Thuốc Chống Trầm Cảm Có Gây Nghiện Không?
Việc dùng thuốc chống trầm cảm sẽ được chỉ định tùy vào tình trạng của mỗi người. Có trường hợp chỉ cần dùng khoảng vài tháng nhưng cũng có người phải duy trì uống thuốc vài năm hoặc thậm chí là cả đời. Cũng chính vì thế mà không ít bệnh nhân luôn băn khoăn rằng “Liệu thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không nếu sử dụng trong thời gian dài?”. Cùng tìm hiểu thông tin sau đây.
Thuốc chống trầm cảm dùng lâu ngày có gây nghiện không?
Trầm cảm là một căn bệnh rối loạn tâm thần vô cùng phổ biến và nguy hiểm. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì bất kì đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay tầng lớp xã hội. Một điều khá bất ngờ là có đến hơn 80% trong tổng dân số thế giới đã từng mắc phải một giai đoạn nhẹ của bệnh trầm cảm.
Trong thực tế, nếu bệnh trầm cảm có thể phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ thì sẽ dễ dàng để khắc phục và điều trị. Người bệnh chỉ cần nhanh chóng thay đổi thói quen sinh hoạt, suy nghĩ tích cực hơn và áp dụng một vào biện pháp thư giãn tại nhà cũng giúp cho tình trạng sức khỏe tinh thần mau chóng được phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp bệnh nặng, các biểu hiện của trầm cảm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày thì cần được áp dụng các biện pháp chuyên khoa hơn. Bên cạnh việc trị liệu tâm lý thì người bệnh cũng sẽ được kê thêm một số đơn thuốc chống trầm cảm nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra.
Thuốc chống trầm cảm tuy không thể giải quyết triệt để được nguyên nhân gốc rễ gây bệnh nhưng nó có khả năng giúp điều chỉnh và kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh và hạn chế nguy cơ tự sát ở bệnh nhân trầm cảm. Trong thực tế, đối với những người bệnh ở mức độ vừa và nặng nếu không có sự can thiệp của thuốc sẽ khiến cho quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tự sát cũng tăng cao.
Tuy nhiên, các loại thuốc chống trầm cảm lại có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Nó thể khiến người bệnh cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó ngủ, khô miệng, suy giảm chức năng tình dục. Ngoài ra, việc dùng thuốc cần phải được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định bởi công dụng của thuốc phát huy khá chậm. Người bệnh cần duy trì sử dụng tối thiểu 2 đến 6 tuần mới nhận thấy được rõ hiệu quả mà thuốc mang lại.
Tùy vào từng tình trạng và sự đáp ứng của mỗi người mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp và áp dụng với khoảng thời gian khác nhau. Đối với những trường hợp nghiêm trọng thì cần phải duy trì dùng thuốc trong thời gian dài, có thể là vài năm hoặc đôi khi là cả đời. Cũng chính vì lý do này mà rất nhiều bệnh nhân trầm cảm luôn lo ngại về việc dùng thuốc chống trầm cảm lâu ngày có gây nghiện không?
Nói về vấn đề này, các chuyên gia cũng đã chia sẻ rằng, hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng hiện nay đều không gây nghiện hoặc khiến cho người bệnh bị phụ thuộc vào thuốc. Tuy nhiên, do trầm cảm là một căn bệnh mãn tính rất dễ tái phát nên quá trình điều trị cần phải kéo dài. Nếu người bệnh tự ý ngưng sử dụng thuốc sẽ khiến cho các triệu chứng gia tăng đột ngột, thậm chí có thể làm tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân.
Cũng chính vì thế mà để thuốc chống trầm cảm có thể phát huy tốt công dụng của mình thì người bệnh cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Quá trình điều trị cần phải có thời gian, thuốc chống trầm cảm không thể phát huy tác dụng ngay lập tức nên bạn cần phải tiến hành đúng theo phác đồ và duy trì liều lượng đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tại sao lại khó dừng thuốc chống trầm cảm?
Vậy nếu thuốc chống trầm cảm không gây nghiện nhưng tại sao lại khó dừng thuốc? Cũng bởi các loại thuốc này được hoạt động theo cơ chế thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ. Đây được xem như một “sứ giả” hóa học gắn vào những thụ thể trên các tế bào thần kinh của cơ thể và có sự tác động đến hoạt động của chúng.
Đồng thời, các tế bào thần kinh này sẽ thích ứng với mức độ dẫn truyền thần kinh của hiện tại và những biểu hiện từ mức độ nhẹ đến buồn khổ có khả năng phát sinh nếu mức độ này biến đổi với tốc độ nhanh, trong đó ngừng sử dụng thuốc trầm cảm đột ngột cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp.
Tuy rằng việc dừng thuốc chống trầm cảm không quá nguy hiểm về mặt y tế nhưng nó có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu ở người bệnh hoặc làm cho tình trạng trầm cảm bị tái phát ở mức độ nghiêm trọng hơn. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì một số loại thuốc chống trầm cảm thế hệ mới hiện nay, những loại thuốc có tác động đến hệ thống serotonin có sự liên quan đến một số triệu chứng của tình trạng cai thuốc chống trầm cảm.
Tuy nhiên, khi xuất hiện các triệu chứng khó chịu sau khi ngưng sử dụng thuốc chống trầm cảm không có nghĩa là bạn nghiện thuốc. Một người thực sự nghiện thuốc và bị phụ thuộc vào thuốc sẽ luôn có cảm giác thèm thuốc và liên tục sử dụng thuốc ở liều cao hơn so với ban đầu. Trong thực tế, dường như rất hiếm trường hợp người bệnh dùng thuốc chống trầm cảm có cảm giác này.
Các triệu chứng thường gặp khi cai thuốc chống trầm cảm
Như đã chia sẻ ở trên, tuy thuốc trầm cảm không gây nghiện nhưng nếu bạn ngừng thuốc một cách đột ngột có thể làm xuất hiện các dấu hiệu bất thường khiến bạn cảm thấy khó chịu. Các triệu chứng do ngừng thuốc có thể là trầm cảm hoặc lo lắng quá mức. Sau đây là một số cách giúp bạn có thể phân biệt được các triệu chứng do ngừng thuốc và tình trạng tái phát bệnh:
- Các triệu chứng của ngừng uống thuốc thường sẽ là những sự phàn nàn về thể chất hiếm gặp ở bệnh nhân trầm cảm, ví dụ như chóng mặt, có các biểu hiện giống với cảm cảm hoặc trong cơ thể có cảm giác bất thường.
- Những biểu hiện khó chịu thường sẽ xuất hiện sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần ngừng hoặc giảm liều thuốc. Còn các triệu chứng tái phát bệnh sẽ xuất hiện và phát triển muộn hơn.
- Khi cơ thể được điều chỉnh và ổn định lại thì các triệu chứng ngừng thuốc cũng sẽ được thuyên giảm. Trong khi tình trạng tái phát bệnh sẽ vẫn tiếp tục phát triển hoặc thậm chí trở nên tồi tệ nếu không được can thiệp kịp thời.
Nếu các triệu chứng bất thường về thể chất lẫn tinh thần liên tục kéo dài trong vào tháng và chúng có dấu hiệu trở nên trầm trọng thì bạn cần cân nhắc xem liệu bản thân có đang bị tái phát bệnh và tiến hành thăm khám ngay. Còn đối với các biểu hiện cai thuốc thì chúng thường xuất hiện khá nhanh sau khi bạn dừng thuốc và thường kéo dài đến khoảng 6 tuần. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp các biểu hiện cai thuốc có thể kéo dài và làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Một vài dấu hiệu nhận biết như:
- Giấc ngủ bị thay đổi, trở nên khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng.
- Gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy,….
- Bị mất thăng bằng, cảm giác lâng lâng, chóng mặt.
- Cơ thể đổ nhiều mồ hôi, cảm thấy khó chịu hoặc đỏ bừng mặt khi thời tiết nóng bức.
- Di chuyển chậm chạp, tay chân run rẩy, chân không yên, gặp khó khăn trong việc cử động nhai và nói.
- Tâm trạng thay đổi bất thường, dễ kích động, trở nên lo lắng, buồn bã, cáu kỉnh bất cứ lúc nào.
- Nhạy cảm, xuất hiện các cảm giác lạ như bị ù tai, tê hoặc đau, cảm giác châm chích như bị điện giật,…
Theo nhận định của các nhà dược học thì bất kì tác dụng cai thuốc nào từ các loại thuốc chống trầm cảm đều sẽ có sự liên quan đến thời gian bán thải của chúng. Đó được xem như thước đo thời gian để 1/2 lượng thuốc được chuyển hóa và loại trừ ra khỏi cơ thể. Cũng chính vì thế mà những loại thuốc chống trầm cảm có thời gian bán hủy ngắn sẽ có khả năng gây ra nhiều triệu chứng phiền toái.
Kết quả của một nghiên cứu được tiến hành bởi Trường Y Harvard trên 400 bệnh nhân. Những người thêm gia sẽ được theo dõi hơn 1 năm sau khi họ ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm. Sau đó các chuyên gia nhận thấy rằng những người ngừng thuốc nhanh chóng trong khoảng 1 đến 7 ngày sẽ có nhiều nguy cơ tái phát trong khoảng vài tháng so với những người áp dụng giảm liều dần trong khoảng nhiều ngày.
Uống thuốc chống trầm cảm lâu dài có gây hại không?
Cho dù việc sử dụng thuốc chống trầm cảm luôn có sự hướng dẫn và chỉ định cụ thể của các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, thuốc điều trị không có khả năng cải thiện tận gốc trầm cảm mà chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh và làm thuyên giảm nguy cơ tự sát ở bệnh nhân.
Như đã chia sẻ ở trên, quá trình điều trị bệnh trầm cảm cần phải duy trì và kiên nhẫn trong khoảng thời gian dài. Để có thể khắc phục dứt điểm các triệu chứng bệnh thì người bệnh cần phải sử dụng thuốc tối thiểu 6 tháng. Đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn cần phải duy trì trong vài năm hoặc thậm chí là uống thuốc cả đời.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài cũng có thể gây nên một số ảnh hưởng đối với sức khỏe và các sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nhiều người bệnh cho biết rằng, trong thời gian điều trị bằng thuốc, họ cảm thấy tinh thần trở nên sảng khoái hơn, hưng phấn hơn nhưng họ lại không thể cố định ở một trạng thái buồn vui nhất định. Không ít các bệnh nhân chia sẻ rằng họ cảm thấy không còn là chính mình, cảm giác xa lạ đối với chính bản thân khi đang dùng thuốc điều trị trầm cảm.
Trong một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, việc dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian kéo dài cũng có thể làm suy giảm khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh hoặc khiến cho cơ thể bị nhờn thuốc. Tuy vậy, chia sẻ này vẫn chưa có sự kết luận cụ thể và vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra chúng.
Theo số liệu đã được thống kê trong thực tế thì việc sử dụng thuốc chống trầm cảm lâu ngày sẽ làm suy giảm từ 9 đến 57% hiệu quả. Không những thế, đối với những người bệnh không đáp ứng tốt với một vài nhóm thuốc trong thời gian dài sẽ làm gia tăng nguy cơ phát triển thành giai đoạn hưng cảm, lúc này quá trình điều trị bệnh cũng gặp nhiều trở ngại hơn.
Làm cách nào để rút ngắn thời gian điều trị bằng thuốc?
Trong thực tế, không phải chỉ riêng thuốc chống trầm cảm mà hầu hết các loại thuốc Tây hiện nay nếu được sử dụng trong thời gian dài cũng tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Cũng chính vì thế mà các chuyên gia luôn kết hợp việc dùng thuốc với nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhằm mục đích rút ngắn được thời gian sử dụng thuốc cho người bệnh.
Đối với các trường hợp bệnh trầm cảm thì ngoài việc được chỉ định dùng thuốc thì bệnh nhân cũng sẽ được áp dụng liệu pháp tâm lý trị liệu. Các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn thêm một vài biện pháp thay đổi lối sống, học cách kiểm soát cảm xúc, xây dựng các thói quen lành mạnh để giúp cho bệnh tình mau chóng được thuyên giảm.
Thông thường, người bệnh trầm cảm sẽ được chỉ định dùng thuốc với liều lượng thấp để có thể tìm ra được loại thuốc phù hợp nhất cho mỗi cơ địa. Sau đó, họ sẽ tiến hành thăm khám định kì để bác sĩ có thể đánh giá được mức độ đáp ứng và điều chỉnh liều lượng cho thích hợp.
Để có thể rút ngắn được thời gian sử dụng thuốc và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực mà thuốc chống trầm cảm có thể gây ra thì người bệnh nên áp dụng các biện pháp như sau:
- Tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định sử dụng thuốc chống trầm cảm mà bác sĩ đã hướng dẫn.
- Nếu trong quá trình sử dụng thuốc có xuất hiện bất kì dấu hiệu bất thường nào thì người bệnh cần phải nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị hoặc tiến hành thăm khám để kịp thời ngăn chặn.
- Kết hợp đồng thời giữa việc dùng thuốc và trị liệu tâm lý để ổn định tâm trạng tốt hơn.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực.
- Học cách suy nghĩ lạc quan, trải nghiệm các hoạt động thư giãn, giải trí mới mẻ để gia tăng cảm giác hạnh phúc.
- Chú ý nhiều đến chế độ ăn uống hàng ngày để cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe đề kháng và hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị trầm cảm.
- Tuyệt đối không được sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trong quá trình sử dụng thuốc bởi các chất này có khả năng làm suy giảm hiệu quả của thuốc chống trầm cảm.
- Lên kế hoạch và biết cách cân bằng thời gian, sắp xếp công việc hợp lý.
- Học cách yêu thương bản thân nhiều hơn, dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng cuộc sống.
- Luôn giữ liên lạc với bác sĩ và chia sẻ chân thật về tình trạng sức khỏe của bản thân.
Hướng dẫn cách ngừng thuốc chống trầm cảm an toàn
Nếu bạn đang cân nhắc đến việc ngưng sử dụng thuốc chống trầm cảm thì bạn cần phải tham khảo qua các bước sau đây:
1. Thời gian thích hợp để ngừng thuốc
Ngay khi các triệu chứng trầm cảm bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm thì nhiều người bệnh luôn có xu hướng muốn dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, nếu bạn ngừng thuốc quá sớm có thể khiến cho các triệu chứng bệnh mau chóng quay lại và tái phát nghiêm trọng hơn lúc ban đầu.
Vì thế, các bác sĩ lâm sàng thường khuyên rằng người bệnh nên tiếp tục sử dụng thuốc từ 6 đến 9 tháng trước khi xem xét đến việc ngừng sử dụng thuốc hẳn. Đối với các trường hợp đã bị trầm cảm quá 3 lần thì nên duy trì sử dụng thuốc tối thiểu 2 năm.
Bạn nên nói chuyện cụ thể với bác sĩ lâm sàng về những rủi ro và lợi ích của thuốc chống trầm cảm trước khi đưa ra quyết định ngừng sử dụng. Bạn cần phải cảm thấy tự tin về tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn, bạn có thể hoàn toàn đáp ứng tốt với các sinh hoạt đời sống và kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Đừng cố gắng dừng uống thuốc khi bạn vẫn còn lo lắng, căng thẳng hoặc đang trải qua với một số sự kiện thay đổi trong cuộc sống, chẳng hạn như thay đổi công việc, vừa mới ly hôn,…
2. Lên kế hoạch cụ thể
Việc dừng sử dụng thuốc chống trầm cảm thường sẽ có sự liên quan đến quá trình giảm liều lượng theo các bước, thông thường sẽ được tiến hành từ 2 đến 6 tuần cho các lần giảm liên tiếp. Bác sĩ chuyên môn sẽ hướng dẫn cho bạn cách giảm liều phù hợp với thể trạng và họ sẽ kê đơn thuốc với liều lượng thích hợp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của từng bệnh nhân.
Kế hoạch và lịch trình sẽ còn phụ thuộc vào loại thuốc chống trầm cảm mà bạn đang sử dụng, thời gian bạn đã dùng thuốc, liều lượng dùng hiện tại, mức độ thuyên giảm của bệnh và nhiều yếu tố khác. Đồng thời, để đảm bảo tốt cho sức khỏe thì bạn cũng cần ghi chép lại lịch trình tâm trạng của bản thân để có thể đánh giá chúng theo từng mốc thời gian cụ thể.
3. Duy trì hoạt động
Khi tiến hành giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc bạn cần đảm bảo các hoạt động hàng ngày vẫn được đảm bảo. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, thường xuyên vận động nâng cao thể lực, đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, việc nhiều người ít có khả năng tái phát bệnh trầm cảm sau điều trị đó chính là nhờ vào việc họ thường xuyên tập luyện thể thao, nâng cao nội lực từ bên trong.
Trong rất nhiều nghiên cứu đã nhận thấy rằng, việc thường xuyên vận động, tập luyện thể thao không chỉ giúp cải thiện sức đề kháng, nâng cao sức khỏe thể chất mà còn mang lại nhiều lợi ích cho tinh thần. Khi cơ thể được vận động đúng cách sẽ giúp sản sinh ra nhiều serotonin – đây là một loại hormone có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc và giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi hiệu quả.
4. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Hãy luôn giữ liên lạc và thường xuyên trao đổi với bác sĩ khi bạn tiến hành quy trình ngừng sử dụng thuốc chống trầm cảm. Hãy chia sẻ về những triệu chứng mà bạn đang gặp phải bởi các dấu hiệu bất thường có thể liên quan đến việc bạn ngừng sử dụng thuốc. Nếu các triệu chứng biểu hiện ở mức độ nhẹ thì bạn cũng có thể yên tâm bởi chúng chỉ xuất hiện tam thời và sẽ dần biến mất sau khi cơ thể thích nghi tốt.
Tuy nhiên, nếu các biểu hiện về thể chất và cảm xúc ở mức độ nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống thì bạn cần phải thông báo ngay với bác sĩ. Đôi khi bạn cần phải quay lại sử dụng liều trước đó hoặc giảm liều ở mức độ chậm hơn.
Như vậy, bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không?” và biết thêm được một số thông tin cần thiết. Việc dùng thuốc cần phải được thực hiện theo chỉ định của chuyên gia, nếu có ý định dừng sử dụng bạn cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để tránh các ảnh hưởng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tham khảo thêm:
- Ngưng thuốc chống trầm cảm và những dấu hiệu cần lưu ý
- Uống thuốc trầm cảm quá liều có sao không? Xử lý thế nào?
- Uống thuốc trầm cảm có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!