Hiện tượng tâm lý Déjà vu là gì? Giải mã bí mật phía sau

Bạn đã từng có cảm giác gặp một ai đó rất quen nhưng không thể nhớ ra là đã gặp ở đâu hay đã từng chứng kiến một sự việc khiến bạn chắc chắn rằng mình đã trải qua hay nhìn thấy một lúc nào đó nhưng lại chẳng thể lục tìm được trong ký ức. Đó có thể chính là hiện tượng tâm lý Déjà vu – một trong những vấn đề khiến các nhà khoa học, nhà tâm lý vô cùng nhức đầu khi nghiên cứu.

Hiện tượng tâm lý Déjà vu
Hiện tượng tâm lý Déjà vu là cảm giác nhìn nhận một sự kiện, tình huống vô cùng quen thuộc như đã từng trải qua nhưng không thể lục tìm được trong quá khứ

Hiện tượng tâm lý Déjà vu là gì?

Déjà vu ( theo phiên âm tiếng anh là /deɪʒɑ vu/ và phiên âm tiếng Pháp [deʒa vy] có nghĩa là “đã thấy” hay đã từng xảy ra. Theo tiếng Hy Lạp, hiện tượng này được phiên âm kết hợp giữa παρα (para), kết hợp với từ μνήμη “mnēmē” là nghĩa là “memory – trí nhớ, ký ức”. Do đó Déjà vu còn được gọi là ký ức ảo giác promnesia hay chứng rối loạn trí nhớ.

Trước đây thuật ngữ này được dùng với rất nhiều khái niệm như Deja vecu (đã từng trải qua) ; Deja Senti (đã từng nhớ đến) và Deja Visite (đã từng đi qua). Mãi cho đến năm 1867, nhà tâm linh học người Pháp Émile Boirac (1851–1917) – một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này mới chính thức đặt tên lại là hiện tượng tâm lý Déjà vu trong cuốn sách  L’Avenir des sciences psychiques (“Tương Lai của Ngành khoa học Tâm linh”) được ra đời khi ông còn ngồi trên giảng đường Đại học.

Hiểu một cách đơn giản nhất, Déjà vu là cảm giác quen thuộc, có cảm giác dường như đã thực sự trải qua hoặc đã từng mơ thấy ở một người trước các sự kiện, vấn đề, người lạ. Các cảm xúc quen thuộc đó vô cùng chân thật khiến người đó chắc chắn đã diễn ra trong quá khứ nhưng không thể nào nhớ ra được mình đã gặp ở đâu, vào thời điểm nào, là thực hay mơ.

Phân loại hiện tượng tâm lý Déjà vu

Déjà vu là một trong những hiện tượng tâm lý khiến các nhà khoa học vô cùng đau đầu vì nó chứa rất nhiều điều bí ẩn cho dù nó diễn ra cực kỳ nhanh, thường chỉ từ 10- 20s. Đến thế kỷ XX, hiện tượng này được nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực tâm lý học và thần kinh học. Hiện có hai dạng Déjà vu như sau

  • Déjà vu sinh học: Hiện tượng này sẽ được coi là bệnh nếu xuất hiện kéo dài, thường xuyên và kèm theo các triệu chứng bất thường như ảo giác, hoang tưởng.. đây có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần, điển hình nhất là thường liên quan đến động kinh.
  • Déjà vu liên tưởng: Tình trạng này thường xuất hiện ở những người khỏe mạnh, tuy nhiên diễn ra không thường xuyên và cũng không quá nghiêm trọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra tuổi càng lớn hiện tượng này sẽ càng ít gặp lại.

Thực tế hầu như ai cũng từng ít ra một lần trải qua hiện tượng tâm lý Déjà vu, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên vì nó xảy ra quá ít nên chúng ta thường bỏ qua nó và đổi lỗi cho trí nhớ gặp vấn đề, khả năng ghi nhớ kém nên mới xảy ra những nhầm lẫn như vậy.

Nguyên nhân của hiện tượng tâm lý Déjà vu

Có rất nhiều các nghiên cứu và giả thuyết được đưa ra để lý giải về nguyên nhân xảy ra hiện tượng tâm lý Déjà vu, bao gồm cả các yếu tố mang tính tâm linh học hay khoa học. Mỗi lý giải đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đem đến cho bạn nhiều hiểu biết thú vị hơn về hiện tượng tâm lý này.

1. Lý giải Déjà vu về mặt khoa học

Theo các nghiên cứu khoa học, hiện tượng tâm lý Déjà vu xảy ra do có liên quan đến các hoạt động bất thường của não bộ và các nơron thần kinh. Một số yếu tố nguy cơ dễ khiến bạn rơi vào trạng thái này như căng thẳng, đi du lịch thường xuyên, việc lạm dụng các loại thuốc, người trẻ tuổi, nữ giới và những người có đời sống tốt. Cụ thể, các giả thuyết được nhiều người công nhận nhất bao gồm

Hiện tượng tâm lý Déjà vu
Các lý giải khoa học cho rằng Déjà vu có liên quan đến sự hoạt động bất thường của hệ thần kinh

– Thuyết xử lý kép:

Thuyết xử lý kép xử lý song song ( Dual Processing) được đưa ra sau cuộc nghiên cứu thử nghiệm của bác sĩ Robert Efron sau khi thực hiện tại bệnh viện Veterans Hospital. Theo đó theo bác sĩ, một thông tin cần được truyền tải qua rất nhiều con đường trước khi dung nạp vào não. Việc quá trình này không được đồng bộ làm quá trình xử lý thông tin lâu hơn sẽ khiến não bộ đưa thông tin thành một sự kiện riêng và trở thành một dạng ký ức.

Bác sĩ cũng đã chỉ ra bên trong não trái có một phần chính là tuyến được đi của thông tin đến não bộ, chịu trách nhiệm phân loại thông tin và có tốc độ trì hoãn khoảng một triệu million giây. Quy trình này sẽ được lặp lại khi thông tin đi đến não phải. Nếu một noron nào đó trì hoãn quá tốc độ cho phép thì hiện tượng tâm lý Déjà Vu sẽ xuất hiện.

Chẳng hạn khi bạn mua đồ ăn và nhân viên vô tình làm rơi cốc nước của bạn. Não bộ của bạn lúc này đồng thời sẽ nhìn nhận và xử lý các thông tin như biểu cảm của nhân viên, mùi đồ ăn, giật mình, bối rối, cảm xúc của những người xung quanh.. Các sự kiện này diễn ra cực kỳ nhanh nên nếu có một cơ quan nào xử lý các thông tin chậm hơn sẽ bị phân tách ra, khiến bạn cứ có cảm giác như đã trải qua hay đã nhìn thấy biểu cảm này ở quá khứ.

– Thuyết phân chia nhận thức:

Thuyết phân tán nhận thức hay còn được gọi là thuyết điện thoại di động (Divided Attention – The Cellphone Theory) được nghiên cứu bởi Alan Brown. Các nghiên cứu của ông và đồng nghiệp Elizabeth Marsh  được thực hiện trên các sinh viên đại học tại  Đại học Duke và SMU.

Cụ thể, với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cho các sinh viên coi các hình ảnh trình chiếu về các hình ảnh về nhiều nơi khác nhau đồng thời yêu cầu họ đánh giá quen thuộc về các địa điểm này. Trước đó các bức ảnh này thường được chiếu tốc độ cực kỳ nhanh, thường chỉ 10 đến 20 phần nghìn giây, đủ để não bộ nhận thức các thông tin này nhưng không đủ để người đó có thể nhận ra. Kết quả cho thấy những bức hình đã được trình chiếu trước đó dù chỉ thoáng qua nhưng vẫn có độ quen thuộc cao hơn những bức ảnh chưa được nhìn thấy.

Một số nghiên cứu khác cũng được thực hiện nhưng thay thế hình ảnh bằng từ ngữ bởi các nhà khoa học khác cũng đều cho ra kết quả tương tự. Do đó giả thuyết Divided Attention cho rằng hiện tượng tâm lý Déjà vu xảy ra bởi cho dù chúng ta đang tập trung vào sự kiện này và xao nhãng sự việc khác nhưng não bộ vẫn ghi nhận nó vào trong tiềm thức nên khi nhìn thấy thông tin này xuất hiện trở lại thì chúng ta vẫn vô tình cảm nhận nó thật quen thuộc.

– Thuyết biểu tượng Hologram:

Thuyết biểu tượng Hologram được đề xuất bởi nhà tâm thần học người Hà Lan – Hermon Sno. Theo đó, nhà khoa học này cho rằng hiện tượng tâm lý Déjà vu có liên quan đến các nhầm lẫn trong quá khứ hoặc hình ảnh ba chiều được tạo nên từ những mảnh vụn tàn dư từ những ký ức của quá khứ. Có nghĩa là khi các hình ảnh, sự kiện ở hiện tại có nét tương đồng nào đó với các sự kiện từ quá khứ, dù là rất nhỏ như âm thanh hay mùi vị cũng có thể khiến não bộ mơ hồi liên kết, tái tạo lại bức tranh ở quá khứ nên khiến chúng ta có cảm giác quen thuộc nhưng lại không rõ ở đâu.

Nhiều nhà khoa học cũng đã thực hiện các nghiên cứu và đồng ý với kết luận rằng chỉ với một cảm giác quen thuộc nhỏ giống với bất kỳ đặc tính nào của môi trường cũng có thể tạo nên déjà vu. Chẳng hạn bạn ngồi lên một chiếc xe cổ và cứ chắc chắn rằng mình đã lái nó rồi dù không nhớ chính xác là khi nào. Thực tế có thể là hồi nhỏ bạn đã được ông cho đi trên chiếc xe này, dù không giống về ngoại hình như âm thanh lại hoàn toàn tương tự nên mới có cảm giác này.

– Liên quan đến bệnh động kinh:

Mối liên hệ giữa hiện tượng tâm lý Déjà vu và chứng động kinh cũng là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học quan tâm từ thế kỷ 19. Theo đó, phần thùy trái thái dương với chức năng cảm nhận giác quan, ghi nhớ và hình thành ngôn ngữ chính là căn nguyên của chứng Déjà sinh học. Người bị động kinh sẽ khiến cho các noron thần kinh ức chế tạm thời và khiến não bộ có những thông điệp lộn xộn đi tới não bộ.

Cụ thể hiện tượng Déjà vu ở bệnh nhân động kinh chính là kết quả của quá trình phóng điện nhất thời của dây thần kinh hoặc sự chồng chéo của các dây thần kinh.

 2. Déjà vu và tâm linh học

Như đã nói, không ít người cảm thấy hiện tượng tâm lý Déjà vu có liên quan đến sự tiên tri, mang tính tâm linh, tiềm thức. Nhiều nhà khoa học cho rằng Déjà vu và tiên tri là hai mặt hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người cũng cho rằng  tiên tri chính là quá trình sự tổng hợp của nhiều trải nghiệm Deja Vu. Cụ thể nhà khoa học J.W.Dunne cũng đã thực hiện nghiên cứu vào  năm 1939, kết quả cho thấy có đến 12.7% những giấc mơ của các đối tượng có những điểm giống với sự kiện diễn ra trong tương lai. Điều này được gọi là Hiện tượng Deja Rev với những bí hiếm gấp bội lần.

Hiện tượng tâm lý Déjà vu
Mối tương qua tiền kiếp được cho là có liên quan đến Déjà vu về mặt tâm linh

Mặt khác cô Phạm Thị Yến – Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng – Tập Tu Lục Hòa cũng lý giải hiện tượng tâm lý Déjà vu theo hướng Phật Giáo là “hiện tượng trong tiền kiếp, chúng ta đã làm việc này ở nơi có khung cảnh như vậy, cho nên đến bây giờ, chúng ta thấy quen thuộc, thân thiết và gần gũi đối với mình”.

Tâm thức của mỗi người có khả năng ghi nhớ tất cả và được đánh thức lại khi tái sinh. Do đó khi bạn nhìn thấy một cảnh tượng quen thuộc nhưng lại không nhớ đã gặp ở đâu, diễn ra trong tình huống như thế nào thì có thể chúng ta đang gặp lại khung cảnh ở tiền kiếp, nhờ sắc tâm hoan hỉ nên chúng ta biết được điều này. Người Phật tử hoàn toàn có thể tận dụng Déjà vu để tu tập Phật Pháp và tìm được lợi ích từ đây.

Giải thích hiện tượng tâm lý Déjà vu và những giấc mơ

Trong nhiều trường hợp, những giấc mơ cũng có thể được dùng để giải thích về hiện tượng tâm lý Déjà vu. Điều này được giải thích theo 3 khía cạnh khác nhau, cụ thể như sau:

  • Thứ nhất: Trên thực tế, một số trải nghiệm về Déjà vu trùng lặp với những tình huống ở trong mơ thay vì tình trạng thức giấc. Một khảo sát được thực hiện vào năm 2004 chỉ ra rằng, có đến 20% số người được hỏi cho biết họ trải nghiệm Déjà vu từ những giấc mơ. Bên cạnh đó, có đến 49% người được hỏi cho câu trả lời là họ trải nghiệm Déjà vu từ cả thực tế và trong giấc mơ.
  • Thứ hai: Mọi người có thể trải nghiệm hiện tượng Déjà vu trong mơ do một số yếu tố trong giấc mơ của họ được ghi nhớ lại và đã được hiển thị. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2006 đã phát hiện ra mối tương quan mật thiết giữa những giấc mơ được nhớ và sự trải nghiệm hiện tượng Déjà vu.
  • Thứ ba: Thực tế đã ghi nhận, một số người có thể trải nghiệm hiện tượng Déjà vu trong trạng thái mơ. Điều này có thể phần nào thể hiện được mối liên kết giữa tần suất mơ và hiện tượng tâm lý Déjà vu.

Nên làm gì khi gặp hiện tượng tâm lý Déjà vu

Một số nghiên cứu cho rằng hiện tượng tâm lý Déjà vu đôi khi là dấu hiệu của một cơn đột quỵ hoặc có liên quan đến biểu hiện của rối loạn lo âu, tuy nhện thực tế các trường hợp này thường khá hiếm. Có đến gần 80% người từng rơi vào trạng thái này nhưng đều bỏ qua nó hoặc có chăng chúng ta cũng chỉ suy nghĩ một chút, không hề ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe hay chất lượng cuộc sống hằng ngày.

Hiện tượng tâm lý Déjà vu
Hít thở sâu và chăm sóc cho bản thân nhiều hơn sẽ giúp bạn hạn chế được trạng thái này

Dù vậy thì ở những người có tâm lý yếu hay có xu hướng suy nghĩ quá nhiều thì khi trải qua hiện tượng tâm lý Déjà vu cũng có thể cảm thấy lo lắng, băn khoăn, suy nghĩ. Do đó bạn có thể áp dụng các cách sau để cải thiện tình trạng này

  • Hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh nhanh chóng. Hiện tượng tâm lý Déjà vu hầu hết chỉ diễn ra trong khoảng 10- 30s và thực tế cảm giác rằng sự kiện đó thật quen thuộc cũng diễn ra rất nhanh, và cũng chẳng có gì quá đáng sợ.
  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc bởi việc thiếu ngủ hay quá stress căng thẳng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến các noron thần kinh của bạn hoạt động kém hiệu quả
  •  Một vài nghiên cứu cũng cho rằng hiện tượng tâm lý Déjà vu thường xảy ra ở những người có trí nhớ tốt, vì vậy sao bạn không nhân dịp này để rèn luyện trí nhớ của mình?
  • Nếu đang dùng các loại thuốc nào đó, đặc biệt là các nhóm thuốc có tác dụng an thần khiến hiện tượng này diễn ra thường xuyên hơn, bạn có thể trao đổi lại với bác sĩ
  • Hạn chế dùng đồ uống có cồn, chất kích thích, thuốc lá vì điều này đều có thể ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của hệ thống thần kinh
  • Chia sẻ trải nghiệm này với người thân, bạn bè vì biết đâu họ cũng đã từng trải qua cảm giác tương tự
  • Viết lại nhật ký khi cảm thấy đã từng gặp các trải nghiệm này hoặc sau các giấc mơ vừa tỉnh để lưu giữ lại những ký ức và xem xét tần suất xuất hiện của Déjà vu

Thực tế dù đã được nghiên cứu suốt cả thế kỷ qua nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định được chính xác về nguồn gốc hay cách xử lý hiện tượng tâm lý Déjà vu. Dù vậy tình trạng này không quá nguy hiểm, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người quá nhiều nên hãy cứ giữ tâm lý thoải mái để đón nhận mà thôi.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *