Rối loạn định dạng giới tính: Nguyên nhân và Cách điều trị
Rối loạn định dạng giới tính là một dạng rối loạn tâm thần được biểu hiện bằng việc người bệnh không công nhận giới tính của bản thân bởi họ cho rằng giới tính của mình là ngược lại. Bệnh có liên quan đến các yếu tố di truyền, mất cân bằng hormone hoặc ảnh hưởng từ môi trường xung quanh khiến người bệnh có những nhận thức lệch lạc về mặt giới tính.
Hiểu hơn về giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục
Rối loạn định dạng giới tính là một vấn đề tâm lý có liên quan đến nhận thức về giới tính, do đó để hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng cần phải nắm bắt chính xác các khái niệm có liên quan đến giới tính sinh học, nhân dạng giới tính và xu hướng tính dục của con người. Các khái niệm này dù được bàn luận rất nhiều hiện nay nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết.
Có thể hiểu về các khái niệm này một cách đơn giản như sau
- Giới tính sinh học (biological sex): tức là giới tính được nhìn nhận khi sinh ra thông qua các yếu tố giải phẫu học tại cơ quan sinh dục , kiểm tra nhiễm sắc thể hay hormone. Hai giới được phân biệt cụ thể thông qua các yếu tố này chính là nam (male) hay nữ (female). Tuy nhiên đồng thời giới tính sinh học còn bao gồm cả liên giới (intersex) nếu ở người này có sự biến đổi bất thường về nhiễm sắc thể cùng cơ quan sinh dục và không phù hợp với các đặc trưng của cả nam và nữ.
- Bản dạng giới (gender identity): chính là những cảm nhận, suy nghĩ tiềm ẩn bên trong của mỗi người về xu hướng giới tính của mình, được cho là có liên quan trực tiếp đến yếu tố môi trường và xã hội. Bản dạng giới có thể không trùng hợp với giới tính sinh học, chẳng hạn một người là nữ nhưng lại nhìn nhận mình là nam và họ biểu lộ điều này thông qua cách ăn mặc, trang điểm, kiểu tóc, hành động cùng những quy chuẩn chung được cho là gắn liền với giới đó. Rối loạn định dạng giới tính có thể liên quan đến vấn đề này.
- Xu hướng tính dục (Sexual orientation): chính là xu hướng hấp dẫn tình cảm, tình dục ở một người với một người khác. Thông thường người ta thường cho rằng hai người khác giới tính sẽ bị hấp dẫn bởi xu hướng tính dục nhưng hoàn toàn không phải tất cả các trường hợp đều như thế 3 khái niệm phổ biến được dùng cho xu hướng tính dục thường là dị tính (heterosexual – bị hấp dẫn bởi người khác giới), đồng tính (homosexual – bị hấp dẫn bởi người đồng giới) hay song tính (bisexual – hấp dẫn bởi cả hai giới).
Trước đây xã hội thường nhìn nhận rằng một người bình thường cần sống đúng theo giới tính sinh học của bản thân, phải có mối quan hệ yêu đương và tình dục với một người khác giới, phải sinh con tự nhiên. Việc có xu hướng đồng tính, bị hấp dẫn bởi người cùng giới được cho là dị biệt, lệch lạc, cần được loại bỏ.
Tuy nhiên khi xã hội đã phát triển hơn, những nghiên cứu được thực hiện thì việc nhìn nhận xu hướng tính dục được cởi mở hơn, chấp nhận một khái niệm mới về giới được gọi là “Giới tính thứ 3 – LGBT”. Dù vậy các vấn đề liên quan đến giới tính vẫn còn rất nhiều tranh cãi, thiếu sót trong việc phổ cập, nhìn nhận dẫn tới một vấn đề tâm thần gọi là “rối loạn định dạng giới tính”.
Rối loạn định dạng giới tính là gì?
Rối loạn định dạng giới tính (Gender Identity Disorder – GID) còn được gọi với nhiều khái niệm khác như hội chứng rối loạn phát triển giới, bức bối giới.. Đặc trưng của tình trạng này chính là bản thân người đó nhìn nhận xu hướng giới tính của bản thân ngược lại so với giới tính sinh học của bản thân và mong muốn mọi người phải công nhận điều này.
Vào năm 2013 thì DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần) đã đổi tên rối loạn định dạng giới thành “Bức bối giới” hoặc “Phiền muộn giới” (Gender Dysphoria) bởi một số ý kiến cho rằng khái niệm GID mang hàm ý miệt thị có thể khiến nhiều người hiểu lầm, dù vậy thuật ngữ này vẫn được sử dụng khá phổ biến.
Theo các chuyên gia tại Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), yếu tố quan trọng nhất với dạng rối loạn tâm thần này chính là cảm bức bối, khó chịu được biểu hiện một cách cực kỳ mạnh mẽ khi họ phải mang giới tính trái ngược với nhìn nhận của bản thân. Nhưng quan trọng rằng Bức bối giới không hoàn toàn có nghĩa rằng những người này là đồng tính, đây là vấn đề bị rất nhiều người hiểu nhầm.
Ngoài ra, năm 2022, Bảng phân loại quốc tế về bệnh phiên bản mới (ICD-11) cũng đã thay đổi phân loại tình trạng này thuộc nhóm “những tình trạng liên quan tới sức khỏe tình dục” và đổi tên dạng tối loạn tâm thần này thành “Không ăn nhập giới”. Về cơ bản thì khái niệm này cũng giống DSM-5, tuy nhiên lại không bao gồm các cảm giác bức bối tâm lý khác.
Để thể hiện rõ xu hướng giới tính của mình, những người này thường sẽ cố gắng chứng minh bằng việc thay đổi tóc tai, cách ăn mặc, cách nói chuyện, phá vỡ các nguyên tắc mà người ta gán cho giới tính sinh học mà họ đang mang. Đồng thời họ cũng muốn người khác chấp nhận giới tính kia của họ và cực kỳ khó chịu nếu ai đó gán họ vào các đặc trưng giới tính hiện tại
Một số nghiên cứu còn cho rằng có đến khoảng 0,005-0,014% bé trai và 0,002 đến 0,003% bé gái ngay từ khi sinh ra đã có đầy đủ các tiêu chuẩn của đáp ứng các tiêu chuẩn Gender Identity Disorder trong khi đó có không ít người tự nhìn nhận bản thân không phải mang giới tính này và muốn chuyển giới nhưng lại không có đủ tiêu chí đáp ứng.
Nói chung, có rất nhiều vấn đề trong rối loạn định dạng giới tính cực kỳ phức tạp khiến các chuyên gia gặp khó khăn trong việc xác nhận người đó là đồng tính hay chỉ là có những cái nhìn lệch lạc về giới tính. Nhiều người cũng do không tự xác nhận được dẫn tới các quyết định sai lầm, chẳng hạn như chuyển giới cùng hàng loạt các vấn đề liên quan khác.
Một số phân loại hội chứng rối loạn phát triển giới
Các đặc trưng của rối loạn định dạng giới tính rất đa dạng và cũng được phân loại rất phổ biến theo các bảng chẩn đoán khác nhau. Chẳng hạn trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5 sử dụng thuật ngữ “Bức bối giới” thì có thể phân loại thành các dạng bức bối như sau
- Bức bối vùng trên (Top Dysphoria): cảm giác khó chịu, bức bối với phần trên cơ thể, chẳng hạn như vai, ngực, cánh tay, cổ.. Ví dụ người nữ có thể cảm thấy khó chịu vì ngực phát triển trong khi nam giới có thể bức bối thì vai quá thô chứ không được thanh mảnh như giới nữ.
- Bức bối vùng dưới (Bottom Dysphoria): tượng tự như bức bối vùng trên, thuật ngữ này cũng diễn tả sự khó chịu của người mắc chứng rối loạn phát triển giới vì vùng dưới cơ thể, ở đây thường chính là bộ phận sinh dục.
- Bức bối xã hội (Social Dysphoria): sự bức bối của người bệnh với những quy chuẩn áp đặt lên giới tính, đặc biệt là với bản thân họ. Chẳng hạn người tự nhận là chuyển giới nữ không thích việc họ có một cái tên quá nam tính và mạnh mẽ. Mặt khác những người tự cho họ là người chuyển giới, phi nhị nguyên giới thường có xu hướng bức bối hơn về mặt xã hội thay vì thể chất.
Tuy nhiên trong phân loại của Bảng phân loại quốc tế về bệnh phiên bản (ICD-11) lại phân loại rối loạn định dạng giới tính với các đặc điểm sau
- F64.0. Loạn dục chuyển giới (Transsexualism)
- F64.1. Loạn dục cải trang, vai trò kép (Dual-role transvestism)
- F64.2. Rối loạn xác định giới tính ở trẻ em (Gender identity disorder of childhood)
- F64.8. Rối loạn xác định giới tính khác (Other gender identity disorders)
- F64.9. Rối loạn phân định giới tính không xác định (Gender identity disorder, unspecified)
Đến đầu năm 2022, ICD đã có một số điều chỉnh mới, không chỉ trong tên gọi là còn bổ sung, thay thế một số phân loại đặc điểm của “Không ăn nhập giới” như sau
- HA60. Không đồng nhất về giới ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành ( được thay thế F64.0)
- HA61. Không đồng nhất về giới ở thời thơ ấu ( được thay thế F64.2)
- HA6Z . Không đồng nhất về giới nhưng không xác định được thời điểm cụ thể (được thay thế F64.9)
Triệu chứng rối loạn định dạng giới tính
Các biểu hiện của rối loạn định dạng giới tính cực kỳ rõ ràng, có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn sớm với những đặc trưng về việc chối bỏ giới tính sinh học của bản thân trong mọi hành vi, suy nghĩ, cảm xúc. Những nhận thức này ngày càng được phát triển lớn hơn, đặc biệt trong thời đại mà xã hội càng rộng mở hơn cho LGBT càng khiến họ có khao khát được bộc lộ “giới tính thật” của bản thân hơn.
Cụ thể, một số biểu hiện cụ thể của người mắc chứng rối loạn tâm thần này như
- Thể hiện nhu cầu của bản thân rõ rệt trong được nhìn nhận giới tính khác chứ không phải giới tính sinh học trên giấy tờ hiện tại
- Đau khổ, ấm ức, khó chịu, bức bối vì bản thân mang trong mình giới tính như hiện tại người nữ muốn thể hiện mình là nam thì sẽ để tóc ngắn, ăn mặc như con trai hay ngược lại, nam muốn thể hiện giới tính là nữ sẽ nuôi tóc dài, mặc váy, đi giày cao gót
- Có cách hành vi giống với giới tính mà họ nhìn nhận, chẳng hạn trẻ nam có thể đi vệ sinh ngồi; trẻ nữ nịt ngực vì sợ nó sẽ phát triển kích
- Muốn được tham gia vào các hoạt động, trò chơi, công việc mà giới kia có thể làm
- Khao khát mãnh liệt có được một đặc điểm nào đó của giới kia và được công nhận. Chẳng hạn như người nữ muốn mong muốn có “râu” giống nam giới
- Người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính có xu hướng ghét cơ quan sinh dục của bản thân ( bởi đây là một trong những yếu tố để thể hiện giới tính sinh học được người khác công nhận), mong muốn được thoát khỏi bộ phận này và thậm chí có xu hướng muốn hủy hoại bộ phận sinh dục để chối bỏ bản thân
- Nhìn nhận bản thân là người đồng giới, có cảm xúc và thu hút tình dục bởi người đồng giới
- Cảm thấy cô đơn, có thể có suy nghĩ cho rằng khi lớn lên mình có thể trở thành người có giới tính như mong
- Có thể bị cô lập, đặc biệt ở trẻ nhỏ bởi các hành vi bất thường trong khi những đứa trẻ xung quanh lại chưa có đủ nhận thức về giới tính. Thực chất dù xã hội đã hiện đại hơn nhưng những người trưởng thành thuộc thế giới thứ 3 hay rối loạn định dạng giới tính vẫn có thể bị cô lập, bàn tán rất nhiều
- Co xu hướng can thiệp các biện pháp y tế để thay đổi giới tính, chẳng hạn phẫu thuật, tiêm hormone cùng hàng loạt các biện pháp can thiệp khác
Nguyên nhân rối loạn định dạng giới tính
Như đã nói, các vấn đề có liên quan đến rối loạn định dạng giới tính thường rất phức tạp và có nhiều vấn đề. Bức bối giới cũng được coi như một dạng lệch lạc về giới tính do có liên quan đến rất nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là môi trường sống, xã hội, các vấn đề hormone.. Tình trạng này nếu không nhanh chóng được kiểm soát để gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến cuộc sống mỗi người.
Cụ thể theo các chuyên gia, những yếu tố có liên quan trực tiếp đến rối loạn định dạng giới tính bao gồm
- Yếu tố di truyền: có đến 62% nghiên cứu chỉ ra bức bối giới có liên quan trực tiếp đến yếu tố di truyền, khả năng cao xảy ra do gen và các nhiễm sắc thể bất thường. Kết luận này được đưa ra sau khi xét thấy tỉ lệ rối loạn này ở các cặp song sinh trứng cao hơn khác trứng.
- Rối loạn các hormone: các hormone cũng có liên quan trực tiếp đến phân dạng giới tính nhưng vì một lý nào đó khiến nó bị rối loạn, chẳng hạn tăng Testosterone trong khi người đó mang giới tính nữ.
- Sự giáo dục từ gia đình: thực tế hiện nay nhiều gia đình vì quá mong muốn có con trai hoặc con gái nhưng khi sinh ra con lại không mang giới tính này khiến họ thất vọng. Để thỏa mãn mong muốn của mình, nhiều người chọn cách cho con chơi đồ chơi, ăn mặc hoặc để kiểu tóc giống như giới tính mà mình mong muốn. Chẳng hạn họ mong con trai nhưng sinh ra lại là con gái và bắt trẻ phải cắt tóc ngắn, chơi siêu nhân, chơi đá bóng, dáng đi phải mạnh mẽ như con trai. Dần dần sinh ra các tâm lý lệch lạc, trẻ cảm thấy bức bối muốn làm con trai và tự nhận thức bản thân là con trai.
- Ảnh hưởng từ môi trường: thực tế hiện nay không ít trẻ mắc rối loạn định dạng giới tính chính bởi ảnh hưởng từ môi trường sống, các thông tin trên internet trong khi chưa có đủ nhận thức về giới tính. Chẳng hạn trẻ tiếp xúc với nhiều người thuốc LGBT, nhìn nhận những người này được xã hội đề cao, chú ý đến, có thể làm người nổi tiếng, cảm thấy… lạ vì thế cũng tự cảm thấy bản thân cũng thuộc một giới tính khác, không phải giới tính sinh học hiện tại.
Tuy nhiên các yếu tố này vẫn chỉ là các giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra, chưa kể kết luận chính xác cơ chế và nguyên nhân gây ra các rối nhiễu tâm lý, tâm thần này. Điều này cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến việc kết luận chính xác chẩn đoán và hướng điều trị rối loạn định dạng giới tính.
Các vấn đề trong chẩn đoán rối loạn định dạng giới tính
Như đã nói, các vấn đề trong rối loạn định dạng giới tính cực kỳ phức tạp và gây ra rất nhiều tranh luận kể từ khi đặt vấn đề. Nhiều người thường nhầm lẫn giữa bức bối giới với người thuộc thế giới thứ 3 nhưng thực tế điều này không hoàn toàn trùng khớp. Hoặc cũng có ý kiến khác cho rằng rối loạn định dạng giới tính là người chuyển giới nhưng các đặc điểm giữa hai tình trạng này lại không đồng nhất hoàn toàn.
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của Gender Identity Disorder chính là trạng thái bức bối đến mức cực đoan, muốn phá hủy bộ phận sinh dục được cho là không đúng với bản thân. Trong khi đó người đồng tính có xu hướng chấp nhận điều này còn người chuyển giới cũng khát khao được sống đúng với giới tính nên mới chọn các phẫu thuật chuyển giới.
Mặt khác, xu hướng tình dục của những nhóm đối tượng này cũng hoàn toàn khác nhau khi được tiếp xúc cùng với một kích thích. Ngoài ra rối loạn định dạng giới tính cũng hoàn toàn không phải rối loạn biệt hóa giới tính sinh dục (trẻ sinh ra mang cả các đặc sinh sinh dục của nam và nữ).
Nói chung còn có rất nhiều các vấn đề tồn tại xoay quanh rối loạn định dạng giới tính vẫn chưa được bàn luận một cách rõ ràng khiến nhiều người nhầm tưởng về giới tính bản thân cũng như khó khăn trong chẩn đoán. Người bệnh cần đến các bệnh có chuyên khoa tâm thần hoặc trung tâm tâm lý để thực hiện các bài test cũng như một số kiểm tra chuyên môn để có kết luận chính xác nhất.
Rối loạn định dạng giới tính có nguy hiểm không?
Việc nhìn nhận sai lệch về giới tính của bản thân khiến nhiều người có xu hướng thực hiện chuyển giới. Hơn hết khi xã hội hiện đại bắt đầu có cái nhìn thoáng hơn, chấp nhận những người mang giới tính thứ 3 thì những người mắc chứng rối loạn định dạng giới tính cũng tự xếp mình thuộc nhóm này chứ không chấp nhận rằng bản thân đang có những vướng mắc về tâm lý – tâm thần.
Bức bối giới thường kèm theo các vướng mắc trong tâm lý nghiêm trọng như cảm giác tự ti, bị mọi người xa lánh, tự cô lập bản thân, cảm xúc tiêu cực cùng hàng loạt các vấn đề khác. Cảm giác bức bối về giới tính khiến họ chán ghét chính mình, thậm chí có các hành vi tiêu cực để hủy hoại bộ phận sinh dục làm ảnh hưởng đến tính mạng của chính bản thân.
Trầm cảm, stress nặng là các vấn đề gặp cực kỳ phổ biến ở những người “Không ăn nhập giới”. Mặt khác do các hành vi khác thường, chẳng hạn đi vệ sinh ngồi trong khi là nam giới cũng khiến rất nhiều người bị kỳ thị, cô lập, tấn công hay sử dụng bạo lực khiến tâm lý của họ ngày càng thêm tiêu cực, nảy sinh nhiều uất ức và có các xu hướng tự hủy hoại cơ thể nhiều hơn.
Hướng điều trị bức bối giới
Hai hướng chính được ứng dụng phổ biến nhất hiện nay với rối loạn định dạng giới tính vẫn là điều trị y tế và chăm sóc tâm lý. Các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên phối hợp đồng thời cả hai phương pháp này và phải thực sự kiên trì cùng một lối sống khoa học lành mạnh thì mới thực sự có hiệu quả.
Nhìn chung mục tiêu của các phương pháp này vẫn là hướng bản thân đến những nhìn nhận đúng đắn về giới tính của bản thân, chấp nhận hiện tại và xoa dịu những cảm xúc căng thẳng về giới tính mà họ đang phải chịu đựng. Cần hiệu rằng, hiệu quả của việc điều trị sẽ khác nhau trong từng trường hợp, điều này còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng ở từng người.
Điều trị y tế
Các vấn đề trong điều trị rối loạn định dạng giới tính cũng khá phức tạp, chẳng hạn dùng thuốc để điều chỉnh các hormone bị rối loạn, thuốc hỗ trợ cho những bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm hay các vấn đề tâm lý khác. Tuy nhiên rõ ràng, thuốc chỉ giúp xoa dịu cảm xúc, cải thiện năng lượng chứ không thể làm thay đổi suy nghĩ của một ai đó về giới tính của mình.
Trước đây một số hướng điều trị cho rằng cách tốt nhất để giúp người rối loạn định dạng giới tính chính là phẫu thuật chuyển giới để đáp ứng các nhu cầu về giới tính, điều này sẽ làm giảm các bức bối trong tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên một số ý kiến lại bác bỏ phương pháp này vì cho rằng chuyển giới chỉ đáp ứng “sự bất lực về mặt sinh học” và chưa chắc đã làm hài lòng được hết các bệnh nhân về mặt cảm xúc.
Mặt khác rối loạn định dạng giới tính được giới chuyên môn đánh giá là tình trạng bệnh tâm thần trong khi phẫu thuật chuyển giới chỉ làm thay đổi kết cấu bên ngoài, không thay đổi những nhận thức đã ghim chắc vào nhận thức của người bệnh. Chưa kể đến việc một số bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở thẩm mỹ “chui” gây ra các biến chứng nghiêm trọng đến tính mạng của chính mình.
Việc chấp nhận hợp pháp hóa việc phẫu thuật chuyển giới được đánh giá là hành vi cổ súy cho bệnh nhân tâm thần. Hiện tại cũng có nhiều bệnh viện từ chối việc phẫu thuật chuyển giới vì các tranh cãi này. Dù vậy một số bệnh nhân vẫn có mong muốn được điều chỉnh một phần nào đó cơ thể, chẳng hạn giảm bớt sự thô kệch trên đường nét khuôn mặt, xét phần nào đó điều này vẫn có thể chấp nhận.
Trị liệu tâm lý
Rối loạn định dạng giới tính thuộc các vấn đề tâm lý, tâm thần, do đó đây mới là biện pháp được hướng đến chính cho người bệnh. Một số thống kê cho thấy phương pháp này có thể mang đến hiệu quả trong việc cố gắng thuyết phục bệnh nhân chấp nhận giới tính hiện tại của bản thân thay vì khao khát giới tính trái ngược, tuy nhiên cùng còn phụ thuộc vào từng nguyên nhân, trường hợp.
Đặc biệt do tỷ lệ tự tử hoặc có các hành vi tự hại vì bị tấn công lòng tự trọng, cô lập cũng khá cao nên việc trị liệu tâm lý sẽ là biện pháp cần thiết để xoa dịu cảm xúc của người bệnh, chấp nhận những khuyết khuyết để hướng đến những giá trị tích cực hơn trong cuộc sống. Tinh thần người bệnh khi thoải mái hơn, loại bỏ các bức bối sẽ dần tiến đến giai đoạn chấp nhận chính mình.
Với trẻ nhỏ mắc chứng bức bối giới rất cần được trị liệu tâm lý để loại bỏ sớm những hành vi, nhận thức lệch lạc. Mặt khác thông qua việc trò chuyện nhà trị liệu cũng hoàn toàn có thể nắm bắt được các yếu tố khiến người bệnh có các nhìn nhận sai lệch về giới tính, từ đó tìm cách phục hồi lại những tổn thương trong tâm trí một cách phù hợp nhất.
Nói chung trị liệu tâm lý có thể giúp ích nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng, nhìn nhận đúng đắn về bản thân, cải thiện các mối quan hệ xung quanh để nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần, hạn chế các hành vi tiêu cực khác.
Rối loạn định dạng giới tính vẫn còn là một trong những vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi, cả trong cơ chế bệnh, hướng điều trị hay phòng tránh. Gia đình và nhà trường cần giáo dục giới tính cho con trẻ từ sớm để con nhìn nhận rõ về bản thân, giới tính, từ đó hỗ trợ quá trình triển toàn diện nhất về mọi mặt.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Cách nhận biết và chữa trị
- Tổng quan về chứng rối loạn nhân cách phân liệt Schizoid
- Rối loạn tâm thần do nghiện game – Hiện trạng đáng báo động
- Cai nghiện game online cho trẻ ngay tại nhà với 9 cách đơn giản
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!