuyển dạ
Trong quá trình chuyển dạ, lượng hormone cortisol và epinephrine trong cơ thể mẹ sẽ tăng lên khoảng 500%. Việc sản sinh một lượng lớn các hormone này sẽ giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên sau khi sinh, nồng độ các hormone cortisol và epinephrine trong cơ thể vẫn còn ở mức cao. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề stress sau sinh, lo lắng, buồn chán và bi quan.
2. Thay đổi nội tiết tố
Trong quá trình mang thai, hàm lượng estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ sẽ gia tăng nhanh chóng theo từng giai đoạn của thai kỳ. Tuy nhiên, trong vòng 1 ngày sau khi sinh thì hàm lượng các hormone này sẽ giảm nhanh xuống mức trước khi mang thai.
Sự thay đổi đột ngột của các hormone estrogen và progesterone khiến cho tâm sinh lý của mẹ bỉm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sự sụt giảm của hormone tuyến giáp sau sinh cũng có thể gây ra các triệu chứng căng thẳng thần kinh.
3. Lần đầu làm mẹ
Những phụ nữ mới sinh con lần đầu, đặc biệt là sinh con khi còn quá trẻ tuổi thường chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Họ tỏ ra loay hoay khi đón chào thành viên mới trong cuộc sống.
Hơn nữa, các bà mẹ này còn rất vụng về trong việc chăm sóc con cái. Điều này sẽ khiến cho áp lực và lo lắng của họ gia tăng. Từ đó làm tăng nguy cơ bị căng thẳng thần kinh và các vấn đề tâm lý khác.
4. Mất ngủ gây stress sau sinh
Phụ nữ sau sinh thường bị mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Thường gặp nhất là sự nhạy cảm quá mức của các cơ quan, thay đổi hormone hoặc ảnh hưởng của những cơn đau sau sinh.
Ngoài ra, các mẹ bỉm còn phải thức đêm thường xuyên khi con đói, con quấy khóc hay con ốm. Mất ngủ gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây stress sau sinh.
5. Sự mặc cảm sau sinh
Mang thai và quá trình sinh nở khiến cho ngoại hình của mẹ bỉm thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Nhiều chị em luôn mặc cảm về ngoại hình xấu xí, xồ xề, da dẻ đen sạm và nổi nhiều mụn.
Ngoài ra, nhiều mẹ bỉm còn có xu hướng ép buộc bản thân phải cố gắng ăn kiêng để giảm cân. Nhiều trường hợp không thành công khiến cho tình thần càng thêm suy sụp, gây ra stress kéo dài.
6. Áp lực tài chính gây stress sau sinh
Áp lực tài chính được xác định là nguyên nhân tương đối phổ biến gây ra tình trạng stress sau sinh. Tài chính eo hẹp hoặc các sự cố liên quan tới tài chính như gia đình phá sản, chồng bị mất việc làm, bị cắt giảm lương,… có thể khiến cho mẹ bỉm căng thẳng và lo lắng nhiều hơn. Thậm chí trong một số trường hợp còn phát triển chứng trầm cảm sau sinh.
7. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân đã đề cập thì một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị stress sau sinh. Chẳng hạn như:
- Có sẵn các vấn đề tâm lý trong thai kỳ
- Mâu thuẫn gia đình, người chồng không quan tâm vợ con
- Yếu tố di truyền
- Em bé sinh ra gặp các vấn đề sức khỏe hoặc bị dị tật bẩm sinh
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình
- Phải đối mặt với các sang chấn tâm lý
- Tiền sử bị stress hoặc trầm cảm sau sinh
- Từng trải qua các biến chứng thai kỳ
Ảnh hưởng của chứng stress sau sinh
Stress là vấn đề xảy ra phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Mặc dù có mức độ nghiêm trọng thấp hơn và cũng có phần dễ điều trị hơn trầm cảm nhưng các mẹ bỉm tuyệt đối không được chủ quan.
Số liệu thống kê cho thấy, tình trạng stress ảnh hưởng tới hơn 80% mẹ bỉm. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường do thay đổi hormone và các vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời thì các hệ lụy nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài có thể khiến mẹ bỉm đối mặt với các vấn đề sau:
- Sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng. Mẹ bỉm rất dễ bị suy nhược cơ thể, sụt cân nhanh, mất ngủ kéo dài,…
- Mất sữa hoặc giảm chất lượng sữa ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ miễn dịch của bé yêu
- Làm nghiêm trọng thêm các bệnh lý có sẵn ở phụ nữ sau sinh
- Làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm,…
- Mẹ bỉm cần nhiều thời gian hơn để hồi phục sức khỏe và quay trở lại với công việc
- Gia tăng mâu thuẫn trong gia đình do mẹ bỉm dễ nổi nóng, tâm lý bất ổn
Có thể thấy rằng, stress sau sinh gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mẹ bỉm. Hơn nữa còn gián tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé yêu.
Đặc biệt, một số trường hợp căng thẳng thần kinh kéo dài còn khiến các mẹ bỉm bị trầm cảm hay rối loạn lo âu. Điều này có thể làm gia tăng suy nghĩ và hành vi tự sát.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ sau sinh có các hành vi tự sát ngày càng tăng. Do đó, mẹ bỉm và gia đình cần phải có sự quan tâm nhiều hơn đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất.
Cách khắc phục stress sau sinh hiệu quả
Ở những người bình thường, khi bị căng thẳng thần kinh cơ thể sẽ có cơ chế tự điều chỉnh sau khoảng vài ngày cho tới vài tuần. Tuy nhiên với phụ nữ sau sinh thì tình trạng stress thường kéo dài dai dẳng.
Mẹ bỉm cần tìm kiếm các giải pháp để giải tỏa căng thẳng, hạn chế phát sinh rủi ro cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số giải pháp có thể giúp ích:
1. Dành thời gian nghỉ ngơi
Các mẹ bỉm thường tất bật cả ngày với việc chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt là ở những người lần đầu làm mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm. Giờ giấc sinh hoạt của mẹ phải phụ thuộc hoàn toàn vào bé yêu nên nhiều mẹ bỉm không biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Tốt nhất, mẹ bỉm nên tranh thủ nghỉ ngơi và chợp mắt khi bé ngủ. Đừng nên dành thời gian này để làm việc vặt hay dọn dẹp nhà cửa. Nghỉ ngơi vẫn là quan trọng hơn, giúp cho các mẹ có được tinh thần thoải mái, tránh bị stress kéo dài.
Ngoài ra, mẹ có thể cân đối lại thời gian bằng cách lập thời gian biểu để chăm sóc con. Đây là giải pháp đơn giản giúp đảm bảo việc ăn ngủ điều độ cho cả mẹ và bé. Đồng thời hỗ trợ mẹ xây dựng lối sống lành mạnh.
2. San sẻ áp lực chăm con với người thân
Chăm sóc trẻ nhỏ thực sự là một quá trình rất vất vả và gian truân. Đặc biệt là với những chị em lần đầu sinh nở, chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc san sẻ áp lực và nhận hỗ trợ từ chồng, người thân chính là liều thuốc hiệu quả với chứng stress sau sinh.
Mẹ bỉm không nên giữ những suy nghĩ tiêu cực và sự bực dọc trong người. Thay vào đó nên chia sẻ với chồng, người thân hay bạn bè để nhận được sự lắng nghe và đồng cảm. Người thân sẽ đưa ra lời khuyên để mẹ chăm sóc bản thân và con cái tốt hơn.
Bên cạnh đó, mẹ bỉm nên san sẻ việc chăm sóc con và việc nhà với người thân. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực, có thêm thời gian để nghỉ ngơi, tránh suy nhược cơ thể. Đồng thời khiến cho các cảm xúc tiêu cực thuyên giảm dần đi.
3. Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống là yếu tố mẹ bỉm cần quan tâm hàng đầu sau khi sinh. Mẹ bỉm cần thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để đảm bảo sức khỏe và có đủ sữa cho bé bú.
Đặc biệt, việc tiêu thụ một số loại thực phẩm lành mạnh còn giúp làm giảm stress sau sinh. Khi xây dựng chế độ ăn uống thì mẹ bỉm cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Tuyệt đối không được bỏ bữa, cần ăn uống cân bằng để đảm bảo năng lượng cho cơ thể. Mẹ bỉm nên bổ sung các thực phẩm giàu carbohydrate giải phóng chậm. Chẳng hạn như bánh mì nguyên cám, gạo lứt hoặc mì ống.
- Nên chọn các loại chất béo không bão hòa thay cho chất béo bão hòa. Mẹ bỉm nên ăn dầu ô liu và bơ thực vật, không nên tiêu thụ mỡ động vật.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể từ các nhóm thực phẩm tươi sống, lành mạnh. Cần hạn chế tiêu thụ bánh kẹo, socola, thức ăn chế biến sẵn, đồ cay nóng, chiên xào quá nhiều dầu mỡ,…
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, khoảng 2 – 2.5 lít/ ngày. Ngoài uống nước lọc có thể bổ sung thêm sữa, nước ép từ rau củ quả tươi.
- Tuyệt đối không tiêu thụ rượu bia, cà phê hay các loại nước ngọt đóng chai. Đồng thời tránh hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá thụ động.
4. Hoạt động thể chất làm giảm stress sau sinh
Hoạt động thể chất chính là liều thuốc tự nhiên hữu ích với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tập thể dục giúp cơ thể mẹ bỉm giải phóng nhiều endorphin hơn. Từ đó mang lại cảm xúc vui vẻ, thư giãn và thoải mái.
Tuy nhiên với những phụ nữ sau sinh thì cần cẩn trọng nhiều hơn khi tập thể dục. Nên bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng cho vùng cơ bụng và cơ sàn chậu. Ngoài ra, khi cơ thể đã phục hồi thì có thể đi bộ quãng ngắn.
Với các mẹ sinh mổ thì tuyệt đối không tập thể dục khi vết thương chưa lành. Nên tham khảo bác sĩ về thời gian có thể hoạt động thể chất bình thường trở lại.
5. Áp dụng các biện pháp thư giãn
Trong quá trình sinh nở, cơ thể sẽ giải phóng hàm lượng lớn các loại hormone gây stress. Khoảng vài tháng sau khi sinh, mẹ bỉm thường bị căng thẳng quá mức, suy nghĩ nhiều và có cảm giác lo lắng thường trực.
Tốt nhất các mẹ bỉm nên áp dụng những biện pháp thư giãn để giải tỏa stress. Đồng thời giúp cân bằng cảm xúc, thư giãn và thoải mái tinh thần.
Các biện pháp thư giãn làm giảm stress sau sinh bao gồm:
- Ngồi thiền: Đây là liệu pháp dưỡng tâm, an thần rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Ngồi thiền sẽ giúp thư giãn gân cơ, tăng cường tuần hoàn máu và hỗ trợ cân bằng nội tiết tố. Đặc biệt là giúp cho mẹ bỉm giải tỏa cảm xúc tiêu cực và khắc phục chứng stress hiệu quả.
- Liệu pháp mùi hương: Tiếp xúc với các mùi hương yêu thích sẽ giúp thư giãn tinh thần và loại bỏ căng thẳng. Mẹ bỉm có thể ngửi trực tiếp tinh dầu, dùng máy khuếch tán hoặc thêm tinh dầu vào nước tắm. Tốt nhất nên chọn các loại tinh dầu có tính ấm như quế, gừng, khuynh diệp,…
- Uống trà thảo mộc: Một số loại trà thảo mộc không chỉ giúp thư giãn tinh thần mà còn chăm sóc tốt cho giấc ngủ và làm giảm các triệu chứng thể chất. Mẹ bỉm có thể uống trà hoa cúc, trà gừng hay trà bạc hà để hỗ trợ loại bỏ stress.
- Ngâm nước ấm: Đây là mẹo đơn giản giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn cơ thể. Mẹ bỉm có thể ngâm mình với các loại nước sắc thảo dược như chè xanh, trầu không hay ngải cứu để làm giảm căng thẳng hiệu quả.
6. Tư vấn – Trị liệu tâm lý
Như đã phân tích, tình trạng stress sau sinh liên quan tới rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh áp lực chăm sóc con cái và làm việc nhà thì còn do sức khỏe, áp lực tài chính, mâu thuẫn trong gia đình,… Và không dễ dàng để mẹ bỉm khắc phục được hết các yếu tố này.
Trường hợp cảm thấy cần thiết, mẹ bỉm nên chủ động tìm gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Tâm lý trị liệu là phương pháp đơn giản, an toàn giúp mẹ bỉm ý thức rõ vấn đề mà mình đang gặp phải. Đồng thời đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề và tìm ra phương hướng giải quyết phù hợp nhất.
Các chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành cùng với mẹ bỉm trong suốt quá trình trị liệu. Mẹ bỉm không chỉ loại bỏ tốt tình trạng căng thẳng mà còn trau dồi các kỹ năng để quản lý và ngăn ngừa stress xuất hiện trong tương lai.
Mẹ bỉm tuyệt đối không được chủ quan với chứng stress sau sinh. Trường hợp các giải pháp khắc phục tại nhà không mang lại hiệu quả thì nên chủ động tìm đến chuyên gia tâm lý. Can thiệp kịp thời và đúng cách sẽ ngăn chặn được các rủi ro phát sinh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tham khảo thêm:
- Hội Chứng Baby Blues Và Trầm Cảm Sau Sinh Khác Nhau Thế Nào?
- Những loại thực phẩm giúp giảm stress hiệu quả bạn nên bổ sung
- Top 10 viên uống, thuốc thảo dược giảm stress an toàn hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!