Hội chứng rối loạn nhai lại là gì? Biểu hiện và cách chữa trị
Rối loạn nhai lại (Rumination Disorder) là chứng bệnh hiếm gặp và mãn tính có thể liên quan đến một số bệnh tâm lý và rất dễ gây tổn thương thực quản. Đặc trưng của chứng bệnh này là tình trạng nôn trớ sau ăn rất dễ dàng và nhai lại thức ăn trào ngược trong vô thức. Cần sớm can thiệp điều trị để tránh gây phiền toái cho cuộc sống và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hội chứng rối loạn nhai lại là gì?
Rối loạn nhai lại (Rumination Disorder) là một hội chứng rối loạn ăn uống chỉ mới được công nhận trong những năm gần đây. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng trào ngược thức ăn chưa được tiêu hóa từ dạ dày lên miệng (nôn trớ). Người bệnh thường nhai thức ăn trào ngược và nuốt lại hoặc có thể nhổ ra.
Ở hội chứng nhai lại, thức ăn sẽ trào ra rất dễ dàng, không được tiết ra một cách chủ động. Những người mắc chứng bệnh này thường sẽ ăn một bữa, sau đó sẽ nôn trớ ra thức ăn trong vòng 30 phút. Có thể kèm theo cảm giác ợ hơi và thường không kèm theo cảm giác buồn nôn hay nôn ói.
Hội chứng nhai lại thường gặp chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng đôi khi cũng có khả năng xảy ra ở người trưởng thành. Đối với trẻ sơ sinh, hội chứng này có thể tự thuyên giảm sau khoảng 3 – 12 tháng. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ và người trưởng thành thì cần phải can thiệp điều trị.
Biểu hiện của hội chứng rối loạn nhai lại
Tần suất và mức độ nghiêm trọng của hội chứng rối loạn nhai lại ở mỗi người sẽ là khác nhau. Tuy nhiên thông thường, một người sẽ có xu hướng trào ngược thức ăn trong vòng nửa giờ sau khi ăn. Thức ăn trớ ra chưa trộn lẫn với axit dạ dày và không có mùi vị khó chịu. Do đó có thể nhai lại và nuốt hoặc nhổ ra bên ngoài.
Các triệu chứng khác có thể đi kèm bao gồm:
- Nôn trớ không bị ép buộc, không có trước bằng cách thụt rửa
- Ợ hơi trước khi nôn trớ
- Khó chịu ở vùng bụng, thuyên giảm sau khi thức ăn trào ra ngoài
- Chứng hôi miệng mãn tính
- Giảm cân, mặc dù không có dự định hoặc không được lên kế hoạch
- Môi nứt nẻ
Ngoài ra, hội chứng nhai lại còn có thể tạo ra tâm lý lo lắng và bối rối. Tình trạng này thường xuất phát từ việc không kiểm soát được cơn nôn trớ. Theo thời gian, người bệnh có thể phát triển các triệu chứng sau:
- Mòn men răng hoặc sâu răng
- Chán nản
- Lo lắng
- Suy dinh dưỡng
- Bỏ qua các cuộc ăn uống giao lưu hoặc sự kiện xã hội
Nguyên nhân gây hội chứng rối loạn nhai lại
Mặc dù đã có khá nhiều nghiên cứu nhưng nguyên nhân chính xác của hội chứng rối loạn nhai lại vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì nó dường như có liên quan đến sự gia tăng áp lực bên trong ổ bụng.
Hội chứng nhai lại thường bị nhầm lẫn với chứng cuồng ăn Bulimia, chứng liệt dạ dày và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một số người mắc hội chứng nhai lại liên quan tới rối loạn di chuyển trực tràng. Trong đó sự phối hợp kém của các cơn sàn chậu dẫn tới táo bón mãn tính.
Rối loạn nhai lại từ lâu đã được biết là xảy ra phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và những người bị khuyết tật về phát triển. Rõ ràng là tình trạng này không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác vì nó có khả năng xảy ra ở cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.
Hội chứng nhai lại có thể là một cách để đối phó với cảm xúc đau khổ, sau đó nó có khả năng trở thành một thói quen khó bỏ. Nó có thể xảy ra ở những người mắc phải các rối loạn tâm lý. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Rối loạn nhai lại có nguy hiểm không?
Như đã phân tích, rối loạn nhai lại đặc trưng bởi hiện tượng trào ngược và nhai lại thức ăn. Điều này khiến cho người bệnh có cảm giác không thoải mái khi ăn uống cùng với người khác. Ngoài ra rối loạn này còn khiến người bệnh sợ ăn uống, họ thường chỉ dung nạp rất ít thức ăn.
Hầu hết những người mắc chứng bệnh này đều phải đối mặt với các tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Trẻ em bị hội chứng nhai lại thường chậm phát triển về cân nặng và chiều cao. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị mòn răng, hôi miệng, lúng túng và có xu hướng cách ly xã hội.
Chẩn đoán hội chứng rối loạn nhai lại
Chẩn đoán hội chứng rối loạn nhai lại có thể là một quá trình phức tạp. Nguyên nhân là do các tình trạng y tế khác phải được bác sĩ loại trừ. Các thủ tục tốn kém hay các thử nghiệm phải chờ đợi kết quả cũng có thể làm chậm quá trình.
Xét nghiệm sẽ được thực hiện để loại trừ những nguyên nhân đường tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng. Chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) (axit dạ dày đi vào thực quản), chứng đau bụng (rối loạn nhu động của thực quản) và chứng liệt dạ dày (trong đó dạ dày mất quá nhiều thời gian để làm rỗng chất chứa).
Các xét nghiệm được thực hiện có thể bao gồm:
- Nội soi thực quản: Xét nghiệm này cho phép bác sĩ kiểm tra thực quản, dạ dày cùng với tá tràng nhằm loại trừ bất cứ tắc nghẽn nào. Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ để nghiên cứu thêm.
- Làm rỗng dạ dày: Quy trình này cho phép bác sĩ biết mất bao lâu để thức ăn đi hết khỏi dạ dày. Ngoài ra, một hình thức khác của thử nghiệm này còn có thể đo thời gian thức ăn di chuyển qua ruột non và ruột kết.
- Áp kế thực quản: Giúp xác định xem vấn đề có liên quan đến chính thực quản hay không? Trường hợp có thì ở bộ phận nào và mức độ ra sao? Xét nghiệm này thường được sử dụng để phát hiện rối loạn chức năng vận động thực quản.
Sau khi bác sĩ tiêu hóa loại bỏ các nguyên nhân vật lý gây ra các triệu chứng liên quan thì bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể chẩn đoán rối loạn nhai lại. Chẩn đoán được thực hiện dựa theo các tiêu chí được liệt kê trong DSM-5:
- Thức ăn được nôn ra trong vòng ít nhất 1 tháng, có hoặc không nhai lại và nuốt.
- Nôn trớ không liên quan tới bất cứ tình trạng sức khỏe thể chất nào.
- Trình trạng nôn trớ hoặc các triệu chứng khác không liên quan tới bất cứ rối loạn ăn uống nào khác. Bao gồm chứng cuồng ăn Bulimia, chán ăn tâm thần hoặc rối loạn ăn uống vô độ.
- Nếu tình trạng nôn trớ xảy ra cùng với một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác chẳng hạn như rối loạn lo âu hay rối loạn phát triển thần kinh thì triệu chứng phải đủ nghiêm trọng để có một cuộc kiểm tra và chẩn đoán riêng biệt.
Cách điều trị hội chứng rối loạn nhai lại
Việc điều trị hội chứng rối loạn nhai lại có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tuổi của người bệnh cũng như tình trạng sức khỏe tâm thần đi kèm. Các biện pháp hữu ích bao gồm:
1. Liệu pháp hành vi
Phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn nhai lại là liệu pháp hành vi để sớm chấm dứt tình trạng nôn trớ. Liệu pháp hành vi thường được chỉ định cho hội chứng này là thở bằng cơ hoành.
Cơ hoành là một cơ lớn có hình vòm nằm ở đáy phổi. Thở bằng cơ hoành có thể giúp bạn thư giãn khối cơ này. Đồng thời sử dụng nó một cách chính xác khi thở nhằm tăng cường sức mạnh.
Hướng dẫn thở bằng cơ hoành để giúp kiểm soát tình trạng nôn trớ:
- Nằm ngửa trên giường, đỡ đầu và co đầu gối lên. Bạn có thể sử dụng một chiếc gối kê dưới đầu gối để hỗ trợ chân. Ngoài ra có thể ngồi ở tư thế “thiền định”. Đặt một tay lên ngực trên còn tay kia đặt ngay dưới khung xương sườn. Điều này cho phép bạn cảm thấy sự di chuyển của cơ hoành khi thở.
- Hít vào từ từ bằng mũi để cho bụng của bạn hướng ra ngoài so với bàn tay. Giữ bàn tay đặt trên ngực càng yên càng tốt. Bàn tay đặt trên bụng hướng ra ngoài theo từng nhịp thở chậm và di chuyển vào khi thở ra.
- Siết cơ bụng để chúng tụt vào bên trong khi bạn thở ra bằng đôi môi mím chặt lại. Tay đặt trên ngực trên cần được giữ yên càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, đối với những người không bị khuyết tật phát triển mắc hội chứng nhai lại thì có thể áp dụng liệu pháp hành vi đảo ngược thói quen. Mọi người học cách nhận biết khi nào sự nhai lại xảy ra. Lúc này sẽ thực hiện giải pháp thở bằng cơ hoành như hướng dẫn ở trên.
Phản hồi sinh học cũng là một phần của liệu pháp hành vi đối với rối loạn nhai lại. Trong quá trình phản hồi sinh học, hình ảnh có thể giúp bạn hoặc con bạn học các kỹ năng thở bằng cơ hoành nhằm chống lại tình trạng nôn trớ. Riêng đối với trẻ sơ sinh, điều trị thường tập trung vào vấn đề làm việc với cha mẹ hoặc người chăm sóc nhằm thay đổi môi trường và hành vi của trẻ tốt hơn.
2. Sử dụng thuốc
Hội chứng nhai lại có thể kích hoạt phản ứng nôn trớ thường xuyên gây hại cho thực quản. Trong nhiều trường hợp còn khiến cho niêm mạc thực quản bị tổn thương và làm gia tăng nguy cơ viêm loét.
Lúc này bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc ức chế bơm proton để bảo vệ niêm mạc thực quản cho tới khi liệu pháp hành vi làm giảm tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng nôn trớ.
Hai loại thuốc được kê toa phổ biến nhất bao gồm:
- Esomeprazole (Nexium)
- Omeprazole (Prilosec)
Ngoài ra, một số người mắc hội chứng nhai lại còn có thể được hưởng lợi từ việc điều trị bằng các loại thuốc giúp thư giãn dạ dày sau khi ăn. Tuy nhiên bất cứ loại thuốc nào cũng cần phải được sử dụng theo chỉ định từ bác sĩ. Nếu có bất thường xảy ra, hãy báo cho bác sĩ được biết để có sự điều chỉnh kịp thời.
3. Các kỹ thuật thư giãn
Bên cạnh việc áp dụng phương pháp thở bằng cơ hoành và sử dụng một số loại thuốc trong các trường hợp thật sự cần thiết thì những người bị rối loạn nhai lại có thể được hưởng lợi từ các kỹ thuật thư giãn.
Hai giải pháp được ưu tiên chính là tập yoga và đi bộ đường dài. Chúng giúp làm giảm căng thẳng rất hiệu quả. Hơn nữa còn mang đến vô vàn lợi ích cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Ngoài ra, những người mắc hội chứng nhai lại còn được khuyên là nên ghi nhật ký hoặc ghi lại cảm giác mỗi lần bị nôn trớ. Hãy chủ động nói chuyện với bác sĩ hoặc tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý nếu bạn cảm thấy lo lắng hay chán nản.
Hội chứng rối loạn nhai lại thường không ảnh hưởng tới thói quen hằng ngày của một người. Và trên thực tế thì nhiều người mắc phải hội chứng này vẫn có thể sống lành mạnh. Tuy nhiên việc thăm khám và điều trị là rất cần thiết để giảm thiểu các vấn đề ảnh hưởng cũng như tránh khỏi những rắc rối mà chứng rối loạn này gây ra.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng Pica là gì? Triệu chứng và phương pháp điều trị
- 7 Chứng rối loạn ăn uống kỳ lạ xảy ra ở người mà ít ai biết
- Hoang tưởng bị hại: Biểu hiện và những ảnh hưởng gây ra
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!