Trẻ bị chậm nói đơn thuần: Dấu hiệu nhận biết và Cách chữa

Trẻ chậm nói đơn thuần thực tế vẫn có thể nghe và hiểu người khác muốn nói gì, thậm chí có thể thực hiện mệnh  khi được người khác yêu cầu. Thực tế với trẻ bị chậm nói đơn thuần, các kỹ năng vận động hay hành vi của con vẫn hoàn toàn bình thường. Can thiệp điều trị cho con từ giai đoạn sớm hoàn toàn có thể giúp trẻ khắc phục được các khiếm khuyết này và quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần là gì?

Trẻ chậm nói được chia làm hai nhóm chính bao gồm trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ. Trong đó chậm nói do tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa được đặc trưng bởi những khuyến khuyết về mặt ngôn ngữ, giao tiếp và các hành vi lặp lại vô nghĩa. Chậm nói, hạn chế về ngôn ngữ hoặc thậm chí là không nói trong những năm đầu đời là biểu hiện điển hình của tự kỷ.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Trẻ bị chậm nói đơn thuần dù có ngôn ngữ hạn chế, không chủ động trò chuyện nhưng vẫn có thể nghe và đáp ứng lại tương tác từ người khác

Trẻ chậm nói đơn thuần có thể hiểu là tình trạng trẻ chậm biết nói, chậm phát triển ngôn ngữ so với cột mốc phát triển bình thường của một đứa trẻ. Khác với chậm nói do tự kỷ, chậm nói đơn thuần có tiên lượng tốt hơn rất nhiều, chỉ cần giải quyết được căn nguyên gây bệnh, thường là liên quan đến một số vấn đề môi trường hay bệnh lý có thể điều trị được.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần thường rất dễ gây nhầm lẫn với trẻ tự kỷ do con thường gặp hạn chế về ngôn ngữ, lời nói và cũng không biết cách thể hiện các nhu cầu cá nhân bằng lời nói. Tuy nhiên nhóm trẻ này vẫn hoàn toàn có tương tác với người khác, có chú ý nếu được gọi tên, có thể thực hiện theo mệnh lệnh, giao tiếp được bằng mắt, kỹ năng vận động hay hành vi vẫn bình thường.

Một may mắn với tình trạng chậm nói đơn thuần chính là hoàn toàn có thể khắc phục được nếu điều trị và can thiệp đúng cách. Trẻ khi cải thiện được về ngôn ngữ, lời nói sẽ bắt đầu phát triển kỹ năng giao tiếp như bình thường, có thể đến trường lớp, học tập và sinh hoạt như những đứa trẻ khác mà không gặp bất cứ cản trở nào.

Dấu hiệu của trẻ chậm nói đơn thuần

Các biểu hiện của trẻ chậm nói cực kỳ dễ phát hiện bởi theo các cột mốc phát triển bình thường, ngay từ vài tháng đầu con đã bắt đầu bi bô, ê a để tương tác với cha mẹ; khi được 1 tuổi con đã nói được các từ đơn đơn giản; biết gọi cha mẹ; đến 2 tuổi trẻ cũng nói được các từ ghép, thậm chí nếu học nói nhanh cũng có thể nói được một câu trọn vẹn.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Trẻ không chủ động trò chuyện, không ê a, không nói được từ đơn khi đến 1 tuổi là một trong những dấu hiệu cần chú ý

Tất nhiên không nhất thiết các giai đoạn phát triển của trẻ phải giống nhau, có những trẻ biết nói nhanh hơn, cũng có trẻ học nói chậm hơn nhưng cơ bản con vẫn ê a, vẫn phát ra âm thanh, ngôn ngữ dù không rõ ràng. Việc trẻ phát triển quá chậm so với cột mốc trung bình của trẻ nhỏ là một điều rất đáng quan ngại mà phụ huynh cần phải chú ý.

Cụ thể, một số dấu hiệu của trẻ chậm nói đơn thuần như sau

  • Trẻ không ê a trong những tháng đầu đời hoặc đôi khi cũng không phát ra âm thanh nào
  • Trẻ từ 12- 18 tháng tuổi không nói được các từ đơn cơ bản như ba, ma, meo..
  • Trẻ không gọi được tên những đồ vật quen thuộc xung quanh dù đã được cha mẹ chỉ dạy
  • Trẻ 2 tuổi những vẫn có vốn từ vựng dưới 25 từ, không nói được các từ ghép đơn giản
  • Trẻ 3 tuổi không nói được một câu đơn giản với vài từ, phát âm khó khăn
  • Nhanh quên những từ đã được học, không nói tên được con vật hay đồ vật
  • Giọng nói có thể gặp vấn đề, khó nghe
  • Con không chủ động giao tiếp hoặc gặp khó khăn khi thể hiện nhu cầu bằng lời nói
  • Con có thể không lắng nghe, không nghe được cha mẹ nói gì nhưng vẫn thể hiện sự tương tác bằng ánh mắt
  • Trẻ chậm nói đơn thuần vẫn thích chơi với mọi người, tuy nhiên có thể không bắt nhịp kịp

Ngoại trừ những hạn chế về mặt ngôn ngữ, lời nói thì thực tế trẻ vẫn có thể phát triển bình thường. Con vẫn có thể vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi, vận động như bình thường mà không gặp khó khăn nào. Tuy nhiên có thể do hạn chế về giao tiếp nên một số trẻ có xu hướng thu mình hơn, khép kín hơn nên đôi khi dễ nhầm lẫn với chứng tự kỷ.

Nguyên nhân trẻ chậm nói đơn thuần

Yếu tố giúp phân biệt chính xác nhất giữa chậm nói đơn thuần bình thường và trẻ tự kỷ chính là thông qua nguyên nhân. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh có liên quan đến yếu tố bẩm sinh nên không thể khắc phục. Trong khi đó trẻ chậm nói đơn thuần thường có nhiều nguyên nhân liên quan đến các yếu tố tác động bên ngoài môi trường khiến con hạn chế giao tiếp nên mới khó phát triển lời nói.

Trẻ chậm nói đơn thuần có thể liên quan đến những nguyên nhân sau

Môi trường sống thiếu sự tương tác

Lời nói, ngôn ngữ cần được trau dồi từ từ qua từng ngày thông qua việc nói chuyện và giải thích bởi một người không thể vừa sinh ra đã biết nói, đã biết được tính chất, tên gọi của từng thứ. Do đó nếu một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường có sự hạn chế về mặt tương tác, giao tiếp, nói chuyện thì khả năng trẻ bị chậm nói là rất cao.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Nhiều trẻ chậm nói do thiếu sự tương tác của gia đình, chỉ ngồi chơi một mình với TV

Trẻ chậm nói đơn thuần do các yếu tố từ môi trường sống đang chiếm tỉ lệ rất cao hiện nay. Nhiều phụ huynh thường để con tự chơi một mình, bận rộn làm việc khác mà không lo trò chuyện với con, không đáp ứng với nhu cầu nói của con trong thời kỳ đầu sẽ khiến khả năng này dần suy giảm và dẫn tới chậm nói.

Đặc biệt, nhiều trẻ bị chậm nói đơn thuần chính bởi việc cha mẹ để con xem TV, điện thoại nhiều để con chịu ngồi yên, để con chịu ăn uống, đặc biệt khi bận rộn mà quên mất đi việc phải tương tác với con. Đây là tình trạng cực kỳ phổ biến hiện nay đặc biệt với những gia đình có cha mẹ trẻ, mới có con lần đầu và quá bận rộn. Việc cho trẻ xem một thứ gì đó khiến con chấp nhận ngồi yên lặng và dần phụ thuộc vào nó.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ không chỉ bị chậm nói mà còn bị rối loạn ngôn ngữ chính bởi xem TV, điện thoại các chương trình nước ngoài quá nhiều. Con đã bị chậm nói lại còn bị nhiễm những từ ngữ nước ngoài quá nhiều thành ra rối loạn, không thể hiểu và nói được ngôn ngữ nào.

Yếu tố tâm lý

Căng thẳng tâm lý, những cú sốc đột ngột hoặc một số bất ổn tâm lý khác hoàn toàn có thể khiến trẻ trở nên thu mình, mất đi ngôn ngữ và không muốn giao tiếp với ai. Khi mà trẻ từ chối giao tiếp cũng sẽ khiến cho khả năng ngôn ngữ, lời nói không được mở rộng và dẫn tới tình trạng chậm nói đơn thuần.

Chẳng hạn việc cha mẹ quá bỏ bê con, cha mẹ ly hôn, bạo lực hoàn toàn có thể trở thành yếu tố làm tăng nguy cơ chậm nói đơn thuần ở trẻ. Mặt khác nhiều trẻ được cha mẹ quá nuông chiều cũng dẫn tới  tình trạng trẻ lười biếng không muốn giao tiếp, không muốn nói chuyện. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều trẻ lớn đã có ý thức xung quanh dẫn tới mất ngôn ngữ, lời nói đột ngột.

Yếu tố bệnh lý

Việc trẻ nói khó nghe, không tương tác với lời gọi của cha mẹ hoàn toàn có thể liên quan đến các yếu tố bệnh lý tại tai – họng. Theo các chuyên gia nếu liên quan đến các yếu tố này và được phát hiện sớm, điều trị trước giai đoạn 5 tuổi thì hoàn toàn có thể giải quyết được nên cũng không cần quá lo lắng.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Trẻ gặp các vấn đề về thính giác có thể bị chậm nói vì không thể nghe hiểu

Một số bệnh lý có liên quan đến tình trạng chậm nói đơn thuần ở trẻ như

  • Trẻ bị dính thắng lưỡi khiến việc phát âm khó khăn, phát âm không rõ lời và con cũng cảm thấy khó chịu khi phát âm nên thường không muốn nói
  • Các vấn đề về vòm họng khác như dây hãm ngắn, hở hàm ếch cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị phát âm khó nghe và khó chịu khi nói
  • Trẻ gặp các vấn đề về thính giác như điếc, nhiễm trùng thính giác sẽ khiến trẻ bị hạn chế về khả năng nghe. Khi con không nghe được cũng dẫn đến việc trẻ không học hỏi, không tiếp thu được những người khác nói gì nên ngày càng chậm nói và chậm tương tác với người khác

Trẻ chậm nói đơn thuần có khắc phục được không?

Như đã nói, so với chậm nói do tự kỷ thì chậm nói đơn thuần có tiên lượng tốt hơn rất nhiều bởi hầu hết các trường hợp đều có thể khắc phục. Hầu hết đây chỉ là trạng thái tạm thời và nếu có hướng can thiệp sớm, trẻ hoàn toàn có thể biết nói, mở rộng vốn ngôn từ, giao tiếp và đi học như các bạn đồng trang lứa mà không gặp bất cứ vấn đề khó khăn nào khác.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Trẻ bị chậm nói đơn thuần không quá nguy hiểm và có thể khắc phục hoàn toàn nếu điều trị sớm

Tuy nhiên, chậm nói đơn thuần cũng có thể gây ra rất nhiều hệ lụy đến sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt nếu can thiệp điều trị quá muộn hoặc không đúng cách. Chẳng hạn

  • Trẻ hạn chế về mặt giao tiếp, tương tác, không thể hiện được các nhu cầu cá nhân của bản thân sẽ khiến cảm xúc bị kìm nén, dễ cảm thấy tức giận, bức bối, stress và tăng nguy cơ bị trầm cảm
  • Trẻ khi không thể giao tiếp, kết bạn sẽ dễ cảm thấy cô đơn, không hòa nhập được nên dần tự thu mình lại, sống nội tâm hơn
  • Kém về ngôn ngữ khiến trẻ kém học hỏi những thứ xung quanh, khó phát triển tư duy logic, học tập tiến bộ chậm chạp, đặc biệt với những trẻ chậm nói can thiệp điều trị quá muộn
  • Trẻ đến tuổi đi học vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn về lời nói, ngôn ngữ sẽ dễ không theo kịp bạn bè, không thể kết bạn, không thể kết bạn đồng thời rất dễ bị cô lập, bắt nạt

Cần biết rằng trẻ chậm nói đơn thuần sẽ không liên quan đến trí thông minh, tuy nhiên do mặt cản trở trong giao tiếp và ngôn ngữ sẽ khiến con bị hạn chế trong học tập và tiếp thu kiến thức. Do đó một số trẻ bị chậm nói thường bị đánh giá là kém thông minh, kém linh hoạt, đặc biệt nếu tham gia điều trị quá muộn.

Nói chung, trẻ chậm nói đơn thuần là tình trạng có thể khắc phục được nhưng nếu quá chậm trễ vẫn có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định. Đặc biệt điều trị quá muộn hoàn toàn có thể khiến trẻ không thể đến trường dù đã đến tuổi hoặc không thể theo kịp bạn bè nên cần phải thực sự thận trọng.

Hướng can thiệp cho trẻ chậm nói đơn thuần

Nhiều phụ huynh khi thấy trẻ chậm nói vẫn cho rằng con bình thường, bỏ mặc con hoặc cố gắng giao tiếp nhưng không hề đúng cách khiến tình trạng của con nghiêm trọng hơn. Khi thấy các dấu hiệu trẻ chậm nói, điều phụ huynh cần làm đầu tiên chính là đưa con đến bệnh viện thăm khám để biết chính xác nguyên nhân. Chỉ khi xác định được trẻ chậm nói đơn thuần hay do tự kỷ thì mới có thể đưa ra lộ trình phù hợp.

Trẻ chậm nói dù do bất cứ nguyên nhân nào thì việc điều trị cũng cần đi theo lộ trình lâu dài, đòi hỏi cả sự hỗ trợ từ bác sĩ và gia đình chứ không thể chỉ ngày 1 ngày 2 là có thể cải thiện. Do đó gia đình cần phải trao đổi thật kỹ với bác sĩ, các chuyên gia để có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Điều trị y tế

Nếu trẻ có liên quan đến các nguyên nhân bệnh lý gây chậm nói đơn thuần thì bắt buộc phải điều trị y tế để giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Hiện nay các phương pháp phẫu thuật dính thắng lưỡi, căng dây hàm khá phổ biến, an toàn nên phụ huynh hoàn toàn có thể đưa trẻ đi khám và thực hiện càng sớm càng tốt.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Điều trị các bệnh lý có liên quan là điều quan trong khi can thiệp cho trẻ chậm nói đơn thuần

Với các nguyên nhân nếu liên quan đến thính giác, đặc biệt là điếc thì việc điều trị có thể khó khăn hơn. Tuy nhiên bác sĩ cho biết nếu điều trị trước 5 tuổi vẫn có thể giải quyết được các vấn đề cho trẻ chậm nói đơn thuần. Hoặc trường hợp xấu nhất trẻ có thể phải đeo máy trợ thính để hỗ trợ khả năng nghe, khi con đã nghe được sẽ phát triển các khả năng nói và giao tiếp bình thường.

Nói chung các biện pháp điều trị y tế để khắc phục cho những tình trạng trẻ chậm nói đơn thuần hiện nay cực kỳ phổ biến và an toàn. Sẽ không có bất cứ loại thuốc nào có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hay lời nói mà cần phụ thuộc hoàn toàn vào những chỉ định từ bác sĩ chuyên môn nên cần cực kỳ chú ý.

Điều trị tâm lý

Như đã nói, nguyên nhân trẻ bị chậm nói đơn thuần có thể xuất phát từ gốc rễ là những bất ổn trong tâm lý, vì thế trẻ cần được gỡ rối trong tâm trí để lấy lại cảm xúc, nhận thức bình thường. Trị liệu cùng các chuyên gia vừa giúp trẻ tháo gỡ những ám ảnh tâm lý, thay thế những suy nghĩ nhận thức tiêu cực bằng những cảm xúc tích cực, đồng thời giúp trẻ có phương pháp học ngôn ngữ tốt hơn.

Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện để nắm bắt suy nghĩ, tâm lý của trẻ và giúp con hiểu rõ vấn đề bản thân đang gặp phải, định hướng các giải quyết và tháo gỡ các nút thắt trong tâm lý. Phương pháp này có thể được áp dụng cho những trẻ lớn hơn, có thể giao tiếp hoặc biểu hiện cơ bản bởi rất cần có sự tương tác và trao đổi giữa cả hai.

Mặt khác trẻ chậm nói đơn thuần cũng thường cảm thấy căng thẳng tâm lý, bức bối, tiêu cực bởi không thể hiện được các nhu cầu mong muốn cá nhân thông qua lời nói.  Nhà trị liệu cũng có thể giúp trẻ cải thiện một số khó khăn trong vấn đề này hoặc giúp trẻ ít nhất không trở nên quá kích động, bốc đồng khi không thể hiện được nhu cầu.

Tăng cường hoạt động giao tiếp, tương tác với trẻ

Phần lớn trẻ chậm nói đơn thuần đều bắt nguồn từ việc thiếu vắng tự tương tác trực tiếp, do đó muốn khắc phục tình trạng này thì cần phải tăng cường tương tác, trò chuyện và giao tiếp với con mỗi ngày. Phụ huynh cần tuyệt đối không để trẻ tự chơi một mình, xem TV hay điện thoại mà cần bổ sung tương tác, trò chuyện với con mọi lúc mọi nơi.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Hoạt động tương tác từ cha mẹ đóng vai trò lớn trong việc tăng cường bổ sung ngôn ngữ cho con

Chẳng hạn phụ huynh hay bắt đầu bổ sung ngôn ngữ cho con ngay từ những thứ đơn giản nhất chính là gọi tên những đồ vật, con vật xung quanh nhà. Sau đó hãy tập cho con giao tiếp, chủ động thể hiện các nhu cầu cá nhân bằng lời nói chứ không phải là chỉ trỏ hay la hét như trước. Khuyến khích trẻ nói ra, kiên nhẫn chờ đợi đến khi con nói ra mới bắt đầu thực hiện.

Một điều cần chú ý khi can thiệp điều trị cho trẻ chậm nói đơn thuần luôn cần chú ý nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, lặp lại và có hình ảnh minh họa trực quan nhất có thể. Phụ huynh nên kết hợp với những hình ảnh sinh động, đơn giản, có liên quan đến nội dung, chủ đề cần học để con có thể hiểu và ghi nhớ hiệu quả. Cố gắng hướng đến các nội dung mà con quan tâm cũng là cách giúp trẻ có hứng thú học hơn.

Sự giao tiếp tương tác từ gia đình, cha mẹ luôn là nền tảng quan trọng cần thiết để cải thiện cho trẻ chậm nói đơn thuần chứ không phải bất cứ biện pháp nào khác. Gia đình cũng nên đưa con tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá với tập thể, trực tiếp với thế giới bên ngoài để con tự tin, dạn dĩ, cởi mở và bắt đầu muốn tương tác, trò chuyện với mọi người hơn.

Cha mẹ cũng chú ý cần tạo sự tương tác, kết nối giữa cả hai, đặc biệt là luôn khen ngợi cho những cố gắng, những điều mà con đã đạt được. Đồng thời giúp con hòa nhập với cuộc sống, tăng sự linh hoạt, tương tác bằng những việc đơn giản như cùng rủ con làm việc nhà, rủ con cùng chơi một trò chơi nào đó cũng giúp ích rất nhiều cho trẻ.

Trị liệu ngôn ngữ cá nhân khi cần thiết

Thường thì với các trường hợp trẻ chậm nói đơn thuần không cần phải tham gia trị liệu ngôn ngữ cá nhân, tuy nhiên nếu trẻ được điều trị quá chậm, đến 2- 3 tuổi vẫn chưa biết nói thì nên tham khảo cho con tham gia. Các liệu pháp cá nhân sẽ giúp trẻ nhận thức về ngôn ngữ, lời nói, phát âm chính xác và có thể ghi nhớ, học hỏi hiệu quả nhất.

Ngữ âm trị liệu, phương pháp ABA, phương pháp TEACH.. là những phương pháp nổi bật để phát triển khả năng ngôn ngữ, nhận thức, gia tăng thêm vốn từ cho trẻ. Tùy độ tuổi, mức độ của trẻ chậm nói đơn thuần bác sĩ cũng có thể chỉ định điều trị bằng âm nhạc, trò chơi và một số phương pháp khác.

Đưa trẻ đi học

Đi học chính là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để trẻ phát triển về ngôn ngữ, lời nói và cải thiện các vấn đề giao tiếp có hiệu quả. Trẻ chậm nói đơn thuần vẫn cực kỳ thích chơi cùng bạn bè, khi con đến trường sẽ có cơ hội được giao lưu nhiều hơn, em muốn được nói chuyện, từ đó kích thích trạng thái học hỏi ngôn ngữ để chủ động chơi cùng bạn bè.

Trẻ bị chậm nói đơn thuần
Trẻ được vui chơi, học tập cùng các bạn đồng trang lứa sẽ thích nói chuyện và giao tiếp hơn

Mặt khác ở những giai đoạn mẫu giáo, lớp 1 trẻ cũng bắt đầu được học ngôn ngữ cơ bản, từ từ nên con vẫn có thể theo kịp dù vốn từ chưa quá nhiều. Nếu mức độ chậm nói của con không quá nghiêm trọng phụ huynh có thể cho trẻ đi học các lớp mẫu giáo sớm cũng có thể mang đến những cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên trong trường hợp vốn từ của trẻ quá ít, trẻ gặp vấn đề trong việc phát âm, dùng từ ngữ, khó ghi nhớ thì gia đình có thể xem xét cho trẻ học trong các môi trường chuyên biệt. Tại đây sẽ có các giáo viên hỗ trợ trẻ học về ngôn ngữ, phát triển lời nói cũng như tăng cường giao tiếp hiệu quả. Trẻ được học tập trong môi trường phù hợp, văn minh sẽ phát triển ổn định trở lại.

Phụ huynh có thể để trẻ chậm nói đơn thuần học tập tại các trường chuyên biệt trong giai đoạn đầu, sau khi con đã ổn định thì tham gia lại với môi trường giáo dục bình thường. Khi con đã ổn định về mặt ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp sẽ dễ hòa nhập với cuộc sống hơn, hạn chế tình trạng con bị bạn bè cô lập hay bắt nạt.

Trẻ chậm nói đơn thuần mặc dù không phải vấn đề nguy hiểm nhưng nếu không điều trị vẫn sẽ gây ra rất nhiều hạn chế trong quá trình phát triển toàn diện và giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường. Tăng cường các biện pháp trò chuyện với trẻ, hướng dẫn trẻ tương tác nhiều hơn, khuyến khích và bổ sung ngôn ngữ cho trẻ ngay trong chính các hoạt động hằng ngày sẽ mang đến nhiều thay đổi tích cực cho con.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *