Điều Trị Tự Kỷ Bằng Phương Pháp Y Học Cổ Truyền
Điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền được cân nhắc cho trẻ từ 2 – 6 tuổi. Các phương pháp được áp dụng thường là thủy châm, điện châm, cấy chỉ,… nhằm kích thích huyệt vị và điều hòa các cơ quan trong cơ thể.
Trị tự kỷ bằng y học cổ truyền có hiệu quả không?
Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm trong những năm đầu đời. Do khiếm khuyết về thần kinh nên trẻ mắc chứng bệnh này thường bị thiếu hụt về nhiều khía cạnh như ngôn ngữ, tư duy, hành vi bất thường và tương tác xã hội kém. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở bé trai và tổng số ca mắc bệnh đang có khuynh hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh tự kỷ vẫn chưa được biết rõ. Do đó, quá trình phục hồi và can thiệp còn gặp nhiều khó khăn. Các triệu chứng của tự kỷ khởi phát rất sớm (đa phần đều trước 3 tuổi) với mức độ đa dạng. Mặc dù chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng trẻ mắc chứng tự kỷ có thể học tập và ổn định cuộc sống nếu được can thiệp sớm.
Các rối loạn phát triển thần kinh nói chung và tự kỷ nói riêng gây ảnh hưởng toàn diện đến các chức năng. Chính vì vậy, không có phương pháp nào tối ưu trong can thiệp hội chứng tự kỷ. Quá trình can thiệp phải được linh động thay đổi tùy theo mức độ bệnh, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng trẻ.
Hiện nay, ngoài các phương pháp từ y học hiện đại, một số cơ sở y tế đã bắt đầu triển khai điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền. Phương pháp này mang lại cải thiện rõ rệt trong việc làm giảm các triệu chứng có liên quan đến hành vi, suy giảm giao tiếp và tương tác xã hội. Các liệu pháp tác động vào huyệt vị như cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, điện châm,… được đánh giá mang lại kết quả khả quan trong điều trị rối loạn phổ tự kỷ.
Theo quan niệm của Đông y, tự kỷ thuộc nhi khoa thất thập chứng. Đông y cho rằng tự kỷ là do tổn thương tạng phủ và kinh mạch, từ đó ảnh hưởng đến công năng của các tạng và làm nguyên khí hư yếu. Áp dụng các phương pháp tác động lên kinh lạc và huyệt vị có thể phục hồi chức năng thần kinh, qua đó giúp điều chỉnh khả năng vận động, khứu giác, xúc giác, các thuộc tính bắt chước và điều hòa cơ quan trong cơ thể.
Thông thường, trẻ tự kỷ sẽ được điều trị với liệu trình bao gồm 3 – 5 đợt mỗi năm và mỗi đợt kéo dài từ 30 – 40 ngày. Trẻ sẽ được châm cứu, cấy chỉ tại bệnh viện. Ngoài ra, thầy thuốc cũng sẽ hướng dẫn gia đình cách xoa bóp bấm huyệt tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị.
Điều trị tự kỷ bằng phương pháp y học cổ truyền mang lại hiệu quả rõ rệt ở trẻ từ 2 – 6 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì mức độ đáp ứng càng tốt và triệu chứng thuyên giảm rõ rệt. Thông qua những ca điều trị đã được thực hiện, các bác sĩ nhận thấy phương pháp này giúp cải thiện tốt rối loạn giấc ngủ, trẻ có phản xạ khi đi tiểu và biết phản xạ lại được gọi tên.
Lưu ý khi điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền
Tự kỷ có biểu hiện rất đa dạng với mức độ khác nhau ở từng trẻ. Trong bối cảnh tỷ lệ mắc chứng tự kỷ có xu hướng gia tăng, các phương pháp điều trị mới đang được đẩy mạnh nghiên cứu nhằm giúp trẻ cải thiện chức năng và ổn định cuộc sống.
Khi cho trẻ điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tự kỷ là bệnh khởi phát sớm, đa phần đều xuất hiện trước năm 3 tuổi (chiếm 70%). Do đó, bố mẹ nên chú ý đến những biểu hiện bất thường để trẻ được thăm khám và phát hiện sớm. Giai đoạn 1 – 3 tuổi được xem là thời điểm vàng để điều trị tự kỷ. Đa số trẻ can thiệp điều trị trong giai đoạn này đều có đáp ứng tốt và chức năng được cải thiện rõ rệt.
- Tự kỷ gây ra sự khiếm khuyết ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì vậy, một phương pháp chỉ có thể mang lại những cải thiện nhất định. Ngoài các liệu pháp từ y học cổ truyền, phụ huynh nên cho trẻ thực hiện thêm âm ngữ trị liệu, liệu pháp hành vi, phương pháp PECS,…
- Điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền sẽ được thực hiện theo liệu trình khoảng 5 – 7 đợt. Sau mỗi đợt điều trị, các triệu chứng sẽ thuyên giảm rõ rệt nhưng gia đình cần cho trẻ thực hiện đầy đủ để mang lại cải thiện toàn diện.
- Các liệu pháp từ y học cổ truyền được chứng minh mang lại hiệu quả cao đối với trẻ từ 2 – 6 tuổi. Trẻ lớn hơn có thể không có đáp ứng với phương pháp này. Vì vậy, gia đình nên cho trẻ thực hiện một số phương pháp can thiệp khác để đạt hiệu quả cao hơn.
- Hiện nay có khá nhiều nơi thực hiện châm cứu, bấm huyệt chữa tự kỷ. Để đảm bảo hiệu quả, gia đình nên chọn những địa chỉ uy tín và đáng tin cậy.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị, gia đình cần ổn định tâm lý và tinh thần để có thể đồng hành cùng con. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh nên triệu chứng sẽ kéo dài suốt đời. Hiện nay, các phương pháp can thiệp chỉ giúp cải thiện chức năng và giảm ảnh hưởng của bệnh. Do đó, sự đồng hành của gia đình sẽ giúp trẻ phát triển những chức năng và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Điều trị tự kỷ bằng y học cổ truyền mang đến kết quả khả quan. Phương pháp này sẽ được phối hợp với âm ngữ trị liệu, liệu pháp tâm lý, các phương pháp giáo dục đặc biệt,… để giúp trẻ cải thiện chức năng của các giác quan, khả năng giao tiếp và trang bị những kỹ năng xã hội cần thiết.
Tham khảo thêm:
- Dạy Trẻ Tự Kỷ Tại Nhà Cha Mẹ Nên Lưu Ý Gì?
- Hướng dẫn chăm sóc trẻ tự kỷ đúng cách cha mẹ nên biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!