Trầm Cảm Nặng: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Chữa Trị

Trầm cảm nặng là giai đoạn tiến triển nghiêm trọng của bệnh trầm cảm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe và cuộc sống. Cần kiên trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.

bệnh trầm cảm nặng
Bệnh trầm cảm không được điều trị sớm có thể tiến triển nặng với nhiều nguy hại cho sức khỏe và cuộc sống

Trầm cảm nặng là bệnh gì?

Trầm cảm nặng (Major depressive disorder – MDD) là thuật ngữ dùng để mô tả giai đoạn tiến triển nghiêm trọng của bệnh trầm cảm. Nó được chẩn đoán khi một người có tâm trạng chán nản hoặc trầm cảm kéo dài, giảm hứng thú với các hoạt động thú vị, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, kém tập trung, chậm phát triển tâm thần vận động, kích động, rối loạn giấc ngủ và ý định tự tử.

Căn nguyên của MDD được xác định là do nhiều yếu tố bao gồm cả yếu tố sinh học, di truyền, môi trường và tâm lý xã hội. Trong đó, trầm cảm nhẹ và vừa không được điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng là nguyên nhân chính và trực tiếp nhất.

Trầm cảm nặng là một rối loạn tâm thần phổ biến. Nó có tỷ lệ phổ biến suốt đời rơi vào khoảng 5 – 17%, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới gần gấp đôi so với nam giới. Sự khác biệt này được cho là do nội tiết tố, ảnh hưởng của quá trình sinh nở và các yếu tố gây căng thẳng.

Tuổi khởi phát trung bình của bệnh trầm cảm nặng là khoảng 40. Tuy nhiên các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở đối tượng người trẻ. Nguyên nhân thường do lạm dụng rượu và các chất gây nghiện.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp trầm cảm nặng là nguyên nhân đứng thứ ba gây ra gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới vào năm 2008. Ngoài ra, WHO còn đưa ra dự đoán đến năm 2030 thì căn bệnh này sẽ xếp hạng nhất.

Dấu hiệu nhận biết trầm cảm nặng

Đặc trưng của bệnh trầm cảm nặng là các triệu chứng kéo dài và có phần tồi tệ hơn so với giai đoạn trầm cảm vừa và nhẹ. Các triệu chứng của MDD có thể bao gồm:

dấu hiệu trầm cảm nặng
Trầm cảm nặng có thể khiến người bệnh thường xuyên gặp triệu chứng hoang tưởng
  • Cảm xúc trầm cảm: Khoảng 90% người bệnh than phiền rằng mình cảm thấy buồn bã, chán nản và tuyệt vọng. Một số bệnh nhân nói rằng họ không thể khóc. Trong khi đó, nhiều người khác lại khóc lóc vô cớ. Riêng ở trẻ em, thường xuất hiện tình trạng bực bội và cáu kỉnh.
  • Mất hứng thú: Triệu chứng này gặp phải trong hầu hết bệnh nhân MDD. Người bệnh dường như không còn tha thiết hay hứng thú với bất cứ hình thức hoạt động nào. Bao gồm cả hoạt động tình dục, sở thích hay các công việc thường ngày.
  • Ăn mất ngon: Khoảng 70% người bệnh gặp phải tình trạng này và kèm theo sụt cân. Một số ít người khác lại có cảm giác thèm ăn, nhất là đồ ngọt và có xu hướng tăng cân.
  • Rối loạn giấc ngủ: Khoảng 80% bệnh nhân gặp phải một rối loạn nào đó của giấc ngủ. Triệu chứng khó chịu và trầm trọng nhất là khi thức dậy sớm khoảng 4 – 5 giờ sáng. Cũng có vài bệnh nhân than phiền họ ngủ nhiều thay vì bị mất ngủ.
  • Rối loạn tâm thần vận động: Khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm nặng trở nên chậm chạp và trì trệ. Sự chậm chạp biểu lộ trong cả suy nghĩ, lời nói và các cử động cơ thể. Rất nhiều người còn kèm theo lo âu cùng với các triệu chứng kích động tâm thần vận động. Chẳng hạn như hay đi tới lui hoặc không thể ngồi yên một chỗ.
  • Mất sinh lực: Biểu hiện là mệt mỏi và cảm thấy không còn sức mặc dù không phải làm gì nhiều. Hơn nữa, nhiều người bệnh còn có cảm giác cạn kiệt sức lực.
  • Mặc cảm, tự ti và tội lỗi: Những biểu hiện này thường tồi tệ hơn rất nhiều khi bệnh trầm cảm tiến triển nặng. Bệnh nhân thường tự đánh giá thấp bản thân, tự trách và phóng đại các lỗi lầm nhỏ của mình.
  • Lo âu: Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện lo âu là sự căng thẳng nội tâm, đánh trống ngực, cồn cào bao tử, mạch nhanh.
  • Ý tưởng tự sát: Trầm cảm nặng khiến người bệnh thường xuyên nghĩ về cái chết. Ban đầu là cảm thấy xung quanh sẽ tốt hơn nếu không có mình. Sau đó là lập kế hoạch tự sát.
  • Triệu chứng cơ thể: Có thể là đau đầu, chuột rút, đau lưng, buồn nôn, đau ngực, thở nhanh, thở sâu,…
  • Loạn thần: Đề cập đến các triệu chứng hoang tưởng và ảo giác. Bệnh trầm cảm nặng có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và có nguy cơ tái phát cao hơn.

Sự nguy hiểm của bệnh trầm cảm nặng

Như đã đề cập, trầm cảm nặng là giai đoạn tiến triển nặng của bệnh trầm cảm. Do đó nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu không được điều trị nghiêm túc và kịp thời thì đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật trên toàn thế giới.

Trầm cảm nặng có thể gây suy giảm chức năng nghiêm trọng. Hơn nữa còn ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa con người với nhau và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

sự nguy hiểm của bệnh trầm cảm nặng
Rất nhiều người bệnh trầm cảm nặng có ý định tự tử và tìm đến hành vi tự sát

Các biến chứng nguy hại của MDD có thể bao gồm:

  • Những người bị MDD có nguy cơ cao phát triển các rối loạn lo âu và rối loạn sử dụng chất kích thích đi kèm. Điều này sẽ làm tăng hơn nữa nguy cơ tự tử.
  • Trầm cảm nặng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Những người bị MDD có nguy cơ cao phát triển các hành vi tự hủy hoại bản thân như một cơ chế đối phó.
  • MDD khiến cho cơ thể người bệnh suy nhược và kiệt quệ nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 2/3 số người mắc chứng MDD có ý định tự tử, khoảng 10 – 15% trong số này tìm đến hành vi tự sát.

MDD là một bệnh rối loạn tâm thần mãn tính và rất dễ tái phát. Tỷ lệ tái phát khoảng 50% sau đợt 1, 70% sau đợt 2 và lên đến 90% sau đợt 3. Khoảng 5 – 10% bệnh nhân MDD cuối cùng sẽ phát triển chứng rối loạn lưỡng cực.

Tiên lượng của MDD được đánh giá là tốt ở những bệnh nhân không có triệu chứng loạn thần, tuân thủ điều trị, hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ và đáp ứng trước bệnh tốt. Tiên lượng xấu khi có rối loạn tâm thần đi kèm, nhập viện nhiều lần và tuổi khởi phát cao.

Các hướng điều trị bệnh trầm cảm nặng

Đối với chứng trầm cảm nhẹ và vừa thì việc thay đổi lối sống và tâm lý trị liệu có thể giúp giải quyết triệt để triệu chứng mà không cần sử dụng đến thuốc. Tuy nhiên nếu bệnh trầm cảm đã tiến triển nặng thì việc điều trị thường gặp rất nhiều khó khăn.

Với bệnh trầm cảm nặng, nhiều phương pháp khác nhau sẽ được kết hợp để giúp người bệnh sớm có cải thiện hiệu quả. Các phương pháp được đề cập có thể bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu (liệu pháp nói chuyện) là lựa chọn điều trị ưu tiên cho bệnh trầm cảm ở bất cứ giai đoạn nào, bao gồm cả nhẹ, vừa và nặng. Phương pháp này liên quan đến việc gặp gỡ chuyên gia tâm lý thường xuyên để nói chuyện về tình trạng của người bệnh và các vấn đề liên quan.

điều trị trầm cảm nặng
Tâm lý trị liệu là phương pháp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị trầm cảm nặng

Tâm lý trị liệu sẽ giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực. Thay vào đó là luôn hướng đến những điều tích cực. Ngoài ra, bạn còn được cung cấp kỹ năng để đối phó lành mạnh với những tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống.

Có rất nhiều liệu pháp tâm lý trị liệu được áp dụng trong điều trị các bệnh rối loạn tâm thần. Riêng với chứng trầm cảm nặng, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp giữa các cá nhân, liệu pháp tâm động học hoặc trị liệu nhóm.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc chống trầm cảm là phương pháp điều trị được ưu tiên trong các trường hợp bị trầm cảm nặng. Việc dùng thuốc sẽ giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Từ đó hạn chế ảnh hưởng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Các thuốc được bác sĩ kê toa có thể bao gồm:

  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs)
  • Các chất ức chế oxy hóa monoamine (MAOIs)
  • Thuốc chống trầm cảm không điển hình
  • Thuốc chống trầm cảm mới Esketamine (Spravato)
  • Thuốc ổn định tâm trạng
  • Thuốc loạn thần

Dùng thuốc có thể giúp làm giảm triệu chứng trầm cảm nặng. Tuy nhiên, nó không thể giải quyết được các vấn đề về cơ bản. Và đây hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài.

Hơn nữa, thuốc chống trầm cảm còn đi kèm với các tác dụng phụ và lo ngại về an toàn với sức khỏe. Cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đảm bảo dùng đúng liều và tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột.

3. Liệu pháp chống co giật (ECT)

Liệu pháp chống co giật (ECT) hay còn được gọi là liệu pháp sốc điện. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến đối với bệnh trầm cảm nặng. Nhất là trong trường hợp người bệnh đã áp dụng các phương pháp khác nhưng không đáp ứng.

điều trị trầm cảm nặng
Liệu pháp sốc điện có thể được cân nhắc áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm nặng

Số liệu thống kê cho thấy, liệu pháp chống co giật (ECT) có tác dụng cho gần 75% bệnh nhân bị trầm cảm nặng, hưng cảm, tâm thần hay kích động liên tục không thể tự chăm sóc bản thân và phải nhập viện.

Tuy nhiên, tác dụng của ECT sẽ có xu hướng hạn chế dần theo thời gian. Do đó người bệnh vẫn cần sử dụng thuốc và các phương pháp kết hợp khác để kiểm soát bệnh tốt hơn.

ECT có thể gây ra các rủi ro cho sức khỏe. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm: mất trí nhớ tạm thời, đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, rối loạn huyết áp, nhịp tim nhanh, bối rối tạm thời,…

4. Kích thích từ xuyên sọ (TMS)

Nếu bạn bị trầm cảm nặng đã kháng trị liệu tâm lý và thuốc men thì kích thích từ xuyên sọ (TMS) có thể được cân nhắc. Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, hướng các xung năng lượng từ trường vào vùng não có liên quan tới tâm trạng.

Quá trình áp dụng phương pháp điều trị này sẽ không gây đau đớn cho người bệnh. Nó có thể kích thích các tế bào thần kinh cải thiện giao tiếp giữa các phần khác nhau của não. Từ đó giảm bớt triệu chứng bệnh trầm cảm.

Mặc dù TMS có thể cải thiện triệu chứng trầm cảm nặng nhưng không có nghĩa là phương pháp này sẽ giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nó sẽ cung cấp cải thiện về năng lượng và động lực để bạn tiếp tục kế hoạch điều trị của mình.

Hiện nay, ngoài được dùng điều trị trầm cảm nặng thì TMS còn được áp dụng cho một số bệnh tâm thần khác. Chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn phổ tự kỷ, stress sau chấn thương, tâm thần phân liệt hay rối loạn ăn uống.

phương pháp điều trị trầm cảm nặng
Kích thích từ xuyên sọ là phương pháp được cân nhắc với bệnh trầm cảm nặng kháng trị

TMS chống chỉ định với các bệnh động kinh hay co giật khác. Ngoài ra người có cấy ghép kim loại trong hộp sọ, phụ nữ mang thai hay muốn có thai, người nghiện ma túy cũng không được áp dụng phương pháp điều trị này.

5. Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS)

Kích thích dây thần kinh phế vị (VNS) đã được FDA chấp thuận như một phương pháp điều trị bổ trợ lâu dài cho bệnh trầm cảm nặng kháng trị. Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân đã thất bại ít nhất 4 lần thử điều trị bằng thuốc.

VNS sử dụng một thiết bị giống như máy tạo nhịp tim và được cấy ghép vào trong cơ thể thông qua phẫu thuật. Dòng điện trong loại máy này sẽ giúp kích thích dây thần kinh truyền tín hiệu lên cổ và vào não. Từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm hiệu quả hơn.

6. Điều chỉnh lối sống

Thay đổi lối sống được cho là công cụ đơn giản, đóng vai trò rất quan trọng đối với kế hoạch điều trị bệnh trầm cảm nặng. Ngay cả khi bạn đang thực hiện các phương pháp điều trị khác thì thay đổi lối sống cũng là rất cần thiết.

Việc điều chỉnh lối sống phù hợp sẽ giúp bạn đẩy lùi chứng trầm cảm nhanh chóng hơn. Đồng thời ngăn không cho nó quay trở lại trong tương lai.

cách chữa trầm cảm nặng
Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng với kế hoạch điều trị bệnh trầm cảm nặng

Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm:

  • Hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên mang lại hiệu quả tốt với điều trị bệnh trầm cảm nặng. Tập thể dục làm tăng serotonin, endorphin và các chất hóa học khác tạo cảm giác tốt cho não. Bạn nên duy trì hoạt động thể chất khoảng 30 – 60 phút trong hầu hết các ngày.
  • Hỗ trợ xã hội: Hỗ trợ xã hội mạnh mẽ có thể làm giảm sự cô lập. Bạn nên giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè. Ngoài ra, có thể tham gia một lớp học hay một câu lạc bộ khi có thời gian. Tình nguyện cũng là một cách tuyệt vời để bạn có được sự kết nối xã hội tốt hơn.
  • Dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ rất quan trọng với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Đặc biệt là với những người đang mắc chứng trầm cảm nặng. Ăn nhiều bữa nhỏ và cân bằng trong ngày sẽ giúp duy trì năng lượng và giảm thiểu tâm trạng thất thường. Chú ý bổ sung các thực phẩm như rau củ quả tươi, protein lành mạnh và carbohydrate phức hợp.
  • Ngủ: Giấc ngủ có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tâm trạng. Khi bạn không được ngủ đủ giấc thì triệu chứng trầm cảm sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thiếu ngủ làm trầm trọng thêm tình trạng buồn bã, ủ rũ, cáu kỉnh và mệt mỏi. Cần đảm bảo rằng bạn ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
  • Kiểm soát căng thẳng: Quá nhiều căng thẳng có thể khiến bệnh trầm cảm nặng hơn. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ tái phát chứng bệnh này trong tương lai. Cố gắng tìm cách giải quyết các vấn đề gây căng thẳng. Nên dành thời gian nghỉ ngơi thay vì làm việc quá nhiều.

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Trầm cảm nặng có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bạn cần cố gắng và kiên trì với kế hoạch điều trị mà bác sĩ chỉ định. Thêm vào đó, việc kết hợp điều chỉnh lối sống lành mạnh là rất cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *