Chứng sợ ngủ (Somniphobia): Nguyên nhân và cách cải thiện

Người mắc chứng sợ ngủ sẽ luôn cảm thấy sợ hãi và lo lắng quá mức khi nghĩ đến việc đi ngủ. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, nhiều khả năng làm suy giảm chất lượng đời sống nếu không được điều trị kịp thời. 

Chứng sợ ngủ
Người mắc chứng sợ ngủ sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi nghĩ về giấc ngủ.

Thế nào là chứng sợ ngủ (Somniphobia)?

Chứng sợ ngủ hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi là Somniphobia, là tình trạng gây nên sự lo lắng, bất an, hoảng sợ một cách quá mức khi nghĩ đến việc ngủ. Nỗi ám ảnh kéo dài dai dẳng này có thể được gọi với nhiều tên khác nhau như chứng sợ hãi khi ngủ, chứng ám ảnh thôi miên, chứng lo âu khi ngủ, chứng sợ ảnh hưởng đến khí hậu.

Những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, hay mơ gặp ác mộng, bị bóng đề có thể là nguyên nhân gây nên nhiều sự lo lắng, bất an trong lúc ngủ, khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi về giấc ngủ. Nếu trong lúc ngủ, bạn liên tục mơ gặp những điều tồi tệ hoặc gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ cũng có thể góp phần tạo nên những nỗi ám ảnh về giấc ngủ.

Chứng sợ ngủ sẽ khiến cho nhiều người cố gắng và tránh né việc chìm vào giấc ngủ say. Bởi tâm lý luôn lo sợ những điều không hay sẽ xảy ra trong giấc ngủ nên họ có xu hướng ép buộc bản thân phải thức hoặc sẽ vô cùng lo lắng khi đến giờ đi ngủ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng to lớn đối với sức khỏe và các sinh hoạt đời sống hàng ngày.

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người. Nếu không thể duy trì một giấc ngủ chất lượng và ổn định sẽ khiến cho cơ thể dần bị suy kiệt về thể chất lẫn tinh thần. Điều này khiến cho nhiều người khó khăn trong việc hoàn thành các công việc hàng ngày, chất lượng cuộc sống càng tụt giảm hoặc thậm chí nguy cơ phát triển các bệnh lý tâm thần nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây ra chứng sợ ngủ

Cho đến hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa có bất kì thông tin cụ thể nào về nguyên nhân gây ra chứng sợ ngủ. Thế nhưng, một số tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể được xem là yếu tố nguy cơ và thúc đẩy sự phát triển của chứng sợ này. Cụ thể như sau:

  • Rối loạn cơn ác mộng: Tình trạng này sẽ gây ra những cơn ác mộng cực kì sống động khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi và đau khổ suốt cả ngày, thậm chí là vài ngày sau đó. Bệnh nhân có thể liên tưởng và nhớ lại những nội dung, hình ảnh xuất hiện trong cơn ác mộng và cảm thấy vô cùng bất an, sợ sệt về những điều đó, nhiều trường hợp còn trở nên hoang mang và sợ rằng giấc mơ sẽ biến thành hiện thực.
  • Bóng đè: Tình trạng này thường sẽ xuất hiện sau khi người bệnh thức dậy sau một giấc ngủ REM với những cơ bị tê liệt, khiến cho họ gặp khó khăn trong việc cử động, di chuyển cơ thể. Người bệnh cũng có thể xuất hiện một số ảo giác như những cơn ác mộng hoặc có thể bị tê liệt trong giấc ngủ, tạo cảm giác vô cùng đáng sợ, đặc biệt là nếu có xuất hiện các cơn tái phát dữ dội.

Khi mắc phải một hoặc đồng thời cả hai chứng rối loạn giấc ngủ này và không được điều trị tốt thì người bệnh có thể dần hình thành nỗi sợ đi ngủ, họ không muốn ngủ vì lo sợ sẽ đối mặt với những triệu chứng đau buồn, tồi tệ. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho biết rằng, các rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) hoặc những ai đã từng trải qua chấn thương sẽ có nhiều nguy cơ mắc chứng sợ ngủ so với bình thường.

Chứng sợ ngủ
Chứng sợ ngủ có thể xuất phát từ các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, bóng đè,…

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, chứng sợ ngủ còn có thể liên quan đến các yếu tố gia đình. Nếu tiền sử có người thân từng mắc phải chứng ám ảnh sợ hãi, lo lắng khi ngủ thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ mắc phải.

Chứng sợ ngủ cũng có thể xuất phát từ nỗi sợ cái chết. Lo lắng về việc sẽ ra đi bất cứ lúc nào khiến cho nhiều người cảm thấy ám ảnh về giác ngủ và không muốn ngủ. Đặc biệt là những người đang mắc phải một chứng bệnh nghiêm trọng nào đó và họ nghĩ rằng bản thân có nguy cơ tử vọng khi ngủ và nỗi sợ này sẽ dần phát triển thành chứng sợ ngủ.

Một số trường hợp khác, hội chứng này không xuất phát từ bất kì nguyên nhân cụ thể nào. Nó thường phát triển trong thời thơ ấu nên nhiều người sẽ không thể nhớ rõ được lý do vì sao mình lại có sự ám ảnh quá lớn đối với giấc ngủ và không biết nỗi sợ này hình thành từ khi nào.

Triệu chứng nhận biết chứng sợ ngủ

Giấc ngủ luôn là yếu tố cần thiết và rất quan trọng đối với mỗi con người. Để có được một đời sống tốt, một sức khỏe tốt thì đòi hỏi bạn phải có một chất lượng giấc ngủ tốt. Bạn không thể làm việc một cách năng suất nếu liên tục bị thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc.

Cơ thể cần phải được nghỉ ngơi để phục hồi nguồn năng lượng cho ngày mới. Nhưng đối với những người mắc chứng sợ ngủ thì dường như họ luôn bị ám ảnh với giấc ngủ, cảm thấy sợ hãi, buồn chán, bất an khi nghĩ về nó. Đôi khi, nỗi sợ không xuất phát từ ngay chính giấc ngủ mà nó có nguồn gốc từ những điều có thể xảy ra trong lúc ngủ.

Chứng sợ ngủ
Sự lo lắng, bất an, sợ hãi của người Somniphobia sẽ tăng cao khi gần đến giờ ngủ.

Người mắc chứng sợ ngủ có khả năng đối mặt với hàng loạt các triệu chứng tâm thần và thể chất khác nhau. Một vài triệu chứng có thể gặp như:

  • Khi nghĩ đến việc ngủ hoặc gần đến giờ đi ngủ thì họ sẽ cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi và trải qua rất nhiều các cung bậc cảm xúc đau khổ, tồi tệ.
  • Có xu hướng tránh né hoặc cố ép buộc bản thân không được ngủ.
  • Cảm thấy thoải mái khi thức và càng thức lâu càng tốt.
  • Thường xuyên xuất hiện các cơn hoảng loạn gần với giờ đi ngủ.
  • Khó khăn trong việc tập trung vào những công việc bên ngoài, họ chỉ nhớ và quan tâm đến sự lo lắng, sợ hãi của bản thân đối với giấc ngủ.
  • Trí nhớ kém, không thể nhớ về mọi thứ đã xảy ra.
  • Tâm trạng thay đổi bất thường, hay cáu gắt, nóng giận vô cớ.

Ngoài ra, người mắc chứng sợ ngủ còn có thể đối mặt với một vài triệu chứng thực thể như:

  • Cảm thấy đau tức ngực, nhịp tim tăng cao khi nghĩ về giấc ngủ.
  • Buồn nôn, gặp phải các vấn đề về dạ dày do sự lo lắng kéo dài dai dẳng ở mức độ dữ dội.
  • Ra nhiều mồ hôi, giảm thông khí, cảm thấy ớn lạnh, khó thở, thở gấp khi đến gần giờ ngủ.
  • Đối với trẻ em mắc chứng sợ ngủ sẽ la hét, khóc lóc, bám víu hoặc có những hành vi mất kiểm soát, phản kháng dữ dội khi bị ép đi ngủ.

Bạn vẫn có thể chìm vào giấc ngủ tuy nhiên thời gian ngủ không được kéo dài, bạn dễ giật mình tỉnh giấc trong đêm và khó khăn để ngủ lại hoặc thậm chí là trở nên hoảng loạn. Tùy vào từng đối tượng, tính cách và kỹ năng đối phó, chịu đựng của mỗi người mà các triệu chứng cũng sẽ có phần khác nhau.

Khi đối mặt với nỗi sợ giấc ngủ, nhiều người có thể ứng phó bằng cách bật tivi, mở đèn, nghe nhạc để giảm bớt sự tập trung vào sự sợ hãi. Một số người khác có thể lạm dụng chất hoặc thuốc an thần, các loại chất kích thích, chất gây nghiện nguy hiểm.

Chẩn đoán chứng sợ ngủ

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự bất thường của bản thân bởi nỗi sợ luôn hiện hữu khi bạn nghĩ về giấc ngủ. Và nếu sự sợ hãi này biểu hiện ở mức độ quá mức, nó khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn nên tiến hành thăm khám và chẩn đoán chính xác hơn tại các cơ sở chuyên khoa.

Nếu nghi ngờ một người mắc chứng sợ ngủ, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe tổng quát để loại trừ các yếu tố thực thể có liên quan. Sau đó sẽ áp dụng một số xét nghiệm hoặc phương pháp chuyên môn, người bệnh cũng có thể được làm bài test để đánh giá tốt hơn.

Một người được chẩn đoán mắc chứng sợ ngủ cần phải đáp ứng tốt các tiêu chí sau:

  • Nỗi sợ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Sức khỏe thể chất và tinh thần bị tác động nghiêm trọng.
  • Nỗi sợ hãi, lo lắng kéo dài dai dẳng và liên tục có liên quan đến giấc ngủ.
  • Làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập và cả đời sống cá nhân.
  • Tình trạng này kéo dài hơn 6 tháng.
  • Nỗi sợ khiến cho đối tượng phải liên tục trì hoãn và cố gắng tránh né việc ngủ.

Tham khảo thêm: Các loại thuốc ngủ liều cao và tác hại cần thận trọng khi dùng

Phương pháp cải thiện chứng sợ ngủ

Trong thực tế, không phải tất cả các trường hợp mắc phải chứng sợ ngủ đều cần phải được điều trị, một số trường hợp có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu nhận thấy sự nghiêm trọng của nỗi sợ, nó gây ảnh hưởng dữ dội về mặt sức khỏe tinh thần, thể chất và làm suy giảm đời sống thì bạn cần chủ động thăm khám để được hỗ trợ kịp thời.

Chứng sợ ngủ nếu không được điều trị sớm sẽ dễ gây nên nhiều hệ lụy nặng nề và phát triển nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Đây cũng chính là một trong các lý do mà chuyên gia luôn khuyến khích người bệnh nên tiến hành thăm khám và can thiệp ở giai đoạn sớm.

Tùy thuộc vào tình trạng, nguyên nhân, mức độ sợ hãi của người bệnh về giấc ngủ mà các bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra phương pháp khắc phục phù hợp nhất. Chẳng hạn như các trường hợp bị chứng sợ ngủ do ảnh hưởng của các triệu chứng rối loạn giấc ngủ thì cần phải loại bỏ triệt để nguyên nhân để làm giảm bớt sự sợ hãi, lo lắng.

Chứng sợ ngủ
Nếu nỗi sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống thì bạn cần tiến hành thăm khám và trị liệu ngay lập tức.

Sau đây là một vài liệu pháp thường được áp dụng đối với người mắc chứng sợ ngủ như:

1. Liệu pháp phơi nhiễm

Đối với liệu pháp này, chuyên gia tâm trị liệu sẽ làm việc trực tiếp cùng với người bệnh để có thể hỗ trợ họ dần phơi bày về nỗi sợ hãi của chính mình trong khi tìm ra phương pháp để làm giảm thiếu nỗi sợ hãi, lo lắng đó. Đối với các trường hợp mắc chứng sợ ngủ thì liệu pháp phơi nhiễm sẽ được thực hiện bao gồm việc thảo luận về nỗi sợ, áp dụng các kỹ thuật thư giãn và hỗ trợ người bệnh tưởng tượng về cảm giác thoải mái, hạnh phúc khi có được một giấc ngủ ngon và trọn vẹn.

Tiếp đến, liệu pháp phơi nhiễm có thể liên quan đến việc cho người bệnh xem hình ảnh của những người đang ngủ, những người đang có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thật thoải mái và bình yên. Sau khi bệnh nhân đã dần quen với điều này thì chuyên gia sẽ dần khuyến khích họ ngủ một giấc ngắn. Quá trình này nhằm xác định xem bệnh nhân có thể thức dậy trong trạng thái an toàn không.

Ngoài ra, liệu pháp này còn có một lựa chọn khác đó là ngủ trong phòng thí nghiệm. Giấc ngủ của người bệnh sẽ được theo dõi bởi các chuyên gia y tế và họ sẽ luôn thức trong thời gian bệnh nhân ngủ dù giấc ngủ đó có kéo dài bao lâu.

2. Liệu pháp nhận thức và hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức và hành vi thường được ưu tiên áp dụng đối với các trường hợp mắc chứng sợ ngủ và cũng được đánh giá là mang lại hiệu quả tốt cho nhiều người bệnh. Cách tiếp nhận này sẽ giúp cho bệnh nhân xác định được nguồn gốc nỗi sợ của bản thân và giải quyết tốt các nỗi sợ hãi, lo lắng của mình về giấc ngủ.

Nhờ đó mà người bệnh sẽ học được cách thách thức những suy nghĩ của bản thân khi trải nghiệm chúng và biết cách để điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực, làm giảm sự đau khổ. Các bác sĩ cũng có thể đề xuất người bệnh hạn chế thời gian ngủ vào ban ngày và tập trung giấc ngủ vào ban đêm.

Tốt nhất, người bệnh nên rèn luyện thói quen ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày để có thể duy trì tốt nhịp sinh học của bản thân. Ngoài ra, thói quen này cũng góp phần phát triển mô hình giấc ngủ ổn định hơn, giúp giảm bớt những nỗi lo lắng về giấc ngủ.

3. Điều trị bằng thuốc

Hiện nay vẫn chưa có bất kì loại thuốc nào được công nhận về hiệu quả điều trị dứt điểm chứng sợ ngủ. Tuy nhiên, một vài trường hợp cần thiết có thể được cân nhắc sử dụng thuốc kê đơn để làm giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi về giấc ngủ. Đồng thời, việc dùng thuốc cũng góp phần mang lại hiệu quả khi được áp dụng kết hợp với các liệu pháp nêu trên.

Bác sĩ tâm thần sẽ đánh giá về tình trạng sức khỏe và mức độ nguy hiểm của bệnh để cân nhắc áp dụng các loại thuốc phù hợp. Thông thường thì thuốc chẹn beta hoặc benzodiazepine sẽ được dùng nhiều cho trường hợp này.

  • Benzodiazepines là một loại thuốc an thần có tác dụng tốt trong việc kiểm soát và làm giảm các triệu chứng lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn để tránh nguy cơ gây nghiện cho người bệnh.
  • Thuốc chẹn beta có công dụng làm giảm triệu chứng bất an, bồn chồn, lo lắng về thể chất. Chẳng hạn như thuốc sẽ giúp cho bệnh nhân giữ được sự ổn định của huyết áp và nhịp tim.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc ngủ cũng có thể được đề nghị sử dụng ngắn hạn nhằm giúp bệnh nhân có được một giấc ngủ ngon và trọn vẹn, hạn chế các ảnh hưởng về sức khỏe.

Chứng sợ ngủ có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về nỗi sợ của mình và có biện pháp khắc phục phù hợp nhất.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *