Rối loạn thần kinh chức năng: Nguyên nhân và cách điều trị
Rối loạn thần kinh chức năng là tình trạng liên quan đến cách thức hoạt động của não thay vì tổn thương cấu trúc não. Rối loạn này có các triệu chứng của hệ thần kinh nhưng lại không thể giải thích được là do bệnh thần kinh hoặc tình trạng y tế khác. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp phục hồi hoàn toàn.
Rối loạn thần kinh chức năng là gì?
Rối loạn thần kinh chức năng (Functional Neurological Disorder – FND) đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện các triệu chứng trong cơ thể do các vấn đề trong hệ thần kinh. Tuy nhiên các triệu chứng này không phải do bệnh hay do rối loạn thần kinh thực thể gây ra. Thuật ngữ “chức năng” ở đây có nghĩa là cơ thể không hoạt động đúng như bình thường.
Những người mắc chứng FND vẫn ý thức được các triệu chứng mà bản thân họ gặp phải. Đồng thời họ vẫn có khả năng học tập, làm việc cũng như duy trì các mối quan hệ. Đây cũng chính là đặc điểm giúp phân biệt rối loạn thần kinh chức năng với các dạng rối loạn tâm lý – thần kinh khác.
Thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, FND thường xảy ra do não bộ bị ức chế, hưng phấn quá mức hoặc cũng có thể do thay đổi một cách đột ngột giữa hai trạng thái trên. Tình trạng này thường có liên quan tới căng thẳng chồng chất trong một thời gian dài hoặc căng thẳng do các sang chấn tâm lý.
Tỷ lệ chính xác về rối loạn thần kinh chức năng vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, FDN là nguyên nhân phổ biến thứ 2 khiến người bệnh thần kinh phải đến khám ngoại trú tại các cơ sở y tế, sau đau đầu và đau nửa đầu, chiếm khoảng 1/6 số lần chẩn đoán. Điều này cho thấy rằng, FND cũng phổ biến giống như bệnh Parkinson hoặc đa xơ cứng.
FND có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, bất cứ lúc nào mặc dù chứng rối loạn này không phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi. FND có nhiều khả năng ảnh hưởng tới phụ nữ hơn là nam giới đối với hầu hết các triệu chứng. Tuy nhiên khi người bệnh trên 50 tuổi thì nó sẽ xảy ra như nhau ở cả hai nhóm.
Các rối loạn liên quan:
FDN có thể tồn tại với các tình trạng bệnh khác. Nó có thể có các triệu chứng tương tự như các tình trạng đa xơ cứng, đột quỵ và động kinh. Một số người bệnh có cả chẩn đoán bệnh thần kinh như FND và đột quỵ.
Lo lắng và trầm cảm đôi khi cũng có thể gây ra các triệu chứng thể chất trùng lặp với các triệu chứng của FND. Ví dụ như các cơn hoảng loạn có thể xuất hiện với các triệu chứng như cảm giác kim châm ở ngón tay, trầm cảm thường gây ra tình trạng kém tập trung hoặc mệt mỏi. Lo lắng và trầm cảm thường gặp ở người bệnh FND nhưng nhiều bệnh nhân cũng không gặp phải vấn đề này.
Đau mãn tính cũng có thể phổ biến ở bệnh nhân FND, phổ biến nhất là đau cơ xơ hóa, cũng liên quan tới hoạt động của hệ thần kinh bị rối loạn. Rối loạn đau cũng thường liên quan tới mệt mỏi, kém tập trung và rối loạn giấc ngủ.
Các rối loạn chức năng khác bao gồm hội chứng bàng quang hoạt động quá mức hoặc hội chứng ruột kích thích thường gặp hơn ở bệnh nhân FND. Điều quan trọng là các triệu chứng mới không tự động được xem là cơ năng. Đồng thời các nguyên nhân khác cần được xem xét và điều tra thích hợp.
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh chức năng
Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn thần chức năng đến nay vẫn chưa được biết rõ. Mặc dù các nghiên cứu đang đưa ra các gợi ý về cách thức và lý do tại sao nó phát triển. Nhiều yếu tố khuynh hướng khác nhau có thể khiến một người dễ bị FND hơn. Chẳng hạn như mắc một bệnh thần kinh khác, mệt mỏi, căng thẳng hoặc đau mãn tính. Tuy nhiên, một số người bị FND lại không có các yếu tố nguy cơ này.
Vào thời điểm FND bắt đầu, các nghiên cứu cho thấy rằng, có thể xuất hiện các yếu tố kích hoạt. Chẳng hạn như chấn thương thể chất, cơn hoảng sợ, chứng đau nửa đầu hay bệnh truyền nhiễm. Chúng có thể mang đến cho một người trải nghiệm đầu tiên về các triệu chứng.
Các triệu chứng ban đầu này thường có xu hướng tự khỏi. Tuy nhiên, đối với rối loạn thần kinh chức năng thì các triệu chứng có thể bị “mắc kẹt” theo một “khuôn mẫu” bên trong hệ thần kinh. Mô hình này sẽ được phản ánh trong hoạt động của não bị thay đổi. Hệ quả là gây ra vấn đề mà người bệnh không thể kiểm soát.
Trong lịch sử, FND thường được xem như một chứng rối loạn tâm lý hoàn toàn. Trong đó căng thẳng tâm lý bị dồn nén hoặc chấn thương sẽ được chuyển hóa thành các triệu chứng thể chất. Rối loạn tâm lý và các sự kiện căng thẳng có thể là yếu tố nguy cơ phát triển FDN ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên vẫn chưa đưa ra được lời giải thích đầy đủ về nguyên nhân. Bởi một số người không có tình trạng này.
Các lý thuyết gần đây cho rằng FND có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguyên nhân thường khác nhau ở từng đối tượng. Một số yếu tố tâm lý như chấn thương trong quá khứ hay căng thẳng tại thời điểm khởi phát triệu chứng FND là điều quan trọng giúp hiểu được bộ não đã hoạt động sai như thế nào. Tuy nhiên ở người khác thì sự hiện diện của một số vấn đề như chấn thương thực thể hay đau nửa đầu mới là điều quan trọng nhất.
Một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng bao gồm:
- Mắc bệnh hoặc rối loạn thần kinh khác, chẳng hạn như chứng đau nửa đầu, động kinh hoặc rối loạn vận động
- Căng thẳng đáng kể gần đây, chấn thương tinh thần hoặc thể chất
- Có sẵn các tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như rối loạn lo âu, rối loạn phân ly hoặc các dạng rối loạn nhân cách nhất định
- Có một thành viên trong gia đình mắc bệnh hoặc có các triệu chứng về thần kinh
- Có tiền sử lạm dụng thể chất hoặc tình dục
- Bị bỏ rơi khi còn nhỏ
- Nữ giới có thể sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn là nam giới
Dấu hiệu nhận biết rối loạn thần kinh chức năng
Rối loạn thần kinh chức năng chủ yếu ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương (bao gồm cả hệ thần kinh thực vật và hệ thần kinh động vật). Trong đó, hệ thần kinh thực vật thường sẽ là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất (bao gồm cả hệ phó giao cảm và hệ giao cảm).
Hệ thần kinh thực vật chi phối các hoạt động tự động của cơ thể. Chẳng hạn như nội tiết, bài tiết, tuần hoàn, dinh dưỡng, tiêu hóa,… Do đó, khi bị rối loạn thần kinh chức năng, người bệnh thường gặp phải vô số các triệu chứng thể chất. Trong đó đa phần là do cường giao cảm (tức là hệ giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn hệ phó giao cảm).
Theo phân tích, rối loạn thần kinh chức năng là căn bệnh có biểu hiện rất đa dạng. Trong đó, các triệu chứng có liên quan tới tim mạch được cho là phổ biến nhất. Đồng thời đây cũng chính là lý do người bệnh tìm đến các cơ sở y tế.
Các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và chức năng của cơ thể bao gồm:
- Yếu hoặc tê liệt
- Chuyển động bất thường, chẳng hạn như đi lại khó khăn hoặc bị run
- Mất thăng bằng
- Khó nuốt hoặc cảm thấy có sự xuất hiện của khối u trong cổ họng
- Động kinh hoặc các đợt run và mất ý thức rõ ràng (còn gọi là co giật không động kinh)
- Đổ nhiều mồ hôi ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân và một số vùng khác tại phần thân trên
- Nữ giới thường bị bế kinh, vô kinh, rối loạn kinh nguyệt và khó đậu thai
- Nam giới có thể bị giảm ham muốn, dễ gặp phải chứng xuất tinh sớm
- Cầm nắm khó khăn (thường xuất hiện theo từng cơn, xảy ra chủ yếu vào buổi chiều)
- Thở nông, hay bị hụt hơi, đôi khi còn có cảm giác mệt mỏi và nặng khi thở
Các triệu chứng ảnh hưởng tới các giác quan có thể bao gồm:
- Tê hoặc bị mất cảm giác khi chạm
- Các vấn đề về giọng nói như nói lắp hoặc không thể nói
- Các vấn đề về thính giác hoặc điếc
- Các vấn đề về thị lực, có thể là nhìn đôi hoặc mù lòa
- Khó khăn về nhận thức liên quan tới trí nhớ và sự tập trung
Cần sớm tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu các dấu hiệu và triệu chứng khiến bạn cảm thấy lo lắng hay chúng ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của bạn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Nếu được chẩn đoán là rối loạn thần kinh chức năng thì điều trị sẽ giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.
Chẩn đoán rối loạn thần kinh chức năng
Chẩn đoán rối loạn thần kinh chức năng thường gặp nhiều khó khăn. Do các triệu chứng không phải xuất phát từ nguyên nhân thần kinh có thể xác định được hay các bất thường trong não. Không có một xét nghiệm cụ thể nào có thể xác định được tình trạng này.
Chẩn đoán FND thường liên quan tới việc loại trừ các tình trạng có thể xảy ra, chẳng hạn như đột quỵ hay một chấn thương thần kinh khác. Do đó việc chẩn đoán muộn hoặc chẩn đoán sai diễn ra khá phổ biến.
Bước đầu tiên mà bác sĩ thực hiện để chẩn đoán FND là thu thập tiền sử bệnh chi tiết và tiến hành xem xét các triệu chứng. Họ sẽ xem xét cụ thể các triệu chứng thần kinh, chẳng hạn như tê liệt hoặc vấn đề thị lực, không phù hợp với bệnh hay các tình trạng y tế đã biết của cá nhân.
Các xét nghiệm y tế cũng có thể cần thiết để xác định hoặc loại trừ các tình trạng bệnh lý. Chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm sinh hóa
- Điện não đồ
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Sau đó người bệnh có thể trải qua các đánh giá tâm lý khác nhau nhằm xác định bất cứ tình trạng tâm thần nào có thể xảy ra. Chẳng hạn như rối loạn tâm trạng hoặc lo âu, có thể trùng hợp với rối loạn thần kinh chức năng.
Bác sĩ cũng sẽ thu thập các thông tin về những sự kiện gần đây hoặc trong cuộc sống quá khứ. Nhất là chấn thương hoặc các yếu tố gây căng thẳng trước khi các triệu chứng bắt đầu. Điều này không bắt buộc để chẩn đoán FND nhưng nó là một yếu tố nguy cơ phổ biến có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán.
Hướng điều trị rối loạn thần kinh chức năng
Việc điều trị rối loạn thần kinh chức năng cần có được sự cân bằng và liên quan tới nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau. Điều này có nghĩa là sẽ cần đến các bác sĩ và chuyên gia từ nhiều khoa. Bao gồm cả bác sĩ thần kinh, bác sĩ đa khoa, nhà vật lý trị liệu hay chuyên gia tư vấn tâm lý.
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của điều trị FND là làm cho người bệnh hiểu được chẩn đoán của họ. Do các triệu chứng thể chất nghiêm trọng nên nhiều người sẽ có phản ứng tiêu cực với chẩn đoán FND. Họ có thể cảm thấy không tin tưởng bác sĩ.
Bác sĩ nên tiếp cận cuộc thảo luận này theo phương pháp trị liệu để trấn an người bệnh rằng các triệu chứng của họ là rất thực và không bịa đặt. Đồng thời giải thích cho họ hiểu sự xung đột giữa thể chất và tinh thần. Thiết lập lòng tin giữa người bệnh và bác sĩ là điều rất quan trọng để điều trị rối loạn thần kinh chức năng.
Các phương pháp điều trị khác nhau có thể bao gồm:
1. Các phương pháp trị liệu
Tùy thuộc vào biểu hiện triệu chứng của từng người bệnh mà bác sĩ có thể khuyến nghị các liệu pháp sau:
- Vật lý trị liệu: Người bệnh cần làm việc với một chuyên gia vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng vận động cũng như ngăn ngừa các biến chứng. Chẳng hạn như cử động thường xuyên của cánh tay hoặc chân nhằm tránh tình trạng căng hoặc yếu cơ trong trường hợp bị liệt hay mất khả năng vận động. Tăng dần các bài tập thể dục cũng có thể cải thiện được khả năng hoạt động của bạn.
- Liệu pháp ngôn ngữ: Nếu người bệnh gặp phải các triệu chứng bao gồm các vấn đề về lời nói hoặc nuốt thì làm việc với một nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
- Kỹ thuật giảm căng thẳng hoặc mất tập trung: Các kỹ thuật giảm căng thẳng có thể bao gồm một số phương pháp như thư giãn cơ bắp, các bài tập thở, tập thể dục và hoạt động thể chất. Còn các kỹ thuật làm mất tập trung có thể là âm nhạc, nói chuyện với người khác hay cố tình thay đổi cách mà bạn di chuyển hoặc đi bộ.
2. Liệu pháp cho sức khỏe tâm thần
Cảm xúc và cách mà bạn suy nghĩ về mọi thứ có thể sẽ tác động tới các triệu chứng cũng như quá trình hồi phục. Các lựa chọn điều trị tâm thần thường bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Đây là một liệu pháp tâm lý giúp bạn nhận thức được suy nghĩ không chính xác hoặc tiêu cực nhằm giúp bạn có thể nhìn nhận tình huống rõ ràng hơn, đồng thời phản ứng với chúng theo cách hiệu quả hơn. Liệu pháp nhận thức hành vi còn giúp bạn học cách quản lý tốt hơn các tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống. Điều này đặc biệt có lợi khi các triệu chứng của bạn bao gồm co giật không động kinh. Các loại liệu pháp tâm lý khác cũng có thể hữu ích khi bạn có vấn đề giữa các cá nhân hoặc tiền sử chấn thương, lạm dụng.
- Điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần khác: Trầm cảm, lo lắng hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác có thể sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng của rối loạn thần kinh chức năng. Điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần song song với FND có thể giúp người bệnh hồi phục hiệu quả và nhanh chóng hơn.
3. Liệu pháp nghề nghiệp
Các triệu chứng như yếu, tê liệt hay thay đổi cảm giác có thể khiến cho người bệnh rối loạn thần kinh chức năng gặp khó khăn trong việc tham gia vào cuộc sống thường ngày, công việc, trường học hay các mối quan hệ của họ như trước đây. Liệu pháp nghề nghiệp sẽ giúp họ sớm trở lại hoạt động bình thường thông qua việc thay đổi môi trường, sử dụng các thiết bị hỗ trợ, điều hòa các giác quan, các bài tập tăng cường sức mạnh,…
4. Liệu pháp hóa dược
Sử dụng thuốc được cho là phương pháp chính trong quá trình điều trị chứng rối loạn thần kinh chức năng. Các loại thuốc được sử dụng thường sẽ giúp điều chỉnh nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Đồng thời cải thiện cảm giác đau tại các cơ quan.
Bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh dùng một số loại thuốc sau đây:
– Thuốc chống trầm cảm:
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng là được ưu tiên hơn cả. Nguyên nhân là do loại thuốc này có thể giúp làm giảm đau do rối loạn cảm giác, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ. Bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc với liều thấp. Sau đó mới từ từ tăng liều lượng cho tới khi đạt được hiệu quả điều trị. Các loại thuốc được dùng có thể bao gồm:
- Amitriptyline
- Desipramine
- Nortriptyline
– Thuốc chống co giật:
Thuốc chống co giật được sử dụng với mục đích ức chế trạng thái kích thích của não bộ. Từ đó giúp làm giảm cảm giác đau nhói xảy ra tại một số cơ quan. Các loại thuốc thường được kê toa bao gồm:
- Phenytoin
- Carbamazepin
- Gabapentin
- Topiramate
- Lamotrigine
– Các loại thuốc khác:
Như đã đề cập, rối loạn thần kinh chức năng thường gây ra triệu chứng đa dạng. Do đó ngoài hai nhóm thuốc nêu trên thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng thêm một số loại thuốc khác để kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra bệnh nhân cũng có thể sử dụng thêm viên uống hoặc thực phẩm chức năng giúp phục hồi tế bào thần kinh.
Ngoại trừ thuốc chống trầm cảm thì các loại thuốc khác chỉ được sử dụng ngắn hạn để hạn chế các tác dụng phụ. Bên cạnh tác dụng cải thiện các triệu chứng thì thuốc chống trầm cảm còn có khả năng cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh. Từ đó giúp cải thiện tuần hoàn, đồng thời ngăn ngừa các triệu chứng FND tái phát.
5. Tự chăm sóc sức khỏe
Ngoài các phương pháp y thế thì người bệnh nên chú ý tự chăm sóc sức khỏe. Bởi đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp hỗ trợ cải thiện chứng rối loạn thần kinh chức năng. Một số vấn đề cần lưu ý bao gồm:
- Hoạt động thể chất: Thường xuyên tập thể dục có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng thể chất do FND gây ra. Ngoài ra, quá trình luyện tập còn thúc đẩy cơ thể giải phóng hormone endorphin có khả năng giải tỏa căng thẳng và điều chỉnh cảm xúc. Bệnh nhân FND được khuyên là nên dành tối thiểu 30 phút/ ngày cho các hoạt động thể chất phù hợp với thể trạng.
- Ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống phù hợp giúp người bệnh cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát các triệu chứng của rối loạn thần kinh chức năng. Người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Chú ý tránh xa rượu bia, chất gây nghiện hay các món ăn có chứa nhiều đường và chất béo bão hòa.
- Massage: Đây là liệu pháp thư giãn đơn giản mang lại nhiều lợi ích cho quá trình điều trị FND. Massage có tác dụng thư giãn cơ, hỗ trợ điều hòa các yếu tố sinh hóa và giảm cảm giác đau ở một số cơ quan. Khi massage, có thể sử dụng một số tinh dầu có mùi thơm để làm gia tăng cảm giác thư giãn. Đồng thời hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Giữ tinh thần lạc quan: Trên thực tế, người bệnh FND có nhiều khả năng bị ám thị. Tâm trạng chán nản và bi quan có thể khiến cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Việc giữ thái độ vui vẻ, lạc quan có thể giúp thúc đẩy tốc độ phục hồi. Hơn nữa tinh thần thoải mái còn giúp đáp ứng tốt với với các phương pháp điều trị.
Rối loạn thần kinh chức năng cần được điều trị sớm để hạn chế các vấn đề về cả thể chất và tâm lý. Khi phát hiện ra các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ. Song song với điều trị y tế cần kết hợp với các biện pháp tự cải thiện tại nhà để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối Loạn Phân Liệt Cảm Xúc (SZD) là gì?
- Bệnh tâm thần phân liệt: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị
- Rối loạn stress cấp tính (ASD) là gì? Có nguy hiểm không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!