Chứng rối loạn lo âu khi mang thai: Nguyên nhân, cách xử lý

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai thường xảy ra ở những người mang thai lần đầu do chưa có kinh nghiệm nên dễ trở nên áp lực và lo lắng hơn. Sự hỗ trợ của chồng hay những người thân trong gia đình là rất cần thiết để bà bầu có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai là gì?

Lo lắng là một trạng thái hiển nhiên ở bất cứ người phụ nữ nào khi mang thai, chẳng hạn lo rằng không biết con có phát triển tốt không, lo về tương lai sau này của con, mỗi khi bản thân bị cảm cúm mẹ cũng thấy lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến con. Tuy nhiên sự lo lắng này chỉ có chừng mực, không phải lúc nào mẹ cũng cảm thấy như thế. Nhưng nếu nỗi lo lắng thường trực, xuất hiện liên tục với tần suất và mức độ tăng dần làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống thì rất có thể đây là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu khi mang thai.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai
Hầu hết bà bầu đều có một giai đoạn lo lắng, nếu không được giải quyết sẽ tiến triển thành chứng rối loạn lo âu

Thống kê cho thấy có khoảng 60% phụ nữ từng bị rối loạn lo âu về một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, trong đó giai đoạn mang thai chiếm một tỷ lệ khá lớn. Bản chất của những người phụ nữ khi mang thai vốn đã lo lắng nên kết hợp thêm các yếu tố hormone, môi trường hay sinh hoạt thường ngày sẽ càng khiến các triệu chứng này nghiêm trọng hơn.

Lo âu trong chứng rối loạn lo âu khi mang thai thường kèm theo các vấn đề như mất ngủ, bồn chồn, tinh thần mệt mỏi dễ kích động hay hoảng sợ quá mức với các tình huống hết sức bình thường. Thống kê cũng chỉ ra có khoảng 17% phụ nữ có thai ở 3 tháng cuối được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu; 5% có kèm theo biểu hiện chán nản và 11% phụ nữ mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau sinh. Các vấn đề này thường được phát hiện khá muộn, kéo dài đến cả thời điểm sau sinh làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người bệnh.

Các dạng rối loạn lo âu thường gặp phải ở bà bầu như

  • Rối loạn lo âu tổng quát (GAD): nỗi lo âu xuất hiện trên đa dạng lý do khiến người bệnh luôn có cảm giác bồn chồn giống như sắp có nguy hiểm ập đến, thường kèm theo cứng cơ, không ngủ được cho dù rất mệt mỏi
  • Rối loạn hoảng sợ (PD): xuất hiện tình trạng hoảng loạn mà không rõ lý do. Cơn hoảng sợ thường diễn ra trong 15s nhưng những ảnh hưởng sau đó như chân tay run rẩy, toát mồ hôi, tim đập nhanh có thể kéo dài sau đó hàng tiếng đồng hồ
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): mẹ bầu trở nên ám ảnh với việc hoàn hảo hay một nghi thức nào đó. Chẳng hạn cứ ra vào phòng con liên tục vì không chắc đã tắt đèn hay chưa hay sốt sắng rửa tay cho con nhiều lần ngay khi tay con dính vào nước sốt vì sợ con bị nhiễm khuẩn.

Dấu hiệu chứng rối loạn lo âu khi mang thai

Theo tiến sĩ Alice Domar  (Giám đốc trung tâm sức khỏe tinh thần và thể chất tại Boston (Mỹ)), việc một bà mẹ trong giai đoạn mang thai trở nên lo âu hơn bình thường là điều hiển nhiên bởi “họ phải chú tâm vào việc đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh”. Và điều này cũng là suy nghĩ của hầu hết mọi người khi thấy mẹ bầu có xu hướng lo lắng hơn bình thường. Vì vậy chứng rối loạn lo âu khi mang thai thường được phát hiện khá muộn.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai
Bà bầu bị lo âu thường cảm thấy bồn chồn, khó thở, đau thắt ngực

Tùy từng dạng rối loạn lo âu khi mang thai mà các triệu chứng có thể được biểu hiện khác nhau, tuy nhiên đều có chung một số dấu hiệu điển hình sau

  • Luôn có cảm giác lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi không yên mà không biết lý do là gì
  • Khó ngủ hay đột ngột tỉnh giấc với trạng thái hoảng sợ do gặp ác mộng
  • Thiếu tập trung, tâm trí lơ đãng nên mẹ bầu cũng rất dễ giật mình
  • Chân tay thường xuyên có cảm giác tê bì, căng cứng các cơ
  • Tâm trạng thay đổi, vui buồn khó đoán, thường trở nên dễ cáu kỉnh, cáu gắt hơn bình thường
  • Trí nhớ suy giảm, nói trước quên sau, có thể kiểm tra việc đã tắt điện chưa đến hàng chục lần
  • Cảm thấy cơ thể uể oải như không có sức lực
  • Khi gặp các sự kiện gây hoảng loạn sẽ có triệu chứng tim đập nhanh, mặt đỏ, tăng huyết áp, khó thở hay tức ngực
  • Có thể gặp các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như tiêu hóa kém, thường xuyên bị chướng bụng khó tiêu
  • Luôn cảm thấy bất an, suy nghĩ các vấn đề một cách quá mức như việc nuôi con, sức khỏe của con, tài chính cả gia đình
  • Có thể cảm thấy đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đau tim nhưng nếu làm các xét nghiệm kiểm tra lại không phát hiện ra bệnh thực thể nào

Các triệu chứng này nếu xuất hiện trên 6 tháng hoặc có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày sẽ được chẩn đoán là chứng rối loạn lo âu khi mang thai. Việc thực hiện các kiểm tra này cần được tiến hành tại các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần hay các trung tâm tâm lý thì mới có thể cho kết quả chính xác nhất.

Nguyên nhân gây chứng rối loạn lo âu khi mang thai

Việc một người phụ nữ mang thai lo âu giống như một điều hiển nhiên, tuy nhiên nếu nó phát triển thành bệnh tâm lý thì thường liên quan đến các tác nhân xung quanh môi trường sống hằng ngày. Những người mang thai lần đầu hay mẹ đơn thân, mang thai mà không có ai giúp đỡ thường rất dễ gặp tình trạng này. Cụ thể những yếu tố được cho là có liên quan đến chứng rối loạn lo âu khi mang thai bao gồm

Do sự thay đổi hormone

Cơ thể phụ nữ mang thai có sự thay đổi thay đổi hormone rất lớn, điều này tác động rất lớn đến tâm trạng của các chị em. Các chuyên gia cũng nhận định sự thay đổi hormone trong thời kỳ này thường khiến phụ nữ dễ cáu kỉnh hơn, nhạy cảm và dễ trở nên xúc động hơn bình thường. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều phụ nữ mắc các bệnh tâm lý trong thai kỳ như trầm cảm khi mang thai hay chứng rối loạn lo âu.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai
Sự thay đổi hormone là nguyên nhân gây lên các vấn đề tâm trạng của bà bầu

Cụ thể, hormone hướng sinh dục nhau thai người (human chorionic gonadotropin ) sẽ tăng cao khi mang thai để thai nhi bám chặt vào tử cung. Tình trạng này làm gia tăng sự mệt mỏi và buồn nôn ở bà bầu. Đồng thời sự gia tăng các hormone progesterone và oestrogen cũng rất cần thiết để chuẩn bị cho quá trình sinh nở nhưng nó lại làm dao động nồng độ serotonin khiến phụ nữ trở nên buồn rầu và dễ khóc hơn.

Chính bởi yếu tố hormone này mà hầu hết các bà bầu đều trải qua ít nhất một giai đoạn dễ căng thẳng và xúc động hơn trong thai kỳ. Tuy nhiên tùy theo cách giải quyết và các yếu tố kèm theo mà diễn biến của các triệu chứng này khác nhau. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người trong thai kỳ dù có cáu kỉnh, nhạy cảm hơn bình thường nhưng họ không bị mắc các chứng rối loạn lo âu khi mang thai.

Yếu tố gia đình

Dù không tìm ra các gen mang tính chất di truyền rối loạn lo âu nhưng căn bệnh này thường có tính chất gia đình. Cụ thể nếu trong gia đình có cha mẹ, anh chị hay người thân nào đó cùng chung sống dưới một mái nhà thì việc những người còn lại bị ảnh hưởng cũng là rất cao. Đặc biệt cha mẹ là những người ảnh hưởng rất nhiều đến con cái thông qua việc giáo dục, trò chuyện, tương tác hằng ngày nên nếu trước đó bố mẹ bà bầu đã từng bị rối loạn lo âu thì nguy cơ bà bầu mắc bệnh cũng rất cao.

Yếu tố môi trường và các tác động xung quanh

Khi bà bầu dễ cáu kỉnh, khó chịu hơn chúng ta thường hay “đổ thừa” cho hormone, tuy nhiên sự ảnh hưởng của nội tiết tố chỉ là một phần nhỏ, sự tác động của các vấn đề xung quanh cuộc sống mới là yếu tố gia tăng tình trạng lo âu ở bà bầu. Nếu kiểm soát được các yếu tố này thì hoàn toàn có thể loại bỏ hoặc phòng tránh nguy cơ mắc căn bệnh này tối đa.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai
Những lời nói từ những người xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý bà bầu

Cụ thể, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu khi mang thai bao gồm

  • Mang thai lần đầu: khi lần đầu mang thai, có quá nhiều thứ khiến mẹ bầu phải lo lắng chẳng hạn như phải chăm sóc con như thế nào, phải ăn uống những gì, phải đi lại thế nào. Điều này khiến mẹ không ngừng suy nghĩ, lo lắng quá độ dẫn đến bệnh.
  • Mang thai ngoài ý muốn hay mẹ đơn thân không có người chăm sóc: vì không có ai bên cạnh hỗ trợ giải đáp những băn khoăn, giúp đỡ những công việc bà bầu không thể tự làm một mình khiến họ cảm thấy bất lực, lo âu cho hiện tại, sợ hãi về tương lai và cảm thấy chán chường. Những cảm xúc này nếu không được loại bỏ sẽ cứ kéo dài dai dẳng và tạo thành bệnh.
  • Tài chính không ổn định: khi mang thai có hàng loạt các vấn đề liên quan đến tiền bạc như tiền khám thai, tiền sữa bầu, tiền ăn uống, tiền chăm sóc con sau sinh, tiền bỉm sữa.. Điều này khiến mẹ bầu không ngừng suy nghĩ, tính toán, tinh thần kém thoải mái nên dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu.
  • Áp lực từ những người xung quanh: những lời nói như “mang thai mà gầy thế”; “mang thai ăn uống như vậy sao đủ chất cho con lớn”; “ có bầu mà béo quá không phải là tốt”… những điều này khiến mẹ bầu luôn ám ảnh, lo lắng rằng không biết mình ăn thế này, đi đứng thế kia liệu đã phù hợp chưa. Nỗi lo âu thường trực dần bao phủ hoàn toàn tâm trí khiến bà bầu không hề được nghỉ ngơi. Đây cũng là nguyên nhân gây chứng rối loạn lo âu khi mang thai ở rất nhiều người.
  • Nhận thức được trách nhiệm của người mẹ: trách nhiệm thực sự của một người mẹ còn lớn hơn gấp nghìn lần so với sự tưởng tượng hay xem phim hằng ngày. Khi mang thai, người phụ nữ mới dần nhận thức được rằng trách nhiệm ấy như thế nào và điều này không tránh khỏi việc khiến họ lo âu bình thường.
  • Muốn những điều tốt nhất cho con: rất nhiều phụ nữ đã mắc chứng OCD bởi họ luôn muốn những điều hoàn hảo và tốt nhất cho con. Chẳng hạn muốn con thông minh khỏe mạnh nên hằng ngày đúng giờ đó họ phải uống chính xác lượng sữa được chỉ định, phải cho con nghe nhạc. Khi sinh con ra sợ con ở 1 mình không an toàn nên không ngừng quay lại kiểm tra con đã ổn chưa, cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt cả đêm đến không thể ngủ được.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai có nguy hiểm không?

Rối loạn lo âu vốn đã là một bệnh nguy hiểm nên khi nó xuất hiện trên bà bầu mức độ nghiêm trọng sẽ tăng gấp đôi bởi bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng trên cả mẹ và thai nhi. Do lo âu thường kèm theo các vấn đề như tăng huyết áp, tăng nhịp tim, mất ngủ nên sẽ gây ra các hệ lụy nghiêm trọng liên quan đến cả sức khỏe mẹ và bé nên tuyệt đối không được chủ quan.

Những hệ lụy có thể xuất hiện khi mẹ mắc chứng rối loạn lo âu khi mang thai như

  • Tăng nguy cơ sinh non, mẹ khó sinh hoặc thường phải dùng kẹp forcep hỗ trợ
  • Có thể sảy thai nếu mắc cùng các vấn đề tâm thần khác như trầm cảm
  • Trẻ sinh ra thường có xu hướng thiếu cân, nhẹ cân, chậm phát triển về cả thể chất lẫn trí não
  • Mẹ bị rối loạn lo âu cũng làm tăng nguy cơ các vấn đề tâm thần ở con
  • Việc sử dụng các thuốc điều trị rối loạn lo âu trong thời điểm này nếu không đúng cách cũng có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi

Bên cạnh đó, ở những người bị rối loạn lo âu nặng thường mắc đồng thời cùng trầm cảm, nếu không được giúp đỡ kịp thời không ít người đã chọn cách làm đau bản thân hay tự tử để giải tỏa các cảm xúc khó khăn của bản thân. Chứng rối loạn lo âu khi mang thai tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm nên cần sớm được phát hiện và điều trị ngay từ những giai đoạn đầu để phòng tránh các biến chứng này.

Cách ứng phó với chứng rối loạn lo âu khi mang thai

Khi thấy mức độ lo lắng gia tăng bất thường kèm theo các vấn đề liên quan đến sức khỏe mẹ bầu nên chủ động đến thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần hoặc các cơ sở trị liệu tâm lý để được hỗ trợ tốt nhất. Hầu hết bác sĩ sẽ ưu tiên dùng các biện pháp hỗ trợ bên ngoài thay vì dùng các loại thuốc như các trường hợp thông thường để ngăn ngừa tối đa các biến chứng nguy hiểm cho thai nhi.

Việc điều trị rối loạn lo âu khi mang thai cần có sự chủ động của bà bầu cũng như sự giúp sức từ gia đình để có thể mang đến kết quả nhanh chóng nhất.

Trị liệu tâm lý

Nỗi lo âu của người bệnh hầu hết sẽ có xuất phát điểm từ thời điểm mang thai, có liên quan đến em bé nên thường có thể giải quyết rõ ràng hơn các trường hợp lo âu thông thường. Các chuyên gia tâm lý sẽ cùng trò chuyện với bà bầu để hiểu rõ về nỗi lo âu, ám ảnh của người mẹ, thông qua đó giúp họ hiểu được vấn đề của bản thân, giúp người bệnh có cái nhìn toàn cảnh hơn về cảm xúc của mình và từ từ loại bỏ nó.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai
Trị liệu tâm lý đem đến rất nhiều lợi ích cho bà bầu bị lo âu

Nhà trị liệu không chỉ đóng vai trò là một người dẫn đường mà còn là một người bạn, người đồng hành có thể lắng nghe những chia sẻ, băn khoăn từ bà bầu. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh. Nhà trị liệu cũng khuyến khích bà bầu nói ra những suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc của bản thân một cách trung thực và hướng dẫn họ có thể nhìn nhận vấn đề theo một góc nhìn khác.

Trị liệu cùng các chuyên gia tâm lý sẽ giúp người mắc chứng rối loạn lo âu khi mang thai dần lấy lại tinh thần, gạt bỏ nỗi lo âu, sống theo hướng tích cực hơn. Các biện pháp giải tỏa tâm trí và kiểm soát những cảm xúc tiêu cực cũng được nhà trị liệu hướng dẫn cho người bệnh để loại bỏ bệnh hoàn toàn, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát trở lại sau đó.

Tâm lý trị liệu thực sự là một giải pháp tuyệt vời cho những bà bầu bị rối loạn lo âu vì không cần dùng thuốc, không gây ra tác dụng phụ lại còn giúp cả mẹ và bé đều khỏe hơn. Ở những giai đoạn sớm bà bầu hoàn toàn có thể loại bỏ chứng rối loạn lo âu khi mang thai qua trị liệu tâm lý mà không cần dùng đến thuốc.

Dùng thuốc điều trị

Mặc dù các thuốc loại điều trị rối loạn lo âu thường đi kèm rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, tuy nhiên ở một vài trường hợp vẫn bắt buộc phải sử dụng để phòng tránh một số biến chứng xuất hiện. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và tác hại mà các loại thuốc này đem lại cho bà bầu sử dụng.

Tuy nhiên hầu hết bà bầu sẽ được chỉ định dùng thuốc trong thời gian ngắn để kiểm soát tạm thời các triệu chứng lo âu, quá khích quá mức nếu có, sau đó giảm dần liều dùng để hạn chế các ảnh hưởng. Bà bầu cần tuyệt đối tuân thủ theo liều chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng, tuyệt đối không được tự ý tăng/ giảm liều thuốc bất thường vì đều có thể gây ra rất nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

Bên cạnh đó bác sĩ cũng có thể chỉ định một vài loại vitamin và các viên uống chức năng để bồi bổ trí não, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bà bầu nếu muốn dùng loại thuốc nào cũng nên trao đổi thêm với bác sĩ để được hỗ trợ một cách tốt nhất.

Hướng chăm sóc và điều trị tại nhà

Với những người đang gặp phải các vấn đề tâm lý như chứng rối loạn lo âu khi mang thai thì việc chăm sóc và điều trị tại nhà cũng đóng một vài trò vô cùng quan trọng để có thể rút ngắn thời gian điều trị. Gia đình và người thân nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến bà bầu để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chứng rối loạn lo âu khi mang thai
Luyện tập yoga có thể cải thiện được sự lo âu quá mức cho bà bầu

Cách ứng phó với chứng rối loạn lo âu khi mang thai trong thời gian điều trị và chăm sóc tại nhà như sau

  • Duy trì thói quen ngủ đầy đủ, đảm bảo ngủ 7- 8 tiếng một ngày. Cơ thể bà bầu thường khá mệt mỏi nên hãy tranh thủ ngủ khi có thể để đảm bảo phục hồi năng lượng, giúp tinh thần tỉnh táo và tập trung hơn
  • Luyện tập yoga và thiền hằng ngày cũng đem đến rất nhiều lợi ích cho bà bầu đang bị rối loạn lo âu. Cả hai bộ môn này đều giúp tăng cường sức đề kháng, cân bằng tâm trí, tốt cho tim mạch cùng rất nhiều công dụng khác cho sức khỏe
  • Bà bầu nên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách chia sẻ những cảm xúc khó khăn của mình với những người xung quanh. Chẳng hạn nếu lo lắng về việc chăm con tương lai thế nào thì có thể hỏi các mẹ, các chị; nếu lo lắng về tài chính thì bắt đầu lên các kế hoạch chi tiêu cùng chồng..
  • Tham gia các lớp tiền thai sản để biết cách chăm sóc bản thân và chăm sóc con cái tốt hơn, đặc biệt với những người mang thai lần đầu, mang thai mà không có ai giúp đỡ
  • Thư giãn tinh thần và cơ thể hằng ngày thông qua việc tắm nước nóng, xông hơi với tinh dầu, xoa bóp giảm đau nhức chân tay
  • Duy trì thói quen vận động hằng ngày sẽ vừa tốt cho tâm trạng vừa giúp việc sinh thường dễ dàng hơn
  • Khám thai định kỳ để loại bỏ những lo lắng về sức khỏe của bản thân hay của thai nhi
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường rau xanh, các loại hạt, các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, trái cây tươi hằng ngày
  • Tránh xa bia rượu, cà phê, đồ uống có cồn, thực phẩm có các chất béo xấu, đồ ăn nhanh, đồ ăn công nghiệp, đồ ăn chứa các chất tạo ngọt nhân tạo
  • Tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá
  • Loại bỏ những lời nói tiêu cực từ những người xung quanh, tin tưởng vào sự chỉ dẫn của bác sĩ trong việc chăm sóc con
  • Chồng và những người thân trong gia đình cũng cần tinh tế quan tâm, lắng nghe và chủ động giúp đỡ trong các công việc thường ngày cũng như dành thời gian trò chuyện với bà bầu nhiều hơn để loại bỏ sớm những suy nghĩ tiêu cực không đáng có

Hiện nay vẫn có không ít người mắc chứng rối loạn lo âu khi mang thai nhưng lại không được phát hiện dẫn đến rất nhiều hệ lụy đáng buồn. Thay đổi lối sống lành mạnh, chủ động chia sẻ nhiều hơn và tìm hiểu việc chăm sóc con từ chính những người bà, người mẹ trong gia đình chính là cách để phòng tránh tối đa căn bệnh này.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *