Lưu Ý Khi Sống Chung Và Chăm Sóc Người Thân Mắc Bệnh Trầm Cảm

Để sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm, bản thân bạn cũng phải thay đổi. Xây dựng một lối sống lành mạnh, luyện tập thể dục hằng ngày, cùng trò chuyện chia sẻ nhẹ nhàng thực sự sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân trầm cảm.

Những lưu ý khi sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm

Bản thân người trầm cảm luôn có những suy nghĩ tiêu cực, hành vi cực đoan, kể cả đang trong quá trình điều trị vẫn sẽ tồn tại những cảm xúc như thế. Thực tế việc sống chung với những người bị trầm cảm chưa bao giờ là điều dễ dàng bởi nếu không kiên trì, không tích cực bạn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự bi quan của người bệnh. Vậy khi sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm cần lưu ý gì?

chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm
Để chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm không hề dễ nhưng chính sự chân thành, ấm áp của bạn sẽ xoa dịu trái tim đang tổn thương của người bệnh

Giữ tinh thần lạc quan khi chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm

Sự tích cực thì rất dễ lây lan và sự tiêu cực cũng rất dễ bị phát tán. Bản thân bạn cần phải kiên trì, giữ vững được sự tích cực, có các biện pháp thư giãn tinh thần cho chính bản thân mình nếu không muốn bị tác động bởi sự tiêu cực từ người bệnh. Đây cũng là một trong những vấn đề mà những người làm việc vụ chăm sóc người trầm cảm cần phải chú ý.

Điều này là cực kỳ hiển nhiên bởi nếu hằng ngày bạn phải tiếp xúc với một người luôn trong trạng thái tuyệt vọng, nói ra những lời bi quan, dễ trở nên cáu kỉnh hay kích động thì cũng rất khó để giữ bình tĩnh. Nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc thì chính bản thân bạn cũng có thể trở thành một người nóng nảy, cáu kỉnh và điều này sẽ cực kỳ không tốt với người trầm cảm.

Để chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm thì bản thân bạn cũng phải giữ được một cái “đầu lạnh”. Đảm bảo ngủ đủ giấc, học cách hít thở sâu, tập thể dục đều đặn hay liệu pháp mùi hương hoàn toàn có thể giúp ích cho bạn. Hãy dành cho mình không gian riêng để nghỉ ngơi, thư giãn tâm trí khi cảm thấy áp lực hay mệt mỏi, hạn chế việc để cơ thể hay đầu óc làm việc quá sức.

Gặp gỡ bác sĩ tâm lý cùng người bệnh

Không phải ai cũng hiểu hết về trầm cảm, kể cả khi có người thân mắc bệnh. Bạn sẽ không thể giúp đỡ người thân của mình nếu không hiểu rõ về căn bệnh này, vì vậy hãy đi gặp gỡ bác sĩ  hay các chuyên gia tâm lý cùng bệnh nhân.

chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm
Hãy gặp gỡ chuyên gia tâm lý cùng người bệnh để biết cách giúp đỡ người bệnh cũng như chăm sóc tinh thần cho chính bản thân mình

Thông qua các buổi tư vấn với chuyên gia, bạn sẽ vừa hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hiểu vì sao người thân mình mắc bệnh cũng như biết cách chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Mặt khác chính bản thân bạn cũng sẽ được các chuyên gia hỗ trợ để tránh nguy cơ căng thẳng, tiêu cực trong thời gian sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào trong quá trình chăm sóc hoặc cách kiểm soát các trạng thái kích động, tiêu cực quá mức của người bệnh bạn cũng nên liên hệ, trao đổi trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia để được hỗ trợ.

Quan tâm đúng cách

Thực tế thì rất nhiều người coi bệnh nhân trầm cảm là một đối tượng đặc biệt nên luôn cố gắng theo dõi sát sao, kiểm soát người bệnh quá mức. Việc này chỉ khiến người bệnh cảm thấy bản thân gò bó, vô dụng, tự ti, mất tự do và tự trách bản thân nhiều hơn mà thôi. Vì thế hãy quan tâm và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm một cách phù hợp hơn.

Bạn và những người trong gia đình hoàn toàn có thể duy trì thói quen sống bình thường hằng ngày, hoặc thay đổi một cách tích cực toàn thể, tránh làm cho người bệnh cảm thấy “vì mình mà mọi người phải như thế”. Hãy vẫn để người bệnh làm các công việc trong nhà, chẳng hạn như nhờ người bệnh rửa bát, quét nhà chứ không nên tranh hết mọi việc hay nói rằng “để mẹ làm cho, giờ con chỉ việc nghỉ ngơi thôi” bởi điều này chỉ khiến họ cảm thấy vô dụng hay dằn vặt hơn.

Nếu cần thay đổi một thói quen này đó, hãy tạo ra một lý do phù hợp để người bệnh không cảm thấy áp lực. Chẳng hạn nếu cần tập thể dục hay thiền, hãy nói rằng “dạo này bố mẹ ai cũng mập bụng, chắc do ăn nhiều quá nên phải tập thể dục thôi. Ngày mai con cùng tập với mẹ nhé”. Tất nhiên bản thân người bệnh vẫn có thể hiểu rằng bố mẹ làm điều này vì họ nhưng lại không khiến họ cảm thấy quá nặng nề.

Tránh xa các tình huống tiêu cực khi chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm

Sống chung trong một gia đình đôi lúc vẫn không thể tránh khỏi những tình huống tranh cãi hay tiêu cực, nhất là nếu sống cùng đại gia đình. Có rất nhiều tình huống gây ra những tranh cãi, chẳng hạn về tiền bạc, thời gian hay chính việc chăm sóc người trầm cảm hay liên quan đến các yếu tố ngoài lề.

Dù là lý do nào thì cũng cần cố gắng để người bệnh tránh xa các cuộc cãi vã này, đặc biệt nếu có liên quan đến người bệnh. Tâm lý tiêu cực rất dễ bùng nổ trở lại nếu vô tình vướng vào các buổi tranh luận và điều này sẽ không hề giúp ích cho quá trình điều trị. Chỉ cần một điều tiêu cực nhỏ cũng khiến bệnh có nguy cơ tái phát trở lại rất cao.

Vì vậy trong quá trình sống chung và  chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm hãy cố gắng hạn chế các cuộc tranh cãi. Nếu có xung đột hãy chọn thời điểm không có mặt người bệnh hoặc tránh xa người bệnh để họ không hề biết về chuyện này. Nếu vô tình để họ biết được hãy tìm cách lý giải khách quan, tránh để họ suy nghĩ hay bị ảnh hưởng quá nhiều.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần cố gắng tránh xa việc cãi vã hay tranh luận với chính người trầm cảm. Đôi khi trong lúc kích động, tức tối họ có thể nói ra những lời không hay làm tổn thương bạn. Tuy nhiên hãy hiểu những lời nói không phải bản chất của họ mà chỉ là do họ đang bị bóng tối trầm cảm đeo bám và thông cảm cho họ nhé.

Những lời nên nói và không nên nói với người trầm cảm

Trò chuyện với người thân bị trầm cảm là một trong những liệu trình chăm sóc quan trọng để cải thiện bệnh mà những người sống chung cần phải thực hiện. Mục đích chính của hoạt động này chính là giải tỏa căng thẳng, lo lắng hằng ngày cũng như hiểu được người bệnh đang thực sự muốn gì, cần gì, từ đó đáp ứng nhu cầu kịp thời.

chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm
Đôi khi chỉ cần một cái ôm cũng đủ để xoa dịu trái tim người trầm cảm chứ không cần bất cứ lời nói hoa mỹ nào

Tuy nhiên khi nói chuyện với người mắc chứng trầm cảm cần kiểm soát ngôn từ phần nào để không làm tâm trí người bệnh tồi tệ hơn. Thực tế như đã nói, việc sống chung và  chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm không hề dễ dàng, đặc biệt ở những giai đoạn đầu vì nếu không chú ý họ rất dễ chuyển hướng ngôn từ của bạn sang một hướng bi quan, tiêu cực cho dù thực tế không phải vậy.

Vì vậy, khi nói chuyện an ủi người trầm cảm cần tránh nói những điều sau

  • Cố gắng lên
  • Đừng buồn nữa
  • Có gì thì phải nói để mọi người giải quyết
  • Chuyện này bình thường mà, có gì mà phải buồn
  • Đừng nhạy cảm như vậy
  • Hãy vui lên
  • Do bạn suy nghĩ vậy thôi
  • Trông bạn không giống đang buồn/ bị trầm cảm
  • Mọi chuyện sẽ tốt thôi

Bản thân chính người trầm cảm cũng không thể hiểu được rằng vì sao họ buồn, vì sao họ khóc, vì sao lại thấy tuyệt vọng đến như thế. Họ đã cố gắng, đã vùng vẫy nhưng lại càng lún sâu xuống hố cát không thể nào thoát ra được. Vì vậy những lời bạn nói chỉ khiến họ cảm thấy tuyệt vọng hơn mà thôi.

Điều người bệnh cần lúc này chính là một bàn tay có thể kéo họ lên hố cát lún, một người có thể đồng điệu, khiến bản thân họ thoải mái chứ không phải chỉ gây áp lực, “bắt” họ phải vui vẻ. Một số câu nói có thể có ích cho người trầm cảm như

  • Ngày hôm nay bạn đã làm tốt rồi
  • Dù có chuyện gì, mình vẫn luôn ở đây
  • Hôm nay bạn ổn chứ, có chuyện gì muốn kể mình nghe không
  • Bạn có cần giúp đỡ gì không
  • Thật tốt vì cậu đang ở đây
  • Cậu rất quan trọng với mình
  • Mình có thể ôm bạn một cái không

Giữ liên lạc khi chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm

Khi tâm trạng của người bệnh đã ổn hơn, bạn không thể lúc nào cũng túc trực bên cạnh bởi điều này làm họ cảm thấy gò bó, cho rằng mình vô dụng. Hãy cứ giữ nếp sống sinh hoạt, làm việc bình thường để người bệnh cảm nhận được mình đang trở về cuộc sống bình thường, mọi người xung quanh không coi thường, không cho là mình bệnh tật.

Tuy nhiên những lúc không thể gặp nhau thì bạn cũng cần giữ liên lạc để đảm bảo người bệnh luôn ổn. Không cần nhất thiết phải hỏi rằng người đấy đang làm gì, đang thấy thế nào mà bạn có thể chủ động chia sẻ vấn đề của mình để người bệnh có thể đáp lời. Chẳng hạn có thể nhắn tin rằng “Chị đang đói quá, em đã ăn gì chưa”. Cho dù đang sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm hằng ngày nhưng việc nhắn tin vẫn có thể khiến nhiều người cảm thấy dễ thở hơn là phải nói chuyện trực tiếp.

Không nên so sánh bất cứ điều gì

Tâm lý mỗi người là khác nhau, chẳng hạn bạn có thể khóc thét lên khi thấy chuột nhưng với người khác đây lại là một con vật dễ thương. Bạn không thể áp đặt sở thích, suy nghĩ, trải nghiệm, cảm xúc của bản thân lên người khác. Và bạn càng không nên làm điều này với những người trầm cảm.

Chẳng hạn nếu bạn nói rằng “À, tôi cũng từng trải qua chuyện như vậy rồi, có gì đâu”. Câu nói này có nghĩa bạn đang coi thường cảm xúc của họ, tất nhiên cho dù ý của bạn không phải như vậy, nhưng trong tâm trí đầy rẫy sự tiêu cực của người trầm cảm thì nó sẽ biến thành như thế. Vì vậy đừng nên sánh cảm xúc, suy nghĩ hay tất cả những thứ gì của người bệnh với một ai khác.

Thực tế thì trong cuộc sống hằng ngày bạn cũng cần hạn chế tối đa việc so sánh người này với người kia vì dù bạn so sánh thế nào cũng sẽ có một người bị tổn thương.

Chủ động kéo người bệnh ra ngoài

Người bị trầm cảm thường chỉ muốn ở trong nhà, không muốn ra ngoài. Điều này có thể khiến họ cảm thấy ổn hơn là phải đi đến những nơi đông người. Tùy từng giai đoạn mà hướng điều trị sẽ khác nhau nhưng đa phần việc ở trong nhà quá nhiều sẽ không tốt cho quá trình cải thiện. Ngay chính bản thân chúng ta nếu chỉ ở trong nhà, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cả ngày thì cũng sẽ cảm thấy vô cùng uể oải.

chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm
Ra ngoài hít thở không khí trong lành và luyện tập thể thao sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần người trầm cảm

Khi sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm, hãy tạo ra các hoạt động, sự kiện để lôi kéo người bệnh ra ngoài.. Chẳng hạn rủ rê họ cùng đi tập thể dục, cùng đi shopping hay cùng đi ăn một món gì đó thật ngon. Nếu có thời gian cả gia đình có thể sắp xếp cùng nhau đi du lịch hay về quê cũng đem đến rất nhiều lợi ích.

Nếu người bệnh không muốn ra ngoài thì bạn cần tạo ra hoạt động trong chính ngôi nhà của mình. Hãy luôn kéo rèm ra để ánh sáng tràn ngập vào trong phòng, nghiên cứu đã chỉ ra ánh nắng rất có lợi cho giấc ngủ và tâm trí người bệnh. Dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, chăm sóc cây cối cũng là một gợi ý để tạo ra các hoạt động khiến người bệnh có thể hoạt động và bận rộn hơn.

Xây dựng chế độ sống lành mạnh khi chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm

Thay vì bắt ép người bệnh thay đổi một mình thì bản thân bạn và những người trong gia đình hãy cùng nhau thay đổi. Xây dựng một chế độ sống lành mạnh, tích cực hơn sẽ tốt cho sức khỏe, tinh thần của tất cả mọi thành viên trong gia đình chứ không riêng gì người bệnh. Đồng thời khi cùng thay đổi theo hướng tích cực cũng tránh làm người bệnh suy nghĩ rằng tại mình nên mọi người phải thay đổi như thế.

Một số chế độ sống lành mạnh nên thay đổi như

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày, cả nhà nên thay đổi thói quen đi ngủ sớm trước 11h đêm
  • Cả nhà cùng dậy sớm và tập thể dục cùng nhau
  • Thiền và yoga đều là những bộ môn tốt cho sức khỏe, tâm trí lại phù hợp với tất cả mọi thành viên trong gia đình
  • Nên duy trì thói quen cùng nhau ăn cơm ít nhất 1 bữa trong ngày, có thể là bữa tối
  • Trong bữa ăn mọi người nên tương tác với nhau nhiều hơn, mỗi người bắt đầu chia sẻ về những trải nghiệm trong ngày thay vì im lặng hay bấm điện thoại như trước
  • Cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn hay thực hiện các hoạt động giúp kết nối mọi người với nhau
  • Cải thiện chế độ ăn uống khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây, các nhóm thực phẩm lành mạnh hằng ngày
  • Tránh xa các đồ ăn quá nhiều đạm, quá nhiều đường, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ uống có cồn hay các chất kích thích khác

Đừng quá áp lực, bạn cũng có quyền bực bội

Sống chung và chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm trong thời gian dài đôi lúc cũng không tránh khỏi những lúc bạn cảm thấy áp lực, tức giận với bản thân hay những người xung quanh, đặc biệt là những thời kỳ đầu. Bạn có thể băn khoăn không biết nên làm gì để giúp đỡ họ, tự hỏi rằng có phải do mình và cảm thấy căng thẳng với trọng trách này.

Hãy nhớ rằng một ai đó đang chống chọi với trầm cảm không có nghĩa là họ có quyền đòi hỏi bạn quá nhiều hay bạn phải chấp nhận tất cả những yêu cầu vô lý của họ. Bạn cũng có quyền tức giận, khó chịu với điều đó, đây là những cảm xúc hết sức bình thường. Kể cả khi bạn đã cố gắng hết sức mà tình trạng của họ không được cải thiện thì đây cũng không phải lỗi của bạn.

Chỉ khi tinh thần của những người chăm sóc tích cực thì mới có thể xua tan đi sự bi quan trong tâm trí bệnh nhân trầm cảm. Đôi khi bạn cũng cần chia sẻ một vài vấn đề thẳng thắn với người bệnh để cả hai không vượt quá giới hạn của nhau. Đừng nên đặt quá trọng trách chăm sóc của bản thân rồi tự mình cảm thấy mệt mỏi, thậm chí chính bạn cũng cảm thấy u ám, tiêu cực theo.

Thực tế rất nhiều người cho biết sau khi sống cùng chăm sóc người thân mắc bệnh trầm cảm thì chính bản thân cũng cảm thấy tâm trí căng thẳng và bi quan theo. Chăm sóc tinh thần cho chính bản thân mình, cùng gặp gỡ chuyên gia tâm lý cũng như xây dựng lối sống tích cực cho tất cả mọi người trong nhà có thể giúp ích trong quá trình này.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *