Bệnh hoang tưởng: Biểu hiện và cách phòng chống, điều trị
Bệnh hoang tưởng là một dạng rối loạn tâm thần tương đối ít gặp với tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 0.03% dân số. Bệnh lý này thường bị nhầm lẫn với triệu chứng hoang tưởng thường gặp ở những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, loạn thần, rối loạn lưỡng cực,…
Bệnh hoang tưởng là gì?
Hoang tưởng là những ý nghĩ, quan niệm hoặc niềm tin sai lầm và không phù hợp với thực tế. Những quan niệm này được hình thành một cách không rõ ràng và hoàn toàn không có cơ sở. Đặc điểm của hoang tưởng là bệnh nhân mất khả năng phán đoán nên luôn vững giữ niềm tin ngay cả khi những người xung quanh chứng minh điều này là sai với những bằng chứng xác thực nhất.
Hoang tưởng là một trong những nhóm triệu chứng phổ biến của bệnh loạn thần. Tuy nhiên, bệnh hoang tưởng hay rối loạn hoang tưởng được xác định khi các niềm tin sai lầm kéo dài ít nhất 1 tháng và không đi kèm với bất cứ triệu chứng tâm thần nào khác.
Thực tế, hoang tưởng là triệu chứng rất phổ biến xuất hiện trong nhiều rối loạn tâm thần như loạn thần cấp, tâm thần phân liệt, trầm cảm loạn thần, rối loạn stress sau sang chấn,… Tuy nhiên, rất ít trường hợp bị rối loạn hoang tưởng. Theo thống kê, chỉ có khoảng 0.03% dân số mắc bệnh lý này và gặp chủ yếu người trung niên, cao tuổi.
Những niềm tin và quan niệm sai lầm do hoang tưởng gây ra ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Hoang tưởng chi phối cảm xúc, hành vi và tư duy nên nếu không được điều trị, một số người có thể bị biến đổi nhân cách, nảy sinh hành vi hung hăng và gây tổn thương những người xung quanh. Bệnh hoang tưởng cần được điều trị và kiểm soát để giảm thiểu ảnh hưởng đối với sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Phân loại hoang tưởng
Hoang tưởng được chia thành nhiều dạng khác nhau. Trong đó bao gồm 4 loại chính sau đây:
1. Hoang tưởng kỳ quái
Hoang tưởng kỳ quái là những hoang tưởng có nội dung phi lý và xa rời thực tế. Những hoang tưởng này không phù hợp với cuộc sống, cách giáo dục và nền văn hóa. Chẳng hạn như những hoang tưởng có liên quan đến thần thánh đôi khi không được xem là kỳ quái vì quan niệm này phù hợp với văn hóa và tôn giáo.
Hoang tưởng kỳ quái thường gặp nhất là những suy nghĩ cho rằng nội tạng của bản thân đã bị ai đó thay thế nhưng không để lại sẹo. Suy nghĩ này hoàn toàn phi lý nên được xếp vào nhóm hoang tưởng kỳ quái.
2. Hoang tưởng không kỳ quái
Hoang tưởng không kỳ quái là những niềm tin, suy nghĩ hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế như nghi ngờ bản thân bị người khác theo dõi, cho rằng bản thân mắc bệnh nghiêm trọng, có niềm tin bản thân bị người yêu phản bội,… Mặc dù những niềm tin này đa phần đều sai lệch nhưng chúng vẫn có thể xảy ra trong thực tế.
3. Hoang tưởng phù hợp với tâm trạng
Hoang tưởng phù hợp với tâm trạng là những hoang tưởng có nội dung phù hợp với cảm xúc hiện tại. Chẳng hạn người đang buồn bã, bi quan sẽ có hoang tưởng rằng bản thân đang bị theo dõi, sát hại, hoang tưởng bản thân bị ghét bỏ hoặc trả thù. Ngược lại, trong trạng thái vui vẻ và phấn chấn, bệnh nhân thường có niềm tin rằng bản thân là vị thần tối cao hoặc một nhân vật quan trọng nào đó.
4. Hoang tưởng không phù hợp với tâm trạng
Dạng hoang tưởng này ngược lại với hoang tưởng phù hợp với tâm trạng. Bệnh nhân sẽ hình thành những niềm tin và quan niệm độc lập so với cảm xúc. Chẳng hạn như tâm trạng đang buồn bã, bi quan nhưng người bệnh hình thành hoang tưởng bản thân là người tài giỏi, có tài năng hơn người hoặc hoang tưởng bản thân là đại diện của một vị thần linh cao siêu.
Biểu hiện của bệnh hoang tưởng
Hoang tưởng có triệu chứng khá rõ ràng nhưng bệnh nhân không nhận ra sự bất thường của bản thân. Người mắc bệnh lý này mất hoàn toàn khả năng phán đoán. Do đó, họ không nhận ra bản thân có những hoang tưởng viễn vông, không có cơ sở và bằng chứng rõ ràng.
1. Biểu hiện chung
Người mắc chứng rối loạn hoang tưởng chỉ gặp phải các hoang tưởng, ngoài ra không đi kèm với bất cứ triệu chứng tâm thần nào và chức năng tâm lý xã hội gần như không bị suy giảm. Tuy nhiên, những quan niệm và niềm tin sai lầm có thể chi phối cảm xúc và hành vi của người bệnh. Thông qua các biểu hiện này, những người xung quanh có thể phát hiện ra dấu hiệu bất thường.
Các biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân bị hoang tưởng:
- Tỏ ra nghi ngờ, dè chừng và chú ý đến lời nói, hành động của người khác
- Luôn trong trạng thái căng thẳng
- Không thoải mái chia sẻ thông tin và câu chuyện của bản thân với mọi người
- Cảm xúc không ổn định do nhạy cảm quá mức với ánh nhìn và lời nói của người khác. Bệnh nhân hoang tưởng dễ thù hằn, đôi khi có hành vi gây hấn do mâu thuẫn với những người xung quanh.
- Thường xuyên lo lắng, bi quan, tiêu cực, đôi khi có cảm xúc vui vẻ và phấn chấn. Nói chung, tâm trạng của bệnh nhân tăng – giảm tùy theo dạng hoang tưởng.
- Nóng nảy, hay tức giận và khó kiểm soát cảm xúc
- Thường tranh luận gay gắt, cứng nhắc và bướng bỉnh. Vì lý do này, nhiều bệnh nhân hoang tưởng gần như không thể làm việc nhóm.
- Sống khép kín, ít giao tiếp vì luôn cho rằng bản thân bị theo dõi và sát hại.
Như đã đề cập, chức năng tâm lý xã hội của bệnh nhân không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, do bị niềm tin sai lệch chi phối nên người bệnh gặp nhiều khó khăn trong công việc, hôn nhân, ít bạn bè và cách ly xã hội. Nếu không được điều trị, niềm tin hoang tưởng kéo dài khiến bệnh nhân nhốt mình trong nhà và không thể làm việc hay sinh sống một cách bình thường.
2. Nội dung của các hoang tưởng
Bệnh nhân có thể đề cập đến nội dung hoang tưởng thông qua lời nói buộc tội người khác. Chẳng hạn họ cho rằng đồng nghiệp là người luôn theo dõi, chơi xấu họ hoặc buộc tội người yêu/ bạn đời không chung thủy. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân che giấu hoang tưởng vì sợ bị người phát hiện.
Nội dung của hoang tưởng rất đa dạng và thường gặp nhất là những nội dung sau:
– Hoang tưởng bị hại:
Hoang tưởng bị hại là những ý nghĩ về việc đang có cá nhân hoặc nhóm (tổ chức) muốn ám hại mình. Niềm tin này được xây dựng không dựa trên bất cứ cơ sở hay bằng chứng thực tế nào. Người bệnh có niềm tin sai lầm này luôn tìm kiếm đối tượng mà họ nghi ngờ sẽ thực hiện hành vi ám sát, theo dõi và quấy rối bản thân.
Vì liên tục cảm thấy bất an nên người bệnh tìm đến sự giúp đỡ của toàn án và công an. Tuy nhiên, họ không từ bỏ niềm tin này ngay cả khi cơ quan chức năng đã khẳng định họ đang sống trong môi trường an toàn. Hoang tưởng bị hại khiến bệnh nhân sống trong sợ hãi, lo lắng và cảnh giác quá mức. Đôi khi bệnh nhân có thể gây hấn và có hành vi bạo lực với những đối tượng mà họ cho là có ý đồ xấu với bản thân.
– Hoang tưởng bị kiểm soát:
Hoang tưởng bị kiểm soát là niềm tin mãnh liệt cho rằng bản thân đang bị thế lực hoặc cá nhân nào đó chi phối, kiểm soát. Bệnh nhân cho rằng những cảm xúc, hành vi và suy nghĩ của bản thân đều bị chi phối thông qua các phương tiện như tia laser, tia tử ngoại, dòng điện, sóng siêu âm,…
– Hoang tưởng ghen tuông:
Hoang tưởng ghen tuông là nội dung hoang tưởng thường gặp nhất. Dạng hoang tưởng này đặc trưng bởi niềm tin mãnh liệt, dai dẳng về việc người yêu hoặc bạn đời không chung thủy. Tuy nhiên, niềm tin này được xây dựng một cách không có cơ sở.
Vì luôn tin rằng bản thân bị lừa dối nên bệnh nhân có thói quen kiểm soát bạn đời, thường xuyên ghen tuông và đe dọa bạn đời phải thừa nhận hành vi của mình. Khi bạn đời chứng minh họ trong sạch, bệnh nhân hoàn toàn không tin và cố chấp giữ niềm tin sai lệch.
Bệnh nhân bị hoang tưởng ghen tuông thường có hành vi bạo lực với mục đích trừng phạt bạn đời vì đã không chung thủy (mặc dù thực tế không phải như vậy). Những bệnh nhân này đa phần đều sống cô độc do bạn đời đơn phương ly hôn.
– Hoang tưởng được yêu:
Hoang tưởng được yêu là niềm tin về việc bản thân được một người nào đó dành tình cảm mãnh liệt. Niềm tin này thôi thúc bệnh nhân gửi quà tặng, tin nhắn, gọi điện và thậm chí là theo dõi đối tượng mà họ cho là có tình cảm với bản thân.
Hoang tưởng được yêu khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý do liên tục quấy rối và xâm phạm cuộc sống riêng tư của người khác.
– Hoang tưởng tự cao:
Hoang tưởng tự cao là dạng hoang tưởng mà bệnh nhân cho rằng bản thân là người có ngoại hình và tài năng vô cùng đặc biệt. Họ cho rằng sự tồn tại của bản thân có vai trò quan trọng đối với một tổ chức, quốc gia hoặc của toàn thế giới.
Bệnh nhân cho rằng bản thân có quyền lực không ai sánh bằng và được nhiều người mến mộ. Nếu có niềm tin tôn giáo, một số người bệnh cho rằng bản thân là đại diện của thần linh và mang thông điệp từ thượng đế gửi xuống cho con người.
– Hoang tưởng dạng cơ thể:
Hoang tưởng dạng cơ thể là những niềm tin về việc bản thân mắc bệnh mặc dù thực tế cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Người có dạng hoang tưởng này liên tục kiểm tra các cơ quan trong cơ thể và thăm khám thường xuyên. Người bệnh có niềm tin mãnh liệt là bản thân nhiễm ký sinh trùng (nhiễm HIV, lao, giang mai), bị khuyết tật và cơ thể có mùi kỳ lạ.
– Hoang tưởng liên hệ:
Hoang tưởng liên hệ là việc bệnh nhân tin rằng tất cả những việc xảy ra xung quanh đều có mối liên hệ mật thiết với bản thân. Chẳng hạn như họ cho rằng các chương trình ti vi, đài báo đều đang gửi đến cho mình thông điệp gì đó. Hoang tưởng liên hệ thường xảy ra trước hoang tưởng bị hại.
– Hoang tưởng tự buộc tội:
Hoang tưởng tự buộc tội là niềm tin sai lầm về việc bệnh nhân cho rằng bản thân đã phạm phải tội lỗi nghiêm trọng, đáng bị ghét bỏ và trừng phạt. Dạng hoang tưởng này ít khi xuất hiện độc lập mà xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân trầm cảm hoặc cơn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực. Ý nghĩ buộc tội có thể thôi thúc hành vi tự sát.
– Hoang tưởng phát minh:
Hoang tưởng phát minh xảy ra khi người bệnh cho rằng bản thân là người nghiên cứu và tìm tòi ra những phát minh mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Bệnh nhân có niềm tin rằng những phát minh của mình có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội.
Người bị hoang tưởng phát minh luôn cố gắng trình bày phát minh của mình và muốn những người xung quanh thừa nhận. Bệnh nhân dành nhiều thời gian đến các hội thảo với mong muốn được thừa nhận nhưng kết quả thì ngược lại.
– Hoang tưởng nhận nhầm:
Hoang tưởng nhận nhầm là dạng hoang tưởng khá ít gặp và chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Người bệnh nhận nhầm người lạ là người thân và xem người thân là người xa lạ. Bệnh nhân nghi ngờ người thân là những người lạ đang đóng giả bố mẹ, bạn đời của mình.
– Hoang tưởng gán ý:
Hoang tưởng gán ý được miêu tả là hiện tượng người bệnh gán cho hiện tượng hoặc sự vật ý nghĩ riêng và ý nghĩ này thường có liên quan đến số phận của bản thân. Dạng hoang tưởng này dễ bị nhầm lẫn với hoang tưởng liên tưởng. Tuy nhiên, hai dạng này hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ như đi trên đường gặp một cái hố, bệnh nhân hoang tưởng liên tưởng cho rằng có ai đã cố ý đào cái hố với ý định khiến bản thân rơi xuống. Tuy nhiên, người bị hoang tưởng gán ý cho rằng cái hố là biểu tượng của huyệt chôn. Điều này dự báo rằng họ sẽ chết trong thời gian không lâu sắp tới.
– Hoang tưởng đổi dạng (hoang tưởng đóng kịch):
Hoang tưởng đóng kịch là một trong những dạng hoang tưởng ít gặp. Bệnh nhân có niềm tin mãnh liệt về việc mọi thứ xung quanh là cảnh trong phim hoặc trên sân khấu và những người xung quanh là nhân vật.
– Hoang tưởng kỳ quái:
Hoang tưởng kỳ quái là những niềm tin xa rời với thực tế và không có khả năng xảy ra. Bệnh nhân đang trong trạng thái vui vẻ và phấn khích thường sẽ có hoang tưởng bản thân đang sống trong thế giới tiện nghi, giàu sang hoặc sống ở chốn thần tiên.
Trong khi đó, bệnh nhân có tâm trạng bi quan và buồn rầu thường có những hoang tưởng như phủ định bản thân (không có các cơ quan nội tạng hoặc nội tạng bị hư hỏng nặng), phủ định ngoại cảnh (thế giới tan hoang, thành phố bị sụp đổ và ngập lụt) và đau khổ vô biên (cho rằng bản thân bị đau khổ hàng thế kỷ, nhà cửa tan nát, mất toàn bộ người thân). Hoang tưởng kỳ quái thường gặp ở người già và đa phần có liên quan đến tai biến mạch máu não.
– Hoang tưởng biến hình bản thân:
Hoang tưởng biến hình bản thân đặc trưng bởi niềm tin sai lầm về việc bản thân biến thành hình cây cỏ, thú vật hoặc chim chóc. Dạng hoang tưởng này có thể đi kèm với hoang tưởng bị kiểm soát (chi phối).
Đa phần các dạng hoang tưởng đều xảy ra ở bệnh loạn thần, tâm thần phân liệt và một số rối loạn tâm thần khác. Rất ít trường hợp mắc bệnh hoang tưởng/ rối loạn hoang tưởng (chỉ xuất hiện hoang tưởng và không có triệu chứng tâm thần đi kèm). Ở bệnh nhân hoang tưởng, nội dung hoang tưởng thường là hoang tưởng bị hại, hoang tưởng được yêu, hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng tự cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng
Nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguồn gốc của hoang tưởng có thể bắt nguồn từ ám ảnh hoặc định kiến. Ngoài ra, hoang tưởng có thể là triệu chứng của bệnh loạn thần còn sót lại.
Mặc dù nguyên nhân chưa được làm rõ nhưng một số yếu tố đã được xác định làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh hoang tưởng bao gồm:
- Từng bị loạn thần hoặc tâm thần phân liệt
- Gia đình có tiền sử mắc rối loạn hoang tưởng hoặc các rối loạn tâm thần có liên quan
- Dùng thuốc hướng thần trong độ tuổi thanh thiếu niên và thanh niên được nghiên cứu có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh hoang tưởng.
- Người từng bị biến chứng khi sinh và mắc các bệnh tự miễn sẽ có nguy cơ bị rối loạn hoang tưởng cao hơn.
Tỷ lệ mắc bệnh hoang tưởng là không nhiều, trong đó đa số bệnh nhân đều có từ 3 yếu tố trở lên. Điều này cho thấy những yếu tố trên có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán bệnh hoang tưởng
Người bị bệnh hoang tưởng không có hiện tượng sụt giảm chức năng tâm lý xã hội nên vẫn có thể học tập, làm việc và duy trì các mối quan hệ. Tuy nhiên, ý nghĩ, hành vi kỳ quái hoặc sự nghi ngờ vô căn cứ khiến bệnh nhân gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Người mắc chứng bệnh này không bao giờ thay đổi niềm tin của mình. Do đó, việc người bệnh tự ý thức được tình trạng sức khỏe là không bao giờ xảy ra. Bệnh nhân chỉ đến thăm khám khi nghi ngờ bản thân mắc các bệnh lý thể chất hoặc bị cưỡng chế đến bệnh viện.
Rối loạn hoang tưởng rất khó chẩn đoán do hoang tưởng là triệu chứng thường thấy trong các rối loạn tâm thần. Do đó, chẩn đoán sẽ mất khá nhiều thời gian. Bệnh lý này thường sẽ được chẩn đoán bằng cách loại trừ các khả năng có thể xảy ra.
Các bước chẩn đoán bệnh hoang tưởng:
- Tìm hiểu về triệu chứng bệnh nhân gặp phải (thường có sự hỗ trợ của gia đình)
- Khai thác tiền sử gia đình
- Kiểm tra tình trạng tâm thần của bệnh nhân
- Chụp MRI/ CT não bộ để tìm tổn thương thực thể
- Xét nghiệm nước tiểu, máu để loại trừ nguyên nhân do nghiện rượu và chất kích thích
Sau khi loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra, rối loạn hoang tưởng sẽ được chẩn đoán khi triệu chứng hoang tưởng kéo dài ít nhất 1 tháng và không đi kèm với bất cứ các triệu chứng tâm thần khác. Khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh dựa vào nội dung hoang tưởng và khả năng bệnh nhân thực hiện hành vi bạo lực.
Các phương pháp điều trị bệnh hoang tưởng
Hoang tưởng không được điều trị có thể làm biến đổi nhân cách và gia tăng các phiền toái trong cuộc sống. Điều trị bệnh lý này phải được thực hiện cẩn trọng bởi bệnh nhân có thể cho rằng, bác sĩ đang bị thao túng và cố ý hãm hại bản thân.
Bước đầu trong điều trị bệnh hoang tưởng là thiết lập mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Vì nguyên nhân chưa rõ ràng nên người bệnh có thể phải điều trị suốt đời. Dù vậy, điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu biến chứng, bệnh nhân có thể học tập/ làm việc và duy trì được các mối quan hệ.
Các phương pháp được cân nhắc áp dụng trong quá trình điều trị bệnh hoang tưởng:
1. Sử dụng thuốc
Hiện tại, chưa có loại thuốc nào được chứng minh mang lại hiệu quả tối ưu đối với bệnh hoang tưởng. Dù vậy, thuốc vẫn sẽ được sử dụng để giảm các hoang tưởng và giúp bệnh nhân ổn định cuộc sống. Tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ cũng sẽ xem xét một số loại thuốc đi kèm nếu bệnh nhân có biểu hiện lo âu, stress và trầm cảm.
Các loại thuốc điều trị hoang tưởng thông dụng:
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc an thần (benzodiazepine hoặc non-benzodiazepine)
- Thuốc chống trầm cảm
Thực tế, nhiều bệnh nhân rối loạn hoang tưởng không thừa nhận bệnh và từ chối dùng thuốc. Trong trường hợp này, người bệnh phải nhập viện để được tiêm thuốc và theo dõi. Ngoài ra, bệnh nhân có hành vi gây hấn đe dọa đến sức khỏe của những người xung quanh cũng sẽ được điều trị nội trú để tránh những tình huống đáng tiếc.
2. Tâm lý trị liệu
Dùng thuốc mang lại kết quả tương đối hạn chế. Do đó, bệnh nhân sẽ được trị liệu tâm lý để thay đổi những niềm tin lệch lạc. Quá trình trị liệu sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi chuyên gia thực sự thấu hiểu tâm lý của bệnh nhân cũng như có nhiều kinh nghiệm thực tế. Bởi người bệnh rất dễ nảy sinh nghi ngờ, cho rằng bác sĩ đang bị thế lực nào đó khống chế với mục đích làm hại, ám sát bản thân.
Việc thay đổi niềm tin sai lầm ở bệnh nhân hoang tưởng là điều không hề đơn giản. Dù vậy, can thiệp trị liệu tâm lý sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn cảm xúc và hành vi của bản thân.
Nhà trị liệu cũng sẽ giúp bệnh nhân ý thức được vai trò của thuốc, từ đó duy trì thói quen dùng thuốc lâu dài và kiên trì hơn trong việc trị liệu. Đa phần những bệnh nhân bị rối loạn hoang tưởng chỉ thừa nhận bản thân mắc bệnh khi nhận thấy rõ cuộc sống cải thiện rõ rệt sau khi trị liệu. Do đó, điều trị thường sẽ kết hợp giữa dùng thuốc và trị liệu tâm lý.
3. Các biện pháp hỗ trợ
Điều trị rối loạn hoang tưởng còn nhiều hạn chế. Để kiểm soát bệnh tốt nhất, người bệnh và gia đình cũng nên xem xét một số biện pháp hỗ trợ như:
- Ngồi thiền
- Tập yoga
- Chế độ ăn cân bằng
- Sinh hoạt điều độ
- Viết nhật ký
- Dành thời gian cho những hoạt động yêu thích như chơi với thú cưng, đan len, vẽ tranh, nấu nướng, sưu tầm,…
Có phòng ngừa bệnh hoang tưởng được không?
Thực tế, không có phương pháp nào có thể phòng ngừa bệnh hoang tưởng và các rối loạn tâm thần. Như đã đề cập, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của rối loạn hoang tưởng chưa rõ ràng. Dù vậy, nguy cơ mắc bệnh có thể giảm đi nếu loại trừ những yếu tố thuận lợi.
Một số biện pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoang tưởng:
- Tránh mang thai khi tuổi cao, đồng thời nên theo dõi thai kỳ thường xuyên và kiêng cữ tuyệt đối rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,… trong thời gian mang thai.
- Không tùy tiện sử dụng thuốc hướng thần.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và sinh hoạt khoa học có thể hạn chế nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần.
- Thăm khám và điều trị các rối loạn tâm thần như loạn thần, tâm thần phân liệt,…
- Hạn chế căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Ngoài ra, nên trang bị những kỹ năng mềm để có thể giảm thiểu những tình huống gây stress và cân bằng cảm xúc tốt.
Bệnh hoang tưởng là một rối loạn tâm thần tương đối ít gặp. Bệnh lý này dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng hoang tưởng thường gặp ở các rối loạn tâm thần. Điều trị bệnh còn nhiều thách thức và hạn chế, do đó gia đình nên đồng hành để người bệnh có thể vượt qua căn bệnh này và ổn định cuộc sống lâu dài.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!