Bệnh hoang tưởng có chữa được không? Chuyên gia chia sẻ
Bệnh hoang tưởng có chữa được không là băn khoăn của nhiều bạn đọc, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Bệnh lý này là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính nên khả năng chữa dứt điểm là không cao. Dù vậy, tích cực điều trị có thể quản lý bệnh thành công và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với chất lượng cuộc sống.
Bệnh hoang tưởng có chữa được không?
Bệnh hoang tưởng (rối loạn hoang tưởng) là một dạng rối loạn tâm thần ít gặp. Trên thực tế, hoang tưởng là triệu chứng tâm thần phổ biến ở bệnh nhân tâm thần phân biệt, loạn thần, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, rất ít trường hợp chỉ khởi phát hoang tưởng và không đi kèm với các triệu chứng tâm thần khác (được chẩn đoán là bệnh hoang tưởng).
Hoang tưởng thực chất là kết quả của rối loạn nhận thức lý tính. Người mắc chứng bệnh này mất khả năng phán đoán dẫn đến việc hình thành những suy nghĩ, quan điểm và niềm tin sai lầm một cách hoang đường, không có cơ sở. Những hoang tưởng này được bệnh nhân cho là chính xác nhưng không thể giải thích một cách hợp lý và khoa học.
Bệnh nhân thường cố chấp giữ niềm tin sai lệch của bản thân ngay cả khi những người xung quanh cho thấy bằng chứng khách quan và có tính thuyết phục. Nhìn chung, đa phần người mắc chứng hoang tưởng đều không bị suy giảm chức năng tâm lý xã hội. Tuy nhiên, nội dung hoang tưởng sẽ chi phối cảm xúc và hành vi của bệnh nhân. Điều này gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống – đặc biệt là trong các mối quan hệ.
Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, bệnh hoang tưởng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống. Vậy, bệnh hoang tưởng có chữa được không?
Theo các chuyên gia Tâm lý, khả năng chữa khỏi bệnh hoang tưởng phụ thuộc vào đáp ứng của từng bệnh nhân. Đáp ứng với điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, môi trường sống, sự hỗ trợ của gia đình và ý chí của mỗi bệnh nhân.
Hoang tưởng là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính nên không thể điều trị dứt điểm trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu kiên trì và điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể kiểm soát chứng hoang tưởng. Sức khỏe tâm thần được cải thiện, giảm thiểu tối đa những phiền toái trong cuộc sống và các mối quan hệ.
Hoang tưởng có liên quan đến bất thường ở hệ thần kinh trung ương nên đa phần bệnh nhân đều phải dùng thuốc dài hạn. Ngưng sử dụng thuốc có thể làm tái phát các cơn hoang tưởng, đồng thời tạo điều kiện gia tăng các vấn đề tâm lý và tâm thần thường gặp.
Nghiên cứu được thực hiện từ năm 1965 – 1985 trên 1000 ca điều trị cho thấy, 257 ca có tiến triển tốt sau khi sử dụng thuốc. Nếu điều trị đúng liệu trình, có 28.2% bệnh nhân phục hồi một phần, 52.6% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn và 19.2% bệnh nhân không có đáp ứng. Gần đây, với sự phát triển của y học, khoảng 50% bệnh nhân hoang tưởng không còn triệu chứng sau khi dùng thuốc và 90% trường hợp đều có cải thiện rõ rệt.
Mặc dù bệnh thuyên giảm rõ rệt sau khi dùng thuốc nhưng về cơ bản, tỷ lệ chữa dứt điểm bệnh hoang tưởng là không cao. Đa phần bệnh nhân đều phụ thuộc vào thuốc và phải sử dụng suốt đời để ngăn chặn tình trạng tái phát. Nếu ngưng thuốc, hoang tưởng sẽ tái phát với mức độ nghiêm trọng hơn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Thực tế, bệnh hoang tưởng vẫn còn là thuật ngữ xa lạ với cộng đồng. Sự hiểu biết hạn chế khiến cho nhiều bệnh nhân không được điều trị sớm, kết quả là bệnh tiến triển nặng và đáp ứng điều trị kém.
Lời khuyên giúp quản lý thành công bệnh hoang tưởng
Bệnh hoang tưởng không làm suy giảm chức năng tâm lý xã hội như các rối loạn tâm thần khác. Tuy nhiên, hoang tưởng sẽ chi phối cảm xúc, suy nghĩ và hành vi khiến bệnh nhân biến đổi nhân cách. Nếu không được điều trị, bệnh nhân hoang tưởng sẽ phải sống cô lập, khép kín, không thể học tập và làm việc một cách bình thường.
Ngoài ra, những cảm xúc tiêu cực do hoang tưởng là điều kiện để phát triển các rối loạn tâm lý và tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Để ngăn chặn những ảnh hưởng nặng nề, bệnh nhân phải thăm khám và điều trị sớm.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bệnh nhân bị hoang tưởng quản lý bệnh thành công và ổn định cuộc sống lâu dài:
1. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn
Hiện nay, liệu pháp hóa dược vẫn là phương pháp chính trong điều trị bệnh hoang tưởng. Hoang tưởng được hình thành do rối loạn của hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, bắt buộc phải dùng thuốc để cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó làm giảm hoang tưởng và các cảm xúc tiêu cực có liên quan.
Thuốc chống loạn thần là nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị bệnh hoang tưởng. Nhóm thuốc này được chia thành 2 loại là thuốc chống loạn thần điển hình và không điển hình. Trong đó, thuốc chống loạn thần điển hình có tác dụng nhanh nên được dùng trong điều trị nội trú. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống loạn thần không điển hình khi điều trị ngoại trú nhằm giảm thiểu tác dụng phụ.
Sử dụng thuốc đều đặn là nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh hoang tưởng. Nếu bệnh nhân không chịu uống thuốc, gia đình cần cưỡng chế để bệnh viện để được tiêm thuốc. Bởi ngưng thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh tái phát và gia tăng thêm các vấn đề tâm lý, tâm thần khác.
2. Điều trị tâm lý xã hội
Bên cạnh sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý cũng là phương pháp hiệu quả trong điều trị bệnh hoang tưởng. Liệu pháp này sử dụng nhiều cách can thiệp khác nhau nhằm điều chỉnh những bất thường về hành vi, cảm xúc và suy nghĩ (nhận thức). Mục tiêu ban đầu của liệu pháp tâm lý là tạo môi trường an toàn, đáng tin cậy, sau đó giúp bệnh nhân thay đổi những niềm tin lệch lạc và điều chỉnh hành vi tiêu cực.
Sau khi đạt được mục tiêu ban đầu, chuyên gia sẽ giúp người bệnh giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và trang bị các kỹ năng để có thể hòa nhập cộng đồng. Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cách đối phó với những tình huống căng thẳng trong công việc, cuộc sống và mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Liệu pháp tâm lý thường được thực hiện song song với liệu pháp hóa dược. Quá trình điều trị sẽ kéo dài khoảng vài tháng tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Sau khi kết thúc quá trình trị liệu, các hoang tưởng sẽ thuyên giảm và bệnh nhân có thể ổn định lại tinh thần. Ngoài hiệu quả điều trị, những kỹ năng cần thiết được trang bị trong quá trình trị liệu sẽ giúp bệnh nhân giải tỏa căng thẳng và hạn chế bệnh tái phát.
3. Hạn chế yếu tố căng thẳng trong cuộc sống
Bệnh loạn thần là chứng rối loạn tâm thần mãn tính nên việc điều trị có thể kéo dài suốt đời. Bên cạnh việc tuân thủ các phương pháp điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, hạn chế các yếu tố căng thẳng cũng là nguyên tắc quan trọng cần lưu ý.
Căng thẳng bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau như tài chính, khó khăn trong công việc, môi trường bạo lực, xung đột,… Khi xuất hiện yếu tố gây stress, não bộ sẽ có đáp ứng bằng cách truyền tín hiệu đến các cơ quan nhằm gia tăng các hormone gây stress như adrenalin và cortisol.
Sự thay đổi của hormone làm mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ và hậu quả là làm tái phát bệnh hoang tưởng. Do đó, người bệnh cần trang bị kỹ năng giải tỏa stress và lựa chọn công việc có môi trường lành mạnh.
Những thành viên trong gia đình cũng cần hỗ trợ người bệnh xây dựng môi trường sống tích cực, không có bạo lực và xung đột. Bên cạnh đó, sự quan tâm của gia đình sẽ là động lực để bệnh nhân tích cực và kiên trì trong suốt quá trình điều trị.
Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về vấn đề “Bệnh hoang tưởng có chữa được không?” và có hình dung rõ hơn về chứng bệnh này. Nếu nghi ngờ người thân mắc chứng hoang tưởng, gia đình nên khuyên bệnh nhân thăm khám và điều trị sớm. Trong trường hợp người bệnh phản ứng quá khích, việc cưỡng chế là cần thiết để tránh những tình huống đáng tiếc.
Tham khảo thêm:
- Hoang tưởng mang thai là thế nào? Khắc phục làm sao?
- Bị bệnh hoang tưởng nên ăn gì và kiêng gì để cải thiện?
- Top 6 địa chỉ khám bệnh hoang tưởng tốt ở TP.HCM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!