Trầm Cảm Sau Sinh Có Nguy Hiểm Không? Kéo Dài Bao Lâu?
“Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không, kéo dài bao lâu?” là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Trên thực tế, tùy thuộc vào từng trường hợp mà mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian bệnh kéo dài là khác nhau. Tuy nhiên cần sớm có sự quan tâm đúng mức để bảo vệ tốt hơn cho cả mẹ bỉm và bé yêu.
Tổng quan về bệnh trầm cảm sau sinh
Nhiều phụ nữ có xu hướng thay đổi tâm trạng, lo lắng và dễ rơi nước mắt trong những tuần đầu sau khi sinh con. Tuy nhiên, ở một số người, những triệu chứng này có thể trở nên dai dẳng và nghiêm trọng hơn. Đây thường được cho là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.
Theo một đánh giá vào năm 2014 về các nghiên cứu lâm sàng thì chứng trầm cảm sau sinh thường bắt đầu trong vòng 3 tháng đầu tiên sau khi sinh. Tuy nhiên nó có thể trở thành vấn đề lâu dài ở một số mẹ bỉm. Nhất là trong các trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trầm cảm sau sinh là một căn bệnh tâm thần được đánh giá tương đối nghiêm trọng. Nó hoàn toàn khác với “baby blues” – cảm giác buồn bã, mệt mỏi và lo lắng ảnh hưởng đến 80% phụ nữ sau sinh. “Baby blues” thường có xu hướng tự biến mất sau khoảng 3 – 5 ngày.
Trong điều trị chứng trầm cảm sau sinh, một số mẹ bỉm có thể nhận được đáp ứng tốt và nhanh chóng. Tuy nhiên cũng có những người phải vật lộn rất vất vả với chứng bệnh này. Trường hợp không quan tâm đúng mức thì các vấn đề nguy hại hoàn toàn có thể xảy ra.
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Khi tìm hiểu về chứng trầm cảm sau sinh thì nhiều người quan tâm đến vấn đề căn bệnh này có nguy hiểm không? Thực tế cho thấy, mức độ nghiêm trọng và những ảnh hưởng của bệnh là khác nhau ở từng mẹ bỉm.
Nếu sớm quan tâm đúng mức với những giải pháp điều trị phù hợp thì mẹ bỉm có thể kiểm soát tốt các triệu chứng trầm cảm sau sinh. Đồng thời làm giảm bớt những ảnh hưởng tồi tệ mà bệnh gây ra.
Tuy nhiên, trường hợp mẹ bỉm chủ quan thì các vấn đề rủi ro không mong muốn hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài nguy hại cho sức khỏe và cuộc sống của người mẹ thì bệnh còn tác động xấu đến con yêu.
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn nắm rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm sau sinh:
1. Nguy hại cho sức khỏe của mẹ
Trầm cảm sau sinh trải qua 3 giai đoạn từ nhẹ cho đến nặng. Bệnh càng tiến triển nặng thì mức độ nguy hại sẽ càng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị và kiểm soát thì mẹ bỉm có thể gặp phải một số hậu quả như:
- Ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ: Trầm cảm sau sinh không được kiểm soát và điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ. Các vấn đề có thể là mệt mỏi, không có đủ năng lượng, kiệt quệ sức lực, gặp khó khăn khi chăm sóc bản thân và em bé.
- Tự tử: Số liệu thống kê tại Australia và United Kingdom cho thấy, các mẹ sau sinh tử vong do tự sát thường xuất phát từ các bệnh tâm lý, tâm thần. Trong đó, trầm cảm sau sinh là chứng bệnh thường gặp nhất. Bởi căn bệnh này tiến triển nặng khiến mẹ bỉm suy sụp tinh thần. Đồng thời thường xuyên nghĩ về cái chết và tìm đến hành vi tự sát như một cách để giải thoát.
- Rối loạn tâm thần: Tình trạng trầm cảm sau sinh ở mẹ bỉm không được ngăn chặn có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần khác. Mẹ bỉm có thể xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, thay đổi cảm xúc và suy nghĩ thay đổi bất thường. Rối loạn tâm thần là tình trạng rất nghiêm trọng, thậm chí cần nhập viện để được theo dõi cụ thể.
2. Ảnh hưởng đến bé yêu
Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn tác động xấu đến bé yêu của bạn. Nghiêm trọng nhất phải kể đến là các bé bị chính mẹ của mình làm hại, thậm chí là sát hại.
Theo nhận định từ các chuyên gia, mẹ bỉm bị trầm cảm nặng kèm theo rối loạn tâm thần sẽ gia tăng nguy cơ giết hại con mình. Tình trạng này có thể diễn ra ngay sau sinh khoảng 24 giờ cho đến trước khi bé 1 tuổi. Thống kê còn cho thấy, khoảng 16 – 29% mẹ bỉm giết con và tự sát ngay sau đó.
Ngoài ra, bé yêu còn có thể gặp phải rất nhiều ảnh hưởng khác trong suốt thời thơ âu. Chẳng hạn như:
- Chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ
- Gặp phải các vấn đề trong nhận thức và tư duy
- Gặp phải vấn đề trong mối quan hệ với mẹ
- Dễ bị kích động, khóc lóc nhiều hơn
- Gặp vấn đề về hành vi
- Chiều cao thấp hơn
- Khó đối phó với căng thẳng
- Khó thích nghi với trường lớp
- Nguy cơ bị béo phì tăng cao ở các bé mẫu giáo
Bệnh trầm cảm sau sinh thường kéo dài bao lâu?
Bên cạnh việc quan tâm đến vấn đề trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không thì thời gian kéo dài của căn bệnh này cũng là vấn đề được nhiều mẹ bỉm chú ý. Thông thường, bệnh càng kéo dài thì hệ quả để lại sẽ càng nghiêm trọng.
Theo nhận định từ các chuyên gia, nếu không điều trị thì bệnh trầm cảm sau sinh có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Tuy nhiên, nếu có biện pháp điều trị hiệu quả thì các mẹ bỉm có thể kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phụ nữ sau sinh được khuyên rằng nên sớm tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý để điều trị chứng trầm cảm sau sinh nếu họ trải qua các cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc tuyệt vọng kéo dài trên 2 tuần.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và xem xét một số yếu tố có thể khiến cho một số mẹ bỉm dễ bị trầm cảm sau sinh dai dẳng hơn những người khác. Đa phần các trường hợp bị trầm cảm sau sinh thường có xu hướng giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, cũng có 38% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có các triệu chứng mãn tính.
Trên thực tế, có khoảng 50% phụ nữ được chăm sóc y tế vì bệnh trầm cảm sẽ tiếp tục gặp phải các triệu chứng hơn 1 năm sau khi sinh con. Trong số những người bị trầm cảm sau sinh không được điều trị lâm sàng thì có đến khoảng 30% vẫn gặp phải các triệu chứng trầm cảm cho tới 3 năm sau sinh.
Nhiều nghiên cứu cũng đã xác định được một số yếu tố nguy cơ dẫn tới trầm cảm sau sinh lâu dài. Chẳng hạn như:
- Có mối quan hệ kém với chồng hoặc người thân
- Căng thẳng sau sinh kéo dài
- Tiền sử lạm dụng tình dục
- Mẹ bỉm còn trẻ và có thu nhập thấp
- Tình trạng ốm yếu của con
Một số lưu ý khi bị trầm cảm sau sinh
Như đã phân tích, bệnh trầm cảm sau sinh gây ra nhiều sự nguy hại cho cả mẹ bỉm và bé yêu. Do đó cần chú ý đến tâm trạng, cảm xúc cũng như hành vi của bản thân để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, khi bị trầm cảm sau sinh, mẹ bỉm cần chú ý đến các vấn đề sau đây:
- Chia sẻ những vấn đề mà bản thân đang gặp phải với chồng và người thân trong gia đình để nhận được lời khuyên hữu ích. Bên cạnh đó, sự đồng cảm từ người thần cũng sẽ tiếp thêm cho mẹ bỉm nhiều động lực để vượt qua bệnh tình. Đồng thời sớm lấy lại tinh thần vui vẻ và lạc quan.
- Nếu cảm thấy quá áp lực trong vấn đề chăm sóc bé yêu, mẹ bỉm nên nhờ đến sự giúp đỡ của chồng và người thân. Khi nhận được sự hỗ trợ, mẹ bỉm sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Đặc biệt là sẽ có thêm thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
- Cố gắng xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và sinh hoạt điều độ. Đồng thời dành thời gian cho hoạt động thể chất nhẹ nhàng để sớm phục hồi sức khỏe. Lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện và phòng ngừa chứng trầm cảm sau sinh.
- Trường hợp các biện pháp tại nhà không thể giúp ích quá nhiều, mẹ bỉm nên sớm tìm đến chuyên gia tâm lý trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần. Tâm lý trị liệu, sử dụng thuốc hay áp dụng các biện pháp chuyên sâu khác có thể sẽ rất cần thiết.
Bài viết đã giải đáp rõ thắc mắc “Bệnh trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Kéo dài bao lâu?”. Đồng thời đề cập đến các vấn đề cần lưu ý giúp mẹ bỉm kiểm soát tốt bệnh tình và tránh được những hậu quả đáng tiếc. Nếu nhận thấy các bất thường trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, mẹ bỉm cần đặc biệt chú ý và thăm khám khi cần thiết.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm Cảm Nặng Có Triệu Chứng Loạn Thần Có Nguy Hiểm Không?
- Các Loại Thuốc Chống Trầm Cảm Tốt Nhất Và Lưu Ý Khi Dùng
- Người Bị Trầm Cảm Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Nhanh Khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!