Rối Loạn Ăn Uống Vô Độ Là Gì? Có Nguy Hiểm Không?

Rối loạn ăn uống vô độ ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số thế giới với tỷ lệ cao hơn nữ giới. Bệnh lý này đặc trưng bởi các giai đoạn cuồng ăn và cảm giác tội lỗi về hành vi ăn uống của bản thân xảy ra ít nhất 1 lần/ tuần trong vòng 3 tháng. Hiện tại, chứng ăn uống vô độ được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc.

rối loạn ăn uống vô độ
Rối loạn ăn uống vô độ đã được công nhận là chẩn đoán chính thức trong DSM-5 vào năm 2013

Rối loạn ăn uống vô độ là gì?

Rối loạn ăn uống vô độ (Tiếng Anh: Binge Eating Disorder) còn được gọi là chứng ăn vô độ và ăn vô độ tâm thần. Chứng bệnh này được xếp vào nhóm rối loạn ăn uống và đã được công nhận là chẩn đoán chính thức vào năm 2013.

Rối loạn ăn uống vô độ đặc trưng bởi cảm giác cuồng ăn dẫn đến việc dung nạp một lượng thức ăn rất lớn. Ngay sau đó, người bệnh sẽ xuất hiện cảm giác tội lỗi, xấu hổ và đau khổ. Tuy nhiên, bệnh nhân KHÔNG thực hiện các hành vi bù trừ cho hành vi ăn uống quá mức như nhịn ăn, tập thể dục cường độ cao, tự gây nôn,… như chứng cuồng ăn Bulimiac hay còn gọi là chứng ăn ói.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tình trạng ăn quá độ xảy ra ít nhất 1 lần/ tuần và diễn ra trong 3 tháng liên tục. Tình trạng này đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê, chứng ăn vô độ là dạng rối loạn ăn uống phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Chứng bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 2% dân số thế giới, trong đó bao gồm 1.6% nữ giới và 0.5% nam giới ở độ tuổi vị thành niên. Điều này cho thấy bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Trong đó, trẻ em và người cao tuổi rất hiếm khi mắc phải các chứng rối loạn ăn uống.

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn ăn uống vô độ

Rối loạn ăn uống vô độ có triệu chứng khá rõ ràng. Ngoài các biểu hiện về hành vi, bệnh nhân cũng có các dấu hiệu bất thường về mặt cảm xúc và thể chất.

Như đã đề cập, chứng ăn vô độ đặc trưng bởi cảm giác thèm ăn một cách thái quá – ngay cả khi bản thân bệnh nhân không thấy đói. Cảm giác này khiến người bệnh dung nạp một lượng thức ăn lớn và không thể kiểm soát hành vi ăn uống vô độ. Rất nhanh sau đó, bệnh nhân rơi vào trạng thái xấu hổ, buồn bã và đau khổ.

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, chứng ăn vô độ có biểu hiện về mặt cảm xúc, hành vi và thể chất:

1. Dấu hiệu về cảm xúc và hành vi

Khác với cảm giác thèm ăn sinh lý, chứng ăn vô độ tâm thần không chỉ đặc trưng bởi tình trạng cuồng ăn mà còn gây ra sự đau khổ, xấu hổ và tội lỗi. Nếu chú ý, bản thân người bệnh và những người xung quanh dễ dàng nhận ra những biểu hiện bất thường như:

rối loạn ăn uống vô độ
Người mắc chứng ăn uống vô độ thường dung nạp một lượng lớn thức ăn dù không cảm thấy đói
  • Dung nạp một lượng lớn thức ăn lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Bệnh nhân có thể không ăn trực tiếp trước mặt người khác. Tuy nhiên, những người cùng chung sống sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều bao bì và hộp đựng thức ăn rỗng bên trong thùng rác.
  • Tốc độ ăn nhanh hơn so với bình thường và không thể kiểm soát cảm giác thèm ăn. Món ăn người bệnh yêu thích thường là đồ ngọt và đồ béo dễ gây tăng cân.
  • Ngoài việc không thể kiểm soát cảm giác thèm ăn, bệnh nhân không thể kiểm soát đã dung nạp bao nhiêu thức ăn và đang ăn những thứ gì. Đây là đặc điểm khác biệt so với những người có thói quen ăn uống thông thường.
  • Bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ sợ bị dò xét và cảm thấy xấu hổ về thói quen ăn uống của bản thân. Do đó, họ thường không thoải mái khi ăn cùng người khác.
  • Có thói quen tích trữ thực phẩm ở nhà, công ty và luôn có đồ ăn trong túi.
  • Sau khi dung nạp một lượng lớn thức ăn, bệnh nhân có cảm giác ghê tởm bản thân, tội lỗi, xấu hổ và bi quan.
  • Dành sự quan tâm, chú ý thái quá đến trọng lượng và hình thể. Người bệnh cho rằng bản thân có vóc dáng không cân đối và luôn nghĩ rằng phải giảm cân, ăn kiêng liên tục.
  • Bệnh nhân dành nhiều thời gian để soi gương nhằm đánh giá vóc dáng và khuyết điểm của bản thân.
  • Bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ thường có trọng lượng cao hơn bình thường. Trong khi đó, người mắc chứng chán ăn tâm thần thường gầy gò, suy nhược.

2. Các triệu chứng cơ thể

Các triệu chứng cơ thể thường xảy ra do những hành vi cuồng ăn (dung nạp một lượng thức ăn quá lớn mặc dù không thực sự đói). Trong đó, các biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Trọng lượng cơ thể luôn cao hơn mức trung bình
  • Đau dạ dày, trào ngược dạ dày, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,…
  • Khó chịu sau khi ăn uống (do ăn no đến mức không chịu nổi)
  • Khó tiêu
  • Rạn da do tăng cân quá nhanh

Thông thường, chúng ta có thể ăn nhiều hơn vào những dịp đặc biệt. Sau đó, nỗ lực tập thể dục và ăn kiêng để điều chỉnh lại vóc dáng. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, không phải là bệnh lý.

Trong khi đó, người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ lặp đi lặp lại trạng thái cuồng ăn ít nhất 1 lần/ tuần trong liên tục 3 tháng. Ngoài ra, bệnh nhân luôn phải đối mặt với cảm giác xấu hổ, trầm cảm, bi quan, tuyệt vọng và thậm chí ghê tởm bản thân.

Nguyên nhân gây ra chứng ăn vô độ tâm thần

Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống nói chung và chứng ăn vô độ tâm thần nói riêng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, vì bệnh xảy ra chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi thanh thiếu niên và đầu độ tuổi trưởng thành nên được cho là có liên quan đến các yếu tố tâm lý xã hội.

rối loạn ăn uống vô độ
Định kiến xã hội và thân hình thừa cân, béo phì là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chứng ăn uống vô độ

Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố được xác định có liên quan đến chứng ăn uống vô độ:

  • Di truyền: Các rối loạn tâm thần đều có khả năng di truyền, bao gồm cả chứng rối loạn ăn uống vô độ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh lý này có hiện tượng tăng nhạy cảm với dopamine được tiết ra khi ăn uống. Do đó, họ thường không kiểm soát được hành vi cuồng ăn của bản thân. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên nếu có ông bà, cha mẹ và anh chị em được chẩn đoán bị rối loạn ăn uống vô độ.
  • Quan điểm khắt khe về cái đẹp: Nữ giới là đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng ăn vô độ. Nguyên nhân có liên quan đến những yêu cầu khắt khe của xã hội về hình thể. Ở hầu hết các quốc gia, phụ nữ luôn phải giữ thân hình thon thả và gọn gàng. Trong khi đó, nam giới ít bị ràng buộc bởi những quan niệm về cái đẹp, thẩm mỹ.
  • Cấu trúc não bất thường: Nhiều nghiên cứu cho thấy, cấu trúc não bất thường khiến cho bệnh nhân thiếu tính tự chủ và nhạy cảm hơn với các hormone được tiết ra khi ăn uống. Đây là lý do khiến bệnh nhân ăn uống quá mức và không thể kiểm soát hành vi của bản thân.
  • Bị thừa cân, béo phì: Hơn 50% bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ bị thừa cân và béo phì. Trong đó, khoảng 20% người có nhu cầu hút mỡ để giảm cân và sở hữu vóc dáng mảnh mai, quyến rũ. Cân nặng vượt mức khiến bệnh nhân quan tâm hơn đến ngoại hình và luôn cho rằng bản thân cần phẫu thuật, ăn kiêng để sở hữu vóc dáng cân đối.
  • Tổn thương tâm lý: Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, chứng ăn uống vô độ thường bùng phát sau các sang chấn tâm lý như người thân qua đời, ngược đãi, bị tai nạn xe, bị bỏ rơi, lạm dụng,… Sau tổn thương tâm lý, bệnh nhân ăn uống quá mức để tìm kiếm niềm vui. Tuy nhiên, khi cân nặng vượt mức, người bệnh lại có cảm giác tội lỗi về hành vi ăn uống cực đoan của bản thân. Ngoài ra, bị tẩy chay và bắt nạt hội đồng do vóc dáng, cân nặng cũng là yếu tố thuận lợi dẫn đến chứng ăn uống vô độ.
  • Mắc các bệnh tâm lý khác: Ăn uống quá mức được xem là hình thức giải tỏa cảm xúc không lành mạnh. Tình trạng này gặp ở những bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn lo âu và rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân phát triển chứng chán ăn tâm thần.
  • Tính chất công việc: Người làm những công việc coi trọng ngoại hình như người mẫu, ca sĩ, diễn viên,… sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ cao hơn. Bởi tính chất nghề nghiệp khiến cho họ bị ám ảnh quá mức về hình thể. Hơn nữa, việc ăn uống kiêng cữ quá mức trong một thời gian dài cũng khiến họ khó kiểm soát được cảm giác thèm ăn và có xu hướng ăn uống quá mức.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra chứng ăn uống vô độ vẫn chưa được biết rõ. Dù vậy, các chuyên gia nhận thấy bệnh thường bùng phát sau căng thẳng kéo dài hoặc stress nặng – đặc biệt là những sự kiện có liên quan đến cân nặng và ngoại hình (bị bắt nạt vì béo phì, bị bạn trai bỏ rơi vì thân hình thiếu quyến rũ,…).

Rối loạn ăn uống vô độ có nguy hiểm không?

Rối loạn ăn uống vô độ là chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị sớm. Người mắc chứng bệnh này không trực tiếp gây ra các hành vi tự hủy hoại hay tự sát. Tuy nhiên, tình trạng cuồng ăn sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe.

Dung nạp một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn khiến người bệnh đối mặt với nhiều vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, táo bón,… Về lâu dài, thói quen ăn uống cực đoan sẽ dẫn đến các bệnh mãn tính như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích và gan nhiễm mỡ.

rối loạn ăn uống vô độ
Chứng ăn uống vô độ có thể tiến triển nặng dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều rối loạn tâm thần khác

Chứng cuồng ăn vô độ không được điều trị có thể gia tăng nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu, thiếu máu,… Ngoài ra, tâm lý tội lỗi, xấu hổ và ghê tởm bản thân sau mỗi lần cuồng ăn có thể phát triển thành chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực.

Bệnh nhân có xu hướng sống khép kín và tách rời khỏi cộng đồng vì luôn muốn che giấu hành vi cuồng ăn của bản thân. Hơn nữa, vì quá bận tâm đến vóc dáng nên người bệnh thường thiếu tự tin và ngại gặp gỡ. Về lâu dài, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng lao động, học tập, có xu hướng sống phụ thuộc vào gia đình.

Chẩn đoán chứng ăn vô độ tâm thần

Chứng ăn vô độ tâm thần dễ bị nhầm lẫn với cảm ăn thèm ăn thông thường. Vào năm 2013, chứng bệnh này đã được công nhận là chẩn đoán chính thức trong DSM-5 (Cẩm năng chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần lần thứ 5). Tương tự như các rối loạn ăn uống khác, chứng ăn uống vô độ sẽ được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng. Bệnh lý được chẩn đoán khi đáp ứng đủ 5 tiêu chí sau:

Các đợt ăn uống vô độ lặp đi lặp lại và mỗi đợt phải có 2 đặc điểm như sau:

  • Không thể kiểm soát cảm giác thèm ăn dẫn đến việc không biết được bản thân đang ăn gì và đã dung nạp bao nhiêu thức ăn.
  • Dung nạp một lượng thức ăn lớn hơn rất nhiều so với người khác ở hoàn cảnh tương tự.

Trong giai đoạn ăn vô độ, bệnh nhân có ít nhất 3 đặc điểm sau:

  • Dung nạp một lượng lớn thức ăn mặc dù không có cảm giác đói
  • Ăn nhanh hơn so với bình thường
  • Ăn liên tục cho đến khi no quá mức và không thể ăn được nữa
  • Thường ăn một mình vì có cảm giác xấu hổ khi người khác biết được hành vi cuồng ăn của bản thân
  • Sau các cơn cuồng ăn, bệnh nhân có cảm giác tội lỗi, chán nản và thậm chí là ghê tởm bản thân

Ngoài 2 tiêu chí trên, chẩn đoán chứng ăn uống vô độ còn dựa vào 3 tiêu chí sau:

  • Thường trực sự lo lắng liên quan đến thói quen ăn uống vô độ
  • Tình trạng ăn uống độ xảy ra thường xuyên, trung bình 1 lần/ tuần trong vòng 3 tháng
  • Cân nặng thường cao hơn mức trung bình

Dựa vào tần suất của triệu chứng, bác sĩ có thể chẩn đoán được vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân gặp phải và mức độ bệnh. Nếu được điều trị sớm và đúng cách, chứng rối loạn ăn uống vô độ có thể được kiểm soát hoàn toàn.

Các phương pháp điều trị rối loạn ăn uống vô độ

Rối loạn ăn uống vô độ không chỉ là điều kiện để phát triển những vấn đề tâm lý mà còn gia tăng các bệnh lý thể chất. Vì vậy, bệnh nhân cần tích cực điều trị để bảo vệ sức khỏe và phòng tránh các biến chứng của bệnh lý này.

Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Tuy nhiên nhìn chung, điều trị sẽ giúp bệnh nhân thay đổi các hành vi ăn uống vô độ, cải thiện vóc dáng và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Sau khi điều trị, người bệnh sẽ biết cách duy trì lối sống lành mạnh và khoa học.

Các phương pháp điều trị chứng ăn uống vô độ:

1. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị chứng ăn uống vô độ. Phương pháp này giúp bệnh nhân học cách kiềm chế cảm giác cuồng ăn, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và giảm bớt sự quan tâm đến cân nặng, hình thể.

Nhìn chung, trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn ăn uống nói chung và chứng ăn uống vô độ nói riêng. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp bệnh nhân cải thiện các vấn đề về giao tiếp và tăng sự tương tác với những người xung quanh.

chứng ăn uống vô độ
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với người mắc chứng ăn uống vô độ tâm thần

Hiện tại, hai phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (IPT). Ngoài ra, một số biện pháp khác cũng có thể được thực hiện đồng thời để hỗ trợ quá trình trị liệu:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT hiện là phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất. Phương pháp này được thực hiện trong 4 – 5 tháng (khoảng 20 buổi) nhằm mục đích giúp bệnh nhân kiểm soát cảm giác cuồng ăn, giảm sự quan tâm đến vóc dáng, cân nặng và có động lực để duy trì chế độ sống lành mạnh. Nếu cần thiết, chuyên gia có thể yêu cầu trị liệu dài hạn để ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (IPT): IPT thường được áp dụng khi không thể thực hiện liệu pháp nhận thức hành vi. Mục tiêu của phương pháp này là cải thiện khả năng giao tiếp, tăng sự tương tác của bệnh nhân với những người xung quanh. Ngoài ra, IPT giúp bệnh nhân vượt qua những rào cản về tâm lý, từ đó có thể duy trì chế độ ăn phù hợp và kiểm soát được cảm giác cuồng ăn quá độ.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): DBT được thực hiện với mục đích điều chỉnh cảm xúc của bệnh nhân. Bởi liệu pháp này được phát triển dựa trên quan điểm, chứng ăn vô độ là phản ứng sau khi đối mặt với những sự kiện đau buồn và các trải nghiệm tiêu cực. DBT giúp bệnh nhân học cách điều chỉnh cảm xúc và tăng khả năng chịu đựng stress.
  • Liệu pháp giảm cân: Đa phần bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ đều bị thừa cân, béo phì và chỉ có một số ít bệnh nhân duy trì được vóc dáng cân đối. Liệu pháp này giúp bệnh nhân tăng lòng tự trọng, giảm sự quan tâm thái quá về vóc dáng và thay đổi hành vi cuồng ăn. Thông qua liệu pháp giảm cân, bệnh nhân có thể xây dựng lối sống lành mạnh và duy trì được cân nặng vừa phải.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, chuyên gia sẽ lựa chọn hướng tiếp cận phù hợp. Trong đó, liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân là hai phương pháp mang lại hiệu quả tốt nhất.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không phải là lựa chọn ưu tiên trong điều trị chứng ăn uống vô độ. Bởi không có loại thuốc nào có thể ngăn hành vi cuồng ăn và cảm giác xấu hổ, tội lỗi  Tuy nhiên, thuốc có thể được dùng để nâng đỡ tâm trạng và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn ăn uống vô độ:

  • Thuốc chống trầm cảm (chủ yếu là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc)
  • Thuốc chống động kinh (thường dùng nhất là lisdexamfetamine, topiramate)

Trường hợp mắc đồng thời với chứng rối loạn lo âu và trầm cảm sẽ phải dùng thêm các loại thuốc khác. Bởi dùng thuốc là phương pháp chính đối với các bệnh lý này. Hiện nay, nhiều bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ được dùng thuốc chống trầm cảm trong quá trình trị liệu để nâng đỡ tinh thần và cảm xúc.

3. Các biện pháp tự cải thiện

Rối loạn ăn uống vô độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý. Bên cạnh đó, chứng bệnh này còn gây suy giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là hiệu suất lao động, học tập và thu hẹp các mối quan hệ xã hội.

Hiện tại, các phương pháp điều trị được áp dụng mang lại hiệu quả khá tốt. Dù vậy, bệnh nhân vẫn nên thực hiện thêm một số phương pháp khác để tối ưu hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp tự cải thiện bệnh nhân có thể áp dụng:

  • Viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc và học cách chia sẻ với bạn bè, người thân.
  • Ngồi thiền, tập yoga mỗi ngày.
  • Lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục thường xuyên để kiểm soát cân nặng và xoa dịu tâm trạng lo lắng, buồn rầu.
  • Đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc và hạn chế tình trạng thức khuya.
  • Làm việc và nghỉ ngơi điều độ để phòng ngừa stress.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Rối loạn ăn uống vô độ là một trong những dạng rối loạn ăn uống khá phổ biến. Mặc dù chưa rõ căn nguyên nhưng bệnh có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân cũng cần có kế hoạch chăm sóc hợp lý để vượt qua chứng bệnh này một cách dễ dàng.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *