Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có đáng quan ngại? Mẹ cần làm gì?
Dựa theo tốc độ phát triển ngôn ngữ thông thường của trẻ nhỏ thì trẻ khi được 2 tuổi sẽ biết nói và sử dụng được khoảng 50 từ cơ bản trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp trẻ 2 tuổi chưa biết nói, chưa thể giao tiếp được khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng lo lắng và trăn trở.
Cột mốc phát triển ngôn ngữ của bé 2 tuổi
Ngôn ngữ là một trong các phương tiện quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của mỗi trẻ nhỏ. Bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn nghe thấy những tiếng nói đầu đời của con, hy vọng con có thể phát triển toàn diện về mọi khía cạnh.
Mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau nhưng theo nghiên cứu, các chuyên gia cũng đã đưa ra được mốc phát triển ngôn ngữ chung nhất cho trẻ nhỏ ở từng giai đoạn, độ tuổi khác nhau. Cụ thể, cột mốc chung dành cho trẻ 2 tuổi sẽ bao gồm:
- Biết sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu.
- Biết đặt ra những câu hỏi hoặc ghép 2 từ lại với nhau.
- Có thể nói được khoảng 50 từ trở lên.
- Hiểu và có thể làm theo các yêu cầu, mệnh lệnh.
- Người chăm sóc trẻ sẽ có thể hiểu được một nửa ý mà trẻ muốn truyền đạt.
Đối với trẻ trên 2 tuổi, trẻ sẽ thực hiện đạt được những điều sau đây:
- Trẻ có thể hiểu và sử dụng được tối thiểu 200 từ và tối đa 1000 từ.
- Trẻ nói được những từ, cụm từ đơn giản và có thể ghép thành các câu ý nghĩa có 2 đến 3 từ.
- Trẻ biết nói tên của mình và một số đồ vật khác.
- Biết sử dụng các đại từ như con, cha, mẹ, anh, chị,…
- Cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể hiểu trẻ gần hết những điều trẻ muốn truyền đạt.
Khi hiểu và nắm rõ được mốc phát triển chung của trẻ 2 tuổi, các bậc phụ huynh cũng có thể dễ dàng phát hiện và xác định được những sự bất ổn về khả năng ngôn ngữ của trẻ. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường hoặc sự hạn chế về tốc độ phát triển ngôn ngữ, lời nói của trẻ, các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ thăm khám và can thiệp sớm.
Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có bất thường không?
Dựa vào mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ 2 tuổi nêu trên thì phần lớn những trẻ ở giai đoạn này đã có thể nói và sử dụng từ ngữ ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có không ít các trường hợp trẻ đã được 2 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói hoặc thậm chí không phát ra bất kỳ âm thanh nào.
Tình trạng này khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang, e ngại và lo lắng không biết trẻ có đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào không. Mặt khác, cũng có không ít các bậc phụ huynh chủ quan, cho rằng trẻ chỉ chậm nói hơn so với thông thường và trẻ vẫn có khả năng phát triển ngôn ngữ sau khi lớn lên.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì trẻ nhỏ ngay từ khi mới sinh ra đã được tiếp xúc với ngôn ngữ. Đồng thời, thông qua việc lắng nghe, bắt chước và nhiều hình thức khác mà trẻ nhỏ có thể phát triển khả năng giao tiếp, sử dụng lời nói linh hoạt hơn.
Những năm tháng đầu đời chính là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, đặc biệt là về ngôn ngữ. Khoảng từ 3 đến 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu phát ra những âm thanh đơn giản như gừ gừ, ư ư, ơ ơ,…Sau quá trình được tiếp xúc, quan sát và học hỏi, trẻ nhỏ sẽ dần phát triển ngôn ngữ và có những cách thể hiện phong phú, đa dạng hơn.
Khi bé hơn 1 tuổi, trẻ đã có thể bắt đầu nói bi bô, bắt chước những âm thanh, từ ngữ nghe được từ xung quanh. Trẻ gần 2 tuổi đã có vốn từ riêng và nói được một số từ ngữ cơ bản, khả năng tương tác, kết nối với mọi người xung quanh cũng linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể đạt được đúng tiêu chuẩn phát triển ngôn ngữ chung. Vì thế, việc trẻ 2 tuổi chưa biết nói không hẳn là một tình trạng nguy hiểm, đôi khi nó chỉ là sự chậm nói đơn thuần của trẻ nhỏ và trẻ vẫn có khả năng cải thiện, phát triển ngôn ngữ bình thường sau khi lớn lên.
Tuy nhiên, bé 2 tuổi chưa biết nói cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo về một số vấn đề sức khỏe nào đó cần được quan tâm và can thiệp kịp thời. Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy có đến khoảng hơn 10% trẻ 2 tuổi chưa nói được bất cứ từ ngữ nào, tỷ lệ chiếm số đông ở các bé trai.
Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của mỗi trẻ nhỏ và khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo sợ, hoang mang. Tuy nhiên, cần giữ bình tĩnh và tìm hiểu kỹ về nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi vẫn chưa biết nói để có thể hỗ trợ can thiệp tốt cho trẻ.
Trẻ 2 tuổi chưa biết nói – Khi nào cần thăm khám?
Đối với những người không có đầy đủ chuyên môn và sự hiểu biết về tình trạng chậm nói của trẻ nhỏ thì khó có thể xác định được sự bất thường của trẻ 2 tuổi chưa biết nói. Có những trẻ chậm nói đơn thuần nhưng cũng có trẻ chậm nói bệnh lý.
Vì thế, nếu các bậc phụ huynh cảm thấy quá lo ngại thì có thể chú ý đến các biểu hiện sau đây:
- Trẻ có khả năng bắt chước và thực hiện theo các hành động, cử chỉ của người khác nhưng không tạo ra các từ ngữ, cụm từ.
- Trẻ có xu hướng thường xuyên lặp đi lặp lại các âm thanh quen thuộc.
- Trẻ khó có thể làm theo các yêu cầu, hướng dẫn đơn giản.
- Giọng nói của trẻ có phần bất thường.
- Vốn từ của trẻ hạn hẹp, trẻ chỉ nói được những từ đơn giản và không biết cách ghép các từ thành cụm từ, câu ngắn.
- Trẻ 2 tuổi hạn chế và không có nhu cầu tương tác với mọi người xung quanh, kể cả cha mẹ.
- Trẻ không phản ứng, không quay đầu lại khi được gọi tên.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc diễn tả bằng lời nói, ngay khi đang có nhu cầu cấp thiết.
- Trẻ không biết chỉ vào bộ phận của cơ thể.
- Trẻ dễ kích động, cáu gắt, có những hành vi hung hăng, nóng giận.
Ngay khi nhận thấy các biểu hiện trên của trẻ 2 tuổi chưa biết nói thì các bậc phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa Nhi uy tín. Tuyệt đối không nên vì những nghi ngờ không căn cứ của bản thân mà áp dụng các biện pháp can thiệp không phù hợp cho trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi chưa biết nói
Hiện nay, tình trạng bé 2 tuổi chưa biết nói đang có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ gây nên nhiều sự cản trở đối với quá trình phát triển tự nhiên của mỗi trẻ nhỏ. Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu và các trường hợp thực tế nhận thấy trẻ chậm nói, khó phát triển ngôn ngữ có thể xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể một số lý do thường được nhắc đến như:
- Các vấn đề liên quan đến thính giác chính là một trong các nguyên nhân phổ biến có thể khiến cho nhiều trẻ 2 tuổi hoặc thậm chí lớn hơn vẫn chưa biết nói, chưa biết sử dụng ngôn ngữ lời nói. Nếu trẻ bị nhiễm trùng tai hoặc gặp phải các vấn đề gây cản trở đến hoạt động tai thì trẻ sẽ rất khó khăn trong việc tiếp nhận ngôn ngữ.
- Ngoài ra, một số mặt hạn chế về các cơ quan liên quan đến khả năng nói như lưỡi, miệng, hàm, thanh quản cũng có thể khiến trẻ chậm nói, không nói được. Ví dụ như trẻ bị dính thắng lưỡi, hở hàm ếch sẽ khó phát âm.
- Các ảnh hưởng từ tâm lý cũng một phần khiến cho nhiều trẻ 2 tuổi không thể nói và giao tiếp linh hoạt. Nếu trong giai đoạn này trẻ phải đối diện với các biến cố như tai nạn nghiêm trọng, mất người thân, thiên tai, chấn thương sẽ khiến cho tinh thần của trẻ bị suy sụp, khủng hoảng từ đó làm trẻ không còn muốn giao tiếp, nói chuyện.
- Với sự phát triển vượt bậc của xã hội hiện nay, trẻ nhỏ được tiếp xúc với các thiết bị thông minh ngay từ rất sớm và điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với trẻ, trong đó có tình trạng chậm ngôn ngữ. Nếu ngay từ nhỏ trẻ đã được sử dụng điện thoại, tivi, iPad, laptop liên tục sẽ khiến cho trẻ không còn nhu cầu được tương tác thực tế bên ngoài, trẻ lười nói, lười vận động.
- Sự nuông chiều quá mức của các bậc phụ huynh cũng chính là nguyên nhân thường gặp làm cho nhiều trẻ chậm nói, không muốn nói. Rất nhiều các gia đình do cưng chiều trẻ nhỏ nên sẵn sàng đáp ứng tất cả những mong muốn, nguyện vọng của trẻ khi trẻ chỉ vừa khóc hoặc ơ a vài tiếng. Điều này ngầm cho trẻ hiểu rằng, bản thân không cần sử dụng lời nói để yêu cầu bất cứ điều gì, lâu dần khiến trẻ không còn hứng thú với việc nói và bày tỏ mong muốn bằng lời nói.
- Trẻ 2 tuổi chậm nói có nhiều khả năng xuất phát từ sự thiếu quan tâm, tương tác giữa những người thân trong gia đình. Các chuyên gia cho biết rằng, trẻ nhỏ học hỏi và phát triển ngôn ngữ tốt nhất là thông qua việc quan sát, tiếp xúc với những người xung quanh. Do đó, nếu ngay từ nhỏ trẻ đã bị thiếu hụt tình thương, không được trò chuyện, chia sẻ nhiều thì khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ bị yếu kém.
- Trẻ không có nhiều cơ hội được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, không gian sinh hoạt bị hạn chế sẽ khiến cho trẻ khó có thể phát huy khả năng giao tiếp bằng lời nói. Nhiều bậc phụ huynh vì thương con, sợ con đau bệnh hoặc tiếp xúc với những điều tiêu cực bên ngoài nên không cho con ra ngoài, kiểm soát hầu hết các hoạt động của con khiến con khó có thể tự do phát triển.
- Não bộ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, nó giúp kiểm soát và điều chỉnh khả năng ăn nói, giao tiếp. Chính vì thế, các tổn thương xảy ra ở bộ não có thể làm cản trở và gây nên các khiếm khuyết về ngôn ngữ ở nhiều trẻ nhỏ.
- Trẻ 2 tuổi chưa biết nói có nhiều khả năng là dấu hiệu cảnh báo về chứng tự kỷ. Theo khảo sát thực tế cho thấy, có hơn 40% các trường hợp trẻ tự kỷ chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ hoặc thậm chí là mất ngôn ngữ. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ còn bị hạn chế về khả năng tương tác xã hội, có những hành vi bất thường kèm theo sự suy giảm về mặt nhận thức, trí tuệ. Tình trạng này thường sẽ kéo dài vĩnh viễn, các biện pháp can thiệp chỉ mang tính chất hỗ trợ, nâng cao những kỹ năng cần thiết để trẻ ổn định tốt cuộc sống.
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân khác nhau mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc lựa chọn những biện pháp can thiệp phù hợp với trẻ. Lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc phụ huynh là nên cho trẻ tiến hành thăm khám càng sớm càng tốt để giúp trẻ cải thiện tốt, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ 2 tuổi vẫn chưa biết nói?
Trẻ 2 tuổi chậm nói, chưa biết nói có thể do ảnh hưởng của môi trường sống và cách giáo dục chưa phù hợp của cha mẹ. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp xuất phát từ các bệnh lý nguy hiểm cần được quan tâm và hỗ trợ kịp thời để tránh các hệ lụy nghiêm trọng khác xảy ra.
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu chậm nói hoặc bất thường về ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa chất lượng. Tại đây bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá và tìm ra nguyên nhân khiến trẻ không thể đạt được mốc phát triển ngôn ngữ bình thường, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với chuyên gia để có thể áp dụng tốt các biện pháp can thiệp phù hợp cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng cải thiện ngôn ngữ và giao tiếp bằng lời nói linh hoạt hơn. Quá trình can thiệp đối với trẻ nhỏ có thể mất nhiều thời gian nên cần sự kiên trì, nhẫn nại và đồng hành của người thân, đặc biệt là cha mẹ.
Song song với các biện pháp chuyên khoa hỗ trợ cải thiện ngôn ngữ cho trẻ 2 tuổi, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý một số điều sau đây:
- Dành nhiều thời gian để tương tác, trò chuyện cùng với trẻ.
- Kích thích nhu cầu giao tiếp, nói chuyện của trẻ bằng việc để trẻ nói ra các mong muốn của bản thân.
- Tạo cho trẻ những cơ hội để khám phá môi trường bên ngoài, tham gia các hoạt động tập thể, kết nối với nhiều bạn bè.
- Trẻ 2 tuổi có thể mở rộng vốn từ hiệu quả nhờ vào hoạt động kể chuyện, nghe nhạc.
- Trẻ nhỏ sẽ dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ và nói nhiều hơn khi được chơi cùng cha mẹ, người thân.
- Nên dạy cho trẻ tự thực hiện các sinh hoạt hàng ngày trong khả năng của trẻ, cụ thể đối với trẻ 2 tuổi có thể yêu cầu trẻ dọn đồ chơi sau khi chơi, lấy những món đồ, tự ăn uống,…
- Đối với những trẻ chậm nói do sự ảnh hưởng của các bộ phận phát âm thì có thể hướng dẫn cho trẻ thực hiện các bài luyện tập, điều chỉnh tại nhà.
- Chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống của trẻ, tập trung bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng và hạn chế các món ăn chế biến sẵn.
- Kiểm soát và quản lý tốt thời gian sử dụng điện thoại, iPad của trẻ nhỏ.
- Không cười nhạo, chê bai cách phát âm của trẻ, không nhại lại lời của trẻ nói.
- Khi trẻ nói được một từ hoặc cụm từ mới nào đó, hãy dành cho trẻ những lời khen, những tràng vỗ tay để trẻ có thêm động lực để cố gắng.
- Các bậc phụ huynh cũng có thể tìm hiểu và cho trẻ học tập tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ.
Những chia sẻ trên đây đã phần nào giúp cho các bậc phụ huynh hiểu hơn về tình trạng chậm nói ở trẻ 2 tuổi. Tốt nhất bạn nên đưa ra đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để được kiểm tra cụ thể và phát hiện các dấu hiệu bất thường, từ đó có biện pháp can thiệp hiệu quả và kịp thời đối với trẻ nhỏ.
Có thể bạn quan tâm:
- 3 Mẹo dân gian chữa trẻ chậm nói đơn giản nhưng rất hiệu quả
- Dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ nên lưu ý
- Top 6 trung tâm dạy trẻ chậm nói tại Hà Nội chất lượng nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!