Các loại thuốc chống loạn thần và lưu ý khi dùng

Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp đang điều trị tâm thần phân liệt, đôi khi nó cũng sẽ được dùng cho người bệnh rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm nặng. Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc này đó chính là ngăn chặn dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh và mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn. 

thuốc chống loạn thần
Các loại thuốc chống loạn thần thường sẽ được dùng trong việc điều trị tâm thần phân liệt.

Phân loại thuốc chống loạn thần

Loạn thần là một chứng bệnh khá nguy hiểm với đặc trưng bởi những cơn hoang tưởng, ảo giác thôi thúc người bệnh có thể thực hiện các hành vi gây hại, làm tổn thương đến bản thân hoặc những người bên cạnh. Đối với các trường hợp mắc phải chứng bệnh tâm thần này thì sẽ được khuyến khích tiến hành nhập viện để thuận tiện cho việc điều trị và theo dõi bệnh tình. Tùy vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc chống loạn thần để hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi bệnh.

Trong thực tế, các loại thuốc chống loạn thần không có khả năng chữa khỏi chứng loạn thần nhưng nó góp phần lớn trong việc giúp kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng bệnh. Việc dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp giảm lo lắng, hạn chế tình trạng xuất hiện ảo giác, ảo tưởng, kiểm soát các hành vi gây rối, bạo lực,….Thay vì loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng đặc trưng của loạn thần thì thuốc chỉ có tác dụng khống chế và giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ dàng hơn trong các sinh hoạt đời sống.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại thuốc chống loạn thần khác nhau, tuy nhiên chúng đều sẽ được chia thành 2 loại cơ bản, đó chính là thuốc chống loạn thần điển hình và thuốc chống loạn thần không điển hình. Nếu xét về cơ bản thì cả hai loại thuốc này đều không có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên chúng sẽ có sự chênh lệch khá lớn về nguy cơ gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Cụ thể hai loại thuốc này như sau:

1. Thuốc chống loạn thần điển hình (thế hệ cũ)

Thuốc chống loạn thần điển hình hay còn được nhiều người gọi là thuốc chống loạn thần thế hệ I hoặc thế hệ cũ. Các loại thuốc nhóm này đã được nghiên cứu và có mặt trên thị trường kể từ những năm 1950, cho đến hiện nay vẫn còn được sử dụng khá phổ biến. Việc sử dụng nhóm thuốc này sẽ giúp chẹn thụ thể dopamine D2 và không chọn lọc thụ thể D1, D3, D4, D5. Nhờ vào cơ chế hoạt động này mà người bệnh có thể kiểm soát tốt các triệu chứng loạn thần và giữ được trạng thái bình tĩnh nhưng không làm ảnh hưởng hay suy giảm về mặt ý thức.

Với công dụng làm giảm sự kích thích và có thể cân bằng tốt trạng thái tinh thần của người bệnh nên các loại thuốc thuộc nhóm chống loạn thần điển hình sẽ được áp dụng cho tất cả các trường hợp người bệnh có xuất hiện triệu chứng kích động, cho dù nguyên nhân có liên quan đến các rối loạn thần kinh hoặc những bệnh thực thể (sảng do nhiễm độc, tổn thương não). Theo đó, nhóm thuốc chống loạn thần điển hình sẽ tiếp tục được chia thành 3 nhóm khác nhau dựa vào mức độ tác động của nó.

  • Nhóm 1: Sẽ bao gồm các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ có tác dụng an thần mạnh và có công dụng kháng muscarin, ngoại tháp ở mức độ vừa. Một số loại thuốc điển hình như Promazin, Levomepriomazin và Clorpromazin.
  • Nhóm 2: Đây là nhóm thuốc có tác dụng vừa phải, khả năng ngoại tháp yếu hơn so với các loại thuốc nhóm 1 và 3 nhưng có tác dụng kháng muscarin rõ ràng.
  • Nhóm 3: Nhóm thuốc này có tác dụng ngoại tháp mạnh nhất nhưng về tác dụng kháng muscarin và an thần lại thấp hơn nhóm 1 và 2. Một số loại thuốc phổ biến như Perphenazine, Proclorperazin, Fluphenazin, Trifluoperazine.

Thông thường các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ thường được sử dụng trong các trường hợp cấp tính bởi nó mang lại tác dụng nhanh. Hiện nay thì những loại thuốc này sẽ được cấp miễn phí đối với các trường hợp điều trị tâm thần phân liệt. Một vài loại thuốc phổ biến thuộc nhóm chống loạn thần điển hình như:

  • Promazine
  • Trifluoperazine
  • Pimozide
  • Zuclopenthixol
  • Fluphenazine
  • Haloperidol
  • Chlorpromazine
  • Benperidol

2. Thuốc chống loạn thần không điển hình (thế hệ mới)

Thuốc chống loạn thần không điển hình hay còn được gọi là thuốc chống loạn thần thế hệ II/ thế hệ mới. Tuy rằng các loại thuốc chống loạn thần thế hệ cũ có tác dụng rất tốt nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra những tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chính vì thế các chuyên gia đã bắt đầu nghiên cứu và chế tạo ra loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới với sự hạn chế tác động tiêu cực từ những tác dụng phụ. Nhóm thuốc này được xuất hiện và sử dụng rộng rãi trên thị trường từ những năm 1990 cho đến hiện nay.

Tuy rằng loại thuốc này cho tác dụng chậm hơn nhóm thuốc trước đó nhưng nó lại ít gây ra những tác dụng ngoài ý muốn và thường được chỉ định sử dụng lâu dài đối với các trường hợp điều trị ngoại trú. Xét về cơ chế hoạt động thì 2 nhóm thuốc này sẽ sự khác biệt rõ rệt với nhau. Cụ thể, các loại thuốc thuộc nhóm thế hệ mới có khả năng tác động đến nhiều thụ thể hơn thay vì chỉ chọn lọc duy nhất dopamine D2. Bên cạnh khả năng tác động đến dopamine thì nhóm thuốc này còn có thể ức chế histamin H1, mascarin, alpha 1 cùng với các serotonin.

Cụ thể một số loại thuốc chống loạn thần không điển hình thường được sử dụng như:

  • Risperidon có tác dụng đối kháng  histamin H1, serotonin, alpha 1 và cả thụ thể D2.
  • Quetiapine có khả năng đối kháng thụ thể D1, D2, alpha 1, histamin, serotonin.
  • Paliperidone là một chất chuyển hóa từ Risperidon nên cũng có tác dụng tương tự, ức chế thụ thể D2, alpha, serotonin tuýp 2, histamine.
  • Amisulpride có công dụng đối kháng chọn lọc với dopamine ở 2 thụ thể D2 và D3.
  • Clozapine với khả năng ức chế histamin H1, muscarin, serotonin tuýp 2, thụ thể D1 và D2.

Cơ chế hoạt động của các loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới khá đa dạng nhưng về cơ bản thì hiệu quả vẫn không quá khác biệt so với nhóm thuốc thế hệ cũ. Tuy nhiên, nhờ vào sự đa dạng về mặt cơ chế nên giúp hạn chế được tối đa các tác dụng phụ ngoài ý muốn, giảm thiểu nguy hiểm khi sử dụng trong thời gian dài.

Các loại thuốc chống loạn thần thường được sử dụng hiện nay

Như đã chia sẻ ở trên, thuốc chống loạn thần sẽ được phân thành 2 loại là thuốc chống loạn thần điển hình và thuốc chống loạn thần không điển hình. Tùy vào mỗi trường hợp khác nhau mà các chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng các loại thuốc phù hợp. Dưới đây là một vài loại thuốc chống loạn thần phổ biến như:

1. Thuốc điều trị loạn thần Aminazin

Aminazin là một loại thuốc chống loạn thần thường được sử dụng trong các trường hợp điều trị loạn thần cấp hoặc áp dụng dùng lâu dài. Ngoài ra, thuốc còn có thể được chỉ định dùng cho những đối tượng đang bị rối loạn lưỡng cực, tất cả các dạng tâm thần phân liệt, cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, giúp an thần trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh uốn ván.

thuốc chống loạn thần
Aminazin là loại thuốc thường được sử dụng trong các trường hợp điều trị loạn thần cấp hoặc áp dụng dùng lâu dài

Liều dùng Aminazin: 

  • Người lớn: Bắt đầu với liều tư 25 đến 50mg. Sử dụng tối đa 1g/ ngày.
  • Trẻ em: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm bắp 0,55mg/kg thể trọng cho mỗi lần sử dụng và mỗi lần dùng cách nhau từ 6 đến 8 tiếng.

Tác dụng phụ: 

  • Buồn ngủ, thẫn thờ
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Di chuyển chậm chạp, bất thường hoặc mất kiểm soát
  • Mất ngủ, trằn trọc khó ngủ, khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ
  • Mất kinh, giảm sự ham muốn và khả năng tình dục.
  • Triệu chứng giống cúm như ớn lạnh, đau họng,…
  • Sưng mắt, miệng, môi, lưỡi, cổ họng,…

2. Thuốc chống loạn thần Olanzapine

Olanzapine là loại thuốc chống loạn thần thuộc nhóm không điển hình hay thuốc thuộc nhóm an thần thường được chỉ định dùng cho các trường hợp điều trị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, tâm thần hưng cảm. Loại thuốc này sẽ ít gây hội chứng ngoại tháp, ít làm loạn vận động muộn khi sử dụng trong thời gian dài, ít kích thích gia tăng tiết ptolactin. Theo đánh giá của các chuyên gia thì cơ chế hoạt động và tác dụng của Olanzapine khá phức tạp và hiện vẫn chưa rõ hoàn toàn.

thuốc chống loạn thần
Olanzapine ít gây hội chứng ngoại tháp, ít làm loạn vận động muộn khi sử dụng trong thời gian dài, ít kích thích gia tăng tiết ptolactin.

Hướng dẫn sử dụng:

  • Dạng viên nén: Nên uống thuốc sau bữa ăn hoặc cách xa bữa ăn. Người bệnh chỉ nên tách viên nén ra khỏi vỉ thiếc trước khi sử dụng và cho vào miệng ngay để có thể hòa tan với nước bọt, sau đó uống thêm một ít nước hoặc có thể không cần. Đối với các trường hợp bị buồn ngủ liên tục và kéo dài thì có thể sử dụng liều vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Dạng tiêm bắp: Nhân viên y tế sẽ tiến hành hòa tan thuốc Olanzapine với bước cất pha tiêm tiêm, sau 1 giờ sẽ được tiêm vào vùng cơ lớn của bệnh nhân.

Tác dụng phụ: 

  • Ngủ gà ngủ gật, chóng mặt, khó ngủ, hay mơ gặp ác mộng.
  • Khó tiêu, khô miệng, buồn nôn, táo bón.
  • Gia tăng ALT
  • Tim đập nhanh, hạ huyết áp, đau ngực, phù ngoại vi.
  • Tăng lượng đường huyết, xuất huyết đường niệu.
  • Viêm kết mạc, giảm thị lực

3. Sunsizopin 25 – Thuốc chống loạn thần thế hệ mới

Thuốc Sunsizopin có thành phần hoạt chất Clozapine giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của tâm thần phân liệt mãn tính nghiêm trọng không đáp ứng tốt với phác đồ điều trị chuẩn. Đây là loại thuốc thuộc nhóm chống loạn thần không điển hình, không giống với các loại thuốc chống loạn thần khác ở ái cực với những thụ thể dopamin khác nhau.

thuốc chống loạn thần
Sunsizopin 25 – Thuốc chống loạn thần thế hệ mới

Liều lượng sử dụng: 

  • Liều bắt đầu: 12,5 mg x 1-2 lần mỗi ngày
  • Liều thứ 2: 25mg x 1-2 lần mỗi ngày.
  • Liều duy trì: Tăng dần theo nấc từ 25 đến 50mg hoặc tối đa lên đến 300mg mỗi ngày và kéo dài trong 2 đến 3 tuần.

Tác dụng phụ: 

  • Chóng mặt, nhức đầu
  • Buồn ngủ
  • Tim đập nhanh
  • Táo bón, buồn nôn
  • Hạ huyết áp, ngất

4. Thuốc chống loạn thần Chlorpromazine

Chlorpromazine là loại thuốc thuộc nhóm chống loạn thần thế hệ I hiện vẫn đang được sử dụng phổ biến trong các trường hợp điều trị tâm thần phân liệt hoặc các tình trạng rối loạn tâm thần có xuất hiện triệu chứng loạn thần. Thành phần chính của loại thuốc này đó chính Clorpromazin – một trong các chất dẫn của phenothiazin với khả năng chống buồn nôn, giúp an thần hiệu quả.

thuốc chống loạn thần
Chlorpromazine sẽ được chỉ định dùng cho trường hợp điều trị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, tâm thần hưng cảm

Liều lượng dùng: 

  • Người lớn: Viên uống từ 10 đến 25mg/ lần, mỗi ngày uống từ 2 đến 4 lần. Đối với viên nang giải phóng chậm thì dùng từ 30 đến 300mg/ lần, mỗi ngày dùng 3 lần. Khi các triệu chứng đã được kiểm soát và thuyên giảm thì áp dụng liều duy trì với 200mg mỗi ngày.
  • Trẻ em: Sử dụng 0,55 mg/kg/ lần, mỗi lần uống cách nhau từ 4 đến 6 tiếng. Đối với trường hợp bị loạn thần nặng thì cần tiêm bắp cách 6 đến 8 tiếng/ lần để nhanh chóng kiểm soát tốt các triệu chứng.

Tác dụng phụ: 

  • Chóng mặt, mệt mỏi
  • Hạ huyết áp
  • Khô miệng, có khả năng bị sâu răng
  • Bồn chồn, lo lắng không yên
  • Sử dụng trong thời gian dài có khả năng là phát triển tuyến vú ở cả nữ và nam.

Một số lưu ý cần nhớ khi dùng thuốc chống loạn thần

Như đã chia sẻ, các loại thuốc chống loạn thần thường được chỉ định sử dụng phổ biến trong các trường hợp hỗ trợ điều trị tâm thần phân liệt, các chứng rối loạn tâm thần, giúp an thần trước khi tiến hành phẫu thuẫn hoặc để kiểm soát triệu chứng loạn thần của các bệnh lý nội khoa. Tuy nhiên, đây là loại thuốc kê đơn cần được sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa. Cũng bởi thuốc có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nên cần phải thực sự cẩn trọng trong quá trình sử dụng.

Nếu người bệnh được bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống loạn thần để điều trị thì cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Thông báo và chia sẻ cụ thể cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại, các tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng để được xem xét áp dụng loại thuốc phù hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra chức năng thận, gan, tim mạch của người bệnh để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
  • Hầu hết các loại thuốc chống loạn thần đều có thể gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn, đặc biệt là những loại thuốc thuộc nhóm điển hình. Chính vì thế, bản thân người bệnh và cả những người thân bên cạnh cần phải tìm hiểu và tham khảo kỹ thông tin về các tác dụng phụ của thuốc để có thể kịp thời phát hiện và xử lý tốt.
  • Các chuyên gia không khuyến cáo sử dụng thuốc cho những trường hợp cao tuổi bởi nó có khả năng gây đột tử, đột quỵ hoặc mất trí nhớ. Bên cạnh đó, một số loại thuốc nhất định còn có thể làm gia tăng tỉ lệ phát triển bệnh tiểu đường, rối loạn lipid ở đối tượng này.
  • Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên hạn chế việc tự điều khiển các phương tiện tham gia giao thông hoặc các thiết bị máy móc cần sự tập trung cao. Cũng bởi thuốc có tác dụng an thần, dễ gây mất tập trung nên cần phải thật cẩn trọng.
  • Không sử dụng thuốc chống loạn thần cho phụ nữ đang có thai hoặc trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Tốt nhất bạn cần tiến hành thăm khám và tham khảo kỹ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
  • Trong quá trình sử dụng cần đảm bảo tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian đã được quy định.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc bởi nó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Nếu trong thời gian dùng thuốc nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu lạ thì cần thông báo ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp.
  • Bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh cũng nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày để giúp cho bệnh tình mau chóng được phục hồi tốt hơn.

Thông tin bài viết trên đây đã giúp bạn biết thêm về một số loại thuốc chống loạn thần được sử dụng phổ biến hiện nay và các lưu ý cần nhớ trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần phải có sự chỉ định và theo dõi kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về tự sử dụng để tránh các ảnh hưởng hoặc hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *