[Giải Đáp] Bệnh Trầm Cảm Di Truyền Không?
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, nhiều người nhận thấy rằng, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm sẽ tăng cao nếu người thân trong gia đình đã từng mắc chứng bệnh này. Vậy câu hỏi được đặt ra là “Liệu bệnh trầm cảm có di truyền?”. Cùng giải đáp trong bài viết sau.
Tìm hiểu sơ lược về căn bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một dạng bệnh tâm thần với đặc trưng là các triệu chứng rối loạn khí sắc. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, suy nghĩ tiêu cực, không còn hứng thú với mọi thứ diễn ra xung quanh. Trầm cảm có thể khởi phát ở bất cứ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ cho đến người già cao tuổi. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì mỗi người có thể trải qua ít nhất một giai đoạn trầm cảm nhẹ trong suốt cuộc đời.
Trầm cảm cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây nên các vụ tự sát. Theo ước tính thì mỗi năm có đến gần 850.000 người chết do hành vi tự sát bởi sự ảnh hưởng của trầm cảm. Cũng bởi thông thường những người có hoàn cảnh bế tắc trong cuộc sống như ly hôn, phá sản, thất nghiệp, mất người thân sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Trầm cảm có thể gây ra hàng loạt các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống hàng ngày của người bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện và ngăn chặn tốt thì có thể đe dọa đến cả tính mạng của bệnh nhân. Chính vì thế, để sớm phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo trầm cảm, bạn cần nắm rõ các biểu hiện đặc trưng sau:
- Cảm thấy buồn chán, luôn rủ rũ, bi quan, rầu rĩ, ánh mắt thơ thẩn, đơn điệu, khí sắc giảm đáng kể.
- Mất dần hứng thú đối với các hoạt động diễn ra xung quanh, dù đó là những điều mà bản thân đã từng rất yêu thích. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, không quan tâm đến cả việc quan hệ tình dục.
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, năng lượng giảm sút dù không làm bất kì công việc nào nặng nhọc. Cảm giác này thường gia tăng vào buổi sáng khiến cho các sinh hoạt đời sống bị ảnh hưởng.
- Rối loạn giấc ngủ, điển hình nhất là tình trạng mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc, hay gặp ác mộng. Theo thống kê có đến gần 95% các trường hợp bị mất ngủ do sự ảnh hưởng của trầm cảm.
- Có cảm giác tội lỗi, cho rằng bản thân vô dụng, suy nghĩ tiêu cực, có xu hướng tự nhận lỗi về chính mình, sợ trở thành gánh nặng của người khác.
- Thói quen ăn uống thay đổi bất thường, có thể chán ăn hoặc ăn uống mất kiểm soát làm cho cân nặng tăng giảm đáng kể.
- Mất tập trung, suy giảm sự chú ý, khó khăn trong việc đưa ra quyết định hay bất kì lựa chọn nào.
- Giảm trí nhớ, hay quên.
- Có xu hướng thay đổi hình thức bên ngoài, ăn mặc lếch thếch, lượm thượm, ý thức vệ sinh cá nhân kém, đi đứng chậm chạp.
- Nhạy cảm, dễ cáu gắt, tức giận hoặc khóc lóc vô cớ.
- Suy nghĩ tiêu cực, bi quan, nghĩ đến cái chết và có ý định muốn tự sát.
- Kèm theo đó là một số biểu hiện về thể chất như nhức mỏi, đau đầu, đau lưng, mỏi vai gáy, đánh trống ngực.
Tùy vào tình trạng của mỗi người mà các biểu hiện bệnh cũng sẽ có phần riêng biệt. Nếu nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có ít nhất 2 triệu chứng nêu trên kéo dài trong một thời gian thì có nhiều khả năng họ đang trải qua giai đoạn trầm cảm.
Về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm thì vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nhận thấy rằng, trầm cảm có liên quan đến một số yếu tố di truyền và môi trường. Cụ thể, nhận thấy tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm sẽ gia tăng khi trong gia đình có người thân từng trải qua chứng bệnh này.
Bệnh trầm cảm có di truyền không? – Chuyên gia giải đáp
Bệnh trầm cảm có di truyền không? là một trong các câu hỏi được đặt ra rất nhiều, đặc biệt là những trường hợp có người thân từng mắc phải chứng bệnh tâm thần nguy hiểm này. Trong kết quả của một cuộc nghiên cứu đã được công bố, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy 2 biến thể gen có mặt thường xuyên đối với những gia đình có người bị trầm cảm.
Cụ thể đó chính là nhiễm sắc thể 3p25-26 đã được tìm thấy trong khoảng 800 gia đình có người thân mắc bệnh trầm cảm. Cũng chính vì điều này mà hầu hết các nhà khoa học tin rằng, trong tất cả các trường hợp bị trầm cảm thì có khoảng 40 người có liên quan đến yếu tố di truyền. Còn khoảng 60% nguy cơ bị trầm cảm sẽ xuất phát từ yếu tố môi trường và những tác động khác.
Cũng từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng đã nhận thấy rằng, những người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột trong gia đình từng mắc phải chứng rối loạn tâm thần này thì sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh cao gấp 3 lần so với những người khác. Nếu người thân càng có mối quan hệ gần gũi thì tỉ lệ nguy cơ bệnh sẽ càng cao.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi giáo sư Jonathan Flint của Đại học Oxford (Anh) cùng nhiều nhà khoa học khác ở Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) và Trung Quốc. Họ tiến hành lấy mẫu SDN của hơn 10.500 phụ nữ ở Trung Quốc để phân tích. Sau một thời gian nghiên cứu, họ nhận thấy rằng có 2 biến thể gen được tìm thấy và cho rằng có liên quan đến trầm cảm, đó là SIRT và LHPP.
Như vậy có thể trả lời rằng, trầm cảm có khả năng di truyền nhưng đây không phải là yếu tố quyết định triệt để. Tức là không phải ai được sinh ra trong gia đình có người thân bị trầm cảm đều sẽ mắc phải chứng bệnh này. Do đó bạn cần hiểu rằng, di truyền chỉ là yếu tố nguy cơ của trầm cảm, để khiến cho trầm cảm khởi phát thì cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác.
Theo đó, các nhà khoa học cũng đã đưa ra một số yếu tố môi trường và các biến cố cuộc sống có thể góp phần làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm như:
- Giới tính: Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm di truyền cao hơn so với nam giới, cụ thể phụ nữ chiếm 42% và nam giới chiếm 29%. Cũng bởi phái nữ thường sẽ yếu đuối, khả năng chịu đựng kém hơn.
- Trải qua các biến cố như: tai nạn, mất người thân, phá sản, thất nghiệp, ly hôn, áp lực kéo dài,…
- Mang thai và sau khi sinh là thời điểm mà nhiều phụ nữ dễ rơi vào trầm cảm nhất bởi sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố bên trong và ngoại hình bên ngoài.
Cách khắc phục bệnh trầm cảm hiệu quả
Cũng như các bệnh rối loạn tâm thần khác, trầm cảm cũng sẽ được điều trị chủ yếu bằng trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, nguyên nhân gây bệnh và nhiều yếu tố khác mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.
Quá trình điều trị đối với các bệnh nhân bị trầm cảm có liên quan đến yếu tố di truyền cần phải được thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của chuyên gia và kết hợp với việc xây dựng lối sống lành mạnh để kiểm soát tốt các ảnh hưởng của bệnh.
Cụ thể các biện pháp được áp dụng phổ biến trong quá trình điều trị trầm cảm như:
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp luôn được ưu tiên áp dụng đối với hầu hết các trường hợp bị trầm cảm. Đây là phương pháp sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để có thể tác động và đào sâu vào trong nội tâm của con người. Thông qua các buổi trò chuyện trực tiếp, chuyên gia tâm lý sẽ giúp cho bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng của bản thân, biết được những hành vi, suy nghĩ sai lệch của mình.
Cũng chính nhờ thế mà người bệnh dần thay đổi được tư duy, giải quyết tốt các vấn đề khó khăn, cản trở trong đời sống. Đối với biện pháp này, nhà trị liệu hoàn toàn không sử dụng đến các loại thuốc điều trị, do đó có thể đảm bảo được sự an toàn và ứng dụng rộng rãi với nhiều đối tượng bệnh khác nhau.
Sau khi đã giúp bệnh nhân ổn định được trạng thái tâm lý, xua tan các suy nghĩ tiêu cực và loại bỏ tận gốc các tác nhân gây bệnh thì chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ họ thêm một vài kỹ năng cần thiết. Bệnh nhân sẽ học được cách kiểm soát cảm xúc, cân bằng tâm trạng, các liệu pháp thư giãn, kỹ năng giao tiếp và ứng phó tốt với khó khăn.
2. Điều trị bằng thuốc
Đối với các trường hợp trầm cảm nặng, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm, gây hại cho bản thân và những người xung quanh thì sẽ được cân nhắc để sử dụng thêm một số loại thuốc chống trầm cảm. Trong thực tế, những loại thuốc này không có tác dụng điều trị tận gốc bệnh và thay thế hoàn toàn cho các biện pháp khác.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát và làm thuyên giảm tốt các triệu chứng của trầm cảm, hỗ trợ gia tăng hiệu quả của việc điều trị. Người bệnh cần khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng hoặc từng bị kích ứng trước đó để bác sĩ cân nhắc đưa ra đơn thuốc với liều lượng thích hợp nhất.
Việc dùng thuốc cũng cần có sự hướng dẫn và theo dõi cụ thể của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Cũng bởi hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Chính vì thế cần phải thực sự cẩn trọng trong quá trình sử dụng, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng uống thuốc đột ngột.
Phòng tránh rối loạn trầm cảm do di truyền
Song song với việc tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa thì người bệnh trầm cảm cũng cần nhanh chóng thay đổi lối sống hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng lành mạnh và tích cực hơn. Đồng thời, nếu có thể duy trì tốt một lối sống lành mạnh cũng là cách giúp bạn phòng tránh được nguy cơ bị trầm cảm, đặc biệt là những ai đang có người thân mắc phải chứng rối loạn này.
Một số gợi ý giúp lối sống của bạn trở nên khoa học và lành mạnh hơn như:
- Thường xuyên vận động, tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng và loại bỏ những món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Tuyệt đối không được sử dụng hay lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,…
- Chủ động hơn trong việc chia sẻ, bày tỏ cảm xúc với mọi người xung quanh.
- Tìm kiếm và áp dụng các biện pháp thư giãn mỗi khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, chán chường.
- Tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể để mở rộng mối quan hệ, tìm kiếm niềm vui mới.
- Nâng cao chất lượng giấc ngủ, cần ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
- Lên kế hoạch cụ thể cho các công việc, mục tiêu của bản thân, sắp xếp thời gian thư giãn và làm việc hợp lý.
Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc “Bệnh trầm cảm có di truyền không? và đưa ra một số biện pháp khắc phục trầm cảm hiệu quả. Đối với những trường hợp có người thân từng mắc bệnh thì cần chủ động hơn trong việc thăm khám sức khỏe cũng như áp dụng các biện pháp phòng tránh.
Tham khảo thêm:
- 14 Tác hại của stress đối với sức khỏe bạn không nên xem thường
- Người bệnh tâm thần không chịu uống thuốc phải làm sao?
- Bị Trầm Cảm Lâu Năm Có Chữa Được Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!