Nhận biết rối loạn tâm thần sau sinh và hướng điều trị

Rối loạn tâm thần sau sinh thường có liên quan đến sự thay đổi hormone, tiền sử gia đình, di truyền và sang chấn tâm lý. Điều trị sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dạng rối loạn tâm thần và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.

rối loạn tâm thần sau sinh
Rối loạn tâm thần gặp nhiều ở thời kỳ mang thai và sau sinh do sự thay đổi của tâm sinh lý

Rối loạn tâm thần sau sinh là gì?

Rối loạn tâm thần là thuật ngữ đề cập đến tất cả những vấn đề bất thường có liên quan đến sức khỏe tâm thần. Trước đây, các bệnh tâm thần không được quan tâm nhiều như hiện tại do tỷ lệ mắc bệnh thấp và chưa được nghiên cứu nhiều. Hiện nay, rối loạn tâm thần đã được quan tâm nhiều hơn – đặc biệt là ở những đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và sau khi sinh nở.

Rối loạn tâm thần sau sinh được nhắc đến lần đầu tiên bởi thầy thuốc Hippocrates nhưng không được chú ý. Mãi cho đến những năm 1700 – 1800, bệnh lý này mới được nhắc đến trong các y văn của Pháp và Đức. Quá trình nghiên cứu về rối loạn tâm thần sau sinh mất rất nhiều thời gian và có không ít tranh cãi. May mắn thay giờ đây, sản phụ mắc bệnh đã có thể chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện nhờ sự phát triển của y học.

Các chuyên gia cho biết, 3 tháng đầu sau khi sinh nở là giai đoạn dễ mắc các rối loạn tâm thần. Lúc này, thể trạng của sản phụ chưa hồi phục hoàn toàn nên sức chống đỡ với stress là rất kém. Nếu không có sự nâng đỡ về mặt tinh thần từ gia đình và liên tục phải chịu đả kích, tổn thương tâm lý là điều không thể tránh khỏi.

Các rối loạn tâm thần sau sinh và cách nhận biết

Rối loạn tâm thần sau sinh được chia thành 3 loại chính là hội chứng Baby Blues (Postpartum Blue), trầm cảm sau sinh (Nonpsychotic Postpartum Depression) và loạn thần sau sinh (Puerperal Psychosis). Các bệnh lý này có biểu hiện khá giống nhau nên rất dễ bị nhầm lẫn.

Trang bị kiến thức về rối loạn tâm sau sinh sẽ giúp bản thân bệnh nhân và gia đình kịp thời phát hiện, điều trị sớm. Trên thực tế, triệu chứng cũng sẽ có sự khác biệt tùy theo từng trường hợp và thời gian bệnh tiến triển.

Các rối loạn tâm thần sau sinh thường gặp và cách nhận biết:

1. Hội chứng Baby Blues

Hội chứng Baby Blues là một trong những vấn đề tâm lý phổ biến ở mẹ sau sinh. Hội chứng này gặp ở 30 – 85% sản phụ và đa phần đều khởi phát triệu chứng ngay trong tuần đầu tiên. Triệu chứng điển hình của hội chứng Baby Blues là lo âu, mất ngủ, dễ khó và cảm xúc dao động mạnh.

rối loạn tâm thần sau sinh
Hội chứng Baby Blues là dạng rối loạn tâm thần sau sinh có mức độ nhẹ và không đáng lo ngại

Các triệu chứng nhận biết hội chứng Baby Blues:

  • Cảm xúc không ổn định, dễ cáu gắt và tức giận
  • Lo lắng đến sức khỏe và tương lai của trẻ sơ sinh
  • Bận tâm quá mức về ngoại hình và cơ thể
  • Có cảm giác mơ hồ, trở nên khép kín và ít giao tiếp hơn

Hội chứng Baby Blues có liên quan đến rối loạn nội tiết tố và những khó khăn trong quá trình thích nghi với vai trò mới. Hội chứng này có mức độ khá nhẹ và đa phần đều thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tình trạng kéo dài, sau đó phát triển thành các rối loạn tâm thần sau sinh khác.

2. Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là một trong những rối loạn tâm thần sau sinh thường gặp với tỷ lệ 10 – 15%. Khác với hội chứng Baby Blues, trầm cảm có tiến triển chậm và triệu chứng khá mờ nhạt trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng của bệnh bắt đầu trong 2 – 3 tháng đầu sau khi sinh nở và tiến triển nặng dần theo thời gian. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là khí sắc giảm thấp, trầm buồn, mất ngủ và lo âu quá mức.

rối loạn tâm thần sau sinh
Trầm cảm sau sinh là dạng rối loạn tâm thần sau sinh phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh từ 10 – 15%

Các dấu hiệu đặc trưng của trầm cảm sau sinh:

  • Khí sắc buồn bã, khuôn mặt biểu lộ rõ sự u uất và đau khổ
  • Bi quan, tiêu cực về tương lai
  • Lo lắng quá mức về sức khỏe của bản thân và đứa trẻ
  • Mất hoàn toàn các cảm xúc tích cực ngay cả khi cuộc sống vô cùng thuận lợi và có nhiều niềm vui.
  • Về lâu dài, bệnh nhân mất hoàn toàn niềm vui và sự quan tâm trong cuộc sống.
  • Ngoài những bất thường về khí sắc, trầm cảm sau sinh còn có một số biểu hiện khác như đi lại chậm chạp, ít vận động, có thói quen nằm hoặc ngồi im lìm trong nhiều giờ liền, giọng nói nhỏ, thều thào, tư duy chậm chạp,…
  • Trầm cảm sau sinh còn đặc trưng bởi những triệu chứng thể chất như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, đau đầu,…

Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh phức tạp hơn rất nhiều so với hội chứng Baby Blues. Bệnh có tiến triển dai dẳng và mãn tính, dễ tái phát trong lần sinh nở tiếp theo. Trầm cảm cần được điều trị sớm để phòng ngừa biến chứng – đặc biệt là hành vi tự sát, các hành vi tự hủy hoại bản thân và trẻ sơ sinh.

3. Loạn thần sau sinh

Loạn thần sau sinh là dạng rối loạn tâm thần sau sinh nặng với tỷ lệ mắc bệnh từ 0.1 – 0.2%. Đặc điểm của bệnh lý này là triệu chứng khởi phát đột ngột, dễ nhận biết và thường xuất hiện trong 2 – 4 tuần đầu sau khi sinh. Loạn thần sau sinh có triệu chứng đa dạng, khởi phát rầm rộ và dễ nhận biết.

Các dấu hiệu nhận biết loạn thần sau sinh:

  • Xuất hiện hoang tưởng, ảo ảnh, ảo thị và các ảo giác khác – thường xuất hiện ở dạng giấc mơ. Nội dung của ảo giác và hoang tưởng thường liên quan đến việc sinh nở chẳng hạn như hoang tưởng bị hại (đứa trẻ sẽ bị bắt cóc, bị ám sát, giết hại), hoang tưởng phủ nhận (phủ nhận giới tính của con, không công nhận con được sinh ra và phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của con).
  • Khí sắc không ổn định, thường dao động từ trạng thái sững sờ, mệt mỏi cho đến hưng cảm, phấn khích. Trong giai đoạn hỗn hợp, bệnh nhân có thể trở nên lo lắng quá mức.
  • Một số trường hợp trở nên kích động, gây hấn do ảo giác và hoang tưởng chi phối.
  • Giải thể nhân cách (có cảm giác bị tách rời với môi trường xung quanh hoặc có cảm giác tách rời khỏi chính tâm trí, cơ thể, cảm xúc của bản thân)
  • Hành vi vô tổ chức (hành vi kích động, kỳ lạ, một số người có các hành vi ngây ngô như trẻ con, không thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và không chú ý đến diện mạo)

Trước khi loạn thần khởi phát thường sẽ có biểu hiện của hội chứng Baby Blues hoặc rối loạn giấc ngủ ở dạng có ác mộng, kích động vào ban đêm. So với trầm cảm, tỷ lệ loạn thần ở phụ nữ sau sinh thấp hơn nhưng nguy hiểm hơn và tỷ lệ tái phát cao hơn.

Nguyên nhân gây rối loạn tâm thần sau sinh

Mang thai và sinh nở là những giai đoạn nhạy cảm với sự thay đổi rõ rệt về tâm sinh lý. Các chuyên gia cho rằng, tổn thương tâm lý đã bắt đầu trong thai kỳ, sau đó phát triển thành các rối loạn tâm thần sau sinh. Nguy cơ sẽ tăng lên nếu phải đối mặt với sang chấn và những khó khăn trong thời kỳ sau sinh nở.

Nguyên nhân chính xác gây rối loạn tâm thần sau sinh vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia ủng hộ giả thuyết bệnh là hệ quả do sự thay đổi của hormone, yếu tố di truyền và những yếu tố tâm lý xã hội.

Các nguyên nhân, yếu tố gây rối loạn tâm thần sau sinh:

1. Tiền sử bị rối loạn tâm thần

Đa số những sản phụ bị rối loạn tâm thần sau sinh đều có tiền sử mắc bệnh. Các chuyên gia nhận thấy, tỷ lệ tái phát trầm cảm sau sinh là 50% và loạn thần sau sinh là 70%. Ngoài ra, nguy cơ cũng tăng lên ở những người gặp phải các rối loạn tâm thần trong thai kỳ.

2. Rối loạn hormone

Rối loạn hormone sau sinh có vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của rối loạn tâm thần sau sinh. Sau 48 giờ kể từ khi sinh nở, hormone estrogen và progesterone sẽ giảm mạnh để tạo điều kiện cho việc sản xuất hormone prolactin. Những thay đổi này sẽ vô tình tạo điều kiện cho các rối loạn tâm thần phát triển.

rối loạn tâm thần sau sinh
Thay đổi về hormone ở giai đoạn sau sinh là yếu tố làm gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần
  • Progesterone: Giảm progesterone sau khi sinh được cho là có liên quan đến các rối loạn tâm thần. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung hormone này có thể làm giảm các bất thường về cảm xúc rõ rệt. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại không tìm thấy sự khác biệt rõ rệt giữa nồng độ hormone progesterone ở phụ nữ sau sinh bị trầm cảm và không trầm cảm.
  • Estrogen: Nồng độ estrogen giảm sau khi sinh nở chính là điều kiện thuận lợi làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh và hội chứng Baby Blues. Tuy nhiên, điều này không đủ để đưa ra kết luận cụ thể vì sự chênh lệch giữa sản phụ bị rối loạn tâm thần và sản phụ khỏe mạnh là không đáng kể. Dù vậy, hiện tượng giảm estrogen cũng sẽ ảnh hưởng đến nồng độ serotonin và các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.
  • Cortisol: Nồng độ cortisol tăng mạnh ở giai đoạn cuối thai kỳ và đạt đỉnh trong khi sinh nở. Ngay sau khi sinh, hormone sẽ giảm đột ngột và trở lại nồng độ như bình thường vào tháng sau. Việc thay đổi hormone đột ngột được cho là yếu tố gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần sau sinh.
  • Hormone tuyến giáp: Ngoài những hormone trên, hormone tuyến giáp cũng có sự thay đổi sau khi sinh nở. Cụ thể, nồng độ thyroxine sụt giảm đáng kể trong thai kỳ và sau sinh. Sự sụt giảm của hormone này cùng với một số hormone khác chính là yếu tố làm gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần sau sinh nở.

3. Một số nguyên nhân, yếu tố khác

Ngoài những nguyên nhân đã được đề cập, rối loạn tâm thần sau sinh còn có liên quan đến những yếu tố sau:

  • Tiền sử gia đình
  • Đối mặt với các biến chứng sản khoa như thai chết lưu, mổ bắt con,…
  • Mang thai khi tuổi còn quá nhỏ, chưa có sự chuẩn bị về tài chính và tâm lý
  • Tiền sử nghiện rượu, nghiện chất kích thích,…

Rối loạn tâm thần sau sinh có nguy hiểm không?

Rối loạn tâm thần sau sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thai phụ mà còn tác động đến trẻ sơ sinh và những thành viên khác trong gia đình. Mức độ nguy hiểm sẽ phụ thuộc vào dạng rối loạn tâm thần, triệu chứng cụ thể, thời gian tiến triển và khả năng đáp ứng với điều trị.

Những ảnh hưởng của rối loạn tâm thần sau sinh:

  • Trẻ sơ sinh không được chăm sóc tốt do bản thân mẹ bị ức chế về cảm xúc, tư duy hoặc bị chi phối bởi hoang tưởng, ảo giác
  • Có thể thực hiện các hành vi tự sát và giết hại đứa trẻ
  • Gia tăng mâu thuẫn trong các mối quan hệ
  • Tăng gánh nặng cho gia đình, đặc biệt là về tinh thần và tài chính
  • Tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở những lần sinh nở tiếp theo
  • Tăng tỷ lệ sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, thuốc lá,…

Những triệu chứng của rối loạn tâm thần sau sinh gây ra sự mệt mỏi đáng kể cho những thành viên trong gia đình. Nếu gia đình không thấu hiểu, nhiều khả năng sẽ không tránh khỏi mâu thuẫn và xung đột. Đây chính là tiền đề cho sự rạn nứt trong hôn nhân, đời sống gia đình nguội lạnh, thiếu tiếng cười.

Chẩn đoán rối loạn tâm thần sau sinh

Rối loạn tâm thần sau sinh được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ dựa vào một số yếu tố như tiền sử gia đình, bệnh lý để đánh giá mức độ bệnh và đưa ra tiên lượng.

Các kỹ thuật chẩn đoán rối loạn tâm thần sau sinh:

  • Chẩn đoán lâm sàng
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng
  • Trắc nghiệm tâm lý

Đối với những trường hợp loạn thần, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng cơ thể để chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên sâu nhằm loại trừ những khả năng có thể xảy ra. Đặc biệt, cần phải loại trừ những nguyên nhân thực thể như nhược giáp, thiếu vitamin B12, bệnh gangliosid và tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần sau sinh

Điều trị rối loạn tâm thần sau sinh phụ thuộc hoàn toàn vào dạng rối loạn tâm thần cụ thể. Ngoài ra, phác đồ cũng sẽ được cá nhân hóa tùy theo mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.

Các phương pháp điều trị rối loạn tâm thần sau sinh:

1. Hội chứng Baby Blues

Hội chứng Baby Blues thường có triệu chứng nhẹ và có thể tự phục hồi mà không cần điều trị. Để tránh những ảnh hưởng lâu dài, gia đình cần nâng đỡ tinh thần để phụ nữ sau sinh nhanh chóng thích nghi với vai trò mới. Ngoài ra, gia đình cũng nên hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ để bản thân mẹ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc cho bản thân.

rối loạn tâm thần sau sinh
Sự nâng đỡ của gia đình sẽ giúp phụ nữ sau sinh vượt qua hội chứng Baby Blues

Nhìn chung, hội chứng Baby Blues không đáng lo ngại. Sau khoảng 7 – 10 ngày, các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần, mẹ sau sinh có thể thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống và hoàn thành tốt vai trò làm mẹ.

Tuy nhiên, nếu hội chứng Baby Blues kéo dài trên 2 tuần, gia đình nên khuyến khích phụ nữ sau sinh thăm khám để được đánh giá kỹ hơn. Thăm khám kịp thời sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường, từ đó có phương án xử trí kịp thời nhằm ngăn chặn biến chứng.

2. Trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh cần được điều trị lâu dài để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát. Ở thời điểm sau khi sinh nở, giải pháp tối ưu là các biện pháp không dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có ý nghĩ và hành vi tự sát, việc dùng thuốc sẽ được cân nhắc vì lợi ích mang lại cao hơn so với rủi ro.

Các phương pháp điều trị trầm cảm sau khi sinh:

  • Liệu pháp tâm lý: Liệu pháp tâm lý là phương pháp được ưu tiên trong điều trị rối loạn tâm thần sau sinh. Trong đó, liệu pháp tập trung vào chính mình là phương pháp có hiệu quả nhất hiện nay. Phương pháp này tập trung mối quan hệ giữa bệnh nhân với chồng và con, từ đó xây dựng liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Ý thức về vai trò của bản thân với gia đình sẽ giúp bệnh nhân có động lực để hoàn thành vai trò làm mẹ.
  • Sử dụng thuốc: Lựa chọn ưu tiên khi điều trị trầm cảm sau sinh là Venlafaxine, Sertraline và Fluoxetin. Các loại thuốc này có khả năng dung nạp tốt và ít tác dụng phụ. Những trường hợp nặng có biểu hiện kích động và hoảng loạn sẽ được phối hợp thêm với thuốc an thần benzodiazepin (Lorazepam, Alprazolam).
  • Sốc điện (ECT): Trường hợp trầm cảm nặng có nguy cơ tự tử cao sẽ được chỉ định sốc điện (ECT). Phương pháp này an toàn với phụ nữ sau sinh và mang lại hiệu quả điều trị cao. Đối với những trường hợp trầm cảm nặng, bác sĩ thường sẽ yêu cầu cho bệnh nhân điều trị nội trú để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tình huống đáng tiếc.

Điều trị trầm cảm sau sinh phải được thực hiện lâu dài để phòng ngừa tình trạng tái phát. Do đó, gia đình cần chú ý những biểu hiện sau khi điều trị để phát hiện sớm tình trạng tái phát. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân giả vờ bản thân đã khỏi bệnh để dễ dàng thực hiện hành vi tự sát.

3. Loạn thần sau sinh

Loạn thần sau sinh là cấp cứu tâm thần cần được nhập viện trong thời gian sớm nhất. Bởi tỷ lệ bệnh nhân có hành vi giết con lên đến 4% – một con số không hề nhỏ và đặc biệt nguy cơ tự tử trong trường hợp này là rất cao.

Các phương pháp điều trị loạn thần sau sinh:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc điều hòa khí sắc
  • Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện là phương pháp được ưu tiên vì hiệu quả nhanh, dung nạp tốt và ít tác dụng phụ. Việc sử dụng thuốc sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để có thể hạn chế tối đa nguy cơ cho bản thân sản phụ và trẻ sơ sinh. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng thuốc chống loạn thần và điều hòa khí sắc có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi tự sát, gây hại cho trẻ sơ sinh.

Phòng ngừa rối loạn tâm thần sau khi sinh

Rối loạn tâm thần sau khi sinh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của sản phụ và trẻ sơ sinh. Do đó, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là trong trường hợp có tiền sử rối loạn tâm thần và tiền sử gia đình mắc bệnh.

rối loạn tâm thần sau sinh
Môi trường sống lành mạnh, vui vẻ sẽ giúp phụ nữ sau sinh tránh được các vấn đề về tâm lý, tâm thần

Các phương pháp phòng ngừa rối loạn tâm thần sau khi sinh:

  • Đối với những trường hợp có tiền sử loạn thần sau sinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Lithium vào tuần thứ 36 hoặc dùng trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Biện pháp này có thể hạn chế tối đa tỷ lệ tái phát, đồng thời giảm được mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh.
  • Tham gia các khóa học tiền sản để có sự chuẩn bị về tâm sinh lý và kiến thức chăm sóc trẻ. Điều này sẽ giúp mẹ nhanh chóng thích ứng với vai trò mới và học được cách cân bằng cảm xúc.
  • Gia đình cần cố gắng xây dựng môi trường sống lành mạnh để nâng đỡ tinh thần cho mẹ sau sinh. Hạn chế tối đa những yếu tố gây stress, đặc biệt là với những trường hợp phải đối mặt với các biến chứng sản khoa.
  • Những trường hợp có nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần sau sinh (tiền sử trầm cảm sau sinh, trầm cảm nặng tái diễn, trầm cảm khi mang thai, tiền sử loạn thần sau sinh, tiền sử rối loạn lưỡng cực,…) nên thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ tư vấn cách phòng ngừa.

Rối loạn tâm thần sau sinh là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ sản phụ có các hành vi tự hại và tự sát tăng lên. Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa hoàn toàn nhưng sự chăm sóc, hỗ trợ về mặt tinh thần từ gia đình sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *