Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia): Biểu hiện và cách cải thiện
Chú hề là nhân vật hóa trang được xây dựng với mục đích mang lại niềm vui, tiếng cười. Tuy nhiên, không ít người sợ hãi và ám ảnh quá mức về các chú hề. Tình trạng này được gọi là hội chứng sợ chú hề hay còn được biết đến với thuật ngữ “Coulrophobia”.
Hội chứng sợ chú hề là gì?
Chú hề là nhân vật được sáng tạo ra nhằm mua vui và mang lại tiếng cười cho mọi người. Nhân vật này được cho là xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại. Người đóng vai chú hề sẽ trang điểm cho khuôn mặt trông hài hước và luôn nở nụ cười để mua vui cho giới quý tộc. Phải đến thế kỷ 16, chú hề mới được đề cập trong từ vựng tiếng Anh và đến thế kỷ 19, nhân vật này trở nên phổ biến trong các rạp xiếc, phim ảnh, lễ hội,…
Mặc dù là nhân vật mang lại tiếng cười nhưng một số người sợ hãi tột độ và hoảng loạn khi nhìn thấy chú hề. Nhiều người cho rằng, khuôn mặt của chú hề trông có vẻ kì dị và ám ảnh thay vì hài hước như cách nhìn chung của phần đông mọi người.
Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia) đề cập đến tình trạng sợ hãi quá mức, mãnh liệt và dai dẳng về chú hề. Nỗi sợ sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng và gây ra những cản trở trong cuộc sống.
Thuật ngữ Coulrophobia bắt đầu được đề cập vào những năm 1990 và có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Mặc dù không được công nhận trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) hay Bảng phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan của WHO (ICD-10) nhưng thuật ngữ Coulrophobia vẫn được sử dụng phổ biến.
Thực tế, rất nhiều người có cảm giác sợ hãi và hoảng loạn khi nhìn thấy chú hề. Lý do là vì họ cảm thấy không an toàn khi khuôn mặt thật được che giấu dưới lớp phấn hóa trang. Ngoài ra, cách hóa trang màu mè, phô trương và cường điệu quá mức cũng vô tình gây ra cái nhìn không thiện cảm cho một số người.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ chú hề
Hội chứng sợ chú hề đặc trưng bởi nỗi sợ mạnh mẽ, ám ảnh và bất an khi nhìn thấy chú hề. Thậm chí, một số người trở nên sợ hãi khi có ý nghĩ về khuôn mặt của chú hề. Chứng Coulrophobia có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em.
Các dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ chú hề:
- Có cảm giác sợ hãi thường trực, lo lắng và bất an về việc sẽ gặp phải chú hề
- Né tránh đến những nơi có sự xuất hiện của chú hề như rạp xiếc, hội chợ, lễ hội, Halloween, tiệc sinh nhật,…
- Thậm chí, một số người không dám nhìn những hình ảnh và xem các video clip về chú hề
- Nếu chẳng may gặp phải chú hề, người bệnh sẽ trở nên hoảng loạn và sợ hãi cực độ. Phản ứng sợ hãi quá mức kích hoạt các triệu chứng thể chất như tăng nhịp tim, nhịp thở, khó thở, da nhợt nhạt, đổ nhiều mồ hôi, buồn nôn, run rẩy,…
- Khi nhìn thấy chú hề, trẻ nhỏ thường có phản ứng khóc lóc, gào thét và cố gắng nấp sau người bố mẹ
So với các hội chứng ám ảnh sợ khác, Coulrophobia ít ảnh hưởng hơn đến cuộc sống vì chú hề chỉ xuất hiện ở một số hoàn cảnh và tình huống nhất định. Trong khi đó, các hội chứng như hội chứng sợ bóng tối, sợ gà, sợ lái xe,… sẽ gây ra nhiều phiền toái hơn.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ chú hề
Một số khảo sát ở quy mô nhỏ cho thấy, khoảng 7.8% dân số Hoa Kỳ có nỗi sợ và ám ảnh về chú hề. Con số này là không hề nhỏ nên dù chưa được công nhận nhưng thuật ngữ “Coulrophobia” vẫn được sử dụng rất phổ biến.
Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, chứng sợ chú hề Coulrophobia được cho là có liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Dưới đây là một số yếu tố có thể gây ra nỗi sợ mãnh liệt về chú hề:
- Do tính cách đa nghi: Một số người có phản ứng nghi ngờ khi gặp chú hề. Bởi họ không biết đằng sau lớp hóa trang và trang phục trông có vẻ màu mè, sặc sỡ kia là ai. Tâm lý nghi ngờ khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi và bất an khi nhìn thấy chú hề.
- Cách hóa trang cường điệu quá mức: Khuôn mặt của chú hề thường được hóa trang trắng toát với cái mũi to tròn, khuôn miệng rộng và cặp mắt to. Cách hóa trang này mang đến sự hài hước và tiếng cười cho mọi người. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, khuôn mặt này có phần kỳ dị và cường điệu thái quá. Họ cảm thấy vừa thân quen vừa lạ lùng và có cảm nhận một mối nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau khuôn mặt tươi cười đó. Tâm lý này thôi thúc não bộ tạo ra phản ứng sợ hãi để cơ thể cảm nhận được mối nguy hiểm.
- Ảnh hưởng của phim kinh dị: Nỗi sợ hãi quá mức về chú hề có thể do phim kinh dị. Nhiều bộ phim lấy cảm hứng từ chú hề bởi đây là nhân vật không bao giờ lộ diện khuôn mặt. Nội dung và hình ảnh kinh dị có thể tiêm nhiễm nỗi sợ về chú hề vào trong tâm trí.
- Trải nghiệm tiêu cực: Giống như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ chú hề có liên quan đến trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, chẳng hạn như từng bị chú hề hù dọa hoặc từng bị bắt cóc bởi một người hóa trang thành chú hề,… Hạch hạnh nhân trong não bộ sẽ ghi nhớ cảm giác sợ hãi khi trải qua những sự kiện này. Từ đó vô thức tạo nên cảm giác hoảng loạn, sợ hãi và bất an khi nhìn thấy chú hề.
- Ảnh hưởng của gia đình: Khi sống chung với người bị hội chứng sợ chú hề, trẻ có thể học theo phản ứng của người thân. Theo thời gian, phản ứng này trở nên sâu sắc trong tâm trí dẫn đến cảm xúc sợ hãi, hoảng loạn và gào khóc khi nhìn thấy chú hề. Nỗi sợ mạnh mẽ cũng thôi thúc các hành vi né tránh như từ chối đến rạp xiếc, công việc hoặc từ chối tham gia các lễ hội.
- Các bi kịch liên quan đến chú hề: Trước đây, chú hề rất được yêu thích bởi biểu cảm ngô nghê và khuôn mặt thường trực nụ cười. Tuy nhiên, những bi kịch liên quan đến chú hề như những người đóng vai chú hề có biểu cảm cười ghê rợn vô thức khi ngủ, nhiều người hóa trang thành chú hề để dễ dàng làm hại/ bắt cóc người khác,… khiến cho phần đông mọi người sợ hãi về nhân vật vô hại này. Đến nay, chú hề vẫn là biểu tượng của sự hài hước, vui vẻ nhưng tồn tại song song là không ít người bị ám ảnh và sợ hãi quá mức về nhân vật này.
Chứng Coulrophobia có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài ra, nữ giới sẽ có nguy cơ phát triển hội chứng này cao hơn so với nam giới do tính cách nhạy cảm, yếu đuối.
Hội chứng sợ chú hề có nguy hiểm không?
So với các hội chứng ám ảnh sợ khác, hội chứng sợ chú hề ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bởi chú hề chỉ xuất hiện trong một số hoàn cảnh như rạp xiếc, các lễ hội, tiệc Halloween,… Do đó, người mắc chứng bệnh này có thể né tránh để không cảm thấy sợ hãi và hoảng loạn.
Tuy nhiên, chú hề có thể xuất hiện một cách đột ngột trong các trung tâm thương mại, công viên,… khiến cho bệnh nhân trở nên hoảng loạn, sợ hãi tột độ và mất kiểm soát. Khi đứng trước nỗi sợ, người bệnh không thể kiểm soát cảm xúc hay hành vi của mình. Điều này gây ra tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin. Với trẻ nhỏ, trẻ có thể bị cô lập và tẩy chay do nỗi sợ vô lý khi gặp chú hề.
Nhìn chung, những ảnh hưởng của hội chứng sợ chú hề không sâu sắc như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Tuy nhiên, chứng Coulrophobia có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn hoảng sợ và gây ra trạng thái căng thẳng, lo âu kéo dài. Trong trường hợp nỗi sợ chú hề ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nên xem xét điều trị để ngăn chặn những hậu quả lâu dài.
Chẩn đoán hội chứng sợ chú hề bằng cách nào?
Như đã đề cập, chứng Coulrophobia chưa được công nhận trong ICD-10 và DSM-5. Do đó, sẽ không có tiêu chuẩn chẩn đoán chính xác cho hội chứng này. Dù vậy, bác sĩ có thể dựa vào kinh nghiệm để chẩn đoán và tư vấn các giải pháp khắc phục phù hợp.
Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia) thường được chẩn đoán nếu bệnh nhân luôn có cảm giác lo sợ, bất an và thậm chí là hoảng loạn khi suy nghĩ đến hoặc nhìn thấy khuôn mặt của chú hề. Ngoài ra, bệnh nhân phải có các hành vi né tránh đến công viên, rạp xiếc hoặc bất cứ đâu có sự xuất hiện của chú hề.
Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia) được chẩn đoán khi triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng và phải gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp cải thiện hội chứng sợ chú hề
Hội chứng sợ chú hề không nhất thiết phải điều trị. Như đã đề cập, chú hề chỉ xuất hiện ở một số hoàn cảnh nhất định nên có thể né tránh hoàn toàn. Tuy nhiên, điều trị sẽ được xem xét nếu hội chứng này ảnh hưởng đến việc trải nghiệm cuộc sống chẳng hạn như né tránh đến rạp phim, siêu thị, công viên, rạp xiếc và gây ra nhiều cơn hoảng loạn ở những nơi công cộng.
Tương tự như các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác, hội chứng sợ chú hề sẽ được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị các vấn đề tâm lý nói chung và hội chứng sợ chú hề nói riêng. Phương pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện với mục đích làm loại bỏ nỗi sợ vô lý với chú hề, giảm sự lo lắng, bất an và các hành vi né tránh.
Người mắc hội chứng sợ chú hề sẽ được xem xét 2 liệu pháp sau đây:
- Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc còn được biết đến với tên gọi liệu pháp phơi nhiễm và liệu pháp giải mẫn cảm hệ thống. Phương pháp này giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ với chú hề và các đối tượng/ tình huống cụ thể khác. Chuyên gia sẽ cho người bệnh tiếp xúc với chú hề thông qua hình ảnh, sau đó tăng lên bằng cách tiếp xúc thông qua video và cuối cùng là tiếp xúc trực tiếp. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân học cách đối phó và kiểm soát nỗi sợ. Điều này sẽ giúp não bộ thích nghi và ngừng phản ứng sợ hãi khi tiếp xúc với chú hề.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được thực hiện song song với liệu pháp phơi nhiễm để mang lại kết quả tốt nhất. Phương pháp này giúp thay đổi tư duy (suy nghĩ) có phần tiêu cực và méo mó, từ đó giúp người bệnh điều chỉnh cảm xúc và hành vi theo chiều hướng tích cực. CBT hiện là liệu pháp tâm lý được áp dụng phổ biến nhất nhờ tính ứng dụng cao và hiệu quả tối ưu.
2. Sử dụng thuốc
Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, thuốc hiếm khi được sử dụng trong điều trị hội chứng sợ chú hề. Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện lo lắng quá mức và căng thẳng, trầm cảm, một số loại thuốc có thể được sử dụng.
Các loại thuốc được cân nhắc sử dụng trong điều trị hội chứng sợ chú hề:
- Thuốc chẹn beta: Đa phần những người bị hội chứng sợ chú hề trở nên hoảng loạn, kích động khi tiếp xúc với chú hề. Phản ứng này dẫn đến một loạt các triệu chứng thể chất như tăng nhịp tim, cao huyết áp, đau đầu, chóng mặt,… Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng thể chất và giúp bệnh nhân bình tĩnh hơn.
- Thuốc an thần: Thuốc an thần được cân nhắc sử dụng trong trường hợp bệnh nhân căng thẳng, lo lắng và mất ngủ. Đặc điểm của nhóm thuốc này là mang lại hiệu quả cao và tác dụng nhanh nhưng có nguy cơ gây nghiện. Vì lý do này, thuốc an thần chỉ được dùng ngắn hạn trong trường hợp cần thiết.
3. Liệu pháp thư giãn
Hội chứng sợ chú hề gây ra sự bất an và lo lắng dai dẳng. Người mắc hội chứng luôn có cảm giác không an toàn khi ra ngoài vì sợ chú hề sẽ xuất hiện một cách đột ngột và bản thân họ sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn ở nơi công cộng.
Các liệu pháp thư giãn sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát sự căng thẳng và lo âu do hội chứng sợ chú hề gây ra. Bên cạnh đó, các liệu pháp này cũng giúp ích rất nhiều trong việc đối phó với nỗi sợ và những cảm xúc tiêu cực.
Các liệu pháp thư giãn dành cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ chú hề:
- Ngồi thiền: Ngồi thiền đã được chứng minh về lợi ích đối với sức khỏe tinh thần. Người có các vấn đề tâm lý nên ngồi thiền mỗi ngày để giải tỏa cảm xúc tiêu cực và cân bằng lại năng lượng trong cơ thể. Ngồi thiền mỗi ngày còn giúp giảm các triệu chứng thể chất do hội chứng sợ chú hề gây ra như hồi hộp, tim đập nhanh, đau đầu,…
- Tập yoga: Các chuyên gia tâm lý khuyến khích người mắc chứng Coulrophobia nên tập yoga thường xuyên. Bộ môn này giúp thư giãn cơ, giải tỏa căng thẳng, điều hòa huyết áp và nhịp thở. Tập yoga đều đặn sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm những triệu chứng thể chất có liên quan đến các vấn đề tâm lý.
- Các biện pháp khác: Người mắc hội chứng sợ chú hề cũng có thể áp dụng một số biện pháp thư giãn khác như sử dụng trà thảo mộc, viết nhật ký, massage, liệu pháp mùi hương, chơi với thú cưng, nghe nhạc tần số cao,…
Ngoài các biện pháp trên, nên xem xét tham gia các hội nhóm những người sợ chú hề để được hỗ trợ. Kinh nghiệm thực tế của các bệnh nhân khác sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị và quản lý bệnh.
Mặc dù được đề cập nhiều nhưng hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia) vẫn chưa được nghiên cứu sâu. Dù vậy, các giải pháp hiện tại phần nào có thể kiểm soát nỗi sợ và sự ám ảnh quá mức về chú hề. Nếu nghi ngờ bản thân mắc chứng bệnh này, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.
Tham khảo thêm:
- 8 Cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân
- Hội chứng sợ gián (Blatophobia): Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng sợ thất bại (Atyphobic): Nguyên nhân và cách vượt qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!