Dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ nên lưu ý
Các triệu chứng của tự kỷ khởi phát rất sớm từ những năm tháng đầu đời. Nếu chú ý, cha mẹ có thể nhận biết các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi để kịp thời cho trẻ thăm khám và can thiệp điều trị.
Phát hiện sớm các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi
Tự kỷ (rối loạn phổ tự kỷ) là một trong những dạng rối loạn phát triển lan tỏa khá phổ biến. Bệnh lý này xảy ra do những rối loạn trong quá trình phát triển hệ thần kinh trung ương. Tự kỷ thường gặp ở bé trai với tỷ lệ gấp 4 lần so với bé gái.
Hiện nay, điều trị tự kỷ còn nhiều thách thức do căn nguyên chưa rõ ràng và mức độ bệnh rất đa dạng. Đa phần các trường hợp bị tự kỷ đều khởi phát trước 36 tháng tuổi và các triệu chứng đã bắt đầu xuất hiện từ những tháng đầu đời. Phát hiện sớm tự kỷ là “chìa khóa vàng” để can thiệp kịp thời các phương pháp trị liệu nhằm giúp trẻ cải thiện những khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp, tư duy, hành vi và tương tác xã hội.
Khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ trẻ bị tự kỷ tăng lên đáng kể. Điều này gây ra gánh nặng cho gia đình và cả xã hội. Để trẻ bị tự kỷ có thể sống độc lập, được học tập và vui chơi, gia đình cần phát hiện sớm và cho trẻ thăm khám kịp thời.
Như đã đề cập, các triệu chứng tự kỷ khởi phát từ rất sớm. Dưới đây là 10 dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi gia đình nên tham khảo để kịp thời cho trẻ thăm khám và can thiệp trị liệu:
1. Không bập bẹ nói như trẻ đồng trang lứa
Từ 6 tháng trở lên, trẻ sẽ bắt đầu bập bẹ nói. Những từ trẻ nói có thể không có nghĩa, sau đó dần rõ nghĩa hơn. Trẻ dưới 1 tuổi thường nói được những từ đơn giản như “ba ba”, “ma ma” và thông qua những tiếng bập bẹ, bố mẹ có thể hiểu được phần nào ý muốn của trẻ.
Từ tháng thứ 9 trở đi, trẻ có thể nói được nhiều từ hơn như “không”, “có”, “bai bai”, “tạm biệt”,… Một số trẻ có thể chậm nói hơn nhưng đa phần đều bập bẹ nói được những từ đơn giản trong giai đoạn từ 6 – 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, trẻ bị tự kỷ hầu như không có khả năng ngôn ngữ hoặc phát triển ngôn ngữ rất chậm. Nếu nhận thấy trẻ không bập bẹ nói khi đã 6 – 7 tháng tuổi trở lên, bố mẹ nên chú ý thêm biểu hiện để xem xét trẻ có bị tự kỷ hay không. Một số trẻ tự kỷ vẫn có thể bập bẹ nhưng đa số đều là những âm thanh vô nghĩa, không phải là những từ ngữ có nghĩa nhưng bị nói trại do trẻ phát âm chưa rõ.
2. Không hoặc rất ít khóc, cười
Trẻ dưới 1 tuổi thường cười khi trò chuyện và vui đùa cùng bố mẹ. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ có khiếm khuyết về tương tác xã hội và cảm xúc nên hầu như không cười. Theo thống kê của các chuyên gia, từ tháng thứ 3 trở đi, trẻ gần như không khóc hay cười.
Cách biểu lộ cảm xúc của trẻ tự kỷ khác hoàn toàn so với trẻ khỏe mạnh. Bản thân trẻ mắc chứng bệnh này thường không có nhu cầu tương tác với mọi người và có xu hướng chìm đắm trong thế giới riêng. Do đó, dù ba mẹ có cố gắng chơi đùa, trẻ hầu như đều giữ khuôn mặt không cảm xúc. Một số trẻ có thể cười một cách vô cớ (cười phá lên khi đang ngồi một mình, cười với đồ vật,…).
3. Ít khi bắt chước theo bố mẹ
Trẻ từ 6 – 7 tháng trở lên sẽ có hiện tượng bắt chước hành vi và lời nói của bố mẹ. Vì vậy, trẻ có thể bập bẹ nói khi được bố mẹ dạy, biết vẫy tay, chỉ trỏ,… Tuy nhiên, trẻ tự kỷ gần như không có khả năng bắt chước. Lý do là vì trẻ không quan tâm đến những người xung quanh và không có nhu cầu bắt chước như những trẻ khác trong cùng độ tuổi.
4. Không có phản ứng sợ hãi
Từ tháng thứ 8 trở đi, trẻ có thể phân biệt được đâu là người thân và đâu là người lạ. Lúc này, trẻ sẽ có xu hướng bám ba mẹ, sợ hãi và khóc lóc khi gặp người lạ. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ không thể phân biệt được đâu là người lạ và đâu là người thân. Do đó, trẻ hoàn toàn không có phản ứng sợ hãi khi được người lạ bế hoặc đưa đến môi trường xa lạ.
Thực tế, triệu chứng này được xem là dấu hiệu quan trọng và dễ nhận biết. Bởi đặc điểm chung của trẻ dưới 1 tuổi là hay khóc lóc, sợ hãi và bám bố mẹ khi đến những nơi xa lạ. Nếu nhận thấy trẻ dưới 1 tuổi không có phản ứng sợ hãi, gia đình nên xem xét cho trẻ thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp sớm các phương pháp trị liệu.
5. Thiếu nhạy cảm với cơn đau
Khi bị té ngã, trẻ dưới 1 tuổi thường có phản ứng mếu máo và khóc lóc. Tuy nhiên, ngưỡng chịu đau của trẻ tự kỷ thường cao hơn nên trẻ sẽ không có những phản ứng tương tự. Khi bị chấn thương hay bị đau, trẻ tự kỷ thường sẽ không quấy khóc và không quan tâm đến cơn đau. Một số trẻ có phản ứng kỳ lạ với cảm giác đau.
6. Không phản ứng khi được gọi tên
Trẻ từ 5 – 6 tháng trở đi sẽ bắt đầu có phản ứng khi được bố mẹ gọi tên. Trẻ có thể cười, bập bẹ nói một số từ vô nghĩa và ánh mắt hướng về người gọi tên mình. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường không có phản ứng khi được bố mẹ gọi tên. Một số trẻ có phản ứng nếu cố gắng gọi tên nhiều lần với âm lượng lớn.
Trẻ tự kỷ thường chìm đắm trong thế giới của riêng mình và không hề quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Do đó, trẻ gần như không quan tâm khi nghe thấy tên gọi mình. Dù vậy, vẫn có một số trẻ quay lại khi được gọi tên. Những trường hợp này vẫn có nguy cơ bị tự kỷ nên gia đình cần quan sát thêm trước khi đưa ra kết luận chính thức.
7. Nhạy cảm với tiếng ồn
Nhạy cảm với tiếng ồn là một trong những dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi. Mặc dù trẻ gần như không phản ứng khi được gọi tên nhưng rất nhạy cảm với tiếng ồn. Trẻ thường có hành động bịt tai, quấy khóc dữ dội. Không giống với trẻ khỏe mạnh, trẻ tự kỷ nhạy cảm với cả những tiếng ồn không thực sự lớn như tiếng máy sấy tóc, tiếng máy xay, máy hút bụi,…
8. Ánh mắt thiếu linh hoạt
Ngay từ khi chưa biết bập bẹ, trẻ đã biết sử dụng ánh mắt để tương tác với bố mẹ. Khi vui vẻ, ánh mắt trẻ thể hiện sự vui tươi, phấn khích. Ngoài ra, thông qua ánh mắt, bố mẹ có thể nhận biết trẻ đang buồn ngủ, khó chịu, đang bị đau,…
Trong khi đó, trẻ tự kỷ có ánh mắt thiếu linh hoạt. Ánh nhìn của trẻ thường đờ đẫn, trẻ tập trung vào một đồ vật trong thời gian dài, ánh mắt không thể hiện cảm xúc và có xu hướng né tránh nhìn thẳng vào ánh mắt của người khác.
9. Không có các điệu bộ, cử chỉ
Trẻ dưới 1 tuổi đã có thể biết dùng điệu bộ, cử chỉ như gật đầu, lắc đầu, vẫy tay,… để giao tiếp với bố mẹ. Tuy nhiên, trẻ bị tự kỷ hoàn toàn không có những điệu bộ này.
10. Tăng động
Tăng động là một trong những dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi. Thực tế, cũng có một số trẻ gặp phải tình trạng giảm vận động nhưng rất ít gặp. Tăng động ở trẻ dưới 1 tuổi thường có biểu hiện như trẻ khóc nhiều, khóc không lý do, khó ngủ và liên tục quấy.
11. Không có sự liên hệ với bố mẹ và gia đình
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu có tình cảm với bố mẹ và những thành viên khác trong gia đình. Trẻ thường thích được bố mẹ bế, bồng, vui đùa,… Ngược lại, trẻ bị tự kỷ gần như không có sự liên hệ với bất cứ ai.
Trẻ yên lặng, ít cười nói, thờ ơ, thích ở một mình và gần như không đòi hỏi được bố mẹ chăm sóc. Khi bố mẹ dang tay bế, trẻ không có phản ứng rướn người như những trẻ đồng trang lứa.
Cần làm gì khi trẻ dưới 1 tuổi có dấu hiệu tự kỷ?
Tự kỷ khởi phát sớm và đa phần đều xuất hiện trước 36 tháng tuổi. Hiện nay, các bộ câu hỏi sàng lọc trẻ tự kỷ chỉ được áp dụng cho trẻ từ 12 – 18 tháng tuổi và 18 – 24 tháng tuổi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi thường có các triệu chứng không đặc hiệu nên chưa đủ dữ liệu để đưa ra chẩn đoán.
Dù vậy, nếu nhận thấy trẻ dưới 1 tuổi có các dấu hiệu tự kỷ, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám tại khoa Thần kinh. Thông qua kinh nghiệm và một số kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ có thể sàng lọc nguy cơ tự kỷ của trẻ. Phát hiện sớm tự kỷ ngay từ những năm đầu đời sẽ giúp trẻ được can thiệp sớm các phương pháp giáo dục, điều trị phù hợp.
Đến nay, đã có nhiều phương pháp mới được phát triển và ứng dụng cho trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, điều trị tự kỷ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Ngoài các phương pháp y tế, gia đình nên trang bị hiểu biết về bệnh để biết cách giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ.
Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh có đặc điểm mãn tính và ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh. Vì vậy, quá trình điều trị và giáo dục phải được thực hiện suốt đời. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng trẻ tự kỷ được can thiệp điều trị sớm có thể học tập, vui chơi và tự lập trong cuộc sống.
Những dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ dưới 1 tuổi thường không có tính điển hình. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ trẻ mắc chứng bệnh này, gia đình nên sắp xếp cho trẻ đến bệnh viện thăm khám. Phát hiện kịp thời là cơ hội để trẻ được can thiệp sớm các phương pháp trị liệu, giáo dục đặc biệt để cải thiện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và tăng tương tác xã hội.
Tham khảo thêm:
- Dạy Trẻ Tự Kỷ Tại Nhà Cha Mẹ Nên Lưu Ý Gì?
- Các biện pháp can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ hiệu quả nhất
- Trẻ sơ sinh có bị tự kỷ? Làm sao nhận biết?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!