Hội chứng sợ bị người khác nhìn mình: Biểu hiệu và cách vượt qua

Hội chứng sợ bị người khác nhìn (Scopophobia) đặc trưng bởi sự sợ hãi, lo lắng và bất an trước ánh nhìn của người khác. Hội chứng này hiếm khi là tình trạng riêng biệt mà thường có liên quan đến các rối loạn tâm lý, tâm thần khác.

sợ ánh nhìn của người khác
Hội chứng sợ ánh nhìn của người khác là một dạng rối loạn lo âu khá phổ biến

Hội chứng sợ bị người khác nhìn là gì?

Hội chứng sợ bị người khác nhìn (Scopophobia, Ophthalmophobia, Scoptophobia) là một dạng rối loạn lo âu đặc trưng bởi nỗi sợ và sự lo lắng khi bị người khác nhìn chằm chằm. Hội chứng này khác hẳn với cảm giác khó chịu và không thoải mái khi người khác có cái nhìn ác ý hoặc dùng ánh nhìn dò xét quan sát chúng ta. Sự lo lắng, sợ hãi khi người khác nhìn chằm chằm sẽ dẫn đến căng thẳng, lo âu và đôi khi phát triển thành các cơn hoảng loạn.

Giống như các rối loạn lo âu khác, nỗi sợ bị người khác nhìn thường không tương xứng so với tính chất của hoàn cảnh/ sự việc. Nỗi sợ này chi phối khiến bệnh nhân khó duy trì được hiệu suất lao động, học tập, sống khép kín và có xu hướng cách ly xã hội.

ads chuyên gia tâm lý bùi thị hải yến tư vấn ngay

Hội chứng sợ bị người khác nhìn ít khi xảy ra đơn độc mà thường là triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội hoặc các rối loạn khác. Giao tiếp bằng mắt là hoạt động không thể thiếu trong tương tác xã hội. Do đó, hội chứng này cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả lâu dài.

Biểu hiện của hội chứng sợ bị người khác nhìn

Hầu hết mọi người đều không thích bị người khác nhìn chằm chằm hay quan sát bằng ánh mắt thiếu thiện chí, dò xét. Tuy nhiên, giao tiếp bằng mắt là hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Thông qua ánh mắt, chúng ta có thể thấu hiểu của đối phương mà không cần lời nói.

Hội chứng sợ bị người khác nhìn gây ra sự sợ hãi và lo lắng thái quá trước ánh nhìn của người khác. Thậm chí, nhiều người nhận thấy bản thân có sự sợ hãi quá mức nhưng không biết cách kiểm soát và chế ngự.

sợ ánh nhìn của người khác
Người mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn cho rằng những người xung quanh luôn nhìn chằm chằm vào bản thân

Khác với sự khó chịu thông thường khi bị người khác nhìn chằm chằm, hội chứng sợ bị người khác nhìn gây ra các triệu chứng như sau:

  • Cảm thấy vô cùng khó chịu, căng thẳng, lo lắng và thậm chí là sợ hãi khi phải giao tiếp bằng mắt hoặc bị người khác nhìn chằm chằm.
  • Luôn có cảm giác những người xung quanh đang quan sát hoặc nhìn chằm chằm vào mình mặc dù thực tế không phải như vậy.
  • Một số người xuất hiện hoang tưởng về việc bị người khác nhìn chằm chằm, theo dõi và giám sát.
  • Luôn có cảm giác lo lắng khi trò chuyện, đặc biệt là với những người không thực sự thân thiết.
  • Tập trung cao độ khi bị người khác nhìn chằm chằm hoặc giao tiếp bằng mắt.
  • Sự lo lắng về việc bị người khác nhìn khiến bệnh nhân né tránh nhiều tình huống xã hội và có xu hướng sống khép kín, cách ly với mọi người.
  • Khi đối mặt với những hoàn cảnh bị người khác nhìn chằm chằm (thuyết trình, biểu diễn,…) bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, nghẹn cổ họng, đỏ mặt, đổ mồ hôi,… Thậm chí một số trường hợp trở nên hoảng loạn và mất kiểm soát do nỗi sợ quá lớn.

Hội chứng sợ bị người khác nhìn sẽ kéo dài trong ít nhất 6 tháng và gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Điều này khác hẳn với cảm giác khó chịu và căng thẳng thông thường.

Các rối loạn liên quan đến hội chứng sợ bị người khác nhìn

Như đã đề cập, hội chứng sợ bị người khác nhìn hiếm khi xảy ra đơn lẻ mà thường là một nhóm triệu chứng của các rối loạn tâm thần. Trong đó, phổ biến nhất là rối loạn lo âu xã hội. Ngoài ra, hội chứng này còn có thể là triệu chứng của rất nhiều rối loạn tâm thần khác.

hội chứng sợ bị người khác nhìn
Hội chứng sợ bị người khác nhìn thường gặp ở những người bị rối loạn lo âu xã hội

Các rối loạn có liên quan đến hội chứng sợ bị người khác nhìn bao gồm:

  • Rối loạn lo âu xã hội: Rối loạn lo âu xã hội là một dạng rối loạn lo âu phổ biến. Người mắc chứng bệnh này có nỗi sợ vô lý và dai dẳng về những tình huống xã hội như giao tiếp, nói chuyện điện thoại, gặp gỡ và sợ ánh nhìn của người khác. Thống kê cho thấy, đa phần những người mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn đều có những biểu hiện khác của rối loạn lo âu xã hội.
  • Tự kỷ: Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh khởi phát sớm trong những năm đầu đời. Người mắc chứng bệnh này khó tiếp thu được các tín hiệu xã hội nên thường không thể giao tiếp bằng mắt. Do đó, khi thấy người khác quan sát hoặc nhìn chằm chằm vào mình, họ có thể cảm thấy sợ hãi và căng thẳng vì cho rằng mình bị đe dọa.
  • Rối loạn hoảng sợ: Rối loạn hoảng sợ cũng là một dạng rối loạn lo âu thường gặp. Người mắc chứng bệnh này có thể bùng phát các cơn hoảng loạn ở những nơi công cộng mà không có yếu tố tác động hay triệu chứng báo trước. Trong cơn hoảng loạn, bệnh nhân thường có nỗi sợ về việc bị mất trí nhớ, sợ chết và sợ ánh nhìn chằm chằm của những người xung quanh.
  • Chứng động kinh: Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân động kinh thường trốn tránh xã hội vì cảm giác lo sợ sẽ lên cơn động kinh giữa đám đông. Dần dần, bệnh nhân có nỗi sợ bị người khác nhìn chằm chằm và trở nên nhạy cảm hơn với ánh nhìn của những người xung quanh.
  • Các rối loạn khí sắc: Hội chứng sợ bị người khác nhìn cũng có thể xuất hiện trong các rối loạn khí sắc như trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực. Người mắc chứng bệnh này thường có lòng tự trọng thấp, bi quan, tiêu cực và tự đánh giá thấp bản thân. Vì vậy, một số bệnh nhân sẽ trở nên sợ hãi và né tránh các tình huống xã hội vì sợ bị người khác dò xét, đánh giá.
  • Rối loạn ăn uống: Người bị rối loạn ăn uống thường có sự quan tâm quá mức về cân nặng, hình thể, vóc dáng và lo sợ mọi người sẽ chê cười khuyết điểm trên ngoại hình. Do đó, bệnh nhân thường không tự tin trong các tình huống xã hội. Về lâu dài, người bệnh sẽ sợ hãi khi nhìn thấy người khác đang quan sát và nhìn chằm chằm vào bản thân.
  • Rối loạn nhân cách: Hội chứng sợ bị người khác nhìn cũng có thể xuất hiện trong một số dạng rối loạn nhân cách như rối loạn nhân cách né tránh. Người mắc chứng bệnh này luôn né tránh các tương tác, tình huống xã hội và dĩ nhiên họ cũng sợ ánh nhìn chằm chằm từ người khác.
  • Rối loạn cơ thể: Người bị rối loạn cơ thể tin rằng bản thân bị dị tật và có những khiếm khuyết về cơ thể. Niềm tin sai lệch này khiến bệnh nhân tự ti và né tránh các tình huống xã hội. Họ có xu hướng sợ hãi, căng thẳng khi bị người khác nhìn vì cho rằng những người xung quanh đã phát hiện khiếm khuyết của bản thân và sẽ chê cười họ.
  • Các rối loạn khác: Hội chứng sợ bị người khác nhìn còn xuất hiện trong các rối loạn khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD),…

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ bị người khác nhìn

Các chuyên gia cho rằng, nỗi sợ bị người khác nhìn bắt nguồn từ sự sợ hãi và bất an tiềm ẩn. Điều này có thể xuất phát từ những quan niệm sai lầm hoặc trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Giống như những rối loạn lo âu khác, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân gây hội chứng sợ bị người khác nhìn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy hội chứng này có liên quan đến những yếu tố sau đây:

  • Di truyền từ gia đình
  • Tiền sử cá nhân mắc các rối loạn tâm thần
  • Từng trải qua những sự kiện tiêu cực liên quan đến tương tác xã hội, đặc biệt là giao tiếp hoặc đe dọa bằng ánh mắt
  • Những người sống trong môi trường không an toàn, thường xuyên phải đề phòng sẽ dần hình thành nỗi sợ khi người khác nhìn chằm chằm vào bản thân.

Ảnh hưởng của hội chứng sợ bị người khác nhìn

Hội chứng sợ bị người khác nhìn gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống chứ không đơn thuần là cảm giác khó chịu và căng thẳng khi bị những người xung quanh nhìn chằm chằm. Sự lo lắng và sợ hãi thái quá khiến bệnh nhân né tránh nhiều tình huống xã hội, sống khép kín và ít giao tiếp. Những người mắc hội chứng này thường lựa chọn công việc không phải giao tiếp hoặc những công việc có thể làm tại nhà.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, người bị hội chứng sợ bị người khác nhìn luôn cho rằng bản thân có ngoại hình và năng lực kém hơn so với mọi người. Vì thiếu tự tin nên họ luôn cảm thấy sợ hãi khi người khác quan sát và nhìn chằm chằm vào bản thân. Để xoa dịu nỗi sợ của bản thân, bệnh nhân né tránh tất cả các tình huống xã hội trong khả năng của mình.

hội chứng sợ bị người khác nhìn
Người mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với những người xung quanh

Người bị hội chứng sợ bị người khác nhìn sẽ phải đối mặt với những vấn đề như cơ hội nghề nghiệp thấp, khó thăng tiến, thu nhập không ổn định, ít bạn bè và đôi khi chỉ duy trì mối quan hệ với những người thân trong gia đình. Sự lo lắng và sợ hãi dai dẳng về việc bị người khác nhìn cũng gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất như mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tiền đình,…

Cách vượt qua hội chứng sợ bị người khác nhìn

Khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu của hội chứng sợ bị người khác nhìn, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị. Các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và yêu cầu thực hiện xét nghiệm để loại trừ những khả năng khác có thể xảy ra. Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn. Liệu pháp này được thực hiện bằng hình thức trò chuyện nhằm giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ sai lầm, từ đó giảm bớt đi sự sợ hãi và thoải mái hơn khi giao tiếp bằng mắt.

Quá trình trị liệu tâm lý sẽ mất khá nhiều thời gian vì chuyên gia phải xây dựng được mối quan hệ thân thiết với bệnh nhân. Nếu không, bản thân người bệnh cũng có thể sợ hãi trước ánh nhìn của chuyên gia trị liệu. Chuyên gia sẽ đánh giá kỹ lưỡng về tình trạng của từng trường hợp để có hướng tiếp cận phù hợp nhất.

hội chứng sợ bị người khác nhìn
Trị liệu tâm lý là giải pháp hiệu quả nhất đối với hội chứng sợ bị người khác nhìn

Hiện nay, liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp tiếp xúc được đánh giá là mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn.

  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn lo âu nói chung và người mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn nói riêng. Hội chứng này giúp bệnh nhân tiếp cận từ từ với nỗi sợ dưới sự giám sát của chuyên gia tâm lý. Chuyên gia sẽ đồng hành cùng với bệnh nhân và hướng dẫn người bệnh các kỹ năng để có thể khống chế nỗi sợ, sự lo lắng và bất an. Dần dần, bệnh nhân sẽ tăng dần việc tiếp xúc với nỗi sợ và học cách vượt qua nỗi sợ của bản thân.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Liệu pháp nhận thức hành vi đặt ra mục tiêu là thay đổi những suy nghĩ, quan niệm sai lầm của người bệnh. Từ đó giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi sợ và thay đổi các hành vi không phù hợp (hành vi né tránh các tình huống xã hội). Hiện nay, liệu pháp nhận thức hành vi được đánh giá là phương pháp trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Đa số bệnh nhân bị hội chứng sợ bị người khác nhìn đều có đáp ứng tốt khi can thiệp liệu pháp này.

Thời gian trị liệu thường sẽ kéo dài khoảng 12 tuần hoặc hơn tùy theo tâm lý của từng bệnh nhân. Nhìn chung, phương pháp này mang lại hiệu quả cao nhưng đòi hỏi sự hợp tác từ người bệnh. Ở những người có các rối loạn tâm thần đi kèm, trị liệu tâm lý cũng giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát triệu chứng và giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài.

2. Sử dụng thuốc

Thuốc không có hiệu quả trong việc kiểm soát nỗi sợ. Tuy nhiên, dùng thuốc sẽ giúp làm giảm sự lo lắng, căng thẳng và các vấn đề thể chất do hội chứng sợ bị người khác nhìn gây ra (mất ngủ, bồn chồn, tăng nhịp tim, đánh trống ngực,…). Ngoài ra, sử dụng thuốc cũng giúp nâng cao tâm trạng và nâng đỡ bệnh nhân trong quá trình trị liệu tâm lý.

Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc an thần, giải lo âu
  • Thuốc chẹn beta
  • Các viên uống, thuốc bổ thần kinh

Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải dùng thêm một số nhóm thuốc khác để điều trị các rối loạn tâm thần đi kèm. Các loại thuốc trên đều tiềm ẩn rủi ro và tác dụng ngoại ý trong quá trình điều trị. Do đó, bệnh nhân cần chú ý các biểu hiện bất thường để kịp thời xử trí, khắc phục.

3. Các biện pháp tự cải thiện

Bản thân người mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn có thể nhận thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý và không cần thiết nhưng không thể nào kiểm soát. Trên thực tế, không dễ dàng gì để vượt qua nỗi sợ của bản thân. Những lời khuyên hữu ích sau sẽ giúp bệnh nhân phần nào kiểm soát được nỗi sợ bị người khác nhìn:

hội chứng sợ bị người khác nhìn
Bệnh nhân mắc hội chứng sợ bị người khác nhìn nên tham gia vào các hội nhóm để có kinh nghiệm vượt qua nỗi sợ
  • Học cách đối phó với tình huống gây sợ hãi: Mặc dù cố gắng né những tình huống xã hội nhưng bệnh nhân sẽ khó có thể tránh hoàn toàn ánh nhìn của người khác. Khi đối mặt với tình huống này, bệnh nhân nên nhắm mắt lại để giảm sự kích thích từ môi trường. Sau đó, hít thở chậm và sâu, chỉ chú ý đến cơ thể và không bận tâm đến những yếu tố xung quanh. Khi nỗi sợ đã được kiểm soát, nên tìm đến không gian yên tĩnh và ít người để cảm thấy an toàn, thoải mái nhất.
  • Trang bị kiến thức về bệnh: Để vượt qua hội chứng sợ bị người khác nhìn, bệnh nhân nên chủ động trang bị kiến thức về bệnh. Những hiểu biết về hội chứng này sẽ giúp người bệnh ý thức được việc điều trị là cần thiết và hiểu rằng không chỉ có bản thân phải đối mặt với nỗi sợ.
  • Ngồi thiền: Ngồi thiền đã được công nhận là liệu pháp hỗ trợ trong điều trị nhiều vấn đề tâm lý, tâm thần. Liệu pháp này giúp bệnh nhân kiểm soát sự căng thẳng, lo lắng và sợ hãi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thói quen ngồi thiền sẽ giúp tăng khả năng chịu đựng và giữ sự bình tĩnh tốt hơn. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát sự sợ hãi và lo lắng khi đối mặt với ánh nhìn chằm chằm, dò xét từ người khác.
  • Tham gia vào các hội nhóm: Hội chứng sợ bị người khác nhìn ảnh hưởng đến không ít người. Vì vậy, bệnh nhân có thể tham gia vào các hội nhóm để được chia sẻ, thấu hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ những người khác. Ngoài ra, việc tham gia vào các hội nhóm cũng sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt sự sợ hãi đối với hoạt động giao tiếp và tự tin hơn về bản thân.
  • Các biện pháp thư giãn: Những người bị hội chứng sợ bị người khác nhìn thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng do sự sợ hãi và lo lắng chi phối. Do đó, nên trang bị cho bản thân các biện pháp thư giãn như nghỉ ngơi, đọc sách, xem phim, tập thể dục, ngủ đủ giấc,… Những biện pháp này sẽ giúp giải tỏa stress và ổn định tâm trạng. Từ đó giúp người bệnh thoải mái hơn, tăng khả năng chịu đựng với những tình huống gây ra sự sợ hãi và lo lắng.
  • Chia sẻ với những người xung quanh: Vì luôn né tránh ánh nhìn của người khác nên bệnh nhân rất khó hòa nhập và duy trì các mối quan hệ. Do đó, bệnh nhân nên thẳng thắn chia sẻ với mọi người về tình trạng sức khỏe của mình. Khi hiểu rõ điều này, mọi người sẽ hạn chế hướng ánh nhìn về phía bạn và tìm ra giải pháp giao tiếp phù hợp hơn để trao đổi công việc (gọi điện thoại, nhắn tin,…).

ads chuyên gia tâm lý cao kim thắm

Hội chứng sợ bị người khác nhìn là một dạng rối loạn lo âu phổ biến. Hội chứng này cần được điều trị sớm để giảm thiểu ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nhìn chung nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân vẫn có thể hòa nhập với mọi người và học tập, làm việc một cách hiệu quả.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *