7 loại rối loạn ăn uống kỳ lạ thường gặp cần biết

Rối loạn ăn uống được chia thành nhiều dạng khác nhau dựa vào biểu hiện lâm sàng. Hiện nay, có 7 chứng rối loạn ăn uống đã được công nhận bao gồm chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ tâm thần, chứng ăn – ói, rối loạn nhai lại,…

chứng rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là chứng bệnh tâm thần có mức độ nặng có thể gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành

Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống (Eating Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần có mức độ nghiêm trọng với biểu hiện đa dạng. Thuật ngữ này đề cập đến những bất thường liên quan đến suy nghĩ, cảm giác và hành vi ăn uống. Rối loạn ăn uống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng.

Hiện nay, rối loạn ăn uống đã được công nhận là bệnh tâm thần chính thức trong Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán về Rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5). Theo thống kê, có khoảng 30 triệu người Hoa Kỳ và 4% dân số của Úc đang phải đối mặt với chứng bệnh này.

Rối loạn ăn uống có biểu hiện đa dạng và được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào triệu chứng lâm sàng. Từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người mắc chứng bệnh này tăng lên gấp 6 lần và đang không ngừng gia tăng. Bệnh gặp chủ yếu ở nữ giới với tỷ lệ gấp 4 lần nam giới và thường khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành.

Tìm hiểu các chứng rối loạn ăn uống

Như đã đề cập, rối loạn ăn uống được chia thành nhiều dạng khác nhau dựa trên biểu hiện lâm sàng. Hiện tại, DSM-5 đã công nhận 7 chứng rối loạn ăn uống sau:

1. Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa)

Chán ăn tâm thần hay biếng ăn tâm thần (Anorexia Nervosa) là chứng rối loạn ăn uống được biết đến nhiều nhất. Dạng rối loạn ăn uống này đặc trưng bởi việc hạn chế tối đa việc dung nạp thực phẩm và gần như không tiêu thụ các nhóm thực phẩm chứa nhiều calo.

Người mắc chứng chán ăn tâm thần luôn cho rằng bản thân cần giảm cân ngay cả khi họ đang bị thiếu cân trầm trọng. Bệnh nhân có nỗi sợ về việc bị tăng cân, béo phì và theo đuổi một cách cực đoan về hình thể thon gọn.

chứng rối loạn ăn uống
Chán ăn tâm thần là chứng rối loạn ăn uống được biết đến nhiều nhất hiện nay

Nhận thức méo mó về hình thể khiến bệnh nhân không ăn uống hoặc chỉ dung nạp rất ít thức ăn khiến cho cơ thể gầy gò đến báo động. Nếu không được điều trị, một số bệnh nhân phải đối mặt với các vấn đề thể chất nghiêm trọng và đôi khi có thể tử vong do nhịn ăn quá lâu.

Chứng chán ăn tâm thần thường khởi phát ở tuổi vị thành niên và đầu giai đoạn trưởng thành. Tỷ lệ nữ giới mắc chứng bệnh này cao hơn nam giới do những quan niệm khắt khe của xã hội về hình thể, cân nặng.

Các dấu hiệu nhận biết chứng chán ăn tâm thần:

  • Nhận thức méo mó về hình thể, luôn cho rằng bản thân thừa cân và phải giảm cân dù cân nặng dưới mức trung bình.
  • Bệnh nhân liên tục quan sát cơ thể trong gương và theo đuổi một cách cực đoan về hình thể mỏng manh, thon gọn.
  • Gần như không ăn uống hoặc chỉ ăn một lượng thức ăn rất nhỏ. Người bệnh hạn chế tối đa lượng thức ăn dung nạp trong ngày, đồng thời không bao giờ sử dụng các nhóm thực phẩm có nhiều calo.
  • Do nhịn ăn và ăn quá ít, tất cả các bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần đều nhẹ cân. Một số người gầy gò và suy dinh dưỡng đến mức báo động.
  • Người mắc chứng chán ăn tâm thần có nỗi sợ về việc bị tăng cân và béo phì. Nỗi sợ này kéo dài dai dẳng khiến bệnh nhân luôn ở trong trạng thái lo lắng, phiền muộn và đau khổ.
  • Bệnh nhân có thể có hoặc không có các hành vi đào thải thức ăn như tự gây nôn, dùng thuốc nhuận tràng,…

Trong các chứng rối loạn ăn uống, chứng chán ăn tâm thần là dễ nhận biết nhất bởi cân nặng của bệnh nhân luôn ở mức báo động. Hơn nữa, do hạn chế tối đa lượng thức ăn dung nạp nên bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe thể chất như suy nhược, thiếu máu, suy nội tạng, rụng tóc, móng giòn, gãy và thậm chí là tử vong.

2. Ăn vô độ tâm thần (Binge Eating Disorder – BED)

Ăn vô độ tâm thần hay rối loạn ăn uống vô độ là một trong các rối loạn ăn uống khá phổ biến. Trái ngược với người bị chán ăn tâm thần, người mắc chứng bệnh này thường ăn uống vô độ (dung nạp một lượng thức ăn lớn trong thời gian rất ngắn). Trong các cơn cuồng ăn, bệnh nhân không thể dừng hành vi ăn uống của mình.

Bệnh nhân thường ăn no đến mức khó chịu và sau khi ăn một lượng lớn thức ăn, người bệnh thường cảm thấy xấu hổ, chán nản, tội lỗi và ghê tởm chính bản thân mình. Các đợt ăn vô độ thường lặp đi lặp lại ít nhất 1 lần/ tuần và kéo dài từ 3 tháng trở lên.

Tương tự như chứng chán ăn tâm thần, ăn vô độ tâm thần khởi phát ở giai đoạn thanh thiếu niên và đầu độ tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị, chứng bệnh này sẽ phát triển dần theo thời gian gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.

chứng rối loạn ăn uống
Ăn vô độ tâm thần đặc trưng bởi các đợt ăn vô độ kèm theo cảm giác xấu hổ và tội lỗi về hành vi ăn uống của bản thân

Các dấu hiệu nhận biết chứng ăn vô độ tâm thần:

  • Bệnh nhân thường có các đợt ăn vô độ đặc trưng bởi tình trạng dung nạp một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn. Tốc độ ăn nhanh hơn bình thường, ăn no một cách khó chịu ngay cả khi không cảm thấy đói.
  • Người bệnh thường ăn ở những nơi riêng tư để tránh ánh mắt dòm ngó của mọi người.
  • Có cảm giác mất kiểm soát và căng thẳng trong các đợt ăn uống vô độ. Thực tế, một số bệnh nhân ý thức bản thân ăn quá nhiều nhưng không thể dừng hành vi ăn uống của bản thân.
  • Sau mỗi đợt ăn vô độ, bệnh nhân rơi vào trạng thái xấu hổ, chán nản, tội lỗi và đau khổ vì hành vi ăn uống thiếu khoa học.
  • Người mắc chứng ăn vô độ tâm thần KHÔNG thực hiện các hành vi đào thải thức ăn nhằm bù đắp cho việc ăn uống quá độ như tự gây nôn, sử dụng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, ăn kiêng hay tập thể dục quá mức.
  • Đa số bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ tâm thần đều bị thừa cân và béo phì.
  • Những người xung quanh có thể nhận thấy bệnh nhân không thoải mái khi ăn uống cùng với mọi người và liên tục tích trữ một lượng lớn đồ ăn trong nhà.

Người mắc chứng ăn vô độ tâm thần dễ gặp phải các bệnh mãn tính như tiểu đường, rối loạn lipid máu, tim mạch,… Bệnh nhân cũng có thể mắc phải các rối loạn tâm lý, tâm thần do tâm trạng buồn bã, đau khổ và xấu hổ kéo dài.

3. Chứng cuồng ăn Bulimia (Bulimia Nervosa)

Chứng cuồng ăn Bulimia dễ bị nhầm lẫn với ăn vô độ tâm thần nên còn được gọi với cái tên khác là chứng ăn – ói. Tương tự như chứng ăn vô độ, người bệnh thường dung nạp một lượng thức ăn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân sẽ thực hiện những hành vi đào thải thức ăn như uống thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, điên cuồng tập thể dục, ăn kiêng hoặc tự gây nôn. Vì có thực hiện hành vi đào thải thức ăn nên đa số bệnh nhân mắc chứng ăn – ói đều có cân nặng ở mức bình thường.

Người mắc chứng ăn – ói cũng có nhận thức méo mó về hình thể, bị ám ảnh quá mức bởi cân nặng và luôn cho rằng bản thân có ngoại hình xấu xí. Bệnh nhân thường tự ti về ngoại hình nên có xu hướng ngại giao tiếp, ít bạn bè và ít khi tham gia các hoạt động xã hội.

chứng rối loạn ăn uống
Chứng cuồng ăn Bulimia được xác định khi bệnh nhân ăn vô độ, sau đó thực hiện các hành vi đào thải thức ăn như gây nôn, ăn kiêng,…

Các dấu hiệu nhận biết chứng cuồng ăn/ ăn – ói:

  • Có các đợt ăn vô độ (ăn không kiểm soát, tốc độ ăn nhanh và dung nạp một lượng lớn thức ăn dù không thực sự đói)
  • Sau các đợt ăn vô độ, bệnh nhân thực hiện hành vi bù đắp nhằm đào thải lượng thức ăn đã dung nạp. Các hành vi thường gặp bao gồm tự gây nôn, tập thể dục cực đoan, nhịn ăn, sử dụng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu và một số người có thể dùng thuốc giảm cân.
  • Có nỗi sợ về việc bị tăng cân mặc dù có cân nặng bình thường.
  • Giảm lòng tự trọng, tự ti về cân nặng và vóc dáng.
  • Có nỗi sợ về việc bị tăng cân và béo phì.
  • Cho rằng bản thân bị thừa cân, vóc dáng không đẹp nên thường xấu hổ, đau khổ và cảm thấy tội lỗi về hành vi ăn uống vô độ.

Bệnh nhân mắc chứng ăn – ói có cân nặng bình thường nên không phải đối mặt với chứng béo phì hay tiểu đường. Tuy nhiên, các hành vi đào thải thức ăn như sử dụng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu và tự gây nôn ói có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng nặng nề như sưng tuyến nước bọt, đau họng, trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải, sức khỏe kém,…

4. Rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn (Avoidant Food Intake Disorder)

Rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn (Avoidant Food Intake Disorder – ARFID) là thuật ngữ mới được sử dụng để thay thế cho thuật ngữ cũ là rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Không giống với các chứng rối loạn ăn uống trên, ARFID xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc biệt, chứng bệnh này có tỷ lệ mắc bệnh ngang nhau ở nam và nữ.

Rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn đặc trưng bởi tình trạng ăn rất ít thức ăn và tránh ăn một số loại thực phẩm nhất định. Người mắc chứng bệnh này thường không có hứng thú, thậm chí là có ác cảm và tránh né việc ăn uống.

Người mắc chứng bệnh này thường nhạy cảm quá mức về các yếu tố như mùi vị, mùi hương, độ thô, mềm,… của món ăn. Điều này khiến cho người bệnh né tránh việc ăn uống và chỉ dung nạp một lượng nhỏ thực phẩm. Hành vi né tránh ăn uống không liên quan đến những lo lắng về cân nặng và ngoại hình.

chứng rối loạn ăn uống
Rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn là dạng rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ em

Nhận biết rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn:

  • Ăn rất ít và có thể né tránh không dùng một số loại thực phẩm nhất định.
  • Bệnh nhân thường bị suy dinh dưỡng và nhẹ cân do dung nạp rất ít thức ăn trong ngày.
  • Người mắc chứng rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn thường không thoải mái khi ăn uống cùng người khác.
  • Thường phải bổ sung dinh dưỡng qua đường ống hoặc thực phẩm chức năng.
  • Thói quen ăn uống khiến bản thân người bệnh khó có thể hòa nhập và thường sống khép kín, ít giao tiếp với những người xung quanh.

Nhiều người lầm tưởng rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn là chứng kén ăn ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chứng bệnh này khác hoàn toàn với những hành vi ăn uống thông thường. Những người kén ăn vẫn cung cấp đủ calo cho cơ thể dù nhóm thực phẩm không quá đa dạng. Trong khi đó, người mắc chứng rối loạn né tránh/ hạn chế tiếp nhận thức ăn thường ăn rất ít, thiếu hứng thú và thậm chí là có ác cảm với việc ăn uống.

5. Hội chứng ăn bậy (Hội chứng Pica)

Hội chứng ăn bậy (Hội chứng Pica) là dạng rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và người có các vấn đề tâm lý cũng có thể mắc hội chứng này.

Hội chứng Pica đặc trưng bởi tình trạng ăn uống những thứ không phải là thực phẩm như đá, sỏi, tóc, len, vải, giấy, xà phòng, bụi bẩn, đất, bột giặt,… Việc dung nạp những thứ không phải thực phẩm sẽ dẫn đến ngộ độc, nhiễm trùng và viêm loét dạ dày, đường ruột. Trường hợp nặng có thể gây tử vong do thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa và thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.

chứng rối loạn ăn uống
Hội chứng Pica là tình trạng bệnh nhân có cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm

Các dấu hiệu nhận biết hội chứng ăn bậy/ hội chứng Pica:

  • Có cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm và tình trạng này lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
  • Việc dung nạp các thứ không phải thực phẩm trong thời gian dài sẽ gây suy dinh dưỡng, sụt cân, suy nhược và đôi khi tử vong do ngộ độc, nhiễm trùng nặng.
  • Xảy ra chủ yếu ở trẻ bị tự kỷ và người có các rối loạn tâm thần

6. Rối loạn nhai lại (Rumination Disorder)

Rối loạn nhai lại (Rumination Disorder) là một chứng rối loạn ăn uống mới được công nhận trong những năm gần đây. Chứng bệnh này đặc trưng bởi tình trạng trào ngược thức ăn, bệnh nhân thường nhai và nuốt lại hoặc nôn mửa toàn bộ. Tình trạng nhai lại sẽ xảy ra trong vòng 30 phút sau khi bữa ăn.

Rối loạn nhai lại gặp chủ yếu ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và đôi khi có thể xảy ra ở người trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh, chứng bệnh này có thể tự thuyên giảm sau 3 – 12 tháng. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và người trưởng thành bị rối loạn nhai lại đều phải can thiệp trị liệu.

Hiện tượng trào ngược và nhai lại thức ăn khiến người bệnh không thoải mái khi ăn uống cùng người khác. Ngoài ra, rối loạn nhai lại cũng khiến người bệnh sợ ăn uống và chỉ dung nạp rất ít thức ăn. Những người mắc chứng bệnh này thường phải đối mặt với tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng, trẻ em thường chậm phát triển về chiều cao và cân nặng.

chứng rối loạn ăn uống
Rối loạn nhai lại là một dạng rối loạn ăn uống mới được công nhận trong thời gian gần đây

Các dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn nhai lại:

  • Nôn trớ, sau đó nhổ bỏ hoặc nhai và nuốt lại trong vòng 30 phút kể từ khi bữa ăn kết thúc.
  • Hôi miệng do tình trạng trớ thức ăn diễn ra thường xuyên.
  • Giảm cân, cân nặng thấp và suy dinh dưỡng.

Rối loạn nhai lại chỉ được chẩn đoán khi hiện tượng nôn trớ thức ăn diễn ra từ 1 tháng trở lên. Ngoài ra, tình trạng này phải được phân biệt với các bệnh lý như rối loạn tiêu hóa và trào ngược dạ dày thực quản.

7. Các rối loạn ăn uống khác (Other Specified Feeding and Eating Disorder – OSFED)

Các rối loạn ăn uống khác (OSFED) được xác định khi bệnh nhân có bất thường về hành vi, suy nghĩ và cảm xúc trong việc ăn uống nhưng không đủ triệu chứng để đưa ra các chẩn đoán trên. Thông thường, OSFED sẽ có mức độ nghiêm trọng hơn các chứng rối loạn ăn uống điển hình.

chứng rối loạn ăn uống
Ngoài các dạng điển hình, rối loạn ăn uống còn bao gồm các dạng khác như hội chứng ăn đêm, rối loạn thanh lọc,…

Các rối loạn ăn uống khác được chia thành 3 loại bao gồm:

  • Purging Disorder (tạm dịch: Rối loạn đào thải/ thanh lọc): Purging Disorder đặc trưng bởi việc liên tục có các hành vi đào thải thức ăn như tập thể dục quá mức, sử dụng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, tự gây nôn,… với mục đích kiểm soát cân nặng và duy trì vóc dáng. Tuy nhiên, những người mắc chứng bệnh này thường không có hành vi ăn uống vô độ.
  • Night Eating Syndrome (Hội chứng ăn đêm – NES): Hội chứng ăn đêm là một trong những dạng rối loạn ăn uống ít gặp. Như tên gọi, người mắc chứng bệnh này thường có thói quen ăn nhiều vào ban đêm (đặc biệt là các món ăn chứa nhiều đường và calo). Bệnh nhân thường cảm thấy xấu hổ về hành vi ăn đêm của mình nhưng không thể dừng lại. Người mắc chứng bệnh này cũng có sự bận tâm đáng kể về việc thừa cân, béo phì và luôn lo lắng về ngoại hình.
  • Các rối loạn ăn uống khác: Nhóm này không được đề cập trong DSM-5 nhưng vẫn được nhắc đến trong một số tài liệu. Các rối loạn ăn uống khác là thuật ngữ đề cập đến tất cả các tình trạng có biểu hiện rối loạn ăn uống nhưng không đủ tiêu chí để đưa ra những chẩn đoán trên.

Các chứng rối loạn ăn uống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể tử vong do nhịn ăn trong thời gian dài, rối loạn điện giải nghiêm trọng hoặc ngộ độc do dung nạp những thứ không phải thực phẩm. Mặc dù nguyên nhân gây bệnh có nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng điều trị tích cực có thể giảm các hành vi ăn uống bất thường và giúp người bệnh xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *