Bệnh loạn thần có nguy hiểm không? Chữa khỏi được không?

Bệnh loạn thần có nguy hiểm không? Chữa khỏi được không? là băn khoăn của khá nhiều bệnh nhân. Hiểu rõ về đặc điểm và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong quá trình điều trị.

loạn thần nguy hiểm không
Bệnh loạn thần nguy hiểm không là băn khoăn của nhiều bệnh nhân

Bệnh loạn thần có nguy hiểm không?

Loạn thần là một nhóm rối loạn tâm thần đặc trưng bởi các triệu chứng hoang tưởng và ảo giác. Các triệu chứng này có thể xảy ra tạm thời hoặc dai dẳng tùy theo nguyên nhân. Ảo giác, hoang tưởng chi phối cảm xúc và hành vi của bệnh nhân khiến người bệnh mất đi khả năng phán đoán, nhận thức.

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây loạn thần. Bên cạnh đó, những hiểu biết của cộng đồng về chứng bệnh này cũng rất hạn chế. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân đều không được can thiệp các biện pháp chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Bệnh loạn thần có nguy hiểm không là băn khoăn của khá nhiều bạn đọc. Được biết, bệnh lý này là một dạng rối loạn tâm thần nặng. Mức độ nguy hiểm sẽ phụ thuộc vào dạng loạn thần và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân.

Dù vậy trong tất cả các trường hợp, loạn thần đều gây ra những ảnh hưởng nặng nề như sau:

1. Gây ra xung đột trong các mối quan hệ

Bệnh nhân loạn thần sẽ xuất hiện các hoang tưởng với nội dung đa dạng như hoang tưởng được yêu, hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng truy hại, hoang tưởng tự cao,… Hoang tưởng là những niềm tin sai lầm hoàn toàn không có cơ sở và bệnh nhân cố chấp giữ niềm tin ngay cả khi thực tế đang chứng minh điều ngược lại.

Các hoang tưởng được hình thành một cách bất thường mà không dựa vào các bất cứ cơ sở nào. Ngay cả khi được những người xung quanh giải thích cặn kẽ, bệnh nhân vẫn không thay đổi niềm tin của bản thân.

Hoang tưởng chi phối cảm xúc và hành vi của bệnh nhân. Người bệnh có thể nghi ngờ sự chung thủy của bạn đời hay cho rằng những người xung quanh đang cố ý làm hại bản thân. Những ý nghĩ này khiến bệnh nhân trở nên kích động và có hành vi gây hấn, bạo lực.

loạn thần có nguy hiểm không
Loạn thần làm gia tăng xung đột và mâu thuẫn trong các mối quan hệ

Đa số những người bị hoang tưởng đều nảy sinh xung đột với những người xung quanh, bao gồm cả những thành viên trong gia đình. Một số người bị hoang tưởng được yêu sẽ liên tục dính líu đến pháp luật do hành vi quấy rối và làm phiền đến người khác (thường là đối tượng mà họ cho rằng đang dành tình cảm cho mình).

Những ý nghĩ và hành vi kỳ quặc của bệnh nhân khiến khó có thể duy trì những mối quan hệ xã hội. Vì bị các hoang tưởng chi phối nên người bệnh có xu hướng sống khép kín và ít bạn bè. Họ thường chỉ có mối liên hệ với người thân trong gia đình. Tuy nhiên, bệnh nhân bị hoang tưởng ghen tuông rất khó có thể xây dựng được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc do sự ghen tuông thái quá. Vì vậy, không ít bệnh nhân phải đối mặt với ly hôn và cáo buộc bạo lực gia đình từ bạn đời.

2. Giảm hiệu suất lao động và học tập

Bệnh nhân bị loạn thần không bị ảnh hưởng chức năng quá nhiều – trừ trường hợp tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, do bị ảo giác và hoang tưởng chi phối nên bệnh nhân rất khó có thể duy trì hiệu suất lao động và học tập. Bệnh nhân thường giảm khả năng tập trung và phân tâm khi làm việc dẫn đến liên tục sai sót, xích mích với đồng nghiệp,…

loạn thần chữa khỏi được không
Các ảo giác và hoang tưởng do loạn thần gây ra khiến bệnh nhân khó duy trì được hiệu suất lao động và học tập

Bên cạnh đó, những hoang tưởng và ảo giác cũng khiến người bệnh khó tập trung cho việc học. Người bệnh thường có thành tích học tập kém, khả năng ghi nhớ suy giảm, tư duy ức chế,… Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn có thể học tập tốt nếu được thăm khám và điều trị sớm.

3. Gia tăng các rối loạn khí sắc

Bệnh nhân bị loạn thần có nguy cơ bị rối loạn khí sắc cao. Bởi các hoang tưởng và ảo giác có thể gây ra cảm giác đau khổ, tuyệt vọng, ghen tuông, phẫn uất và bi quan. Những hoang tưởng này lặp đi lặp lại khiến bệnh nhân dễ bị trầm cảm, rối loạn lo âu, stress,…

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị rối loạn khí sắc trước. Những ý nghĩ bi quan kết tinh dần tạo nên hoang tưởng. Trong trường hợp này, hoang tưởng thường có nội dung là tự buộc tội, ảo thanh phê phán, bình phẩm về tội lỗi hoặc sự vô dụng của bản thân.

Các trường hợp loạn thần kèm theo rối loạn khí sắc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Đa số bệnh nhân đều khó có thể học tập, làm việc và có xu hướng sống khép kín, ít tương tác xã hội.

4. Gia tăng tỷ lệ nghiện rượu, chất gây nghiện

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, loạn thần làm gia tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện. Bệnh nhân thường tìm đến đồ uống chứa cồn, ma túy, cần sa để giải tỏa cảm xúc. Về bản chất, bia rượu và chất gây nghiện là chất ức chế thần kinh trung ương nên sẽ giúp bệnh nhân thoải mái và quên đi những cảm xúc tiêu cực.

Tuy nhiên, cảm giác này chỉ xảy ra tạm thời. Sau khi hết tác dụng, những cảm xúc tiêu cực, các ảo giác và hoang tưởng sẽ xuất hiện dày đặc với mức độ nghiêm trọng hơn. Điều này tiếp tục thôi thúc bệnh nhân dùng rượu và chất gây nghiện với hàm lượng cao hơn.

loạn thần chữa được không
Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, loạn thần làm tăng tỷ lệ nghiện rượu bia và chất gây nghiện

Lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện làm gia tăng ý tưởng, hành vi tự sát. Ngoài ra, những trường hợp này sẽ có tiên lượng xấu hơn so với bệnh nhân có lối sống lành mạnh. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần, nghiện rượu bia và chất gây nghiện còn gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe thể chất như cao huyết áp, rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể, các bệnh lý về gan và đường tiêu hóa.

5. Tự sát

Ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh loạn thần là hành vi tự sát. Hành vi này thường xảy ra ở những bệnh nhân có đi kèm với rối loạn khí sắc. Các hoang tưởng kết tinh sẽ tạo thành ảo giác với nội dung là tiếng nhạc trong đám ma hoặc âm thanh sai khiến bản thân phải thực hiện hành vi tự hại, tự sát.

Tỷ lệ tự sát ở bệnh nhân loạn thần là tương đối cao – đặc biệt là ở những người nghiện chất, lạm dụng rượu bia và những không được điều trị sớm. Đối với những trường hợp có ý tưởng tự sát, gia đình cần cưỡng chế bệnh nhân đến bệnh viện. Trường hợp có ý tưởng và hành vi tự sát sẽ phải điều trị nội trú để tránh những tình huống đáng tiếc.

Nhìn chung, bệnh loạn thần gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, những ảnh hưởng và biến chứng của bệnh có thể được ngăn chặn nếu được thăm khám, điều trị kịp thời.

Bệnh loạn thần có chữa khỏi được không?

Ngoài thắc mắc bệnh loạn thần có nguy hiểm không, rất nhiều người quan tâm đến vấn đề bệnh loạn thần có chữa khỏi được không? Bởi đa phần các rối loạn tâm thần đều tiến triển mãn tính và rất khó để điều trị dứt điểm.

Đối với loạn thần, khả năng chữa khỏi sẽ phụ thuộc vào dạng loạn thần. Trong đó, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời thường có tiên lượng tốt và có thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nên cần phải điều trị củng cố và chăm sóc để cải thiện sức khỏe một cách lâu dài.

loạn thần chữa được không
Khả năng chữa khỏi bệnh loạn thần phụ thuộc vào dạng loạn thần và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân

Các loạn thần do nghiện rượu, nghiện chất cũng có tiên lượng khá tốt – nhất là khi bệnh nhân cách ly hoàn toàn với chất gây nghiện và đồ uống chứa cồn. Tương tự như dạng loạn thần ngắn hạn, bệnh nhân bị loạn thần do rượu cũng cần được chăm sóc sau khi điều trị để ngăn ngừa tái phát và hòa nhập được với cộng đồng.

Loạn thần xuất hiện trong trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoang tưởng có tiên lượng đa dạng. Một số trường hợp có thể hết loạn thần trong một thời gian ngắn nhưng cũng có những trường hợp loạn thần kéo dài. Tuy nhiên, các triệu chứng đi kèm loạn thần thường có xu hướng dai dẳng và mãn tính. Đặc biệt, bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực sẽ phải điều trị suốt đời.

Trong các bệnh loạn thần, tâm thần phân liệt là bệnh có tiên lượng xấu nhất. Bệnh lý này không thể điều trị hoàn toàn và bệnh nhân cũng không có các giai đoạn ổn định như rối loạn lưỡng cực. Sử dụng thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng dương tính như ảo giác, hoang tưởng, kích động nhưng không thể cải thiện các triệu chứng âm tính như cảm xúc cùn mòn, thiếu động lực,…

Bệnh nhân tâm thần phân liệt phải điều trị suốt đời, đồng thời phải có sự hỗ trợ của gia đình để có thể tự thực hiện các hoạt động sống cơ bản như vệ sinh cá nhân, tự nấu nướng, chăm sóc bản thân,… Khi bệnh nhân ổn định hơn, có thể hướng dẫn bệnh nhân làm các công việc đơn giản để tự lập và có thu nhập ổn định.

Tóm lại, loạn thần là bệnh có tiên lượng đa dạng. Một số trường hợp có thể chữa khỏi nhưng một số phải điều trị củng cố suốt đời để tránh tái phát. Tuy nhiên nếu được chăm sóc và điều trị sớm, khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn. Bệnh nhân cũng sẽ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, tự chăm sóc bản thân, tìm kiếm việc làm,…

Loạn thần là một dạng rối loạn tâm thần nặng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ loạn thần có nguy hiểm không và có chữa khỏi không. Những hiểu biết về bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân ý thức hơn về tình trạng sức khỏe, qua đó chủ động trong việc điều trị và phục hồi chức năng tâm thần.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *