Giáo dục giới tính cho trẻ: Ba mẹ chủ động – Con an toàn
Chương trình “Tâm An Sống Khỏe số 5” với chủ đề: “Giáo dục giới tính cho trẻ – Ba mẹ chủ động – Con an toàn”, với sự tham gia của Chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Dương Thị Thu Hà và Tiến sĩ Giáo dục Đinh Thanh Tuyến, Giảng viên khoa Giáo dục mầm non – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã mang đến những kiến thức chuyên sâu về vấn đề giáo dục giới tính, phương pháp hỗ trợ các bậc phụ huynh đồng hành cùng con trẻ trong vấn đề tự bảo vệ bản thân mình.
Chương trình “Tâm An Sống Khỏe” do Trung tâm Tâm lý NHC Việt Nam tài trợ và tư vấn chuyên môn với mong muốn mang đến cho quý vị và các bạn những kiến thức hữu ích về sức khỏe tâm trí và những vấn đề tâm lý của con người trong xã hội hiện nay.
1. Hậu quả của quan hệ sớm, mang thai, nạo phá thai, bị xâm hại tình dục
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Số trẻ em bị xâm hại qua các năm qua có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Thống kê của Hội Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở tuổi 15 – 19, trong đó 60 – 70% là học sinh, sinh viên. Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng.
Dù là trẻ bị xâm hại hay trẻ yêu sớm, quan hệ sớm dẫn đến mang thai đều có thể để lại những hậu quả rất nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần, nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ, thậm chí là cả đứa con của trẻ.
Theo Tiến sĩ giáo dục Đinh Thanh Tuyến, hậu quả của quan hệ sớm, mang thai, nạo phá thai, bị xâm hại tình dục ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ vô cùng nghiêm trọng. Tiến sĩ cũng cho biết thêm:
Sức khỏe sinh sản là một phần quan trọng của sự phát triển xã hội loài người, đặc biệt là duy trì giống nòi. Vì vậy cần xác định rõ, khi nào là khoảng thời gian phù hợp để chúng ta thực hiện thiên chức thiêng liêng này. Theo nhiều nghiên cứu, độ tuổi trung bình có thể thực hiện chức năng này tốt nhất là từ 21 – 35 tuổi đối với nữ.
Vì vậy, nếu các bạn gái đang rơi vào các trường hợp như quan hệ sớm, nạo hút thai, mang thai ngoài ý muốn hoặc bị xâm hại sẽ để lại nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất.
Tiến sĩ giáo dục Đinh Thanh Tuyến chia sẻ: “Khi những cơ quan trong cơ thể đảm nhận chức năng sinh nở đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, nếu mang thai ngoài ý muốn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, ví dụ như sảy thai, sinh non hoặc tử vong cho cả mẹ và con nếu sức khỏe không đảm bảo.”
Một nguy cơ khác đến từ việc có thai ngoài ý muốn chính là không muốn giữ thai, cùng với cảm giác xấu hổ, các bạn sẽ tìm đến những cơ sở không an toàn để nạo, hút thai. Những sự cố có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện thủ thuật này: Sót rau, băng huyết, nhiều lần có thể khiến thành tử cung mỏng đi hoặc bị thủng, tiềm ẩn nguy cơ hiếm muộn, vô sinh,… Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân các bạn gái mà còn là giống nòi.
Còn về mặt tâm lý và sức khỏe tinh thần, theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà:
Việc bị xâm hại hay mang thai sớm ngoài ý muốn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ, thậm chí là cả cuộc đời. Trước hết, nếu rơi vào tình trạng này các bạn sẽ có cảm giác sợ hãi, hoang mang, hoảng loạn và cảm thấy mọi thứ như sụp đổ, không biết bám víu vào đâu. Các bạn thậm chí còn quay ra trách móc mình và có xu hướng tự làm hại bản thân, cảm thấy sợ hãi mọi người xung quanh, đặc biệt là người khác giới.
Chuyên gia Dương Thị Thu Hà là người có chuyên môn rất cao và bề dày kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tâm lý trị liệu. Chuyên gia cho biết:
Bản thân tôi đã từng tham vấn và trị liệu cho nhiều bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên, gặp nhiều trường hợp quan hệ sớm, bị xâm hại dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, đây là điều vô cùng đau xót. Đã có những trường hợp bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình, khi tâm sự với cha mẹ lại không được tin tưởng, đồng cảm dẫn đến tâm lý bất ổn trong nhiều năm liền. Thậm chí, điều này còn để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và đặc biệt là hôn nhân sau này.
Ngoài ra, nếu quyết định sinh con và lập gia đình trong độ tuổi vị thành niên cũng để lại nhiều gánh nặng cho cả bản thân bố mẹ trẻ, gia đình và xã hội. Những áp lực cần phải đối mặt khi xây dựng gia đình trong độ tuổi đi học, lúc chưa có công việc hay nguồn thu nhập ổn định quá lớn, điều này có thể dẫn đến những tổn thương hay rối loạn tâm thần, trầm cảm, thậm chí là tự sát.
Bên cạnh đó, vấn đề này có thể kéo theo những vấn nạn bạo lực gia đình, trật tự xã hội và các tệ nạn xã hội gia tăng. Những đứa trẻ trưởng thành trong gia đình có bố mẹ trẻ không được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết có thể sẽ không có cơ hội đến trường và phải trải qua cuộc sống điều kiện thiếu thốn.
2. Vai trò của gia đình trong việc giáo dục giới tính cho trẻ
Theo Tiến sĩ giáo dục Đinh Thanh Tuyến:
Đầu tiên phải khẳng định gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho trẻ. Đã từng có câu nói, một người mẹ tốt hơn một người thầy tốt. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn rộng ra, người mẹ ở đây còn là người cha hay những người thân trong gia đình, là những người đầu tiên có thể giáo dục về giới và giới tính cho trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Bởi cha mẹ là người có cơ hội gần gũi với con, được gắn bó với con trên nhiều phương diện và là người trực tiếp giám hộ con về mặt pháp luật. Vì vậy, việc giáo dục giới tính cho trẻ thuộc trách nhiệm của gia đình mà cha mẹ không thể chối bỏ được.
Cũng theo Tiến sĩ Đinh Thanh Tuyến:
Ai cũng nghĩ vấn đề về giới và giới tính là vô cùng nhạy cảm, người lớn tự cho mình quyền chỉ nói điều tế nhị này với nhau mà không muốn trẻ được biết. Tuy nhiên là một người nghiên cứu về giáo dục mầm non, bản thân tôi nhận thấy nội dung về giáo dục giới và giới tính thực tế đã diễn ra từ giai đoạn này. Lý do là trẻ có khả năng nhận biết rất tốt, con có giác quan và có thể nhận biết được hình ảnh người cha, người mẹ trong gia đình của mình như thế nào. Vì vậy, một cách không chính thức là trẻ đã học từ khi lọt lòng, chính thức là đến trường mầm non được các thầy cô đưa vào nội dung giảng dạy, học tập.
Nguyên tắc giải thích của chúng ta là thực tế, trung thực và khoa học, không ngại ngần. Bởi khi nói về con người, những bộ phận và chức năng của con người mà chúng ta giữ cảm giác e ngại, xấu hổ thì vô tình chúng ta đã lan tỏa cảm xúc này đến cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy đây là vấn đề khó nói và sau này khó có sự chia sẻ với cha mẹ.
Như vậy có thể thấy rằng, thời điểm nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ là rất sớm, cha mẹ phải có một thái độ chủ động, trung thực, khoa học. Chỉ có như vậy thì trong tương lai con mới chủ động chia sẻ, tự tin.
Còn về nội dung giáo dục giới tính, chúng ta phải căn cứ vào độ tuổi và trình độ tiếp thu của trẻ. Ví dụ, từ 2 – 3 tuổi, nên nói về những bộ phận cơ thể, chức năng các bộ phận hay cách vệ sinh. Từ 3 – 5 tuổi nói về cách trẻ hình thành và được sinh ra như thế nào, sự kết hợp giữa trứng của mẹ và tinh trùng của bố tạo thành phôi thai như thế nào, được nuôi dưỡng trong bụng mẹ ra sao. Lớn hơn nữa là những vấn đề về giới và giới tính. Giới tính là về mặt sinh học, còn giới là về mặt xã hội, các mối quan hệ, vai trò của nam và nữ trong gia đình, những kỳ vọng, mong đợi dành cho nam và nữ như thế nào, sức khoẻ sinh sản ra sao, quan niệm về hôn nhân và tình yêu đôi lứa,…
Theo Tiến sĩ giáo dục Đinh Thanh Tuyến:
Với những nội dung vừa chính thức vừa không chính thức cùng những trải nghiệm thực tế, trẻ sẽ có cơ hội được hiểu biết hơn, nhận thức đúng hơn, cảm xúc về vấn đề này cũng lành mạnh. Đây là nền tảng để xây dựng kỹ năng và hành vi ứng xử đúng đắn hơn.
Chia sẻ thêm về vai trò của gia đình, chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà cho biết:
Trước đây về vấn đề giới và giới tính, chúng ta thường có tâm lý e ngại, ngượng ngùng, khi hỏi thì cha mẹ thường né tránh. Bởi thời đó cứ nói về giới tính, bộ phận sinh dục của con gái hay con trai thì cha mẹ cho rằng đó là việc xấu, không nên nói ra. Và khi có tâm lý ngại ngần như vậy, trẻ sẽ không có đủ kiến thức và hiểu biết đúng đắn về vấn đề này, từ đó cũng không biết cách bảo vệ chính bản thân mình khỏi những nguy hiểm ngoài kia, dẫn đến nhiều hệ luỵ kể trên.
Thế nhưng hiện nay với sự phát triển của khoa học, công nghệ và thông tin đại chúng, cha mẹ có thể tự trang bị kiến thức cho chính mình để tiếp cận với con một cách tự nhiên nhất.
Cũng theo chuyên gia Thu Hà: “Đầu tiên, chúng ta cần làm bạn với con, đồng hành với con và nói chuyện một cách chủ động, chân thành. Vì đây là chuyện bình thường nên chúng ta hãy giữ một thái độ trung thực, thoải mái, cởi mở. Cá nhân tôi cũng đã từng tham vấn cho nhiều bạn trẻ đang học Cấp 2, cấp 3 và tôi nhận thấy các bạn ấy biết rất nhiều, hiểu rất rộng và sẵn sàng chia sẻ với mọi người xung quanh nhưng với cha mẹ thì lại không chia sẻ được. Tôi thấy đây là điều vô cùng đáng tiếc, các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng con, dành cho con khoảng thời gian chất lượng nhất, dành 100% thời gian tâm trí và năng lượng của mình với con.”
Như vậy, con sẽ cảm thấy được quan tâm và được yêu thương, bằng sợi dây năng lượng này cũng gắn kết thêm tình cảm gia đình, cha mẹ là chỗ dựa cho con và như vậy trẻ cũng chủ động chia sẻ nhiều hơn. Không tự nhiên mà chúng ta kết nối được với con, đặc biệt là trong xã hội bận rộn như hiện nay nên các bậc phụ huynh hãy cố gắng đồng hành cùng con, kịp thời giáo dục và bảo vệ con.
3. Giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp, tương hỗ cho tương lai
Hiện nay, trẻ có xu hướng yêu sớm. Điều này làm nhiều cha mẹ cảm thấy rất lo lắng vì sợ con sẽ chểnh mảng việc học hành và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như quan hệ sớm, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai,… Có rất nhiều cha mẹ thấy vậy thì ngay lập tức cấm đoán, đánh mắng hoặc dùng các biện pháp khác để phản đối việc con yêu ở tuổi học trò.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Giáo dục Đinh Thanh Tuyến có một số nhận định sau:
Với những cách xử lý trên, cha mẹ đã quên mình cũng từng là con trẻ và cũng từng có khoảng thời gian hồn nhiên, vô tư. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của con và bạn sẽ nhận ra rằng, yêu ở lứa tuổi học trò là những cảm xúc tự nhiên, rất nhân bản vì nó là tình cảm tuổi mới lớn, trong trẻo và đầy thơ ngây. Nếu trong trường hợp này, sự trừng phạt từ cha mẹ không mang lại tác dụng mà thay vào đó khiến con người ta cảm thấy ấm ức, hậm hực, có xu hướng giấu diếm không để người khác biết. Vì vậy, hành xử tiêu cực không mang lại kết quả tốt đẹp cho con em mình cũng như mối quan hệ của mình và con mình. Vì vậy chúng ta cần nhìn nhận chính xác, tình cảm mới lớn là một phần của sự trưởng thành, giống một yếu tố thuộc về tinh thần để hỗ trợ quá trình phát triển về mặt tâm lý của tuổi dậy thì. Vì vậy, chúng ta cần có những định hướng cho con có những hành vi đúng đắn.
Ví dụ như ngày xưa, tuổi học trò nhiều cặp đôi có tình yêu trong sáng, cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp. Dù sau này có không chung đường nhưng khi nghĩ lại, chúng ta vẫn mỉm cười vì đã từng có một khoảng thời gian và kỷ niệm tuyệt vời chứ không có sự vụn vỡ, thất vọng, rủi ro hay luyến tiếc. Khi có sự định hướng, trẻ sẽ cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu, tình cảm của mình được đồng cảm. Nếu con của mình đang có tình cảm, mình sẽ dành thời gian hỏi con có phải con đang cảm thấy như vậy không? Người kia có điều gì khiến con cảm thấy rung động? Trong quá trình mình đi vào thế giới của con, mình cũng chia sẻ được những điều lành mạnh, tránh để con bị sao nhãng về vấn đề học tập và không gặp phải rủi ro ngoài ý muốn. Tình cảm tuổi mới lớn rất đáng quý và sẽ còn quý hơn nữa nếu nó biến thành động lực để cả 2 cùng cố gắng, đồng hành với nhau trong tương lai.
Việc giúp trẻ tập trung vào học tập và nếu có yêu thì cũng yêu với một mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp, tương hỗ cho tương lai của trẻ là điều không hề đơn giản.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà: “Bản thân tôi đã và đang đồng hành cùng rất nhiều bạn trẻ lứa tuổi teen, cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi các bạn nói ra được lòng mình. Tôi cũng nhận thấy rằng, tình cảm của con trẻ vô cùng trong sáng, đơn thuần và hồn nhiên như mình muốn bạn kia quan tâm.”
Nên khi con đã yêu, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, chủ động cởi mở, không phát xét, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ con. Như vậy sẽ giúp con học tập tốt hơn, tự tin thể hiện bản thân và có một tương lai tươi sáng.
4. Cha mẹ cần làm gì nếu con gặp phải những trường hợp xấu?
Nếu chẳng may con quan hệ sớm dẫn tới mang thai, nạo phá thai hay bị xâm hại thì cha mẹ nên làm gì để hỗ trợ con cũng là điều mà nhiều người thắc mắc hiện nay. Theo Tiến sĩ Thanh Tuyến:
Nếu ở trong trường hợp đó các bậc phụ huynh rất buồn và sốc, nên chia sẻ thật với con về điều này, đừng nên giấu diếm cảm xúc của mình. Không kết luận hành vi hay nhân cách của con chứ mình vẫn cần nói ra điều mà mình suy nghĩ. Điều mà cha mẹ lo chính là sức khoẻ và tương lai của con. Việc quan trọng của chúng ta là chuẩn bị tâm thế, tinh thần để vượt qua những cú sốc để đồng hành cùng con. Hãy giúp con gọi tên những nỗi đau, cảm xúc mà con đang phải đối diện, từng bước giúp con vượt qua nó, coi đó như sự khủng hoảng không mong muốn. Nhưng hãy làm sao biến khủng hoảng thành động lực để phát triển chứ không phải khủng hoảng để huỷ hoại tương lai hay bản thân mình. Xử lý, giải quyết những hậu quả hay hệ lụy một cách bình tĩnh và an toàn. Nếu bản thân không đủ thời gian hay kiến thức chuyên môn thì mình có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia về y tế và chuyên gia về tâm lý trị liệu.
Về giải pháp cho các bậc phụ huynh nếu con gặp phải những trường hợp xấu, chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà có nói thêm:
Phản ứng cha mẹ sốc nếu chẳng may con quan hệ sớm, bị xâm hại hoặc có thai ngoài ý muốn là điều bình thường, hãy học cách thương con mà bình tĩnh lại vì mình cần là chỗ dựa cho con. Khi con hoang mang, sợ hãi và đau khổ thì vai trò của các bậc phụ huynh trong tình huống này là vô cùng quan trọng, hãy đồng hành để con cảm thấy an toàn. Nếu không đủ tỉnh táo và điều kiện để hỗ trợ con thì cha mẹ hãy đưa con đến gặp chuyên gia về tâm lý để con không bị ảnh hưởng trong tương lai.
Với cha mẹ và các bạn trẻ, chuyên gia tâm lý trị liệu Dương Thị Thu Hà có đôi lời nhắn nhủ:
Gia đình đóng vai trò đặc biệt trong việc giáo dục con trẻ bởi gia đình là cái nôi. Cha mẹ đồng hành được với con, giao tiếp với con như một người bạn thì con trẻ cũng sẽ tôn trọng và cởi mở lại. Như vậy mình sẽ giao tiếp với con dễ dàng hơn, giáo dục con về giới và giới tính, từ mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2,… Mỗi lứa tuổi đều có nhu cầu và mong muốn riêng, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ để đồng hành cùng con tốt hơn. Hãy là một người bạn của con để con cảm thấy rằng, nhà là nơi để về và cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất để con có thể tự tin, vững bước trong tương lai phía trước.
Cuộc sống tưởng chừng như rất dài rộng nhưng lại rất hữu hạn, thời gian không chờ đợi một ai nên các bạn trẻ hãy tự tin, yêu bản thân, cố gắng trau dồi những kỹ năng cần thiết để có trải nghiệm tích cực, bồi đắp nhiều năng lượng cho mình. Như vậy bản thân sẽ gặp gỡ, giao lưu được với những người bạn có cùng tiếng nói chung với mình, những mối quan hệ tốt đẹp sẽ được nảy nở.
Điều quan trọng nhất là mình phải được ở trong một môi trường tích cực, từ đó biết ơn gia đình, nhà trường, thầy cô, bạn bè luôn ở bên cạnh mình, không cảm thấy cô đơn hoặc lạc lõng, dù có khủng hoảng hay khó khăn cũng có thể tự tin và mạnh mẽ vượt qua.
Giáo dục giới tính cho trẻ giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, có khả năng tránh khỏi nhiều nguy cơ xấu và vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia tâm lý trị liệu, Master Coach Dương Thị Thu Hà và Tiến sĩ Giáo dục Đinh Thanh Tuyến sẽ giúp ích cho bạn đọc!
Xem Chương trình “Tâm An Sống Khỏe số 5” với chủ đề: “Giáo dục giới tính cho trẻ – Ba mẹ chủ động – Con an toàn”:
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!