Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi rất lớn

Giai đoạn mang thai, mẹ bầu không chỉ bị thay đổi về ngoại hình, vóc dáng, thói quen sinh hoạt mà ngay cả tâm trạng của họ cũng dần biến đổi theo. Hầu hết các chị em phụ nữ trong lúc mang thai đều trở nên khó tính, hay nóng giận, cáu gắt và căng thẳng về mọi thứ diễn ra xung quanh. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực này cần được nhanh chóng loại bỏ bởi các chuyên gia cho biết rằng, tâm trạng của mẹ bầu có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. 

Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi
Tâm trạng của mẹ bầu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của thai nhi

Tâm trạng của mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai?

Mang thai là một hành trình chứa đựng rất nhiều cảm xúc hạnh phúc xen lẫn những thử thách, khó khăn mà mẹ bầu nào cũng phải cố gắng vượt qua. Cũng bởi trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ sẽ bị biến đổi nhanh chóng từ bên trong lẫn bên ngoài. Vóc dáng và ngoại hình của mẹ bầu sẽ dần thay đổi, họ không còn giữ được sự uyển chuyển, gợi cảm như lúc xưa. Kèm theo đó là sự biến đổi của nội tiết tố khiến cho tâm sinh lý của mẹ bầu trở nên rối loạn.

Trong thực tế thì đa số phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai đều trở nên cáu gắt, nhạy cảm, dễ lo âu, căng thẳng về rất nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống, đặc biệt là sức khỏe trong thai kì. Theo rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng, phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai sẽ thường xuyên có tâm trạng tiêu cực, căng thẳng trong thời gian dài và điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Trước khi tìm hiểu về những tác hại nguy hiểm mà thai nhi phải đối mặt khi tâm trạng của mẹ bầu không tốt thì bạn cần phải biết được những sự thay đổi về cảm xúc của mẹ bầu trong giai đoạn này. Cụ thể như sau:

1. Trở nên khó tính, hay cáu gắt

Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, nhiều chị em phụ nữ khi mang thai bắt đầu trở nên khó tính hơn hẳn. Họ có thể cảm thấy khó chịu, dễ cáu gắt với tất cả mọi người xung quanh. Thậm chí chỉ cần có một tiếng động nhỏ hoặc một sự việc nào đó hết sức bình thường cũng có thể làm họ trở nên bực tức, nóng giận vô cớ.

Đôi khi sự khó chịu này của các mẹ bầu sẽ gây ra nhiều sự mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, lúc này mẹ bầu phải đối diện với rất nhiều sự thay đổi diễn ra trên cơ thể nên chuyện họ cảm thấy khó chịu, dễ tức giận cũng là đều dễ hiểu.

2. Nhạy cảm, dễ khóc

Trong giai đoạn mang thai, nội tiết tố bên trong cơ thể của người mẹ sẽ dần bị biến đổi một cách nhanh chóng, từ đó làm ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý, khiến họ trở nên nhạy cảm và căng thẳng hơn trước rất nhiều. Lúc này các mẹ sẽ rất dễ bị xúc động bởi bất kì lời nói hoặc hành vi vô tâm nào của người thân, đặc biệt là người chồng. Họ có thể khóc hoặc cảm thấy buồn bã quá mức chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt.

Đây được xem là một trong những biến đổi tâm lý thường gặp và biểu hiện rõ ràng ở mỗi mẹ bầu. Một mẹ bầu đã từng chia sẻ rằng “Mình cảm thấy sự thay đổi của hormones rõ nhất vào hôm cả hai vợ chồng chơi cờ với nhau. Sau một hồi căng thẳng và bị thua anh liên tục, mình bắt đầu khóc và có những biểu hiện xúc động mạnh dù sự việc chẳng có gì to tát”.

3. Căng thẳng, lo âu quá mức

Lo âu, căng thẳng là một trong các cảm xúc thường gặp ở những mẹ bầu. Nỗi lo lắng này có thể xuất phát từ sự thay đổi của vóc dáng, cân nặng, lo nghĩ về tài chính, sức khỏe thai kì, cảm thấy sợ hãi khi gần đến ngày sinh hoặc đó là một nỗi lo chung chung, không xác định được cụ thể.

4. Nhạy cảm với lời chỉ trích

Nếu cùng một câu nói, nhưng một ai đó lại sử dụng nó với một bà bầu thì đôi khi phản ứng của họ sẽ làm bạn khá ngạc nhiên. Phụ nữ khi có thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, họ có thể cảm thấy bị tổn thương sâu sắc bởi một hành động hoặc lời nói vô cùng nhỏ nhặt của người khác.

5. Trở nên cô lập

Xu hướng tự cô lập mình, không muốn trò chuyện và tâm sự với người thân cũng là một trong các trạng thái tâm lý thường gặp ở những phụ nữ đang mang thai. Mẹ bầu thường cố gắng che giấu cảm xúc của bản thân, không muốn chia sẻ quá nhiều với những người xung quanh và dường như họ luôn tránh né các cuộc gặp gỡ với bạn bè, những người thân thiết.

Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi ra sao?

Có thể nói, mang thai là giai đoạn vô cùng nhạy cảm bởi bất kì các yếu tố tác động nào từ bên ngoài lẩn bên trong của cơ thể mẹ bầu cũng có khả năng tác động đến sự phát triển của thai nhi. Cũng như đã chia sẻ ở trên, trong lúc mang thai mẹ bầu sẽ phải đối diện với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, vui có buồn có.

Tuy nhiên, trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã nhận thấy rằng, tâm trạng của mẹ bầu trong lúc mang thai có sự ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, hiểu theo cách đơn giản đó chính là mẹ khỏe, con vui và ngược lại. Nếu mẹ bầu có thể giữ được tinh thần thoải mái, vui vẻ và có được chế độ sinh hoạt lành mạnh thì sẽ thúc đẩy tốt sự phát triển của thai nhi, hạn chế tốt các biến chứng nguy hiểm trong giai đoạn này.

Ngược lại, nếu trong lúc mang thai, mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, lo lắng, buồn bã, tâm trạng tiêu cực thì trẻ nhỏ sẽ không được phát triển một cách toàn diện, nhiều nguy cơ đối diện với tình trạng sinh non, động thai, đề kháng sau sinh kém,…Sau đây là một số ảnh hưởng nghiêm trọng mà thai nhi phải đối mặt nếu tâm trạng của mẹ bầu không được ổn định.

1. Tính cách của trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của mẹ bầu

Khi vẫn còn nằm trong bụng mẹ thì các cơ quan của thai nhi sẽ dần được hình thành và hoàn thiện về mặt chức năng, cấu trúc. Tuy rằng mỗi trẻ sẽ có đặc điểm tính cách khác nhau tùy vào sự tác động của nhiều yếu tố, chẳng hạn như môi trường sống, cách giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Dù thế nhưng xét về hoạt động tinh thần thì tính cách của trẻ nhỏ cũng sẽ được dần hình thành từ giai đoạn phát triển trong bụng mẹ dựa vào các trung tâm thần kinh.

Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi
Tính cách của trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ tâm trạng của người mẹ khi mang thai.

Theo đó, sự biến đổi tâm trạng của người mẹ cũng sẽ làm thay đổi môi trường bên trong, từ đó làm cho cơ thể và cảm xúc của trẻ bị thay đổi. Trong một vài nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, nếu thai phụ liên tục cảm thấy căng thẳng, lo lắng và ưu phiền thì sẽ khiến cho tính cách, nhận thức của trẻ bị thay đổi khi chào đời. Trẻ nhỏ sau khi sinh ra sẽ hay cau có, dễ cáu gắt, tức giận hoặc có thể liên tục buồn bã, u sầu.

2. Tâm trạng tiêu cực khi mang thai sẽ làm gia tăng nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ

Kết quả của một số nghiên cứu nhận thấy rằng, các vấn đề sức khỏe thần kinh, tâm lý của phụ nữ trong thai kì có thể là yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em. Nếu mẹ bầu bị trầm cảm trong giai đoạn này thì hàm lượng hormone tâm lý của người mẹ sẽ tác động đến hệ thống tuyến nội tiết của thai kì. Tình trạng này làm suy giảm chức năng của hệ thống tuyến nội tiết và khiến cho thai nhi rơi vào trạng thái thiếu hụt, từ đó nguy cơ tự kỷ tăng cao.

Theo đó, các nhà khoa học cũng đã chia sẻ, nếu thai phụ mắc phải bất kì các rối loạn tâm lý nào trong tuần thứ 32 trở đi thì sẽ làm gia tăng khả năng bị rối loạn hành vi ở trẻ gấp 2 lần so với bình thường. Các rối loạn này có thể tồn tại và gia tăng mạnh mẽ cho đến khi trẻ bước vào khoảng 4,5 tuổi. Cũng tương tự như vậy, trẻ nhỏ sẽ bị rối loạn hành vi cao gấp 2 lần và kéo dài đến năm 7,8 tuổi nếu tâm lý mẹ bầu bị rối loạn ở từ thứ 38 đến 40.

3. Ảnh hưởng đến trí thông minh và não bộ của thai nhi

Tâm trạng căng thẳng và lo lắng quá mức của mẹ bầu có thể làm cản trở sự kết nối giữa hệ thống chức năng thần kinh và não bộ, từ đó làm cho chúng hoạt động kém năng suất hơn so với mức bình thường. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì tiểu não, trung tâm nắm giữ chức năng đối phó với lo lắng, căng thẳng là một trong các bộ phận được hình thành sớm nhất, điều này khiến thai nhi trở nên nhạy cảm hơn so với căng thẳng, áp lực.

Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu cứ giữ tâm trạng tiêu cực, lo lắng, buồn phiền nhiều thì sẽ gây cản trở rất lớn đối với quá trình trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Tình trạng này sẽ khiến cho trẻ nhỏ không thể nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó cũng làm hạn chế sự phát triển của não bộ và nhiều cơ quan khác.

Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi
Não bộ của trẻ nhỏ sẽ bị chậm phát triển nếu mẹ bầu cứ liên tục buồn bã, lo âu.

Để chứng minh cụ thể cho sự ảnh hưởng này, các nhà khoa học cũng đã tiến hành một nghiên cứu về khả năng học tập và ghi nhớ của trẻ nhỏ được sinh ra bởi những người mẹ bị rối loạn lo âu trong thai kì. Trẻ nhỏ sẽ được đo vùng hồi hải mã – đây là vùng chức năng ghi nhớ và hỗ trợ quan trọng đối với quá trình học tập. Kết quả nhận thấy rằng, vùng hải mã của những đứa trẻ này có kích thước nhỏ hơn so với những đứa trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ có tâm trạng thai kì tốt. Điều này cho thấy rằng, tâm trạng của mẹ bầu có ảnh hưởng lớn đến trí não, khả năng ghi nhớ và học tập của thai nhi.

4. Trẻ có nguy cơ tăng động cao khi tâm trạng mẹ bầu tiêu cực

Theo như nghiên cứu, khi bạn rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức thì cơ thể sẽ liên tiếp kích thích sản sinh ra cortisol và dolpamine. Đây được xem là hai loại hormone có khả năng làm ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của hệ thần kinh, dễ làm cho con người trở nên kích động và bồn chồn. Hơn thế, các nhà khoa học cho biết rằng, hai loại hormone này có khả năng “lây” qua thai nhi thông qua nhau thai. Cũng chính vì thế, mà khi tâm trạng mẹ bầu trở nên tiêu cực thì hệ thần kinh của thai nhi cũng sẽ không được ổn định, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc phải chứng tăng động ở nhiều trẻ nhỏ.

5. Ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng

Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy có đến gần 15% các trẻ em được sinh ra bởi những bà mẹ có vấn đề tâm lý bất ổn trong thai kì gặp phải những rắc rối về khả năng ngôn ngữ, biểu hiện thường thấy nhất đó chính là tình trạng chậm nói. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này đó chính là khi tâm trạng rơi vào trạng thái tiêu cực, bi quan, lo lắng sẽ khiến cho nhiều mẹ bầu lơ là việc chăm sóc bản thân, ăn uống không điều độ khiến cho sức khỏe thai nhi càng bị yếu đi và không nhận đủ chất dinh dưỡng để phát triển.

6. Tâm lý tiêu cực dẫn đến nguy cơ bị động thai, sảy thai

Bên cạnh các ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển lâu dài của trẻ nhỏ thì việc mẹ bầu thường xuyên có tâm trạng tiêu cực cũng có thể làm gia tăng tỉ lệ gặp phải các vấn đề nguy hiểm trong thai kì. Chẳng hạn như bị động thai, tiền sản giật, sảy thai, sinh non, con sinh ra nhẹ cân, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng,…Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai nếu mẹ bầu không giữ được tâm lý thoải mái thì sẽ có nhiều khả năng gặp phải các các vấn đề sức khỏe tâm thần nguy hiểm hơn, điển hình như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…

Lời khuyên của chuyên gia dành cho các mẹ bầu

Có thể thấy rằng, bất kì thay đổi nào của người mẹ trong quá trình mang thai cũng có khả năng tác động và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của thai nhi. Chính vì thế, bản thân người mẹ cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe tổng thể thật tốt, cân bằng trạng thái tâm lý. Người thân trong gia đình cũng nên dành thời gian để quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với họ, giúp họ giải tỏa tốt những cảm xúc tiêu cực không đáng có.

Tâm trạng của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi
Để bảo vệ sức khỏe thai kì, mẹ bầu nên thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.

Sau đây là một số lời khuyên hữu ích từ chuyên gia dành cho những chị em phụ nữ đang trong quá trình mang thai:

  • Dành thời gian chăm sóc cho bản thân nhiều hơn: Trong quá trình mang thai cơ thể đã phải đối mặt với hàng loạt những thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thân. Chính vì thế, các mẹ bầu nên học cách yêu thương cho bản thân nhiều hơn. Hạn chế và lên kế hoạch cụ thể cho công việc, thời gian nghỉ ngơi, hạn chế làm việc quá sức, làm việc nặng nhọc. Thay vì cứ mãi lo lắng, suy nghĩ về những vấn đề xoay quanh cuộc sống thì bạn hãy tận hưởng thời gian rảnh của mình bằng cách đọc sách, nghe nhạc, xem phim, chăm sóc cây cảnh,…Việc chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bảo vệ sức khỏe bé yêu của mình.
  • Tâm sự và chia sẻ nhiều hơn: Trong thực tế, không thể ép buộc mẹ bầu ngừng ngay những lo lắng, suy nghĩ của họ. Thay vì như thế, hãy động viên và cùng họ chia sẻ, tâm sự về những cảm xúc tồi tệ mà họ đang trải qua. Việc có thể bày tỏ được những suy nghĩ, băn khoăn của bản thân sẽ phần nào giúp cho các chị em cảm thấy thoải mái, nhẹ lòng và bớt cô đơn hơn. Đồng thời, những người thân bên cạnh đôi khi cũng sẽ tiếp thêm cho bạn nguồn động lực tích cực, đưa ra những lời khuyên hữu ích để bạn cân bằng tốt tâm trạng của bản thân.
  • Thư giãn và nghỉ ngơi: Mang thai là giai đoạn vô cùng nhạy cảm và cơ thể của phụ nữ cũng cảm thấy mệt mỏi nhất. Chính vì thế hãy dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn, thư giãn bằng nhiều cách khác nhau để ổn định tâm trạng. Thai phụ nên tìm kiếm những hoạt động hoặc xem những nội dung vui vẻ, hài hước và trong sáng để thai nhi có thể tiếp nhận những luồng tư tưởng tích cực.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng hàng ngày đóng vai trò cực kì quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé. Tốt nhất bạn nên duy trì một lối ăn uống lành mạnh, khoa học, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất có lợi. Đồng thời, mẹ bầu cũng có thể chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ ở thai nhi. Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết thì sức khỏe tinh thần lẫn thể chất cũng sẽ được nâng cao rất nhiều.
  • Đảm bảo giấc ngủ: Tâm trạng lo lắng, bồn chồn, bất an khiến cho giấc ngủ của mẹ bầu và cả thai nhi bị đảo lộn liên tục. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé mà còn làm gia tăng nguy cơ phát triển thành các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, mẹ bầu cần phải đảm bảo tốt giấc ngủ của mình, tập trung ngủ vào ban đêm và tránh tình trạng thức khuya.
  • Tham gia các lớp tiền sản để nắm rõ được những kiến thức bổ ích cho quá trình mang thai và sau sinh cũng là cách tốt giúp chị em giảm thiểu sự bất ổn trong tâm trạng. Đồng thời, khi đến học tại các lớp hỗ trợ này, mẹ bầu cũng sẽ được gặp gỡ thêm nhiều bà mẹ khác và cùng nhau chia sẻ nhiều hơn để tìm kiếm sự đồng cảm.
  • Tìm gặp chuyên gia tâm lý: Nếu không thể khống chế và khắc phục tốt sự bất ổn trong tâm trạng khi mang thai thì tốt nhất mẹ bầu nên tìm gặp chuyên gia để được hỗ trợ cụ thể.

Như vậy có thể thấy rằng, tâm trạng của mẹ bầu có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Chính vì thế, trong giai đoạn nhạy cảm này, chị em phụ nữ cũng cần trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức cần thiết, xây dựng lối sống lành mạnh, cân bằng tâm trạng hiệu quả để có được một thai kì mạnh khỏe.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *