Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời: Biểu hiện, chẩn đoán và điều trị

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là một dạng loạn thần ngắn hạn chỉ diễn ra trong khoảng vài tháng. Đặc điểm của bệnh là thời gian chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái loạn thần rõ rệt chỉ mất 2 tuần hoặc ngắn hơn.

rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có đặc điểm là khởi phát nhanh, đột ngột và có thể điều trị hoàn toàn

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là gì?

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là một trong những dạng loạn thần thường gặp. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng loạn thần ngắn hạn có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau 2 – 3 tháng. Đặc điểm của bệnh là thời gian chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái loạn thần rõ rệt chỉ trong 2 tuần hoặc ngắn hơn.

Đa phần các trường hợp bị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời đều xảy ra sau khi đối mặt với một hoặc nhiều sự kiện gây sang chấn. Bệnh thường khỏi hoàn toàn sau khoảng 2 – 3 tháng, thậm chí một số trường hợp phục hồi nhanh chỉ sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh tiến triển dai dẳng gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tương tự như các dạng loạn thần khác, căn nguyên của bệnh có nhiều điểm chưa rõ ràng. Tiến triển bệnh phụ thuộc khá nhiều vào nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Những trường hợp bệnh phát sinh do yếu tố môi trường sẽ có tiên lượng tốt hơn hẳn do với những bệnh nhân có yếu tố di truyền nặng và đặc điểm nhân cách bất thường.

Nguyên nhân gây rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là sự biến đổi từ trạng thái bình thường sang trạng thái loạn thần rõ rệt trong vòng 14 ngày hoặc ngắn hơn. Tương tự như các bệnh tâm thần khác, các chuyên gia không thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, phần lớn bệnh đều khởi phát sau khi trải qua một hoặc nhiều sự kiện sang chấn.

rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
Sang chấn tâm lý có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Các nguyên nhân, yếu tố được xác định có liên quan đến rối loạn loạn thần cấp và nhất thời:

  • Di truyền, yếu tố gia đình: Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là một trong những bệnh lý có khả năng di truyền. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy, khoảng 20 – 33% bệnh nhân mắc chứng bệnh này có tiền sử gia đình bị rối loạn loạn thần cấp, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm,…
  • Sang chấn tâm lý (stress): Sự biến đổi từ trạng thái tâm thần bình thường sang trạng thái loạn thần thường có vai trò của sang chấn tâm lý (stress). Khoảng 20 – 30% bệnh nhân khởi phát loạn thần sau khi trải qua những sự kiện gây sang chấn như ly hôn, phá sản, mất người thân, tai nạn giao thông, chiến tranh,…
  • Nhân cách: Một số đặc điểm nhân cách có thể làm gia tăng nguy cơ rối loạn loạn thần cấp và nhất thời như rối loạn nhân cách phân liệt, tính cách nhạy cảm, yếu đuối, dễ bị tổn thương, lo âu, bi quan,… Những người có các đặc điểm tính cách kể trên rất dễ bị gặp phải trạng thái loạn thần sau khi đối mặt với sang chấn.

Thực tế, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời không xảy ra do một nguyên nhân hay yếu tố cụ thể. Các chuyên gia tin rằng, bệnh lý này là kết quả do nhiều nguyên nhân kết hợp.

Cách nhận biết rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có triệu chứng rất rõ ràng. Trạng thái loạn thần rõ rệt sẽ kéo dài trong vòng 2 – 3 tháng hoặc ít hơn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội.

rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
Bệnh đặc trưng bởi hoang tưởng, ảo giác, rối loạn khí sắc, hành vi, rối loạn tri giác,…

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn loạn thần cấp và nhất thời:

  • Xuất hiện trạng thái loạn thần (ảo giác, hoang tưởng) một cách đột ngột và kéo dài trong vòng 2 – 3 tháng hoặc ngắn hơn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp triệu chứng tiến triển dai dẳng và kéo dài.
  • Khác với các bệnh loạn thần khác, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời gây ra các ảo giác, hoang tưởng với nội dung đa dạng và thay đổi thường xuyên. Mức độ của triệu chứng cũng có sự thay đổi rõ rệt trong cùng một ngày.
  • Các ảo giác, hoang tưởng có thể đi kèm với rối loạn khí sắc như hoảng loạn, buồn bã, bi quan, trầm cảm, kích động, hưng phấn hoặc phạm vi biểu lộ cảm xúc hạn chế,…
  • Một số trường hợp có thể bị rối loạn ngôn ngữ, tư duy (nói năng khó hiểu, hầu như không nói hoặc nói nhiều quá mức), rối loạn tri giác (ảo thị, ảo thanh, trạng thái sững sờ), rối loạn hành vi (hành vi vô tổ chức, kích động, hành vi có tính chất kỳ lạ,…)
  • Đi kèm với các triệu chứng cơ thể như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, mất ngủ, buồn bã, khó chịu,…

Hiện nay, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời được chia thành nhiều thể lâm sàng. Theo ICD-10, bệnh lý này được chia thành các thể sau:

  • Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời không có triệu chứng tâm thần phân liệt (F23.0)
  • Rối loạn loạn thần cấp có các triệu chứng tâm thần phân liệt (F23.1)
  • Rối loạn loạn thần cấp giống phân liệt (F23.2)
  • Rối loạn loạn thần cấp chủ yếu là hoang tưởng (F23.3)
  • Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời khác (F23.8)
  • Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời không biệt định (F23.9)

Các triệu chứng của rối loạn loạn thần cấp và nhất thời rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi ảo giác và hoang tưởng nên bệnh nhân hiếm khi chủ động tìm đến bác sĩ. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, gia đình nên chú ý đến những biểu hiện để bệnh nhân kịp thời được thăm khám và điều trị.

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có nguy hiểm không?

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời thường có tiên lượng tốt. Đa phần bệnh nhân đều thuyên giảm nhanh sau khi điều trị – đặc biệt là với những người có tính cách dễ thích ứng và hòa hợp với môi trường xung quanh. Đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của gia đình trong quá trình điều trị và chăm sóc sau điều trị.

Ngược lại, những người có tính cách cô độc, khép kín (rối loạn nhân cách phân liệt) và bệnh khởi phát liên quan nhiều đến yếu tố di truyền thường có tiên lượng xấu. Trong những trường hợp này, bệnh có thể tiến triển dai dẳng gây biến đổi nhân cách hoặc phát triển thành rối loạn khí sắc, rối loạn hoang tưởng,…

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy, những bệnh nhân bị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời liên quan đến sang chấn tâm lý thường có tiên lượng tốt hơn. Khi stress được kiểm soát, sức khỏe của bệnh nhân sẽ dần ổn định trở lại. Ngược lại, những trường hợp phát sinh bệnh không có yếu tố bên ngoài thúc đẩy thường có tiên lượng xấu và nhiều khả năng sẽ tiến triển mãn tính.

Chẩn đoán rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời có triệu chứng rõ rệt nhưng không có tính điển hình cao và dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm lý, tâm thần khác. Hiện nay, các bác sĩ sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10 để chẩn đoán xác định và phân biệt bệnh lý này. Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng cũng giúp ích rất nhiều trong việc loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra.

Các bước chẩn đoán rối loạn loạn thần cấp và nhất thời:

  • Chẩn đoán lâm sàng
  • Các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh, xét nghiệm tìm chất ma túy, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giang mai,…
  • Các chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng như MRI sọ não, CT sọ não, siêu âm doppler xuyên sọ, điện tâm đồ, điện não đồ, lưu huyết não, siêu âm ổ bụng, X quang tim phổi,…
  • Các trắc nghiệm tâm lý như trắc nghiệm nhân cách MMPI, EPI, trắc nghiệm tâm lý Zung, BDI, HAD, MMSE,…

Các kỹ thuật này sẽ giúp chẩn đoán xác định rối loạn loạn thần cấp và nhất thời, đồng thời loại trừ được những khả năng có thể xảy ra như loạn thần do nghiện rượu, chất kích thích, loạn thần thực tổn, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng dai dẳng, rối loạn khí sắc,…

Các phương pháp điều trị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời khởi phát triệu chứng đột ngột, rõ rệt nên cần được điều trị càng sớm càng tốt. Tương tự như loạn thần, bệnh lý này được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp hóa dược và liệu pháp tâm lý.

1. Liệu pháp hóa dược

Liệu pháp hóa dược có vai trò quan trọng đối với bệnh rối loạn loạn thần cấp và nhất thời. Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng dương tính như kích động, ảo giác, hoang tưởng,… Lựa chọn ưu tiên là đơn trị liệu, đa trị liệu chỉ được áp dụng trong trường hợp đáp ứng kém hoặc không có đáp ứng.

Sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro và nguy cơ. Do đó, quá trình điều trị cần phải được theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện, xử trí tác dụng phụ.

rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
Sử dụng thuốc giúp kiểm soát nhanh các triệu chứng dương tính như ảo giác, kích động, hoang tưởng

Các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời:

  • Thuốc chống loạn thần cổ điển: Thuốc chống loạn thần cổ điển ra đời từ những năm 1950 với cơ chế chính là ức chế dopamin ở thụ thể D2. Ưu điểm của thuốc là cho tác dụng nhanh nên được ưu tiên dùng trong giai đoạn cấp. Các loại thuốc chống loạn thần cổ điển được dùng để điều trị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời bao gồm Thioridazin 50mg (liều 100 – 300mg/ ngày), Haloperidol 1.5mg (liều 5 – 30mg/ ngày), Levomepromazin 25mg (liều 25 – 250mg/ ngày), Chlorpromazin 25mg )50 – 250mg/ ngày).
  • Thuốc chống loạn thần không điển hình: Thuốc loạn thần không điển hình ra đời sau thuốc chống loạn thần điển hình. Thuốc tác động lên cả dopamin D2 cùng với serotonin, histamine H1, muscarin, alpha 1. Nhóm thuốc này được dùng để điều trị ngoại trú vì ít tác dụng phụ hơn so với thuốc thế hệ cũ. Các loại thuốc chống loạn thần không điển hình thông dụng bao gồm Ariprazol, Quetiapin, Olanzapin, Risperidon,…
  • Thuốc an thần kinh tác dụng kéo dài: Thuốc an thần kinh tác dụng kéo dài được chỉ định cho những bệnh nhân không tuân thủ việc uống thuốc hằng ngày. Loại thuốc này sẽ được dùng bằng đường tiêm, mỗi lần tiêm cách nhau từ 2 – 4 tuần. Các loại thuốc an thần kinh tác dụng kéo dài thường được sử dụng bao gồm Fluphenazin, Haldol decanoat, Fluphenazin, Aripiprazole,…
  • Các nhóm thuốc khác: Tùy vào triệu chứng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng kết hợp với các nhóm thuốc như thuốc giải lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc hỗ trợ gan và các loại thuốc, viên uống nuôi dưỡng tế bào thần kinh.

Ngoài những loại thuốc trên, bệnh nhân cũng có thể được dùng thêm viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng. Đối với những trường hợp không thể ăn uống như bình thường, cần phải nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và theo dõi tại bệnh viện.

Trong thời gian sử dụng thuốc, bệnh nhân và gia đình cần chú ý những biểu hiện bất thường để kịp thời phát hiện tác dụng phụ của thuốc. Khoảng 3 – 6 tháng, bệnh nhân cần theo dõi định kỳ các xét nghiệm sinh hóa máu để phát hiện sớm tác dụng ngoại ý.

2. Sốc điện, kích thích từ xuyên sọ

Bên cạnh sử dụng thuốc, một số bệnh nhân sẽ được điều trị bằng sốc điện và kích thích từ xuyên sọ. Sốc điện là phương pháp sử dụng dòng điện có kiểm soát để tạo ra những cú rung giật nhỏ trong não bộ, qua đó giúp điều hòa nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh và giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần.

Sốc điện giúp cải thiện các triệu chứng như hành vi tự sát do ảo giác, hoang tưởng, căng trương lực, kích động,… đặc biệt là với những trường hợp không có đáp ứng với thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân bị ảo thanh dai dẳng có thể được chỉ định phương pháp kích thích từ xuyên sọ.

3. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả tốt đối với những triệu chứng âm tính. Phương pháp này không cho hiệu quả nhanh nhưng có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tái phát. Mục tiêu của liệu pháp tâm lý là giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý, ổn định tinh thần và cân bằng được cuộc sống.

rối loạn loạn thần cấp và nhất thời
Bên cạnh sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý cũng là phương pháp quan trọng trong điều trị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, chuyên gia sẽ tìm ra hướng can thiệp phù hợp. Các phương pháp tâm lý trị liệu được chỉ định cho bệnh nhân rối loạn loạn thần cấp và nhất thời bao gồm:

  • Trị liệu tâm lý cá nhân, nhóm, gia đình
  • Liệu pháp lao động
  • Phục hồi chức năng tâm thần

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được áp dụng thêm vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Qua đó có thể hạn chế được nguy cơ bệnh tái phát và giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.

Phòng ngừa rối loạn loạn thần cấp và nhất thời

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây rối loạn loạn thần cấp và nhất thời vẫn chưa được xác định. Chính vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là hạn chế stress trong cuộc sống, đồng thời xây dựng tính cách tốt để tăng khả năng thích ứng và ngưỡng chịu đựng với stress.

Các biện pháp giúp phòng ngừa rối loạn loạn thần cấp và nhất thời bao gồm:

  • Hạn chế stress trong cuộc sống bằng cách chia sẻ với những người xung quanh, biết cách sắp xếp, quản lý thời gian và trang bị cho bản thân những biện pháp thư giãn. Đối với những sự kiện sang chấn mạnh, nên trị liệu tâm lý sớm để tránh những tổn thương lâu dài.
  • Rèn luyện tính cách tự lập, quyết đoán, mạnh mẽ để hạn chế sự nhạy cảm và phụ thuộc. Những đặc điểm tính cách kể trên sẽ giúp cá nhân mỗi người dễ dàng thích ứng với môi trường và học cách vượt qua những điều kiện không thuận lợi trong cuộc sống.
  • Trong trường hợp tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, loạn thần,… cần theo dõi sức khỏe của những thành viên trong gia đình để kịp thời phát hiện và điều trị.
  • Đối với những trường hợp đã bị rối loạn loạn thần cấp và nhất thời, gia đình cần theo dõi sức khỏe và tình trạng tâm lý. Hướng bệnh nhân đến lối sống lành mạnh, tránh làm việc quá sức, hạn chế căng thẳng, tích cực điều trị các bệnh cơ thể (nếu có),… để giảm nguy cơ tái phát.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn loạn thần cấp và nhất thời là dạng loạn thần khá phổ biến. Bệnh có tiên lượng khá tốt nếu được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách. Để hạn chế biến chứng, gia đình nên chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bệnh.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *