Trẻ bị ngọng có chữa được không? Cách can thiệp hiệu quả
Trẻ bị ngọng có chữa được không? là một trong những thắc mắc và nỗi lo lắng lớn của rất nhiều các bậc phụ huynh. Tình trạng này làm trẻ gặp phải các trở ngại, khó khăn trong việc phát âm, sử dụng ngôn ngữ, từ đó gây nên nhiều ảnh hưởng đối với quá trình giao tiếp, tương tác xã hội, học tập và làm suy giảm nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống.
Trẻ bị ngọng có chữa được không?
Nói ngọng hay còn gọi là phát âm sai, phát âm lỗi là một dạng rối loạn ngôn ngữ thường gặp của nhiều trẻ nhỏ. Những trẻ nói ngọng thường có phát âm không rõ ràng, giọng nói không được rành mạch khiến cho những người xung quanh khó có thể nghe hiểu những điều mà trẻ đang muốn truyền đạt.
Nói ngọng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ lứa tuổi nào, phổ biến nhất là những trẻ từ 2 đến 5 tuổi, giai đoạn đang phát triển và hoàn thiện về mặt ngôn ngữ. Một số trẻ nói ngọng nhưng không viết sai, tuy nhiên cũng có một số tình trạng phát âm không chuẩn khiến trẻ thường xuyên viết sai chính tả, gây nên nhiều cản trở đến quá trình học tập.
Dựa vào chia sẻ của các chuyên gia thì phần lớn những trẻ khi mới bắt đầu tập tành biết nói đều sẽ nói có xu hướng nói ngọng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển chưa toàn diện về các hoạt động của bộ phận phát âm khiến trẻ vẫn chưa thể nói được tròn vành rõ chữ.
Tình trạng này được xem là hết sức bình thường và trẻ hoàn toàn có thể cải thiện tốt về ngôn ngữ theo thời gian. Tuy nhiên, nói ngọng ở trẻ nếu kéo dài dai dẳng cho đến khi trẻ đi học và gây nên các ảnh hưởng về đời sống, học tập thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm về một bệnh lý nghiêm trọng nào đó, chẳng hạn như rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ, bại não, trẻ gặp vấn đề về thính giác,….
Vậy trẻ bị ngọng có chữa được không? Trong thực tế thì tình trạng nói ngọng của nhiều trẻ nhỏ nếu có thể phát hiện ở giai đoạn sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ cải thiện hiệu quả, giúp trẻ điều chỉnh phát âm và sử dụng ngôn ngữ linh hoạt hơn.
Tùy vào nguyên nhân khiến trẻ bị ngọng mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra các biện pháp hỗ trợ điều trị thích hợp nhất cho mỗi tình trạng khác nhau. Theo đó, các bậc phụ huynh cần cho con đến thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa chất lượng để được tư vấn, hướng dẫn các cải thiện hiệu quả nhất.
Giai đoạn từ 2 đến 5 tuổi là thời gian vàng để có thể can thiệp và phát triển ngôn ngữ cho mỗi trẻ nhỏ. Chính vì thế việc can thiệp và xử lý tình trạng cho trẻ nói ngọng cũng cần được thực hiện trong độ tuổi này để đạt được hiệu quả tuyệt vời nhất.
Như vậy có thể thấy rằng, trẻ nói ngọng có thể hoàn toàn được chữa khỏi và phát triển ngôn ngữ ổn định như bao đứa trẻ khác. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nói ngọng kéo dài ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng nên chủ động cho trẻ đến thăm khám và chẩn đoán cụ thể để có được sự hỗ trợ kịp thời.
Cách can thiệp cho trẻ nói ngọng hiệu quả và an toàn
Theo nghiên cứu thì tình trạng trẻ từ 2 đến 4 tuổi được xem là hoàn toàn và có thể không cần được sự can thiệp chuyên sâu. Tuy nhiên, đối với những trẻ từ 4 tuổi trở lên nhưng vẫn nói ngọng, phát âm không rõ ràng, giao tiếp kém linh hoạt thì cần được tìm hiểu nguyên nhân và có cách can thiệp càng sớm càng tốt.
Cách hỗ trợ cải thiện cho trẻ bị ngọng còn phải tùy thuộc vào nguyên nhân và một số yếu tố khác. Dưới đây là một số gợi ý về các biện pháp khắc phục tốt cho trẻ nói ngọng thường xuyên được sử dụng như:
1. Giúp trẻ nhận biết và ý thức về tình trạng nói ngọng của bản thân
Việc cần làm đầu tiên sau khi nhận biết trẻ bị ngọng đó chính là giúp cho trẻ tự nhận biết được tình trạng phát âm sai của bản thân để trẻ có thêm động lực sửa lỗi, điều chỉnh tốt hơn. Khi trẻ ý thức rõ về những phát âm sai của chính mình, trẻ sẽ dần chú ý hơn về cách sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Đối với những trẻ nói ngọng, khi trò chuyện, các bậc phụ huynh nên chú ý đến giọng nói, phát âm của chính mình, cố gắng nói to rõ, chuẩn xác để trẻ có thể lắng nghe và học hỏi theo. Khi nhận thấy trẻ phát âm sai về một từ ngữ nào hoặc nói chưa rõ về các câu nói thì hãy nhanh chóng điều chỉnh, giải thích cho trẻ về những lỗi sai, đồng thời hướng dẫn cho trẻ cách nói đúng đắn hơn.
Hoặc cách hiệu quả nhất thường được các chuyên gia khuyến khích áp dụng đó chính là ghi âm lại giọng nói của trẻ và để cho trẻ nghe lại những gì mình đã nói. Bằng cách này trẻ sẽ dễ dàng hình dung được những lời nói chưa rõ ràng của chính mình và dần biết cách tiếp thu, học hỏi, cải thiện hiệu quả hơn.
2. Loại bỏ các thói quen xấu khiến trẻ bị nói ngọng
Trẻ nói ngọng đôi khi là do sự ảnh hưởng từ các thói quen xấu hàng ngày. Theo nghiên cứu, có không ít các trường hợp trẻ nhỏ nói ngọng, nói không rõ ràng là do thói quen xem tivi, điện thoại quá thường xuyên, hay mút tay, ngậm ti giả,….
Chính vì thế mà các bậc phụ huynh cần phải nhanh chóng giúp trẻ loại bỏ các thói quen tiêu cực này, giúp trẻ rèn luyện và hình thành những thói quen tích cực, lành mạnh hơn. Ví dụ để hạn chế thời gian trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ, ba mẹ có thể khuyến khích và tạo nhiều điều kiện để trẻ vui chơi, thư giãn ngoài trời bằng các hoạt động giải trí hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, để cải thiện tốt tình trạng nói ngọng của trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý quan sát, sàng lọc và hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có thói quen nói ngọng. Đây cũng được xem là một trong các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ hình thành cách phát âm sai khi vừa bập bẹ biết nói.
3. Áp dụng các bài tập cơ miệng
Như đã chia sẻ, tình trạng nói ngọng của trẻ nhỏ có thể do sự hạn chế và chưa hoàn thiện về các cấu trúc của lưỡi, miệng, hàm, răng,…Các bộ phận này nếu không thể phối hợp tốt với nhau sẽ gây nên nhiều cản trở đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ, làm cho trẻ khó có thể phát âm được đúng một số từ.
Chính vì thế, việc áp dụng các bài tập cơ miệng chữa nói ngọng cho trẻ là rất cần thiết. Các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu thông tin của các bài tập thông qua các trang mạng uy tín hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn áp dụng phù hợp cho mỗi tình trạng trẻ nhỏ.
Vào mỗi buổi sáng, ba mẹ có thể khởi động cơ miệng cho trẻ bằng cách há miệng thật to và dạy trẻ nói “A”, “O”, “Ha”, “R”, “Tr”,….Lặp đi lặp lại khoảng 5 đến 7 lần để các bộ phận phát âm được hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, các bài tập đơn giản để cải thiện lưỡi, miệng, môi, hàm như các bài tập thổi (thổi bong bóng, thổi sáo, thổi kèn, thổi giấy vụn,…), chu môi, hít thở sâu,…cũng mang đến nhiều hiệu quả cho quá trình cải thiện phát âm của trẻ nói ngọng. Tuy nhiên, việc rèn luyện cũng cần phải có kế hoạch cụ thể và rõ ràng, thời gian cho mỗi buổi tập cần ngắn gọn trong khoảng 2 đến 5 phút và lặp lại thường xuyên nhiều lần trong ngày để mang đến hiệu quả cao nhất.
4. Thường xuyên trò chuyện, đọc sách cùng trẻ
Trò chuyện là phương pháp hiệu quả luôn được các chuyên gia khuyến khích áp dụng cho trẻ nhằm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ vượt trội hơn. Ngay từ khi trẻ vừa sinh ra đã được tiếp xúc với ngôn ngữ thông qua các cuộc hội thoại, giao tiếp với ba mẹ, người thân trong gia đình.
Trẻ sẽ học ngôn ngữ dựa vào cách quan sát, nghe hiểu và dần bắt chước theo lời nói, âm thanh của những người xung quanh. Do đó, để trẻ nhỏ có thể học hỏi và phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với trẻ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động đọc sách cũng được xem là lựa chọn phù hợp để trẻ có thể mở rộng vốn từ, gia tăng sự tập trung, tư duy, sáng tạo và cải thiện khả năng phát âm tốt hơn. Ngay cả khi trẻ vẫn chưa biết rõ các mặt chữ, việc được nghe ba mẹ kể những câu chuyện hấp dẫn, quan sát những hình ảnh minh họa sinh động, nhiều màu sắc cũng giúp cho trẻ dễ dàng hình dung ra những lời thoại chân thực.
Quá trình được lắng nghe từng câu chuyện qua những lời kể của ba mẹ, người thân sẽ giúp trẻ hiểu hơn về cách phát âm và sử dụng ngôn ngữ một cách phù hợp, linh hoạt hơn. Để có thể điều chỉnh được cách phát âm chưa đúng đắn của trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý về giọng kể, cách dùng từ và phát âm của mình để trẻ có thể học hỏi và bắt chước tốt hơn.
5. Khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp
Giao tiếp là một trong các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng nói ngọng của trẻ nhưng nó cũng được xem là phương tiện để thúc đẩy và thay đổi phát âm hiệu quả cho mỗi trẻ nhỏ. Việc được gặp gỡ, giao lưu và trò chuyện với những người bạn đồng trang lứa hoặc tất cả mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ có thể quan sát tốt hơn về cách dùng từ, phát âm của họ và hiểu rõ về những lỗi sai của mình, từ đó có xu hướng điều chỉnh tốt hơn.
Tuy nhiên, việc cho trẻ thoải mái tiếp xúc với những người xung quanh không đồng nghĩa với việc trẻ có thể trò chuyện và tương tác với bất kỳ ai. Ba mẹ hãy tạo điều kiện cho con được gặp gỡ và giao tiếp nhiều hơn với những người có cách phát âm chuẩn, phù hợp, tránh những tình trạng trẻ nói ngọng hoặc những người sử dụng tiếng địa phương.
6. Tuyệt đối không nhại hoặc chê bai con
Cười cợt, chê bai hoặc nhại lại giọng nói của trẻ nói ngọng là một trong các sai lầm to lớn đối với quá trình cải thiện phát âm cho trẻ. Trẻ nhỏ cũng có những cảm xúc vui buồn và cũng cảm thấy xấu hổ, e thẹn trước những lời cười chê, chọc ghẹo của những người xung quanh.
Do đó, nếu ba mẹ hoặc những người thân bên cạnh liên tục nhại lời bé hoặc chọc quê, chỉ trích về giọng nói của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, tự ti, lâu dần có xu hướng không muốn giao tiếp. Hoặc cũng có một số trường hợp khi trẻ phát âm một từ ngữ ngọng nghịu nào đó và được ba mẹ cười vui, chọc ghẹo trẻ sẽ cho rằng đó là điều thú vì và cứ tiếp tục nói ngọng nhiều hơn.
7. Áp dụng ngôn ngữ trị liệu cho trẻ nói ngọng
Nếu đã áp dụng hầu hết các biện pháp trên nhưng tình trạng nói ngọng của trẻ vẫn không được cải thiện tốt thì các bậc phụ huynh có thể cân nhắc cho trẻ đến gặp gỡ chuyên gia trị liệu ngôn ngữ. Trẻ sẽ được thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng về mức độ nghiêm trọng để có thể cân nhắc đưa ra các liệu pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ khắc phục tốt các lỗi sai về phát âm.
Âm ngữ trị liệu nhi khoa có thể hỗ trợ trẻ hình thành và phát triển tốt về các kỹ năng ngôn ngữ. Đối với các lỗi phát âm của trẻ nói ngọng, phương pháp này sẽ giúp trẻ cải thiện sự tập trung, khả năng bắt chước, nâng cao kỹ năng giao tiếp, điều chỉnh phát âm, sử dụng ngôn ngữ diễn đạt rành mạch, rõ ràng.
Đồng thời, trẻ nhỏ cũng sẽ được cân bằng và ổn định hơn về mặt cảm xúc, tâm lý, hạn chế tình trạng cáu kỉnh, gắt gỏng khi giao tiếp. Trẻ sẽ dần tự tin hơn để có thể tương tác xã hội linh hoạt, từ đó giúp nâng cao khả năng học tập, cải thiện chất lượng đời sống.
Thông tin bài viết trên đây đã giúp cho bạn đọc giải đáp được thắc mắc “trẻ bị nói ngọng có chữa được không?”. Lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc phụ huynh đó chính là kịp thời cho trẻ thăm khám và can thiệp trong giai đoạn sớm để trẻ có thể phục hồi tốt các chức năng phát âm, điều chỉnh giọng nói và giao tiếp tự tin, hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Bài tập chữa nói ngọng cho trẻ đơn giản thực hiện ngay tại nhà
- Trẻ nói nhiều nhưng không rõ liệu có bất thường? Phải làm sao?
- Cách dạy bé 2 tuổi chậm nói giúp con yêu phát triển ngôn ngữ
- Bé lười tập nói mẹ cần làm gì để kích thích trẻ nói nhiều hơn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!