Chứng sợ bóng bay (Globophobia) là gì? Ảnh hưởng như thế nào?

Người mắc chứng sợ bóng bay có thể cảm thấy ngột ngạt, khó thở, xây xẩm mặt mày khi thấy những trái bóng bay nhiều màu sắc, thậm chí có thể ngất xỉu nếu quả bóng bay lại gần. Nỗi sợ phi lý này có thể xuất hiện từ những ám ảnh trong quá khứ mà người bệnh đã từng đối mặt. Trị liệu tâm lý sẽ giúp người bệnh học cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân mình.

Chứng sợ bóng bay (Globophobia) là gì?

Bóng bay là một trong những loại đồ chơi quen thuộc có thể thấy ở bất cứ đâu với nhiều hình dạng, màu sắc, kích thước. Từ những trái bóng bay tròn đơn giản đến những quả bóng có hình con heo, hình bông hoa, hình con thỏ đều khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em thích thú. Những trái bóng bay cũng được đánh giá là khá an toàn nên phụ huynh có thể thoải mái mua cho con chơi.

Chứng sợ bóng bay
Những trái bóng bay sắc màu, nhỏ bé lại trở thành nỗi sợ hãi tột độ của người mắc chứng Globophobia

Tuy nhiên có rất nhiều người mắc một hội chứng kỳ lạ có tên là Globophobia – hội chứng sợ bóng bay. Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại, trong đó “Globo” mang ý nghĩa là hình cầu, giống với hình dạng của trái bóng bay truyền thống và “phobos” là nỗi sợ hãi.  Đây là một trong những nỗi sợ hãi vô cùng phi lý, nhưng lại ảnh hưởng đến rất nhiều người trên thế giới.

Chứng sợ bóng bay được biểu hiện bằng trạng thái lo lắng, sợ hãi quá mức của một người khi tiếp xúc với những trái bóng bay, thậm chí sự thay đổi về cảm xúc tinh thần xuất hiện ngay khi họ mới chỉ nhìn trái bóng qua ảnh. Một số có thể bỏ chạy hay ngất xỉu nếu thấy một chùm bong bóng. Hầu hết người bệnh đều tìm cách tránh né việc nhìn thấy hay chạm vào những trái bóng.

Globophobia là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, tuy nhiên hiện vẫn chưa được đề cập trong Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm lý Tâm thần (DSM-5) và Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD) phiên bản mới nhất. Dù vậy các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần vẫn đang tiếp nhận điều trị cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc rối loạn này.

Biểu hiện hội chứng sợ bóng bay

Nỗi sợ hãi, hoảng loạn của người mắc Globophobia được biểu hiện rõ ràng khi họ phải đối diện với nỗi sợ hãi của chính mình, hay ở đây chính là những trái bóng bay nhiều màu sắc. Cường độ nỗi sợ hãi được thể hiện khác nhau trên từng người, không phải ai cũng giống nhau, tùy theo những trải nghiệm mà họ đã gặp phải và gây ra nỗi ám ảnh.

Chứng sợ bóng bay
Nếu nhìn thấy hay chạm vào bóng bay đều khiến người bệnh rơi vào hoảng loạn, kích thích tột độ

Một số dấu hiệu đặc trưng của người mắc chứng sợ bóng bay như

  • Nỗi sợ hãi bùng phát nếu nhìn thấy hay tiếp xúc gần với bóng bay khiến người bệnh run rẩy, khó thở, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, đổ mồ hôi toàn thân, choáng váng, mất phương hướng, đứng không vững, khô miệng, có cảm giác muốn bỏ chạy ngay lập tức
  • Sợ hãi tất cả những thứ liên quan đến bóng bay, bao gồm cả hình ảnh trên TV, truyền hình; các loại đồ chơi hay mô hình liên quan; tiếng nổ hay cả chất liệu tạo ra bóng bay
  • Người mắc chứng sợ bóng bay luôn cảm thấy đây là một thứ gì đó vô cùng nguy hiểm, đáng sợ, cần phải tránh xa
  • Luôn tìm cách tránh né tối đa đến những nơi có thể xuất hiện bóng bay, chẳng hạn các buổi tiệc khai trương, tiệc sinh nhật, công viên, rạp xiếc, nhưng nơi vui chơi có nhiều trẻ con
  • Không thể tập trung hay bình tĩnh nếu xuất hiện bóng bay trong các khu vực họ đang hoạt động
  • Có thể gặp ác mộng nếu nhìn thấy bóng bay, hoặc thường xuyên có những ác mộng có liên quan đến hình ảnh bóng bay

Người mắc chứng sợ bóng bay cũng có thể có nỗi ám ảnh đến những hành động, vật dụng, hình ảnh hay màu sắc khiến họ có liên tưởng đến những trái bóng bay, chẳng hạn

  • Thổi bong bóng bay
  • Tiếng bóng bay xì hoặc nổ
  • Bóng bay có chứa khí Heli
  • Những trái bóng được thổi với kích thước quá to
  • Những trái bóng có hình dạng động vật hay những hình dạng đáng sợ khác, chẳng hạnh như hình chú hề
  • Bóng nước
  • Khinh khí cầu
  • Bong bóng cao su

Globophobia có thể xảy ra trên một loại bóng cụ thể, nhưng cũng có thể diễn ra dàn trải trên tất cả các loại bóng. Thống kê cho thấy đa số người mắc chứng sợ bong bóng đều là trẻ em hoặc có nỗi sợ bong bóng từ thời thơ ấu, sau đó phát triển dần thành nỗi ám ảnh đến khi trưởng thành với mức độ nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân chứng sợ bóng bay

Cơ chế gây bệnh của các dạng rối loạn ám ảnh sợ hiện tại vẫn chưa thể khẳng định hoàn toàn, tạm thời chuyên gia mới chỉ tìm ra các yếu tố có liên quan. Những ám ảnh từ quá khứ chính là một trong những nguồn gốc của nỗi sợ hãi, nếu nó không được loại bỏ sẽ dần trở thành một bóng đen đáng sợ choán lấy toàn bộ tâm trí của người bệnh.

Chứng sợ bóng bay
Những loại bóng bay có hình thù quá kỳ dị, đáng sợ có thể trở thành nguồn gốc của Globophobia

Theo đó, một số yếu tố được cho là có liên quan đến nguyên nhân hình thành chứng sợ bóng bay gồm

  • Yếu tố di truyền: nếu trong gia đình có người mắc Globophobia hay một số dạng rối loạn ám ảnh sợ hãi khác sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Ám ảnh trong quá khứ: nỗi sợ hãi những trái bóng tưởng chừng vô hại hoàn toàn có được hình thành những những trải nghiệm ở quá khứ. Chẳng hạn một đứa trẻ bị trêu chọc một trái bóng có hình dáng đáng sợ; hình ảnh quả bóng gắn liền với một bộ phim kinh dị nào đó; bị giật mình quá mức khi một quả bóng đầy hơi nổ.. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại liên tục với tần suất hay mức độ tăng dần sẽ khiến não bộ nhận định đây là yếu tố nguy hiểm và tạo ra các phản ứng phòng bị
  • Do tình trạng sức khỏe: người bị dị ứng với các chất liệu làm bóng bay, chẳng hạn cao su cũng cần phải tìm cách tránh xa để bảo vệ sức khỏe cho chính mình
  • Ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực: những thông tin như bong bóng phát nổ gây tử vong, bị bỏng nặng do nổ bóng bay; bị tổn thương thính giác vì bong bóng nổ khiến rất nhiều người lo lắng và cảm thấy loại đồ chơi này tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm nên luôn tìm cách tránh xa
  • Một số nguyên nhân khác: không thích chuyển động, mùi hay chất liệu tạo nên những trái bong bóng; sợ cảm giác bóng bay bay lên và rớt xuống; sợ những sợi dây cột bóng bay

Hội chứng sợ bong bóng cũng được cho là có liên quan hoặc xảy ra đồng thời với một

  • Chứng sợ âm thanh (Misophonia)
  • Chứng sợ helium – Helliophobia:
  • Chứng sợ trọng lực – Barophobia
  • Nỗi sợ hãi tột độ khi bị rơi xuống bầu trời – Casadastraphbia
  • Chứng sợ hãi tột độ về dây – Linonophobia
  • Chứng sợ chú hề – Coulrophobia  ( do hình ảnh chú hề hầu như gắn liền với những trái bóng bay)
  • Chứng sợ dây thun – Lastihophobia

Những ảnh hưởng từ chứng sợ bóng bay

Trạng thái lo âu, căng thẳng sợ hãi tột độ của người bệnh thường chỉ xuất hiện khi phải đối mặt với bóng bay, do đó nếu không sống trong môi trường phải tiếp xúc với các chủ thể này thì người bệnh vẫn hoàn toàn có tâm lý, cảm xúc như bình thường mà không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống hay sức khỏe. Do đó hầu hết người bệnh đều tìm cách tránh né bóng bay thay vì điều trị chuyên môn.

Chứng sợ bóng bay
Người mắc chứng sợ bóng bay luôn phải từ chối, tránh né những nơi có sự xuất hiện của bóng bay

Dù vậy thì bóng bay lại vốn là một trong những loại đồ chơi, đồ trang trí vô cùng phổ biến có thể thấy ở bất cứ đâu, đặc biệt là những khu vực thành phố lớn, những khu vui chơi, công viên.. Chưa kể nó cũng được dùng rất nhiều trong các hoạt động trang trí hay sự kiện, bởi thế không phải lúc nào người bệnh cũng có thể trốn tránh hoàn toàn với nỗi sợ của bản thân.

Chứng sợ bóng bay có thể làm suy giảm đáng kể về chất lượng đời sống, sức khỏe tinh thần, cản trở người bệnh tham gia vào rất nhiều các hoạt động, công việc cần thiết hằng ngày. Chẳng hạn không thể làm các công việc liên quan đến sự kiện, không thể đến công viên vui chơi, không thể đi dự tiệc cùng bạn bè

Bên cạnh đó, những người mắc Globophobia cũng thường bị đánh giá sai bởi những người xung quanh. Nhiều người cho rằng bóng bay thì có gì đâu mà sợ và cho rằng người bệnh đang “diễn” hay cố tình làm lố. Tuy nhiên những phản ứng, cảm xúc, nỗi sợ hãi của người bệnh hoàn toàn là thật.

Nói chung, chứng sợ bóng bay nếu không sớm khắc phục hoàn toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân người bệnh. Một số người hình thành nỗi ám ảnh quá mức thậm chí còn có xu hướng tự cô lập bản thân trong nhà để tránh tối đa việc tiếp xúc với bóng bay, bảo vệ bản thân trong vùng an toàn.

Chứng sợ bóng bay có điều trị được không?

Theo các chuyên gia, tiên lượng của chứng sợ bóng bay khá tốt và hoàn toàn có thể điều trị được nếu bệnh nhân áp dụng đúng phương pháp. Bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý có thể đặt các câu hỏi về trải nghiệm, cảm xúc của người bệnh, làm các bài test đánh giá cần thiết cùng một số xét nghiệm thần kinh chuyên môn để xác định đúng tình trạng của người bệnh, từ đó xây dựng hướng điều trị thích hợp.

Lộ trình điều trị Globophobia ở mỗi bệnh nhân sẽ dài ngắn khác nhau, tùy theo tình trạng, phương pháp, mức độ tương thích với các liệu pháp. Tuy nhiên chỉ cần người bệnh trung thực và kiên trì thực hành theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia, chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều cải thiện tích cực.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là một trong những phương pháp chính được khuyến khích cho người mắc chứng sợ bóng bay để người bệnh sớm vượt qua nỗi sợ hãi phi lý này. Mục tiêu của trị liệu tâm lý làm rõ tính chất nỗi sợ hãi của bản thân, dần thay thế tư duy tiêu cực để người bệnh có thể đối mặt với nỗi ám ảnh của chính mình thay vì luôn luôn bỏ chạy.

Chứng sợ bóng bay
Trị liệu tâm lý giúp người bệnh hiểu rõ về nỗi sợ hãi của bản thân và học cách đối diện với nó

Thực tế rất nhiều bệnh nhân đã chiến thắng nỗi ám ảnh sợ hãi thông qua các biện pháp trị liệu mà không cần dùng đến thuốc. Tinh thần người bệnh nhanh chóng phấn chấn, tích cực hơn, dần hòa nhập trở lại với các hoạt động đời sống chỉ trong một thời gian ngắn. Một số phương pháp được áp dụng cho chứng sợ bóng bay như

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: nhà trị liệu sẽ yêu cầu thân chủ chia sẻ về trải nghiệm, cảm xúc của bản thân và giúp người bệnh hiểu rõ về tính chất nỗi sợ hãi của chính mình. Người bệnh cần tự nhận định được suy nghĩ của mình là đúng đắn hay sai lầm, từ đó dần dần loại bỏ, thay thế bằng những nhận thức đúng đắn, tích cực hơn.
  • Liệu pháp tự phơi nhiễm: cơ chế của liệu pháp phơi  nhiễm chính là tạo ra sự quen thuộc cho não bộ, từ đó  điều chỉnh mức phản ứng, kích thích khi lặp lại các hình ảnh đó. Nhà trị liệu sẽ đặt người bệnh vào các không gian phù hợp để họ đối mặt trực tiếp với nỗi sợ hãi của bản thân theo cấp độ tăng dần (ở đây chính là bóng bay). Chẳng hạn ban đầu chỉ là nhìn hình ảnh bóng bay nhỏ xíu, nhìn video bóng bay, rồi dần dần là đặt trái bóng bay trong phòng, thậm chí là yêu cầu người bệnh chạm vào trái bóng. Khi phải tiếp xúc quá nhiều, cơ thể sẽ tự điều chỉnh các phản ứng thích nghi, dần dần cảm thấy nó cũng không đáng sợ như họ vẫn tưởng và có thể vượt qua được chứng sợ bóng bay hiệu quả.
  • Liệu pháp thư giãn: người mắc Globophobia cần học được cách tự thư giãn, giải tỏa cảm xúc khi đứng trước các tình huống căng thẳng để bình tĩnh hơn thay vì lúc nào cũng bỏ chạy. Nhà trị liệu cũng sẽ đồng hành, hướng dẫn người bệnh cách thư giãn trong quá trình thực hành liệu pháp phơi nhiễm nhằm ngăn chặn các hành vi kích thích khi sợ hãi.
  • Liệu pháp thôi miên: với những bệnh nhân mắc chứng sợ bóng bay nghiêm trọng, đã áp dụng các phương pháp CBT nhưng không mang lại hiệu quả có thể xem xét áp dụng liệu pháp thôi miên để loại bỏ tư duy sai lệch hiệu quả hơn. Thôi miên cũng giúp nhà trị liệu có thể tìm hiểu rõ nguồn gốc nỗi sợ hãi và giúp người bệnh thả lỏng, thoải mái hơn sau mỗi lần thực hiện.
  • Liệu pháp trị liệu nhóm: nhà trị liệu cũng có thể thiết lập các nhóm trị liệu giữa những người có cùng tình trạng để mọi người có thể cùng chia sẻ và giúp đỡ nhau. Những người có cùng tâm lý sẽ dễ dàng kết nối và hỗ trợ nhau hơn.

Quan trọng nhất với trị liệu tâm lý trong Globophobia chính là người bệnh cần trung thực trong việc chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm và cảm xúc với nhà trị liệu. Chuyên gia không thể giúp khách hàng thoát ra khỏi bóng đen tâm lý nếu bản thân họ không thành thật với cảm xúc của chính mình. Nhà trị liệu sẽ không chê bai, trêu chọc hay coi thường cảm xúc của khách hàng, do đó bạn có thể thoải mái chia sẻ để hiểu về chính mình hơn.

Sử dụng hóa dược

Thuốc có thể được chỉ định trong một vài trường hợp nhằm xoa dịu và ổn định cảm xúc cho bệnh nhân, tuy nhiên cũng không thể hoàn toàn điều trị bệnh. Không có bất cứ loại thuốc nào được công nhận là đặc hiệu cho chứng sợ bóng bay, chỉ có một số loại thuốc làm giảm các triệu chứng liên quan.

Các loại thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu.. được dùng phổ biến nhất trong điều trị Globophobia. Tuy nhiên các loại thuốc này cũng thường kèm theo một số phản ứng phụ không mong muốn, chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi nhiều hơn. Do đó cần đảm bảo sử dụng đúng liều lượng được chỉ định, tránh tự ý tăng/ giảm hay ngừng thuốc đột ngột sẽ khiến việc điều trị giảm kết quả như mong muốn.

Điều trị tại nhà

Để vượt qua chứng sợ bóng bay, chắc chắn không chỉ phụ thuộc vào trị liệu tâm lý hay thuốc mà phụ thuộc vào chính bản thân người bệnh. Nếu không đủ quyết tâm, không kiên trì trong quá trình điều trị chắc chắn không thể có hiệu quả. Do đó, quá trình chăm sóc và điều trị tại nhà cũng cực kỳ quan trọng.

Chứng sợ bóng bay
Xem một bộ phim hoạt hình đáng yêu về công dụng của bong bóng đôi khi có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ rằng đây là thứ đáng sợ

Thay đổi lối sống, học cách tự xoa dịu cảm xúc của bản thân, thay đổi góc nhìn của các vấn đề, sự việc xung quanh sẽ giúp bạn dần vượt qua được nỗi sợ hãi phi lý của chính mình. Một số biện pháp thường được khuyến khích cho bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị tại nhà như

  • Tránh để tinh thần rơi vào trạng thái tiêu cực, mệt mỏi trong suốt quá trình điều trị
  • Tránh tiếp xúc với các thông tin, nội dung có tính chất tiêu cực về bóng bay để không hình thành thêm cảm xúc lo âu, sợ hãi trong Globophobia . Thay vào đó có thể tìm hiểu các  nội dung như những điều thú vị về bóng bay để hiểu rõ tính chất đặc điểm hay làm thế nào để tránh các tình huống nguy hiểm có liên quan đến chúng
  • Tiếp cận với bóng bay thông qua các hình ảnh yêu thích, chẳng hạn như hình những bông hoa, hình con heo sẽ giúp  bạn dần cảm thấy dễ thích nghi hơn
  • Thiền, liệu pháp hít thở, yoga có thể giúp người mắc chứng sợ bóng bay xoa dịu được nỗi lo lắng, căng thẳng, ổn định tâm lý nếu vô tình nhìn thấy bong bay
  • Nhờ sự trợ giúp của người thân trong việc chia sẻ cảm xúc hay muốn đi qua những nơi có bóng bay. Khi đi cùng một ai đó, bạn sẽ có cảm giác an toàn hơn, có thể sẵn sàng với việc đối mặt với nỗi sợ hãi hơn là thực hành 1 mình
  • Tránh xa việc sử dụng đồ uống có cồn hay chất kích thích vì sẽ làm hệ thần kinh suy yếu hơn, dễ kích động và gia tăng nỗi sợ hãi nhiều hơn
  • Duy trì lối sống lành mạnh, chẳng hạn ngủ đủ 8 tiếng, tập thể dục hằng ngày, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để phục hồi cả về thể chất lẫn tinh thần
  • Tham gia các hoạt động, sự kiện xã hội, ngay cả khi có bóng bay khi chứng sợ bóng bay đang dần thuyên giảm. Nếu bạn không có những trải nghiệm thực tế cũng không thể nào biết được bản thân đã thực sự vượt qua nỗi ám ảnh của chính mình hay chưa

Chứng sợ bóng bay tưởng chừng đơn giản, chỉ cần tránh né những nơi có bóng bay thì sẽ không sao mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh khác. Người bệnh cần chủ động trong thăm khám và điều trị, kiên trì thực hành các liệu pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia để nhanh chóng vượt qua Globophobia để tự tin tham gia vào rất nhiều các hoạt động, sự kiện có bóng bay trong đời sống.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *