Bị Trầm Cảm Lâu Năm Có Chữa Được Không?
Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không, làm thế nào để cải thiện là một trong những băn khoăn của người bệnh. Để điều khỏi rất cần có sự hợp tác của người bệnh kết hợp với các biện pháp điều trị của bác sĩ, chuyên gia tâm lý đồng thời kiên trì duy trì thói quen sống lành mạnh. Chỉ khi đó mới có thể sớm kiểm soát bệnh, ngăn ngừa nguy cơ các hệ lụy khác xuất hiện.
Bị trầm cảm lâu năm có nguy hiểm không?
Có rất nhiều nguyên nhân gây trầm cảm như áp lực từ công việc, gia đình, chuyện tình cảm.. Tâm lý của mỗi người khác nhau, vì thế đôi khi chỉ cần những sự kiện nhỏ tác động cũng khiến tâm lý của một người suy sụp tiêu cực, không thể thoát ra được. Một người có tâm lý yếu rất dễ rơi vào rối loạn trầm cảm dai dẳng, kéo dài suốt nhiều năm, tái đi tái lại nhiều lần không hết.
Một người khi bị trầm cảm luôn cảm thấy cạn kiệt năng lượng, tất cả mọi thứ diễn ra với một màu u ám, lúc nào họ cũng có thể khóc và cảm thấy như trái tim đang bị bóp nghẹt. Cảm xúc này sẽ ngày càng tồi tệ hơn với những người bị trầm cảm lâu năm bởi tâm trí họ lúc nào cũng như đang ở dưới vực sâu, không thể nhìn thấy ánh sáng nên ngày càng chết dần chết mòn, trở nên tuyệt vọng đến cùng cực.
Trầm cảm không hề dễ phát hiện, đặc biệt với các dạng trầm cảm cười. Những người bị trầm cảm lâu năm thường luôn gắng gượng tiếp tục sự sống vì họ còn một chút hy vọng nào đó. Nếu hy vọng này bị dập tắt họ rất dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực, tự làm hại bản thân hay kết thúc cuộc sống của mình. Thậm chí có những người phát hiện trầm cảm và đã được điều trị nhưng vẫn tái phát, tự kết thúc cuộc đời trong sự bất ngờ của tất cả mọi người.
Dù là một vấn đề về tinh thần nhưng những hệ lụy khi bị trầm cảm lâu năm gây ra vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt, từ sức khỏe đến cuộc sống hay các mối quan hệ. Cụ thể như
- Tàn phá sức khỏe: người trầm cảm thường xuyên mất ngủ dẫn đến sức khỏe ngày càng suy giảm, cơ thể xanh xao thiếu sức sống, ăn uống không ngon nên dễ rơi vào suy kiệt. Ngoài ra trầm cảm còn có mối liên hệ với các bệnh lý như đau đầu, tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Bên cạnh đó một số người bị trầm cảm kéo dài cũng có xu hướng lạm dụng bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích khiến sức khỏe giảm sút, tình trạng trầm cảm cũng nghiêm trọng hơn.
- Ảnh hưởng đến các mối quan hệ: những cảm xúc của người trầm cảm thường khá khó kiểm soát đồng thời họ cũng khá tiêu cực vì thế thường làm những người xung quanh cảm thấy sợ hãi. Thực tế ngay cả những người thân thiết, để bên cạnh và chăm sóc những bệnh nhân bị trầm cảm cũng là điều không hề dễ dàng, thậm chí bản thân họ cũng dễ căng thẳng, tiêu cực theo do ảnh hưởng bởi cảm xúc từ những người này.
- Giảm chất lượng cuộc sống: người bị trầm cảm lâu năm thường tự nhốt mình trong phòng đồng thời khả năng chịu áp lực của họ cũng kém đi nên đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc tìm các công việc phù hợp. Chất lượng cuộc sống của họ cũng vì vậy mà suy giảm, một số người chỉ ở nhà và phải sống phụ thuộc vào gia đình.
- Gia tăng các hành vi tự làm hại bản thân: Một số người bệnh trầm cảm thường có xu hướng self harm khiến cơ thể chằng chịt rất nhiều vết thương. Đến một lúc nào đó, khi những hi vọng cuối cùng đã bị dập tắt, những tín hiệu cầu cứu không được hồi đáp thường sẽ đi tới các quyết định tiêu cực chính là tự kết thúc cuộc sống của mình.
Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không?
Bị trầm cảm lâu năm có chữa được không thực tế cũng rất khó nói bởi nó phụ thuộc vào vô vàn yếu tố. Có rất nhiều người bị trầm cảm dù đã uống thuốc hay cả trị liệu tâm lý nhưng lại không đáp ứng được dẫn đến các triệu chứng vẫn kéo dài. Đặc biệt những người sau tham gia điều trị trầm cảm thường có xu hướng dấu diếm bệnh, không để những người xung quanh biết bản thân vẫn còn trầm cảm và tự chọn cách rời xa cuộc sống.
Thực tế cho thấy những người bị trầm cảm lâu năm và dẫn đến các hành vi tự sát, dù đã được tham gia điều trị chuyên môn trước đó nhưng thất bại là không hề hiếm. Đặc biệt có thể thấy rõ trong nền âm nhạc Kpop, rất nhiều idol đã tự sát do trầm cảm dù đã được điều trị trước đó, có thể kể đến như Sulli (Fx), Go Hara, JongHuyn (Shinee).. Sự ra đi của những thần tượng này đã khiến tất cả mọi người đều bất ngờ và xót thương bởi họ luôn nở nụ cười trên môi với tất cả những người hâm mộ.
Dù vậy theo các chuyên gia, bị trầm cảm lâu năm vẫn có thể chữa được nếu người bệnh đáp ứng tốt việc dùng thuốc hay các phương pháp trị liệu. Đặc biệt sự hỗ trợ của gia đình và quyết tâm của người bệnh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị. Một người được tiếp nhận các phương pháp điều trị phù hợp, đặc biệt trong khía cạnh chăm sóc tâm lý thì khả năng loại bỏ bệnh hoàn toàn là rất cao.
Thời gian để điều trị trầm cảm lâu năm thường khá dài, có người phải duy trì gặp gỡ bác sĩ chuyên gia tâm lý trong 6 tháng nhưng cũng có người phải điều trị đến 1- 2 năm, thậm chí là dài hơn. Nếu tìm được các phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như một chuyên gia tâm lý có thể thấu hiểu được những khó khăn về mặt cảm xúc của người bệnh, kiên trì với bệnh nhân thì thời gian này có thể được rút ngắn.
Hướng điều trị cho người bị trầm cảm lâu năm
Với người bị trầm cảm lâu năm cần kết hợp nhiều phương hướng điều trị cùng lúc, bao gồm cả dùng thuốc, chăm sóc tâm lý kết hợp với duy trì một lối sống lành mạnh, lạc quan. Sự kiên trì và quyết tâm của người bệnh cũng như sự hỗ trợ của gia đình cũng góp phần rút ngắn tối đa thời gian điều trị cho bệnh nhân trầm cảm dai dẳng.
Điều trị theo hướng y khoa
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm cần điều trị duy trì bằng thuốc nhằm cải thiện tình trạng mất ngủ, kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, ổn định tinh thần để ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các hành vi tiêu cực. Tất nhiên việc dùng thuốc không thể điều trị hoàn toàn trầm cảm mà chỉ nhằm ổn định tinh thần hơn nên không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các nhóm thuốc này.
Một số loại thuốc chính được sử dụng cho các bệnh nhân trầm cảm kéo dài như
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI):
- Các chất ức chế oxy hóa monoamine (MAOIs)
- Các thuốc chống trầm cảm không điển hình
- Thuốc an thần hoặc các nhóm thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ
Tuy nhiên các nhóm thuốc này cũng thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ, đặc biệt khi sử dụng lâu dài. Một số người bệnh cũng cho biết việc dùng các nhóm thuốc này lâu dài khiến bản thân họ dường như mất cảm xúc, đôi lúc chính bản thân họ cũng không biết rằng mình đang vui hay buồn. Dù vậy vẫn cần duy trì sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, thông báo ngay khi có các dấu hiệu để kịp thời kiểm soát.
Bên cạnh đó liệu pháp sốc điện cũng được coi là một trong những phương pháp mới hiện nay mang đến hiệu quả tích cực cho các bệnh nhân bị trầm cảm kéo dài. Dù vậy một số vấn đề vẫn còn tiềm ẩn ở phương pháp này như lú lẫn, suy giảm trí nhớ nên cũng được áp dụng với từng tình trạng bệnh nhân.
Trị liệu tâm lý
Đây là phương pháp được hướng tới chính cho những bệnh nhân bị trầm cảm lâu năm, đặc biệt nếu đáp ứng tốt với phương pháp này thì khả năng loại bỏ bệnh sớm là rất cao. Nhà trị liệu sẽ là người lắng nghe, đi sâu vào tiềm thức để nắm bắt được các vấn đề khiến tinh thần của người bệnh suy sụp, gỡ rối các vướng mắc và đưa ra phương hướng để người bệnh có tâm lý tích cực hơn.
Chẳng phải khi bạn đang cảm thấy buồn bã, mệt mỏi mà được nói chuyện với một ai đó tích cực và thấu hiểu mình thì thường sẽ thấy tinh thần phấn chấn hơn. Tuy nhiên cảm xúc của người trầm cảm thường khá rối rắm, khó kiểm soát nếu không có chuyên môn. Do đó sự hỗ trợ của một chuyên gia tâm lý để thư giãn cảm xúc, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực là vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên để trị liệu tâm lý thành công cũng không hẳn là điều dễ bởi bạn cần tìm được một chuyên gia thực sự phù hợp với bản thân. Bản thân người bệnh cũng cần thực sự trung thực trong quá trình trị liệu, sẵn sàng nói hết ra những cảm xúc khó khăn trong tâm trí, những điều mà bản thân suy nghĩ, chỉ khi đó các chuyên gia mới thực sự có thể giúp đỡ. Người bệnh nếu không đặt niềm tin vào bác sĩ, luôn có tâm lý che dấu những cảm xúc của mình thì rất khó có thể điều trị hiệu quả.
Thông qua trị liệu tâm lý, người bệnh dần giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực, có những suy nghĩ đúng đắn hơn, biết cách kiểm soát cảm xúc và đối mặt với căng thẳng hằng ngày. Đồng thời chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn các phương pháp xoa dịu tâm trí để người bệnh có thể ăn ngon, ngủ ngon, suy nghĩ và hành động đúng đắn hơn, lạc quan hơn mỗi ngày.
Người đáp ứng thành công với các liệu pháp chăm sóc tâm lý thường có tỉ lệ tái phát bệnh khá thấp bởi bản thân họ đã biết cách chữa lành tổn thương cho chính mình. Ngoài ra những người làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân trầm cảm cũng được khuyến khích trao đổi và chia sẻ với chuyên gia tâm lý để biết cách giúp đỡ bệnh nhân cũng như nâng cao tinh thần cho chính bản thân, không bị ảnh hưởng bởi sự tiêu cực của người bệnh.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Người bị trầm cảm lâu năm được khuyến khích nên dọn về sống cùng gia đình, người thân hoặc bạn bè thân thiết, tuyệt đối không nên sống một mình. Sự ấm áp và quan tâm của những người xung quanh sẽ làm sưởi ấm trái tim đang bị đóng băng bởi những điều tiêu cực. Tốt nhất người bệnh nên sống với những những người có tính cách lạc quan, kiên nhẫn và ấm áp.
Mặt khác bản thân người bệnh cũng cần quyết tâm hơn vì thực sự chỉ chính bạn mới có thể gỡ rối cho bạn. Có một câu nói rằng “Nếu nút thắt trong lòng cậu mãi không gỡ được, vậy cậu hãy buộc nó thành một chiếc nơ xinh.” Cách bản thân chúng ta nhìn nhận vấn đề sẽ quyết định nó là tiêu cực hay tích cực, vì vậy hãy biến nỗi buồn của bạn thành một thứ gì đó đẹp đẽ, như thế bạn sẽ không còn thấy khổ đau vì nó.
Một số phương pháp có thể giúp ích cho những người bị trầm cảm lâu năm trong quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà như
- Luôn đảm bảo đủ ngủ giấc, hãy duy trì thói quen đi ngủ trước 23h và thức dậy sớm hơn. Ngắm nhìn khung cảnh bầu trời lúc sáng sớm bạn sẽ cảm nhận được nguồn không khí tươi mát, trong lành và bình yên
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày nhằm nâng cao thể chất và hấp thụ được những năng lượng tích cực
- Không nên tự nhốt mình trong phòng, điều này sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy tù túng và bí bách hơn. Đi quanh nhà để dọn dẹp, trồng cây hay làm bất cứ một việc gì đó, hoặc chỉ cần nằm dưới 1 tán cây mát mẻ cũng đủ làm xua tan những mệt mỏi trong tâm trí bạn
- Trò chuyện và chia sẻ nhiều hơn với bạn bè và người thân. Nếu cảm thấy chưa sẵn sàng để nói bạn cũng có thể chọn cách viết nhật ký. Chỉ cần viết hết ra những khó khăn, cảm xúc trong lòng thì trái tim bạn sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều
- Tham gia các hoạt động mạnh để giải phóng những năng lượng tiêu cực, chẳng hạn như chơi cầu lông, leo núi, chạy bộ hoặc tham gia các bộ môn mang tính chất đồng đội để kết nối với những người xung quanh
- Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, tiêu cực, không còn thiết tha sự sống, trước khi nghĩ đến các hành vi tiêu cực bạn hãy thử liệt kê ra những lý do khiến mình tồn tại đến bây giờ. Có phải vẫn có một người luôn lặng lẽ cổ vũ và quan tâm bạn, có phải bạn đang có có hội tốt ở phía trước, có phải hôm nay có một người đã cảm ơn vì bạn đã cho mèo ăn, có phải ven đường có một quán ăn rất ngon mà bạn vẫn chưa được thử? Rất nhiều điều tốt đẹp xung quanh bạn chỉ là sự tiêu cực đã lấn át đi những điều này, vì vậy bạn cần phải sống và tiếp tục tận hưởng nó
- Thiền, yoga là những liệu pháp cực tốt giúp bạn có thể thanh lọc được những cảm xúc tiêu cực, kiểm soát cảm xúc, thư giãn tinh thần rất tốt cho những bệnh nhân trầm cảm
- Làm mới bản thân bằng cách thay đổi một kiểu tóc, thay đổi phong cách trang phục thường ngày, thay đổi cách bài trí cho căn phòng hay đơn giản là chủ động hơn, mở lời giúp đỡ cha mẹ trong các công việc trong nhà.
- Một số biện pháp thư giãn đơn giản mà bạn cũng có thể áp dụng như nghe nhạc, hòa mình vào điệu nhạc, tắm và ngâm chân với nước ấm, sử dụng thêm tinh dầu hay nến thơm cho phòng
Bị trầm cảm lâu năm hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu người bệnh quyết tâm, kiên trì và đáp ứng được tốt với các liệu pháp điều trị. Để hoàn thành tốt được tất cả các điều này còn cần có sự động viên, chăm sóc, quan tâm của gia đình để người bệnh có thêm niềm tin bước về phía trước, lấy lại một cuộc đời tươi vui và hạnh phúc hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Trầm cảm ở bệnh nhân tiểu đường và cách phòng ngừa
- Rối loạn ăn uống vô độ là gì? Có nguy hiểm không?
- Ăn chay gây trầm cảm: Đúng hay sai?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!