Trầm Cảm Trước Hôn Nhân: Nguyên Nhân Và Cách Vượt Qua
Tình trạng trầm cảm trước hôn nhân đang diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là ở chị em phụ nữ. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe và cuộc sống hôn nhân sau này. Do đó nên sớm tìm cách kiểm soát để có được tinh thần thoải mái, vui vẻ và lạc quan hơn.
Trầm cảm trước hôn nhân là gì?
Trầm cảm trước hôn nhân đề cập đến tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, cáu gắt và chán nản trước khi hôn lễ diễn ra. Thậm chí nhiều người còn bị mất đi cảm hứng với đối phương và có ý định chia tay.
Các cảm xúc tiêu cực xảy ra trước hôn nhân thường bắt nguồn từ việc quá bận rộn cho các công việc cần chuẩn bị trong đám cưới. Ngoài ra, những lo lắng quá mức cho cuộc sống hôn nhân sau này, vấn đề tài chính, suy nghĩ tiêu cực,… cũng có thể là lý do.
Thông thường ngày cưới càng đến gần thì tâm trạng của bạn sẽ càng trở nên bất an, bồn chồn và khó chịu. Đôi khi nó còn khiến cho tinh thần suy sụp, muốn hủy hôn và chạy trốn khỏi đối phương trước khi hôn lễ diễn ra.
Số liệu thống kê cho thấy, phụ nữ có xu hướng dễ bị trầm cảm trước hôn nhân hơn là nam giới. Do chị em thường có tâm lý không vững vàng, nhạy cảm trước các sự kiện quan trọng và hay suy nghĩ tiêu cực.
Biểu hiện của chứng trầm cảm trước hôn nhân
Trước khi kết hôn, bất cứ ai cũng sẽ có ít nhiều sự xáo trộn cảm xúc và tâm trạng. Lo lắng, bồn chồn và hồi hộp là những cảm giác mà mọi người đều từng phải trải qua.
Tuy nhiên, trầm cảm trước hôn nhân lại là vấn đề hoàn toàn khác. Những cảm xúc tiêu cực dường như được đẩy lên đến mức cao trào hơn. Đôi khi còn làm phát sinh cả các biểu hiện hành vi và thể chất.
Dưới đây là một số dấu hiệu của chứng trầm cảm trước hôn nhân:
- Cảm thấy mệt mỏi: Sự mệt mỏi thường xuất hiện do sắp đến ngày cưới bạn có quá nhiều thứ phải lo nghĩ và giải quyết. Điều này có thể dẫn tới tình trạng chán ăn, mất ngủ và gây nhiều ảnh hưởng xấu cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
- Rất dễ cáu kỉnh: Trầm cảm trước hôn nhân không đơn giản chỉ là cảm xúc trầm buồn, chán nản. Không ít người còn trở nên dễ nóng giận, thậm chí còn thường xuyên tranh cãi với đối phương chỉ vì những điều vụn vặt.
- Lo lắng quá mức: Lo lắng quá mức về đám cưới hay các tình huống xấu có thể xảy ra sau khi kết hôn là điều thường thấy ở những người bị trầm cảm trước hôn nhân. Điều này thậm chí còn ám ảnh tâm trí và làm xuất hiện các giấc mơ đáng sợ.
- Xuất hiện ý nghĩ muốn chia tay: Khi không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực thì bạn sẽ có xu hướng muốn chia tay. Thậm chí nhiều cô dâu, chú rể còn có ý định bỏ trốn trước hôn lễ.
Nguyên nhân gây trầm cảm trước hôn nhân
Trầm cảm trước hôn nhân thường là hậu quả của sự tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn như:
1. Chưa thật sự sẵn sàng cho hôn nhân
Trên thực tế, không phải cuộc hôn nhân nào cũng dựa trên tình yêu và sự tự nguyện của cả hai người. Có rất nhiều cuộc hôn nhân diễn ra mà không phải xuất phát từ chủ ý tự nguyện. Thay vào đó có thể là do cha mẹ sắp đặt hay giục giã hoặc xảy ra các vấn đề ngoài ý muốn.
Việc chưa thật sự sẵn sàng cho hôn nhân gây ra rất nhiều áp lực tinh thần. Thậm chí nhiều người còn bị khủng hoảng tinh thần dẫn đến mệt mỏi, chán nản và tuyệt vọng. Đây được cho là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng trầm cảm trước hôn nhân.
2. Lo lắng quá mức
Tình trạng lo lắng trước hôn nhân là cảm giác mà dường như ai cũng đều trải qua trước sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên không ít người lại rơi vào trạng thái lo lắng quá mức trước các vấn đề không quá lớn.
Sự lo lắng và căng thẳng thường bắt nguồn từ việc phải chuẩn bị đám cưới tươm tất với quá nhiều công việc. Chẳng hạn như chụp ảnh cưới, sắm đồ đạc, chuẩn bị trang phục cưới, đặt cỗ, đặt thiệp, mời cưới,…
Ngoài ra, nhiều bạn còn lo lắng về các vấn đề có thể xảy ra sau hôn nhân. Nhất là đối với phụ nữ, họ có những nỗi lo về cuộc sống với mẹ chồng, lo lắng về công việc nhà, ngoại hình, sự nghiệp của bản thân,…
3. Suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực thường vô cớ ập đến vào thời điểm trước hôn nhân. Nhiều người có thể nghĩ đến cảnh đối phương không còn yêu thương mình hay tình cảm trở nên nguội lạnh.
Những suy nghĩ tiêu cực này khiến cho tâm trạng trở nên chán nản, mệt mỏi và lo lắng nhiều hơn. Nếu không sớm có sự kiểm soát thì sẽ phát triển thành chứng trầm cảm trước hôn nhân.
4. Ảnh hưởng từ người khác
Bạn có thể có một vài người bạn không hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi khi vào những cuộc gặp gỡ họ thường xuyên than phiền về những điều tồi tệ mà họ phải trải qua. Điều này cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho tâm lý của bạn.
Việc thường xuyên phải nghe những lời tiêu cực về cuộc sống hôn nhân có thể khiến bạn ám ảnh và sợ hãi. Nỗi lo lắng cho chính cuộc sống của bạn sau hôn nhân lại tăng lên gấp nhiều lần. Điều này làm gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm lý. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,…
5. Áp lực tài chính
Đám cưới là sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Do đó bất cứ ai cũng đều muốn chuẩn bị mọi thứ thật chỉn chu. Từ khâu chụp ảnh cưới, mời cưới cho tới cỗ bàn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất không ít kinh phí cho các công việc này.
Không phải bất cứ ai cũng dư giả về tiền bạc để có thể chi trả hết cho những vấn đề phải lo trong đám cưới. Việc có nguồn kinh phí không thật sự tốt khiến cho nhiều người gặp phải áp lực lớn. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị trầm cảm trước hôn nhân.
Ảnh hưởng của trầm cảm trước hôn nhân
Trầm cảm trước hôn nhân đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống. Trên thực tế, nhiều người vẫn còn chủ quan và cho rằng đây chỉ là trạng thái tâm lý bình thường xuất hiện trong thời gian ngắn và có thể tự động biến mất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trầm cảm trước hôn nhân là vấn đề tâm lý nghiêm trọng cần có sự quan tâm kịp thời. Nếu không sớm điều chỉnh lại cảm xúc, suy nghĩ và hành vi tiêu cực thì người bệnh sẽ gặp phải rất nhiều hệ lụy xấu.
Trầm cảm trước hôn nhân tiến triển nặng sẽ khiến cho tinh thần suy sụp. Nhiều người còn có ý định chia tay hay bỏ trốn trước hôn lễ. Hoặc nếu có tiến đến đám cưới thì cuộc sống hôn nhân sau đó cũng sẽ không dễ dàng và khó có được hạnh phúc.
Ngoài ra, các triệu chứng trầm cảm còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất. Nó gây ra các chứng chán ăn, mất ngủ kéo dài khiến sức đề kháng và hệ miễn dịch đi xuống. Cơ thể sẽ trở nên suy nhược, kiệt quệ và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Cách vượt qua trầm cảm trước hôn nhân
Những cảm xúc tiêu cực bất ngờ ùa đến vào thời điểm trước hôn nhân là điều khó tránh khỏi. Chứng trầm cảm trước hôn nhân cần được quan tâm sớm để tránh những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Dưới đây là một số giải pháp hữu hiệu giúp bạn vượt qua trầm cảm trước hôn nhân:
1. Chủ động chia sẻ với “người ấy”
Khi quá căng thẳng, lo lắng hay phải vật lộn với những cảm xúc tiêu cực trước hôn nhân thì bạn nên chủ động chia sẻ với đối phương. Điều này giúp cho cả hai bạn thấu hiểu và quan tâm đến cảm xúc của nhau hơn.
Riêng trong vấn đề tổ chức đám cưới thì cả hai bạn cần bàn bạc với nhau để cân bằng mọi quyết định. Sự tôn trọng lẫn nhau là rất cần thiết để giải tỏa áp lực và tránh các xích mích hay mâu thuẫn về sau.
Việc chủ động chia sẻ tâm trạng và cảm xúc với “người ấy” dường như là cách tốt nhất để bạn giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực. Từ đó, bạn sẽ có tâm lý tốt hơn để chuẩn bị các công việc cần thiết cho đám cưới sắp diễn ra.
2. Thực hiện các liệu pháp thư giãn
Để kiểm soát các triệu chứng trầm cảm trước hôn nhân thì bạn nên chú ý dành thời gian cho bản thân. Đừng để bị cuốn vào sự bận rộn mà quên đi việc nghỉ ngơi và thư giãn. Nuôi dưỡng bản thân là rất cần thiết, hoàn toàn không phải điều xa xỉ.
Một số liệu pháp thư giãn thật sự có thể giúp ích cho bệnh trầm cảm trước hôn nhân bao gồm:
- Ngồi thiền: Duy trì thói quen thiền hằng ngày giúp bạn tĩnh tâm và loại bỏ các cảm xúc tiêu cực. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kết hợp thiền với liệu pháp nhận thức – hành vi đem lại vô vàn lợi ích cho điều trị và phòng ngừa bệnh trầm cảm.
- Tập yoga: Đây cũng là liệu pháp thư giãn tuyệt vời cho những người bị trầm cảm trước hôn nhân. Khi tập yoga bạn cần có được sự hòa quyện giữa chuyển động cơ thể, hơi thở và tâm hồn. Đồng thời tập yoga còn giúp thúc đẩy sản sinh hormone endorphin.
- Các giải pháp khác: Ngoài ngồi thiền và tập yoga thì còn nhiều giải pháp thư giãn khác mà bạn có thể áp dụng. Chẳng hạn như nghe nhạc không lời, đọc sách, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương,…
3. Ăn uống và sinh hoạt điều độ
Trước kết hôn bạn sẽ có rất nhiều việc phải giải quyết. Tuy nhiên đừng vì điều này mà bạn quên đi việc chăm sóc bản thân mình. Việc ăn uống và sinh hoạt thiếu điều độ có thể khiến cho triệu chứng trầm cảm trước hôn nhân tồi tệ hơn.
Để nâng cao sức khỏe và cải thiện tâm trạng tiêu cực, bạn cần chú ý:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nên cân bằng dưỡng chất từ nguồn thực phẩm tươi. Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn quá ngọt hay chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Tuyệt đối không tìm đến rượu bia, thuốc lá hay chất kích thích để giải tỏa tâm trạng tiêu cực. Về lâu dài, chúng có thể khiến cho bệnh tình càng trở nên tồi tệ hơn.
- Ngủ đủ giấc rất quan trọng với cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Dù bận rộn bạn cũng nên chú ý đến vấn đề này. Nên đi ngủ trước 23 giờ và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ ngày. Giấc ngủ buổi tối nên kéo dài ít nhất 6 tiếng đồng hồ.
- Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày. Bạn nên dành ít nhất 30 phút/ ngày để tập thể dục. Hoạt động thể chất có thể thúc đẩy sản sinh hormone hạnh phúc và tăng cường sức khỏe tổng thể.
4. Nhận sự hỗ trợ từ gia đình và người thân
Bạn hãy thử liệt kê ra hết các công việc phải chuẩn bị trước đám cưới. Chúng có thể là một khối lớn mà bản thân bạn và đối phương dường như khó lòng giải quyết hết. Lúc này nên nhận sự hỗ trợ từ gia đình và người thân hay thậm chí là bạn bè.
Đừng cố gắng ôm đồm hết tất cả mọi việc về phía mình, bạn sẽ càng trở nên mệt mỏi hơn mà thôi. Việc chia sẻ với những người thân yêu sẽ giúp bạn giảm tải được rất nhiều áp lực. Mỗi người mỗi việc vẫn luôn nhẹ nhàng hơn là tự mình gánh vác tất cả.
Ngoài nhờ giúp đỡ công việc thì bạn cũng có thể chia sẻ cảm xúc và tâm trạng với những người thân yêu. Nhất là người đã có cuộc sống hôn nhân viên mãn và hạnh phúc. Họ sẽ sẵn sàng lắng nghe và cho bạn lời khuyên để giải tỏa những thứ tiêu cực tốt nhất.
5. Trị liệu tâm lý
Trong một số trường hợp, các giải pháp tại nhà không thể đáp ứng được với triệu chứng trầm cảm trước hôn nhân. Cảm xúc tiêu cực ngày càng trở nên tồi tệ, một số cô dâu, chú rể còn có ý định chia tay hay bỏ trốn trước thời khắc kết hôn.
Nếu cảm thấy mọi thứ ngày một tệ đi, bạn nên sớm tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Chuyên gia sẽ kiểm tra mức độ bệnh và những vấn đề liên quan khác. Từ đó đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp để người bệnh điều chỉnh tâm trạng và kiểm soát triệu chứng.
Tâm lý trị liệu giúp cho bệnh nhân sớm loại bỏ được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực. Hơn nữa còn cung cấp những kỹ năng cần thiết nhằm chống lại các tình huống gây căng thẳng và lo lắng trong cuộc sống.
Điều trị tâm lý cho người bị trầm cảm trước hôn nhân có thể áp dụng các liệu pháp bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức – hành vi
- Liệu pháp giữa các cá nhân
- Trị liệu gia đình
- Liệu pháp nhóm
Mỗi liệu pháp trị liệu sẽ có những ưu điểm riêng nhưng đều mang đến nhiều lợi ích cho những người bị trầm cảm trước hôn nhân. Do đó, đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý khi bạn cảm thấy cần thiết.
Phòng tránh trầm cảm trước hôn nhân
Chứng trầm cảm trước hôn nhân gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh được tình trạng này bằng một số giải pháp sau đây:
- Dành thời gian tìm hiểu kỹ về đối phương, công việc, gia đình và cuộc sống xung quanh họ trước khi đi đến hôn nhân. Chỉ đưa ra quyết định kết hôn với người thật sự yêu thương bạn và bạn cũng dành nhiều tình cảm cho họ.
- Chỉ quyết định kết hôn khi bản thân đã thực sự sẵn sàng. Tuyệt đối không ép buộc bản thân kết hôn sớm vì bất cứ lý do gì.
- Trò chuyện và trao đổi với đối phương về quan niệm hôn nhân. Điều này giúp cho cả 2 bạn hiểu nhau hơn. Đồng thời tránh gây lo lắng về những mâu thuẫn sau khi kết hôn.
- Lên kế hoạch thật cụ thể và chi tiết cho đám cưới. Nếu công việc quá nhiều hoặc bạn không có nhiều thời gian thì nên nhờ sự hỗ trợ từ người thân.
- Nên tổ chức lễ cưới phù hợp với khả năng tài chính của bản thân để tránh áp lực kinh tế về sau.
- Bạn có thể đăng ký tham gia các lớp học tiền hôn nhân để có được nền tảng vững vàng cho cuộc sống gia đình. Từ đó tránh những lo lắng và áp lực không đáng có.
Trầm cảm trước hôn nhân là vấn đề đáng quan ngại hiện nay. Mong rằng với những chia sẻ từ bài viết, bạn có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này và có cách kiểm soát tốt nhất. Hôn nhân là chuyện hệ trọng cả đời, hãy chuẩn bị kỹ lưỡng để có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm:
- 7 Bài Tập Yoga Chữa Trầm Cảm Đơn Giản Dễ Thực Hiện
- Bị Trầm Cảm Nhẹ Có Tự Khỏi Không? Điều Trị Thế Nào?
- 7 Địa Chỉ Tư Vấn Trị Liệu Trầm Cảm Tại Hà Nội Tốt Và Uy Tín
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!