Bạo hành trẻ em: Nguyên nhân, thực trạng và giải pháp khắc phục

Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay vẫn đang rất nhức nhối và không ngừng gia tăng. Trong đó có đến hơn 70% trường hợp bạo hành trẻ em diễn ra trong chính gia đình gây ra những hệ quả thương tâm. Cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ trẻ em, nâng cao hình phạt với những kẻ bạo hành để sớm ngăn chặn vấn đề này.

Thực trạng bạo hành trẻ em trong gia đình tại Việt Nam

Trẻ em luôn là một trong những đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu ở bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả Việt Nam, thế nhưng những hành vi bạo hành trẻ em hiện nay vẫn đang xảy ra hằng ngày. Trong những năm gần đây, mặc dù việc tuyên truyền về các quyền bảo vệ trẻ em, Luật trẻ em đã được ban bố rộng rãi hơn, đẩy mạnh hơn nhưng đáng buồn là tình trạng trẻ bị hành hạ vẫn đang ở mức đáng báo động.

vấn đề bạo hành trẻ em
Bạo hành trẻ em đang là một trong những vấn nạn gây nhức nhối hiện nay, với thực trạng ngày càng tăng và mức độ nghiệm trọng cao

Mỗi năm, số ca bạo hành trẻ em đưa công khai rộng rãi trên truyền thông chỉ là hàng chục. Tuy nhiên thực tế, con số này có thể là hàng trăm, hàng ngàn ca. Câu chuyện bảo mẫu kẹp đầu, tát vào mặt bé 3 tháng tuổi hay chuyện giáo viên trường mầm non dốc ngược bé 4 tuổi vào máy vặt lông gà xảy ra năm 2017 đến nay vẫn còn khiến nhiều người bàng hoàng khi nghĩ đến.

Hay ngay trong năm 2022, vụ việc bé gái N.T.V.A bị mẹ kế bạo hành đến mức ngưng tuần hoàn tim, phổi và bé  Đ.N.A  3 tuổi bị người tình của mẹ bạo hành dã man, thậm chí đóng đinh vào đầu đến giờ vẫn còn gây rúng động dư luận một thời gian dài vì tính chất nguy hiểm, tàn ác. Càng ngày, các hành vi bạo hành trẻ em lại càng có xu hướng man rợ hơn, thậm chí được thực hiện một cách công khai.

Một điều đáng buồn chính là người thực hiện các hành vi bạo hành trẻ không phải chỉ là người ngoài mà có đến hơn 70% là thành viên trong gia đình, chính là cha mẹ ruột, ông bà hay chú bác ruột của các con. Vụ việc người mẹ ở Hải Dương hành hạ con ruột 6 tuổi từ năm 2021 khiến con bị thương tích và nhập viện trong trạng thái hoảng loạn đã khiến cho nhiều người không khỏi đau xót. Đồng thời trong các vụ cha dượng, mẹ kế hành hạ thì chính cha mẹ ruột cũng là người tiếp tay, làm lơ để những kẻ này tiếp tục thực hiện các hành vi xấu xa của mình.

Thống kê từ Tổng Đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), sau hơn 17 năm hoạt động đã tiếp nhận được trên 4,5 triệu cuộc gọi đến để nhờ giúp đỡ cho hơn 2.700 trẻ em bị bạo lực. Trung bình mỗi ngày nơi đây có thể thực hiện tư vấn đến 100 cuộc gọi có liên quan đến nạn bạo hành hay xâm phạm quyền trẻ em.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ riêng trong năm 2020 đã có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện và xử lý. Tỷ lệ này trong năm 2021 con số này cũng có xu hướng tăng dần lên ảnh hưởng của dịch Covid 19, trẻ có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn. Bởi vậy thời điểm này Tổng đài 111 có thời điểm phải tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi/ tháng của những trẻ trong độ tuổi từ 11- 18.

Đây đều là những con số cực kỳ đáng báo động cần các đơn vị có thẩm quyền sớm đưa ra biện pháp giải quyết. Trẻ em là mầm non của đất nước, là những thành viên cốt cán để xây dựng một đất nước giàu đẹp, phát triển vững mạnh. Bạo lực trẻ em không chỉ đơn giản là tác động đến sức khỏe, tinh thần một cá nhân mà gây tác động trực tiếp đến cả xã hội.

Các hành vi bạo lực trẻ em hiện nay là gì?

Các hành vi bạo lực trẻ em không chỉ là đánh đập, hành hạ về thể xác mà còn bao gồm cả việc cưỡng ép, kiểm soát, hành vi làm tổn thương về mặt tâm lý của trẻ. Những ám ảnh từ thời thơ ấu có thể kéo dài đến hiện tại lẫn tương lai, tác động tiêu cực đến cả sức khỏe và tinh thần của con nên cần sớm được phát hiện và đẩy lùi các hành vi mang tính chất bạo hành này.

thực trạng bạo hành trẻ em
Đánh đập, hạ nhục danh dự hay xâm phạm thân thể đều chính là hành vi bạo hành trẻ em

Cụ thể, một số hành vi được coi là bạo hành trẻ em như

  • Đánh đập, bạo lực về thể tác trẻ như cấu, véo, dùng roi, trói hoặc hành vi làm tổn hại về thân thể
  • Ngược đãi không cho trẻ ăn uống, ngủ hay sinh hoạt đúng với lứa tuổi
  • Xâm hại về thân thể hay không có các hành vi can thiệp khi trẻ bị xâm hại
  • Chửi mắng, lăng mạ, hạ nhục nhân phẩm hay thường xuyên gây áp lực về tâm lý cho trẻ
  • Cô lập trẻ, không cho trẻ tiếp xúc với môi trường ngoài xã hội hay học tập
  • Ép trẻ làm các công việc quá sức, không phù hợp như ép con đi ăn xin, trộm cắp..
  • Không cho trẻ đến bệnh viện khi sức khỏe có vấn đề
  • Cố ý bỏ rơi trẻ em
  • Ép trẻ phải nghỉ học hay bỏ học

Nguyên nhân gây ra vấn nạn bạo hành trẻ em hiện nay

Bạo hành trẻ em dù với bất cứ nguyên nhân nào cũng không được chấp nhận. Giáo dục đúng cách và sử dụng bạo lực là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, tuyệt đối không được đánh đồng. Mặt khác trên thực tế, việc sử dụng đòn roi vào giáo dục cũng đang bị lên án rất nhiều hiện nay nên tuyệt đối không thể đổ lỗi cho các lý do này.

Ảnh hưởng từ lối giáo dục “thương cho roi cho vọt”

Theo thống kê từ Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), có đến 71% trẻ từ 1 đến 4 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực, đòn roi. Tuy nhiên các gia đình luôn cho rằng làm như vậy để con nên người, để con biết nghe lời. Điều này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lối giáo dục “thương cho roi cho vọt” đã được thấm nhuần vào tư tưởng của rất nhiều người và được lưu truyền từ rất nhiều đời này.

nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em
“Thương cho roi cho vọt” là một trong những tư tưởng cũ cần được loại bỏ dần

Không hiếm để bắt gặp trong nhiều gia đình có những chiếc roi để “dạy dỗ” nếu con hư, thậm chí trên một số sàn thương mại điện tử còn bán các sản phẩm với tên như “roi mây dạy dỗ trẻ”. Đáng nói là có đến 70% trường hợp bạo lực trẻ em được gây ra bởi chính người thân trong gia đình. Bản thân người lớn cũng thường cho rằng phải dùng đòn roi dạy dỗ thì con mới nên người, con mình mình đánh, mình dạy thì không được tính là bạo hành.

Hoàn cảnh gia đình đặc biệt

Bạo hành trẻ em hầu hết xuất hiện ở những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, gia đình không đầy đủ, gia đình không hạnh phúc. Cũng chính do sống trong hoàn cảnh này nên đa phần trẻ khi bị bạo hành thường không dám phản kháng mà thường cố gắng chịu đựng.

Chẳng hạn

  • Sống với cha/ mẹ đơn thân: hầu hết khi sống với cha mẹ đơn thân mà bị bạo lực chủ yếu xuất hiện ở những người có dân trí thấp, người thiếu hiểu biết về xã hội đồng thời, việc nuôi con một mình thường do đối phương phản bội, bỏ đi, có người mới.. Áp lực từ việc chăm sóc con một mình kết hợp với những thù hằn với người cũ khiến những người này trút giận lên chính những người con của mình.
  • Có thêm cha dượng, mẹ kế: đây là một trong những tình huống dễ gây ra bạo lực gia đình nhất. Có rất nhiều vụ mẹ kế, cha dượng đánh đập, hành hạ con riêng mà cha mẹ ruột không hề hay biết, thậm chí đáng buồn hơn là biết nhưng làm lơ. Tâm lý những người cha dượng, mẹ kế thường có phần ghen tị, tức giận với người trước; đồng thời họ cũng sợ người con chung sau này bị thiệt thòi hơn nên thường hành hạ con riêng để “giải tỏa” tâm lý xấu xa của mình.
  • Không sống với cha mẹ mà sống cùng ông bà, họ hàng: với một số người có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa nên phải gửi con ở quê để sống cùng họ hàng như cô dì chú bác hay ông bà. Dù được gia đình gửi tiền về nhưng có những người vẫn cho rằng con là gánh nặng nên thường xuyên bắt ép làm việc quá sức, thậm chí đánh con mỗi khi có vấn đề tức giận.
  • Gia đình có kinh tế khó khăn: áp lực cuộc sống, áp lực từ việc chăm sóc gia đình khiến những người trụ cột cảm thấy mệt mỏi nhưng khi ra ngoài lại không thể giải tỏa nên thường chọn cách trút giận vào gia đình, con cái. Họ có thể có tâm lý chính vì có con mà cuộc sống của họ mới khó khăn như thế này nên mỗi khi gặp khó khăn trong các công việc bên ngoài mới chọn cách về la mắng, đánh đập và hành hạ con. Bạo lực gia đình chính là xuất phát từ những vấn đề này.
  • Không được đi học mà phải đi lao động tự kiếm sống: có những đứa trẻ bị bỏ rơi nên bị những kẻ xấu ép đi ăn xin, đi cướp giật.. Hoặc có những đứa trẻ yếu đuối, không có gia đình, không đủ học thức nên thường bị những kẻ xấu bóc lột sức lao động, làm việc quá sức nhưng trả lương rất ít bởi chúng biết rằng sẽ chẳng có ai đứng ra bảo vệ con
  • Cha mẹ đầy đủ nhưng vướng vào tệ nạn xã hội: ở những gia đình có cha mẹ đầy đủ nhưng dân trí thấp, nghiện ngập cờ bạc, ma túy, hút chích, cá độ.. cũng thường là những đối tượng bạo hành với chính con cái của mình

Đặc biệt với những trẻ bị bạo hành trong các môi trường sống độc hại, tiêu cực hay phải đi làm thuê thường được phát hiện rất muộn do những người xung quanh không thông báo, chỉ khi con rơi vào tình trạng nguy kịch thì mới được các cơ quan chính quyền giải quyết.

Tuy nhiên cần hiểu rằng, đứa trẻ nào sống trong hoàn cảnh gia đình này cũng bị bạo lực. Có rất nhiều đứa trẻ trưởng thành trong vòng tay yêu thương của ông bà, được chăm sóc và dạy dỗ thành người từ chính những người cha dượng, “dì ghẻ”. Vì thế không thể đánh đồng tất cả các trường hợp này.

Pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa chặt chẽ

Trẻ em luôn là đối tượng luôn được đề cao bảo vệ ở khắp mọi đất nước trên toàn thế giới, tuy nhiên pháp luật Việt Nam  về quyền bảo vệ trẻ em vẫn còn rất nhiều khoảng trống, lỗ hổng, thiếu các chế tài đủ sức răn đe. Việc thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về các hành vi bạo lực trẻ em hay việc phải chịu trách nhiệm trước phạm luật. Do đó các hành vi này vẫn xảy ra ngày càng nhiều.

vấn nạn bạo hành trẻ em do đâu
Rất nhiều trường hợp bạo lực trẻ em được gây ra bởi những người trong gia đình đều bị bỏ qua

Đặc biệt với các trường hợp người gây ra các hành vi hành hạ trẻ chính là cha mẹ thì họ thường vin vào lý do là mình chỉ đang dạy dỗ con, thương phải cho roi cho vọt thì sao được tính là bạo hành. Những người xung quanh khi nhìn thấy cũng chỉ cho rằng gia đình đó đang dạy con bình thường, cha mẹ dạy con thì sao có thể vi phạm pháp luật.

Mặt khác những quy định về bảo vệ trẻ em hay người tố giác vẫn chưa được ban hành phổ biến rộng rãi. Những đứa trẻ thường tự tố giác đang bị bạo hành cũng thường nằm trong nhóm từ 11- 18 tuổi, trong khi đó nhóm dưới 11 tuổi là rất ít bởi học chưa nhận thức được các hành vi của người lớn đồng thời cũng chưa đủ năng lực để xử lý các tình huống này.

Có những trường hợp sau khi phát hiện bạo hành con cái được chính những người con tố giác nhưng vì là cha mẹ nên những người này chỉ bị nhắc nhở, phạt hành chính rồi cho về nhà. Thời gian sau đó của những người con mới thực sự là “địa ngục” vì bị hành hạ mỗi ngày, bị cô lập không cho ra ngoài vì dám đi báo cáo cha mẹ. Những đứa trẻ này khi bị đàn áp tinh thần đã không còn dám “kêu cứu” và chịu sự bạo hành đến kiệt quệ.

Sự vô tâm của người lớn

Tâm lý người lớn đều rất sợ phiền phức, ngại đụng chạm, không thích soi mói đến vấn đề của người khác. Rất nhiều trường hợp bạo hành trẻ em trong một gia đình dù được những người hàng xóm xung quanh biết, nghe tiếng la hét kêu cứu của con mỗi ngày nhưng không ai tố giác. Phần vì mọi người sự bị cho là nhiều chuyện, “lo chuyện bao đồng”.

Mặt khác khi là nhân chứng những người này thường bị gọi ra tòa hay đến các trụ sở công an để làm việc, viết tường trình hay thậm chí ra tòa làm chứng. Ai cũng muốn mình trở thành người tốt nhưng lại rất sợ phần phiền phức và sợ bị trả thù nên thường trốn tránh. Các chế tài về bảo vệ nhân chứng ở nước ta vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, đủ sức răn đe nên tâm lý e ngại này là điều khó tránh khỏi.

Một số nguyên nhân khác dẫn đến bạo hành trẻ em hiện nay

Đối tượng gây ra các hành vi bạo lực trẻ em có thể là bất cứ ai từ cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo hay những người chỉ vừa lớn hơn con vài tuổi nhưng có sức mạnh lớn hơn. Dù là bất cứ nguyên nhân nào nhưng không thể phủ nhận nhưng người gây ra các hành vi này thường có xu hướng bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết các nhu cầu, cảm xúc cá nhân. Dần dần khi các cảm xúc này không thể kiểm soát thì các hành vi bạo hành trẻ em cũng dần nghiêm trọng hơn.

bạo hành trẻ em do tư tưởng trọng nam khinh nữ
Rất nhiều bé gái bị cha mẹ hành hạ, không cho đi học chỉ vì là con gái

Một số yếu tố khác cũng liên quan đến bạo hành trẻ em như

  • Phân biệt bình đẳng giới: tỷ lệ trẻ em bị bạo hành thường là bé gái khá cao do tâm lý “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ở rất nhiều nơi. Bé gái thường bị ép nghỉ học sớm, làm việc nhà, cưỡng ép lập gia đình sớm…
  • Ảnh hưởng từ môi trường sống: có những trường hợp người gây ra bạo hành trẻ em chỉ ở độ tuổi 18 đôi mươi nhưng do ảnh hưởng bởi lối giáo dục tiêu cực của gia đình, của xã hội khiến nhân cách trở nên dị dạng, thiếu đúng đắn. Chúng có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, hiếp đáp những kẻ yếu sức hơn để “giải trí” và để đạt được những điều mình mong muốn.
  • Áp lực trong cuộc sống: những câu chuyện về việc giáo viên mầm non đánh học sinh, bảo mẫu hành hạ trẻ đều một phần xuất phát từ áp lực cuộc sống. Tất nhiên không thể đổ lỗi hoàn toàn cho áp lực cuộc sống, tuy nhiên khi tinh thần lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi rất dễ đến những cảm xúc tiêu cực, những hành vi bốc đồng mà ngay chính chúng tay đôi khi cũng không thể kiểm soát, chỉ là hành vi giải tỏa cảm xúc của những người này không phù hợp với đạo lý con người.

Bạo hành trẻ em gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Bạo hành trẻ em không chỉ là vấn đề gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến bản thân các con mà còn liên quan đến toàn xã hội. Một gia đình bạo lực sẽ khiến những đứa trẻ tiếp theo được ra đời cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xu hướng bạo lực này. Một xã hội chỉ toàn bạo lực sẽ chỉ thụt lùi chứ không thể nào phát triển và thành công được.

Hệ lụy nghiêm trọng của vấn đề bạo hành trẻ em
Rất nhiều đứa bé đã phải ra đi sau một thời gian dài bị hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác

Một đứa trẻ phải lớn lên trọng bạo lực thì tinh thần không thể tích cực mà luôn tích tụ rất nhiều điều tiêu cực, dễ biến dạng về nhân cách, nhận thức. Chúng thường cho rằng chỉ có dùng bạo lực mới có thể giải quyết tất cả hoặc hình thành tâm lý dễ bị đàn áp, không dám phản kháng, chỉ biết chịu đựng mà không dám lên tiếng, dễ rơi vào những tệ nạn xã hội xấu xa.

Những vết thương trên thể xác thì có thể nhìn thấy nhưng những vết thương trong tâm hồn thì chỉ một mình con mới biết nó đau khổ và đáng sợ đến thế nào. Những cơn ác mộng, sự lo lắng, ám ảnh khiến rất nhiều đứa trẻ mắc các vấn đề tâm lý – tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc thậm chí là các bệnh thần kinh khác. Cảm xúc trở nên dị dạng khiến con có các hành vi bốc đồng, chẳng hạn như tấn công nhưng kẻ đã sử dụng bạo lực với mình.

Đáng buồn hơn, có rất nhiều đứa trẻ bị bạo lực đến nỗi mất mạng, chỉ khi con đã không còn trên cuộc sống mới được phát hiện. Nhìn những vết thương, vết bầm tím, những vết sẹo chằng chịt trên người những đứa trẻ mới chỉ 3 tuổi, 5 tuổi khiến không ai là không khỏi đau lòng.

Cần làm gì khi phát hiện vấn nạn bạo hành trẻ em?

Rất nhiều trường hợp nạn nhân của bạo hành trẻ em rơi vào tình trạng nguy kịch, phải đến cấp cứu tại bệnh viện thì vụ việc mới được phát hiện và đưa ra ánh sáng. Trong thực tế tình trạng này còn rất nhiều, gấp hàng chục, hàng trăm lần số trường hợp được đưa ra dư luận. Hơn hết trẻ em khi đã bị bạo hành từ nhỏ thường chỉ biết chịu đựng, dần mất đi khả năng phản kháng đồng thời có thể bị cô lập với xã hội nên rất ít trường hợp người báo cáo là chính là nạn nhân.

nên làm gì khi phát hiện trẻ bị bạo hành
Hãy gọi ngay cho đường dây nóng 111 nếu phát hiện có bạo hành trẻ em

Nếu là người phát hiện trẻ bị bạo hành kể cả trong gia đình hay bất cứ môi trường nào, bạn cần nhanh chóng thông báo cho đơn vị chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn xử lý. Hoặc nếu không muốn lộ danh tính bạn có thể gọi cho đường dây nóng 111 để cung cấp thông tin về các trường hợp bị bạo hành hay nghi ngờ bạo hành. Các cơ quan chức năng có thể liên hệ, tìm cách thu thập bằng chứng để đưa ra pháp luật nếu có dấu hiệu nghiêm trọng.

Gia đình nếu thấy người thân mình là nạn nhân của bạo lực trẻ em, gia đình bên cạnh việc báo cáo lên chính quyền địa phương và các đơn vị có thẩm quyền thì còn cần xoa dịu tâm trí, đưa trẻ đến các trung tâm trị liệu để phục hồi tâm lý, tránh các hệ lụy về lâu dài cho những tổn thương tinh thần gây ra. Vết sẹo trên cơ thể thì có thể mờ nhưng nỗi đau trong tâm hồn thì còn mãi, có thể bùng cháy lên bất cứ lúc nào.

Rất nhiều đứa trẻ sau một thời gian bị bạo hành đã gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội thường ngày, khó hòa nhập, sợ người, ảnh hưởng đến cả quá trình hình thành và phát triển nhân cách trong tương lai. Do đó ngay khi phát hiện các trường hợp trẻ bị bạo hành cần có các biện pháp xử lý song song với phục hồi sức khỏe, tâm lý để con có môi trường phát triển tốt nhất.

Giải pháp khắc phục thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay

Bạo hành trẻ em chính là vấn đề gây nhức nhối cần được cả xã hội chung tay giải quyết từ ngay bây giờ. Một cá nhân không thể nào có thể chống lại nạn bạo hành mà cần có sự hỗ trợ của cả xã hội, các đơn vị có thẩm quyền, pháp luật Việt Nam.

Thực tế có rất nhiều cơ quan đang thực hiện các công tác bảo vệ trẻ em nhưng sự kết nối, phối hợp lại chưa chặt chẽ dẫn tới rất nhiều lỗ hổng, thậm chí có những trường hợp đã phát hiện nhưng lại không có hướng xử lý đúng cách kịp thời dẫn đến những sự cố đáng tiếc khác. Thậm chí có những trường hợp đã được báo cáo nhưng công tác xử lý không được tiến hành và chỉ khi vụ việc bị phát hiện, dư luận lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc.

khắc phục thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay
Mỗi người đều cần nâng cao tinh thần chung tay phòng chống bạo hành trẻ em

Một số quy định về Quyền và luật bảo vệ trẻ em hiện này như sau

Căn cứ Điều 52, 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu cha mẹ, ông bà hay những người thân trong gia đình có hành vi bạo hành trẻ em nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt hành chính như sau

  • Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng nếu có các hành vi như đánh đập gây thương tích; lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
  • Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu có sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích.
  • Phạt tiền từ 20- 25 triệu nếu có hành vi cố ý bỏ rơi hay ép trẻ lao động quá sức
  • Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng khi không can thiệp khi phát hiện trẻ bị xâm hại.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi và các chính sách bảo vệ trẻ em, bảo vệ nhân chứng tố giác các trường hợp bạo hành trẻ em cũng là điều cực kỳ cần thiết. Ngoài ra việc cung cấp các số điện thoại đường dây nóng giúp tố giác bạo hành cũng cần được thực hiện rộng rãi hơn ở mọi địa phương, kể cả những nơi có mạng lưới công nghệ thông tin chưa được phát triển.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tích cực xây dựng các chương trình tuyên truyền và vun đắp tinh thần tương thân tương ái, khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam trong đó lấy đạo đức, lễ nghĩa làm trọng. Thực hiện mạnh tay loại bỏ các văn hóa phẩm đồi trụy, đề cao sự bạo lực, các hành vi không đúng với luôn thường đạo lý để hạn chế cho người dân tiếp xúc với các tư tưởng thiếu tính nhân văn.

Việc hạn chế và kiểm soát được việc sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích hay dẹp các sòng bài bạc, cá độ cũng góp phần giảm bạo lực cho rất nhiều gia đình. Khi sử dụng các chất này tinh thần dễ trở nên kích động nên không kiểm soát được bản thân và dễ xuất hiện các hành vi mang tính bạo lực hơn.

Nhà trường cũng cần tham gia vào việc phòng tránh bạo hành trẻ em thông qua tuyên truyền, hướng dẫn các em cách tự bảo vệ mình, cách lên tiếng nếu đang là nạn nhân. Ngoài ra chính các thầy cô giáo cũng là người gần gũi với các con, nếu phát hiện thấy con có dấu hiệu bị bạo hành chẳng hạn như tay chân thâm bầm, dễ hoảng loạn, hay bị thương..

Khắc phục và phòng tránh bạo hành trẻ em còn là nhiệm vụ của các đơn vị địa phương. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về quyền và luật bảo vệ trẻ em mà còn cần triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát các hộ gia đình có liên quan đến tệ nạn, có trẻ em để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Bạo hành trẻ em không có bất cứ nguyên nhân nào là được chấp nhận, kể cả dùng để giáo dục cũng cần thực hiện đúng cách, tuyệt đối không nên đưa bạo lực vào. Bản thân mỗi chúng ta cũng cần nâng cao tinh thần tích cực bài trừ cái xấu, dũng cảm lên tiếng và báo cáo nếu phát hiện các trường hợp bạo hành trẻ em xung quanh.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *