Stress khi mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé

Stress khi mang thai nếu không sớm được cải thiện có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Gia đình cần khuyến khích bà bầu ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày đồng thời trò chuyện chia sẻ nhiều hơn để giải tỏa những điều khó chịu, lo lắng, hướng đến những điều tích cực, hạnh phúc hơn.

Biểu hiện stress khi mang thai

Theo thống kê hầu hết phụ nữ đều bị stress thai kỳ, tuy nhiên nếu được hỗ trợ sớm thì không có gì nguy hiểm. Có rất nhiều nguyên nhân gây căng thẳng khi mang thai, trong đó yếu tố hormone, sự thay đổi của cơ thể cũng như những tác động từ môi trường ngoài chính là các vấn đề chính khiến tâm lý các bà bầu luôn bồn chồn, lo lắng, dễ tức giận.

Stress khi mang thai
Người bị stress khi mang thai có thể dễ dàng khóc bất cứ lúc nào, tâm trạng cũng dễ trở nên cáu kỉnh hơn

Cụ thể cơ thể cần có sự thay đổi các hormone để tạo điều kiện cho việc sinh nở thuận lợi nhưng các hormone này lại làm ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến bà bầu dễ cáu kỉnh, tức giận hơn. Ngoài ra việc tăng cân quá mức, da dẻ xấu đi, nhiều mụn cũng là nguyên nhân gây stress khi mang thai 3 tháng cuối. Sự thiếu quan tâm từ chồng, xung đột với gia đình chồng hay những lo lắng về tài chính, cách chăm sóc con cũng có liên quan đến đến tình trạng này.

Một số biểu hiện stress khi mang thai thường gặp như sau

  • Thường xuyên cảm thấy cáu kỉnh, tức giận, khó chịu với nhiều thứ
  • Luôn cảm thấy đau nhức ê ẩm người, đau đầu, đau bụng, đau lưng mà không rõ nguyên nhân nên chỉ nằm một chỗ
  • Dễ khóc dù đó là một vấn đề không đến mức phải như vậy
  • Có xu hướng chán ăn hoặc ăn nhiều, đặc biệt là thèm đồ ngọt. Đặc biệt dấu hiệu stress khi mang thai 3 tháng đầu thường là thèm ngọt như thèm trà sữa, bánh ngọt, thậm chí có những người có thể uống 2- 3 ly trà sữa, nước ngọt mỗi ngày
  • Gặp vấn đề về giấc ngủ, thường là khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, cảm thấy như không có chút năng lượng nào nên không thể dậy được
  • Luôn cảm thấy tinh thần bức bối khó chịu nhưng lại không muốn chia sẻ với ai. Những cảm xúc này tích tụ lâu ngày khiến phụ nữ stress khi mang thai luôn cảm thấy u uất, tuyệt vọng và dễ dẫn đến những vấn đề tâm lý khác nghiêm trọng hơn
  • Lơ đãng, mất tập trung, khó làm hoàn thành một việc gì
  • Dễ kích động hơn bình thường, bà bầu có thể hét lên hay thậm chí là có thể đập đồ đạc nếu cảm thấy tức giận, khó chịu bùng phát
  • Một số người có xu hướng sử dụng bia rượu hay thuốc lá để giải tỏa cảm xúc
  • Có xu hướng ít thích trò chuyện, khép mình, không thích đến nơi đông người hay tụ họp bạn bè như trước mà chỉ muốn về nhà và nằm một chỗ
  • Stress khi mang thai còn dễ làm bà bầu gặp các vấn đề như dễ mắc bệnh nhiễm trùng, dễ bị cảm cúm

Thực tế các triệu chứng này đều rất dễ nhìn nhận và không ít người thường đổ lỗi cho những cảm xúc này là sự thay đổi hormone, ít ai hiểu rằng bà bầu đang bị stress. Những cảm xúc này nếu không nhanh chóng được hỗ trợ giải tỏa có thể tiến triển đến rất nhiều hệ lụy xấu khác, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống, sức khỏe, tinh của cả mẹ và thai nhi nên tuyệt đối không được chủ quan.

Stress khi mang thai ảnh hưởng đến mẹ bầu

Bà bầu vốn đã là đối tượng có tâm lý vô cùng nhạy cảm, đôi khi một lời nói thiếu tế nhị, chẳng hạn như chê bà bầu ngày càng béo, ngày càng sồ sề cũng đã đủ làm họ suy nghĩ suốt cả ngày. Mẹ stress khi mang thai gây ra các hệ lụy không chỉ về mặt tinh thần mà còn trên cả sức khỏe, chất lượng cuộc sống hằng ngày. Thậm chí có những người còn có suy nghĩ muốn chết khi mang thai do stress nặng.

Vậy những ảnh hưởng đến cuộc sống của người mẹ bị stress khi mang thai như thế nào?

Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý

Bà bầu stress nặng nếu không sớm được hỗ trợ sẽ chính là nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm khi mang thai, rối loạn lo âu hay hàng loạt vấn đề tâm lý khác. Khi bị stress, tâm lý bà bầu luôn vô cùng căng thẳng, mệt mỏi, u uất, nhìn điều gì cũng cảm thấy tiêu cực. Nếu không nói ra sẽ giống như một ngọn núi lửa với đầy nham thạch bên trong, một khi phun trào thì không biết sẽ có điều gì xảy ra.

Stress khi mang thai
Tỷ lệ phụ nữ mang thai bị trầm cảm là rất cao, được tiến triển từ tình trạng stress nặng nhưng không được điều trị sớm

Người mắc các vấn đề tâm lý thường có xu hướng tự làm đau bản thân, luôn thấy tội lỗi, chán ghét chính mình hoặc có những người cho rằng vì đứa con mà mình trở nên như vậy. Không ít người bắt đầu nghĩ đến tự tử và lên kế hoạch thực hiện các hành vi này mà không ai hay biết. Đến khi phát hiện ra thì chuyện cũng đã quá muộn. Không ít trường hợp tương tự đã xảy ra chính vì sự vô tâm của chính những thành viên trong gia đình.

Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thể chất

Rối loạn ăn uống cũng là một vấn đề dễ gặp ở những người  bị căng thẳng khi mang thai. Có người ăn quá nhiều hoặc chán ăn, không còn cảm giác ăn ngon, thời gian ăn uống cũng vô cùng thất thường như ăn quá muộn, ăn quá no vào buổi tối. Do đó không ít người đã gặp các vấn đề về dạ dày như trào ngược dạ dày hay viêm dạ dày.

Các vấn đề về huyết áp, tim mạch cũng là tình trạng rất nhiều người bị stress khi mang bầu gặp phải. Do căng thẳng thường kéo theo huyết áp tăng nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống tim mạch. Một số các biểu hiện cụ thể thường gặp như tim đập nhanh, khó thở, đau tức ngực, chân tay lạnh, dễ bị tê nhức..

Một số vấn đề thể chất khác mà người mang tâm lý căng thẳng khi mang thai như dễ bị cảm sốt, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, giảm thị lực, các vấn đề về xương khớp, đau đầu, đau bụng.. Dù vậy với các dấu hiệu stress khi mang thai như cảm thấy đau bụng, đau lưng, đau đầu thường xuyên nếu đi khám lại không thể tìm ra chính xác đâu là nguyên nhân.

Ảnh hưởng đến hệ thần kinh

Nghiên cứu cho thấy, ở những người có dấu hiệu bị stress khi mang thai thì sau này có thể tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh hơn. Chẳng hạn như bị đau nửa đầu, trí nhớ kém, càng về già càng dễ lú lẫn. Việc thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ ở thời điểm hiện tại cũng vốn đã ảnh hưởng đến não bộ, thần kinh của bà bầu.

Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ

Khi tâm trạng không vui vẻ thì hầu hết làm gì bạn cũng cảm thấy bức bối, bực dọc, khó chịu, nhìn đâu cũng chỉ thấy những điều tiêu cực xấu xí. Bởi thế trong lúc nói giận không thể tránh khỏi đôi lúc bà bầu có thể nói ra những lời không hay làm tổn thương những người đối diện. Sự cáu kỉnh, khó chịu của mẹ bị stress khi mang thai cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm với chồng hay những người xung quanh.

Stress khi mang thai
Bà bầu bị stress thường rất hay nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột với chồng

Ngay cả chính chúng ta mỗi khi bị stress cũng đều thấy tất cả mọi thứ, mọi người xung quanh làm gì cũng thật là khó chịu. Càng khép mình, càng dìm nỗi tức giận u uất vào bên trong thì khi bùng phát ra sẽ càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt nếu giai đoạn này người chồng hay những người trong gia đình không nhẫn nhịn thì có thể làm nảy sinh rất nhiều xung đột.

Tăng nguy cơ sinh non

Sự ảnh hưởng từ hormone cùng việc stress ở phụ nữ mang thai có thể làm nhiều người bị sinh non trước dự tính một thời gian dài, đặc biệt nếu bị stress khi mang thai 3 tháng đầu. Việc sinh non có thể phải sinh mổ có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe và thai nhi, đặc biệt liên quan đến những lần mang thai và sinh nở sau này nên tuyệt đối không được chủ quan.

Stress khi mang thai và những ảnh hưởng đến thai nhi

Căng thẳng nhiều khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của con. Đặc biệt nếu các triệu chứng stress khi mang thai tiến triển và dẫn tới mắc trầm cảm hay rối loạn lo âu thì mức độ nguy hiểm cao hơn lại không hề dễ điều trị.

Stress khi mang thai
Mẹ bị stress nặng khi mang thai có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và sức khỏe của thai nhi

Vậy những ảnh hưởng  đến thai nhi khi mẹ bị stress khi mang thai là gì?

  • Tăng nguy cơ sảy thai: mẹ bị stress nhiều khi mang thai thường có nguy cơ sinh non hay sảy thai cao do những dư chấn mà tình trạng này gây ra hoặc cũng có liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi kém lành mạnh của bà bầu do căng thẳng quá mức.
  • Trẻ bị nhẹ cân: Tình trạng này cũng có liên quan đến thói quen chăm sóc bản thân thiếu lành mạnh từ người mẹ khiến bé không được cung cấp đủ các dưỡng chất để phát triển. Có những đứa trẻ sinh chỉ khoảng 2 cân do mẹ bị stress thường xuyên
  • Ảnh hưởng đến não bộ trẻ: Một số nghiên cứu chỉ ra việc stress có thể làm cơ thể tích tụ nhiều độc tố và ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ của thai nhi. Đặc biệt bước sang tuần mang thai thứ 32 mà mẹ vẫn thường xuyên bị căng thẳng thì bé có thể chậm phát triển về trí não, kém thông minh và chậm chạp hơn
  • Tăng nguy cơ trẻ mắc các vấn đề tâm lý – thần kinh: những đứa trẻ được sinh ra bởi mẹ bầu stress khi mang thai cũng có nguy cơ mắc các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, tăng động… Bên cạnh đó sự giáo dục và tương tác từ người mẹ bị stress cũng làm gia tăng các yếu tố này.
  • Rối loạn giấc ngủ: mẹ và thai nhi luôn có một liên quan mật thiết với nhau, ngay cả khi đứa trẻ đã được sinh ra. Nếu trong thời gian mang bầu mẹ bị mất ngủ, khó ngủ thì đứa trẻ được sinh ra cũng rất dễ gặp các vấn đề về giấc ngủ. Do đó trẻ sẽ có xu hướng quấy khóc nhiều hơn, khó chăm sóc hơn
  • Tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh: nếu mới chỉ dừng ở mức độ stress thì tỉ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh thường không quá cao. Tuy nhiên nếu đã tiến triển lên tới trầm cảm hay các vấn đề khác thì nguy cơ này khá cao, đặc biệt nếu mẹ tự ý dùng các thuốc điều trị nhưng không đúng cách.

Nói chung người bị stress khi mang bầu sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của con nếu không sớm thay đổi. Trẻ sinh ra thường có xu hướng khó chịu, dễ quấy khóc, khó ngủ hay chậm lớn đều có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng, stress quá mức của mẹ bầu từ trước đó.

Hướng phòng tránh nguy cơ trầm cảm cho bà bầu

Thực tế hầu hết bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có ít nhất một giai đoạn cảm thấy căng thẳng, dễ tức giận vô cớ. Tuy nhiên có những người được gia đình, chồng quan tâm, yêu thương hay có thể chia sẻ những lắng lo của bản thân với người khác thì tình trạng này có thể biến mất nhanh chóng, không đến mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu.

Stress khi mang thai
Sự quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu của người chồng trong khi vợ mang thai sẽ giúp phòng tránh tối đa nguy cơ này

Dù vậy với nhiều người, đặc biệt với những bà bầu vốn đã có tính cách nhạy cảm, lo lắng thái quá, sống nội tâm hoặc người chồng không đủ tinh tế, thấu hiểu thì các biểu hiện của stress khi mang thai không những không biến mất mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ đến bà bầu bắt đầu có xu hướng cô lập bản thân, có các hành vi gây hại cho bản thân thì việc điều trị đã gặp nhiều khó khăn hơn.

Vậy làm sao để phòng tránh stress khi mang thai hiệu quả nhất? Điều này không chỉ cần bà bầu thay đổi mà còn cần có sự hỗ trợ, thấu hiểu rất nhiều người người chồng và cả các thành viên khác trong gia đình. Cụ thể

  • Dành nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ với bà bầu hằng ngày, đặc biệt là người chồng. Cho dù họ có dành cả tiếng than vãn, khó chịu thì hãy luôn bên cạnh lắng nghe, động viên, tránh việc gạt đi hay nói họ là người phiền phức. Đôi khi chỉ cần chồng lắng nghe và đồng tình cũng là sự an ủi lớn nhất để bà bầu vui vẻ hơn, loại bỏ mọi khó chịu mỗi ngày
  • Nếu bà bầu stress do những áp lực từ gia đình chồng hay bị ảnh hưởng bởi sự bàn tán của những người xung quanh, người chồng nên xem xét việc can thiệp hoặc đơn giản hơn là đưa vợ về nhà ngoại sống một thời gian.
  • Làm các hành động tuy nhỏ nhưng đủ để thể hiện sự quan tâm với bà bầu như bóp chân tay, bóp lưng, tặng hoa quà dù không phải dịp đặc biệt gì. Người chồng cũng nên cố gắng tránh xảy ra những xung đột trong suốt thời gian mang thai và sinh nở của bà bầu
  • Tạo ra các thói quen tích cực để chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho chính bản thân như tắm, ngâm mình với nước ấm; đọc sách dạy con; nghe nhạc.. Nếu cảm thấy quá bức bối mẹ cũng có thể đi bộ một vòng quanh nhà nhẹ nhàng kết hợp với hít thở sâu cũng thấy tinh thần dịu xuống rất nhiều
  • Học thiền, học yoga cũng là một trong những biện pháp cực kỳ tốt cho bà bầu, vừa tốt cho tinh thần, tâm trạng, vừa kích thích máu huyết lưu thông để ngủ ngon hơn, giảm đau nhức hay tê bì chân tay. Người thực hiện thiền hay yoga hằng ngày còn dễ sinh hơn rất nhiều
  • Bà bầu nên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, chẳng hạn chia sẻ với chồng, với cha mẹ hay bạn bè thân thiết về những điều mà bản thân bức bối, không nên giữ trong lòng quá nhiều sẽ chỉ tự mình làm mình mệt mỏi
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, tăng cường các nhóm thực phẩm như thịt nạc, hải sản, rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt và các loại sữa. Tránh xa các dạng thức uống có cồn, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, đồ ăn công nghiệp, chất kích thích, thuốc lá hay cà phê
  • Dành thời gian cho bản thân, dù bầu nhưng bạn vẫn đừng quên chăm sóc sắc đẹp, mua sắm hay tham gia các hoạt động mà mình yêu thích nhưng nhớ là cần phù hợp với tình trạng sức khỏe
  • Học các lớp tiền thai sản để hiểu rõ hơn về cách nuôi dạy và chăm sóc con cái, từ đó có thể chuẩn bị tinh thần kịp thời, tránh bỡ ngỡ
  • Chuẩn bị đầy đủ cả về mặt tiền bạc cho quá trình sinh nở, chăm sóc và nuôi con ngay sau thời điểm sinh nở
  • Gặp gỡ các chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy tinh thần quá bức bối, u uất, khó chịu, không làm thế nào để kiểm soát được.

Stress khi mang thai nếu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn thường không quá nghiêm trọng và có thể xử lý dễ dàng, đặc biệt nếu có một người chồng tinh tế và thấu hiểu, luôn yêu thương và bảo vệ vợ. Ngay từ thời điểm mang thai, mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, luôn yêu thương bản thân, thư giãn tinh thần mỗi ngày để có thể phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh này.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *