Hiện tượng bóng đè là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý
Hiện tượng bóng đè thường gắn liền với những câu chuyện kỳ bí nhuốm màu tâm linh. Tuy nhiên trên thực tế, hiện tượng này là một dạng rối loạn giấc ngủ khá phổ biến. Hiểu rõ về bóng đè sẽ giúp bạn đọc biết cách xử lý và giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi khi gặp phải.
Hiện tượng bóng đè là gì?
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng trải qua hiện tượng bóng đè hay dân gian còn gọi bằng cái tên là ma đè. Trên thực tế, hiện tượng này thường gắn liền với những câu chuyện tâm linh kỳ quái. Thậm chí, không ít nơi lưu truyền những truyền thuyết về ma quỷ để lý giải cho hiện tượng bóng đè.
Bóng đè thực chất là một dạng rối loạn giấc ngủ không thực tổn (không có tổn thương thực thể ở não bộ) có tên khoa học là chứng liệt khi ngủ hay liệt trong giấc ngủ (Sleep Paralysis). Hiện tượng này có thể xảy ra trước khi ngủ hoặc sau khi thức dậy với đặc điểm là cơ thể tê liệt hoàn toàn, không thể cử động chân tay mặc dù ý thức vẫn tỉnh táo.
Một số người còn gặp phải ảo thanh và ảo ảnh khi bị tê liệt. Đây cũng là lý do bóng đè thường gắn liền với những câu chuyện nhuốm màu tâm linh. Theo thống kê của Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), chứng liệt khi ngủ thường xuất hiện lần đầu từ năm 14 – 17 tuổi và kéo dài suốt đời. Ước tính, khoảng 5 – 40% dân số đã từng gặp phải tình trạng này.
Bóng đè có thể đi kèm với các rối loạn giấc ngủ khác như chứng ngủ rũ, mất ngủ, giấc ngủ đến muộn và thức dậy nhiều lần vào ban đêm. Về bản chất, chứng liệt khi ngủ không nguy hiểm đến sức khỏe. Hiện tượng này hoàn toàn vô hại nên thường không phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bóng đè có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe đáng báo động.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè
Trong quan niệm của người Việt, bóng đè xảy ra khi cơ thể bị ma quỷ “đè” lên trên người nên chân tay không thể cử động mặc dù tâm trí hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt. Ngoài ra, những ảo thanh và ảo giác gặp phải khi bóng đè càng tăng thêm tính thuyết phục cho cách lý giải này.
Khi ngủ, toàn bộ cơ thể được thư giãn và các cơ không thể vận động. Trạng thái “thư giãn” này sẽ kết thúc sau khi thức dậy. Tuy nhiên, một số người có thể thức dậy ngay cả khi cơ thể vẫn đang trong trạng thái kể trên. Đây chính là hiện tượng bóng đè hay còn gọi là chứng liệt khi ngủ.
Hiện tại, đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè. Để xác định được nguyên nhân gây tê liệt khi ngủ, cần hiểu rõ đặc điểm của giấc ngủ.
Giấc ngủ của con người diễn ra theo chu kỳ và mỗi chu kỳ sẽ bao gồm 2 pha là pha cử động mắt nhanh (REM) và pha ngủ chậm (NREM). Một chu kỳ sẽ kéo dài khoảng 90 phút và pha NREM luôn luôn chiếm ưu thế. Trong pha ngủ chậm, cơ thể được thư giãn hoàn toàn. Ngược lại trong pha REM, cơ thể vẫn được thư giãn nhưng mắt chuyển động nhanh hơn, thân nhiệt tăng và các cơ quan cũng làm việc tích cực hơn.
Trong pha REM, giấc mơ có thể xuất hiện. Nhiều nghiên cứu cho rằng, bóng đè thực chất là giấc mơ với nội dung là bệnh nhân đã tỉnh giấc nhưng không thể nào cử động. Bởi giấc mơ xảy ra trong pha REM nên ý thức của bệnh nhân gần như tỉnh táo, tim đập nhanh, tăng thân nhiệt chỉ có các cơ vẫn đang trong trạng thái “thư giãn” nên không thể nào cử động.
Nếu thực sự chú ý, bệnh nhân có thể nhận ra những khác biệt về không gian trong lúc bị bóng đè và khi đã tỉnh dậy thực sự. Điều này càng củng cố thêm cho giả thuyết bóng đè thực chất là hiện tượng “tê liệt trong giấc mơ”.
Trung bình cứ khoảng 10 người thì có 4 người từng gặp phải hiện tượng bóng đè. Mặc dù cơ chế hình thành hiện tượng này đã được nghiên cứu rõ ràng nhưng các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Hiện tại, một số yếu tố sau đã được xác định có liên quan đến hiện tượng bóng đè.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ gặp phải hiện tượng bóng đè:
- Mắc chứng ngủ rũ hoặc ngưng thở khi ngủ
- Giờ giấc ngủ không ổn định do làm việc quá muộn, làm việc theo ca
- Có các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
- Mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, đau nửa đầu, rối loạn tiền đình,…
- Tiền sử gia đình bị rối loạn giấc ngủ nói chung và hiện tượng bóng đè nói riêng
- Vệ sinh giấc ngủ kém (không gian ngủ không thoải mái, quá nóng hoặc quá ồn, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá trước khi ngủ,…)
- Các chuyên gia nhận thấy, tư thế nằm ngửa dễ gặp phải hiện tượng bóng đè hơn so với nằm nghiêng.
- Thường xuyên căng thẳng cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị bóng đè.
Hiện tượng bóng đè thường sẽ xảy ra một vài lần trong đời. Nếu gặp phải chứng tê liệt khi ngủ thường xuyên, bạn nên đến kiểm tra bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần.
Nhận biết hiện tượng bóng đè
Bóng đè (chứng liệt khi ngủ) đặc trưng bởi tình trạng tê liệt cơ thể, tay chân không thể cử động mặc dù ý thức tỉnh táo. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số biểu hiện khác.
Các dấu hiệu nhận biết hiện tượng bóng đè:
- Không thể cử động cơ thể mặc dù ý thức tỉnh táo
- Có cảm giác ai đó hoặc thứ gì đó đang đè lên vùng ngực và thân mình
- Xuất hiện ảo giác hoặc ảo thanh, thường là những hình ảnh ghê rợn và âm thanh vang vọng
- Có cảm giác sợ hãi, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở, đau đầu,…
- Không thể nói chuyện trong suốt thời gian bị bóng đè
- Bóng đè có thể xảy ra một lần hoặc nhiều lần trong đêm
Hiện tượng bóng đè có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài phút hoặc sau khi bạn ngủ thiếp và tỉnh dậy sau đó. Ngoài ra, một số người có thể thoát khỏi cảm giác tê liệt khi có người chạm vào cơ thể. Phản ứng kỳ lạ này chính là nguyên nhân hình thành những cách lý giải có phần mê tín và tâm linh.
Bóng đè có thực sự nguy hiểm?
Như đã đề cập, bóng đè hoàn toàn vô hại. Trạng thái liệt khi ngủ sẽ tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn mà không cần phải điều trị. Ảnh hưởng duy nhất của hiện tượng này là cảm giác lo lắng và bất an khi không thể cử động, gặp phải ảo ảnh hoặc ảo thanh. Tìm hiểu về cơ chế và cách lý giải khoa học hiện tượng bóng đè sẽ giúp bạn giảm bớt sự sợ hãi, lo lắng khi gặp phải tình trạng này.
Chứng liệt khi ngủ là tình trạng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn vẫn nên can thiệp các biện pháp cải thiện và phòng ngừa để đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Bởi bóng đè xảy ra thường xuyên có thể làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trong trường hợp chứng liệt khi ngủ xảy ra quá thường xuyên, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và kiểm tra. Bởi bóng đè có thể là biểu hiện của một số vấn đề bệnh lý. Bên cạnh đó, hiện tượng bóng đè cũng có thể mắc đồng thời với chứng ngủ rũ.
Trường hợp này bắt buộc phải điều trị để phòng tránh tai nạn và những phiền toái xảy ra trong cuộc sống. Ngoài ra, kiểm soát kịp thời các rối loạn giấc ngủ cũng giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe và phòng ngừa các vấn đề liên quan đến tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ.
Chẩn đoán hiện tượng bóng đè
Hiện tượng bóng đè thường được chẩn đoán thông qua việc khai thác triệu chứng lâm sàng và hỏi bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể tiến hành thăm dò sâu hơn về giấc ngủ (đo đa ký giấc ngủ) để phát hiện chứng ngủ rũ hoặc ngưng thở khi ngủ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng bóng đè. Nếu nghi ngờ bóng đè là dấu hiệu cảnh báo các rối loạn tâm thần, bệnh nhân sẽ được đánh giá sức khỏe tâm thần và thực hiện một số trắc nghiệm tâm lý.
Cách khắc phục hiện tượng bóng đè (chứng liệt khi ngủ)
Bóng đè là hiện tượng khá phổ biến và vô hại nên không nhất thiết phải điều trị. Điều trị thường được cân nhắc khi hiện tượng này gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và xảy ra quá thường xuyên khiến bệnh nhân bị căng thẳng, lo lắng.
Các phương pháp được cân nhắc cho người gặp phải hiện tượng bóng đè (tê liệt khi ngủ):
1. Hướng dẫn cách xử lý khi bị bóng đè
Bóng đè có thể xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Khi gặp phải hiện tượng này, không ít người rơi vào trạng thái sợ hãi và lo lắng quá mức. Về bản chất, bóng đè là hiện tượng do rối loạn giấc ngủ và không nguy hiểm đến sức khỏe.
Khi gặp phải hiện tượng bóng đè, bạn có thể thực hiện một số cách xử lý sau:
- Bước đầu tiên bạn cần thực hiện là ý thức được rằng bóng đè thực chất là giấc mơ. Thay vì sợ hãi, có thể quan sát khung cảnh xung quanh để tìm ra sự khác biệt so với cảnh thực tế trong phòng ngủ. Điều này sẽ giúp bạn trấn an bản thân rằng bạn thực sự đang nằm mơ.
- Sau khi đã quan sát khung cảnh, bạn nên hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh.
- Bắt đầu cử động các ngón tay và ngón chân. Sau khi ngón tay cử động dễ dàng, tập trung sự chú ý vào một phần nào đó như tay hoặc chân. Sau đó dùng hết sức để vùng dậy.
- Một số người chọn cách nhắm mắt và tiếp tục ngủ. Sau khi thức dậy, bạn sẽ thoát khỏi hiện tượng bóng đè mà không cần nỗ lực vùng dậy như cách trên.
Bóng đè gây ra cảm giác khó chịu và sự sợ hãi nhất định. Nhiều người bị bóng đè vào ban đêm dẫn đến mất ngủ và khó ngủ trở lại. Trong trường hợp này, bạn nên can thiệp thêm một số phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp bóng đè có liên quan đến chứng ngủ rũ, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc. Thuốc sẽ giúp cải thiện chứng ngủ rũ, đồng thời giảm tần suất hiện tượng bóng đè và các triệu chứng có liên quan.
Nhóm thuốc thường được sử dụng là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũng được cân nhắc dùng khi người bệnh bị căng thẳng và lo lắng quá mức do bóng đè. Ngoài ra, những trường hợp bị bóng đè do thiếu ngủ, khó ngủ sẽ được xem xét dùng viên uống bổ sung hormone melatonin.
3. Liệu pháp tâm lý
Một số trường hợp sẽ phải can thiệp liệu pháp tâm lý để thoát khỏi hiện tượng bóng đè. Hiện tại, liệu pháp nhận thức hành vi là phương pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất. Liệu pháp này giúp bạn biết cách đối phó với chứng tê liệt khi ngủ, đồng thời giải quyết được những nguyên nhân và yếu tố gây ra hiện tượng bóng đè.
4. Vệ sinh giấc ngủ
Vệ sinh giấc ngủ là biện pháp chung cho tất cả các rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả hiện tượng bóng đè (chứng tê liệt khi ngủ). Mục tiêu của phương pháp này là cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm cảm giác buồn ngủ vào ban ngày. Qua đó giúp nâng cao sức khỏe, tăng khả năng tập trung khi học tập, làm việc,…
Để cải thiện chứng tê liệt khi ngủ, bạn có thể thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ sau:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban đêm. Có thể dùng đèn vàng để tạo cảm giác ấm cúng và giúp cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
- Vệ sinh không gian ngủ thường xuyên, đảm bảo phòng ngủ có nhiệt độ vừa phải, không quá ồn, mền gối phải được làm sạch để tránh cảm giác khó chịu và ngứa ngáy.
- Ăn tối trước 19:00 và không ăn đêm để tránh bị mất ngủ. Nếu thường xuyên bị bóng đè, bạn nên kiêng rượu bia, trà đặc và cà phê sau 12:00 trưa.
- Cố gắng ngủ và thức dậy vào giờ giấc cố định. Thói quen này sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học và giảm đi các rối loạn giấc ngủ.
- Tập thể dục hằng ngày để thư giãn, giải tỏa căng thẳng và kích thích tuyến tùng sản sinh melatonin. Tuy nhiên, không nên tập thể dục trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.
- Có thể ngồi thiền, uống trà thảo mộc, dùng máy xông tinh dầu, massage,… trước khi đi ngủ để dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn.
- Một vấn đề khác cần lưu ý là phải hạn chế thời gian ngủ vào ban ngày. Chỉ nên ngủ tối đa 30 phút và tránh ngủ hoàn toàn vào ban ngày nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ vào ban đêm.
- Nếu trằn trọc không ngủ được, bạn nên thức dậy sau đó thực hiện các hoạt động mà bản thân yêu thích như đọc sách, vẽ tranh,… cho đến khi có cảm giác buồn ngủ trở lại. Lúc này, bạn có thể trở lại giường để bắt đầu giấc ngủ.
- Nên dậy sớm để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ánh nắng giúp điều hòa đồng hồ sinh học và ổn định quá trình sản xuất hormone của cơ thể (bao gồm cả hormone melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ và ngủ sâu).
- Hạn chế uống quá nhiều nước vào ban đêm vì dễ gây mất ngủ do tiểu đêm nhiều lần.
Các biện pháp hạn chế hiện tượng bóng đè
Hiện tượng bóng đè có thể xảy ra nhiều lần trong suốt cuộc đời. Dù không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng không thể phủ nhận hiện tượng này gây ra cảm giác sợ hãi và khó chịu cho một số người. Để hạn chế chứng tê liệt khi ngủ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Hạn chế căng thẳng trong công việc, học tập và cuộc sống.
- Tránh làm những công việc có giờ giấc không ổn định. Thay vào đó, nên chọn công việc làm giờ hành chính để được nghỉ ngơi và ngủ đúng giờ.
- Xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ ăn cân bằng, dành thời gian nghỉ ngơi và tập thể dục đều đặn. Tránh xa rượu bia, chất kích thích và hạn chế sử dụng thức uống chứa caffeine.
- Điều trị tốt các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần như chứng ngủ rũ, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn,…
- Có thể chọn tư thế ngủ nghiêng để hạn chế bị bóng đè.
Hiện tượng bóng đè thực chất là chứng tê liệt khi ngủ. Hiện tượng này hoàn toàn vô hại và không nhất thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bóng đè gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tạo cảm giác căng thẳng và lo âu, bạn nên cân nhắc trị liệu.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng ăn đêm: Biểu hiện và Một số tác hại đến sức khỏe
- Mất Ngủ Khó Ngủ Vì Suy Nghĩ Nhiều Và Cách Khắc Phục
- Mất ngủ do stress, căng thẳng quá mức và biện pháp giải quyết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!