Hội chứng chân không yên (Willis-Ekbom) và giải pháp cải thiện

Hội chứng chân không yên (RLS) là một dạng rối loạn vận động rất phổ biến ở người cao tuổi. Hội chứng này không đe dọa đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc hoặc có thể cải thiện bằng một số biện pháp tại nhà.

hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là một dạng rối loạn vận động thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 5 – 10% dân số

Hội chứng chân không yên?

Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome – RLS) còn được biết đến với tên gọi là bệnh Willis-Ekbom hoặc hội chứng chân bồn chồn. Thuật ngữ này đề cập đến một dạng rối loạn vận động đặc trưng bởi những cơn xung động không thể kiểm soát, dẫn đến tình trạng muốn cử động chân, tay và một số cơ quan khác trên cơ thể. Hội chứng chân không yên ảnh hưởng chủ yếu đến chân nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra ở các cơ quan khác.

Nếu không cử động, chân, tay và một số bộ phận khác sẽ xuất hiện cảm giác châm chích, kiến bò, khó chịu, buồn bực và nhức mỏi. Cảm giác này thôi thúc người bệnh cử động chân, tay,… thường xuyên. Khi cử động, cảm giác khó chịu, dị cảm sẽ thuyên giảm rõ rệt. Các triệu chứng của bệnh Willis-Ekbom thường xảy ra vào buổi tối, nhất là khi ngồi hoặc nằm.

Hội chứng chân không yên là bệnh lý rất phổ biến với tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 5% dân số Châu Á và 8 – 10% dân số Châu Âu. Hội chứng này gặp nhiều hơn ở người già nhưng cũng có thể xảy ra ở một số người trẻ tuổi và trung niên.

Cảm giác chân “không yên” khiến nhiều người phải đi lại và cử động chân liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng hội chứng này cần được điều trị để giảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên đặc trưng bởi nhu cầu cử động một phần cơ thể, thường là chân, cánh tay hoặc những cơ quan khác. Người bệnh không thể cưỡng lại nhu cầu này. Nếu để yên, các cơ quan sẽ xuất hiện cảm giác nhức mỏi, châm chích, kiến bò,… Trong khi đó, việc cử động sẽ giúp người bệnh giảm cảm giác khó chịu rõ rệt.

hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên đặc trưng bởi nhu cầu cử động chân không thể cưỡng lại đi kèm với cảm giác kiến bò, dị cảm,…

Hội chứng chân không yên có biểu hiện khá rõ rệt. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết hội chứng này:

  • Nhu cầu cử động chân, tay,…: Triệu chứng điển hình nhất của hội chứng chân không yên là luôn có nhu cầu cử động chân, tay. Người bệnh có các xung động, từ đó thôi thúc muốn cử động chân tay liên tục và không thể cưỡng lại được nhu cầu này. Cảm giác muốn cử động chân, tay thường xuất hiện vào ban đêm, đặc biệt là khi nằm hoặc ngồi.
  • Có cảm giác khó chịu ở chân, tay: Nếu không cử động chân, tay,… các cơ quan này sẽ xuất hiện những cảm giác khó chịu như bỏng rát, đau nhức, kiến bò, ngứa ngá. Ngoài ra, bản thân người bệnh cũng sẽ có cảm giác khó chịu và buồn bực.
  • Giảm cảm giác khó chịu khi cử động: Khi đi lại hoặc cử động chân, tay,… như duỗi chân tay, xoa bóp, gồng bắp thịt, cảm giác khó chịu sẽ giảm đi đáng kể. Tình trạng này khiến cho nhiều bệnh nhân phải đi lại liên tục vào ban đêm để giảm cảm giác khó chịu. Từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và làm suy nhược cơ thể.
  • Biểu hiện nặng hơn về chiều tối và ban đêm: Các triệu chứng của bệnh Willis-Ekbom thường sẽ xuất hiện vào ban đêm nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện vào ban ngày. Khi về đêm, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn làm gián đoạn và ảnh hưởng sâu sắc đến giấc ngủ.

Cảm giác khó chịu ở chân, tay và một số cơ quan khác khiến người bệnh phải liên tục cử động ngay cả trong khi ngủ. Từ đó gây ra hội chứng cử động chân theo chu kỳ (PLMD). Thống kê cho thấy, khoảng 80% người bị bệnh Willis-Ekbom đều phát triển hội chứng này.

Hội chứng cử động chân tay theo chu kỳ đặc trưng bởi sự co giật, cử động của chi dưới theo chu kỳ khoảng 20 – 40 giây. Trong giấc ngủ, bệnh nhân hoàn toàn không nhận thức được việc chi dưới đang cử động và cũng không có cảm giác bất thường ở các chi.

Nguyên nhân gây hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến người trưởng thành. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ – đặc biệt là những người mắc các bệnh lý liên quan đến thần kinh ngoại biên.

Dựa vào nguyên nhân, bệnh Willis-Ekbom được chia thành 2 nhóm là nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát đề cập đến những trường hợp mắc bệnh do di truyền, bẩm sinh. Trong khi đó, thứ phát đề cập đến những trường hợp mắc phải do thiếu chất hoặc ảnh hưởng của một số vấn đề sức khỏe khác.

hội chứng chân bồn chồn
Nguy cơ bị hội chứng chân bồn chồn tăng lên đáng kể nếu gia đình có người mắc hội chứng này

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây hội chứng chân không yên. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh:

  • Di truyền: Di truyền đã được xác định là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể nếu gia đình có tiền sử mắc hội chứng này hoặc hội chứng cử động chân theo chu kỳ. Nếu bố mẹ ruột mắc bệnh, nguy cơ ở con cái lên đến 92%. Hiện tại, các nhà khoa học đã tìm thấy 4 gen có liên quan đến bệnh Willis-Ekbom.
  • Thiếu hụt dopamin: Thiếu hụt dopamin ở một số khu vực bên trong não bộ đã được xác định có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh Willis-Ekbom. Mặc dù cơ chế chưa được biết rõ nhưng đa phần bệnh nhân đều bị thiếu hụt dopamin. Các chuyên gia cho rằng, thiếu dopamin gây rối loạn chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ và vô tình thôi thúc cảm giác muốn cử động chân, tay liên tục.
  • Ảnh hưởng của các vấn đề sức khỏe: Hội chứng chân không yên có thể là hệ quả của một số vấn đề sức khỏe như thiếu máu, suy giáp, suy nhược cơ thể, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh Parkinson, đau cơ xơ hóa, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thận,…
  • Mang thai: Mang thai là điều kiện thuận lợi để phát triển hội chứng chân không yên. Sự thay đổi của hormone và áp lực từ sự giãn nở của tử cung là những yếu tố có thể gia tăng cảm giác khó chịu, thôi thúc nhu cầu cử động chân tay và một số cơ quan khác.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên như các loại thuốc trầm cảm, thuốc an thần,…

Dù không phải là nguyên nhân nhưng những thói quen không lành mạnh như uống rượu bia, sử dụng thuốc lá, caffeine,… có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của hội chứng chân không yên.

Hội chứng chân không yên có nguy hiểm không?

Hội chứng chân không yên là chứng rối loạn vận động thường gặp và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, hội chứng này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và có thể gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm lý.

Như đã đề cập, bệnh Willis-Ekbom thường gây ra cảm giác khó chịu ở chân, tay vào ban đêm. Cảm giác này thôi thúc bệnh nhân phải đi lại và cử động liên tục gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ bị gián đoạn sẽ gây ra cảm giác mệt mỏi, thiếu tập trung và uể oải vào ban ngày.

Thiếu ngủ còn gia tăng các vấn đề sức khỏe thể chất như đau đầu, thiếu máu, suy nhược cơ thể, rối loạn tiền đình, cao huyết áp,… Những phiền toái do hội chứng chân không yên khiến một số bệnh nhân phát triển chứng trầm cảm.

Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng hội chứng chân không yên cần phải được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Điều trị sớm cũng sẽ hạn chế ảnh hưởng đối với những người xung quanh bởi thói quen cử động chân khi ngủ sẽ làm phiền đến giấc ngủ của người bên cạnh.

Chẩn đoán hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên (RLS) được chẩn đoán chủ yếu thông qua biểu hiện lâm sàng. Thông qua các triệu chứng thu thập, bác sĩ có thể khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra. Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện để loại trừ những vấn đề sức khỏe khác có triệu chứng tương tự.

hội chứng chân bồn chồn
Chẩn đoán hội chứng chân bồn chồn chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng

Các kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán hội chứng chân không yên:

  • Khai thác tiền sử bệnh lý của cá nhân, gia đình
  • Thu thập triệu chứng bệnh nhân gặp phải
  • Khám sức khỏe toàn diện
  • Xét nghiệm máu
  • Đo đa ký giấc ngủ

Hội chứng chân không yên sẽ được chẩn đoán khi đáp ứng được các tiêu chí sau:

  • Có cảm giác khó chịu ở bên trong bắp thịt ở chân, tay và một số cơ quan khác. Cảm giác này thôi thúc nhu cầu cử động chân, tay liên tục.
  • Triệu chứng thường xuất hiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn khi nghỉ ngơi (nằm hoặc ngồi)
  • Cảm giác khó chịu giảm đi đáng kể khi đi lại, duỗi tay, chân, gồng các cơ,…
  • Các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn vào ban đêm
  • Triệu chứng gặp phải không phải do các vấn đề sức khỏe khác

Các phương pháp điều trị hội chứng chân không yên

Điều trị hội chứng chân không yên phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Về cơ bản, hội chứng này không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ gây khó chịu và làm cản trở giấc ngủ. Do đó, nếu không cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp cải thiện không dùng thuốc. Thuốc điều trị sẽ được cân nhắc sử dụng trong trường hợp bệnh có mức độ nghiêm trọng.

Nhìn chung, các phương pháp điều trị đều mang lại kết quả khả quan và bệnh nhân có thể cải thiện chất lượng cuộc sống chỉ sau một thời gian ngắn. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng trong điều trị bệnh Willis-Ekbom:

1. Các biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc được áp dụng cho những trường hợp bệnh nhẹ. Ngoài ra, những trường hợp nặng cũng sẽ được chỉ định các biện pháp này trước. Sau khi xem xét mức độ cải thiện, bác sĩ mới cân nhắc dùng thuốc điều trị để hạn chế tối đa những can thiệp không cần thiết.

Các biện pháp không dùng thuốc có ưu điểm là lành tính và ít tốn kém. Nếu kiên trì thực hiện, cảm giác khó chịu ở chân, tay và một số cơ quan khác sẽ giảm đi rõ rệt.

Các biện pháp không dùng thuốc giúp cải thiện hội chứng chân bồn chồn bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên là biện pháp hữu hiệu nhất đối với hội chứng chân không yên. Các bộ môn như đạp xe, đi bộ, yoga,… có thể làm giảm cảm giác khó chịu ở chân/ tay. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng cường độ dẻo dai của xương khớp. Tuy nhiên, nên lưu ý tránh tập thể dục nặng và hạn chế các bộ môn cường độ cao.
  • Hạn chế chất kích thích: Tránh sử dụng bia rượu, thuốc lá và caffeine có thể giảm phần nào cảm giác khó chịu do hội chứng chân không yên. Ngoài ra, kiêng các thói quen này còn đảm bảo chất lượng giấc ngủ, hạn chế tình trạng khó ngủ và mất ngủ.
  • Chườm nóng/ lạnh: Khi có cảm giác khó chịu ở chân/ tay, bệnh nhân có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để xoa dịu. Cách này mang lại hiệu quả khá tốt và có thể thực hiện nhiều lần mà không lo ngại về tác dụng phụ.
  • Các kỹ thuật thư giãn: Căng thẳng có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của bệnh Willis-Ekbom. Do đó, bệnh nhân nên tập yoga, ngồi thiền, nghe nhạc tần số cao, uống trà thảo mộc,… để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. Ngoài ra, các biện pháp thư giãn còn giúp giảm lo âu và trầm cảm ở người bị hội chứng chân không yên.
  • Chế độ ăn uống hợp lý: Thiếu sắt và magie có thể làm nghiêm trọng hội chứng chân bồn chồn. Vì vậy, bệnh nhân có thể cải thiện bệnh bằng cách bổ sung nhóm thực phẩm giàu magie, sắt,… Đồng thời nên tăng cường rau xanh, trái cây, các loại thịt trắng và hạn chế dầu mỡ, gia vị để cải thiện sức khỏe toàn diện.
  • Vệ sinh giấc ngủ: Hội chứng chân bồn chồn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ như tránh chất kích thích, không dùng điện thoại khi nằm trên giường, hạn chế tiếng ồn, ánh sáng mạnh vào ban đêm,… để đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Một số biện pháp khác: Ngoài những biện pháp trên, bệnh nhân có thể thử một số biện pháp khác như xoa bóp, bấm huyệt, ngâm mình trong bồn nước ấm,… để giảm cảm giác khó chịu do bệnh Willis-Ekbom gây ra.

Trong trường hợp bị hội chứng chân không yên do tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân sẽ được chỉ định loại thuốc thay thế. Ngoài ra, thay đổi thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ cũng có thể hạn chế cảm giác “bồn chồn”, “không yên” ở chi dưới vào ban đêm.

2. Dùng thuốc điều trị

Sử dụng thuốc được cân nhắc khi các triệu chứng của bệnh Willis-Ekbom xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Đa phần thuốc được dùng để điều trị bệnh lý này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, bệnh nhân cần kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng hiệu quả.

bệnh Willis-Ekbom
Thuốc được sử dụng khi hội chứng chân không yên ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và không cải thiện hoàn toàn bằng các biện pháp tại nhà

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị hội chứng chân không yên:

  • Thuốc đồng vận dopamin: Thuốc đồng vận dopamin mang lại hiệu quả cao trong điều trị hội chứng chân không yên. Trong đó, Levodopa là loại thuốc mang lại tác dụng tốt nhưng nhiều tác dụng phụ nên ít được sử dụng. Các bác sĩ thường ưu tiên dùng Rotigotine, Pramipexole, Ropinirole,… Ở nước ta, Bộ Y tế chỉ cho phép sử dụng Pramipexole trong điều trị hội chứng này.
  • Thuốc chống động kinh: Thuốc chống động kinh có thể làm chậm hoặc ngăn chặn hoàn toàn tín hiệu “đau” ở dây thần kinh ngoại biên. Do đó, nhóm thuốc này có thể sử dụng để giảm đau nhức, khó chịu do hội chứng chân bồn chồn gây ra. Các loại thuốc chống động kinh thường được sử dụng bao gồm Gabapentin, Carbamazepine,…
  • Thuốc an thần benzodiazepines: Nhóm thuốc này thường được sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng nặng và bị mất ngủ dai dẳng, kéo dài. Ngoài ra, thuốc an thần benzodiazepines còn giúp xoa dịu cảm giác lo lắng, căng thẳng ở một số bệnh nhân. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Clonazepam.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid): Thuốc giảm đau gây nghiện (Methadone, Propoxyphene, Oxycodone,…) cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh Willis-Ekbom. Tuy nhiên, vì thuốc có nguy cơ gây nghiện nên chỉ được dùng khi các nhóm thuốc còn lại không mang lại hiệu quả.
  • Viên uống sắt: Trong trường hợp nồng độ ferritin trong máu thấp, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm viên uống sắt. Sắt được hấp thu tốt khi đói và đặc biệt là vào sáng sớm. Do đó, cần chú ý uống sắt vào thời điểm thích hợp để đạt được kết quả tốt nhất.

Hội chứng chân không yên (bệnh Willis-Ekbom) là một rối loạn vận động thường gặp. Mặc dù không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng hội chứng này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Do đó, bệnh nhân không nên chủ quan khi gặp phải các biểu hiện bất thường. Can thiệp điều trị sớm sẽ giúp hạn chế nguy cơ phải dùng thuốc và có thể kiểm soát bệnh bằng một số biện pháp đơn giản, an toàn.

Tham khảo thêm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *