Bệnh động kinh co giật có chữa khỏi dứt điểm được không?
Bệnh động kinh có chữa khỏi không là băn khoăn của nhiều bạn đọc. Theo đánh giá khách quan, khả năng chữa dứt điểm bệnh lý này là không cao. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp điều trị thành công và ổn định được sức khỏe sau một thời gian.
Bệnh động kinh, co giật có chữa khỏi được không?
Tỷ lệ người mắc bệnh động kinh chiếm khoảng 1% dân số thế giới (tương đương khoảng 50 triệu người). Trước tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cao, chứng bệnh này bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng.
Động kinh là một dạng rối loạn thần kinh trung ương, xảy ra do hoạt động phóng điện quá mức của một nhóm tế bào thần kinh. Kết quả là gây ra các cơn co giật, đôi khi đi kèm với triệu chứng gồng cứng cơ thể, mất ý thức, sùi bọt mép và mất trương lực cơ. Bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, không có sự chênh lệch về giới tính, chủng tộc hay tầng lớp kinh tế – xã hội.
Bệnh nhân động kinh phải đối mặt với nhiều phiền toái trong cuộc sống do sự xuất hiện không báo trước của các co giật. Sau các cơn, bệnh nhân thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, nhút nhát và đôi khi không muốn học tập, làm việc vì sợ mọi người chê cười. Nếu không được điều trị, nhiều bệnh nhân phải đối mặt với các vấn đề tâm lý, tâm thần, biến đổi nhân cách, gia tăng các rối loạn thần kinh khác và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Vì những ảnh hưởng nặng nề do động kinh gây ra, nhiều bệnh nhân băn khoăn Bệnh động kinh co giật có chữa khỏi không? Theo đánh giá khách quan của các chuyên gia, tỷ lệ chữa dứt điểm bệnh động kinh là không cao. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chữa khỏi bệnh hoàn toàn và khoảng 70% bệnh nhân kiểm soát được bệnh, đồng thời duy trì được cuộc sống ổn định.
Thực tế, khả năng chữa khỏi bệnh động kinh phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và thời điểm phát hiện bệnh. Phát hiện bệnh càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao và ngược lại. Ngoài ra, tỷ lệ chữa khỏi bệnh sẽ cao hơn ở những trường hợp sau đây:
- Trẻ bị động kinh do biến chứng sản khoa nếu phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi là khá cao.
- Người lớn bị động kinh do chấn thương sọ não, u não, xơ cứng mạch máu não,… cũng có khả năng chữa khỏi nếu tích cực điều trị.
Tuy nhiên, động kinh tự phát liên quan nhiều đến di truyền thường không thể điều trị. Trường hợp này chỉ có thể kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng thuốc, phẫu thuật và thực hiện các biện pháp kích thích não bộ.
Để tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh động kinh, cần phải thăm khám và điều trị sớm. Ngoài ra, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ tái phát. Thực tế, có không ít gia đình tự ý giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc khiến cho bệnh tình chuyển biến nặng, bỏ lỡ “thời điểm vàng” và mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh.
Lời khuyên giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh động kinh
Tiên lượng của bệnh động kinh tương đối đa dạng tùy theo nguyên nhân, độ tuổi mắc bệnh và thời gian phát hiện bệnh. Trong đó, trẻ em thường có tiên lượng tốt hơn và tỷ lệ chữa khỏi cũng cao hơn so với người trưởng thành.
Ở những trường hợp không thể chữa khỏi, điều trị vẫn có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các cơn co giật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Hiện nay, đã có nhiều phương pháp mới được nghiên cứu và những phương pháp này thể hiện rõ vai trò trong việc cải thiện chứng động kinh.
Để tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh động kinh, gia đình có thể tham khảo một số lời khuyên sau:
1. Phát hiện và thăm khám sớm
Yếu tố tiên quyết giúp chữa khỏi bệnh động kinh, co giật là phát hiện bệnh sớm. Ngay khi phát hiện cơn co giật, gia đình nên đưa bệnh nhân đến thăm khám để được chẩn đoán. Phát hiện bệnh sớm giúp tăng tỷ lệ điều trị bệnh dứt điểm, đồng thời giảm nguy cơ kháng thuốc và ngăn chặn được những biến chứng nặng nề.
2. Tích cực điều trị
Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị. Hiện tại, phương pháp chính được áp dụng trong điều trị bệnh động kinh là sử dụng thuốc (có thể là đơn trị liệu hoặc đa trị liệu). Thuốc sẽ được dùng trong 1 – 2 năm để kiểm soát bệnh và hạn chế nguy cơ tái phát các cơn co giật.
Thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị chứng động kinh nhưng có khoảng 30% trường hợp có hiện tượng kháng thuốc. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật, can thiệp các phương pháp kích thích não bộ và thực hiện một số chế độ ăn đặc biệt.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, đáp ứng với mỗi phương pháp điều trị sẽ có sự khác nhau ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả bệnh nhân đều có cải thiện nếu tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực tế, nhiều người bệnh phải sống chung với bệnh động kinh suốt đời nhưng vẫn có thể học tập và làm việc tốt.
Đối với những trường hợp không thể điều trị dứt điểm, gia đình nên trang bị cách xử lý nhanh khi gặp người lên cơn động kinh để giúp bệnh nhân an toàn trong các cơn co giật. Về cơ bản, các cơn co giật do động kinh là hoàn toàn vô hại và đa phần đều tự thuyên giảm sau 2 – 3 phút. Tuy nhiên, cần phải xử lý đúng cách để giảm nguy cơ chấn thương do người bệnh trong các cơn.
3. Tổ chức lối sống khoa học
Các phương pháp điều trị bệnh động kinh đều có những hạn chế nhất định. Ngoài ra, do động kinh là bệnh mãn tính nên nhiều bệnh nhân phải đối mặt với tác dụng phụ nghiêm trọng do sử dụng thuốc kéo dài. Vì vậy, bệnh nhân cũng cần tổ chức lối sống khoa học để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị.
Cách xây dựng lối sống khoa học cho người bị động kinh:
- Một số loại thức ăn, đồ uống có thể gia tăng tần suất của các cơn co giật. Do đó, bệnh nhân nên giảm lượng đường, muối trong chế độ ăn, kiêng thực phẩm chứa gluten, sữa, các chế phẩm từ sữa, thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, phụ gia và chất bảo quản. Ngoài ra, cần hạn chế cà phê và kiêng tuyệt đối rượu bia.
- Bệnh nhân động kinh kháng thuốc nên thực hiện chế độ Keto hoặc chế độ Atkins để giảm tần suất các cơn co giật. Hai chế độ này đã được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị động kinh và giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Stress, lo âu,… là những yếu tố kích thích các cơn co giật bùng phát. Vì vậy, bệnh nhân nên cân đối thời gian học tập/ làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, nên trang bị những cách giảm stress hữu hiệu để giữ tinh thần ổn định.
- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện hoạt động của não bộ. Khi luyện tập, các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ sẽ được cân bằng. Từ đó làm giảm những bất thường và rối loạn của các tế bào thần kinh trung ương. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc làm giảm tần suất của các cơn co giật do động kinh gây ra.
- Bệnh nhân nên ngủ đúng giờ và đủ giấc để tránh sự nhạy cảm quá mức của tế bào thần kinh. Ngoài ra, đảm bảo chất lượng giấc ngủ còn giúp bảo vệ tế bào thần kinh và phòng ngừa sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ,…
- Người bị động kinh nên tránh hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Những thói quen này đều gây hại cho tế bào thần kinh, từ đó gián tiếp gia tăng các cơn co giật và làm phát sinh nhiều biến chứng nặng nề.
- Một yếu tố khác mà bệnh nhân động kinh ít quan tâm đó là nên giữ tinh thần sống lạc quan, vui vẻ. Không tự ti, mặc cảm và xa lánh với mọi người. Nên chủ động chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân để nhận được sự động viên và hỗ trợ từ những người xung quanh.
Động kinh gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, một số người bệnh còn bị biến đổi nhân cách do động kinh kéo dài dai dẳng. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ Bệnh động kinh có chữa khỏi được không? và có thêm những lời khuyên hữu ích để vượt qua chứng bệnh này.
Tham khảo thêm:
- Người mắc bệnh động kinh nên ăn gì và kiêng gì để hạn chế co giật?
- Nhóm thực phẩm tốt cho người bị động kinh nên bổ sung
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!