Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia): Giải pháp vượt qua

Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) là tình trạng rất hiếm gặp. Hội chứng này đặc trưng bởi nỗi sợ mãnh liệt về việc bị người khác chạm vào cơ thể. Nỗi sợ chi phối khiến người bệnh né tránh gặp gỡ với người khác và dần dần hình thành tâm lý tự cô lập, cách ly xã hội.

hội chứng sợ đụng chạm
Hội chứng sợ đụng chạm là một trong những dạng rối loạn ám ảnh sợ hãi hiếm gặp

Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) là gì?

Một số người có thể sợ hãi quá mức và ám ảnh về việc bị người khác chạm vào cơ thể. Tình trạng này được gọi là hội chứng sợ đụng chạm – Haphephobia. Người mắc chứng Haphephobia có nỗi sợ mãnh liệt, dai dẳng và cảm thấy lo lắng tột độ khi ai đó chạm vào người mình – trừ những người thân thiết trong gia đình và một số bạn bè. Bệnh nhân ý thức được sự vô lý về nỗi sợ của bản thân nhưng không thể nào kiểm soát được.

Hội chứng sợ đụng chạm được xếp vào nhóm rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (hội chứng ám ảnh sợ). Đặc điểm chung của nhóm bệnh này là cảm sợ hãi, lo lắng và ám ảnh quá mức về những đối tượng/ tình huống không thực sự nguy hiểm.

Thông thường, chúng ta sẽ không thoải mái khi ai đó chạm vào người (nhất là người lạ). Tuy nhiên, trong một số tình huống, việc tiếp xúc cơ thể là hoàn toàn bình thường. Trong khi đó, người bị hội chứng sợ đụng chạm luôn cảm thấy sợ hãi về việc ai đó chạm vào người. Khi tình huống này xảy ra, người bệnh trở nên hoảng loạn, sợ hãi, buồn nôn và thậm chí là nôn mửa.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Tiếp xúc cơ thể là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Khi làm việc, sinh hoạt và kiểm tra sức khỏe, chắc chắn không thể tránh khỏi việc người khác chạm vào cơ thể. Do đó, hội chứng sợ đụng chạm cần phải được điều trị để hạn chế những ảnh hưởng đối với cuộc sống. Hội chứng sợ đụng chạm khác với phản ứng quá mẫn với việc tiếp xúc cơ thể (hay còn là dị ứng với việc bị chạm vào người).

Nhận biết hội chứng sợ đụng chạm

Hội chứng sợ đụng chạm đặc trưng bởi nỗi sợ mãnh liệt, dữ dội và phi lý về việc bị chạm vào người. Giống như các hội chứng ám ảnh sợ khác, nỗi sợ sẽ khiến cho người bệnh né tránh tiếp xúc với người khác. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và có thể gia tăng nhiều vấn đề tâm lý.

hội chứng sợ đụng chạm
Người mắc hội chứng sợ đụng chạm luôn cảm thấy sợ hãi và lo lắng tột độ khi ai đó chạm vào cơ thể

Phát hiện và điều trị sớm là cách duy nhất có thể vượt qua nỗi sợ vô lý của bản thân. Để nhận biết hội chứng Haphephobia, bệnh nhân và những người xung quanh có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:

  • Thường trực cảm giác sợ hãi, bất an và lo lắng về việc có ai đó chạm vào người mình. Thậm chí, ý nghĩ về việc có người chạm vào cơ thể cũng kích hoạt phản ứng sợ hãi và hoảng loạn.
  • Luôn có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan về việc tiếp xúc cơ thể.
  • Né tránh các tình huống có thể bị người khác chạm vào như không đi phương tiện công cộng, không thân thiết với người khác, né tránh đến khám sức khỏe định kỳ, không yêu đương,…
  • Khi có ai đó chạm vào, cơn hoảng loạn có thể xuất hiện. Cơn hoảng loạn là trạng thái sợ hãi, lo âu cấp tính đi kèm với các triệu chứng thể chất như tăng thông khí, buồn nôn, nôn mửa, run rẩy không thể kiểm soát, đỏ bừng, tim đập nhanh, đau thắt ngực và thậm chí là ngất xỉu.
  • Trẻ nhỏ thường có phản ứng tức giận, khóc, gào thét và bám víu lấy bố mẹ khi có ai đó chạm vào.
  • Thực tế, nhiều bệnh nhân ý thức được sự vô lý về nỗi sợ của bản thân nhưng không thể kiểm soát cảm giác sợ hãi mặc dù đã rất nỗ lực.

Chứng Haphephobia sẽ gây ra triệu chứng trong ít nhất 6 tháng và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia)

Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) có thể gặp ở trẻ em và người trưởng thành. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới do phái nữ thường nhạy cảm hơn với tiếp xúc cơ thể.

hội chứng sợ đụng chạm
Người mắc hội chứng sợ đám đông sẽ có nguy cơ phát triển hội chứng sợ đụng chạm

Một số yếu tố đã được xác định có liên quan đến hội chứng sợ đụng chạm:

  • Trải nghiệm tiêu cực: Những trải nghiệm tiêu cực liên quan đến việc bị chạm vào như bị lây bệnh, bị cưỡng bức, bị bạo hành, lạm dụng,… có thể yếu tố làm phát triển hội chứng sợ đụng chạm. Những trải nghiệm này khiến cho hạch hạnh nhân trở nên nhạy cảm với việc tiếp xúc cơ thể. Vì vậy, khi ai đó chạm vào người, hạch hạnh nhân sẽ tạo ra cảm giác sợ hãi mạnh mẽ để cảnh báo mối nguy hiểm tiềm ẩn.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc chứng Haphephobia tăng lên đáng kể nếu gia đình có tiền sử bị rối loạn lo âu nói chung và hội chứng sợ đụng chạm nói riêng. Trẻ có thể di truyền gen mắc bệnh hoặc học theo phản ứng của bố, mẹ dẫn đến phản ứng sợ hãi quá mức khi ai đó chạm vào người.
  • Đặc điểm tính cách: Các chuyên gia nhận thấy, những người có tính cách hay lo âu, ức chế cảm xúc và hành vi có nguy cơ phát triển các hội chứng ám ảnh sợ hãi cao hơn so với bình thường.
  • Có các vấn đề tâm lý, tâm thần: Hội chứng sợ đụng chạm có thể phát triển từ các vấn đề tâm lý, tâm thần sẵn có như chứng sợ đám đông, sợ vi trùng (Mysophobia), sang chấn tâm lý sau khi bị cưỡng bức, lạm dụng hoặc bạo hành. Ngoài ra, người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng sợ hãi việc bị người khác chạm vào do lo sợ sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn.

Hội chứng sợ đụng chạm có nguy hiểm không?

Về cơ bản, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và chứng Haphephobia nói riêng không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, các hành vi né tránh và cảm giác sợ hãi, lo lắng kéo dài sẽ khiến cho bệnh nhân gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống. Do đó, hội chứng sợ đụng chạm bắt buộc phải can thiệp điều trị.

Tiếp xúc cơ thể là điều không thể né tránh hoàn toàn. Vì vậy, người mắc chứng Haphephobia sẽ phải đối mặt với căng thẳng, lo âu và sợ hãi dai dẳng. Thậm chí, một số người trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát ở nơi công cộng.

Sau các cơn hoảng loạn, bệnh nhân thường có cảm giác xấu hổ và đau khổ. Nếu không được điều trị, người mắc chứng Haphephobia có xu hướng cách ly xã hội và nhốt mình trong nhà vì lo sợ sẽ bị ai đó chạm vào.

Người mắc hội chứng sợ đụng chạm ít có các mối quan hệ thân thiết vì lo sợ phải tiếp xúc cơ thể. Do đó, khi đối mặt với hội chứng này, bệnh nhân gần như không có bạn bè để chia sẻ. Ngoài ra, người bệnh cũng không thể phát triển các mối quan hệ tình cảm và sẽ phải sống cô độc.

Ngoài ra, tâm trạng căng thẳng, âu lo và sợ hãi cũng gia tăng các vấn đề tâm lý, thể chất như rối loạn lo âu, trầm cảm, suy nhược cơ thể,… Nhiều người bất lực trước nỗi sợ của bản thân và tìm đến bia rượu, thuốc lá, chất gây nghiện để giải tỏa cảm xúc. Những trường hợp này gần như không còn khả năng học tập, làm việc, đánh mất các mối quan hệ và sống phụ thuộc vào gia đình.

Chẩn đoán hội chứng sợ đụng chạm

Người mắc hội chứng sợ đụng chạm thường không chủ động đến bệnh viện. Lý do là vì bệnh nhân lo sợ bác sĩ, y tá sẽ chạm vào người mình. Đây chính là nguyên nhân khiến cho đa phần người mắc hội chứng này đều không được điều trị sớm mặc dù triệu chứng rất rõ ràng.

Chẩn đoán hội chứng sợ đụng chạm chủ yếu dựa và biểu hiện lâm sàng. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ sợ hãi, lo lắng về việc bị ai đó chạm vào người, xem xét nỗi sợ kéo dài đủ 6 tháng hay chưa và nỗi sợ có đủ lớn để chi phối các hành vi né tránh hay không.

Cuối cùng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của hội chứng sợ đụng chạm đối với chất lượng cuộc sống. Hội chứng này chỉ được chẩn đoán khi làm cản trở cuộc sống và gây ra nhiều phiền toái trong các mối quan hệ, công việc, học tập,…

Các phương pháp điều trị hội chứng sợ đụng chạm

Không phải rối loạn ám ảnh sợ hãi nào cũng cần điều trị. Với những đối tượng ít khi gặp phải như chú hề, động vật hoang dã,… bệnh nhân có thể né tránh hoàn toàn. Tuy nhiên, hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) bắt buộc phải điều trị. Bởi việc tiếp xúc cơ thể giữa người với người là yếu tố không thể tránh khỏi.

Tiếp xúc cơ thể là một trong những hình thức giao tiếp. Vì vậy, hội chứng Haphephobia cần được điều trị sớm để ngăn chặn tình trạng tự cô lập và phát triển các vấn đề tâm lý, tâm thần khác. Các phương pháp điều trị được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ đụng chạm bao gồm:

1. Liệu pháp tâm lý

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính khi điều trị rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và hội chứng sợ đụng chạm nói riêng. Phương pháp này giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, giảm bớt nỗi sợ phi lý về việc tiếp xúc cơ thể và giúp người bệnh có phản ứng bình thường khi ai đó chạm vào.

Đối với các hội chứng ám ảnh sợ khác như sợ nhện, sợ gián, sợ nấu ăn,… mục tiêu được đặt ra sẽ thấp hơn. Trong những trường hợp này, bệnh nhân chỉ cần giảm bớt nỗi sợ là có thể giảm đi đáng kể những khó khăn và cản trở trong cuộc sống. Tuy nhiên với hội chứng sợ đụng chạm, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát nỗi sợ hoàn toàn để có thể bình thường hóa khi tiếp xúc cơ thể với người khác.

Haphephobia là gì
Liệu pháp tiếp xúc, liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp thôi miên,… sẽ được áp dụng để cải thiện hội chứng sợ đụng chạm

Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong điều trị hội chứng sợ đụng chạm:

  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc là giải pháp hiệu quả nhất đối với hội chứng sợ đụng chạm. Khi thực hiện liệu pháp này, bệnh nhân sẽ đối mặt với tình huống ai đó chạm vào người thông qua suy nghĩ, hình ảnh và cuối cùng là để chuyên gia chạm trực tiếp vào cơ thể. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách kiểm soát nỗi sợ để tránh hoảng loạn và mất kiểm soát. Khi đã thích nghi với suy nghĩ bị ai đó chạm vào, chuyên gia sẽ tăng dần mức độ cho đến khi bệnh nhân không cảm thấy sợ hãi khi có người chạm vào cơ thể.
  • Giảm nhạy cảm và tái xử lý chuyển động của mắt (EMDR): EMDR thường được áp dụng cho những bệnh nhân từng trải qua sang chấn có liên quan đến tiếp xúc cơ thể như bị lạm dụng, bạo hành và cưỡng bức. Liệu pháp này giúp xoa dịu cảm giác đau khổ có liên quan đến trải nghiệm tiêu cực. Từ đó có thể giúp người bệnh giảm bớt sự sợ hãi về việc bị ai đó chạm vào và đáp ứng tốt hơn với các liệu pháp tâm lý khác.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): CBT là liệu pháp tâm lý được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này hướng đến việc thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và không phù hợp bằng nhận thức đúng đắn hơn. CBT giúp người bệnh ý thức được việc tiếp xúc cơ thể là cần thiết và không phải lúc nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Thông qua việc thay đổi nhận thức, người bệnh sẽ giảm cảm giác sợ hãi, lo lắng và ngừng các hành vi né tránh.
  • Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên ít khi được sử dụng trong điều trị rối loạn ám ảnh sợ hãi. Tuy nhiên, với những trường hợp mắc hội chứng sợ đụng chạm, chuyên gia có thể chỉ định thôi miên để giúp người bệnh cởi mở và tiếp nhận tốt hơn với những nhận thức đúng đắn về việc tiếp xúc cơ thể. Liệu pháp này thường được thực hiện để hỗ trợ các liệu pháp tâm lý khác.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc không thể chế ngự sự sợ hãi và lo lắng tột độ khi có ai đó chạm vào người. Tuy nhiên, sử dụng thuốc có thể giảm bớt sự căng thẳng và lo âu do hội chứng sợ đụng chạm gây ra. Nếu người bệnh thường xuyên hoảng loạn và sợ hãi, một số loại thuốc có thể được dùng để giảm các triệu chứng thể chất đi kèm.

Các loại thuốc được dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ đụng chạm:

  • Thuốc an thần
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chẹn beta

3. Các biện pháp tự cải thiện

Người mắc hội chứng sợ đụng chạm không thể kiểm soát nỗi sợ của bản thân. Tuy nhiên, các biện pháp tự cải thiện có thể giải tỏa căng thẳng, lo âu và giúp bản thân vượt qua nỗi sợ một cách dễ dàng hơn.

Haphephobia là gì
Chế độ ăn uống hợp lý giúp nâng đỡ thể trạng và giảm phần nào sự lo lắng, căng thẳng do chứng Haphephobia

Một số biện pháp tự cải thiện dành cho người bị hội chứng Haphephobia:

  • Tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bộ môn có cường độ vừa phải như tập yoga, ngồi thiền, bơi lội, đi bộ,…
  • Trang bị kỹ thuật hít thở sâu để có thể khống chế cảm giác sợ hãi và lo lắng khi ai đó chạm vào.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc, hạn chế tối đa tình trạng thức khuya và thiếu ngủ.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có khả năng cải thiện tâm trạng và giải tỏa căng thẳng.
  • Tránh xa bia rượu, thuốc lá và chất kích thích.
  • Học cách chia sẻ với mọi người để được đồng cảm, thấu hiểu. Khi mọi người hiểu rõ tình trạng sức khỏe của bạn, họ sẽ hạn chế tiếp xúc cơ thể. Từ đó tạo tinh thần thoải mái khi học tập, làm việc và giúp ích rất nhiều trong việc vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

Trong trường hợp đồng mắc với các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng sợ đám đông,… bệnh nhân cần tích cực điều trị các bệnh lý này. Có như vậy, nỗi sợ về việc bị người khác chạm vào mới có thể được cải thiện.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) là tình trạng rất hiếm gặp nhưng làm cản trở các mối quan hệ và gia tăng nguy cơ tự cô lập, cách ly xã hội. Hội chứng này cần được điều trị sớm để bệnh nhân có thể bình thường hóa cuộc sống và ngăn chặn các vấn đề tâm lý, tâm thần. Bản thân người mắc chứng Haphephobia luôn lo lắng bị người khác chạm vào. Do đó, gia đình và bạn bè thân thiết cần khuyến khích bệnh nhân thăm khám và kiên trì trị liệu.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *