Phân Biệt Hội Chứng Baby Blues Và Trầm Cảm Sau Sinh

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh là hai vấn đề tâm lý thường gặp sau khi sinh nở. Hai bệnh lý này có nhiều biểu hiện tương đồng nhưng hoàn toàn khác biệt về đặc điểm, tiến triển và mức độ ảnh hưởng. 

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh là gì?

Mang thai và sau khi sinh là giai đoạn nhạy cảm. Ở thời điểm này, bản thân mẹ có những thay đổi đột ngột về tâm sinh lý nên sẽ có nguy cơ cao mắc các chứng rối loạn tâm lý, tâm thần. Trong đó, hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh là hai vấn đề thường gặp nhất.

Không ít người nhầm tưởng hội chứng Baby Blues chính là trầm cảm. Tuy nhiên, hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Hội chứng Baby Blues là một dạng rối loạn tâm lý phổ biến và ảnh hưởng đến hơn 80% phụ nữ sau sinh. Các triệu chứng của hội chứng Baby Blues và trầm cảm có nhiều điểm giống nhau nhưng về bản chất là khác nhau hoàn toàn. Chính vì vậy, bản thân mẹ và những người thân trong gia đình cần có hiểu biết về các bệnh tâm thần thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh để kịp thời phát hiện và điều trị.

Điểm khác nhau giữa hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh

Hội chứng Baby Blues là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Các triệu chứng của hội chứng này dễ bị nhầm lẫn với trầm cảm và một số rối loạn tâm thần khác. Để xác định được vấn đề bản thân đang gặp phải và có biện pháp điều trị kịp thời, bản thân mẹ cần hiểu rõ điểm khác nhau giữa trầm cảm sau sinh và hội chứng Baby Blues.

Những điểm khác nhau giữa trầm cảm sau sinh và hội chứng Baby Blues:

1. Triệu chứng

Mặc dù triệu chứng của cả hai có nhiều nét tương đồng nhưng về bản chất, triệu chứng của trầm cảm có mức độ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu chú ý đến biểu hiện lâm sàng, mẹ bỉm có thể xác định được vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt.

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh
Biểu hiện của hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh có nhiều nét tương đồng

Các triệu chứng của hội chứng Baby Blues:

  • Nhạy cảm, dễ xúc động và đôi khi khóc lóc mà không rõ nguyên nhân
  • Chán nản, buồn bã, bi quan
  • Lơ đễnh, giảm khả năng tập trung và hay quên
  • Nóng nảy, dễ tức giận, cáu kỉnh và đôi khi giận dữ vì những chuyện không quá nghiêm trọng
  • Tinh thần không thực sự thoải mái, luôn có cảm giác bức bối và khó chịu
  • Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc và chập chờn
  • Bồn chồn, có cảm giác bất an và lo lắng thường trực
  • Người bị hội chứng Baby Blues thường bận tâm quá mức đến sức khỏe của bản thân và đứa trẻ
  • Cảm thấy ngột ngạt và không thoải mái vì không thể tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch và gặp gỡ bạn bè như trước kia.

Trên thực tế, các triệu chứng này rất phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh – đặc biệt là với những người làm mẹ lần đầu tiên và sinh con khi chưa thực sự sẵn sàng. Nhìn chung, hội chứng Baby Blues chỉ là một dạng khủng hoảng tâm lý có mức độ nhẹ do cuộc sống bị xáo trộn và thay đổi đột ngột.

Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh có nhiều điểm tương đồng với hội chứng Baby Blues nhưng mức độ thường nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trầm cảm khởi phát từ từ nên trong giai đoạn đầu, các triệu chứng có mức độ nhẹ và thiếu tính điển hình.

Các triệu chứng nhận biết bệnh trầm cảm sau khi sinh:

  • Khí sắc trầm buồn thể hiện rõ qua khuôn mặt, lời nói và biểu cảm. Ban đầu, mẹ sẽ có cảm giác buồn bã, chán nản và mất hứng thú. Sau một thời gian, cảm giác đau khổ sẽ trở nên sâu sắc hơn, khuôn mặt lộ rõ sự u uất và bi quan.
  • Thu mình, ít giao tiếp và bi quan về tương lai.
  • Thiếu sự quan tâm dành cho đứa trẻ và đôi khi không cảm nhận được sợi dây liên kết giữa mẹ và con.
  • Mất đi hy vọng sống vì không cảm nhận được bất cứ niềm vui hay cảm xúc tích cực nào trong cuộc sống.
  • Cơ thể giảm năng lượng, uể oải, mệt mỏi và rất khó để có thể bắt đầu công việc (ngay cả những việc đơn giản như vệ sinh cá nhân, chăm sóc con và dọn dẹp nhà cửa).
  • Mất đi hứng thú và sự quan tâm đến mọi thứ xung quanh, bao gồm cả bạn đời, con cái và những sở thích trước đây.
  • Giảm khả năng tập trung và khó suy nghĩ, mất nhiều thời gian để đưa ra các quyết định.
  • Hình thành những suy nghĩ sai lệch như bản thân là người vô dụng, kém cỏi, không hoàn thành tốt vai trò là một người mẹ và một người vợ.
  • Bắt đầu nghĩ đến cái chết và nảy sinh ý nghĩ làm hại chính bản thân, đứa trẻ và những người xung quanh.

Trầm cảm là bệnh có tiến triển từ từ. Ban đầu, bệnh chủ yếu gây ra trạng thái buồn bã, đau khổ và chán nản. Sau đó, các triệu chứng trở nên sâu sắc và nghiêm trọng hơn.

2. Thời gian khởi phát

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về triệu chứng nhưng thời điểm khởi phát của trầm cảm sau sinh và hội chứng Baby Blues hoàn toàn khác biệt. Đây được xem là đặc điểm dễ dàng phân biệt hai bệnh lý này mà không cần dựa vào biểu hiện lâm sàng.

Hội chứng Baby Blues khởi phát triệu chứng sau khi sinh khoảng 2 – 3 ngày hoặc muộn hơn nhưng không bao giờ quá 14 ngày. Sau khi sinh nở, cơ thể mẹ sẽ có nhiều thay đổi về sinh lý. Điều này kết hợp với những xáo trộn trong cuộc sống chính là nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm lý sau sinh nói chung và hội chứng Baby Blues nói riêng.

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh thường khởi phát muộn hơn, khoảng từ 2 – 3 tháng sau khi sinh nở

Trong khi đó, các triệu chứng của trầm cảm sau sinh thường khởi phát muộn hơn. Bệnh lý này thường xuất hiện sau sinh từ 2 – 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trầm cảm khi mang thai kéo dài và phát triển thành trầm cảm sau khi sinh. Trong trường hợp này, triệu chứng có thể xuất hiện sớm ngay sau khi sinh nở. Lúc này, phải dựa vào triệu chứng để có thể phân biệt được trầm cảm và hội chứng Baby Blues.

3. Tiến triển

Có thể thấy, trầm cảm sau sinh gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn so với hội chứng Baby Blues. Hội chứng Baby Blues gây ra triệu chứng khá sớm nhưng mức độ nhẹ và thường có thể thuyên giảm sau khoảng 2 – 3 tuần mà không cần điều trị.

Trong khi đó, trầm cảm sau sinh có tiến triển dai dẳng và triệu chứng sẽ kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Các triệu chứng của trầm cảm không thể tự thuyên giảm như hội chứng Baby Blues mà bắt buộc phải điều trị. Nếu không can thiệp sớm, các triệu chứng sẽ có xu hướng sâu sắc hơn theo thời gian và dẫn đến một loạt các biến chứng, hậu quả nặng nề.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm là hành vi tự sát. Nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh sát hại con sau đó tự tử để giải thoát bản thân.

Mẹ bị hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh phải làm sao?

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm là vấn đề thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh. Các bệnh lý này ít nhiều đều ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe thể chất của mẹ. Chính vì vậy, gia đình cần quan tâm đến mẹ bỉm và hỗ trợ để mẹ có thể vượt qua chứng bệnh này.

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh
Sự chia sẻ, động viên từ gia đình sẽ giúp mẹ vượt qua hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh

Mẹ bị hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau khi sinh nên:

  • Trước tiên, nên chia sẻ với bạn đời và những thành viên trong gia đình về vấn đề bản thân đang phải đối mặt. Nếu có thể, nên tìm người thực sự tâm lý để họ có thể hiểu được những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Bởi trên thực tế, nhiều người hoàn toàn không có hiểu biết về các bệnh tâm lý và họ cho rằng mẹ bỉm chỉ đang nghiêm trọng hóa mọi thứ.
  • Nên chia sẻ công việc nhà với chồng và người thân trong gia đình để có thời gian nghỉ ngơi.
  • Bỏ ngoài tai những lời nói khó nghe và lờ đi những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Điều quan trọng nhất mẹ cần làm trong giai đoạn này là chăm sóc bản thân và con thật tốt. Tránh để tâm đến những sự việc xảy ra không như mong muốn.
  • Giữ cho bản thân lối sống lành mạnh và có thể ngồi thiền mỗi ngày để bình ổn cảm xúc.
  • Sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Nếu bị hội chứng Baby Blues, mẹ bỉm có thể trị liệu tâm lý để cải thiện. Tuy nhiên, trong trường hợp bị trầm cảm, cần phải kết hợp cả liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc lâu dài.

Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh có nhiều điểm tương đồng về triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, đặc điểm, mức độ và tiến triển bệnh hoàn toàn khác biệt. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bản thân mẹ bỉm và những người xung quanh đã có hiểu biết nhất định về hai bệnh lý này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *