Hoang tưởng mang thai là thế nào? Khắc phục làm sao?

Hoang tưởng mang thai là niềm tin mãnh liệt về việc bản thân có thai nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Dạng hoang tưởng này khó nhận biết do người bệnh có các triệu chứng giống như mang thai bao gồm căng bụng, tăng kích thước vòng 1, co thắt tử cung, không có kinh nguyệt, ốm nghén,…

hoang tưởng mang thai
Hoang tưởng mang thai là niềm tin sai lầm về việc bản thân mang thai nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại

Hoang tưởng mang thai là thế nào?

Hoang tưởng mang thai là tình trạng nữ giới tin rằng rằng bản thân đang mang thai nhưng thực tế thì ngược lại. Dạng hoang tưởng này không thực sự phổ biến như hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại hay hoang tưởng tự cao. Hoang tưởng mang thai xảy ra chủ yếu ở nữ giới có các vấn đề về sinh sản, khó có con, từng bị sảy thai và sinh non nhiều lần.

Hoang tưởng là những quan điểm, suy nghĩ và niềm tin sai lầm được hình thành một cách phi lý, không dựa trên cơ sở thực tế. Người mắc chứng bệnh này cố chấp giữ niềm tin, suy nghĩ của bản thân và không bị lay chuyển bởi lời nói của người khác. Ngay cả khi những người xung quanh cho thấy bằng chứng thuyết phục, họ cũng không thay đổi niềm tin của bản thân.

Hoang tưởng mang thai thường xảy ra sau xung đột cảm xúc mạnh. Hoang tưởng có thể xuất hiện trong trạng thái trầm cảm hoặc xuất hiện đơn độc. Dù trong trường hợp nào, hoang tưởng mang thai đều phải điều trị vì tình trạng này có liên quan đến những bất ổn về tinh thần. Tình trạng này có thể được phát hiện và điều trị sớm nếu gia đình quan tâm đến hành vi, cảm xúc của người bệnh.

Nhận biết hoang tưởng mang thai

Hoang tưởng mang thai là niềm tin mãnh liệt về việc bản thân có thai nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, người mắc chứng bệnh này thực sự có các triệu chứng giống như mang thai thật – ngoại trừ sự hiện diện của thai nhi trong tử cung. Đa phần những trường hợp hoang tưởng mang thai đều sẽ được phát hiện sau khi siêu âm và xét nghiệm máu.

hoang tưởng mang thai
Người bị hoang tưởng mang thai có các triệu chứng giống như mang thai ngoại trừ sự hiện diện của thai nhi trong tử cung

Các dấu hiệu nhận biết hoang tưởng mang thai:

  • Xuất hiện các triệu chứng cảnh báo mang thai như tăng cân, bầu ngực lớn, căng, ốm nghén,…
  • Một số người cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi mặc dù hoàn toàn không có thai. Các chuyên gia cho rằng, đây là kết quả của sự bất ổn về tinh thần và cảm xúc.
  • Bệnh nhân bị hoang tưởng mang thai gần như không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều (chiếm khoảng 56 – 98%).
  • Thậm chí một số người có triệu chứng mang thai rất rõ ràng như tăng tiết dịch, tử cung mở rộng, đau nhức vùng thắt lưng và 1% phụ nữ còn trải qua cơn chuyển dạ giả.
  • Mặc dù có đầy đủ các triệu chứng giống như mang thai nhưng thông qua siêu âm có thể phát hiện bệnh nhân hoàn toàn không có thai. Vì lý do này, người bệnh thường chọn đi khám thai một mình và tỏ ra khó chịu về việc có người đi cùng.
  • Mập mờ về hồ sơ khám thai, không có hình ảnh siêu âm và kết quả khám thai rõ ràng.
  • Bệnh nhân có thể đột ngột thông báo với gia đình về việc bị sảy thai sau khoảng vài tháng mang thai. Nếu không chú ý, gia đình có thể không phát hiện ra sự bất thường.
  • Nếu bị phát hiện về việc mang thai giả, người bệnh sẽ trở nên đau khổ, hoảng loạn, mất kiểm soát, bi quan, tuyệt vọng và không muốn tiếp xúc với mọi người.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của hoang tưởng mang thai là người bệnh từ chối việc được người nhà khám thai cùng và không có hồ sơ theo dõi thai rõ ràng. Do đó, gia đình nên đặt ra nghi ngờ nếu nhận thấy những biểu hiện như trên.

Nguyên nhân gây ra chứng hoang tưởng mang thai

Các chuyên gia chưa xác định được cơ chế dẫn đến hoang tưởng mang thai. Dạng hoang tưởng này không đơn thuần là niềm tin và suy nghĩ về việc bản thân mang thai mà có đi kèm với các triệu chứng mang thai rõ rệt. Chính vì vậy, cơ chế sẽ phức tạp hơn và có đôi chút khác biệt so với các dạng hoang tưởng thường gặp.

Nhìn chung, hoang tưởng mang thai thường xuất hiện sau những sự kiện gây xúc động mạnh. Cảm xúc mạnh làm thay đổi nồng độ hormone và đôi khi dẫn đến hiện tượng gia tăng prolactin (hormone tiết ra nhiều khi mang thai dẫn đến tăng kích thước vòng 1, căng bụng, tăng cân, ốm nghén).

Ngoài ra khi đối mặt với xung đột về cảm xúc, hệ thần kinh trung ương có thể bị kích thích quá mức dẫn đến tình trạng đau bụng, căng bụng tương tự như mang thai. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận thấy có hiện tượng gia tăng dopamin khi mang thai giả. Hiện tượng này kết hợp với tăng prolactin gây ra các triệu chứng cảnh báo mang thai như vô kinh, co thắt tử cung, tăng kích thước vòng bụng, táo bón,…

hoang tưởng mang thai
Cú sốc tâm lý sau khi sảy thai là yếu tố dẫn đến hoang tưởng mang thai

Một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến hoang tưởng mang thai:

  • Sang chấn tâm lý: Hoang tưởng mang thai thường xảy ra sau khi phụ nữ phải đối mặt với những sự kiện gây sang chấn mạnh như sảy thai, không thể mang thai do từng nạo phá thai nhiều lần, sinh non khiến thai nhi mất sớm,… Ngoài ra, một số phụ nữ có thể bị hoang tưởng mang thai sau khi bị lạm dụng tình dục hoặc bị bỏ rơi. Sự xung đột mãnh liệt của cảm xúc sau những sự kiện này gây ra sự thay đổi về hormone và kết quả là làm xuất hiện các triệu chứng giống như mang thai.
  • Do áp lực quá mức về việc có con: Trong văn hóa của người Á Đông, việc có con sau khi kết hôn là điều bắt buộc. Nhiều phụ nữ có hiện tượng mang thai giả do áp lực quá lớn từ bạn đời và gia đình chồng. Áp lực quá mức gây ra những thay đổi về hormone và dẫn đến hiện tượng mang thai giả.
  • Có các rối loạn tâm lý, tâm thần: Hoang tưởng mang thai thường phát triển ở những người có các rối loạn tâm lý và tâm thần như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách. Các vấn đề tâm lý, tâm thần kể trên khiến cho bệnh nhân mất khả năng phán đoán và có nguy cơ cao bị hoang tưởng hơn so với những người có sức khỏe tâm thần tốt.
  • Các yếu tố xã hội: Theo nghiên cứu, những yếu tố xã hội như thất nghiệp, tài chính không ổn định, trình độ học vấn thấp, đang trong mối quan hệ không ổn định, tiềm sử bị lạm dụng tình dục,… sẽ làm gia tăng nguy cơ bị hoang tưởng mang thai. Ngược lại, những người có chất lượng cuộc sống tốt và ở trong một mối quan hệ an toàn ít có nguy cơ gặp phải tình trạng này.
  • Một số yếu tố khác: Ngoài những yếu tố kể trên, nguy cơ bị hoang tưởng mang thai có thể tăng lên nếu có những yếu tố như phải can thiệp phẫu thuật triệt sản (cắt bỏ ống dẫn trứng, cắt bỏ tử cung), sắp mãn kinh và có các vấn đề sức khỏe gây ra triệu chứng giống như mang thai như trào ngược dạ dày thực quản, tăng prolactin máu, táo bón, sỏi mật, u nang buồng trứng,…

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến hoang tưởng nói chung và hoang tưởng mang thai nói riêng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những sự kiện sang chấn có liên quan đến sức khỏe sinh sản và biến chứng thai kỳ là yếu tố trực tiếp dẫn đến chứng bệnh này. Đây cũng là lý do các bác sĩ luôn dặn dò người nhà phải quan tâm đến tinh thần của nữ giới sau khi sảy thai, thai chết lưu,…

Chẩn đoán hoang tưởng mang thai

Thực tế, nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng mang thai giả nhưng chỉ có một số ít bị hoang tưởng mang thai. Thông thường sau khi được siêu âm và xét nghiệm, bệnh nhân sẽ chấp nhận việc bản thân không mang thai với phản ứng chung là thất vọng và buồn bã. Tuy nhiên, người bị hoang tưởng mang thai cố chấp giữ lấy niềm tin sai lệch ngay cả khi bác sĩ đã giải thích rõ ràng.

Hoang tưởng mang thai thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt (chiếm 1/3 trường hợp). Những trường hợp còn lại thường liên quan đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc, sang chấn tâm lý và một số vấn đề tâm lý, tâm thần khác.

Để chẩn đoán hoang tưởng mang thai, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật như siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu và khám vùng chậu. Sau khi thông báo với bệnh nhân về việc không mang thai, bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe tâm thần để đưa ra chẩn đoán xác định.

Người bị hoang tưởng mang thai thường sẽ không chấp nhận việc mình không có thai, đồng thời sẽ có phản ứng cực đoan và quá khích. Đa phần những trường hợp hoang tưởng mang thai đều đi kèm với các rối loạn tâm lý, tâm thần. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm và sử dụng tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10 để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Cách điều trị hoang tưởng mang thai

Hoang tưởng mang thai cần phải được điều trị để ngăn chặn những ảnh hưởng nặng nề. Mục đích của điều trị là giúp bệnh nhân thay đổi niềm tin sai lệch và củng cố sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, việc thay đổi niềm tin về việc mang thai sẽ giúp người bệnh tích cực điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản để có thể gia tăng tỷ lệ mang thai.

Các biện pháp sau thường được cân nhắc cho bệnh nhân bị hoang tưởng mang thai:

1. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là lựa chọn ưu tiên khi điều trị bệnh hoang tưởng nói chung và hoang tưởng mang thai nói riêng. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức giao tiếp giữa chuyên gia và bệnh nhân. Tùy theo tình trạng của từng trường hợp, chuyên gia sẽ tìm ra hướng can thiệp phù hợp nhất.

Mục tiêu của trị liệu tâm lý là giúp người bệnh thay đổi niềm tin sai lệch về việc bản thân mang thai và chấp nhận thực tế. Chuyên gia cũng sẽ khai thác để tìm hiểu nguồn gốc dẫn đến hoang tưởng và giúp người bệnh tháo gỡ những vướng mắc liên quan.

hoang tưởng mang thai
Tâm lý trị liệu là lựa chọn ưu tiên khi điều trị hoang tưởng mang thai

Sau khi nhận thức rõ ràng về việc bản thân không mang thai, các triệu chứng thể chất như căng bụng, không có kinh nguyệt, ốm nghén,… sẽ thuyên giảm trong một thời gian ngắn. Điều này cho thấy, tác động tâm lý thực sự là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi về nội tiết tố.

Liệu pháp tâm lý cũng giúp người bệnh ổn định tinh thần và chấp nhận bản thân đang phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe sinh sản. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia cũng sẽ tư vấn cho người bệnh các giải pháp hiệu quả trong trường hợp muốn có con.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc không được khuyến khích sử dụng trong điều trị hoang tưởng mang thai. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân gặp phải dạng hoang tưởng này đều đi kèm với các rối loạn tâm lý, tâm thần. Do đó, việc sử dụng thuốc đôi khi là cần thiết để kiểm soát các triệu chứng tâm thần đi kèm.

Sử dụng thuốc giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng thể chất giống như mang thai bao gồm tăng kích thước vòng 1, chướng bụng, ốm nghén, táo bón,… Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy, sử dụng thuốc cho bệnh nhân hoang tưởng mang thai có thể làm giảm nồng độ catecholamine và prolactin.

Khi các triệu chứng thể chất thuyên giảm, bệnh nhân sẽ đối mặt với thực tế là bản thân không mang thai. Để tránh kích động quá mức, bệnh nhân phải được trị liệu tâm lý song song với liệu pháp hóa dược. Hiện tại, thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm là hai nhóm thuốc được cân nhắc dùng trong trường hợp hoang tưởng mang thai.

3. Sự nâng đỡ của gia đình

Trong nhiều trường hợp, hoang tưởng mang thai xảy ra do nữ giới phải đối mặt với áp lực từ việc có con. Trong khi đó, nữ giới bị vô sinh – hiếm muộn nhận được sự đồng cảm từ bạn đời và gia đình ít gặp phải các vấn đề tâm lý nào. Do đó, ngoài các phương pháp y tế, gia đình cần nâng đỡ tinh thần để bệnh nhân đối mặt với thực tế và ổn định lại tâm lý.

hoang tưởng mang thai
Sự nâng đỡ của gia đình sẽ giúp bệnh nhân chấp nhận thực tế và ổn định lại tinh thần nhanh chóng

Khi được bác sĩ chẩn đoán không mang thai, gia đình cần tránh phản ứng chì chiết và trách móc. Ngoài ra, không được phủ định quyết liệt về việc bệnh nhân cho rằng bản thân đang mang thai. Thay vào đó, nên thể hiện sự đồng cảm, yêu thương và chia sẻ. Sự quan tâm của gia đình là động lực để người bệnh vượt qua cú sốc tinh thần, phục hồi sau sang chấn và đón nhận thực tế rằng bản thân hoàn toàn không mang thai.

Hoang tưởng mang thai là một dạng hoang tưởng khá đặc biệt chỉ xảy ra ở nữ giới. Để tránh những tình huống đáng tiếc, người chồng cần quan tâm đến tâm lý của bạn đời – nhất là trong trường hợp vừa sảy thai, vô sinh – hiếm muộn, thai chết lưu,…

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *